Ở một số quốc gia, trong đó có các quốc gia thuộc hệ thống các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ) coi trường hợp “say rượu bệnh lý” được loại trừ trách nhiệm hình sự. Vậy pháp luật hình sự Việt Nam quy định phạm tội khi say rượu, ngáo đá có phải chịu trách nhiệm hình sự không, nếu phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS), thì tình trạng say rượu được giảm nhẹ hay bị tăng nặng TNHS. Chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu.
Xem thêm bài viết về “Tình tiết giảm nhẹ“, “Tình tiết tăng nặng”
- Quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Tình tiết tăng nặng “Phạm tội có tổ chức” là gì? – LS. Nguyễn Lan Anh
Phạm tội khi ngáo đá, say rượu phải chịu trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015, người trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình (tình trạng “say rượu”, “ngáo đá”) do dùng rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác (Ví dụ: ma túy,… ), thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Luật hình sự nước ta cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới không loại trừ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội do bị say rượu hoặc do dùng chất kích thích mạnh khác. Bởi vì:
- Trước đó họ là người có năng lực trách nhiệm hình sự và khi họ uống rượu hoặc sử dụng các chất kích thích khác (ví dụ: ma túy đá dẫn đến “ngáo đá”,… ) là tự họ đặt mình vào trong tình trạng “say”, “ngáo” nên họ có lỗi.
- Say rượu là một hiện tượng không bình thường trong đời sống xã hội, là một thói quen xấu trong sinh hoạt. Việc bắt người say rượu/người sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội do họ gây ra còn là biểu thị thái độ nghiêm khắc của xã hội đối với tệ nạn này.
- Phòng chống, ngăn ngừa tội phạm lợi dụng tình trạng say rượu bia, chất kích thích khác để thực hiện hành vi phạm tội.
Vì vậy, có quan điểm cho rằng, nếu người phạm tội không có lỗi trong việc uống rượu và sử dụng các chất kích thích khác (Ví dụ: như họ bị ép uống, họ bị người khác cho ma túy vào cốc nước mà không biết,… ) thì họ không có lỗi trong việc bị “say”, “phê ma túy” nên được thừa nhận là không có năng lực trách nhiệm hình sự, trường hợp này được gọi là trường hợp “say rượu bệnh lý”.
Điển hình là các quốc gia thuộc hệ thống các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ) coi trường hợp “say rượu bệnh lý” được loại trừ trách nhiệm hình sự.
Phạm tội khi ngáo đá, say rượu là tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ?
Thực tiễn xét xử đã cho thấy: mặc dù Hội đồng giám định pháp y tâm thần kết luận giám định kết luận người phạm tội do “say rượu bệnh lý”, nhưng họ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đó là trường hợp Phạm Đình Tứ ở Nghệ Tĩnh (nay tách thành 02 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh), sau khi uống rượu cùng với thầy giáo cũ tại nhà thầy, trong đêm hôm đó Tứ đã thức dậy dùng dao chém nhiều nhát vào người vợ, con của thầy giáo và thầy giáo, nhưng chỉ có vợ và con của thầy giáo chết, còn thầy giáo của Tứ thoát nạn.
Do có 02 bản giám định trái ngược nhau về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự của Phạm Đình Tứ nên Tòa án nhân dân tối cao trưng cầu Bộ Y tế thành lập Hội đồng giám định pháp y tâm thần và kết luận Phạm Đình Tứ phạm tội do “say rượu bệnh lý”. Căn cứ vào hành vi phạm tội của Phạm Đình Tứ, có thể xem xét đến kết quả giám định của Hội đồng giám định pháp y tâm thần do Bộ Y tế thành lập nên Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã giảm hình phạt tử hình xuống tù chung thân đối với Phạm Đình Tứ về tội “Giết người”.
Như vậy, về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, ở nước ta không thừa nhận tình trạng say rượu, dù đó là say rượu bệnh lý cũng không được loại trừ trách nhiệm hình sự.
Say rượu có thể được giảm nhẹ hình phạt
Theo các quy định tại Điều 51 BLHS năm 2015 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì “Say rượu” không phải là tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, nếu người phạm tội lâm vào tình trạng say rượu không có lỗi của họ thì có thể được Hội đồng xét xử cân nhắc áp dụng tình tiết giảm nhẹ “khác” theo quy định tại khoản 2, Điều 51 BLHS năm 2015 để giảm nhẹ một phần hình phạt như vụ án Phạm Đình Tứ nêu trên.
Say rượu có thể bị tăng nặng hình phạt
Mặc dù tình trạng “say rượu” hay “ngáo đá” không được quy định là một trong các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1, Điều 52 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, trong cấu thành của một số tội danh, có quy định tình tiết “phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác” là tình tiết định khung tăng nặng. Cụ thể:
- Tại điểm b, khoản 2, Điều 260 BLHS năm 2015 quy định về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”
- Tại điểm b, khoản 2, Điều 272 BLHS năm 2015 quy định về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường thủy”
- Tại điểm b, khoản 2, Điều 267 BLHS năm 2015 quy định về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường sắt”
Ở cấu thành cơ bản: người phạm tội khi tham gia giao thông “đường bộ” và “đường thủy” chỉ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng (riêng đối với “đường sắt” là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng), phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Nhưng đối với trường hợp phạm tội do sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm tù.
Bạn hỏi – Luật sư trả lời:
Câu hỏi 1
Có nhận định cho rằng: “Người bị say rượu bị mất khả năng điều khiển hành vi nên không có năng lực trách nhiệm hình sự. Do vậy không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Nhận định trên đúng hay sai? Tại sao? – Nguồn: Bạn đọc – Linh Lung.
Nhận định SAI.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại Điều 13 BLHS năm 2015 thì người lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình (tình trạng “say rượu”, “ngáo đá”) do dùng rượu, bia, ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu TNHS. Lẽ ra, người không có năng lực trách nhiệm hình sự sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng do họ lâm vào tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự do sử dụng rượu bia, ma túy,… nên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tóm lại, người bị say rượu bị mất khả năng điều khiển hành vi, mặc dù không có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ pháp lý: Điều 13 BLHS năm 2015.
Nếu bạn có câu hỏi cần giải đáp, hãy để lại bình luận bên dưới phần Comment nhé! Cảm ơn bạn đã ghé thăm website của chúng tôi!
Trả lời