Mục lục
Nội luật hóa quy định của Công ước về chống tra tấn liên quan đến tài phán trong Bộ luật Hình sự Việt Nam
- Phòng ngừa tội phạm dùng nhục hình ở Việt Nam khi gia nhập Công ước chống tra tấn
- Nội luật hóa Công ước chống tra tấn về bảo đảm quyền của người bị buộc tội
- Cấm tra tấn và thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn
- Nghĩa vụ hợp tác dẫn độ, tương trợ tư pháp hình sự và quyền tài phán phổ quát của quốc gia theo Công ước chống tra tấn năm 1984
- PLHS Việt Nam với Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn
- Nội luật hóa Công ước quốc tế chống tra tấn về hỏi cung bị can
- Hoàn thiện một số quy định của BLHS theo Công ước về chống tra tấn
- Thực hiện nghĩa vụ của quốc gia trong Nội luật hóa Công ước chống tra tấn
TỪ KHÓA: Nội luật hóa, Công ước chống tra tấn, Quyền tài phán, Tạp chí Khoa học pháp lý
TÓM TẮT
Năm 2013, Việt Nam đã ký kết Công ước Chống tra tấn và hiện nay đang tiến hành các thủ tục cần thiết để phê chuẩn Công ước này. Sau khi phê chuẩn, chúng ta có nghĩa vụ phải nội luật hóa các quy định của Công ước này trong hệ thống pháp luật của mình, trong đó có quy định về quyền tài phán tại Điều 5 Công ước. Vì vậy, chúng ta cần đánh giá các quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành về quyền tài phán, tìm ra những điểm bất cập với Công ước và nghiên cứu các kiến nghị sửa đổi BLHS về vấn đề này phù hợp với nội dung Công ước.
1. Dẫn nhập
Hiện nay, các hình thức tra tấn một người nhằm lấy thông tin, lời thú tội hoặc trừng phạt người đó hoặc người thứ ba do một công chức hay người khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức vẫn xuất hiện tại một số quốc gia trên thế giới. Các hành vi tra tấn này đã gây đau đớn nghiêm trọng về thể xác và tinh thần cho nạn nhân, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội. Nhận thức được tính chất đặc biệt nghiêm trọng của hành vi này, ngày 10/12/1984, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước Chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác[1] và Công ước này có hiệu lực ngày 26/6/1987. Đến nay, đã có 156 quốc gia thành viên và 81 quốc gia ký kết Công ước này, trong đó có 10 quốc gia đã ký kết nhưng chưa phê chuẩn[2] . Đây là một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng về quyền con người nhằm loại trừ hành vi tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác ra khỏi đời sống xã hội.
Ngày 7/11/2013, Việt Nam đã ký kết Công ước Chống tra tấn và hiện nay các cơ quan có thẩm quyền đang tiến hành các thủ tục cần thiết để Quốc hội phê chuẩn Công ước này. Sau khi phê chuẩn, chúng ta có nghĩa vụ phải nội luật hóa các quy định của Công ước Chống tra tấn trong hệ thống pháp luật của mình, trong đó có quy định về quyền tài phán tại Điều 5 CAT.
2. Quy định về quyền tài phán của các quốc gia thành viên trong Công ước Chống tra tấn
Quy định về quyền tài phán trong Công ước Chống tra tấn được xây dựng trên các nền tảng xác lập thẩm quyền tài phán như: nguyên tắc lãnh thổ (territoriality principle), nguyên tắc mang cờ (flag principle), nguyên tắc quốc tịch chủ động (active nationality principle), nguyên tắc quốc tịch thụ động (passive nationality principle), nguyên tắc phổ quát hay thẩm quyền phổ quát (universal principlehoặc universal jurisdiction) và quyền miễn trừ (immunity). Vì vậy, chúng tôi sẽ phân tích quy định về quyền tài phán tại Điều 5 CAT trong mối liên hệ với các nguyên tắc trên.
2.1. Nguyên tắc lãnh thổ và nguyên tắc mang cờ
Theo quy định tại Điều 5.1.a CAT, mỗi quốc gia thành viên phải tiến hành những biện pháp cần thiết để xác lập quyền tài phán đối với những hành vi phạm tội nêu ở Điều 4 CAT khi hành vi phạm tội được thực hiện trên bất kỳ vùng lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của quốc gia hay trên tàu thủy hoặc tàu bay đăng ký ở quốc gia đó. Việc thiết lập quyền tài phán của một quốc gia, trong trường hợp này, được xác định trên cơ sở lãnh thổ quốc gia (nguyên tắc lãnh thổ) và các tàu thủy hoặc tàu bay đăng ký ở quốc gia đó (nguyên tắc mang cờ).
Nguyên tắc lãnh thổ xuất phát từ nguyên tắc chủ quyền lãnh thổ gắn liền với lãnh thổ quốc gia. Theo nguyên tắc này, mỗi quốc gia có toàn quyền quy định và áp dụng luật hình sự trong phạm vi lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình đối với mọi công dân, người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ quốc gia đó. Khái niệm “lãnh thổ” được hiểu theo hai nghĩa. Theo nghĩa hẹp, lãnh thổ bao gồm vùng đất, vùng nước và vùng trời thuộc chủ quyền của quốc gia đó[3] . Theo nghĩa rộng, lãnh thổ bao gồm bất cứ khu vực lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của quốc gia đó, không chỉ có vùng đất, vùng nước, vùng trời thuộc chủ quyền của quốc gia đó mà còn bao gồm các khu vực quân sự, vùng đất thuộc địa và bất cứ vùng nào thuộc quyền kiểm soát thực tế của quốc gia đó.[4] Trong Điều 2.1 và Điều 5.1.a CAT, khái niệm “lãnh thổ” được hiểu theo nghĩa rộng, đó là “bất kỳ vùng lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của quốc gia”.
Nguyên tắc mang cờ được Công ước đề cập với tư cách là một nguyên tắc độc lập với nguyên tắc lãnh thổ trong Điều 5.1.a CAT. Theo đó, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ quy định thẩm quyền xét xử về hình sự của mình đối với hành vi tra tấn được thực hiện trên boong tàu hoặc tàu bay mang cờ của mình, bất kể nơi tội phạm được thực hiện.[5] Ví dụ: Một hành vi phạm tội được thực hiện trên một tàu bay đăng ký ở Mỹ nhưng đang bay trên bầu trời nước Anh thì cả Mỹ và Anh đều có nghĩa vụ thực thi thẩm quyền xét xử đối với hành vi phạm tội đó. Mỹ xét xử trên cơ sở nguyên tắc mang cờ; Anh xét xử trên cơ sở nguyên tắc lãnh thổ.[6]
Trong khi nguyên tắc lãnh thổ xác lập thẩm quyền dựa trên vùng lãnh thổ thuộc quyền tài phán của quốc gia, nguyên tắc mang cờ không căn cứ vào vùng lãnh thổ mà căn cứ vào nơi đăng ký của phương tiện vận tải (tàu bay, tàu thủy). Tuy nhiên, hai nguyên tắc này có điểm chung là đều xác định thẩm quyền xét xử về hình sự căn cứ vào địa điểm thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, Điều 5.1.a CAT đã quy định thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ và thẩm quyền xét xử theo nơi đăng ký tàu bay tàu biển trong cùng một điểm.
2.2. Nguyên tắc quốc tịch chủ động
Điều 5.1.b CAT quy định: Mỗi quốc gia thành viên phải tiến hành những biện pháp cần thiết để xác lập quyền tài phán đối với những hành vi phạm tội nêu ở Điều 4 CAT khi người bị tình nghi phạm tội là công dân của quốc gia đó.
Theo quy định này, việc xác lập quyền tài phán đối với một hành vi phạm tội căn cứ vào quốc tịch của người thực hiện hành vi phạm tội nên luật quốc tế gọi đây là nguyên tắc quốc tịch chủ động. Theo CAT, nguyên tắc quốc tịch chủ động được hiểu là các quốc gia thành viên có nghĩa vụ quy định trong BLHS của mình thẩm quyền xét xử đối với bất kỳ hành vi tra tấn nào được thực hiện bởi công dân của mình ở nước ngoài. “Công dân” thực hiện hành vi tra tấn này có thể là một “công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức”(Điều 1 CAT). Thông thường, hành vi tra tấn được thực hiện bởi nhân viên thực thi pháp luật hoặc các công chức khác nên nguyên tắc quốc tịch chủ động trong CAT áp dụng chủ yếu đối với các đối tượng này. Tuy nhiên, nếu một cá nhân thực hiện hành vi tra tấn theo sự xúi giục, phục tùng hoặc đồng ý của một công chức thì nguyên tắc quốc tịch chủ động trong Công ước này cũng áp dụng đối với họ, bất kể quốc tịch của công chức đó. Ví dụ: nếu một công dân Mỹ làm việc cho một công ty an ninh tư nhân của Mỹ đã thực hiện hành vi tra tấn ở Iraq với sự đồng ý của một công chức thì nước Mỹ phải đảm bảo thực thi thẩm quyền xét xử của mình đối với hành vi này của công dân Mỹ, bất kể công chức đó là một sỹ quan quân sự Mỹ hay nhân viên cảnh sát Iraq.[7] Nếu một người thay đổi quốc tịch sau khi thực hiện hành vi tra tấn thì cũng không loại trừ nghĩa vụ xác lập thẩm quyền xét xử của quốc gia mà người đó đã hoặc đang là công dân. Theo mục đích chung của Công ước, cụ thể là tránh sự “ẩn náu an toàn” (safe havens) của người tra tấn, cần giải thích thuật ngữ “quốc tịch” trong cả mối liên hệ với quốc gia tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội và tại thời điểm truy tố. Theo đó, quốc gia mà người bị tình nghi mang quốc tịch trước đó hoặc sau này đều có nghĩa vụ xác lập thẩm quyền xét xử. Điều này cũng áp dụng với trường hợp người bị tình nghi có nhiều quốc tịch, các quốc gia mà người đó mang quốc tịch đều có nghĩa vụ xác lập thẩm quyền xét xử đối với người có hành vi tra tấn đó.[8]
2.3. Nguyên tắc quốc tịch thụ động
Theo quy định tại Điều 5.1.c) CAT, mỗi quốc gia thành viên phải tiến hành những biện pháp cần thiết để xác lập quyền tài phán đối với những hành vi phạm tội nêu ở Điều 4 CAT khi nạn nhân là công dân của quốc gia đó nếu quốc gia đó thấy thích đáng.
Trong luật quốc tế, nguyên tắc quốc tịch thụ động được hiểu là quốc gia mà nạn nhân của hành vi phạm tội là công dân có quyền xét xử người thực hiện hành vi phạm tội. Nguyên tắc này bổ sung cho nguyên tắc quốc tịch chủ động, bởi vì nó đảm bảo người phạm tội là người nước ngoài, người không quốc tịch không thể lẩn tránh được sự trừng phạt của công lý. Mục đích của nguyên tắc quốc tịch thụ động là nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân nước mình và đảm bảo sự trừng phạt thích đáng đối với người phạm tội, làm cho họ không thể trốn tránh được sự trừng phạt của công lý.[9]
Trong CAT, nguyên tắc quốc tịch thụ động được đưa ra trên cơ sở tham khảo quy định về quyền tài phán trong Điều 5.1.d) của Công ước quốc tế về Chống bắt cóc con tin. Nguyên tắc quốc tịch thụ động trong Công ước này đã gây nhiều tranh cãi trong quá trình soạn thảo. Các quốc gia ủng hộ cho rằng nguyên tắc này sẽ trám một khoảng trống về quyền tài phán, trong bất kỳ trường hợp nào, quốc gia có công dân bị bắt làm con tin có lợi ích đủ mạnh trong vụ phạm tội để chứng minh quyền tài phán của mình. Các quốc gia phản đối cho rằng nguyên tắc này sẽ dẫn đến vấn đề tranh chấp về quyền tài phán.[10] Các bên thảo luận đã không thể thống nhất ý kiến. Vì vậy, Điều 5.1.d) của Công ước quốc tế về Chống bắt cóc con tin cũng như Điều 5.1.c) của CAT đều quy định các quốc gia thành viên phải tiến hành những biện pháp cần thiết để xác lập quyền tài phán đối với những hành vi phạm tội nêu trong công ước khi nạn nhân là công dân của quốc gia đó“nếu quốc gia đó thấy thích đáng”. Đây là quy định mang tính tùy nghi, các quốc gia thành viên của Công ước không có nghĩa vụ xác lập quyền tài phán của mình dựa trên nguyên tắc quốc tịch thụ động.
Nếu áp dụng nguyên tắc quốc tịch thụ động, trong trường hợp nạn nhân thay đổi quốc tịch hoặc có nhiều quốc tịch, việc giải thích thẩm quyền tài phán của quốc gia tương tự như trong nguyên tắc quốc tịch chủ động. Ví dụ: một công dân Chile là nạn nhân của hành vi tra tấn dưới chế độ Pinochet, sau đó chuyển đến nơi an toàn ở Tây Ban Nha và trở thành công dân nước này thì Tây Ban Nha có quyền (không có nghĩa vụ) xác lập thẩm quyền xét xử của mình đối với người phạm tội là công dân Chile. Trong những vụ án tra tấn nghiêm trọng và nạn nhân đã mất tích, khái niệm “nạn nhân” có thể được áp dụng cho thành viên gia đình người bị tra tấn hoặc người đã mất tích. Ví dụ: Tây Ban Nha có thể thực thi quyền tài phán của họ nếu vợ của một nạn nhân bị tra tấn hoặc bị mất tích là công dân Tây Ban Nha.[11]
2.4. Nguyên tắc phổ quát
Khoản 2 Điều 5 CAT quy định: Mỗi quốc gia thành viên phải tiến hành những biện pháp cần thiết để xác lập quyền tài phán của mình đối với những hành vi phạm tội này trong trường hợp người bị tình nghi phạm tội đang có mặt ở bất kỳ vùng lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của mình và quốc gia đó không dẫn độ người bị tình nghi theo Điều 8 CAT đến bất kỳ quốc gia nào nói ở Điều 5.1 CAT.
Quy định trên đã xác lập quyền tài phán hình sự của một quốc gia nơi người bị tình nghi thực hiện hành vi tra tấn đang hiện diện và họ không bị dẫn độ. Luật quốc tế gọi nguyên tắc chi phối việc xác lập quyền tài phán trong trường hợp này là nguyên tắc phổ quát hay thẩm quyền phổ quát. Trong quá trình xây dựng Dự thảo Công ước, Thụy Điển là quốc gia đã đề xuất áp dụng nguyên tắc này[12] và đã gặp phải sự phản đối gay gắt của nhiều quốc gia, ngoại trừ Mỹ. Chính phủ Mỹ nhấn mạnh quan điểm cho rằng tra tấn là hành vi phạm tội được quốc tế quan tâm đặc biệt nên nó cần có một cơ sở pháp lý rộng rãi giống như cộng đồng quốc tế đã thừa nhận trong các công ước trước đó chống lại hành vi cướp tàu bay, cướp biển hoặc bảo vệ các nhà ngoại giao. Phái đoàn Mỹ cũng cân nhắc hành vi tra tấn, giống như hành vi cướp biển, là một “hành vi phạm tội chống lại pháp luật của các quốc gia” nên cần được coi là trường hợp ngoại lệ của thẩm quyền phổ quát[13] (do thẩm quyền phổ quát chủ yếu được áp dụng đối với các hành vi phạm tội có tính chất nguy hiểm đe dọa toàn cầu)[14] . Ngược lại, Anh cho rằng việc mở rộng thẩm quyền đối với hành vi tra tấn thực hiện bên ngoài lãnh thổ hoàn toàn khác với hành vi cướp tàu bay, cướp biển và những hành vi tương tự khác ở tính chất quốc tế nên việc áp dụng nguyên tắc phổ quát không khả thi. Vì vậy, chúng ta nên tập trung vào việc dẫn độ hơn là việc truy tố, phù hợp với nguyên tắc “aut dedere aut iudicare”(hoặc dẫn độ hoặc xét xử). Pháp và một số quốc gia khác cho rằng nên xóa bỏ toàn bộ Điều 5.2 CAT hoặc áp dụng thẩm quyền phổ quát có điều kiện khi nhận được yêu cầu dẫn độ bởi quốc gia khác với thẩm quyền mạnh hơn (nguyên tắc lãnh thổ hoặc quốc tịch…). Có quốc gia cho rằng nguyên tắc lãnh thổ được ưu tiên áp dụng trước tiên và nguyên tắc phổ quát được áp dụng sau cùng. Tuy nhiên, ban soạn thảo đã dần dần thuyết phục được các bên phản đối với lập luận: nếu thiếu nguyên tắc phổ quát sẽ tạo ra lỗ hổng pháp lý trong Công ước, vì vậy sẽ tạo ra một nơi trú ẩn an toàn tiềm năng cho người tra tấn. Mặt khác, nguyên tắc phổ quát dự kiến sẽ đối phó với tình trạng hành vi tra tấn là chính sách của nhà nước và ở đó, chính phủ không mong muốn dẫn độ và truy tố công chức của họ đã thực hiện hành vi tra tấn.[15] Cuối cùng, các quốc gia đã thống nhất quy định tại Điều 5.2 CAT theo đề xuất của Thụy Điển nêu trên.
2.5. Quyền miễn trừ
Vấn đề cân bằng giữa một bên là nghĩa vụ của các quốc gia nhằm tạo một khoảng trống an toàn cho người thực hiện hành vi tra tấn xâm phạm nghiêm trọng quyền con người, và một bên là nguyên tắc miễn trừ cho người đứng đầu nhà nước, quan chức cao cấp của chính phủ và các nhà ngoại giao là một vấn đề khó khăn và phức tạp trong luật hình sự quốc tế hiện nay.[16] Vì vậy, chúng ta cần xác định mức độ nghĩa vụ của các quốc gia thành viên theo CAT để thực thi quyền tài phán đối với người bị tình nghi thực hiện hành vi tra tấn bị giới hạn bởi quyền miễn trừ của các quan chức nhà nước.
Trong quy chế của một số tòa án hình sự quốc tế, quyền miễn trừ của các quan chức nhà nước không được áp dụng.[17] Trong Công ước Chống tra tấn, không có quy định nào cản trở việc viện dẫn quyền miễn trừ của người đứng đầu nhà nước, chính phủ, bộ trưởng bộ ngoại giao và các nhà ngoại giao vì mục đích thực hiện có hiệu quả các chức năng ngoại giao của họ thay mặt cho các quốc gia tương ứng. Vì vậy, việc áp dụng quyền miễn trừ về hình sự được thực hiện theo pháp luật quốc gia và các điều ước quốc tế có quy định quyền miễn trừ mà quốc gia đó đã ký kết hoặc tham gia. Tuy nhiên, các quan chức nhà nước khác (bộ trưởng của các bộ như nội vụ, tư pháp, tình báo, quốc phòng; các thành viên của nghị viện, cảnh sát trưởng, giám đốc nhà tù cũng như các nhân viên thực thi pháp luật khác, quan quân đội và tình báo, cai tù) bị tình nghi thực hiện hành vi tra tấn sẽ không được hưởng quyền miễn trừ giống như người thực hiện chức năng ngoại giao nêu trên. Những người nguyên là người đứng đầu nhà nước và các quan chức cao cấp khác của nhà nước cũng không được hưởng quyền miễn trừ về những hành vi tra tấn mà họ đã thực hiện trước, trong hoặc sau nhiệm kỳ của họ. Một người đứng đầu nhà nước hoặc các quan chức khác (có chức năng ngoại giao) có thể chỉ được cân nhắc giống như giữ chức vụ nếu vụ án riêng về hình sự tại một quốc gia khác được bắt đầu bởi một bản cáo trạng, khởi đầu của một lệnh bắt hoặc yêu cầu dẫn độ trong thời gian họ đương chức. Ngay sau khi người đó từ chức, họ sẽ mất quyền miễn trừ (dành cho chức năng ngoại giao đó).[18]
3. Quy định của BLHS Việt Nam về hiệu lực theo không gian và một số kiến nghị sửa đổi để phù hợp với quy định của CAT
Những quy định về thẩm quyền xét xử trong luật quốc tế nói chung, trong CAT nói riêng, ảnh hưởng trực tiếp đến các quy định về hiệu lực theo không gian trong BLHS của các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Khi Quốc hội phê chuẩn CAT, Việt Nam có nghĩa vụ cụ thể hóa các quy định của Công ước trong pháp luật của mình, trong đó có quy định về hiệu lực về không gian trong BLHS. Vì vậy, chúng ta cần rà soát quy định tại Điều 5, 6 BLHS về hiệu lực theo không gian, đối chiếu với các quy định của Công ước về quyền tài phán để đánh giá những điểm phù hợp và khác nhau giữa quy định của BLHS Việt Nam và CAT về vấn đề này, từ đó, đưa ra một số kiến nghị sửa đổi BLHS cho phù hợp với nội dung Công ước.
BLHS Việt Nam phân chia hiệu lực về không gian làm hai khu vực: Điều 5 BLHS quy định về hiệu lực của BLHS đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam; Điều 6 BLHS quy định về hiệu lực của BLHS đối với những hành vi phạm tội ngoài lãnh thổ Việt Nam. Nghiên cứu quy định về hiệu lực trong các điều luật này, chúng tôi nhận thấy có một số nguyên tắc chi phối hiệu lực của BLHS như nguyên tắc lãnh thổ, nguyên tắc quốc tịch chủ động, nguyên tắc phổ quát, quyền miễn trừ…
3.1. Nguyên tắc lãnh thổ trong quy định về hiệu lực của BLHS về không gian
Theo khoản 1 Điều 5 BLHS, “Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”Quy định này đã xác lập thẩm quyền xét xử của BLHS dựa trên nguyên tắc lãnh thổ. Theo đó, mọi công dân Việt Nam, người nước ngoài và người không quốc tịch, thực hiện hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam sẽ bị áp dụng BLHS Việt Nam. Theo quy định tại Điều 1 Hiến pháp 2013, lãnh thổ Việt Nam bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Như vậy, BLHS Việt Nam đã xác định nội hàm của khái niệm “lãnh thổ” theo nghĩa hẹp, trong khi CAT xác định khái niệm “lãnh thổ” theo nghĩa rộng.[19] Tuy nhiên, hiện nay ngoài vùng đất, vùng nước, vùng lòng đất và vùng trời thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta không có bất cứ khu vực lãnh thổ nào khác thuộc quyền tài phán của Việt Nam (không có các khu vực quân sự ở nước ngoài, vùng đất thuộc địa hay bất cứ vùng nào thuộc quyền kiểm soát thực tế của Việt Nam) nên quy định tại Khoản 1 Điều 5 BLHS hiện nay đã phù hợp với Điều 5.1.a CAT.
3.2. Nguyên tắc quốc tịch chủ động trong quy định về hiệu lực của BLHS về không gian
Khoản 1 Điều 6 BLHS quy định: “Công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật này. Quy định này cũng được áp dụng đối với người không quốc tịch thường trú ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” Quy định này đã xác lập hiệu lực của BLHS Việt Nam theo nguyên tắc quốc tịch chủ động. Do đó, BLHS Việt Nam có hiệu lực áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội do công dân Việt Nam hoặc người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam[20] thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Quy định này của BLHS phù hợp và tương thích với Điều 5.1.b) CAT.
3.3. Nguyên tắc phổ quát trong quy định về hiệu lực của BLHS về không gian
Nguyên tắc phổ quát thể hiện ở nội dung quy định thẩm quyền xét xử hình sự cho quốc gia nơi người bị tình nghi đang hiện diện và không bị dẫn độ; quốc gia này có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để xác lập quyền xét xử của mình dựa trên cơ sở phù hợp với pháp luật quốc gia đó[21] .
Chúng tôi đánh giá quy định tại Điều 6.2 BLHS Việt Nam hiện nay tương thích với Điều 5.2 CAT ở chỗ: cả hai quy định đều xác lập thẩm quyền xét xử dựa trên nguyên tắc phổ quát. Tuy nhiên, Điều 5.2 CAT nêu rõ một trong những điều kiện áp dụng thẩm quyền phổ quát là “người bị tình nghi phạm tội đang có mặt ở bất kỳ vùng lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của mình và quốc gia đó không dẫn độ người bị tình nghi”, trong khi Điều 6.2 BLHS Việt Nam chưa nêu ra điều kiện này. Chúng tôi cho rằng việc nêu ra điều kiện này là cần thiết. Bởi vì nếu người nước ngoài, phạm tội ở ngoài lãnh thổ Việt Nam (và nạn nhân không phải là công dân Việt Nam) mà người phạm tội lại không hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam hoặc bất kỳ vùng lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của Việt Nam hoặc Việt Nam đã dẫn độ người đó theo yêu cầu của quốc gia khác có thẩm quyền xét xử thì chúng ta không có khả năng thực tế, không cần thiết và không có nghĩa vụ phải xét xử họ.
Do đó, chúng tôi kiến nghị cần sửa đổi Điều 6.2 BLHS Việt Nam như sau: “Người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,đang có mặt ở bất kỳ vùng lãnh thổ nào thuộc thẩm quyền xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và không bị dẫn độ đến quốc gia nơi người đó phạm tội, nơi người đó mang quốc tịch hoặc nơi nạn nhân của họ mang quốc tịch thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự Việt Nam trong những trường hợp được quy định trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia”.
3.4. Quyền miễn trừ trong quy định về hiệu lực của BLHS về không gian
Điều 5.2 BLHS quy định về quyền miễn trừ của một số viên chức ngoại giao, lãnh sự, nhân viên của các tổ chức quốc tế đang làm nhiệm vụ thay mặt các quốc gia khác tại Việt Nam, theo quy định của pháp luật Việt Nam[22] , các điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế. Trong lĩnh vực luật hình sự, liên quan đến thẩm quyền xét xử (hiệu lực của BLHS), các chủ thể trên có quyền “miễn trừ xét xử về hình sự”; họ không có quyền “ưu đãi”.[23]
Hơn nữa, Điều 5.2 BLHS quy định: Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ (…), thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ“được giải quyết bằng con đường ngoại giao”. Khái niệm “con đường ngoại giao” rất chung chung và không phải là một thuật ngữ pháp lý. Dù giải quyết bằng “con đường ngoại giao” thì cũng phải trên cơ sở tôn trọng các cam kết quốc tế và tập quán quốc tế. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị nên thay cụm từ “thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao” bằng cụm từ“thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, theo tập quán quốc tế”.
Như vậy, nhìn chung, quy định về hiệu lực theo không gian trong BLHS Việt Nam phù hợp với các quy định về quyền tài phán trong CAT. Tuy nhiên, có một số quy định về quyền tài phán trong CAT mà BLHS Việt Nam chưa đề cập khi xác lập hiệu lực áp dụng như nguyên tắc mang cờ, nguyên tắc quốc tịch thụ động. Sự thiếu vắng hai nguyên tắc này trong BLHS đã không bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của công dân, nhà nước Việt Nam.
– Nguyên tắc mang cờ
Như trên đã phân tích (Mục 2.1), nguyên tắc mang cờ chi phối thẩm quyền xét xử đối với hành vi phạm tội ở ngoài vùng lãnh thổ thuộc quyền tài phán của một quốc gia và được coi là một nguyên tắc độc lập với nguyên tắc lãnh thổ. Pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quy định nguyên tắc mang cờ như một nền tảng căn bản khi quy định về hiệu lực của BLHS theo không gian.[24] CAT và một số điều ước quốc tế khác cũng quy định thẩm quyền tài phán của các quốc gia thành viên đối với hành vi phạm tội được thực hiện trên tàu bay và tàu thủy đăng ký tại quốc gia đó. Tuy nhiên, BLHS Việt Nam chưa quy định hiệu lực đối với hành vi phạm tội được thực hiện ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, trên tàu bay hoặc tàu thủy (mang cờ) đăng ký tại Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi đề nghị nhà làm luật nên bổ sung nội dung này vào quy định về hiệu lực của BLHS đối với hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.
– Nguyên tắc quốc tịch thụ động
Như trên đã phân tích (Mục 2.3), nguyên tắc quốc tịch thụ động bổ sung cho nguyên tắc quốc tịch chủ động và theo Công ước chống tra tấn, các quốc gia thành viên có thể nội luật hóa nguyên tắc này trong BLHS của mình, “nếu thấy phù hợp”. Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam là nạn nhân của hành vi phạm tội tra tấn nói riêng và các tội phạm khác nói chung, chúng tôi cho rằng nên bổ sung nguyên tắc quốc tịch thụ động vào quy định về hiệu lực theo không gian trong BLHS. Theo đó, BLHS Việt Nam có hiệu lực đối với hành vi phạm tội thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam và nạn nhân là công dân Việt Nam hoặc người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam.
4. Kết luận
Các quy định về quyền tài phán trong luật quốc tế hay hiệu lực về không gian trong BLHS một quốc gia có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện chủ quyền của quốc gia; là cách thức hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân nước mình; bảo vệ các lợi ích quan trọng của cộng đồng quốc tế và thể hiện mạnh mẽ ý chí cam kết thực hiện các điều ước quốc tế. Qua nghiên cứu quy định về nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc xác lập quyền tài phán đối với những hành vi phạm tội tra tấn trong Điều 5 CAT và quy định về hiệu lực theo không gian tại Điều 5, 6 BLHS Việt Nam, chúng tôi kiến nghị nên bổ sung một số quy định về hiệu lực theo không gian trong BLHS như sau:
– Thứ nhất, bổ sung quy định về hiệu lực của BLHS đối với hành vi phạm tội được thực hiện ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, trên máy bay hoặc tàu thủy đăng ký tại Việt Nam;
– Thứ hai, bổ sung hiệu lực của BLHS đối với hành vi phạm tội thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng nạn nhân là công dân Việt Nam hoặc người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam;
– Thứ ba, sửa đổi Điều 6.2 BLHS Việt Nam theo hướng: Người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo BLHS Việt Nam trong những trường hợp được quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia với điều kiện họ “đang có mặt ở bất kỳ vùng lãnh thổ nào thuộc thẩm quyền xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và không bị dẫn độ đến quốc gia nơi người đó phạm tội, nơi người đó mang quốc tịch hoặc nơi nạn nhân của họ mang quốc tịch”;
– Cuối cùng, trong Điều 5.2 BLHS, nên thay cụm từ “thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao” bằng cụm từ“thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, theo tập quán quốc tế”; đồng thời sửa cụm từ“quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự” thành “quyền miễn trừ về lãnh sự”.
CHÚ THÍCH
*ThS. Luật học, giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Sau đây sẽ gọi tắt là “Công ước Chống tra tấn” hoặc “Công ước” hoặc “CAT”.
[2] .Xem:https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=IV-9&chapter=4&lang=en(truy cập ngày 20/10/2014).
[3] Manfred Nowak, Elizabeth McArthur (2008), The United Nations Convention Against Torture, A commentary, Oxford University Press, tr. 309.
[4] Manfred Nowak, Elizabeth McArthur (2008), sđd, tr. 309.
[5] Manfred Nowak, Elizabeth McArthur (2008),sđd, tr. 309.
[6] Manfred Nowak, Elizabeth McArthur (2008),sđd, tr. 309, 310.
[7] Manfred Nowak, Elizabeth McArthur (2008),sđd, tr. 311.
[8] Manfred Nowak, Elizabeth McArthur (2008), sđd, tr. 311.
[9] Nguyễn Thị Thuận và các tác giả khác (2007), Luật hình sự Quốc tế,Nxb .Công an nhân dân, tr. 85-86.
[10] Manfred Nowak, Elizabeth McArthur (2008), sđd, tr. 311-312.
[11] Manfred Nowak, Elizabeth McArthur (2008),sđd, tr. 313.
[12] Manfred Nowak, Elizabeth McArthur (2008), sđd, tr. 259.
[13] Manfred Nowak, Elizabeth McArthur (2008), sđd, tr. 314.
[14] Nguyễn Thị Thuận và các tác giả khác (2007), sđd, tr. 90.
[15] Manfred Nowak, Elizabeth McArthur (2008), sđd, tr. 314-315.
[16] Manfred Nowak, Elizabeth McArthur (2008), sđd, tr. 321.
[18] Xem: Manfred Nowak, Elizabeth McArthur (2008), sđd, tr. 322-324; Điều 6.2 Quy chế của Tòa án đặc biệt cho Sierra Leone (SCSL); Điều 27 Quy chế của Tòa án hình sự quốc tế Rome; Điều 7.1.f Quy chế ICC.
[18] Manfred Nowak, Elizabeth McArthur (2008), sđd, tr. 327.
[19] Đọc Mục 2.1.
[20] Tham khảo: Điều 5.1.b Công ước quốc tế về chống bắt cóc con tin năm 1979, Điều 5.2.b Công ước quốc tế về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000, Điều 42.2.b Công ước quốc tế về chống tham nhũng năm 2003 quy định về thẩm quyền xét xử của quốc gia mà người không quốc tịch thường trú có đối với hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện ở nước ngoài.
[21] Nguyễn Thị Thuận và các tác giả khác (2007), sđd, tr. 90.
[22] Tham khảo: Pháp lệnh về Quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoá IX) thông qua ngày 23 tháng 8 năm 1993.
[23] Trong Pháp lệnh về Quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam chỉ quy định “quyền miễn trừ xét xử về hình sự” mà không quy định quyền “ưu đãi xét xử về hình sự” (Điều 12, 28 Pháp lệnh). Trong luật hình sự quốc tế cũng chỉ có khái niệm “miễn trừ” (“immunity”) về hình sự, không có khái niệm “ưu đãi” (“privilege”) về hình sự.
[24] Tham khảo: Điều 3.1 và 5.1 Chương 2 BLHS Thụy Điển; Đoạn 2 Điều 6 BLHS Trung Quốc.
Tác giả: Vũ Thị Thúy* – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 03/2014 – 2014, Trang 38-45
Trả lời