• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Nội luật hóa Công ước chống tra tấn về bảo đảm quyền của người bị buộc tội trong lĩnh vực tố tụng hình sự

Nội luật hóa Công ước chống tra tấn về bảo đảm quyền của người bị buộc tội trong lĩnh vực tố tụng hình sự

17/05/2020 23/05/2021 TS. Lương Thị Mỹ Quỳnh Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • Đặt vấn đề
  • 1. Quy định của Công ước Chống tra tấn (CAT) về bảo đảm quyền của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự
    • 1.1 Quyền được bảo vệ khỏi bị tra tấn và đối xử tàn ác, vô nhân đạo
    • 1.2. Quyền được khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền về các hình thức tra tấn vàđược bảo vệ khỏibị trả thùdo việc khiếu nại
    • 1.3. Quyền được bồi thường về những tổn thất do bị tra tấn
    • 1.4. Quyền loại trừ chứng cứ buộc tội từ kết quả do bị tra tấn
  • 2. Sự tương thích của pháp luật TTHS Việt Nam về bảo đảm quyền của người bị buộc tội so với CAT và những định hướng cho việc nội luật hóa
    • 2.1 Sự tương thích của pháp luật TTHS Việt Nam về bảo đảm quyền của người bị buộc tội so với CAT
    • 2.2. Một số đề xuất về định hướng nội luật hóa Công ước Chống tra tấn về bảo đảm quyền của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự
  • CHÚ THÍCH

Nội luật hóa Công ước chống tra tấn về bảo đảm quyền của người bị buộc tội trong lĩnh vực tố tụng hình sự

Nội luật hóa Công ước chống tra tấn về bảo đảm quyền của người bị buộc tội trong lĩnh vực TTHS

TÓM TẮT

Một trong những mục đích trọng tâm mà Công ước về chống tra tấn (CAT) hướng tới đó là thiết lập hệ thống các nghĩa vụ đối với quốc gia thành viên nhằm chống lại mọi hình thức tra tấn trong quá trình chứng minh và xử lý tội phạm. Trong bối cảnh đó, bài viết này nhằm giới thiệu những quy định của CAT liên quan đến bảo đảm quyền của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự – có nguy cơ (và) là nạn nhân của tra tấn, đồng thời đánh giá mức độ tương thích của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam đối với những điều khoản của CAT có liên quan. Qua đó, bài viết cũng gợi mở một số định hướng hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam nhằm đảm bảo những cam kết mà CAT đưa ra đối với các quốc gia thành viên để phục vụ cho tiến trình nội luật hóa.

Xem thêm:

  • Trực tiếp ghi nhận quyền im lặng cho người bị buộc tội trong Luật Tố tụng hình sự Việt Nam – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
  • Nghĩa vụ hợp tác dẫn độ, tương trợ tư pháp hình sự và quyền tài phán phổ quát của quốc gia theo Công ước chống tra tấn năm 1984 – TS. Ngô Hữu Phước
  • Thực hiện nghĩa vụ của quốc gia trong việc nội luật hóa các quy định của Công ước chống tra tấn trong lĩnh vực tố tụng hình sự – PGS.TS. Trần Văn Độ
  • Cấm tra tấn và việc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn – Hai mặt của một đồng xu? – GS. Daniel H. Derby
  • Phòng ngừa tội phạm dùng nhục hình ở Việt Nam góp phần thực hiện nghĩa vụ quốc gia khi gia nhập Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc – TS. Lê Nguyên Thanh
  • Nội luật hóa quy định của công ước về chống tra tấn liên quan đến tài phán trong Bộ luật Hình sự Việt Nam – ThS. Vũ Thị Thúy
  • Kiến nghị hoàn thiện quy định của BLHS Việt Nam trong việc nội luật hóa quy định của công ước chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia về tội phạm hóa hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công – ThS. Vũ Thị Thúy
  • Tăng cường thực thi pháp luật môi trường tại Việt Nam thông qua nội luật hóa Công ước Basel 1989 – TS. Nguyễn Lan Nguyên
  • Nội luật hóa quy định của các điều ước quốc tế về quyền miễn trừ trong Luật hình sự Việt Nam – ThS. Vũ Thị Thúy

TỪ KHÓA: Nội luật hóa, Công ước chống tra tấn, Người bị buộc tội, Tạp chí Khoa học pháp lý

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Lịch sử về chống tra tấn và cơ chế bảo đảm quyền của người bị buộc tội khỏi bị tra tấn trong các văn bản pháp lý quốc tế về quyền con người
  • Thực hiện nghĩa vụ của quốc gia trong việc nội luật hóa các quy định của Công ước chống tra tấn trong lĩnh vực tố tụng hình sự
  • Kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam trong việc nội luật hóa quy định của Công ước Chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia về tội phạm hóa hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công
  • Cấm tra tấn và việc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn 1984 - hai mặt của một đồng xu?
  • Nội luật hóa các quy định của Công ước quốc tế về chống tra tấn đối với hoạt động hỏi cung bị can trong tố tụng hình sự Việt Nam
  • Nội luật hóa quy định của Công ước về chống tra tấn liên quan đến tài phán trong Bộ luật Hình sự Việt Nam
  • Phòng ngừa tội phạm dùng nhục hình ở Việt Nam góp phần thực hiện nghĩa vụ quốc gia khi gia nhập Công ước chống tra tấn 1984 của Liên hợp quốc
  • Nghĩa vụ hợp tác dẫn độ, tương trợ tư pháp hình sự và quyền tài phán phổ quát của quốc gia theo Công ước chống tra tấn năm 1984
  • Pháp luật hình sự Việt Nam với Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn
  • Hoàn thiện một số quy định của Bộ luật Hình sự 1999 theo Công ước về chống tra tấn

Đặt vấn đề

Theo Điều 1 của Công ước Chống tra tấn (CAT), khái niệm về “tra tấn” được hiểu là bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc khổ đau nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì những mục đích như lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba, hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện. Theo đó, Điều 4 CAT đã chỉ ra nghĩa vụ của các quốc gia thành viên phải cam kết ghi nhận tra tấn là tội phạm và phải bị truy tố.

Ở khía cạnh tố tụng hình sự, CAT đã đưa ra những ràng buộc đối với các quốc gia về nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc bảo vệ các chủ thể là nạn nhân của các hành vi tra tấn, bao gồm bảo vệ người bị bắt, người bị giam giữ và người đang thi hành án phạt tù trong quá trình tố tụng. Theo đó, những trường hợp sử dụng các hành vi tra tấn nêu trên trong hoạt động tố tụng để nhằm thu thập chứng cứ và chứng minh tội phạm đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hay đối với người thi hành án phạt tù đều phải được loại trừ theo phạm vi điều chỉnh của Công ước. Những quyền cụ thể của các chủ thể trên cần được bảo vệ bao gồm:

– Quyền được bảo vệ khỏi bị tra tấn, đối xử tàn ác và vô nhân đạo (Điều 11);

– Quyền được khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền về các hình thức tra tấn và được bảo vệ khỏi bị trả thù do việc khiếu nại (Điều 13);

– Quyền được bồi thường, đền bù công bằng nhằm phục hồi những tổn thất do bị tra tấn. (Điều 14);

– Quyền được loại trừ những chứng cứ buộc tội được thu thập do bị tra tấn (Điều 15).

Bài viết tập trung nghiên cứu nội dung những quy định trên của CAT, trên cơ sở đó đánh giá mức độ tương thích của pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) Việt Nam về những vấn đề liên quan đến quyền của người bị bắt, người bị giam giữ (bao gồm: người bị tạm giữ, bị can, bị cáo), đồng thời gợi mở hướng nội luật hóa Công ước trong thời gian tới, khi Công ước chính thức được Quốc hội phê chuẩn.

1. Quy định của Công ước Chống tra tấn (CAT) về bảo đảm quyền của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự

1.1 Quyền được bảo vệ khỏi bị tra tấn và đối xử tàn ác, vô nhân đạo

Theo Ủy ban Chống tra tấn, quy định của Điều 11[1] được hiểu là những tiêu chuẩn tối thiểu mà các quốc gia thành viên có nghĩa vụ phải tuân thủ nhằm ngăn chặn mọi hành vi tra tấn đối với người bị bắt, người bị giam giữ và người thi hành án phạt tù. Việc ngăn chặn này thể hiện ở hai nội dung: (1) quốc gia phải bảo đảm một chế độ giam giữ đủ tốt để ngăn chặn khả năng bị tra tấn đối với người bị bắt và giam giữ trong quá trình tố tụng và người bị kết án; (2) phải đảm bảo một quy trình tố tụng trong các hoạt động lấy lời khai, thu thập chứng cứ trên cơ sở tôn trọng và đảm bảo các quyền cơ bản đối với người bị buộc tội trong trường hợp bị bắt và bị giam giữ.

Ở nội dung thứ nhất,Ủy ban Chống tra tấn khuyến cáo các quốc gia phải tuyệt đối tuân thủ các điều kiện về giam giữ đối với người bị tình nghi trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Yêu cầu này được xem là một trong những đảm bảo tối thiểu đối Công ước về Quyền dân sự và chính trị (CCPR) đã ghi nhận tại Điều 10.[2] Để đảm bảo tốt nhất quyền của người bị giam giữ và tránh những hành vi tra tấn, Ủy ban Chống tra tấn đề xuất các quốc gia cần phải thiết lập các cơ chế kiểm tra, giám sát và phản hồi tình trạng và điều kiện giam giữ. Ủy ban cũng đưa ra khuyến cáo cho rằng sự nghèo nàn về điều kiện giam giữ (poor conditions of detention) là một trong những yếu tố “vô nhân đạo” mà CAT đề cập. Sự nghèo nàn được hiểu là những thiếu thốn về điều kiện vật chất như: thiếu sự thông thoáng; tình trạng nhà tù quá tải; điều kiện vệ sinh nghèo nàn… là những nguyên nhân tạo ra tình trạng phải lặp lại các biện pháp cách ly hay biệt giam kéo dài, giam chung giữa người bị tình nghi với người bị kết án, điều chuyển tù nhân từ nhà tù này sang nhà tù khác.[3]

Theo Ủy ban Chống tra tấn, có hai vấn đề cần đặc biệt nhấn mạnh, đó là: (1) là các quốc gia cần tuân thủ tuyệt đối các điều kiện giam giữ theo Quy tắc Tiêu chuẩn tối thiểu về trừng trị tù nhân (Standard Minimum Rules for the Treatment of Prisoners).[4] Thậm chí, Ủy ban này cũng kêu gọi các quốc gia nên thiết lập dần các bước để đảm bảo có một điều kiện giam giữ tiện ích theo một chuẩn chung quốc tế;[5] (2) cần thiết phải rút ngắn thời gian quy trình tố tụng cũng như rút ngắn thời gian giam giữ trong giai đoạn tiền xét xử; mở rộng áp dụng các trường hợp không áp dụng biện pháp giam giữ nhằm tránh tình trạng ô nhiễm và quá tải nhà giam giữ và nhà tù.[6]

Ở nội dung thứ hai, quốc gia có nghĩa vụ phải đảm bảo một quy trình tố tụng trong các hoạt động lấy lời khai, thu thập chứng cứ trên cơ sở tôn trọng và đảm bảo các quyền cơ bản đối với người bị buộc tội trong trường hợp bị bắt và bị giam giữ. Theo đó, Ủy ban Chống tra tấn đã đưa ra các khuyến cáo của mình, đồng thời kêu gọi các quốc gia cần sớm nội luật hóa theo tinh thần của Công ước trong việc bảo đảm quyền được hỗ trợ bởi người bào chữa của người bị bắt và bị giam giữ ở những nội dung sau:[7]

– Bảo đảm quyền được thông tin và tiếp cận nhanh chóng với người bào chữa: ở khía cạnh này, Ủy ban Chống tra tấn đã đề xuất các quốc gia cần phải bảo đảm trong cả hệ thống văn bản luật lẫn thực tiễn áp dụng rằng người bị tạm giữ hay tạm giam phải được khẩn trương thông báo về các quyền của mình và được tiếp xúc với người bào chữa. Trong thời gian một vài giờ đồng hồ đầu sau khi một người bị bắt, nếu họ không được tiếp cận với luật sư thì có thể bị xem là vi phạm Điều 11 CAT.[8] Ngoài ra, người bị tình nghi sau khi bị bắt giữ có quyền được thông tin và tiếp cận với gia đình, người thân và bạn bè của họ. Trong trường hợp người đang bị giam giữ cần được hỗ trợ đối với những tổn thương vật chất hay tinh thần thì họ cũng phải được tiếp xúc ngay với nhân viên y tế hoặc bác sĩ riêng của mình mà không bị bất cứ cản trở nào.[9]

– Quyền được có sự tham gia của người bào chữa trong hoạt động thẩm vấn và điều tra vụ án. Theo Ủy ban Chống tra tấn thì sự tham gia của người bào chữa trong quá trình này sẽ tránh được những rủi ro về tra tấn. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng được khuyến cáo cần thiết phải quy định rõ trách nhiệm của người thi hành việc giam giữ với trách nhiệm của người tiến hành hoạt động điều tra để xác định trách nhiệm bồi thường.[10]

– Quyền được giữ im lặng: đối với thủ tục thẩm vấn, Ủy ban Chống tra tấn lưu ý các quốc gia cần phải ghi nhận trách nhiệm của cảnh sát điều tra trong việc thông báo cho bất cứ người bị tạm giữ nào sau khi bị bắt được quyền giữ im lặng và có quyền đề nghị luật sư bào chữa.[11] Ủy ban cũng khuyến cáo không được thẩm vấn người bị tình nghi trong tình trạng bị khủng hoảng về tinh thần (stress positions). Để làm rõ hơn điều này, Ủy ban cũng chỉ ra một số hình thức gây hoảng sợ phải trong hoạt động thẩm vấn cần được được coi là hành vi đối xử tàn ác, vô nhân đạo và phải bị cấm như: làm nhục tình dục, tát nước, cùm xích hoặc gây hoảng sợ bằng chó nghiệp vụ.[12]

1.2. Quyền được khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền về các hình thức tra tấn vàđược bảo vệ khỏibị trả thùdo việc khiếu nại

Dựa theo giải thích của Ủy ban Chống tra tấn, Điều 13[13] CAT đề cậpnhững nội dung sau:

– Thứ nhất, người bị bắt và người bị giam giữ là nạn nhân của tra tấn đều có cơ hội khiếu nại đối với cá nhân, tổ chức có thẩm quyền như Tòa án, Thanh tra hoặc các tổ chức phi Chính phủ về các hành vi tra tấn.[14]

– Thứ hai, kết luận của bất cứ cuộc thẩm vấn nào cũng phải được cung cấp cho nạn nhân của những hành vi tra tấn nhằm hỗ trợ họ trong việc theo đuổi các khiếu nại bồi thường.[15]

– Thứ ba, mọi nạn nhân của hành vi tra tấn phải được trao một mức bồi thường công bằng và thích đáng, bao gồm cả những biện pháp phục hồi chức năng về cả vật chất và tâm lý. Mọi tổn thương và mất mát từ hành tra tấn phải được đánh giá bằng hình thức giám định.[16]

– Thứ tư,người khiếu nại phải được bảo vệ để tránh bị đe dọa hay chịu những hậu quả bất lợi từ việc khiếu nại.[17] Ủy ban khuyến cáo các quốc gia phải tổng hợp báo cáo tất cả mọi trường hợp đe dọa nhân chứng và thiết lập chương trình bảo vệ nhân chứng và nạn nhân của tra tấn.[18] Các quốc gia phải cung cấp những thủ tục cần thiết đối với nạn nhân của tra tấn để giúp họ thực hiện quyền khiếu nại của mình với một cách không quan liêu và không có sự trả thù. Người bị tạm giữ phải được thông báo về quyền được khiếu nại về những hành vi tra tấn.[19]

– Thứ năm, CAT không yêu cầu thủ tục bắt buộc nào về việc khiếu nại những hành vi tra tấn. Quy trình được xem là đầy đủ khi có bất cứ cáo buộc nào từ nạn nhân và nhân chứng sẽ làm phát sinh trách nhiệm của nhà nước trong việc xác minh cáo buộc.[20]

1.3. Quyền được bồi thường về những tổn thất do bị tra tấn

Nội dung của Điều 14[21] được cho là có sự liên hệ mật thiết với quyền được khiếu nại theo Điều 13 CAT. Điều 13 chỉ ra nghĩa vụ khắc phục cơ bản từ những hành vi tra tấn dựa vào những đánh giá cụ thể ở khía cạnh hình sự về các tội chống tra tấn. Trên cơ sở đó, quốc gia tiến hành truy tố thủ phạm ra trước công lý theo những ràng buộc được ghi nhận tại Điều 4 và Điều 9 của CAT.[22] Nội dung của Điều 14 chỉ ra rõ ràng nghĩa vụ bồi thường khắc phục về vật chất. Theo đó, nạn nhân của hành vi tra tấn có quyền khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền theo Điều 13, và Điều 14 sẽ ràng buộc trách nhiệm của quốc gia về việc phải cung cấp một quy trình khắc phục thiệt hại với mục đích trao cho nạn nhân khiếu nại sự khôi phục đầy đủ nhất.

Ủy ban cũng đã chỉ ra những lưu ý đối với các quốc gia thành viên về nội dung của Điều 14 (1) ở những khía cạnh sau:

– Thứ nhất, nạn nhân của các hành vi tra tấn có quyền được bồi thường những tổn thất về sự đau đớn và những chịu đựng nhục nhã mà họ phải gánh chịu. Nội dung các hình thức bồi thường bao gồm: hoạt động điều tra về sự thật từ những cáo buộc của nạn nhân để xác định các hành vi tra tấn cùng với lời xin lỗi từ cơ quan có thẩm quyền, từ người đã sử dụng hành vi tra tấn trong quá trình truy tố và buộc tội; những bồi thường về y tế, về kinh tế, những mất mát về danh tiếng, sự thừa nhận của công chúng, và phục hồi những mất mát về tâm lý và thể chất hay những mất mát khác mà họ đã phải gánh chịu.[23]

Ủy ban cũng lưu ý rằng, việc tiến hành các hoạt động điều tra nhằm xác định những cáo buộc về việc sử dụng các hành vi tra tấn là hết sức quan trọng và cần thiết.[24] Nếu thiếu công đoạn này thì không thể xác định được quyền được bồi thường của nạn nhân và gia đình của anh ta đã bị vi phạm. Hay nói cách khác, những kết luận về nghĩa vụ bồi thường chỉ có thể thực hiện sau khi đã tiến hành những quy trình xác minh, điều tra theo đúng trình tự tố tụng hình sự đối với những cáo buộc. Vì thế mà Ủy ban đã thúc đẩy các nước thành viên cần phải tiến hành điều tra ngay không được chậm trễ.[25] Điều này có ý nghĩa không chỉ đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người bị buộc tội là nạn nhân của tra tấn mà còn nhanh chóng xử lý mọi hành vi sử dụng tra tấn trong hoạt động tố tụng hình sự.

– Thứ hai,trong trường hợp sự tra tấn gây ra cái chết cho nạn nhân thì những người phụ thuộc của họ cũng có quyền được bồi thường. Người phụ thuộc được hiểu là cha mẹ và những thành viên ruột thịt trong gia đình của người chết. Theo giải thích của Ủy ban Chống tra tấn, nội dung của Điều 14(1) CAT cho phép người thân trong gia đình của nạn nhân bị tra tấn có quyền được khiếu nại những đau khổ đối với nạn nhân bị chết và cả những đau khổ do chính họ phải gánh chịu. Theo đó, Ủy ban cũng chấp nhận người thân của nạn nhân có quyền được hưởng những biện pháp khắc phục và sửa chữa bằng những hình thức khác ngoài những khoản bồi thường bằng tiền, bao gồm những chi phí cho việc điều tra sự thật, những hình thức chế tài đối với thủ phạm về tra tấn, khoản tiền lương hưu cho nạn nhân của tra tấn và người phụ thuộc của họ,[26] việc bồi thường phải đảm bảo mức độ phục hồi những tổn thất về cả thể chất và tinh thần dưới nhiều cách thức khác nhau, bao gồm cả sự hỗ trợ về xã hội và y tế.[27]

1.4. Quyền loại trừ chứng cứ buộc tội từ kết quả do bị tra tấn

CAT ràng buộc các quốc gia thành viên phải ghi nhận trong đạo luật TTHS trường hợp mà CAT đưa ra tại Điều 15[28] rằng mọi chứng cứ là kết quả từ việc tra tấn phải được loại trừ. Mặc dù vậy, không phải mọi quốc gia thành viên đã phê chuẩn CAT đều luật hóa điều này.[29] Trên cơ sở ghi nhận của Ủy ban Chống tra tấn, một số quốc gia nội luật hóa nội dung này bằng cách chỉ ra những hành vi không được phép sử dụng trong quá trình xét hỏi đối với người bị buộc tội, ví dụ như Điều 136a BLTTHS Đức quy định cấm sử dụng trung tâm điều trị, lợi dụng sự mệt mỏi, can thiệp mua chuộc bằng vật chất, sử dụng chất gây nghiện, lừa dối, thôi miên, đe dọa, tra tấn trong quá trình xét hỏi. Những hành vi trên đều bị coi là tội phạm.[30]

Ở khía cạnh khác, những quy định loại trừ giá trị của chứng cứ trong quy định của pháp luật nước Anh và xứ Wale cho rằng chứng cứ sẽ không được thừa nhận nếu được thu thập bằng cách áp bức.[31] Theo đó, hành vi “áp bức” (oppression) bao gồm sử dụng hay đe doạ sử dụng các hình thức tra tấn, vô nhân đạo hoặc đối xử tồi tệ.[32]

Một vài quốc gia chỉ quy định đơn giản rằng không chấp nhận bất cứ lời khai được thu thập trong tình trạng “không tự nguyện” (involuntary) do bị tra tấn hay đe dọa, vô nhân đạo hoặc đối xử tồi tệ. [33]

Thậm chí, ngay cả ở những quốc gia có ghi nhận cụ thể các nội dung liên quan đến việc nội luật hóa đã đề cập ở trên, trong thực tế, ở những vụ việc cụ thể cũng đã ghi nhận những “lời khai tự nguyện” từ người bị buộc tội do tình trạng mệt mỏi, đe dọa, lừa dối hoặc được hứa hẹn.[34]

Với nhiệm vụ giải thích việc áp dụng Công ước CAT, Ủy ban Chống tra tấn đã đưa ra những cách hiểu chung về nội dung của Điều 15 như sau:

– Những lời khai được thu thập từ kết quả do bị tra tấn sẽ không được xem là chứng cứ trong bất cứ tiến trình tố tụng nào, bao gồm cả thủ tục dẫn độ (extradition proceedings).

– Nghĩa vụ chứng minh: Điều 15 CAT chỉ đề cập rằng người nộp đơn yêu cầu được yêu cầu chứng minh những cáo buộc của họ về hành vi tra tấn mà không đề cập đến trách nhiệm của nhà nước. Tuy nhiên, qua thực tiễn giải quyết các vụ việc của các quốc gia thành viên, nghĩa vụ chứng minh nhằm xác định có hay không những lời khai được xem là chứng cứ trong bất cứ tiến trình tố tụng (bao gồm cả thủ tục dẫn độ) được tạo nên từ kết quả của sự tra tấn thuộc trách nhiệm của nhà nước.[35] Chính vì vậy, một cách không chính thức, tinh thần của Điều 15 về gánh nặng chứng minh được trao đầu tiên cho người khiếu nại (kháng cáo) rằng anh ta phải đưa ra được nguyên nhân hợp lý tại sao những chứng cứ được thu thập bởi tra tấn. Tiếp theo đó, tòa án sẽ tìm hiểu có hay không việc chứng cứ được thu thập bởi tra tấn. Nếu có, chứng cứ đó sẽ không thể được thừa nhận.[36]

– Về phạm vi (đối tượng) chứng minh: Điều 15 CAT chỉ đề cập những chứng cứ được thu thập từ hành vi tra tấn sẽ không được chấp nhận mà không đề cập những chứng cứ được thu thập do bị đối xử tàn ác, vô nhân đạo. Trong thực tiễn áp dụng ở các quốc gia, cũng như câu chữ ghi nhận tại Điều 15 đều cho thấy không có bất cứ một sự phân biệt rõ ràng giữa tra tấn và các hành vi đối xử tàn ác, vô nhân đạo. Chính vì thế, Ủy ban đã gợi ý rằng nên xem xét bao gồm cả hai đối tượng này.[37]

2. Sự tương thích của pháp luật TTHS Việt Nam về bảo đảm quyền của người bị buộc tội so với CAT và những định hướng cho việc nội luật hóa

2.1 Sự tương thích của pháp luật TTHS Việt Nam về bảo đảm quyền của người bị buộc tội so với CAT

Đối chiếu những quy định của CAT liên quan đến quyền của người bị buộc tội trong quá trình tố tụng, dễ dàng nhận thấy pháp luật Việt Nam hiện hành có sự tương thích cao so với những khung chuẩn mực của CAT. Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận quyền được bảo vệ khỏi những hành vi tra tấn, bức cung, nhục hình là một trong những quyền cơ bản của con người cơ bản phải được bảo vệ (Điều 20 khoản 1).[38]

Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự (BLHS) Việt Nam hiện chưa có điều khoản quy định tội danh tra tấn và điều này cần sớm phải được ghi nhận. Mặc dù vậy, BLHS cũng quy định hành vi dùng bức cung, nhục hình trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án bị coi là tội phạm (Điều 298,299). Nội dung này cũng được xem là một nguyên tắc cơ bản trong Điều 6 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) về cấm mọi hành vi áp dụng bức cung, nhục hình trong quá trình chứng minh tội phạm.

Bên cạnh đó, những quyền cụ thể của người bị buộc tội được ghi nhận trong CAT đã được phân tích ở trên cũng được tìm thấy trong Hiến pháp và pháp luật TTHS Việt Nam với mức độ tương thích cao, cụ thể là:

Thứ nhất, quyền được bảo vệ khỏi bị tra tấn, đối xử tàn ác và vô nhân đạo

– Về bảo đảm điều kiện giam giữ:Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận tại Điều 38 và Điều 43 tinh thần người bị bắt, bị giam giữ có quyền được bảo vệ, chăm sócsức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế; có quyền được sống trong môi trường trong lành. Trong pháp luật tố tụng hình sự, tất cả những tiêu chuẩn cơ bản về điều kiện giam giữ mà Ủy ban Chống tra tấn khuyến cáo đã chỉ ra ở trên đều được tìm thấy với mức độ tương thích cao trong Nghị định số 13/VBHN-BCA của Bộ Công an ban hành ngày 7/4/2014 về ban hành Quy chế Tạm giữ, tạm giam. Văn bản này quy định cách thức tổ chức, phân luồng các Nhà tạm giữ, và trại tạm giam theo thẩm quyền các cấp điều tra, truy tố và xét xử nhằm tránh hiện tượng quá tải và điều chuyển trại nhiều lần đối với người bị giam giữ; chế độ giam giữ cũng tương thích với những khuyến cáo của Ủy ban chống tra tấn về việc giam riêng các đối tượng (nam – nữ; người chưa thành niên – người đã thành niên; giữa người đang điều tra – người chấp hành án; giam riêng một số nhóm tội phạm như tội xâm phạm an ninh quốc gia, tử tù, hay người có bệnh truyền nhiễm); chế độ đối với người bị giam giữ, tạm giam cũng được chuẩn hóa ở những mức độ bảo đảm cơ bản nhất về chế độ ăn uống, hỗ trợ y tế, diện tích phòng giam (2m2/người) có trang bị khu vệ sinh, chế độ gặp gỡ nhận quà với người thân 1 tháng không quá 3 lần…

Tuy nhiên, với khuyến cáo của Ủy ban Chống tra tấn về việc nên rút ngắn thời hạn quy trình tố tụng cũng như thời hạn tạm giữ, tạm giam thì BL TTHS Việt Nam cũng cần phải xem xét để sửa đổi. Hiện nay, những thời hạn này bị xem là dài so với nhiều nước trên thế giới, điều này dẫn đến tình trạng quá tải về nhà tạm giữ, trại tạm giam, cũng như hệ thống nhà tù. Một khi hiện tượng này chưa được khắc phục sẽ gây ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng áp dụng Quy chế Tạm giữ, tạm giam nêu trên.

– Về thủ tục tố tụng đối với người bị buộc tội trong hoạt động thu thập chứng cứ:

Những khuyến cáo của Ủy ban Chống tra tấn đều nhấn mạnh phải bảo đảm sự có mặt của người bào chữa trong các hoạt động hỏi cung, cũng như quyền được gặp gỡ với luật sư ngay sau khi bị bắt và khi đang bị giam giữ nhằm ngăn ngừa những khả năng bị tra tấn. Ở nội dung này, Hiến pháp năm 2013 đã chính thức ghi nhận tranh tụng phải được bảo đảm trong hoạt động xét xử (Điều 103), và quy định mở rộng phạm vi chủ thể được bảo đảm quyền bào chữa bao gồm người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa (Điều 31 khoản 4). Đây thực sự là điểm mới tiến bộ của Hiến pháp năm 2013, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự tham gia của người bào chữa trong các giai đoạn tố tụng.

Tuy nhiên, những quy định cụ thể liên quan đến bảo đảm quyền tham gia của người bào chữa trong quá trình tố tụng, đặc biệt trong giai đoạn khởi tố, điều tra vẫn còn những hạn chế khi đối chiếu với những chuẩn mực mà Ủy ban Chống tra tấn khuyến cáo. Những quy định của BLTTHS về sự tham gia của người bào chữa như thời điểm tham gia tố tụng, thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa; các quyền của người bào chữa được trong hoạt động hỏi cung lấy lời khai của bị can và người liên quan; quyền được gặp gỡ với thân chủ là người bị bắt, bị can, bị cáo đang bị giam giữ vẫn còn nhiều bất cập. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho việc phát hiện và ngăn ngừa các hành vi tra tấn, bức cung, nhục hình đã được khuyến cáo bởi Ủy ban Chống tra tấn.

Một nội dung thiếu sót, theo quan điểm cá nhân người viết, đó là việc pháp luật chưa ghi nhận quyền được giữ im lặng của người bị buộc tội. Việc không ghi nhận quyền này, theo nhận định Ủy ban Chống tra tấn là một những nguy cơ của các hành vi tra tấn (xem phân tích ở mục 1.1 ở trên). Rõ ràng, trách nhiệm chứng minh tội phạm và người phạm tội là nghĩa vụ của Nhà nước, người bị buộc tội có quyền không phải chứng minh về sự vô tội của mình (Điều 11 BLTTHS). Bên cạnh đó, cả Hiến pháp năm 2013 và BLTTHS đều ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội là định hướng cơ bản trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử. Một khi người bị buộc tội phải buộc trình bày những lời khai về sự phạm tội thì vô hình chung họ đã gánh vác thay vai trò chứng minh của người tiến hành tố tụng, trong khi bản thân họ là người yếu thế, không được trang bị những công cụ, phương tiện để hỗ trợ cho việc chứng minh đối với hành vi phạm tội bị cáo buộc bởi Nhà nước. Chính vì thế, quyền được giữ im lặng cùng với quyền được hỗ trợ bởi người bào chữa phải được bảo đảm để tạo ra cơ chế tranh tụng công bằng theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và đồng thời hạn chế những nguy cơ rủi ro gây ra bởi những hành vi tra tấn.

Thứ hai, quyền được khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền về các hình thức tra tấn và được bảo vệ khỏibị trả thùdoviệc khiếu nại và quyền được bồi thường thỏa đáng do bị tra tấn

Theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 (Điều 31) và BLTTHS (Điều 29, Điều 30, Điều 31 và các điều luật quy định về quyền của người bị buộc tội) thì người bị buộc tội có quyền khiếu nại trước cơ quan có thẩm quyền về những hành vi trái pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự do cơ quan và người tiến hành tố tụng gây ra và được bồi thường, phục hồi thiệt hại và quyền lợi. Đồng thời các điều khoản trên cũng quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền phải tiếp nhận, xác minh và giải quyết khiếu nại, đảm bảo cho người khiếu nại không bị trả thù và tiến hành bồi thường đối với họ (trên cơ sở giám định mức độ thiệt hại).

Tuy nhiên, điểm không tương thích cơ bản với CAT là, cho đến nay, pháp luật Việt Nam (bao gồm cả HS và TTHS) đều chưa có quy định nào ghi nhận tội danh tra tấn cũng như quyền được khiếu nại và bồi thường đối với những thiệt hại do hành vi tra tấn gây ra. Những văn bản pháp luật hiện hành mới chỉ dừng lại ở bồi thường trong những trường hợp oan, sai trong các hoạt động tố tụng hình sự (được ghi nhận trong Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009).[39]  Rõ ràng, việc bồi thường nếu có, sẽ thuộc trách nhiệm bồi thường dân sự của người bị kết án về hành vi tra tấn đối với nạn nhân của họ (là chủ thể được bảo đảm theo Điều 14 CAT) nếu chiếu theo pháp luật TTHS Việt Nam. Như vậy, Nhà nước (cơ quan tiến hành tố tụng) sẽ không thể là chủ thể có nghĩa vụ bồi thường trong trường hợp này như phạm vi điều chỉnh của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước đề cập ở trên.[40] Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần phải nội luật hóa những nguyên tắc chung mà CAT chỉ ra, theo đó trách nhiệm bồi thường của người bị kết tội về hành vi tra tấn đối với nạn nhân của họ phải ở mức “toàn diện, đầy đủ nhất có thể”.

Thứ ba, quyền loại trừ chứng cứ buộc tội từ kết quả do bị tra tấn

Theo những phân tích ở trên, Ủy ban Chống tra tấn không ngừng thúc đẩy các quốc gia phải ghi nhận những chứng cứ được thu thập từ kết quả của các hành vi tra tấn, đối xử tàn ác, vô nhân đạo là không thể chấp nhận. Hiện tại, pháp luật TTHS Việt Nam chưa quy định bất cứ nội dung nào tương tự Điều 15 CAT. Để thực thi điều này, hoạt động tố tụng hình sự phải bảo đảm trước hết không vi phạm những quy định tại Điều 298 và Điều 299 BLHS về tội dùng nhục hình và tội bức cung trong điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, có thể suy đoán logic rằng, những chứng cứ được thu thập do bị bức cung, nhục hình có đương nhiên bị loại trừ khi mà cả BLHS và BLTTHS đều không ghi nhận nội dung tương tự như Điều 15 CAT, ngoại trừ quy định tại Điều 66 khoản 1 BLTTHS khi cho rằng “mỗi chứng cứ phải được đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án”? Thực tế xét xử vụ án hình sự cho thấy, những trường hợp dùng bức cung, nhục hình trong trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử khi bị phát hiện đều phải trả hồ sơ điều tra bổ sung theo quy định của Điều 179 BLTTHS vì xác định là có căn cứ vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, quy định này chưa đủ cơ sở pháp lý để phủ định giá trị chứng minh của chứng cứ, đặc biệt trong trường hợp những chứng cứ được thu thập từ những hành vi tra tấn khi hành vi này sẽ phải được ghi nhận trong pháp luật hình sự trong tương lai khi Việt Nam chính thức phê chuẩn CAT. Đây chính là điểm chưa tương thích của pháp luật Việt Nam so với CAT.

2.2. Một số đề xuất về định hướng nội luật hóa Công ước Chống tra tấn về bảo đảm quyền của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự

Dựa trên những giải thích và khuyến cáo mà Ủy ban Chống tra tấn đưa ra đối với các quốc gia, cũng như mức độ tương thích của pháp luật trong nước, bài viết đề xuất một số định hướng sau cho tiến trình nội luật hóa Công ước CAT.

Thứ nhất, cần phải tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục và xây dựng pháp luật về chống tra tấn để bổ sung, hoàn thiện và học hỏi kiến thức cũng như kinh nghiệm của các nước trong việc nội luật hóa CAT. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự về xử lý tội phạm, thông qua đó phát hiện những hạn chế, vướng mắc để hoàn thiện hơn nữa các quy trình xử lý tội phạm trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi giữa Việt Nam với các quốc gia.

Thứ hai, để ủng hộ khuyến cáo của Ủy ban Chống tra tấn, cần thiết phải tiến hành nghiên cứu vàthiết lập các cơ chế kiểm tra, giám sát, phản hồi tình trạng và điều kiện giam giữ đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, và người bị kết án nhằm hạn chế và ngăn chặn mọi hành vi tra tấn, đối xử tàn ác, vô nhân đạo. Ngoài việc hoàn thiện các quy định về sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động thực thi và giám sát các hoạt động tố tụng, cơ chế này sẽ cho phép tiến hành những hoạt động như: khảo sát thông qua hoạt động báo cáo đánh giá về quy trình thẩm vấn và quy chế giam giữ; phỏng vấn người bị bắt hoặc bị giam giữ về điều kiện giam giữ cũng như thái độ của người tiến hành tố tụng và người thi hành công tác giam giữ; thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật về chống tra tấn đối với đội ngũ quản giáo.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả của các hoạt động trợ giúp pháp lý đối với người dân, thông qua đó trang bị và hỗ trợ họ về mặt pháp lý trước những vi phạm về tra tấn trong lĩnh vực tố tụng hình sự, đặc biệt là nhóm người yếu thế.[41]

Thứ tư, tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm nội luật hóa CAT và thể chế hóa quy định của Hiến pháp về chống tra tấn. Cụ thể cần hoàn thiện những quy định sau:

– Một là, cần sớm quy định tội danh tra tấn trong pháp luật hình sự cũng như bổ sung đầy đủ hơn những hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó có những hành vi liên quan đến tra tấn, đối xử tàn ác, vô nhân đạo trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự.

– Hai là, hoàn thiện quy định của pháp luật TTHS theo hướng rút ngắn thời gian quy trình tố tụng, rút ngắn thời gian giam giữ trong giai đoạn tiền xét xử;[42] mở rộng áp dụng các trường hợp không áp dụng biện pháp giam giữ nhằm tránh tình trạng ô nhiễm và quá tải nhà giam giữ và nhà tù theo như khuyến cáo của Ủy ban Chống tra tấn.

– Ba là, hoàn thiện các quy định liên quan đến bảo đảm quyền của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo theo những phân tích và đề xuất của Ủy ban Chống tra tấn ở phần trên, cụ thể:

– Ghi nhận quyền được giữ im lặng;

– Bổ sung chủ thể có quyền bào chữa đối với người bị bắt trong BLTTHS để tương thích với quy định của Hiến pháp 2013;

– Bổ sung quy định về quyền được loại trừ những chứng cứ được thu thập bởi những hành vi tra tấn, đối xử tàn ác, vô nhân đạo;

– Quy định quyền được khiếu nại và bồi thường đối với những thiệt hại do hành vi tra tấn gây ra. Việc bồi thường cần xem xét thực hiện cho cả người thân phụ thuộc của nạn nhân bị chết bởi tra tấn, bao gồm không chỉ những khoản thiệt hại của nạn nhân mà cả những tổn thất, đau khổ về tinh thần đối với người thân của họ.

CHÚ THÍCH

* TS. Luật học, giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.

[1] Điều 11: Mỗi Quốc gia thành viên phải rà soát một cách có hệ thống các quy tắc, hướng dẫn, phương pháp và thực tiễn thẩm vấn cũng như các cơ chế giam giữ và đối xử với những người bị bắt, giam giữ, cầm tù dưới mọi hình thức, ở bất kỳ lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của mình, nhằm mục đích ngăn chặn mọi vụ việc tra tấn.

[2] Điều 10 CCPR được xem là văn kiện ghi nhận tiêu chuẩn tối thiểu của việc giam giữ, trong đó yêu cầu: việc giam giữ phải tách biệt giữa người bị kết án với người bị tạm giữ trong giai đoạn trước khi xét xử; giữa người chưa thành niên với người đã thành niên; giữa nam và nữ.

[3] Manferd Nowak, Elizabeth McArthur, tlđd,tr. 405 (A/48/44, 247, 440; A/56/44, 95(c),(f)).

[4] Quy chế được ban hành bởi Đại hội đồng LHQ vào năm 1977 về Ngăn chặn tội phạm và trừng phạt người phạm tội. Nội dung của Quy chế cũng đề cập đến những vấn đề tương tự như Điều 10 của CCPR (xem chú thích số 1)

[5] Mặc dù vậy, Ủy ban chống tra tấn cũng chưa đưa ra gợi ý nào về một tiêu chuẩn chung quốc tế về điều kiện nhà giam giữ và hệ thống nhà tù. Xem:Manferd Nowak, Elizabeth McArthur, Tlđd, tr. 404 (A/56/44, 119(c); CAT/C/CR/31/3, 7(d)).

[6] Đây đồng thời cũng là kêu gọi của Ủy ban Nhân quyền của LHQ (The Human Rights Committee). Theo đó, việc tồn tại các tình trạng giam giữ trong điều kiện nghèo nàn (poor conditions) đều bị coi là vi phạm Điều 10 CCPR và Điều 11 CAT. (Xem: Manferd Nowak, Elizabeth McArthur, Tlđd, tr. 412).

[7] Tlđd,tr. 404 – 408.

[8] Đề xuất này được đưa ra từ kết quả khảo sát pháp luật TTHS của Pháp khi nước này cho phép quyền được tiếp xúc với luật sư có thể kéo dài tới 72 tiếng đồng hồ sau khi bị bắt và tạm giữ. Ủy ban chống tra tấn cho rằng quy định này của Pháp đã vi phạm Điều 11 CAT (CAT/FRA/CO/3, 16). Xem:Manferd Nowak, Elizabeth McArthur, tlđd, tr. 405.

[9] CAT/C/TGO/CO/1, 11, A/56/44, 114(d). Xem: tlđd,tr. 404.

[10] A/48/44, 427. Xem: tlđd,tr. 405

[11] CAT/C/75, 220(e). Xem: tlđd,.

[12] Đề xuất dựa trên kết quả khảo sát đối với Mỹ (CAT/C/USA/CO/2, 24). Xem: Manferd Nowak, Elizabeth McArthur, tlđd, tr. 411.

[13] Điều 13. Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng bất kỳ cá nhân nào cho rằng họ bị tra tấn trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình đều có quyền khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền của nước đó và được những cơ quan này xem xét một cách khẩn trương và khách quan. Quốc gia đó cũng phải thực hiện các biện pháp để bảo đảm rằng người khiếu nại và nhân chứng được bảo vệ tránh sự ngược đãi hay hăm dọa như là hậu quả của việc khiếu nại hoặc cung cấp bằng.

[14] CAT/C/FRA/CO/3, 22; CAT/C/NPL/CO/2, 28. Xem:Manferd Nowak, Elizabeth McArthur, tlđd, tr. 443

[15] CAT/QAT/CO/2, 18; CAT/C/CR/4,7. Xem:tlđd.

[16] CAT/C/KOR/CO/2, 8. Xem:Manferd Nowak, Elizabeth McArthur, tlđd, tr. 411.

[17] A/56/44, 53(e). Xem: tlđd.

[18] CAT/C/LKA/CO/2, 15. Xem:tlđd.

[19] A/56/44/ 82(c). Xem: tlđd, tr. 449.

[20] Tlđd.

[21] Điều 14(1): Mỗi Quốc gia thành viên phải bảo đảm trong hệ thống pháp luật của mình rằng các nạn nhân của hành động tra tấn sẽ được cứu chữa và có quyền khả thi được bồi thường công bằng và thoả đáng, kể cả được cung cấp những điều kiện để phục hồi một cách đầy đủ đến mức có thể. Trường hợp nạn nhân chết do bị tra tấn, những người phụ thuộc vào người đó có quyền hưởng bồi thường.

[22] Điều 4 cho rằng mọi hành vi tra tấn được quy định ở Điều 1 CAT đều phải bị coi là tội phạm và phải dị truy tố.

[23] Manferd Nowak, Elizabeth McArthur, tlđd, tr. 540.

[24] Hoạt động điều tra ở đây chính là các thủ tục điều tra tội phạm về tra tấn bị cáo buộc. Đây chính là cơ sở pháp lý để xác minh trách nhiệm bồi thường với nạn nhân và người thân phụ thuộc của họ.

[25] Manferd Nowak, Elizabeth McArthur, tlđd, tr. 484 (No.113/1998, 9.9).

[26] Nos.,1,2, and 3/1988, 7.4. Xem: Manferd Nowak, Elizabeth McArthur, tlđd, tr. 490.

[27] Tuyên bố của Đan Mạch. Xem:tlđd, tr. 481.

[28] Điều 15.Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng bất kỳ phát ngôn nào được đưa ra như là kết quả của tra tấn sẽ không được sử dụng làm bằng chứng trong bất kỳ tiến trình tố tụng nào, trừ khi để làm bằng chứng chống lại một người bị cáo buộc là đã thực hiện hành động tra tấn để có lời khai người đó.

[29] Karen B.Brown, David V. Snyder, General Report of the XVII Congress of the International Academy of Comparative Law, Sringer, 2012, tr. 629.

[30] Nội dung tương tự cũng được ghi nhận trong quy định tại Điều 64 (3) BLTTHS Ý, Điều 17(7) BLTTHS Phần Lan, Điều 126(1) BLTTHS Tân Ban Nha, Điều 9 BLTTHS Nga, Điều 135(A) BLTTHS Thổ Nhĩ Kỳ, Điều 156(1) BLTTHS Đài Loan …

[31] Điều 76(8) Đạo luật TTHS của Vương quốc Anh và Xứ Wales.

[32] Tlđd.

[33] Đạo luật về Chứng cứ (Israel), Điều 136(a) BLTTHS Đức, Điều 188 BLTTHS Ý.

[34] Tlđd.

[35] Vụ việc của Thụy Sỹ (G.K.v.Swizerland, No.219/2002, 6.10) và Pháp (P.E.v.France, No.193/2001, 6.6). Xem:Nowak, Elizabeth McArthur, tlđd, tr. 533.

[36] Tlđd,tr .534.

[37] Tlđd,tr. 536.

[38] Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nàokhác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

[39] Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009 cụ thể hóa những vấn đề liên quan, bao gồm mức bồi thường cho người bị thiệt hại được bảo đảm cả những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tinh thần. Trong trường hợp người bị thiệt hại chết thì người mà họ đang có nghĩa vụ cấp dưỡng cũng được hưởng khoản tiền cấp dưỡng đó… Tuy nhiên văn bản này không ghi nhận quyền được bồi thường riêng rẽ cho người thân phụ thuộc của người bị chết như khuyến cáo của Ủy ban Chống tra tấn. Phạm vi điều chỉnh của văn bản này chỉ bao gồm những trường hợp ghi nhận tại Điều 26 do những hành vi oan sai do cơ quan THTT gây ra chứ không bao gồm trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với tội phạm về tra tấn.

[40] Xem:chú thích số 39.

[41] Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội ban hành ngày 29/6/2006 là văn bản duy nhất quy định về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí đối với người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi. Theo đó, người bị buộc tội nói chung và người bị giam giữ nói riêng nếu thuộc một trong những đối tượng trên sẽ được hưởng chính sách được bào chữa miễn phí bởi trợ giúp viên pháp lý của các Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước.

[42] Ý kiến này là một trong những nội dung được Bộ chính trị nhấn mạnh trong định hướng cải cách tư pháp trong lĩnh vực tư pháp hình sự được ghi nhận trong Nghị quyết 08/NQ/TW ngày 2/1/2002 và Nghị quyết 49/NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị./.

  • Tác giả: TS. Lương Thị Mỹ Quỳnh*
  • Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 03/2014 – 2014, Trang 51-60
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Tăng cường thực thi pháp luật môi trường tại Việt Nam thông qua nội luật hóa Công ước Basel 1989
Tăng cường thực thi pháp luật môi trường tại Việt Nam thông qua nội luật hóa Công ước Basel 1989
Một số vấn đề lý luận về tra tấn
Một số vấn đề lý luận về tra tấn
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Bảo đảm tính thống nhất giữa bộ luật lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Bảo đảm tính thống nhất giữa Bộ luật Lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động - Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam
Thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động – Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam

Chuyên mục: Hình sự/ Luật Hình sự - Phần chung/ Luật Hình sự quốc tế Từ khóa: Công ước chống tra tấn 1984/ Người bị buộc tội/ Nội luật hóa/ Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam/ Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 03/2014

Previous Post: « Thực hiện nghĩa vụ của quốc gia trong việc nội luật hóa các quy định của Công ước chống tra tấn trong lĩnh vực tố tụng hình sự
Next Post: Nội luật hóa các quy định của Công ước quốc tế về chống tra tấn đối với hoạt động hỏi cung bị can trong tố tụng hình sự Việt Nam »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng