Mục lục
Tuyển tập 216 Câu nhận định môn Luật tố tụng hình sự năm 2015 có đáp án tham khảo được cập nhật liên tục. Bạn có câu nhận định nào cần hỏi, vui lòng để lại bình luận phía cuối bài viết để được giải đáp nhé!
- [TUYỂN TẬP] Đề thi môn Luật Tố tụng hình sự Việt Nam
- Nhận định đúng sai Luật Hiến pháp Việt Nam – CÓ ĐÁP ÁN
- Nhận định Luật Hình sự phần các tội phạm – CÓ ĐÁP ÁN
- Nhận định môn Pháp luật đại cương – CÓ ĐÁP ÁN
TỪ KHÓA: Câu hỏi nhận định, Tố tụng hình sự
1. Phần khái niệm, nhiệm vụ, nguồn và các nguyên tắc cơ bản
Các nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích tại sao và Nêu rõ căn cứ pháp lý (Nếu có)?
Nhận định 1.01
Chỉ có Quan hệ pháp luật (QHPL) tố tụng hình sự (TTHS) mới mang tính quyền lực nhà nước.
Nhận định Sai.
Giải thích: Ngoài quan hệ pháp luật Tố tụng hình sự thì quan hệ pháp luật tố tụng hành chính cũng mang tính quyền lực nhà nước.
Nhận định 1.02
Nguyên tắc “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo” là nguyên tắc đặc thù mà chỉ Luật TTHS mới có.
Nhận định Đúng.
Giải thích: Bởi vì chỉ có ở Luật tố tụng hình sự mới có việc buộc tội nên bị can, bị cáo mới có quyền bào chữa. Những ngành luật tố tụng khác không có việc buộc tội nên không có bị can, bị cáo, cũng không đặt ra nguyên tắc bào chữa.
Xem thêm tài liệu cùng môn học:
2. Phần Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng hình sự
Các nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích tại sao và Nêu rõ căn cứ pháp lý (Nếu có)?
Nhận định 2.01
Người dưới 14 tuổi không được làm chứng.
Nhận định Sai.
Giải thích: Theo quy định tại khoản 2, Điều 66 BLTTHS năm 2015 quy định về các trường hợp không được làm người làm chứng thì không có quy định nào cấm người dưới 14 tuổi trở thành người làm chứng. Vì vậy, nếu người dưới 14 tuổi không phải là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn, thì vẫn có thể làm chứng.
Căn cứ pháp lý: Khoản 2, Điều 66 BLTTHS 2015.
Nhận định 2.02
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu là người thân thích với người bào chữa trong vụ án đó.
Nhận định Đúng.
Giải thích: Theo quy định tại khoản 3, Điều 49 và khoản 1, Điều 53 BLTTHS 2015 quy định về các trường hợp thay đổi Thẩm phán thì việc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nếu là người thân thích với người bào chữa thì đây được xem là căn cứ rõ ràng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ. Mặc dù, pháp luật hình sự không giải thích thế nào là “căn cứ rõ ràng” tuy nhiên dễ dàng nhận thấy rằng người bào chữa là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo.
Vì vậy, việc trong cùng một vụ án, việc Chủ tọa phiên tòa và Người bào chữa là người thân thích với nhau dẫn đến có thể làm Thẩm phán không vô tư khi thực thi nhiệm vụ. (Ví dụ: Phán quyết có thể không khách quan, có lợi cho bị can, bị cáo,…)
Căn cứ pháp lý: Khoản 3, Điều 49 và khoản 1, Điều 53 BLTTHS 2015.
Nhận định 2.03
Một người có thể tham gia tố tụng với hai tư cách trong vụ án hình sự.
Nhận định Đúng.
Giải thích: Trong vụ án hình sự một người có thể tham gia tố tụng với nhiều tư cách miễn là quyền và nghĩa vụ của các tư cách đó không loại trừ lẫn nhau, vừa có tư cách tham gia vụ án với tư cách bị hại, vừa tham gia với tư cách là bị can. (Ví dụ: A và B đánh nhau gây thương tích. A phải chịu trách nhiệm hình sự đối với thương tích của B và ngược lại, nhưng lại là bị hại đối với thương tích do B gây ra đối với mình).
Một người chỉ bị cấm tham gia tố tụng với nhiều tư cách khi quyền và nghĩa vụ của các tư cách đó đối chọi nhau, loại trừ nhau như: Vừa là người tiến hành tố tụng vừa là người tham gia tố tụng.
Nhận định 2.04
Người thân thích của bị hại thì không được tham gia vụ án với tư cách người định giá tài sản trong vụ án đó.
Nhận định Đúng.
Giải thích: Theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 69 BLTTHS 2015 quy định về các trường hợp người định giá tài sản phải từ chối tham gia tố tụng thì khi là người thân thích của bị hại thì người định giá không được tham gia tố tụng với tư cách là người định giá tài sản. Quy định này nhằm đảm bảo tính khách quan đối với kết quả định giá tài sản. Vì khi là người thân thích của bị hại, dễ dẫn đến trường hợp người định giá sẽ tiến hành định giá tài sản cao hơn thực tế, gây bất lợi cho bị can/bị cáo, làm sai lệch kết quả điều tra vụ án.
Cơ sở pháp lý: Điểm a, khoản 5, Điều 69 BLTTHS 2015
Nhận định 2.05
Đương sự trong vụ án hình sự có quyền yêu cầu giám định, định giá tài sản.
Nhận định Đúng.
Giải thích: Theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 4 BLTTHS 2015 giải thích về “Đương sự” thì Đương sự trong vụ án hình sự gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.
Theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 63; điểm đ, khoản 2, Điều 64 và điểm c, khoản 2, Điều 65 BLTTHS 2015 quy định về các quyền của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự (đương sự) thì: Đương sự có quyền yêu cầu giám định, định giá tài sản.
Cơ sở pháp lý: điểm g, khoản 1, Điều 4; điểm đ, khoản 2, Điều 63; điểm đ, khoản 2, Điều 64 và điểm c, khoản 2, Điều 65 BLTTHS 2015.
Nhận định 2.06
Trường hợp Thư ký Tòa án không thể tiếp tục tham gia phiên tòa mà không có người thay thế thì phải hoãn phiên tòa.
Nhận định Sai.
Giải thích: Theo quy định tại khoản 1, Điều 297 BLTTHS 2015 quy định về các trường hợp phải hoãn phiên tòa và đoạn 3, khoản 2, Điều 54 BLTTHS 2015 quy định về việc thay đổi Thư ký Tòa án thì: Trường hợp Thư ký Tòa án không thể tiếp tục tham gia phiên tòa mà không có người thay thế thì không phải hoãn phiên tòa mà chỉ tạm ngừng phiên tòa.
Cơ sở pháp lý: khoản 1, Điều 297 và đoạn 3, khoản 2, Điều 54 BLTTHS 2015.
Nhận định 2.07
Tất cả những người có quyền giải quyết vụ án hình sự đều là những người tiến hành tố tụng.
Nhận định Sai.
Giải thích: Những cơ quan khác không phải cơ quan tiến hành tố tụng như: Bộ đội biên phòng, Kiểm lâm, Hải quan, Cảnh sát biển và những cơ quan khác trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được quy định tại Điều 111 BLTTHS 2015 cũng có quyền tham gia giải quyết vụ án hình sự theo những trường hợp luật định.
Cơ sở pháp lý: Điều 111 BLTTHS 2015.
Nhận định 2.08
Tất cả những người tham gia tố tụng có quyền và nghĩa vụ pháp lý trong vụ án hình sự đều có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng.
Nhận định Sai
Giải thích: Theo quy định tại Điều 55 BLTTHS 2015 quy định về người tham gia tố tụng thì có 20 chủ thể được xem là người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, chỉ một số chủ thể có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng gồm: Bị can (điểm g, khoản 2, Điều 60), bị cáo (điểm d, khoản 2, Điều 61), bị hại (điểm e, khoản 2, Điều 62),…
Các chủ thể còn lại không có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng như: Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố (khoản 1, Điều 56); Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (khoản 1, Điều 57); Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt (khoản 1, Điều 58);… Vì vậy không phải tất cả những người tham gia tố tụng có quyền và nghĩa vụ pháp lý trong VAHS đều có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng.
Cơ sở pháp lý: khoản 1 các Điều 56, 57, 58 BLTTHS 2015.
Nhận định 2.09
Trong mọi trường hợp người bào chữa phải bị thay đổi nếu là người thân thích của người tiến hành tố tụng.
Nhận định Sai.
Giải thích: Căn cứ vào mục 1, phần II, Nghị quyết 03/2004 thì căn cứ vào thời điểm mà người bào chữa tham gia để quyết định thay đổi hoặc không thay đổi. Nếu người bào chữa không tham gia trong các giai đoạn tố tụng ngay từ đầu mà có quan hệ thân thích với người đã và đang tiến hành tố tụng thì sẽ từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho người được nhờ bào chữa đó. Còn nếu người bào chữa tham gia trong các giai đoạn tố tụng ngay từ đầu thì sẽ được cấp giấy chứng nhận người bào chữa và người bị thay đổi trong trường hợp này là người tiến hành tố tụng có mối quan hệ thân thích với người bào chữa. Như vậy, không phải trong mọi trường hợp, người bào chữa phải bị thay đổi nếu là người thân thích của người tiến hành tố tụng.
Cơ sở pháp lý: mục 1, phần II, Nghị quyết 03/2004.
Nhận định 2.10
Một người khi thực hiện tội phạm là người chưa thành niên, nhưng khi khởi tố vụ án hình sự đã đủ 18 tuổi thì họ không thuộc trường hợp quy định tại K2 Đ57 BLTTHS.
Nhận định Đúng.
Giải thích: Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 76 BLTTHS 2015 thì người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi (người chưa thành niên) mới thuộc trường hợp được chỉ định người bào chữa. Do vậy, khi người bị buộc tội đã đủ 18 tuổi (mặc dù khi thực hiện tội phạm có thể là người dưới 18 tuổi) thì không thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa nêu trên.
Lý giải cho quy định này thì việc pháp luật tố tụng hình sự quy định người dưới 18 tuổi phải có người bào chữa bắt buộc là do người dưới 18 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ, toàn diện về thể chất, tinh thần nên là đối tượng được pháp luật bảo vệ. Ngoài chế định bào chữa bắt buộc, thì việc lấy lời khai hỏi cung người dưới 18 tuổi cũng có nhiều quy định đặc thù so với các chủ thể thông thường.
Cơ sở pháp lý: điểm b, khoản 1, Điều 76 BLTTHS 2015.
Nhận định 2.11
Trong trường hợp bào chữa bắt buộc quy định tại Điểm b K2 Đ57 BLTTHS, khi bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ yêu cầu thay đổi người bào chữa thì yêu cầu đó luôn được chấp nhận.
Nhận định Sai.
Giải thích: Căn cứ vào Điểm c.1 mục 3 phần II Nghị quyết 03/2004 quy định trường hợp yêu cầu thay đổi người bào chữa thì thẩm phán được phân công làm chủ tòa phiên tòa căn cứ vào khoản 2 và khoản 3 Điều 56 BLTTHS 2003, hướng dẫn tại mục 1 phần II nghị quyết để xem xét, quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận.
Cơ sở pháp lý: Điểm c.1 mục 3 phần II Nghị quyết 03/2004, khoản 2 và khoản 3 Điều 56 BLTTHS 2003.
Nhận định 2.12
Người làm chứng có thể là người thân thích của bị can, bị cáo.
Nhận định Đúng.
Giải thích: Theo quy định tại Điều 66 BLTTHS 2015 thì Người làm chứng được hiểu là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng. Mặt khác, trong quy định về các trường hợp không được làm chứng không quy định việc Người làm chứng là người thân thích của bị can, bị cáo không được làm chứng. Do đó, người làm chứng có thể là người thân thích của bị can, bị cáo miễn là biết được các tình tiết có liên quan đến vụ việc, vụ án như nêu trên.
Ví dụ: Ông A bị B đánh gây thương tích, khi B đánh A thì có sự chứng kiến của C là em ruột của B. Khi Cơ quan điều tra mời C lên làm chứng thì C trở thành người làm chứng trong vụ việc.
Cơ sở pháp lý: Điều 66 BLTTHS 2015.
Nhận định 2.13
Người phiên dịch và người giám định có thể là người thân thích của bị can bị cáo.
Nhận định Sai.
Giải thích: Theo quy định tại khoản 1, Điều 42; khoản 4, Điều 60 và khoản 3, 4, Điều 61 BLTTHS 2015 quy định về các trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người phiên dịch, người giám định thì trường hợp người phiên dịch và người giám định là người thân thích của bị can, bị cáo thì phải từ chối hoặc bị thay đổi, kể cả trong trường hợp bị can, bị cáo là người bị câm, điếc.
Cơ sở pháp lý: khoản 1, Điều 42; khoản 4, Điều 60 và khoản 3, 4, Điều 61 BLTTHS 2015
Nhận định 2.14
Trong mọi trường hợp, thẩm phán, hội thẩm phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu đã được phân công tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm vụ án đó.
Nhận định Sai.
Giải thích: Theo quy định tại khoản 1, Điều 53 và Điều 49 BLTTHS hiện hành quy định về các trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi thì trường hợp họ đã tiến hành tố tụng nhưng cũng với vai trò là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân thì không bị thay đổi. Họ chỉ bị thay đổi khi đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án trong vụ án đó.
Cơ sở pháp lý: khoản 1, Điều 53 và Điều 49 BLTTHS 2015.
Nhận định 2.15
Những người tham gia tố tụng có quyền và lợi ích pháp lý trong vụ án đều có quyền nhờ luật sư bào chữa cho mình.
Nhận định Sai.
Giải thích: Theo quy định tại BLTTHS năm 2015 quy định về người tham gia tố tụng, thì chỉ có người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mới có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa bởi họ là người bị buộc tội, còn những người tham gia tố tụng khác không có quyền này.
Cơ sở pháp lý: điểm h, khoản 2, Điều 60, điểm g, khoản 2, Điều 61 BLTTHS năm 2015.
Nhận định 2.16
Khai báo là quyền của người làm chứng.
Nhận định Sai.
Giải thích: Theo quy định tại khoản 3 và 4, Điều 66 BLTTHS 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng thì: Khai báo là nghĩa vụ của người làm chứng. Theo đó, Người làm chứng có nghĩa vụ trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.
Trường hợp khai báo gian dối, không trung thực, từ chối, trốn tránh việc khai báo thì có thể bị truy cứu TNHS về “Tội từ chối khai báo” theo Điều 383 BLHS 2015 hoặc “Tội khai báo gian dối” theo Điều 374 BLHS.
Cơ sở pháp lý: khoản 3 và 4, Điều 66 BLTTHS 2015.
Nhận định 2.17
Người thân thích của thẩm phán không thể tham gia tố tụng với tu cách là người làm chứng trong vụ án đó.
Nhận định Sai.
Giải thích: Theo quy định tại khoản 2, Điều 66 BLTTHS 2015 quy định về các trường hợp không được làm chứng thì không quy định trường hợp người thân thích của Thẩm phán không thể tham gia tố tụng với tư cách làm người làm chứng. Do vậy, trường hợp người thân thích này không phải là người bào chữa của người bị buộc tội, không phải là người có nhược điểm về tinh thần, thể chất hay khả năng nhận thức thì hoàn toàn có thể tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng.
Cơ sở pháp lý: khoản 2, Điều 66 BLTTHS 2015.
Nhận định 2.18
Thẩm phán và hội thẩm đều phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu là người thân thích với nhau trong cùng một vụ án.
Nhận định Sai.
Giải thích: Theo quy định tại khoản 1, Điều 53 BLTTHS 2015 quy định về các trường hợp thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm thì trường hợp Thẩm phán và Hội thẩm đều là người tiến hành tố tụng trong cùng vụ án đó thì phải từ chối hoặc bị thay đổi. Quy định này được hiểu là chỉ cần 01 trong 02 người (Thẩm phán hoặc Hội thẩm nhân dân) từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi chứ không bắt buộc cả 02 người (cả Thẩm phán và cả Hội thẩm nhân dân) đều phải từ chối hoặc bị thay đổi.
Cơ sở pháp lý: khoản 1, Điều 53 BLTTHS 2015.
Nhận định 2.19
Chỉ có Kiểm sát viên Viện kiểm sát thực hành quyền công tố mới có quyền trình bày lời buộc tội tại phiên tòa.
Nhận định Sai.
Giải thích: Theo quy định tại khoản 3, Điều 32 BLTTHS 2015 quy định về Bị hại thì trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì bị hại hoặc người đại diện của bị hại có quyền trình bày lời buộc tội tại phiên tòa. Do đó, không chỉ có Kiểm sát viên mới có quyền trình bày lời buộc tội.
Cơ sở pháp lý: khoản 3, Điều 32 BLTTHS 2015
Xem thêm nhận định:
Nhận định 2.20
Người biết được các tình tiết liên quan đến vụ án sẽ không được làm chứng nếu là người bảo vệ quyền lợi ích của người bị hại.
Nhận định Sai.
Giải thích: Theo quy định tại khoản 1, Điều 66 BLTTHS 2015 quy định về các trường hợp không được làm chứng thì không quy định người bảo vệ quyền lợi của bị hại là chủ thể không được làm chứng mà chỉ quy định người bào chữa của người bị buộc tội, người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có nhận thức những tình tiết liên quan đến vụ việc/vụ án hoặc không thể khai báo đúng đắn. Do đó, nếu người bảo vệ quyền, lợi ích của bị hại không đồng thời là người bào chữa của người bị buộc tội, không lâm vào các tình trạng hạn chế nêu trên thì có thể tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng.
Cơ sở pháp lý: khoản 1, Điều 66 BLTTHS 2015
Nhận định 2.21
Người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trong các phiên tòa xét xử VAHS.
Nhận định Sai.
Giải thích: Theo quy định tại Điều 29 BLTTHS 2015 quy định về Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự thì chỉ người tham gia tố tụng mới có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trường hợp này cần phải có người phiên dịch. Còn NTHTT bắt buộc phải sử dụng tiếng Việt khi tiến hành tố tụng.
Cơ sở pháp lý: Điều 29 BLTTHS 2015.
Nhận định 2.22
Tất cả các Cơ quan tiến hành tố tụng đều có quyền khởi tố VAHS và khởi tố bị can.
Nhận định Sai.
Giải thích: Theo quy định tại khoản 1, Điều 34 BLTTHS 2015 thì Cơ quan tiến hành tố tụng gồm có: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Tuy nhiên trong 03 chủ thể trên chỉ có Cơ quan điều tra (theo điểm a, khoản 2, Điều 36) và Viện kiểm sát (theo điểm b, khoản 2, Điều 41) là chủ thể vừa có thẩm quyền khởi tố vụ án và khởi tố bị can. Còn Tòa án có quyền khởi tố vụ án (theo khoản 4, Điều 153 BLTTHS 2015) nhưng không có thẩm quyền khởi tố bị can.
Cơ sở pháp lý: khoản 1, Điều 34 BLTTHS 2015.
Nhận định 2.24
Tất cả những người tham gia tố tụng có quyền và nghĩa vụ pháp lý trong VAHS đều có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng.
Nhận định Sai
Giải thích: Theo quy định tại Điều 55 BLTTHS 2015 quy định về người tham gia tố tụng thì có 20 chủ thể được xem là người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, chỉ một số chủ thể có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng gồm: Bị can (điểm g, khoản 2, Điều 60), bị cáo (điểm d, khoản 2, Điều 61), bị hại (điểm e, khoản 2, Điều 62),…
Các chủ thể còn lại không có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng như: Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố (khoản 1, Điều 56); Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (khoản 1, Điều 57); Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt (khoản 1, Điều 58);… Vì vậy không phải tất cả những người tham gia tố tụng có quyền và nghĩa vụ pháp lý trong VAHS đều có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng.
Cơ sở pháp lý: khoản 1 các Điều 56, 57, 58 BLTTHS 2015.
Nhận định 2.25
Trong mọi trường hợp người bào chữa phải bị thay đổi nếu là người thân thích của người tiến hành tố tụng.
Nhận định Sai.
Giải thích: Theo quy định tại khoản 1, Điều 53 BLTTHS 2015 quy định về các trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm thì trong trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân (người tiến hành tố tụng) là người thân thích với người bào chữa thì Thẩm phán hoặc Hội thẩm là người bị thay đổi chứ không phải là người bào chữa. Người bào chữa nếu bắt đầu tham gia bào chữa vào giai đoạn điều tra, giai đoạn truy tố nếu là người thân thích của Điều tra viên, Kiểm sát viên đã và đang tiến hành tố tụng thì Người bào chữa không được tham gia bào chữa.
Cơ sở pháp lý: khoản 1, Điều 53 BLTTHS 2015.
3. Phần Chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự
Các nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích tại sao và Nêu rõ căn cứ pháp lý (Nếu có)?
Nhận định 3.01
Lời nhận tội của Bị can, bị cáo là chứng cứ của vụ án hình sự.
Nhận định Sai.
Giải thích: Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 87 BLTTHS 2015 quy định về Nguồn chứng cứ thì Lời nhận tội (Lời khai) của bị can, bị cáo chỉ là một nguồn của chứng cứ. Lời khai này không mặc nhiên là chứng cứ mà chỉ là chứng cứ khi thỏa mãn 03 thuộc tính của chứng cứ: Tính liên quan, tính khách quan và tính hợp pháp. Trường hợp Lời nhận tội thiếu một trong các thuộc tính trên thì không được xem là chứng cứ.
Cơ sở pháp lý: điểm b, khoản 1, Điều 87 BLTTHS năm 2015.
Nhận định 3.02
Người thân thích của bị can, bị cáo có thể tham gia tố tụng là người làm chứng trong vụ án.
Nhận định Đúng.
Giải thích: Theo quy định tại khoản 2, Điều 66 BLTTHS 2015 quy định về các trường hợp không được làm chứng thì không quy định việc người thân thích của bị can, bị cáo không được làm chứng. Do đó, nếu người thân thích của bị can, bị cáo người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng thì có thể làm người làm chứng trong vụ án, vụ việc.
Cơ sở pháp lý: khoản 2, Điều 66 BLTTHS 2015
Nhận định 3.03
Mọi sự vật tồn tại khách quan mà có liên quan đến vụ án hình sự thì là chứng cứ.
Nhận định Sai.
Giải thích: Căn cứ theo quy định tại Điều 86 BLTTHS năm 2015 thì: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Như vậy, theo quy định trên thì chứng cứ phải bao gồm tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Nếu một sự vật tồn tại khách quan có liên quan đến vụ án hình sự nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục luật định (tính hợp pháp) thì không được coi là chứng cứ.
Cơ sở pháp lý: Điều 86 BLTTHS năm 2015.
Nhận định 3.04
Kết quả thu được từ hoạt động nghiệp vụ (trinh sát, đặc tình, sổ đen) là chứng cứ.
Nhận định Sai.
Giải thích: Căn cứ theo quy định tại Điều 86 BLTTHS năm 2015 thì Chứng cứ phải đáp ứng đủ cả 02 thuộc tính: Tính khách quan, tính liên quan và tình hợp pháp. Đối với kết quả thu được từ hoạt động nghiệp vụ ( trinh sát, đặc tình, sổ đen), đặc điểm của hoạt động nghiệp vụ này là bí mật, lén lút nên không thỏa mãn được tính hợp pháp (được thu thập theo trình tự thủ tục luật định). Do vậy, kết quả thu được tù hoạt động nghiệp vụ (trinh sát, đặc tình, sổ đen) không được sử dụng làm chứng cứ mà chỉ là căn cứ để định hướng giải quyết vụ án.
Cơ sở pháp lý: Điều 86 BLTTHS năm 2015.
Nhận định 3.05
Tất cả những người tiến hành tố tụng đều là những người có nghĩa vụ chứng minh vụ án hình sự.
Nhận định Sai.
Giải thích: Theo quy định tại khoản 2, Điều 34 BLTTHS năm 2015 quy định về Người tiến hành tố tụng thì Người tiến hành tố tụng gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên. Nhưng không phải tất cả những người trên đều có nghĩa vụ chứng minh vụ án hình sự. Theo quy định tại khoản 1, Điều 47 BLTTHS năm 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thư ký tòa án thì Thư ký tòa án không quy định về nghĩa vụ chứng minh vụ án hình sự.
Cơ sở pháp lý: khoản 2, Điều 34 BLTTHS năm 2015.
Nhận định 3.06
Kết luận giám định là nguồn chứng cứ có thể thay thế được.
Nhận định Đúng.
Giải thích: Theo quy định tại Điều 210 và Điều 211 BLTTHS năm 2015 quy định về Giám định lại và Giám định bổ sung thì tùy từng trường hợp luật định (Kết quả giám định chưa rõ hoặc chưa đầy đủ), các cơ quan tiến hành tố tụng có thể tiến hành giám định bổ sung hoặc giám định lại. Khi đó, kết quả giám định này sẽ là nguồn chứng cứ. Vì vậy, kết luận giám định là nguồn chứng cứ có thể thay thế được.
Cơ sở pháp lý: Điều 210 và Điều 211 BLTTHS năm 2015.
Nhận định 3.07
Kết luận giám định là chứng cứ trong tố tụng hình sự
Nhận định Sai.
Giải thích: Theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 87 BLTTHS 2015 quy định về Nguồn chứng cứ thì Kết luận giám định là một nguồn của chứng cứ. Kết luận giám định không mặc nhiên là chứng cứ mà chỉ là chứng cứ khi thỏa mãn 03 thuộc tính của chứng cứ: Tính liên quan, tính khách quan và tính hợp pháp. Trường hợp Kết luận giám định thiếu một trong các thuộc tính trên thì không được xem là chứng cứ.
Cơ sở pháp lý: Điều 86 và d, khoản 1, Điều 87 BLTTHS năm 2015.
Nhận định 3.08
Lời khai của người bào chữa không phải là nguồn chứng cứ trong TTHS.
Nhận định Đúng.
Giải thích: Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 87 BLTTHS 2015 quy định về Nguồn chứng cứ thì Lời khai của người bào chữa là một nguồn của chứng cứ. Tuy nhiên, người bào chữa là người bảo vệ quyền và lợi ích của bị can, bị cáo nên lời khai của họ không thỏa mãn thuộc tính khách quan của chứng cứ nên không được xem là chứng cứ.
Cơ sở pháp lý: điểm b, khoản 1, Điều 87 BLTTHS 2015.
Nhận định 3.09
Lời khai của người tham gia tố tụng là nguồn chứng cứ có thể thay thế được.
Nhận định Sai.
Giải thích: Lời khai của người tham gia tố tụng có thể xem là duy nhất, chính họ là người biết tình tiết sự thật của vụ án do đó không thể lấy lời khai của người này thay thế cho lời khai của người khác. Do đó, lời khai của người tham gia tố tụng là nguồn chứng cứ không thể thay thế được.
Nhận định 3.10
Vật chứng là nguồn chứng cứ không thể thay thế được.
Nhận định Đúng.
Giải thích: Theo quy định tại Điều 89 BLTTHS 2015 quy định về Vật chứng thì: “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Như vậy, vật chứng chứa đựng sự thật của vụ án do đó không thể thay thế được.
Cơ sở pháp lý: Điều 89 BLTTHS 2015.
Nhận định 3.11
Vật chứng chỉ có thể trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp khi vụ án đã được giải quyết xong.
Nhận định Sai.
Giải thích: Theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 106 BLTTHS 2015 quy định về việc xử lý vật chứng thì: Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền có thể trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án.
Do đó, không phải chỉ khi vụ án đã được giải quyết xong thì vật chứng mới có thể trả lại cho chủ sở hữu.
Cơ sở pháp lý: điểm b, khoản 3, Điều 106 BLTTHS 2015
Nhận định 3.12
Thư ký tòa án có quyền chứng minh trong vụ án hình sự.
Nhận định Sai.
Giải thích: Theo quy định tại khoản 1, Điều 47 BLTTHS 2015 quy định về Nhiệm vụ, quyền hạn của Thư ký Tòa án thì không quy định Thư ký Tòa án có quyền hay nghĩa vụ phải chứng minh trong vụ án hình sự.
Cơ sở pháp lý: khoản 1, Điều 47 BLTTHS 2015
4. Phần Biện pháp ngặn chặn trong Luật tố tụng hình sự
Để học tập hiệu quả, hãy ôn tập lại kiến thức trước khi làm bài nhé!
Nhận định 4.01
Khi cần áp dụng biện pháp cưỡng chế với người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể quyết định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện ấy.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế với người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thì chỉ được áp dụng các biện pháp do luật quy định bao gồm các biện pháp áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản. Còn tạm hoãn xuất cảnh là một trong các biện pháp ngăn chặn, không phải là một biện pháp cưỡng chế nên không được áp dụng để cưỡng chế với người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
Căn cứ pháp lý: Điều 124 và Điều 126 BLTTHS 2015.
Nhận định 4.02
Biện pháp tạm giam có thể áp dụng cho bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng.
Nhận định Đúng.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 419 BLTTHS 2015 quy định về việc Áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế thì: Trường hợp bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác (không phải là biện pháp tạm giam) không hiệu quả thì có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam. Do đó, biện pháp tạm giam có thể áp dụng cho bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng.
Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 419 BLTTHS 2015.
Nhận định 4.03
Biện pháp ngăn chặn chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ Điều 109 BLTTHS 2015 quy định về biện pháp ngăn chặn thì Các biện pháp ngăn chặn bao gồm: Giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh,… thì biện pháp bắt người trong trường hợp quả tang, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người bị yêu cầu dẫn độ là các biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với người không phải là bị can, bị cáo. Riêng biện pháp tạm giữ thì có thể áp dụng đối với người là bị can, bị cáo (bắt người bị truy nã) hoặc áp dụng đối với người không phải là bị can, bị cáo (bị tạm giữ trong trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp).
Căn cứ pháp lý: Các Điều 109,110,111,112 và 117 BLTTHS 2015.
Nhận định 4.04
VKS có quyền áp dụng tất cả các biện pháp ngăn chặn trong TTHS.
Nhận định Sai.
Đối với các biện pháp ngăn chặn bắt người phạm tội quả tang, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì VKS không độc lập áp dụng mà biện pháp bắt người phạm tội quả tang do Cơ quan điều tra thực hiện, còn bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì CQĐT đề nghị, VKS phê chuẩn áp dụng.
Ví dụ: Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại khoản 2 Điều 110 của BLTTHS có quyền ra quyết định tạm giữ. Theo đó, thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp tạm giữ không có Viện kiểm sát.
Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 110 của BLTTHS 2015.
Nhận định 4.05
Viện kiểm sát không có quyền hủy bỏ Biện pháp ngăn chặn trái pháp luật của Tòa án.
Nhận định Đúng.
Bởi vì: Trong trường hợp việc áp dụng biện pháp ngăn chặn của Tòa án là không có căn cứ hoặc trái pháp luật thì Viện kiểm sát không có quyền hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đó mà chỉ có quyền kháng nghị đến Chánh án của Tòa án nhân dân ra quyết định áp dụng để thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn trái pháp luật.
Nhận định 4.06
Biện pháp tạm giữ vẫn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo.
Nhận định Đúng.
Bởi vì: Biện pháp tạm giữ vẫn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo trong trường hợp bị can, bị cáo bị tạm giữ sau khi bị bắt truy nã.
Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 59 và khoản 1 Điều 117 BLTTHS 2015
Nhận định 4.08
Thời hạn tạm giữ không được tính vào thời hạn tạm giam.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 118 BLTTHS 2015 về Thời hạn tạm giữ thì “Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam”. Vì vậy, thời hạn tạm giữ được tính vào thời hạn tạm giam.
Căn cứ pháp lý: khoản 4 Điều 118 BLTTHS 2015.
Nhận định 4.09
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp có quyền ra quyết định tạm giữ.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 117 BLTTHS quy định về Tạm giữ thì: Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại khoản 2 Điều 110 của BLTTHS có quyền ra quyết định tạm giữ. Theo đó, chủ thể quyết định tạm giữ không quy định Viện kiểm sát nhân dân. Vì vậy, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp không có quyền ra quyết định tạm giữ.
Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 117 và khoản 2 Điều 110 của BLTTHS 2015.
Nhận định 4.10
Biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú không áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 123 BLTTHS 2015 quy định về Cấm đi khỏi nơi cư trú thì: Biện pháp cư trú áp dụng đối với người có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng. Theo đó, nếu người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng (ví dụ: Cư trú, sinh sống tại Việt Nam) thì có thể được áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú.
Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 123 BLTTHS 2015
Nhận định 4.11
Biện pháp bảo lĩnh chỉ áp dụng cho bị cáo là người chưa thành niên.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại Điều 121 BLTTHS 2015 quy định về các điều kiện áp dụng biện pháp Bảo lĩnh thì không có quy định Bảo lĩnh chỉ được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi. Điều này có nghĩa là: Chủ thể có thể bị áp dụng biện pháp bảo lĩnh là chủ thể thường, người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) và người đã thành niên (từ đủ 18 tuổi) đều có thể bị áp dụng biện pháp bảo lĩnh.
Căn cứ pháp lý: Điều 121 BLTTHS 2015.
Nhận định 4.12
Biện pháp bảo lĩnh chỉ áp dụng cho bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại Điều 121 BLTTHS 2015 quy định về các điều kiện áp dụng biện pháp Bảo lĩnh thì không có quy định Bảo lĩnh chỉ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng. Theo đó, bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng cũng có thể bị áp dụng biện pháp bảo lĩnh.
Căn cứ pháp lý: Điều 121 BLTTHS 2015.
Nhận định 4.13
Mọi quyết định về việc đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm đều phải được Viện trưởng VKS cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 122 BLTTHS 2015 quy định về biện pháp Đặt tiền để bảo đảm thì Người có thẩm quyền của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thể quyết định áp dụng Đặt tiền để bảo đảm. Tuy nhiên, chỉ có quyết định áp dụng biện pháp Đặt tiền để bảo đảm của CQĐT thì VKS mới cần phải được Viện trưởng VKS cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Các trường hợp khác không cần phải phê chuẩn trước khi thi hành.
Căn cứ pháp lý: khoản 3 Điều 122 BLTTHS 2015.
Nhận định 4.14
Biện pháp đặt tiền hoặc tài sản để đảm bảo được áp dụng không phụ thuộc vào việc bị can, bị cáo phạm loại tội gì.
Nhận định Đúng.
Bởi vì: Mặc dù theo quy định tại khoản 1 Điều 122 BLTTHS 2015 xác định điều kiện áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản để đảm bảo là phải căn cứ vào mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, tuy nhiên lại không quy định về loại tội phạm không được áp dụng. Vì vậy, về lý luận biện pháp Đặt tiền hoặc tài sản để đảm bảo có thể được áp dụng đối với cả 04 loại tội phạm (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng).
Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 122 BLTTHS 2015.
Nhận định 4.15
Không được áp dụng biện pháp bảo lĩnh đối với bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Mặc dù theo quy định tại khoản 1 Điều 121 BLTTHS 2015 xác định điều kiện áp dụng biện pháp Bảo lĩnh là phải căn cứ vào mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, tuy nhiên lại không quy định về loại tội phạm không được áp dụng. Vì vậy, về lý luận biện pháp Bảo lĩnh có thể được áp dụng đối với cả 04 loại tội phạm (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng).
Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 121 BLTTHS 2015.
Nhận định 4.16
Lệnh bắt người của Cơ quan điều tra trong mọi trường hợp đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Trường hợp Tòa án nhân dân, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định áp dụng biện pháp bắt tạm giam thì Cơ quan điều tra thực hiện theo quyết định của Tòa án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Việc áp dụng biện pháp bắt người trong trường hợp này không cần phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Nhận định 4.17
Tất cả các trường hợp bắt người đều phải có lệnh.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Trong các trường hợp bắt người gồm: Bắt bị can, bị cáo để tạm giam; Bắt người trong trường hợp khẩn cấp; Bắt người phạm tội quả tang; Bắt người phạm tội đang bị truy nã thì trường hợp bắt người phạm tội quả tang, bắt người phạm tội truy nã không phải có lệnh của Cơ quan có thẩm quyền.
Căn cứ pháp lý: Điều 111, 112, 113 BLTTHS 2015.
Nhận định 4.18
Tất cả các lệnh tạm giam đều phải được viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Biện pháp tạm giam có thể do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án áp dụng đối với bị can, bị cáo, nhưng chỉ trường hợp Lệnh tạm giam do Cơ quan điều tra quyết định thì mới cần phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát phê chuẩn trước khi thi hành. Trường hợp Viện kiểm sát tự quyết định áp dụng hoặc Tòa án áp dụng thì không phải phê chuẩn trước khi thi hành.
Căn cứ pháp lý: khoản 5 Điều 119 BLTTHS 2015.
Nhận định 4.19
Biện pháp tạm giam không được áp dụng đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 419 BLTTHS 2015 quy định về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người dưới 18 tuổi thì: Chỉ áp dụng biện pháp tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả. Theo đó, trường hợp xét thấy biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả (ví dụ: Bị can bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi cư trú nhưng tiếp tục phạm tội), thì bị áp dụng biện pháp tạm giam.
Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 419 BLTTHS 2015.
Nhận định 4.20
Biện pháp tạm giam không được áp dụng đối với bị can, bị cáo là phụ nữ đang mang thai, người già yếu.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 119 BLTTHS 2015 thì về nguyên tắc bị can, bị cáo là phụ nữ đang mang thai, người già yếu không bị áp dụng biện pháp tạm giam mà có thể được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Tuy nhiên, nếu người này bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc tiếp tục phạm tội,… thì bị áp dụng biện pháp tạm giam.
Căn cứ pháp lý: khoản 4 Điều 119 BLTTHS 2015.
Nhận định 4.21
Biện pháp tạm giam được áp dụng đối với mọi loại tội phạm.
Nhận định Sai.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 119 BLTTHS 2015 thì trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng nhưng có nơi cư trú rõ ràng không bỏ trốn hoặc bị bắt theo quyết định truy nã hoặc tiếp tục phạm tội… thì không được áp dụng biện pháp tạm giam. Do đó, Biện pháp tạm giam không được áp dụng đối với mọi loại tội phạm.
Căn cứ pháp lý: khoản 2 và khoản 3 Điều 119 BLTTHS 2015.
Nhận định 4.22
Người chưa thành niên chỉ bị tạm giam khi họ phạm tội rất nghiêm trọng.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 419 BLTTHS 2015 thì áp dụng biện pháp tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả mà không quy định loại tội phạm khi áp dụng biện pháp tạm giam đối với người dưới 18 tuổi. Theo đó, mặc dù người dưới 18 tuổi phạm tội là loại tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng nhưng lại tiếp tục phạm tội, bỏ trốn và bị bắt truy nã thì vẫn áp dụng biện pháp tạm giam.
Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 419 BLTTHS 2015.
Nhận định 4.24
Trong mọi trường hợp việc hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn đã được áp dụng đều phải do Viện kiểm sát quyết định.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Chỉ các biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn hoặc tự áp dụng thì việc hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn đó mới phải do Viện kiểm sát quyết định hủy bỏ hoặc thay thế. Trường hợp biện pháp ngăn chặn do CQĐT tự áp dụng mà không cần phê chuẩn (ví dụ: Cấm đi khỏi nơi cư trú) hoặc biện pháp ngăn chặn do Tòa án áp dụng thì Viện kiểm sát không có thẩm quyền quyết định hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn đó.
Nhận định 4.25
Khám xét là một trong các biện pháp ngăn chặn.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Khám xét là một trong các biện pháp điều tra nhằm mục đích phát hiện, thu thập chứng cứ, chứ không phải là biện pháp ngăn chặn. Căn cứ theo quy định tại Điều 109 thì Biện pháp ngăn chặn chỉ bao gồm: Giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh. Các trường hợp bắt người gồm bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ.
Căn cứ pháp lý: Điều 109 BLTTHS 2015.
Nhận định 4.26
Cơ quan điều tra có quyền thay đổi biện pháp ngăn chặn.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Cơ quan điều tra chỉ có quyền thay đổi các biện pháp ngăn chặn không cần VKS phê chuẩn trước khi thi hành. Trường hợp các biện pháp ngăn chặn cần VKS phê chuẩn trước khi thi hành hoặc các biện pháp ngăn chặn do VKS, Tòa án tự áp dụng thì CQĐT không có quyền thay đổi.
5. Phần Thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm
Để học tập hiệu quả, hãy đọc các bài viết dưới đây trước khi làm bài nhé!
Nhận định 5.01
Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 155 BLTTHS 2015 quy định về khởi tố VAHS theo yêu cầu của bị hại thì về trường hợp bị hại hoặc người đại diện của bị hại tự nguyện rút đơn yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại. Tuy nhiên, trường hợp bị hại hoặc người đại diện của bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố do bị ép buộc, cưỡng bức thì có quyền yêu cầu khởi tố lại.
Căn cứ pháp lý: khoản 3 Điều 155 BLTTHS 2015.
Nhận định 5.02
Thủ trưởng Cơ quan điều tra có quyền gia hạn thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Thẩm quyền gia hạn thời hạn giải quyết tố giác, tin báo do Viện kiểm sát nhân dân quyết định dựa trên đề nghị của Cơ quan điều tra. Theo đó, Thủ trưởng Cơ quan điều tra xét thấy cần thêm thời hạn thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm (do có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm) thì ban hành Công văn đề nghị Viện kiểm sát quyết định gia hạn.
Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 147 BLTTHS 2015.
Nhận định 5.03
Một số hoạt động điều tra có thể tiến hành trước khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Nhận định Đúng.
Bởi vì: Theo quy định tại khoản 3, Điều 147 BLTTHS 2015 quy định về các hoạt động điều tra như Khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường, trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản… có thể được tiến hành khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Nói cách khác, Cơ quan điều tra có thể tiến hành một số hoạt động điều tra trước khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Căn cứ pháp lý: khoản 3 Điều 147 BLTTHS 2015.
Nhận định 5.04
Mọi hành vi phạm tội do cán bộ thuộc cơ quan tư pháp thực hiện đều do Cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố vụ án.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 153 BLTTHS 2015 thì Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Dẫn chiếu quy định tại điểm c, khoản 3 Điều 145 BLTTHS 2015 thì: Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.
Theo đó, việc khởi tố vụ án đối với hành vi phạm tội do cán bộ thuộc cơ quan tư pháp thực hiện nhưng không liên quan đến hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục (Ví dụ: Điều tra viên tham gia Đánh bạc) thì không thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát (cụ thể là Cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao).
Căn cứ pháp lý: khoản 3 Điều 153 và khoản 3 Điều 145 BLTTHS 2015.
Nhận định 5.05
Trong mọi trường hợp việc khởi tố vụ án hình sự không phụ thuộc vào ý chí của người bị hại.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Theo quy định tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS 2015 thì trong một số trường hợp luật định thì việc khởi tố vụ án hình sự phải dựa trên yêu cầu (ý chí) của người bị hại. Trong những trường hợp này, nếu người bị hại không yêu cầu hoặc tự nguyện rút yêu cầu thì không được khởi tố vụ án hình sự. Do đó, không phải mọi trường hợp việc khởi tố vụ án hình sự không phụ thuộc vào ý chí của người bị hại.
Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 155 BLTTHS 2015.
Nhận định 5.06
Khởi tố theo yêu cầu của người bị hại chỉ áp dụng đối với tội ít nghiêm trọng.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS 2015 thì tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 BLHS 2015 thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Trong đó, khoản 1 Điều 141 BLHS 2015 là tội phạm nghiêm trọng. Do đó, Khởi tố theo yêu cầu của người bị hại không chỉ áp dụng đối với tội ít nghiêm trọng.
Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 155 BLTTHS 2015 và khoản 1 Điều 141 BLHS 2015.
Nhận định 5.07
Tố giác tội phạm của cá nhân, cơ quan, tổ chức là căn cứ để khởi tố vụ án hình sự.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại Điều 143 BLTTHS 2015 quy định về các căn cứ khởi tố vụ án hình sự thì chỉ tố giác của cá nhân mới là căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, còn tố giác của cơ quan, tổ chức không là căn cứ để khởi tố vụ án hình sự mà tin báo của cơ quan, tổ chức mới là căn cứ khởi tố vụ án hình sự.
Căn cứ pháp lý: Điều 143 BLTTHS 2015.
Nhận định 5.08
Hội đồng xét xử có thể thực hiện đồng thời việc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố và tự mình khởi tố vụ án đó.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 153 BLTTHS 2015 quy định về thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự thì: Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm. Theo đó hoặc là Hội đồng xét xử yêu cầu VKS khởi tố hoặc tự mình khởi tố vụ án hình sự chứ không thể vừa yêu cầu VKS khởi tố và vừa tự mình khởi tố vụ án.
Căn cứ pháp lý: khoản 4 Điều 153 BLTTHS 2015.
Nhận định 5.09
Hoạt động chứng minh tội phạm chỉ được thực hiện sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự của cơ quan có thẩm quyền.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Theo quy định của pháp luật, các hoạt động điều tra đều là các hoạt động chứng minh tội phạm. Theo quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS 2015 thì một số hoạt động điều tra được tiến hành khi giải quyết nguồn tin về tội phạm bao gồm: Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, trưng cầu giám định, yêu cầu định giá,… Nói cách khác, hoạt động chứng minh tội phạm không chỉ được thực hiện sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự mà còn được thực hiện ngay cả ở giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Căn cứ pháp lý: khoản 3 Điều 147 BLTTHS 2015.
Nhận định 5.10
Trong mọi trường hợp, căn cứ khởi tố vụ án hình sự là dấu hiệu tội phạm.
Nhận định Đúng.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại Điều 143 BLTTHS 2015 thì chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Do vậy, trong mọi trường hợp, việc khởi tố vụ án hình sự phải căn cứ vào dấu hiệu tội phạm. Nếu không có dấu hiệu tội phạm thì không được khởi tố vụ án hình sự.
Căn cứ pháp lý: Điều 143 BLTTHS 2015.
Nhận định 5.11
Khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, Viện kiểm sát có quyền hủy bỏ mọi quyết định không khởi tố không có căn cứ của các cơ quan có thẩm quyền.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 161 BLTTHS 2015 quy định về Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự thì trường hợp Hội đồng xét xử khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ thì VKS không được hủy bỏ quyết định không khởi tố không có căn cứ đó mà kháng nghị lên Tòa án trên một cấp để hủy bỏ quyết định không khởi tố không có căn cứ đó.
Căn cứ pháp lý: điểm c khoản 1 Điều 161 BLTTHS 2015.
Nhận định 5.12
Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố VAHS thì có quyền thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án không có căn cứ.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 156 BLTTHS 2015 thì trường hợp quyết định khởi tố vụ án không có căn cứ thì Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố VAHS ra quyết định thay đổi, còn trường hợp có căn cứ xác định còn tội phạm khác chưa bị khởi tố thì mới ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án. Nói cách khác, trường hợp có căn cứ xác định còn tội phạm khác chưa bị khởi tố thì không được quyền thay đổi quyết định khởi tố vụ án.
Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 156 BLTTHS 2015.
Nhận định 5.13
Người bị tố giác đã bồi thường thiệt hại cho người tố giác là căn cứ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại Điều 157 BLTTHS 2015 quy định về các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự thì không quy định trường hợp người bị tố giác đã bồi thường thiệt hại cho người tố giác là căn cứ quyết định không khởi tố VAHS. Vì vậy, người bị tố giác đã bồi thường thiệt hại cho người tố giác không là căn cứ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Căn cứ pháp lý: Điều 157 BLTTHS 2015.
Nhận định 5.14
Nguồn tin về tội phạm là kiến nghị khởi tố.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 BLTTHS 2015 quy định về Giải thích từ “Nguồn tin về tội phạm” thì Nguồn tin về tội phạm gồm tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lời khai của người phạm tội tự thú và thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện. Do vậy, Nguồn tin về tội phạm không phải là kiến nghị khởi tố mà kiến nghị khởi tố là Nguồn tin về tội phạm.
Căn cứ pháp lý: điểm d khoản 1 Điều 4 BLTTHS 2015.
Nhận định 5.15
Chỉ có cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện một số hoạt động điều tra mới có quyền tiếp nhận nguồn tin về tội phạm.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 146 BLTTHS 2015 thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Vì vậy, không chỉ có cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện một số hoạt động điều tra mới có quyền mà Viện kiểm sát cũng có quyền tiếp nhận nguồn tin về tội phạm.
Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 146 BLTTHS 2015.
Nhận định 5.16
Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 145 BLTTHS 2015 thì Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục. Theo đó, trong các trường hợp khác, thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm trong các trường hợp này.
Căn cứ pháp lý: điểm c khoản 3 Điều 145 BLTTHS 2015.
6. Phần Khởi tố vụ án hình sự
Để học tập hiệu quả, hãy đọc các bài viết dưới đây trước khi làm bài nhé!
Nhận định 6.01
Khi Viện kiểm sát cùng cấp yêu cầu chuyển vụ án mà Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát tự mình chuyển vụ án.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 169 BLTTHS 2015 thì: Khi Viện kiểm sát cùng cấp yêu cầu chuyển vụ án mà Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát quyết định việc chuyển vụ án chứ không tự mình chuyển vụ án.
Căn cứ pháp lý: điểm d khoản 1 Điều 169 BLTTHS 2015.
Nhận định 6.02
Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền khởi tố bị can đối với những vụ án do mình tiến hành điều tra.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 39 BLTTHS 2015 thì Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền khởi tố bị can đối với những vụ án phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng. Theo đó: Trường hợp vụ án không thuộc trường hợp phạm tội quả tang hoặc chứng cứ hoặc lý lịch người phạm tội không rõ ràng thì Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra không có thẩm quyền khởi tố bị can.
Căn cứ pháp lý: điểm b khoản 2 Điều 39 BLTTHS 2015.
Nhận định 6.03
Quan hệ pháp luật tố tụng hình sự có thể xuất hiện trước khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Nhận định Đúng.
Bởi vì: Quan hệ pháp luật tố tụng hình sự phát sinh từ khi cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự như thực hiện các hoạt động điều tra (khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường, trưng cầu giám định, yêu cầu định giá,…). Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS 2015 thì các hoạt động điều tra này có thể được thực hiện ở giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm (trước khi quyết định khởi tố vụ án hình sự). Do đó, Quan hệ pháp luật tố tụng hình sự có thể xuất hiện trước khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Căn cứ pháp lý: khoản 3 Điều 147 BLTTHS 2015.
Nhận định 6.04
Chỉ có cơ quan tiến hành tố tụng mới có thẩm quyền khởi tố bị can.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 34 BLTTHS 2015 thì Cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Mặt khác, căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 39 BLTTHS 2015 thì Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền khởi tố bị can đối với những vụ án phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng. Nói cách khác, mặc dù Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra không phải là cơ quan tiến hành tố tụng nhưng vẫn có thẩm quyền khởi tố bị can. Vì vậy: Không chỉ có cơ quan tiến hành tố tụng mới có thẩm quyền khởi tố bị can.
Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 34 BLTTHS 2015.
Nhận định 6.05
Tất cả các Cơ quan tiến hành tố tụng đều có quyền khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 34 BLTTHS 2015 thì Cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Trong đó, cả 03 cơ quan này có quyền khởi tố vụ án hình sự nhưng chỉ có Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có quyền khởi tố bị can, Tòa án không có quyền khởi tố bị can.
Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 34, điểm a khoản 2 Điều 36 và điểm b khoản 2 Điều 41 BLTTHS 2015
Nhận định 6.06
Viện kiểm sát chỉ có quyền khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp đã yêu cầu nhưng Cơ quan điều tra không khởi tố.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại đoạn 2 khoản 4 Điều 179 BLTTHS năm 2015 quy định về khởi tố bị can thì trường hợp sau khi nhận hồ sơ và kết luận điều tra nếu Viện kiểm sát phát hiện có người khác đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm trong vụ án chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố bị can và trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung mà không cần phải yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố bị can.
Căn cứ pháp lý: đoạn 2 khoản 4 Điều 179 BLTTHS năm 2015.
Nhận định 6.07
Khi quyết định khởi tố bị can phải luôn kèm theo việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bị can đó.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Trong BLTTHS 2015 không quy định khi quyết định khởi tố bị can phải luôn kèm theo việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bị can đó mà tùy trường hợp xét thấy có căn cứ và cần thiết áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bị can để đảm bảo điều tra, truy tố, xét xử thì mới áp dụng biện pháp ngăn chặn. Trong trường hợp xét thấy không cần thiết hoặc bị can đang trong tình trạng không thể gây ảnh hưởng đến công tác điều tra, truy tố, xét xử thì không cần áp dụng biện pháp ngăn chặn. Ví dụ: Bị can bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích” nhưng đang bị tạm giam trong một vụ án khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nhận định 6.08
Trường hợp Viện kiểm sát không đồng ý phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra thì ra Quyết định không phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 179 BLTTHS năm 2015 quy định về khởi tố bị can thì: Trường hợp VKS đồng ý phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát ra Quyết định phê chuẩn QĐ KTBC, còn trường hợp không đồng ý phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát không ra Quyết định không phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can mà ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can.
Căn cứ pháp lý: khoản 3 Điều 179 BLTTHS năm 2015.
7. Nhận định môn Luật tố tụng hình sự: Phần Điều tra vụ án hình sự
Để học tập hiệu quả, hãy đọc các bài viết dưới đây trước khi làm bài nhé!
Nhận định 7.01
Khi Cơ quan điều tra cấp trên rút vụ án để điều tra thì Cơ quan điều tra cấp dưới phải chuyển ngay vụ án cho Cơ quan điều tra cấp trên.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 169 BLTTHS 2015 quy định về Chuyển vụ án thì trường hợp Cơ quan điều tra cấp trên rút vụ án để điều tra thì Viện kiểm sát quyết định việc chuyển vụ án. Từ đó, Cơ quan điều tra cấp dưới căn cứ vào quyết định chuyển vụ án của Cơ quan điều tra cấp trên thực hiện chuyển vụ án chứ không phải là chuyển ngay vụ án khi được Cơ quan điều tra cấp trên rút vụ án để điều tra.
Căn cứ pháp lý: điểm b khoản 1 Điều 169 BLTTHS 2015.
Nhận định 7.02
Thời hạn điều tra bổ sung được xác định căn cứ theo loại tội phạm.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 174 BLTTHS 2015 quy định về Thời hạn điều tra bổ sung thì căn cứ để xác định thời hạn điều tra bổ sung không phải dựa trên loại tội phạm mà dựa trên cơ quan ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trường hợp VKS trả hồ sơ điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra không quá 02 tháng. Trường hợp Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra không quá 01 tháng.
Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 174 BLTTHS 2015.
Nhận định 7.03
Trong mọi trường hợp, quân nhân phạm tội đều do Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân tiến hành điều tra.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 163 BLTTHS 2015 quy định về Thẩm quyền điều tra thì Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự. Căn cứ theo quy định tại Điều 272 BLTTHS 2015 quy định về Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự thì Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử đối với vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu, tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật, tội phạm liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ… Trường hợp quân nhân thực hiện tội phạm không thuộc các trường hợp trên thì do Tòa án nhân dân giải quyết.
Căn cứ pháp lý: khoản 2, Điều 163, Điều 272 BLTTHS 2015.
Nhận định 7.04
Trong mọi trường hợp khi Cán bộ ngành tư pháp thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp đều do Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành điều tra.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ có thẩm quyền điều tra trong trường hợp điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp. Do đó, trường hợp Cán bộ ngành tư pháp thực hiện hành vi phạm tội nhưng không thuộc các loại tội phạm trên thì không thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT VKSNDTC.
Căn cứ pháp lý: Khoản 3 Điều 163 BLTTHS 2015.
Nhận định 7.05
Tất cả các cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án đều có thẩm quyền điều tra vụ án đó.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 153 BLTTHS quy định về Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự thì trong một số trường hợp nhất định Viện kiểm sát và Hội đồng xét xử có quyền khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điều 163 BLTTHS 2015 thì Viện kiểm sát (trừ CQĐT thuộc VKSNDTC) và Hội đồng xét xử không có thẩm quyền điều tra. Vì vậy, không phải tất cả các cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án đều có thẩm quyền điều tra vụ án đó.
Căn cứ pháp lý: khoản 3 Điều 153 và Điều 163 BLTTHS 2015.
Nhận định 7.06
Tất cả các cơ quan có thẩm quyền điều tra vụ án đều có quyền khởi tố bị can.
Nhận định Đúng.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 163 BLTTHS 2015 quy định về thẩm quyền điều tra thì Các cơ quan có thẩm quyền điều tra bao gồm: Cơ quan điều tra của Công an nhân dân, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương. Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 36 BLTTHS 2015 thì Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra có thẩm quyền quyền quyết định khởi tố bị can. Vì vậy, tất cả các cơ quan có thẩm quyền điều tra vụ án đều có quyền khởi tố bị can.
Căn cứ pháp lý: khoản 1, 2 và 3 Điều 163 và điểm a khoản 2 Điều 36 BLTTHS 2015.
Nhận định 7.07
Các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được quyền khởi tố bị can.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Không phải mọi trường hợp cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đều được khởi tố bị can mà chỉ trong trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng thuộc trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng thì Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới được khởi tố bị can, còn các trường hợp khác không được khởi tố bị can.
Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 39 BLTTHS 2015.
Nhận định 7.08
Hội đồng xét xử không được quyền ra quyết định khởi tố bị can.
Nhận định Đúng.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại Điều 179 BLTTHS 2015 quy định về Khởi tố bị can thì thẩm quyền khởi tố bị can chỉ thuộc về Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Vì vậy, Hội đồng xét xử không có quyền ra quyết định khởi tố bị can.
Căn cứ pháp lý: Điều 179 BLTTHS 2015.
Nhận định 7.09
Tất cả các hoạt động điều tra chỉ được tiến hành sau khi có quyết định khởi tố bị can.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS 2015 quy định về việc giải quyết nguồn tin về tội phạm thì ngay ở giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm (trước khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can) thì Cơ quan điều tra có thể tiến hành một số hoạt động điều tra như: Khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường, trưng cầu giám định, yêu cầu định giá,… Do vậy, không phải tất cả các hoạt động điều tra chỉ được tiến hành sau khi có quyết định khởi tố bị can.
Căn cứ pháp lý: khoản 3 Điều 147 BLTTHS 2015.
Nhận định 7.10
Việc ủy thác điều tra chỉ được tiến hành giữa các Cơ quan điều tra với nhau.
Nhận định Đúng.
Bởi vì: Theo quy định tại khoản 1 Điều 171 BLTTHS 2015 quy định về Ủy thác điều tra thì trong trường hợp cần thiết thì Cơ quan điều tra ủy thác cho Cơ quan điều tra khác tiến hành một số hoạt động điều tra. Theo đó, vệc ủy thác điều tra chỉ được tiến hành giữa các Cơ quan điều tra với nhau.
Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 171 BLTTHS 2015.
Nhận định 7.11
Trong mọi trường hợp kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra đều phải ra bản kết luận điều tra.
Nhận định Đúng.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 232 BLTTHS 2015 quy định về Kết thúc điều tra thì khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra phải ra bản kết luận điều tra. Khi Kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc ra bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra.
Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 232 BLTTHS 2015.
Nhận định 7.12
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại có quyền yêu cầu Cơ quan điều tra cho sao chụp hồ sơ vụ án trong giai đoạn tạm đình chỉ điều tra.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 82 BLTTHS 2015 quy định về việc ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án thì Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại có quyền yêu cầu Cơ quan điều tra cho sao chụp hồ sơ vụ án khi vụ án đã kết thúc điều tra. Vì vậy, nếu vụ án mới chỉ tạm đình chỉ điều tra (chưa kết thúc điều tra) thì không có quyền yêu cầu Cơ quan điều tra cho sao chụp hồ sơ vụ án.
Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 82 BLTTHS 2015.
Nhận định 7.13
Trong giai đoạn tạm đình chỉ điều tra, Cơ quan điều tra có quyền ra quyết định trưng cầu giám định.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Về nguyên tắc các hoạt động điều tra chỉ được tiến hành trong thời hạn điều tra mà trưng cầu giám định là hoạt động điều tra nên chỉ được thực hiện trong thời hạn điều tra. Vì vậy, trong giai đoạn tạm đình chỉ điều tra thì không được thực hiện trưng cầu giám định nhưng được thu thập kết quả trưng cầu giám định theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 229 BLTTHS 2015.
Căn cứ pháp lý: điểm c khoản 1 Điều 229 BLTTHS 2015.
Nhận định 7.14
Thời hạn gia hạn điều tra đối với tội ít nghiệm trọng là không quá 2 tháng.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 174 BLTTHS 2015 quy định về thời hạn phục hồi điều tra thì trường hợp gia hạn điều tra trong trường hợp phục hồi điều tra thì thời hạn gia hạn điều tra đối với tội ít nghiêm trọng là không quá 01 tháng.
Căn cứ pháp lý: điểm a khoản 1 Điều 174 BLTTHS 2015.
Nhận định 7.15
Người chứng kiến là người biết được tình tiết vụ án nhưng không được triệu tập để trở thành người làm chứng.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 67 BLTTHS 2015 quy định về các trường hợp không được làm Người chứng kiến thì một người không được làm người chứng kiến khi có lý do khác cho thấy người đó không khách quan. Xét thấy nếu Người chứng kiến là người biết được tình tiết vụ án thì sẽ không đảm bảo tính khách quan nên khi một người biết được tình tiết vụ án mặc dù không được triệu tập để trở thành người làm chứng thì cũng không thể trở thành người chứng kiến.
Căn cứ pháp lý: điểm d khoản 2 Điều 67 BLTTHS 2015.
Nhận định 7.16
Mọi hoạt động điều tra đều phải lập thành biên bản.
Nhận định Đúng.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại Điều 178 BLTTHS 2015 quy định về Biên bản điều tra thì Khi tiến hành hoạt động điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản theo quy định tại Điều 133 BLTTHS 2015.
Căn cứ pháp lý: Điều 133, 178 BLTTHS 2015
Nhận định 7.17
Trong mọi trường hợp, khi khám xét phải có lệnh khám xét.
Nhận định Đúng.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại Điều 193, 194 và 195 BLTTHS 2015 thì việc khám xét cả trong trường hợp thông thường và trường hợp khẩn cấp, khám xét người hay chỗ ở, nơi làm việc đều phải có lệnh khám xét. Nói cách khác, trong mọi trường hợp, khi khám xét phải có lệnh khám xét.
Căn cứ pháp lý: Điều 193, 194 và 195 BLTTHS 2015.
Nhận định 7.18
Lệnh khám xét bao giờ cũng phải được VKS phê chuẩn trước khi thực hiện.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 193 BLTTHS 2015 quy định về hoạt động khám xét thì trong trường hợp khẩn cấp thì cơ quan điều tra ra lệnh khám xét. Lệnh khám xét trong trường hợp này không cần phải được VKS phê chuẩn trước khi thi hành. Tuy nhiên, người có thẩm quyền ra lệnh khám xét trong trường hợp này phải thông báo việc khám xét bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.
Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 193 BLTTHS 2015.
Nhận định 7.19
Đối chất chỉ được áp dụng với những người có tư cách tố tụng giống nhau.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại Điều 189 BLTTHS 2015 quy định về Đối chất thì trong trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì Điều tra viên tiến hành đối chất. Theo đó, pháp luật không quy định những người có tư cách tố tụng giống nhau mới được tiến hành đối chất nên những người có tư cách tố tụng khác nhau cũng có thể tiến hành đối chất. Ví dụ: Bị hại và bị cáo tiến hành đối chất về số lượng tài sản bị chiếm đoạt.
Căn cứ pháp lý: Điều 189 BLTTHS 2015.
Nhận định 7.20
Đối chất chỉ được tiến hành khi cần làm rõ những mâu thuẫn trong vụ án.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại Điều 189 BLTTHS 2015 quy định về Đối chất thì mục đích của hoạt động đối chất là nhằm giải quyết các mâu thuẫn trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, không quy định cấm tiến hành đối chất nếu không có mâu thuẫn trong vụ án. Vì vậy, kể cả khi vụ án không có mâu thuẫn thì vẫn có thể tiến hành đối chất.
Căn cứ pháp lý: Điều 189 BLTTHS 2015.
Nhận định 7.21
Chỉ được tiến hành hoạt động nhận dạng và đối chất khi đã khởi tố vụ án hình sự.
Nhận định Đúng.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS 2015 quy định về các hoạt động điều tra mà Cơ quan điều tra có quyền tiến hành trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm chỉ có các hoạt động: Khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường, trưng cầu giám định, trưng cầu định giá, thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đế kiểm tra, xác minh nguồn tin, mà không quy định hoạt động nhận dạng và đối chất. Do đó, hoạt động điều tra nhận dạng và đối chất chỉ được tiến hành khi vụ án đã được khởi tố.
Căn cứ pháp lý: khoản 3 Điều 147 BLTTHS 2015.
Nhận định 7.22
Hoạt động khám nghiệm hiện trường chỉ do Cơ quan điều tra thực hiện.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 39 BLTTHS 2015 thì trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng thì Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tổ chức hoạt động khám nghiệm hiện trường. Vì vậy, không chỉ có Cơ quan điều tra mà Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cũng có thẩm quyền khám nghiệm hiện trường.
Căn cứ pháp lý: điểm c khoản 2 Điều 39 BLTTHS 2015.
Nhận định 7.23
Những người có thẩm quyền ra lệnh khám xét thì có quyền ra lệnh kê biên tài sản.
Nhận định Đúng.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 193 BLTTHS 2015 quy định về thẩm quyền quyết định khám xét thì người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 BLTTHS 2015 có quyền ra lệnh khám xét. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 128 BLTTHS 2015 thì người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra lệnh kê biên tài sản. Theo đó, những người có thẩm quyền ra lệnh khám xét thì có quyền ra lệnh kê biên tài sản.
Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 193 và khoản 1 Điều 113 BLTTHS 2015.
Nhận định 7.24
Trong mọi trường hợp, CQĐT phải ra quyết định phục hồi điều tra khi có căn cứ hủy bỏ quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Theo quy định tại khoản 1 Điều 235 BLTTHS 2015 quy định về Phục hồi điều tra thì chỉ trong trường hợp chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định tạm đình chỉ điều tra thì Cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi điều tra.Vì vậy, không phải mọi trường hợp, CQĐT đều phải ra quyết định phục hồi điều tra khi có căn cứ hủy bỏ quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra.
Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 235 BLTTHS 2015.
Nhận định 7.25
Trong vụ án có bị can bỏ trốn, Cơ quan điều tra phải ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, sau đó ra quyết định truy nã bị can.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 229 BLTTHS 2015 quy định về tạm đình chỉ điều tra thì trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra. Theo đó, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can trước khi ra quyết định tạm đình chỉ chứ không phải ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, sau đó ra quyết định truy nã bị can.
Căn cứ pháp lý: điểm a khoản 1 Điều 229 BLTTHS 2015.
8. Phần Truy tố
Để học tập hiệu quả, hãy đọc các bài viết dưới đây trước khi làm bài nhé!
Nhận định 8.01
Kiểm sát viên có quyền tiến hành một số hoạt động điều tra trong giai đoạn truy tố.
Nhận định Đúng.
Bởi vì: Theo quy định tại khoản 4, Điều 124 và khoản 3 Điều 236 BLTTHS 2015 thì nhằm kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố hoặc khi Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung mà xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra thì Kiểm sát viên có thể trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra. Ví dụ: Trực tiếp tiến hành thực nghiệm điều tra.
Căn cứ pháp lý: khoản 3 Điều 236 BLTTHS 2015.
Nhận định 8.02
Trong mọi trường hợp thời hạn tạm giam để điều tra luôn ngắn hơn thời hạn điều tra.
Nhận định Sai.
Nhận định 8.03
Trong giai đoạn truy tố, khi phát hiện thiếu chứng cứ buộc tội, Viện kiểm sát có quyền trả hồ sơ yêu cầu Cơ quan điều tra điều tra bổ sung vụ án.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 236 BLTTHS 2015 quy định về Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố thì trong trường hợp phát hiện thấy thiếu chứng cứ buộc tội nhưng Viện kiểm sát có thể tự bổ sung được thì VKS không trả hồ sơ yêu cầu CQĐT điều tra bổ sung mà tự tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố.
Căn cứ pháp lý: khoản 3 Điều 236 BLTTHS 2015.
Nhận định 8.04
Viện kiểm sát chỉ được truy tố bị can bằng bản Cáo trạng.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Về nguyên tắc, Viện kiểm sát quyết định truy tố bị can bằng bản Cáo trạng. Tuy nhiên, trong trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì việc quyết định truy tố bị can được thực hiện bằng Quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn.
Căn cứ pháp lý: Điều 243 BLTTHS 2015.
Nhận định 8.05
Trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát phát hiện bị can bỏ trốn thì trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra và truy nã bị can.
Nhận định Sai.
Trong thời hạn
9. Nhận định môn Luật tố tụng hình sự: Phần Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Để học tập hiệu quả, hãy đọc các bài viết dưới đây trước khi làm bài nhé!
Nhận định 9.01
Khi vụ án chưa được đưa ra xét xử nhưng thấy vụ án không thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án phải chuyển ngay cho Tòa án có thẩm quyền xét xử.
Nhận định 9.02
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ mọi biện pháp ngăn chặn.
Nhận định 9.03
Khi Kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử phải tuyên bị cáo không phạm tội đối với phần cáo trạng bị rút.
Nhận định 9.04
Rút quyết định truy tố là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.
Nhận định 9.05
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên có quyền bổ sung quyết định truy tố đối với bị cáo.
Nhận định 9.06
Kiểm sát viên có quyền tiến hành hỏi cung bị can cho dù bị can đã chuyển sang giai đoạn xét xử.
Nhận định 9.07
Mọi quyết định của Hội đồng xét xử đều phải thảo luận, thông qua phòng nghị án và được lập thành văn bản.
Nhận định 9.08
Sau khi Kiểm sát viên vừa công bố Cáo trạng mà bị cáo (có đơn) kêu oan, thì Chủ tọa phiên tòa phải để cho Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa tiến hành xét hỏi bị cáo trước.
Nhận định 9.09
Thông qua xét xử tại phiên tòa, khi nhận thấy vụ án có bỏ lọt tội phạm, thì Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Nhận định 9.10
Khi luật sư bào chữa (chỉ định) cho bị cáo bị Viện kiểm sát truy tố về tội phạm có khung hình phạt là chung thân hoặc tử hình vắng mặt tại phiên tòa, thì Hội đồng xét xử phải quyết định hoãn phiên tòa.
Nhận định 9.11
Khi Tòa án ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu VKS thay đổi quyết định truy tố bị can về tội danh nhẹ hơn, thì Viện kiểm sát phải ra văn bản chuyển trả hồ sơ cho Tòa án và yêu cầu Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định.
Nhận định 9.12
Tại phiên tòa Kiểm sát viên có thể bổ sung truy tố tố bị cáo thêm bất kỳ điểm nào trong khoản của điều luật mà Viện kiểm sát đã sử dụng để truy tố bị cáo.
Nhận định 9.13
Trong mọi trường hợp, Hội đồng xét xử phải cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tranh luận tại phiên tòa.
Nhận định 9.14
Nếu thấy cần thiết và được Hội đồng xét xử cho phép, bị cáo có quyền hỏi các bị cáo khác tại phiên tòa sơ thẩm.
Nhận định 9.15
Hội đồng xét xử không có quyền ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Nhận định 9.16
Bị cáo có quyền đề nghị HĐXX hỏi thêm những vấn đề mà bị cáo cho rằng cần thiết cho việc giải quyết vụ án.
Nhận định 9.17
Khi bị cáo vắng mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử phải ra quyết định hoãn phiên tòa.
Nhận định 9.18
Khi bị hại hoặc nhân chứng vắng mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử phải ra quyết định hoãn phiên tòa.
Nhận định 9.19
Khi KSV hoặc thành viên HĐXX bị thay đổi thì phải hoãn phiên tòa.
Nhận định 9.20
Khi Luật sư bào chữa vắng mặt tại phiên tòa thì HĐXX phải quyết định hoãn phiên tòa.
Nhận định 9.21
Khi bị cáo được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt tại phiên tòa không có lý do chính đáng, thì Hội đồng xét xử có quyền tiến hành xét xử vắng mặt bị cáo.
Nhận định 9.22
Vụ án khởi tố theo yêu cầu người bị hại, thì người bị hại có quyền tranh luận với bị cáo và Luật sư bào chữa cho bị cáo (nếu có).
Nhận định 9.23
Bị cáo có quyền hỏi người tham gia tố tụng khác khi được Chủ tọa phiên tòa cho phép.
Nhận định 9.24
Khi KSV đề nghị hoãn phiên Tòa thì Hội đồng xét xử phải hoãn theo đề nghị của Kiểm sát viên.
Nhận định 9.25
Khi bị cáo có dấu hiệu hoảng loạn tại phiên tòa thì Kiểm sát viên có quyền đề nghị Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa.
Nhận định 9.26
Sau khi kết thúc phần tranh luận, người bào chữa theo chỉ định cho bị cáo bỏ ra về thì phải tạm ngừng phiên tòa.
Nhận định 9.27
Trong mọi trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm thì Viện kiểm sát đang thực hiện chức năng kiểm sát xét xử.
Nhận định 9.28
Tòa án sơ thẩm có thể xét xử bị cáo theo tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố.
Nhận định 9.29
Tòa án cấp huyện có quyền xét xử tất cả các tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng.
Nhận định 9.30
Tòa án nhân dân cấp huyện không được tuyên bị cáo quá 15 năm tù.
Nhận định 9.31
Tòa án nhân dân chỉ được xét xử các vụ án do dân thường phạm tội.
Nhận định 9.32
Tòa án cấp sơ thẩm không được quyền xét xử bị cáo theo tội danh khác với tội danh VKS đã truy tố.
Nhận định 9.33
Mọi trường hợp chuyển vụ án cho Tòa án khác chỉ áp dụng khi vụ án chưa được đưa ra xét xử.
Nhận định 9.34
Trong một số trường hợp, Tòa án có quyền xét xử vắng mặt bị cáo.
Nhận định 9.35
Đối với bị cáo không bị tam giam nhưng bị xử phạt tù thì Hội đồng xét xử phải ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án
Nhận định 9.36
Trường hợp, hình phạt Tòa tuyên ngắn hơn hoặc bằng thời hạn bị cáo bị tạm giam thì bị cáo được trả tự do ngay tại phiên tòa.
Nhận định 9.37
Khi tuyên án, tất cả những người có mặt trong phòng xử án đều phải đứng dậy.
Nhận định 9.38
Chỉ những người tiến hành tố tụng mới được quyền tham gia xét hỏi tại phiên tòa.
10. Nhận định môn Luật tố tụng hình sự: Phần Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự
Để học tập hiệu quả, hãy đọc các bài viết dưới đây trước khi làm bài nhé!
Nhận định 10.01
Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự có quyền kháng cáo phần Bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
Nhận định 10.02
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo rút kháng cáo, nếu xét thấy không còn kháng cáo, kháng nghị nào đối với bản án sơ thẩm thì Hội đồng xét xử phải đình chỉ việc xét xử phúc thẩm cho dù nhận thấy cấp sơ thẩm xét xử đã gây oan, sai cho bị cáo.
Nhận định 10.03
KSV tham gia thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại phiên tòa có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị phúc thẩm.
Nhận định 10.04
Khi nhận thấy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Tòa án cấp phúc thẩm không có cơ sở thì Viện kiểm sát có quyền hủy bỏ quyết định đó.
Nhận định 10.05
Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có mối quan hệ thân thích với Kiểm sát viên đang thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án đó thì phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi.
Nhận định 10.06
Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền xem xét thêm những phần khác của Bản án và những bị cáo không có kháng cáo, kháng nghị.
Nhận định 10.07
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại.
Nhận định 10.08
Viện kiểm sát rút kháng nghị phúc thẩm trước khi mở phiên tòa, thì Tòa án cấp phúc thẩm phải đình chỉ xét xử phúc thẩm.
Nhận định 10.09
Người kháng cáo có quyền bổ sung kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm.
Nhận định 10.10
Nhận thấy kháng nghị phúc thẩm của VKS cấp dưới không đầy đủ về những vi phạm của Tòa án sơ thẩm, thì VKS cấp trên có quyền bổ sung kháng nghị.
Nhận định 10.11
Khi VKS kháng nghị phúc thẩm tại phiên tòa, thì HĐXX phúc thẩm sẽ không xem xét những nội dung liên quan đến kháng nghị ấy.
Nhận định 10.12
Thư ký Tòa án phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Thẩm phán.
Nhận định 10.13
Phúc thẩm là thủ tục bắt buộc trong việc giải quyết vụ án hình sự.
Nhận định 10.14
Trong mọi trường hợp, người kháng cáo vắng mặt thì HĐXX phúc thẩm phải hoãn phiên tòa.
Nhận định 10.15
Tòa án nhân dân cấp cao chỉ có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hình sự.
Nhận định 10.16
Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể xem xét phần bản án không bị kháng cáo, kháng nghị.
Nhận định 10.17
Trong một số trường hợp, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án theo hướng tuyên bị cáo về tội nặng hơn tội Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên.
11. Nhận định môn Luật tố tụng hình sự: Phần Xét lại Bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án (Giám đốc thẩm, tái thẩm)
Để học tập hiệu quả, hãy đọc các bài viết dưới đây trước khi làm bài nhé!
Nhận định 11.01
Xét về bản chất tái thẩm và giám đốc thẩm là 02 thủ tục giống nhau.
Nhận định 11.02
Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chỉ có quyền y bản án hoặc hủy bản án để điều tra, xét xử lại hoặc xét xử lại mà không có quyền sửa bản án.
Nhận định 11.03
Một vụ án có thể vừa có căn cứ giám đốc thẩm, vừa có căn cứ để tái thẩm.
Nhận định 11.04
Chỉ có Viện kiểm sát nhân dân cấp cao mới có thẩm quyền đề nghị giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.
12. Nhận định môn Luật tố tụng hình sự: Phần Thủ tục đặc biệt
Nhận định 12.01
Việc khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người đó.
Nhận định 12.02
Khi tiến hành lấy lời khai của người dưới 18 tuổi phạm tội không nhất thiết phải có sự có mặt của người giám hộ trong mọi trường hợp.
Nhận định 12.03
Nếu người dưới 18 tuổi phạm tội từ chối luật sư tham gia bào chữa thì không phải mời luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích của họ.
13. Nhận định môn Luật tố tụng hình sự: Phần Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự
Nhận định 13.01
Mọi khiếu nại về Điều tra viên trong giai đoạn điều tra đều do Thủ trưởng Cơ quan điều tra giải quyết.
Nhận định 13.02
Sai phạm của Điều tra viên, Cán bộ điều tra chỉ bị khiển trách, kỷ luật hoặc buộc thôi việc.
14. Nhận định môn Luật tố tụng hình sự: Phần Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự
Nhận định 14.01
Cơ quan đầu mối ở trung ương về hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự là Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Like Fanpage tại: https://facebook.com/iluatsu/
Trên đây là tuyển tập câu hỏi nhận định môn Luật tố tụng hình sự năm 2015. Bạn có nhận định cần hỏi, vui lòng để lại phần bình luận để nhận được tư vấn, giải đáp nhé!
“Vật chứng là nguồn chứng cứ quan trọng nhất”. Nhận định này đúng hay sai?. Mong Luật sư giải đáp
Nhận định Sai!
Vật chứng không phải là nguồn chứng cứ quan trọng nhất. Trong mỗi vụ án khác nhau thì nguồn chứng cứ có giá trị chứng minh là khác nhau, tùy thuộc vào mục đích chứng minh và nhận định của người sử dụng chứng cứ!
Bạn có thể tham khảo thêm phần giải đáp tại đây: “Câu hỏi 1 – Phần Bạn hỏi & Luật sư trả lời” trong Bài viết: “Nguồn của chứng cứ trong Tố tụng hình sự“!
Trân trọng!
Mình cảm ơn add nhiều!
1/ Cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.
2/ Người tham gia tố tụng là những người cần pháp luật bảo vệ về quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ án.
3/ Người bào chữa là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích của đương sự.
4/ Người thân thích của bị cáo có thể được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa.
5/ Trình bày lời khai là nghĩa vụ của bị can, bị cáo.
Mình có 05 câu nhận định nhờ Ad giải đáp giùm ạ!
1/ Cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.
Nhận định: ĐÚNG.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định khoản 1, Điều 34 BLTTHS năm 2015 thì Cơ quan tiến hành tố tụng gồm 03 cơ quan là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án.
Cơ sở pháp lý: khoản 1, Điều 34 BLTTHS năm 2015.
2/ Người tham gia tố tụng là những người cần pháp luật bảo vệ về quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ án.
Nhận định: SAI.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại Điều 55 BLTTHS năm 2015 thì Người tham gia tố tụng gồm: bị can, bị cáo, người làm chứng, người chứng kiến,… thì người chứng kiến là người chứng kiến việc thực hiện hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, không phải là người cần pháp luật bảo vệ về quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ án (bị cáo, bị hại,…).
Cơ sở pháp lý: Điều 55 BLTTHS năm 2015.
3/ Người bào chữa là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích của đương sự.
Nhận định: SAI.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 4 BLTTHS năm 2015 thì “Đương sự gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự”
Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa. (Điều 72 BLTTHS năm 2015)
Do đó, người bào chữa tham gia tố tụng là người bảo vệ quyền, lợi ích của bị can, bị cáo mà không phải là đương sự.
Cơ sở pháp lý: điểm g, khoản 1, Điều 4, Điều 72 BLTTHS năm 2015.
4/ Người thân thích của bị cáo có thể được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa.
Nhận định: ĐÚNG
Bởi vì: Người thân thích của bị cáo nếu không thuộc các trường hợp bị cấm là người bào chữa như: đã tiến hành tố tụng vụ án đó, người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó… theo khoản 4, Điều 72 BLTTHS năm 2015 thì hoàn toàn có thể trở thành người bào chữa cho bị cáo!
Cơ sở pháp lý: khoản 4, Điều 72 BLTTHS năm 2015.
5/ Trình bày lời khai là nghĩa vụ của bị can, bị cáo.
Nhận định: SAI.
Bởi vì: Trình bày lời khai là quyền của bị can, bị cáo chứ không phải nghĩa vụ. Tức là, bị can, bị cáo có thể giữ im lặng (không khai báo) hoặc khai báo gian dối. Tuy nhiên, nếu thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải thì được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, được giảm nhẹ một phần hình phạt. (Thành khẩn khai báo là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự)
Cơ sở pháp lý: điểm d, khoản 2, Điều 60 và điểm h, khoản 2, Điều 61 BLTTHS năm 2015.
“Cơ quan tiến hành tố tụng là cơ quan tư pháp”. Đúng hay sai? Giải thích tại sao?
1/ Cơ quan tiến hành tố tụng là cơ quan tư pháp.
Nhận định: SAI
Bởi vì: Cơ quan tiến hành tố tụng gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Còn cơ quan tư pháp thì chỉ có Tòa án nhân dân (Cũng có một số quan điểm cho rằng Viện kiểm sát cũng là cơ quan tư pháp), còn Cơ quan điều tra là cơ quan hành pháp, không phải là cơ quan tư pháp. Do đó, không phải mọi cơ quan tiến hành tố tụng đều là cơ quan tư pháp.
Cơ sở pháp lý: khoản 1, Điều 34 BLTTHS năm 2015, Điều 102 Hiến pháp năm 2013.
Nhận định: Chỉ có Công an nhân dân mới có Cơ quan điều tra.
Nhận định đúng hay sai?!
0/ Chỉ có Công an nhân dân mới có Cơ quan điều tra.
Nhận định: SAI.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 thì Hệ thống cơ quan điều tra (Sau đây viết tắt: CQĐT) bao gồm: CQĐT của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, CQĐT trong Quân đội nhân dân và CQĐT của Công an nhân dân. Do đó, không chỉ có Công an nhân dân mới có Cơ quan điều tra, bạn nhé!
Cơ sở pháp lý: Điều 4 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015.
Nhận định này đúng hay sai ạ: “Người bào chữa có quyền đề nghị thay đổi Điều tra viên, người giám định, người phiên dịch”.
1/ Người bào chữa có quyền đề nghị thay đổi Điều tra viên, người giám định, người phiên dịch.
Nhận định: ĐÚNG.
Bởi vì: Theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 73 BLTTHS năm 2015 thì Người bào chữa có quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế,…
Cơ sở pháp lý: điểm e, khoản 1, Điều 73 BLTTHS năm 2015.
Các tài liệu trinh sát, đặc tình, sổ đỏ có phải là tài liệu tố tụng không? Tại sao?
Xin lỗi ad! Nhận định là: Các tài liệu trinh sát, đặc tình, sổ đỏ là chứng cứ.
Nhận định: SAI.
Các tài liệu trinh sát, đặc tình, sổ đỏ (Gọi chung là tài liệu trinh sát) không phải là chứng cứ bởi vì: Để một nguồn chứng cứ trở thành chứng cứ phải thỏa mãn 03 thuộc tính của chứng cứ là tính tính hợp pháp, tính khách quan và tính liên quan. Trong trường hợp này, do các hoạt động trinh sát, đặc tình, sổ đỏ là các hoạt động được thực hiện bằng các biện pháp nghiệp vụ (mang tính lén lút, bí mật như theo dõi, nghe lén) chứ không phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục pháp luật tố tụng hình sự quy định. Do đó, Các tài liệu trinh sát không phải là chứng cứ.
Lưu ý: Các tài liệu trinh sát có thể là chứng cứ khi chuyển hóa các tài liệu trên thành chứng cứ.
Căn cứ pháp lý: Điều 86 BLTTHS năm 2015.
Bạn có thể tìm hiểu thêm và các thuộc tính của chứng cứ tại bài viết: https://iluatsu.com/hinh-su/cac-thuoc-tinh-cua-chung-cu/
Đối tượng điều chỉnh của Luật tố tụng hình sự là những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi án hình sự. nhân định trên đúng hay sai
Nhận định Sai.
Bởi vì: Theo quy định của BLTTHS 2003 thì Đối tượng điều chỉnh của Luật tố tụng hình sự là những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi án hình sự. Tuy nhiên đến BLTTHS 2015 đã không còn điều chỉnh quan hệ phát sinh trong quá trình thi hành án mà chỉ điều chỉnh quan hệ phát sinh trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Còn các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thi án hình sự do Luật thi hành án hình sự điều chỉnh.
Căn cứ pháp lý: BLTTHS 2003, BLTTHS 2015 và Luật Thi hành án hình sự 2019
Đối tượng điều chỉnh của Luật tố tụng hình sự là những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi án hình sự. nhận định này đúng hay sai
Nhận định Sai.
Bởi vì: Theo quy định của BLTTHS 2003 thì Đối tượng điều chỉnh của Luật tố tụng hình sự là những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi án hình sự. Tuy nhiên đến BLTTHS 2015 đã không còn điều chỉnh quan hệ phát sinh trong quá trình thi hành án mà chỉ điều chỉnh quan hệ phát sinh trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Còn các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thi án hình sự do Luật thi hành án hình sự điều chỉnh.
Căn cứ pháp lý: BLTTHS 2003, BLTTHS 2015 và Luật Thi hành án hình sự 2019
giadinhnhasoc@gmail.com. xin cảm ơn ạ!
Chào bạn! Bạn có câu hỏi nhận định cần giải đáp thì để lại bình luận nha
Người bào chữa có thể là người thân thích của bị can bị cáo?
Nhận định Đúng!
Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 72 BLTTHS 2015: Người bào chữa không được bảo chữa cho bị can bị cáo khi Người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó thì không được tham gia bào chữa.
Do đó nếu chỉ là thân thích của bị can mà không là thân thích của người tiến hành tố tụng thì vẫn được bào chữa nhé!
Căn cứ pháp lý: điểm a khoản 4 Điều 72 BLTTHS 2015
Nhận định đúng hay sai, giải thích
1./ Tất cả các vụ án đều phải có hiện trường.?
2./ Tất cả các vụ án có hiện trường thì đều có thể khám nghiệm
3./ Tất cả các vụ án có hiện trường thì đều cần phải khám nghiệm
Mong Luật sư giúp e ạk
Để trả lời các câu nhận định trên của bạn, đầu tiên chúng ta cần thống nhất 01 số khái niệm nhé!
Thứ nhất: Hiện trường là nơi xảy ra sự việc” đây là một định nghĩa chung nhất vì không chỉ thời gian sự việc xảy ra mà đó là sự việc gì nhưng chỉ rõ hiện trường là nơi tức là một không gian nào đó đã xảy ra sự việc mà ta đang nói tới.
Thứ hai: Khám nghiệm hiện trường là xem xét nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm nhằm phát hiện dấu vết của tội phạm, vật chứng…
Sau khi thống nhất các khái niệm trên, mình trả lời các câu nhận định như sau:
1/ Tất cả các vụ án đều phải có hiện trường!
Nhận định Đúng.
Mọi sự việc/vụ việc/vụ án đều có thời gian, địa điểm xảy ra cụ thể nên không có sự việc, vụ án nào không có hiện trường!
2/ Tất cả các vụ án có hiện trường thì đều có thể khám nghiệm.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Một số vụ án mặc dù có hiện trường nhưng khi phát hiện ra tội phạm nhưng chưa xác định được nơi xảy ra sự việc nên không thể tiến hành khám nghiệm hiện trường được, mặc dù trên thực tế nó có hiện trường vụ án.
3/ Tất cả các vụ án có hiện trường thì đều cần phải khám nghiệm.
Nhận định Sai.
Bởi vì: Một số vụ việc xảy ra quá lâu, hiện trường xảy ra sự việc không còn thì không cần phải khám nghiệm.
Ví dụ: Vụ giết người xảy ra từ năm 2019 trên 1 con tàu ở biển Đông, đến năm 2020 các cơ quan tố tụng phát hiện ra vụ án nhưng con tàu này đã bị đắm, không thể trục vớt nền không thể khám nghiệm hiện trường.
Tất cả các vụ án đều phải có hiện trường.?
Đúng hay sai ạk. Cho e xin câu trả lời ạk
Nhận định Đúng.
Mọi sự việc/vụ việc/vụ án đều có thời gian, địa điểm xảy ra cụ thể nên không có sự việc, vụ án nào không có hiện trường!
Phải hủy bỏ biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với người bị buộc tội ở giai đoạn điều tra khi thời hiệu truy cứu TNHS đối với họ đã hết
Ad cho e xin file đáp án với ạ.
Chào Hoa!
Mình gửi sách qua mail cho bạn rồi nhé!
Xin chào LS Phạm Quang Thanh.
Em có xem cách LS trả lời rất thuyết phục.
Em xin file đáp asnd dể nghiên cứu ạ.
Em cảm ơn ạ.
Email nhận: nuoc78@gmail.com
Trân trọng./.
Cho con xin file đáp án với ạ. Ngày mai con có bài kiểm tra ạ. Con cảm ơn
Chào Tú Vy!
Mình gửi sách qua mail cho bạn rồi nhé!
Dạ cho con xin file đáp án ạ
Chào Vy!
Mình gửi sách qua mail cho bạn rồi nhé!
Cho em xin file với ạ
Chào bạn!
Mình gửi sách qua mail cho bạn rồi nhé!
cho em xin file đáp án với ạ
Chào bạn!
Mình gửi sách qua mail cho bạn rồi nhé!
dạ cho con xin file đáp án với ạ
con cảm ơn ạ!
Chào bạn!
Mình gửi sách qua mail cho bạn rồi nhé!
Cho con xin file đáp án với ạ
Con cám ơn ạ
Chào bạn!
Mình gửi sách qua mail cho bạn rồi nhé!
Chào luật sư
Anh có thể cho em xin file câu hỏi và đáp án không ạ?
Xin cảm ơn
Chào bạn!
Mình gửi sách cho bạn qua email rồi nhé!
Bạn kiểm tra Mail nhé! Nếu chưa nhận được báo mình gửi lại nha!
Chào ad ạ. Cho em xin đáp án qua mail với ạ. Em cảm ơn!
ad cho con xin file đáp án với ạ mai c thii c cảm ơn nhiều
Ad oi cho e xin đáp án với ạ :(((
Ad oi cho e xin đáp án với ạ :(((
Ad oi cho e xin đáp án với ạ :(((
Chào LS,
LS cho em xin file đáp án với ạ. Em cảm ơn ạ.
Mình có đề này mong luật sư iair giúp để đối chiếu đáp án bài thi ạ
Câu 1: Những nhận định sau đúng hay sai? Tại sao?
1. Bị can có nghĩa vụ chứng minh là mình vô tội.
2. Điều tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu đồng thời là người thân thích của nguyên đơn dân sự.
3. Khi xét xử vụ án hình sự, Tòa án phải chứng minh những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo.
4. Quyết định bắt bị cáo để tạm giam phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Câu 2:
A là Chánh án Tòa án nhân dân huyện X tỉnh Y, tham gia xét xử sơ thẩm với tư cách Chủ tọa phiên tòa. Tại phiên tòa, trước khi bắt đầu xét hỏi, A thuộc trường hợp phải thay đổi theo quy định của pháp luật. Hãy xác định thẩm quyền quyết định thay đổi A.
Cho con xin file đáp án với ạ.
ngoclong3010@gmail.com
Bạn ơi. Mình cũng đang làm đề thi nà. K biết bạn có file đáp án thì gửi mk với. Mình xin cảm ơn rất nhiều ạ. Thugiang1302@gmail.com
Cho con xin file đáp án với ạ! Con cảm ơn nhiều
Cho con xin file đáp án với ạ! Con cảm ơn nhiều
ptkieutrinh2403@gmail.com
cho em xin file đáp án với ạ
Em có 3 câu nhận định như này. Em đã tìm hiểu những chưa có được hướng trả lời cho mình. Em rất mong được quý luật sư giải đáp ạ. Em cảm ơn quý luật sư!!
1. Khi người chủ sở hữu điều động người khác điều khiển xe ô tô, sau đó người điều khiển phương tiện trên gây tai nạn giao thông làm chết người khác và bị khởi tố xử lý theo pháp luật hình sự, thì người chủ phương tiện sẽ tham gia tố tụng hình sự với tư cách là bị đơn dân sự.
2. Khi sửa bản án theo hướng giảm nhẹ, quyền hạn của HĐXX phúc thẩm không phụ thuộc vào hướng kháng cáo, kháng nghị.
3. Người Việt Nam thực hiện hành vi phạm tội trên phương tiện hàng không đang bay trên vùng trời quốc tế, nếu tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam, thì hoạt động tố tụng có thể tiến hành theo quy định của Luật tố tụng hình sự nước mà phương tiện hàng không đó mang quốc tịch.
1. Trường hợp người giao xe ô tô biết rõ người được giao không có bằng lái xe nhưng vẫn giao xe thì:
Chủ sở hữu sẽ bị truy cứu tội “Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”” theo Điều 263 Bộ luật Hình sự nên họ tham gia tố tụng với tư cách bị can/bị cáo nhé!
Trường hợp người giao xe ô tô không biết người được giao không có bằng lái xe nhưng vẫn giao xe thì: Họ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án!
Tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét những phần bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật. Nhận định đúng hay sai , mong luật sư giải đáp
Quan hệ giữa người bào chữa và người bị buộc tội thuộc đối tượng điều chỉnh của luật TTHS. Đúng hay sai
cho em xin file dáp an với ạ
cho em xin file đáp án với ạ
cho em xin file ạ
cho em xin đáp án với ạ
Ad cho e xin file đáp án với ạ.
Dạ cho e xin file đáp án với ạ.
Mong luật sự giải đáp giúp em. Em chân thành cảm ơn luật sư ạ.
Nhận định đúng hay sai:
1. Trong giai đoạn khởi tố , khi phát hiện có người đồng phạm khác với bị can chưa bị khởi tố thì VKS ra quyết định khởi tố người đồng phạn đó.
2. Ở giai đoạn truy tố, VKS không thực hiện các hoạt động điều tra thu thập chứng cứ.
3. Tòa án có quyền xét xử bị cáo theo tội danh khác với tội danh mà VKS truy tố.
4. Khi hết thời hạn truy tố, nếu bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can ở đâu thì VKS ra quyết định tạm đình chỉ vụ án
5. Chỉ có những người THTT mới có quyền xét hỏi tại phiên tòa.
6. HĐXX phúc thẩm có thể xem xét lại phần bản án sơ thẩm đã coa hiệu lực pháp luật
cho em xin file vs được ko ạ
Ad ơi cho e xin file đáp án với ạ.
Ad ơi cho e xin file đáp án với ạ.
em cám ơn ạ.
Xin chào các luật sư. Cho e xin file tài liệu ạ. Xin chân thành cảm ơn!
EM xin file với ạ. Em cảm ơn nhiều ạ