Mục lục
Có thể bạn thừa biết, chứng cứ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chứng minh tội phạm được thu thập từ nguồn chứng cứ. Nhưng không phải ai cũng biết nguồn chứng cứ là gì và có bao nhiêu loại nguồn chứng cứ?
Xem thêm bài viết về “Nguồn chứng cứ”
- Các thuộc tính của chứng cứ trong khoa học hình sự – LS. Nguyễn Lan Anh
1. Khái niệm Nguồn chứng cứ
Theo quy định tại Điều 86, BLTTHS năm 2015 thì Nguồn chứng cứ được hiểu là nơi chứa đựng và phản ánh những thông tin có thể xác định là chứng cứ của vụ án hình sự, được Luật Tố tụng hình sự quy định.
2. Mối quan hệ giữa nguồn chứng cứ và chứng cứ
Nguồn chứng cứ có mối quan hệ biện chứng với chứng cứ, nếu không có nguồn chứng cứ thì không thể có chứng cứ.
Ngược lại, không phải cứ có nguồn chứng cứ là đã xác định được chứng cứ, vấn đề này phụ thuộc nhiều vào thuộc tính mà nguồn chứng cứ chứa đựng, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.
3. Phân loại nguồn chứng cứ
Theo quy định tại khoản 1 Điều 87 BLTTHS 2015 quy định về nguồn chứng cứ thì nguồn chứng cứ được phân thành 7 loại khác nhau với những đặc điểm mang tính đặc thù riêng biệt.
Bảy loại nguồn chứng cứ sau đây bao gồm:
- Vật chứng
- Lời khai, lời trình bày
- Dữ liệu điện tử
- Kết luận giám định, kết luận định giá tài sản
- Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án
- Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác
- Các tài liệu, đồ vật khác
Khác với BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung 03 nguồn chứng cứ mới: Dữ liệu điện tử, Kết luận định giá tài sản và Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác trong đấu tranh chống tội phạm.
3.1. Vật chứng
Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
3.2. Lời khai, lời trình bày
Lời khai, lời trình bày bao gồm lời khai của người làm chứng, người tố giác, báo tin về tội phạm, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị giữ trong trường hợp khẩn câp, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
3.3. Dữ liệu điện tử
Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác.
Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.
3.4. Kết luận giám định, Định giá tài sản
3.4.1. Kết luận giám định
Kết luận giám định là ý kiến đánh giá của người giám định về vấn đề làm rõ có liên quan đến vụ án hình sự được cơ quan tiến hành tố tụng hình sự trưng cầu, dựa trên cơ sở quy luật khách quan của tự nhiên, xã hội.
Kết luận giám định thường được các Cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện để xác định thương tích, xác định năng lực trách nhiệm hình sự, nguyên nhân chết, nguyên nhân xảy ra sự việc, hiện tượng, xác định quan hệ huyết thống… như: Giám định thương tích, Giám định pháp y tâm thần, Giám định tử thi, Giám định pháp y về tình dục, Giám định pháp y về ADN,…
3.4.2. Kết luận định giá tài sản
Theo quy định tại Điều 101 BLTTHS năm 2015: Kết luận định giá tài sản được hiểu là “văn bản do Hội đồng định giá tài sản lập để kết luận về giá của tài sản được yêu cầu”, Hội đồng định giá tài sản kết luận giá của tài sản và phải “chịu trách nhiệm về kết luận đó”.
Đồng thời, BLTTHS cũng nêu rõ Kết luận định giá “vi phạm” quy định của BLTTHS, quy định khác của pháp luật về định giá thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm “căn cứ” để “giải quyết vụ án”. (Không thỏa mãn thuộc tính của chứng cứ nên không được xem là chứng cứ.
Các hình thức định giá thường gặp: Định giá tài sản bị trộm cắp, cướp giật; Định giá tài sản bị hủy hoại, hư hỏng; Định giá giá trị tài sản bị làm giả…
Định giá tài sản thường được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện trong các vụ việc, vụ án liên quan đến các tội phạm xâm phạm sở hữu có cấu thành vật chất, theo đó định lượng giá trị tài sản bị thiệt hại là căn cứ định tội.
Ví dụ: Nguyễn Văn A (không có tiền án, tiền sự) trộm cắp 01 điện thoại di động Iphone 5, qua định giá xác định điện thoại di động Iphone 5 chỉ có giá trị 1.900.000 đồng thì hành vi của A không cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” nên không bị xử lý hình sự mà chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.
3.5. Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án
Các biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của các cơ quan tiến hành tố tụng lập ra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó là những văn bản pháp lý chứng minh việc thực hiện các hoạt động tố tụng theo đúng trình tự, thủ tục luật định. Nếu như thiếu các biên bản này có thể dẫn đến vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra của cơ quan điều tra có thể là: Biên bản bắt người phạm tội quả tang, Biên bản khám nghiệm hiện trường, Biên bản khám xét, các biên bản xác minh, Biên bản giao nhận lệnh tạm giam, kết luận điều tra…
Các biên bản trong hoạt động truy tố có thể là: Biên bản giao nhận Cáo trạng, Biên bản giao nhận Lệnh tạm giam,…
Các biên bản trong hoạt động xét xử: Biên bản giao nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử, Biên bản phiên tòa,…
3.6. Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác
Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế được hiểu là kết quả của quá trình thu thập tài liệu, đồ vật của Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện theo sự ủy thác của Việt Nam hoặc các tài liệu, đồ vật do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài gửi đến Việt Nam để ủy thác truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ: Việt Nam ủy thác, yêu cầu quốc gia khác cung cấp thông tin tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng ở quốc gia đó do các đối tượng trong các vụ án tham ô, tham nhũng,… làm chủ sở hữu.
Theo quy định tại Điều 103, 494 BLTTHS năm 2015 thì “Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác” do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với chứng cứ khác của vụ án.
3.7. Các tài liệu, đồ vật khác
Tài liệu khác là những văn bản hợp pháp khác có những tình tiết liên quan đến vụ án mà các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.
Các tài liệu khác như giấy khai sinh, báo cáo của cơ quan Nhà nước, biên bản xử lý vi phạm hành chính, trích lục bản án…
Cũng có thể được coi là nguồn chứng cứ nếu tài liệu, đồ vật do các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân cung cấp có dấu vết của tội phạm như hóa đơn, chứng từ, thư viết…
4. Nguồn chứng cứ nào là quan trọng nhất?
Vật chứng là nguồn chứng cứ có vai trò đặc biệt do sự kiện thực tế khách quan và nguồn phản ánh cùng tồn tại ở vật chứng. Đây là điểm khác biệt của vật chứng với các loại nguồn chứng cứ khác. Thông thường, vật chứng xác định chứng cứ trực tiếp nên có giá trị chứng minh rất cao, giúp cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng.
Tuy nhiên, trong các loại nguồn chứng cứ không có nguồn nào là quan trọng nhất vì mỗi nguồn chứng cứ đều có giá trị chứng minh khác nhau và không phải trong vụ án nào chúng ta cũng thu thập được tất cả các loại nguồn chứng cứ.
Bên cạnh đó, trong giải quyết vụ án hình sự nếu chỉ đề cao hay coi trọng một loại nguồn chứng cứ nào đó thì sẽ dẫn tới những sai lầm trong quá trình phát hiện, thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ.
Do vậy, không được coi trọng hay xem nhẹ nguồn nào mà phải biết tiếp nhận thông tin từ các nguồn đó để xác định chứng cứ chứng minh trong vụ án hình sự.
Bạn hỏi – Luật sư trả lời
Câu hỏi 1
Có nhận định cho rằng “Vật chứng là nguồn chứng cứ quan trọng nhất!” Nhận định này đúng hay sai? Tại sao?
Trả lời: Nhận định Sai.
Bởi vì: Như đã phân tích ở trên, không có loại nguồn chứng cứ nào là quan trọng nhất. Trong mỗi vụ án khác nhau thì nguồn chứng cứ có giá trị chứng minh là khác nhau, tùy thuộc vào mục đích chứng minh và nhận định của người sử dụng chứng cứ. Có thể trong vụ án này vật chứng là nguồn chứng cứ quan trọng nhất nhưng trong vụ án khác thì lời khai lại là nguồn chứng cứ quan trọng nhất. Ví dụ: Trong vụ án “Cố ý gây thương tích”, việc thu được vật chứng là hung khí gây thương tích là chứng cứ quan trọng nhất có ý nghĩa xác định khung hình phạt. Nhưng “Lời khai của người phạm tội” có ý nghĩa xác định tội danh (Gây thương tích nhằm làm bị hại bị thương hay tước đoạt tính mạng của bị hại).
(Trích Nhận định 5.5 – Bài viết “Tuyển tập 205 câu nhận định môn Luật Tố tụng hình sự có đáp án”)
Trả lời