• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Hoàn thiện pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Hoàn thiện pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

25/10/2021 25/10/2021 CTV. Đặng Thùy Trang Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Khó khăn, vướng mắc liên quan tới quy định pháp luật trong phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
  • 2. Giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật về tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Hoàn thiện pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Tác giả: Phan Thị Thanh Hải

TÓM TẮT

Trong thời gian gần đây, tình hình tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có những diễn biến hết sức phức tạp, không ngừng gia tăng cả về số vụ và hậu quả mà hành vi này gây ra cho xã hội. Với phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đã tạo ra tâm lý hoang mang trong dư luận, gây bất ổn về an ninh trật tự, kìm hãm sự phát triển kinh tế và vấn đề này cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh, gia tăng các loại tội phạm hình sự, tội phạm kinh tế khác. Tuy nhiên, thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự vẫn còn hạn chế, thiếu sót nhất định do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ những khó khăn, vướng mắc về cơ sở pháp lý. Do đó, bài viết tập trung làm rõ sơ hở, thiếu sót trong quy định pháp luật để từ đó kiến nghị, đề xuất hoàn thiện pháp luật nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thời gian tới.

Hoàn thiện pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017; sau đây viết tắt là BLHS năm 2015). Trên thực tiễn, loại tội phạm này đang diễn biến hết sức phức tạp, khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm che giấu hành vi phạm tội hoặc trốn tránh trách nhiệm pháp lý khi bị lực lượng chức năng phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử. Người phạm tội thường lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước về đăng ký, quản lý kinh doanh để thành lập doanh nghiệp, tổ chức tài chính, cửa hàng dịch vụ cầm đồ nhằm hoạt động cho vay lãi nặng trá hình. Ngoài ra, đối tượng còn triệt để lợi dụng những bất cập, thiếu sót trong chính sách pháp luật, công tác quản lý Nhà nước về tín dụng; lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tư tưởng hám lợi của một bộ phận người dân; lợi dụng khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng hợp pháp để từ đó trục lợi bằng cách cấp tín dụng với mức lãi suất cao hơn gấp nhiều lần so với mức lãi suất trần do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định… gây nhiều khó khăn cho quá trình phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan chức năng. Để góp phần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập đó, ngày 13/09/2019 Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 212/TANDTC-PC về việc giải đáp các vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, hành chính, dân sự và kinh doanh, thương mại, trong đó có hướng dẫn về xử lý tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã khắc phục được một số vướng mắc trong việc xử lý các hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên, thực tiễn tiến hành hoạt động phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự vẫn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc nhất định, gây ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả công tác. Cụ thể như sau:

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Bàn về việc áp dụng các biện pháp thế chấp, cầm cố tài sản của bên thứ ba và biện pháp bảo lãnh trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng
  • Đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên trong giao dịch dân sự liên quan đến hoạt động công chứng
  • Một số vấn đề pháp lý về bên bảo đảm nghĩa vụ là người thứ ba trong hoạt động cho vay của Ngân hàng thương mại
  • Tư cách pháp lý của chủ thể hợp đồng cho vay trong lĩnh vực ngân hàng
  • Một số kiến nghị sửa đổi quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng
  • Bình luận án lệ 04/2016/AL: Về sự ưng thuận trong giao dịch dân sự

1. Khó khăn, vướng mắc liên quan tới quy định pháp luật trong phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Thứ nhất, Người cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự khi thực hiện hành vi cho vay lãi nặng, chúng thường sử dụng các thủ đoạn tinh vi để đối phó và trốn tránh trách nhiệm hình sự như: sử dụng nhiều cách thức để tiếp cận và quảng cáo về các gói tín dụng với nhiều ưu đãi, thủ tục đơn giản rồi lập sẵn các hợp đồng vay vốn dân sự trong đó có nhiều nội dung gây bất lợi cho người đi vay; kèm theo việc vay tiền là các hợp đồng thế chấp tài sản như mua bán bất động sản; lập hồ sơ cầm cố tài sản sau đó làm hợp đồng cho thuê lại tài sản… Khi người vay đến cầm cố tài sản, các đối tượng lập 02 bản hợp đồng, trong đó hợp đồng thứ nhất chỉ đề cập nội dung cầm cố tài sản với lãi suất từ 8-10 %/tháng và giao cho chủ tài sản, hợp đồng thứ 2 có nội dung thuê lại tài sản với lãi suất khoảng 7%/tháng trở lên nhưng không giao người vay tiền giữ, đến hạn thanh toán, người vay phải trả cả 2 hợp đồng với lãi suất 15% trở lên… Những thủ đoạn trên đã gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong quá trình thu thập chứng cứ chứng minh làm rõ hành vi phạm tội. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, cũng với thủ đoạn hết sức tinh vi này của người thực hiện tội phạm, đã khiến cơ quan chức năng không thể thu thập đủ tài liệu để xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay lãi nặng theo điểm d Khoản 3 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình”. Nghị định này có quy định: “Cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay” thì sẽ bị xử phạt hành chính.

Thứ hai, căn cứ Khoản 1 Điều 201 BLHS năm 2015 quy định cấu thành cơ bản “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.”; Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…”. Để trốn tránh trách nhiệm pháp lý khi sự việc cho vay lãi nặng bị cơ quan chức năng phát hiện, trong hợp đồng vay vốn, các đối tượng thường không thể hiện lãi suất cho vay, mà khấu trừ tiền lãi vào số tiền đưa cho bên đi vay hoặc tính trên tổng số tiền vay trên hợp đồng. Thủ đoạn trên thực sự đã gây nhiều khó khăn cho Cơ quan điều tra trong quá trình thu thập chứng cứ chứng minh hành vi “cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.”. Điển hình, ngày 08/11/2019, qua đơn thư tố giác của quần chúng nhân dân, tại quán cà phê Ruby thuộc Lô 22 Lê Hồng Phong, Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng, phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố đã tổ chức bắt quả tang đối tượng Quách Đức Anh, sinh năm 1996, hộ khẩu thường trú: số 21/52 Miếu Hai Xã, Dư Hàng, Lê Chân đang giao dịch thu tiền lãi của chị Đặng Thị Thu Thảo, sinh năm 1991, hộ khẩu thường trú: số 862/11 Trần Phú, Lộc Châu, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Quá trình điều tra xác định: từ tháng 7 đến tháng 11 năm 2019 Quách Đức Anh đã cho Thảo vay 850 triệu đồng trong 07 lần, lãi suất vay từ 182,5%/năm đến 243,33%/năm, tổng số tiền thu lợi bất chính là 152.899.906 đồng. Tuy nhiên, việc giao nhận tiền vay đều không có hợp đồng cho vay và được thực hiện thông qua tin nhắn điện thoại hoặc Zalo. Do không có hợp đồng dân sự thể hiện số tiền cho vay, lãi suất cho vay và số tiền thu lời bất chính, nên cơ quan điều tra đã gặp khó khăn trong việc sử dụng tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ để thu thập chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội Quách Đức Anh.

Thứ ba, tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự gây hậu quả lớn cho xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân; gây mất an toàn xã hội, là nguyên nhân phát sinh các tội phạm hình sự như: Cưỡng đoạt tài sản; Cố ý gây thương tích; Đe dọa giết người; bắt giữ người trái pháp luật; Gây rối trật tự công cộng và nhiều tệ nạn xã hội khác… hành vi phạm tội này đã gây đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt và mất đi cơ hội kinh doanh chân chính của một bộ phận dân chúng. Tuy nhiên, chế tài xử lý đối với hành vi phạm tội này theo quy định của pháp luật hình sự hiện nay còn quá nhẹ, không đủ sức trừng trị và răn đe, phòng ngừa. Theo đó, tại Khoản 2 Điều 201 BLHS năm 2015 quy định khung hình phạt đối với tội này là “.thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” với mức hình phạt này, thực sự chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng phạm tội cũng như đối với các đối tượng đang có điều kiện, khả năng thực hiện tội phạm.

Thứ tư, theo quy định tại Điều 9 BLHS năm 2015 về phân loại tội phạm, tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là tội phạm ít nghiêm trọng. Song thực tế, loại tội phạm này thường tạo lập và thực hiện hành vi phạm tội thành các băng, ổ, nhóm, xây dựng các đường dây phạm tội rộng khắp, quy mô không nhỏ lẻ, mà tạo lập nhiều băng nhóm liên tỉnh, có sự câu kết hết sức chặt chẽ giữa các thành viên trong tổ chức phạm tội phạm này. Theo đó, hậu quả mà chúng gây ra cho xã hội vô cùng lớn, nhiều gia đình, tổ chức, cá nhân đã khuynh gia, bại sản, khánh kiệt, thậm chí vì quá bế tắc nhiều người đã chọn đến cái chết để giải thoát, điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội. Tuy nhiên, theo quy định của ngành Công an, lực lượng chức năng chỉ được áp dụng một số biện pháp nghiệp vụ đặc biệt đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Điều này gây nhiều khó khăn trong quá trình thu thập, củng cố thông tin, tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng.

Thứ năm, nhận thức pháp luật của một bộ phận dân chúng còn hạn chế, thói quen thụ động trong thực hiện các giao dịch kinh tế của một số người dân khi có nhu cầu vay vốn nên không đọc kỹ các hợp đồng vay vốn trước khi ký hợp đồng. Nhiều người khi đi vay, có tâm lý ngại tới tổ chức tín dụng hợp pháp để vay vốn do không đủ các điều kiện vay vốn hoặc phải chờ đợi mất thời gian nên đã đi vay lãi ngoài cho nhanh, thủ tục đơn giản, gọn nhẹ, đáp ứng ngay mức tiền mà họ cần. Theo đó, đã tạo điều kiện cho tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tồn tại và phát triển. Đặc biệt, là có tâm lý ngại tố giác với cơ quan chức năng khi bị các đối tượng sử dụng các thủ đoạn khác nhau để đòi nợ dẫn tới lãi chồng lãi, số tiền nợ ngày càng lớn. Do đó, trong thời gian qua, hầu hết các vụ việc cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự chỉ bị phát hiện, điều tra, xử lý sau khi người vay không trả được gốc và lãi, các đối tượng cho vay sử dụng các phương thức, thủ đoạn để đòi tiền, đó là chúng dùng những người đã từng có tiền án, tiền sự, những thanh thiếu niên hư hỏng để đe dọa người vay; cưỡng đoạt tài sản đối với người vay; thậm chí bắt giữ người trái pháp luật. Nhằm gây sức ép cho người vay, đưa thông tin lên Facebook tung tin bôi xấu, buộc người vay phải bán tài sản hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật để có tiền trả nợ, theo đó đã gây xáo trộn cuộc sống, sinh hoạt của người vay.

Thứ sáu, thông tin về các sản phẩm, dịch vụ và các gói tín dụng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng chính thống chưa thực sự được phổ biến rộng rãi đến đại bộ phận người dân; các tổ chức tín dụng thường chú ý tập trung đến các khoản vay lớn phục vụ nhu cầu kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp mà chưa thật sự chú trọng đến các gói vay hỗ trợ cho tiêu dùng, phục vụ nhu cầu thiết yêu trong cuộc sống tại các địa bàn, khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn và nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế.

Từ phân tích về thực trạng những khó khăn, vướng mắc nêu trên, tác giả đưa ra một số giải pháp sau:

2. Giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật về tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và hậu quả của tội phạm này gây ra cho xã hội, trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này, đòi hỏi cơ quan chức năng cần tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai đồng bộ các giải pháp trong đó có giải pháp tham mưu hoàn thiện pháp luật nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, hướng tới đẩy lùi tội phạm này ra khỏi đời sống xã hội. Cụ thể là:

Một là, tham mưu cho lãnh đạo ngành chức năng, kiến nghị Quốc hội điều chỉnh mức hình phạt đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại Điều 201 BLHS năm 2015 theo hướng tăng nặng để đảm bảo tính răn đe của pháp luật hình sự cũng như tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng trong áp dụng tổng hợp các biện pháp để thu thập tài liệu, chứng cứ làm rõ phương thức, thủ đoạn phạm tội, vai trò, vị trí của các đối tượng trong các tổ chức “tín dụng đen”; đảm bảo nguyên tắc xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội. Cụ thể:

“1/ Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3/ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a/ Có tổ chức;

b/ Có tính chất chuyên nghiệp;

c/ Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên;

d/ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e/ Tái phạm nguy hiểm.

4/ Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Hai là, kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung điểm d Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội theo hướng: “Cho vay tiền nhưng lãi suất cho vay vượt quá mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay”. Hiện nay, hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nhưng số tiền thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, không thuộc các trường hợp “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích…” thì không thể xử lý về hình sự và cũng không thể xử lý hành chính theo điểm d Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định: “Cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay”. Như vậy, quy định người vay tiền phải “có cầm cố tài sản” thì mới xử phạt hành chính được là không phù hợp với thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này.

Ba là, tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước, chính quyền các cấp tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản pháp lý quản lý hoạt động tín dụng, cấp phép thành lập công ty tài chính và thực hiện nghiêm cơ chế giám sát, quản lý Nhà nước về tín dụng đối với các công ty có biểu hiện bất minh như: người đứng tên thành lập công ty và người quản lý, điều hành là những đối tượng có tiền án, tiền sự về nhóm tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm hình sự, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; quản lý, giám sát chặt chẽ nguồn vốn hoạt động, dòng tiền của các công ty tài chính này dựa trên các báo cáo tài chính liên quan.

Bốn là, tham mưu cho cơ quan cấp phép đăng ký kinh doanh, chính quyền địa phương tiếp tục hoàn thiện các quy định về giao dịch dân sự, thế chấp cầm cố tài sản, quy định chặt chẽ về hoạt động cầm đồ núp bóng thực hiện hoạt động cho vay lãi nặng đồng thời siết chặt công tác quản lý hoạt động cho vay, huy động vốn tự phát của các tổ chức, cá nhân tại từng địa phương cụ thể. Chú trọng vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp của tội phạm này như các khu công nghiệp, khu đông dân cư, khu tập trung học sinh, sinh viên, địa bàn vùng sâu, vùng xa nơi nhận thức người dân còn thấp và khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức còn khó khăn…

Năm là, kiến nghị ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng tổ chức triển khai rộng rãi chính sách tín dụng theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ- CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước để người dân được hưởng các chính sách ưu đãi như cho vay không cần tài sản bảo đảm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng; mở rộng mạng lưới hoạt động và dành nguồn vốn cần thiết để phát triển gói sản phẩm cho vay tiêu dùng. Tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên tín dụng trong các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng nâng cao trách nhiệm, hiểu biết pháp luật để không tiếp tay cho hoạt động tín dụng đen; tránh trường hợp tư vấn cho bên vay vay tiền của các tổ chức tín dụng đen nhằm đáo hạn các khoản vay ngân hàng.

Sáu là, kiến nghị các cấp, các ngành ký kết, ban hành quy chế phối hợp để chủ động trao đổi, cung cấp thông tin có liên quan tới công tác phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự cũng như tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân để mỗi người dân nắm bắt được các quy định pháp luật có liên quan trong bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi tham gia các giao dịch dân sự cũng như thận trọng hơn nữa trong việc ký kết các hợp đồng vay mượn dân sự; nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân; chủ động cập nhật các quy định và thông tin về các sản phẩm cho vay của các ngân hàng và tổ chức tín dụng để có phương án huy động, sử dụng vốn an toàn. Tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự để quần chúng nhân dân, doanh nghiệp chủ động phòng tránh cũng như vận động người dân tố giác tội phạm khi phát hiện có thông tin liên quan tới tội phạm này.

Bẩy là, kiến nghị các ngành liên quan sửa đổi, điều chỉnh Điều 9 và Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN& PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về thời hạn phân công điều tra viên, cán bộ điều tra thụ lý là 07 ngày và thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không quá 30 ngày. Do quy định hiện hành về thời hạn phân công điều tra viên, cán bộ điều tra thụ lý là 03 ngày và thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không quá 20 ngày là không phù hợp thực tế đối với cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, số lượng điều tra viên so với trinh sát viên còn thấp đặc biệt là tại Công an cấp cơ sở trong khi thủ đoạn phạm tội của đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự ngày càng phức tạp nên với thời gian quy định, lực lượng chức năng rất khó khăn trong thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh dấu hiệu tội phạm.

Tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và những hệ lụy từ tội phạm này gây ra cho xã hội ngày càng nghiêm trọng, xâm phạm trật tự quản lý tài chính, tín dụng. Chính vì vậy, để góp phần ngăn chặn tội phạm này trong thời gian tới, đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân các cấp cần áp dụng tổng hợp các biện pháp nhằm phát hiện nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm đặc biệt là nguyên nhân từ những sơ hở trong chính sách, pháp luật quản lý kinh tế, tài chính để từ đó tham mưu cho các ngành, các cấp ngày càng hoàn thiện pháp luật tiến tới đẩy lùi tội phạm này ra khỏi đời sống xã hội./.

Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên trong giao dịch dân sự liên quan đến hoạt động công chứng
Đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên trong giao dịch dân sự liên quan đến hoạt động công chứng
Một số kiến nghị sửa đổi quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng
Một số kiến nghị sửa đổi quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng
Bàn về việc áp dụng các biện pháp thế chấp, cầm cố tài sản của bên thứ ba và biện pháp bảo lãnh trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng
Bàn về việc áp dụng các biện pháp thế chấp, cầm cố tài sản của bên thứ ba và biện pháp bảo lãnh trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng
Tư cách pháp lý của chủ thể hợp đồng cho vay trong lĩnh vực ngân hàng
Tư cách pháp lý của chủ thể hợp đồng cho vay trong lĩnh vực ngân hàng
Bình luận án lệ 04/2016/AL: Về sự ưng thuận trong giao dịch dân sự
Bình luận án lệ 04/2016/AL: Về sự ưng thuận trong giao dịch dân sự
Một số vấn đề pháp lý về bên bảo đảm nghĩa vụ là người thứ ba trong hoạt động cho vay của Ngân hàng thương mại
Một số vấn đề pháp lý về bên bảo đảm nghĩa vụ là người thứ ba trong hoạt động cho vay của Ngân hàng thương mại

Chuyên mục: Hình sự/ Luật Hình sự - Phần các tội phạm Từ khóa: Cho vay/ Cho vay lãi nặng/ Giao dịch dân sự/ Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Previous Post: « Kiểm sát việc tòa án trả lại đơn khởi kiện theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015 – Một số vướng mắc từ quy định của pháp luật và kiến nghị sửa đổi
Next Post: Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng