Mục lục
Một số ý kiến về quyết định hình phạt trong các trường hợp cụ thể theo Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015
Xem thêm bài viết về “Quyết định hình phạt”
- Nguyên tắc và căn cứ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
TÓM TẮT
Bài viết phân tích, đánh giá những ưu điểm trong Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 về quyết định hình phạt trong các trường hợp cụ thể. Đồng thời, bài viết cũng phân tích các hạn chế trong quy định về quyết định hình phạt trong các trường hợp cụ thể quy định tại mục 2 Chương VIII BLHS năm 2015 mà Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 chưa đề cập; trên cơ sở đó, đưa ra các kiến nghị hoàn thiện quy định của Dự thảo Luật về vấn đề này.
Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung về quyết định hình phạt trong các trường hợp cụ thể quy định tại mục 2 Chương VIII. Theo đó, BLHS năm 2015 chia Chương VIII (Quyết định hình phạt) thành hai mục (mục 1 và mục 2), sắp xếp lại các điều luật trong mỗi mục theo đúng trật tự logic của nội dung vấn đề cần quy định. Điều 54 BLHS quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng đã có sự thay đổi về tên gọi, kết cấu điều luật, đồng thời đã bổ sung thêm một trường hợp quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. Ngoài ra, có thể kể đến những sửa đổi, bổ sung về mặt kỹ thuật lập pháp trong việc sử dụng, thay thế “từ”, “cụm từ” tại Điều 54, Điều 55 và Điều 56 BLHS:[1] những sửa đổi, bổ sung trong quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt tại Điều 57 BLHS.[2] Quy định của BLHS năm 2015 về quyết định hình phạt trong các trường hợp cụ thể tại mục 2 Chương VIII đã bộc lộ những ưu, khuyết điểm nhất định. Tuy nhiên, hiện nay về vấn đề này, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 (gọi tắt là Dự thảo) chỉ có một sửa đổi, bổ sung duy nhất đối với quy định tại khoản 3 Điều 54 BLHS năm 2015.
1. Ưu điểm của Dự thảo khi sửa đổi, bổ sung quy định về quyết định hình phạt trong các trường hợp cụ thể
BLHS 2015 chỉ quy định một phương án quyết định hình phạt là chuyển sang một loại hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn khi người phạm tội có đủ điều kiện để được áp dụng Điều 54 BLHS mà điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật. Khoản 4 Điều 1 Dự thảo đã sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 54 BLHS năm 2015 theo hướng bổ sung thêm phương án quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung bên cạnh phương án chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn: “Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án”. Sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Dự thảo dựa trên cơ sở kế thừa quy định của BLHS năm 1999 và đảm bảo được tính linh hoạt cũng như yêu cầu trong thực tiễn áp dụng pháp luật và đã khắc phục được nhược điểm trong quy định tại khoản 3 Điều 54 BLHS năm 2015. Bởi nếu khoản 3 Điều 54 BLHS năm 2015 chỉ quy định một phương án là “chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn” thì Tòa án không thể áp dụng hoặc áp dụng cực kỳ hạn chế quy định này đối với những trường hợp mà khung hình phạt nhẹ nhất hoặc khung hình phạt duy nhất của điều luật thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng. Vì khi áp dụng khoản 3 Điều 54 BLHS năm 2015 để chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn thì Tòa án muốn chuyển sang loại hình phạt nhẹ hơn nào, người phạm tội phải thỏa mãn điều kiện áp dụng của loại hình phạt nhẹ hơn đó. Hơn nữa, các hình phạt chính áp dụng đối với người phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 32 BLHS năm 2015 có trật tự liên kết nhất định từ nhẹ đến nặng phụ thuộc vào tính nghiêm khắc của từng loại hình phạt, gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ (CTKGG), trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình. Trong đó, cảnh cáo chỉ áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng (Điều 34); phạt tiền được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do BLHS quy định và người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do BLHS quy định (Điều 35); hình phạt CTKGG áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng (Điều 36) hoặc áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý (Điều 100); hình phạt trục xuất và tù có thời hạn được áp dụng đối với người phạm bất kỳ tội nào: ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (Điều 37, Điều 38); hình phạt tù chung thân và tử hình chỉ được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (Điều 39, Điều 40). Quy định tại khoản 3 Điều 54 BLHS năm 2015 nếu không được sửa đổi, bổ sung như quy định tại khoản 4 Điều 1 Dự thảo thì sẽ xảy ra các trường hợp:
– Đối với khung hình phạt nhẹ nhất hoặc khung hình phạt duy nhất thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì Tòa án không thể chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Ví dụ: A phạm tội theo Điều 424 BLHS năm 2015 (khung hình phạt duy nhất của Điều 424) quy định phạt tù từ 10 đến 20 năm hoặc tù chung thân.
– Đối với khung hình phạt nhẹ nhất hoặc khung hình phạt duy nhất của điều luật thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng thì khả năng Tòa án áp dụng quy định tại Điều 54 BLHS năm 2015 cực kỳ hạn chế. Vì trong trường hợp này, Tòa án không thể chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn là cảnh cáo vì cảnh cáo chỉ áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng; hoặc trong phần lớn trường hợp Tòa án không thể chuyển sang phạt tiền vì trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 BLHS năm 2015[3] thì phạt tiền chỉ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do BLHS quy định; hoặc trong phần lớn trường hợp, Tòa án cũng không thể chuyển sang hình phạt nhẹ hơn là CTKGG vì trừ trường hợp đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, CTKGG chỉ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng.[4] Ví dụ: A phạm tội theo khoản 1 Điều 168 BLHS năm 2015 (khung hình phạt nhẹ nhất của Điều 168) với khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù. Nếu A có đủ điều kiện để áp dụng Điều 54 BLHS năm 2015 thì Tòa án không thể áp dụng khoản 3 Điều 54 để chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.
Xuất phát từ những hạn chế trên và để bảo đảm tính linh hoạt trong áp dụng cũng như kế thừa quy định của BLHS năm 1999, khoản 4 Điều 1 Dự thảo đã khắc phục được những hạn chế trong quy định tại khoản 3 Điều 54 BLHS năm 2015. Đây là một sửa đổi, bổ sung quan trọng và cần thiết để quy định tại Điều 54 BLHS năm 2015 đi vào thực tiễn áp dụng cũng như đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của người phạm tội, đảm bảo hình phạt áp dụng tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.
Xem thêm bài viết về “Hình phạt”
- Nguyên tắc và căn cứ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Các hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Hoàn thiện chính sách hình phạt trong quy định của Bộ luật Hình sự 2015 theo tinh thần của các Công ước quốc tế về quyền con người – ThS. Nguyễn Thị Ánh Hồng
- Hình phạt là gì? Đặc điểm, mục đích và hệ thống các hình phạt? – ThS.LS. Phạm Quang Thanh
- Hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự 1999 về các hình phạt chính không tước tự do – ThS. Nguyễn Thị Ánh Hồng
2. Một số kiến nghị
Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 đã có những ưu điểm nhất định khi sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 54 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, với quy định của BLHS năm 2015, tác giả nhận thấy còn có một số hạn chế liên quan đến quyết định hình phạt trong các trường hợp cụ thể chưa được Dự thảo đề cập đến.
2.1. Về quy định tại Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015
So với Điều 47 BLHS năm 1999 khi quy định về quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật, quy định tại Điều 54 BLHS năm 2015 có những tiến bộ nhất định về kết cấu, kỹ thuật lập pháp cũng như quy định bổ sung mới trường hợp quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn.
Về kết cấu, nếu Điều 47 BLHS năm 1999 khi quy định về quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật không chia tách các nội dung quy định thành các khoản khác nhau mà các trường hợp quyết định hình phạt chỉ được ngăn cách với nhau bởi dấu chấm phẩy (;) thì Điều 54 BLHS năm 2015 đã quy định vấn đề này theo hướng thiết kế thành 3 khoản, trong đó, khoản 1 và khoản 3 được quy định trên cơ sở kế thừa quy địnhcủa Điều 47 BLHS năm 1999. Đồng thời, Điều 54 BLHS năm 2015 còn bổ sung thêm khoản 2 để quy định về trường hợp ngoại lệ áp dụng đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
Về kỹ thuật lập pháp, khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015 vẫn được quy định trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 47 BLHS năm 1999 nhưng có một số sửa đổi về mặt kỹ thuật. Cụ thể, nếu Điều 47 BLHS năm 1999 quy định: “Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật;…”thì khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015 quy định: “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này”. Việc sửa đổi từ “khung hình phạt mà điều luật đã quy định” thành “khung hình phạt được áp dụng” tại khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015 giúp cho việc hiểu và áp dụng quy định này trên thực tiễn được rõ ràng và chính xác hơn khi điều luật quy định có nhiều khung hình phạt khác nhau.
Khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 quy định: “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể”. Đây là một quy định hoàn toàn mới được bổ sung tại BLHS năm 2015. Quy định này xuất phát từ những đòi hỏi về mặt lý luận cũng như yêu cầu của thực tiễn đời sống xã hội. Theo đó, xét về phương diện lý luận, việc hạn chế giới hạn quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguyên tắc cá thể hóa hình phạt trong luật hình sự. Về nguyên tắc, loại và mức hình phạt do Tòa án quyết định phải dựa trên tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Đối với các trường hợp phạm tội khác nhau thì cần áp dụng loại hình phạt và mức hình phạt “vừa đủ” để nâng cao hiệu quả của việc áp dụng hình phạt. Xét từ khía cạnh thực tiễn, có nhiều trường hợp đồng phạm, người giúp sức có vai trò thứ yếu trong vụ án nhưng họ bị truy tố theo tội danh và khung hình phạt rất nặng cùng với người chủ mưu, người tổ chức, người thực hành nên dù có được Tòa án quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung thì mức phạt trong khung liên kề nhẹ hơn đối với tội đó cũng là quá nặng so với mức độ tham gia phạm tội của họ trong vụ án.[5]
Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, theo tác giả, liên quan đến quy định tại Điều 54 BLHS năm 2015 vẫn còn có một số vấn đề cần quan tâm sau đây:
– Về tên gọi: Đối với trường hợp quyết định hình phạt này, Điều 47 BLHS năm 1999 có tên gọi “Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật”. Đến BLHS năm 2015, Điều 54 BLHS đã được sửa thành “Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng”. Theo quan điểm của tác giả, với nội dung quy định tại khoản 3 Điều 54 BLHS năm 2015 cũng như khoản 4 Điều 1 Dự thảo thì Điều 54 BLHS năm 2015 không chỉ quy định về trường hợp quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng mà còn quy định cả trường hợp chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Do đó, tác giả cho rằng tên gọi của Điều 54 BLHS năm 2015 không bao hàm được hết nội dung của điều luật. Vì vậy, tác giả kiến nghị Điều 54 BLHS năm 2015 nên sửa đổi lại tên gọi là “Quyết định hình phạt nhẹ hơn mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng”cho phù hợp với nội dung quy định.
-Về quy định tại khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015: Bên cạnh ưu điểm giải quyết được những đòi hỏi về mặt lý luận và thực tiễn áp dụng như trên, có thể thấy rằng để khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 đi vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất thì vẫn còn nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ. Cụ thể, khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 quy định “không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật”. Như vậy, khi có đủ điều kiện để áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 đối với người phạm tội, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng có thể trong khung hình phạt nhẹ hơn bất kỳ. Ví dụ: A là người giúp sức trong vụ án đồng phạm về tội sản xuất trái phép chất ma túy theo khoản 4 Điều 248 BLHS năm 2015 với khung hình phạt quy định là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Điều 248 có 4 khung hình phạt chính tương ứng với 4 khoản, từ khoản 1 đến khoản 4. Nếu A có đủ điều kiện áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 thì hình phạt mà Tòa án có thể áp dụng đối với A là phạt tù từ 2 năm đến dưới 20 năm. Với khoảng cách rất lớn giữa mức tối thiểu và mức tối đa của hình phạt có thể được áp dụng như vậy, liệu có dẫn đến tình trạng Tòa án lạm dụng quy định tại khoản 2 Điều 54 BLHS trong thực tiễn xét xử hay không. Hơn nữa, để có thể áp dụng thống nhất và chính xác điều kiện “là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể”, cơ quan chức năng cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề này.[6]
– Về việc xác định khung hình phạt liền kề nhẹ hơn hoặc khung hình phạt nhẹ nhất trong một số trường hợp: Các khung hình phạt trong các điều luật thuộc Phần thứ hai (Phần Các tội phạm) thường có hai trật tự sắp xếp là từ nhẹ đến nặng hoặc từ nặng đến nhẹ. Điều này dễ dàng cho việc xác định khung hình phạt liền kề nhẹ hơn hoặc khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật khi áp dụng Điều 54 BLHS năm 2015. Bên cạnh trật tự sắp xếp này, trong một số điều luật của BLHS năm 2015 vẫn còn có những trật tự sắp xếp khác. Do đó, tác giả kiến nghị để việc áp dụng được chính xác và thống nhất, cơ quan chức năng cần ban hành văn bản hướng dẫn cụthể các trường hợp sau đây:
+ Về việc xác định khung hình phạt liền kề nhẹ hơn: Trong một số trường hợp trật tự sắp xếp các khung hình phạt của các điều luật trong Phần các tội phạm không theo một trật tự nhất định gây khó khăn cho việc áp dụng Điều 54 BLHS Ví dụ: Điều 141 BLHS năm 2015 có bốn khung hình phạt chính tương ứng với bốn khoản 1, 2, 3, 4. Tuy nhiên, đối với các điều luật này, khung hình phạt tại khoản 1 nhẹ hơn khoản 2, khoản 2 nhẹ hơn khoản 3 nhưng khoản 3 lại nặng hơn khoản 4. Ví dụ, A phạm tội theo khoản 4 Điều 141 BLHS năm 2015 (có khung hình phạt tù từ 5 năm đến 10 năm tù – không phải là khung hình phạt nhẹ nhất hoặc khung duy nhất của Điều 141 BLHS), A có đủ điều kiện để áp dụng Điều 54 BLHS năm 2015 thì trong trường hợp này, Tòa án phải quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung nhưng phải trong khung liền kề nhẹ hơn là khoản nào? Vì nếu đúng khung hình phạt liền kề của khoản 4 thì phải là khoản 3 nhưng khung hình phạt tại khoản 3 lại nặng hơn khoản 4 (khoản 3 Điều 141 quy định phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân). Trong trường hợp này, Tòa án cũng không thể chuyển qua khoản 2 Điều 141 BLHS năm 2015được vì khoản 2 Điều 141 quy định khung hình phạt nặng hơn khoản 4 Điều 141 (phạt tù từ 7 năm đến 15 năm). Do đó, nếu áp dụng Điều 54 BLHS năm 2015, Tòa án chỉ có thể chuyển qua khoản 1 Điều 141 BLHS năm 2015 (với khung hình phạt là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm) nhưng đây không phải là khung hình phạt liền kề của khoản 4 nên theo đúng quy định tại Điều 54 BLHS năm 2015, Tòa án không thể chuyển qua khoản 1 được.
+ Về việc xác định khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật trong một số trường hợp:
Thứ nhất, khác với quy định của BLHS năm 1999, trong một số điều luật thuộc Phần thứ hai (Các tội phạm) có nhiều khung hình phạt, bên cạnh trật tự sắp xếp các khung hình phạt chính theo thứ tự từ nhẹ đến nặng thì tại khung hình phạt chính cuối cùng của điều luật (hoặc khung hình phạt chính cuối cùng áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp điều luật có quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân thương mại phạm tội), điều luật còn quy định thêm một khoản độc lập với khung hình phạt nhẹ hơn khung hình phạt tại khoản 1 của điều luật như Điều 235, Điều 262, Điều 263, Điều 264 Điều 269, Điều 270, Điều 271 BLHS năm 2015… Ví dụ: Điều 315 BLHS có 4 khung hình phạt chính tương ứng với 4 khoản là khoản 1, 2, 3, 4. Trong đó, khoản 1 quy định phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, khoản 2 quy định phạt từ từ 3 năm đến 10 năm, khoản 3 quy định phạt tù từ 7 năm đến 15 năm, khoản 4 quy định phạt CTKGG đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm thì trong trường hợp này, khung hình phạt nhẹ nhất của Điều 315 BLHS năm 2015 lại là khoản 4 chứ không phải là khoản 1.
Thứ hai, trong một số điều luật thuộc Phần thứ hai (Các tội phạm), nhà làm luật bên cạnh việc xây dựng cấu thành tội phạm cơ bản còn xây dựng thêm cấu thành tội phạm bổ sung (còn gọi là cấu thành tội phạm dự phòng của cấu thành tội phạm cơ bản) với khung hình phạt nhẹ hơn so với khung hình phạt trong cấu thành tội phạm cơ bản. Cụ thể như khoản 5 Điều 260, khoản 5 Điều 261, khoản 4 Điều 267, khoản 5 Điều 268, khoản 5 Điều 272, khoản 5 Điều 273, khoản 5 Điều 278, khoản 5 Điều 295, khoản 5 Điều 307 BLHS năm 2015.[7] Như vậy, trong trường hợp hành vi phạm tội rơi vào các khoản có quy định cấu thành tội phạm bổ sung thì Tòa án sẽ áp dụng quy tắc nào của Điều 54 BLHS để quyết định hình phạt đối với người phạm tội? Tòa án phải coi cấu thành tội phạm bổ sung là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật cùng với cấu thành tội phạm cơ bản hay cấu thành tội phạm cơ bản của điều luật tương ứng mới là khung hình phạt nhẹ nhất. Bên cạnh đó, có thể thấy, đối với các điều luật có quy định cấu thành tội phạm bổ sung thì cấu thành tội phạm bổ sung sẽ được quy định tại khoản cuối cùng của điều luật (trong trường hợp điều luật không quy định hình phạt bổ sung) hoặc khoản kế khoản cuối cùng của điều luật (trong trường hợp điều luật quy định hình phạt bổ sung tại khoản cuối cùng).[8] Tuy nhiên, riêng quy định về cấu thành tội phạm bổ sung tại Điều 267 BLHS năm 2015 lại không theo trật tự sắp xếp này. Do đó, để đảm bảo logic về mặt kỹ thuật lập pháp, tác giả kiến nghị cần đổi vị trí sắp xếp của khoản 4 và khoản 5 Điều 267 BLHS năm 2015, cụ thể là phải đưa nội dung quy định tại khoản 4 xuống khoản 5 và đưa nội dung quy định tại khoản 5 lên khoản 4.
2.2. Về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội quy định tại khoản 2 Điều 57 Bộ luật Hình sự năm 2015
So với quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội tại khoản 2 Điều 52 BLHS năm 1999 thì quy định tại khoản 2 Điều 57 BLHS năm 2015 có những sửa đổi, bổ sung nhất định. Theo đó, hình phạt áp dụng trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội được quy định cụ thể trong các khung hình phạt của các tội phạm tương ứng mà người phạm tội phải chịu TNHS về hành vi chuẩn bị phạm tội của mình. Vì vậy, khoản 2 Điều 57 BLHS năm 2015 quy định: “Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, hình phạt được quyết định trong phạm vi khung hình phạt được quy định trong các điều luật cụ thể”. Với quy định tại các điều luật thuộc Phần thứ hai (Các tội phạm), có thể thấy người chuẩn bị phạm tội chỉ bị áp dụng hai loại hình phạt là hình phạt CTKGG với thời hạn tối thiểu là 6 tháng và tối đa là 3 năm và hình phạt tù có thời hạn với mức tối thiểu là 3 tháng và mức tối đa là 5 năm.[9] Đây là một sửa đổi thể hiện rõ nguyên tắc nhân đạo trong đường lối xử lý tội phạm cũng như đảm bảo được sự tương xứng giữa hình phạt áp dụng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi chuẩn bị phạm tội.
Như vậy, với quy định tại Điều 14 BLHS năm 2015 và khoản 2 Điều 1 Dự thảo, người chuẩn bị phạm một trong các tội được quy định tại khoản 2 Điều 14 BLHS thì mới phải chịu TNHS. Tuy nhiên, nếu so sánh giữa quy định tại khoản 2 Điều 14 BLHS năm 2015 và khoản 2 Điều 1 Dự thảo với quy định tại các điều luật thuộc Phần thứ hai (Các tội phạm) thì vẫn chưa có sự thống nhất. Cụ thể, khoản 2 Điều 14 BLHS năm 2015 và khoản 2 Điều 1 Dự thảo quy định người có hành vi chuẩn bị phạm tội phải chịu TNHS về các tội được quy định trong 22 điều luật được liệt kê[10] nhưng trong quy định tại Phần thứ hai (Các tội phạm) thì có đến 25 điều luật có quy định về hình phạt áp dụng đối với người có hành vi chuẩn bị phạm tội. Cụ thể, ngoài 22 điều luật được quy định trong Điều 14 BLHS năm 2015 và khoản 2 Điều 1 Dự thảo ra, có 3 điều luật nữa mà BLHS năm 2015 quy định hình phạt ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội là Điều 109 (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), Điều 115 (Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội), Điều 116 (Tội phá hoại chính sách đoàn kết). Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là đối với 3 điều luật mà khoản 2 Điều 14 BLHS năm 2015 không quy định và Dự thảo không sửa đổi, bổ sung đó có thể có giai đoạn phạm tội chuẩn bị phạm tội hay không.[11] Theo quan điểm của tác giả, với quy định tại khoản 1 Điều 14 BLHS năm 2015 định nghĩa về chuẩn bị phạm tội thì đối với trường hợp thành lập, tham gia nhóm tội phạm nhà làm luật đã loại trừ trường hợp quy định tại Điều 109 BLHS.[12] Do đó, để áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 57 BLHS năm 2015 cho thống nhất với quy định tại Điều 14, Điều 390 BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 47 Điều 1 Dự thảo (tội không tố giác tội phạm) và các quy định trong Phần thứ hai (Các tội phạm), tác giả kiến nghị điểm a khoản 2 Điều 14 BLHS năm 2015 cần sửa đổi, bổ sung như sau:
“a) Điều 108 (Tội phản bội Tổ quốc); Điều 109 (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân); Điều 110 (Tội gián điệp); Điều 111 (Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ); Điều 112 (Tội bạo loạn); Điều 113 (Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân); Điều 114 (tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Điều 115 (Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội), Điều 116 (Tội phá hoại chính sách đoàn kết); Điều 117 (Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam);”…
2.3. Về quy định tại Điều 59 Bộ luật Hình sự năm 2015
BLHS năm 2015 chia Chương VIII thành 2 mục (mục 1 và mục 2), đồng thờisắp xếp lại các điều luật trong mỗi mục theo đúng trật tự logic của nội dung vấn đề cần quy định: mục 1 – Những quy định chung về quyết định hình phạt, gồm bốn điều luật (từ Điều 50 đến Điều 53) và mục 2 – Quyết định hình phạt trong các trường hợp cụ thể, gồm 6 điều luật (từ Điều 54 đến Điều 59). Với cơ cấu các điều luật trong mục 2 Chương VIII BLHS năm 2015 có thể thấy, quy định tại Điều 59 về miễn hình phạt vẫn được nhà làm luật xếp tại điều luật cuối cùng của mục 2 (Quyết định hình phạt trong các trường hợp cụ thể) là phù hợp. Bởi vì trong khoa học luật hình sự hiện nay, khái niệm về quyết định hình phạt có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Theo nghĩa hẹp, quyết định hình phạt bao gồm quyết định hình phạt chính và hình phạt bổ sung đối với chủ thể chịu TNHS.[13] Theo nghĩa rộng, quyết định hình phạt là quyết định các biện pháp xử lý đối với chủ thể chịu TNHS. Theo nghĩa này, quyết định hình phạt là hoạt động tiếp theo hoạt động định tội của Tòa án, bao gồm quyết định hình phạt chính, hình phạt bổ sung; các biện pháp miễn TNHS, miễn hình phạt; các biện pháp tư pháp đối với người phạm tội.[14] Như vậy, khi Điều 59 BLHS năm 2015 quy định về miễn hình phạt được xếp trong mục 2 Chương VIII BLHS, tức là nhà làm luật đã tiếp cận khái niệm quyết định hình phạt theo nghĩa rộng.
Tuy nhiên, Điều 59 BLHS năm 2015 vẫn còn hạn chế khi quy định về điều kiện để được miễn hình phạt. Theo đó, với từ “và” được quyđịnh tạiĐiều 59 BLHS: “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn TNHS”thì có thể hiểu để được miễn hình phạt theo Điều 59 BLHS năm 2015, một trong những điều kiện mà người phạm tội phải đáp ứng được là người phạm tội phải vừa thỏa mãn điều kiện quy định tại khoản 1 vừa phải thỏa mãn điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 54 BLHS. Căn cứ vào quy định tại Điều 54 thì điều này là không hợp lý vì nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 như quy định tại Điều 59 BLHS năm 2015 thì lúc này, đối tượng để được miễn hình phạt chỉ có thể người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. Vì vậy, tác giả kiến nghị Điều 59 BLHS năm 2015 cần thay thế chữ “và” bằng chữ “hoặc” để đúng với tinh thần quy định của điều luật. Cụ thể Điều 59 được sửa như sau: “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn TNHS”.
Quyết định hình phạt là hoạt động có ý nghĩa quan trọng để đạt được mục đích của hình phạt nên quyết định hình phạt nói chung và quyết định hình phạt trong các trường hợp cụ thể nói riêng luôn là nội dung cần được đặc biệt quan tâm nghiên cứu và hoàn thiện. Những quy định của BLHS năm 2015 và Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 về quyết định hình phạt trong các trường hợp cụ thể tuy còn có một số hạn chế cần khắc phục như đã phân tích ở trên, nhưng nhìn chung các quy định này đã có những ưu điểm vượt trội so với quy định của BLHS năm 1999 về cả nội dung quy định cũng như kỹ thuật lập pháp, đáp ứng được những yêu cầu về mặt lý luận cũng như thực tiễn./.
Xem thêm bài viết về “Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017)”
- Một số đề xuất hoàn thiện quy định về các tội xâm phạm sở hữu trong Bộ luật Hình sự 2015 – TS. Phan Anh Tuấn
- Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt theo quy định Bộ luật Hình sự 2015 – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi bị kết án theo Bộ luật Hình sự 2015 – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Xóa án tích theo quyết định của Tòa án theo quy định Bộ luật Hình sự 2015 – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Bàn về các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong Dự thảo Bộ luật Hình sự 2015 (Xử lý chuyển hướng) – TS. Phan Anh Tuấn
CHÚ THÍCH
* ThS. Luật học, Giảng viên khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
[1] Những sửa đổi, bổ sung về mặt kỹ thuật của Điều 54 BLHS năm 2015, tác giả sẽ phân tích trong mục 2.1 của bài viết. Điều 55 BLHS năm 2015 chỉ sửa từ “một lần” thành “01 lần”, “ba ngày” thành “03 ngày”, “một ngày” thành “01 ngày”, “ba năm” thành “03 năm”; tại khoản 2 Điều 56 BLHS 2015 chỉ sửa đổi từ “phạm tội mới” thành “thực hiện hành vi phạm tội mới”.
[2] Những sửa đổi, bổ sung về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội tác giả phân tích trong mục 2.2 của bài viết; còn đối với trường hợp phạm tội chưa đạt thì nếu khoản 3 Điều 52 BLHS năm 1999 quy định hình phạt cao nhất được áp dụng đối với giaiđoạn phạm tội chưa đạt là tù chung thân hoặc tử hình thì khoản 3 Điều 57 BLHS năm 2015 quy định mức hình phạt cao nhất được áp dụng chỉ là 20 năm tù.
[3] Điểm b khoản 1 Điều 35 BLHS năm 2015 quy định: “Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định”.
[4] Khoản 1 Điều 100 BLHS năm 2015 quy định: “Hình phạt CTKGG được áp dụng đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý”.
[5] Ban soạn thảo BLHS, Bản thuyết minh chi tiết về Dự thảo BLHS (sửa đổi), tháng 4/2015, tr.17.
[6] Điều kiện “là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án”ngoài quy định tại Điều 54 BLHS năm 2015 còn được quy định trong các điều luật khác như điểm c khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015, điểm b khoản 1 Điều 93 BLHS năm 2015.
[7] Xem BLHS năm 2015 và Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015.
[8] Xem BLHS năm 2015 và Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015.
[9] Theo quy định tại khoản 2 Điều 52 BLHS năm 1999 thì hình phạt cao nhất được áp dụng đối với người ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội là 20 năm tù.
[10] Khoản 2 Điều 14 BLHS năm 2015 quy định người chuẩn bị phạm tội phải chịu TNHS đốivới các tội trong 21 điều luật được liệt kê. Khoản 2 Điều 1 Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 14 BLHS năm 2015 theo hướng bổ sung thêm 1 điều luật mà người chuẩn bị phạm tội phải chịu TNHS là Điều 207 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả).
[11] Hiện nay có ý kiến cho rằng, Điều 109 BLHS năm 2015 (tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân) không có giai đoạn chuẩn bị phạm tội nên khoản 2 Điều 14 BLHS năm 2015 không cần phải bổ sung thêm Điều 109 mà cần phải bỏ khoản 3 (quy định hình phạt đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội này) ra khỏi Điều 109 BLHS năm 2015.
[12] Khoản 1 Điều 14 BLHS năm 2015: “Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm trừ trường hợp quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này”.
[13] Trường Đại học Luật Tp. HCM, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam – Phần Chung, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, 2012, tr. 309-310.
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam – Phần chung, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2016, tr. 292.
[14] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam – Phần chung,tlđd, tr. 292-293.
Tác giả: Mai Thị Thủy* – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08/2016 (102)/2016 – 2016, Trang 35-42
Trả lời