Một số ý kiến về quy định về phòng vệ chính đáng theo Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015
TỪ KHÓA: Phòng vệ chính đáng,
TÓM TẮT
Quy định về phòng vệ chính đáng – trường hợp người thực hiện hành vi chủ động bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của chính bản thân mình (và có thể của các nhóm đối tượng khác) – trong luật hình sự cần theo hướng khuyến khích sự chủ động này. Bài viết này sẽ đánh giá những thay đổi và đưa ra một vài ý kiến đối với quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 nhằm giúp cho quy định này phù hợp hơn với yêu cầu chính trị của chế định này trong tình hình mới.
Trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, nhà làm luật đã có những thay đổi quan trọng thể hiện sự quan tâm đến các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Đó là việc quy định một chương riêng về Các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự và ghi nhận thêm một số trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự mới. Mục đích của sự sửa đổi này là nhằm “khuyến khích động viên người dân tự bảo vệ mình hoặc tham gia ngăn chặn tội phạm”.[1]
Một điểm đáng lưu ý khác là trong quá trình soạn thảo BLHS năm 2015, ban soạn thảo đã đưa ra một đề xuất táo bạo trong việc bổ sung 3 trường hợp “đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng”. Các trường hợp này gồm có:[2]
a) Chống trả lại người đang sử dụng vũ khí hoặc hung khí nguy hiểm tấn công mình hoặc người khác;
b) Chống trả lại người đang sử dụng vũ khí hoặc hung khí nguy hiểm chống lại người thi hành công vụ;
c) Chống trả lại người đang thực hiện hành vi giết người, hiếp dâm.
Ban soạn thảo đã lý giải cho đề xuất này như sau:[3]
“Về nguyên tắc, hành vi chống trả lại người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích được luật hình sự bảo vệ thì nếu được đánh giá là thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng thì không bị coi là tội phạm, nếu không được coi là phòng vệ chính đáng thì vẫn phải chịu TNHS và được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Khi sự việc xảy ra, việc cân nhắc là phòng vệ chính đáng hay không do Hội đồng xét xử quyết định. Qua tổng kết thi hành BLHS cho thấy, quy định như hiện nay không động viên được người dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, thậm chí là đấu tranh với hành vi xâm phạm lợi ích của chính mình, vì lo ngại vào sự phán xét của cơ quan bảo vệ pháp luật (từ một việc làm tốt không khéo lại là tội phạm). Nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều khi việc xét xử của Hội đồng chịu nhiều áp lực từ dư luận xã hội. Mặt khác, quy định như hiện nay vô hình chung bó tay các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là đối với các trường hợp phạm tội có sử dụng vũ khí nóng chống lại lực lượng bắt giữ. Do đó dự thảo lần này khẳng định luôn trong Luật những trường hợp cụ thể đương nhiên được xác định là phòng vệ chính đáng mà không cần phải thông qua việc đánh giá của các cơ quan tố tụng như: người phạm tội đang sử dụng vũ khí để chống lại việc bắt giữ hoặc dùng vũ khí để chống lại việc bắt giữ hoặc dùng vũ khí thực hiện hành vi giết người, bắt cóc con tin, khủng bố…”[4]
Quan điểm của Bộ Tư pháp trước những quan ngại về đề xuất về các trường hợp đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng này là rất đáng quan tâm, vì nó phản ánh những lo ngại xác đáng liên quan đến thực tiễn áp dụng tình tiết loại trừ này, cũng như sẽ động lực cho những đề xuất thay đổi quy định tương ứng trong BLHS năm 2015. Theo đó, Bộ Tư pháp cho rằng:[5]
“quy định chung chung như hiện nay sẽ không động viên được người dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, nhiều trường hợp còn e ngại chống trả lại hành vi xâm hại lợi ích hợp pháp của chính mình. Nguyên nhân là vì lo ngại hoặc thiếu niềm tin vào sự đánh giá chủ quan của cơ quan bảo vệ pháp luật”.
Theo quy định mới tại Điều 22 BLHS năm 2015:
“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này”.
Có thể thấy quan điểm hiện nay của nhà làm luật trong sửa đổi các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự là:[6]
“do ý thức pháp luật và đấu tranh phòng, chống tội phạm của quần chúng nhân dân còn chưa cao, chưa tạo được phong trào quần chúng đấu tranh chống tội phạm sâu rộng trong xã hội. Những hạn chế, vướng mắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm chính là thiếu cơ chế động viên, tạo điều kiện về mặt pháp lý để công nhận thực hiện nghĩa vụ của mình được pháp luật quy định. … Do đó, một trong những quan điểm chỉ đạo xây dựng BLHS đã được xác định đó là “tạo cơ chế hữu hiệu để bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của nhà nước và tổ chức, góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội”, “bổ sung những quy định mới để giải quyết vướng mắc, bất cập đang đặt ra trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và đổi mới nhận thức về chính sách hình sự… bảo đảm các quy định của BLHS không chỉ là cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng đấu tranh trấn áp tội phạm mà còn là cơ sở pháp lý để mọi người dân tự bảo vệ mình, bảo vệ lợi ích của nhà nước, của xã hội, khuyến khích mọi người dân tự bảo vệ mình, bảo vệ lợi ích của nhà nước. của xã hội, khuyến khích mọi người dân chủ động, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm”.[7]
Có thể thấy rằng sự đề cao quyền con người, quyền công dân lên trước các quyền/lợi ích của tập thể hay của xã hội là một bước ngoặt rất lớn trong quan điểm của nhà làm luật về các thứ tự ưu tiên trong vấn đề phòng vệ chính đáng nói riêng.[8]Và thay đổi này cần được thể hiện không chỉ ở thứ tự sắp đặt các ưu tiên trong các quyền/lợi ích trong quy định về phòng vệ chính đáng hiện nay.[9]Nó cần được cụ thể hoá thông qua việc quy định về phòng vệ chính đáng trong luật cũng như giải thích trong văn bản hướng dẫn với những tiêu chí đánh giá các yếu tố của phòng vệ chính đáng theo hướng chỉ rõ ranh giới để phân biệt hành vi phòng vệ chính đáng với các trường hợp bị coi là tội phạm sao cho phản ánh đầy đủ, chính xác quan điểm của nhà làm luật về việc khuyến khích hành vi tự bảo vệ những lợi ích của cá nhân một cách chính đáng; tạo cơ sở pháp lý rõ ràng và chắc chắn nhất có thể cho sự đánh giá của Tòa án. Tuy nhiên, điều này chưa được chuyển tải thành công trong quy định ở Điều 22 BLHS năm 2015.
Theo các học thuyết hiện đại, tự phòng vệ là một trong những vấn đề mang tính đạo đức của một quốc gia đòi hỏi đặt ra những giới hạn cho việc tuân thủ các quy định của pháp luật quốc gia đó trước những nguy hiểm lan tràn trong một thế giới đầy rẫy những loại vũ khí. Trong các xã hội hiện đại, khi mà các nhà nước không còn duy trì vị trí độc quyền trong việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội cho lực lượng cảnh sát, có những ý kiến cho rằng các cá nhân cũng có thể tự mình thực hiện quyền/ đặc quyền của việc sử dụng vũ lực để tự phòng vệ.[10]Thực tế, chủ nghĩa tự do hiện đại còn đánh giá rằng pháp luật tại các quốc gia hiện nay đang xâm phạm sự tự do ý chí của cá nhân và cho rằng quyền tự phòng vệ khỏi sự cưỡng bức (bao gồm cả bạo lực) là quyền con người cơ bản và trong mọi trường hợp – không có một ngoại lệ nào – là cơ sở cho việc sử dụng bạo lực xuất phát từ quyền này, bất kể là phòng vệ cho con người hoặc cho tài sản. Điều 12 của Tuyên ngôn Nhân quyền[11]của Liên hợp quốc đã ghi nhận rằng:
“Không ai có thể bị can thiệp một cách tuỳ tiện vào sự riêng tư, gia đình, nhà cửa và những thứ liên quan cũng như những sự tấn công vào danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được bảo vệ bởi pháp luật chống lại sự can thiệp hoặc tấn công nói trên”.
Trước đây, Nghị quyết số 02/HĐTP-TANDTC/QĐ ngày 05/01/1986 có hướng dẫn “hành vi xâm hại tính mạng hoặc sức khỏe của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi có đủ các điều kiện sau: … hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại”. Khái niệm “tương xứng” trong BLHS năm 1985 có thể được hiểu là người phòng vệ phải sử dụng công cụ, phương tiện, phương pháp tương tự như người đang thực hiện các hành vi xâm phạm đến các lợi ích cần bảo vệ; hoặc thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại mà người xâm hại gây ra cho họ. Quan trọng hơn cả, sự tương xứng ở đây chỉ thể hiện sự đánh giá của người ngoài cuộc mà không xuất phát từ sự nhận định, đánh giá của người trong cuộc, tức là người phòng vệ.[12]BLHS năm 1999 đã thay thuật ngữ “tương xứng” bằng thuật ngữ “cần thiết”. Phạm vi của quyền phòng vệ được giới hạn ở mục đích cần thiết để ngăn chặn và đẩy lùi hành vi xâm hại.[13]Điều này có nghĩa là, trên cơ sở tự đánh giá tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại, tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi tấn công và những yếu tố khác trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, người phòng vệ quyết định biện pháp chống trả mà người đó cho là “cần thiết” nhằm ngăn chặn và đẩy lùi hành vi xâm hại.[14]
Tuy nhiên, trong một trường hợp có yếu tố phòng vệ chính đáng, việc xem xét hành vi chống trả của bị cáo có cần thiết hay không là một vấn đề khó khăn; nhất là khi nó chủ yếu dựa vào đánh giá chủ quan của Thẩm phán về – thực ra là chỉ về – các yếu tố khách quan của hành vi phòng vệ mà không xem xét ý chí, nhận thức, thái độ chủ quan của người phòng vệ vào thời điểm thực hiện hành vi.[15]Sự đánh giá dựa trên một loạt các yếu tố khách quan này đã bỏ qua một thực tế phổ biến trong các trường hợp phòng vệ, đó là người phòng vệ thường “không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ”.[16]Chính vì vậy, khi đánh giá hành vi phòng vệ, ngoài việc dựa vào các yếu tố khách quan nói trên, cũng cần phải đánh giá cả thái độ chủ quan của người phòng vệ; nhất là trong xu thế thúc đẩy hành vi phòng vệ chính đáng không chỉ dừng lại ở việc gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công mà còn tích cực chống lại sự xâm hại, kể cả với việc gây thiệt hại cho người có hành vi tấn công.[17]
Có thể lấy một ví dụ tham khảo về cách thức quy định về yếu tố thái độ chủ quan của người phòng vệ như quy định trong pháp luật hình sự Australia. Mục 10.4 của Bộ luật Hình sự liên bang ghi nhận về phòng vệ chính đáng như sau:
“10.4 Tự phòng vệ
(1) Một người không phải chịu trách nhiệm hình sự về một tội phạm nếu anh hoặc cô ta đã thực hiện một hành vi cấu thành một tội phạm trong tình huống tự phòng vệ.
(2) Một người thực hiện hành vi trong trường hợp tự phòng vệ khi và chỉ khi anh hoặc cô ta tin rằng hành vi là cần thiết:
(a) để bảo vệ chính bản thân mình hoặc người khác; hoặc
(b) để ngăn ngừa hoặc chấm dứt sự giam giữ trái phép của anh hoặc cô ta hoặc người khác; hoặc
(c) để bảo vệ tài sản khỏi sự chiếm đoạt, phá huỷ, gây thiệt hại hoặc can thiệp một cách trái phép; hoặc
(d) để ngăn ngừa sự xâm phạm hình sự đối với đất đai hoặc các công trình; hoặc
(e) để đuổi khỏi đất đai hoặc công trình một người đã có hành vi xâm phạm hình sự;
và hành vi là sự chống trả hợp lý trong những hoàn cảnh như anh ta hoặc cô ta nhận thức về chúng”.[18]
Theo mục 418 của Đạo luật về Tội phạm 1900 của bang New South Wales, Australia, một người thực hiện hành vi trong tình trạng tự phòng vệ nếu:
– Người đó tin hành vi là cần thiết để bảo vệ bản thân anh/cô ta hoặc người khác; và
– Hành vi là một sự phản ứng hợp lý trong những tình huống như anh hoặc cô ta nhận thức được.
Điều này phản ánh một nguyên tắc chung đã được thừa nhận – ít nhất – bởi các nước theo thông luật rằng pháp luật cho phép sử dụng vũ lực một cách hợp lý trong những hoàn cảnh như “bị cáo tin là như vậy, dù [thậm chí] là [niềm tin đó có] hợp lý hay không.”[19]
Phán quyết hàng đầu của Toà cấp cao Australia liên quan đến tự phòng vệ theo thông luật là vụ Zecevic v DPP,[20]trong đó Thẩm phán Wilson, Dawson và Toohey đặt ra những yêu cầu cho sự tự phòng vệ như sau:
“Câu hỏi đặt ra cuối cùng khá là đơn giản. Đó là bị cáo có hay không tin tưởng dựa trên những cơ sở hợp lý rằng điều đó là cần thiết phải hành xử theo cách mà anh ta đã hành xử để tự phòng vệ. Nếu anh ta đã có niềm tin như vậy và cũng có những cơ sở hợp lý cho điều này… thì anh ta sẽ được tuyên vô tội. Hiểu như vậy, tình tiết này sẽ được áp dụng chung và không chỉ giới hạn trong các vụ án về giết người”.
Sau vụ Zecevic, đã có những yếu tố thuộc về chứng cứ đơn thuần phù hợp cho việc xác định có hay không việc bị cáo tin dựa trên những căn cứ hợp lý rằng điều đó là cần thiết phải hành xử như cách anh/ cô ta đã hành động.[21]
Rõ ràng rằng việc quy định về phòng vệ chính đáng theo cách này sẽ buộc các thẩm phán khi đánh giá tình huống phòng vệ phải đánh giá thêm yếu tố chủ quan, nhận thức, niềm tin của bị cáo khi thực hiện hành vi, tránh được tình trạng (như hiện nay) là chỉ đánh giá những yếu tố hay hoàn cảnh khách quan trong “con mắt” của một người ngoài cuộc. Thậm chí là nếu trong trường hợp mà niềm tin chủ quan của bị cáo có sự bất hợp lý trong hoàn cảnh đó, nhưng cũng không có những bằng chứng cho thấy sự gian dối hay những động cơ khác của bị cáo khi thực hiện hành vi phòng vệ thì vẫn nên coi đó là trường hợp phòng vệ chính đáng.[22]
Ngoài ra, BLHS năm 2015 vẫn giữ nguyên quy định về “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” như BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tuy nhiên, có thể thấy rằng quy định này cũng không giúp làm rõ hơn ranh giới giữa hành vi phòng vệ và hành vi phòng vệ vượt quá – cả về mặt lý luận và trong thực tiễn áp dụng. Và, xét cho cùng, quy định này cũng không cần thiết nếu quy định về phòng vệ chính đáng có nội hàm đủ rõ ràng; còn ngược lại, nó không thể giúp làm rõ cho nội hàm của phòng vệ chính đáng nếu bản thân nội hàm này còn được xác định một cách mơ hồ.
Như vậy, theo quan điểm của tác giả, để đảm bảo việc đánh giá các tình huống có dấu hiệu của phòng vệ chính đáng theo hướng khuyến khích hành vi chủ động chống trả, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của chính người phòng vệ, quy định về phòng vệ chính đáng trong BLHS 2015 nên được sửa đổi như sau:
“Điều 22. Phòng vệ chính đáng
Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, của tổ chức mà chống trả lại theo cách mà người đó nhận thức và tin là cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.
CHÚ THÍCH
*TS. Luật học, Giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
[1] Theo bản Thuyết minh chi tiết Dự thảo BLHS sửa đổi, mục 4. Chương IV: Các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, tr. 8 – 10.
[2] Tlđd1. Sau khi tiếp thu ý kiến của Bộ, ngành, Bộ Tư pháp đã đề xuất dự thảo quy định cụ thể hơn các trường hợp đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng, cụ thể là: “2. Đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng trong những trường hợp sau: (a) Chống trả lại người đang dùng vũ khí để chống lại việc băt giữ hoặc để tiếp tục phạm tội; (b) Chống trả lại người đang thực hiện hành vi giết người, hiếp dâm, cướp tài sản; (c) Chống trả lại người có hành vi tấn công vào nơi ở người khác vào ban đêm”.
[3] Tlđd1.
[4] Đề xuất táo bạo này đã vấp phải những quan ngại rằng “quy định như vậy rất dễ dẫn đến lạm dụng” và rằng “để được coi là phòng vệ chính đáng hay vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay là phạm tội thông thường phải do Tòa án quyết định”. Xem Báo cáo giải trình ý kiến Bộ, ngành, tài liệu kèm theo Dự thảo sửa đổi BLHS, tháng 6/2015, tr. 2 – 3. Cũng có những ý kiến nhất trí với việc bổ sung nhưng e ngại rằng “tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công trái pháp luật thuộc các tình huống nêu trong dự thảo văn bản có thể rất khác nhau trong khi đó pháp luật quy định gây thiệt hại với bất cứ mức độ nào cho người thực hiện hành vi tấn công trong các trường hợp ấy đều được coi là phòng vệ chính đáng là không hợp lý, dễ bị lạm dụng, không đảm bảo tính công bằng, công minh của pháp luật hoặc nếu liệt kê như vậy có thể dẫn đến tình trạng liệt kê không đầy đủ ”.Một số ý kiến khác đồng tình về chủ trương, nhưng đề nghị làm rõ hơn các trường hợp đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng.
[5]Xem tlđd4. Điều này cũng phù hợp với đánh giá trong Báo cáo của Bộ tư pháp về kết quả tổng kết thực tiễn thi hành BLHS 1999 về Bất cập, hạn chế trong quy định của BLHS về các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự (mục 3.3), tr. 20- 21: “Các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự đã được ghi nhận trong BLHS hiện hành thông qua một số điều khoản cụ thể,… Tuy nhiên, các quy định hiện hành chưa cụ thể, ranh giới giữa trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự và trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự chưa rõ ràng nên người dân còn e dè, chưa dám chủ động bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình cũng như chưa khuyến khích được mọi người tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm ”.
[6] Theo Tài liệu tập huấn BLHS năm 2015 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tr. 17 – 21.
[7] Tờ trình UBTVQH về dự án BLHS (sửa đổi) số 126/TTr-CP ngày 27/03/2015.
[8] Có thể ví dụ về các quan điểm học thuật giải thích về phòng vệ chính đáng trước đây; chẳng hạn “người phòng vệ mặc dù gây thiệt hại cho kẻ tấn công nhưng đã sử dụng một quyền, hơn nữa đã thi hành 1 bổn phận đối với xã hội. Trước một hành động tấn công xâm hại hay đe dọa trực tiếp lợi ích của xã hội, người phòng vệ không nên và không thể chờ vào sự can thiệp của chính quyền mà cần phải phản ứng kịp thời mới bảo vệ được trật tự của xã hội, bảo vệ được tính mạng của bản thân mình hoặc của người khác. Người phòng vệ, nhân danh xã hội thi hành bổn phận, sử dụng một quyền, đó là phòng vệ…”; hay “Trong một số điều kiện và giới hạn nhất định, xã hội xã hội chủ nghĩa tán thành và khuyến khích mọi người tích cực bảo vệ lợi ích của Nhà nước và xã hội…Về góc độ xã hội, trạng thái tồn tại ổn định, bền vững của các quan hệ xã hội là ý chí của giai cấp thống trị – Nhà nước. Bất kì một sự xâm hại nào đến sự tồn tại ổn định đó đều bị phản ứng từ phía Nhà nước. Trong những điều kiệnnhất định, sự phản ứng của Nhà nước có thể có hiệu quả, riêng về trường hợp của phòng vệ chính đáng, sự phản ứng của Nhà nước không mang lại hiệu quả vì sự xâm hại đang diễn ra mà nhà nước không có mặt kịp thời. Do đó nhà nước mới nhượng quyền lại cho cá nhân, là chủ thể đang trong trường hợp cũng có ý chí phản ứng như vậy”.Xem thêm trong Nguyễn Ngọc Hòa, Tội phạm trong Luật hình sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, 1992, tr. 13; Đặng Văn Doan, Vấn đề phòng vệ chính đáng, Nxb. Pháp lý, 1993, tr. 15, trích trong Cao Văn Nở, “Phòng vệ chính đáng trong Luật hình sự Việt Nam”, Luận văn năm 2012, Khoa Luật Trường Đại Học Cần Thơ, tr. 5.
[9]Về quan điểm đề cao các quyền và lợi ích của cá nhân trong phòng vệ chính đáng (và tình thế cấp thiết), Tài liệu tập huấn BLHS 2015 của VKSNDTC [tr.17-21] có giải thích “về trường hợp phòng vệ chính đáng (Điều 22)… có đảo cụm từ “vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác” lên trước cụm từ “lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức” trong trường hợp phòng vệ chính đáng… Việc đảo vị trí của quyền hoặc lợi ích chính đáng (quyền hoặc lợi ích hợp pháp) của con người, của công dân lên trước lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức là phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013, ưu tiên bảo vệ quyền con người, quyền công dân”…
[10]Theo logic này, pháp luật một mặt phải tội phạm hoá những hành vi tấn công dẫn đến những tổn thương hay mất mát, mặt khác phi tội phạm hóa những bạo lực tương tự về lượng dẫn đến những tổn thương hay mất mát do hành vi tự phòng vệ. Các học thuyết gia như Goerge Fletcher và Robert Schopp đã sử dụng các quan điểm của châu Âu về “autonomy” (tạm dịch là “tự do ý chí”) trong các học thuyết về tự do của họ để luận giải việc người có quyền sử dụng bạo lực cần thiết để bảo vệ quyền và sự tự do ý chí của mình. Cũng theo học thuyết tự do này, để tối đa hoá việc sử dụng quyền này, không nhất thiết rằng phòng vệ phải là sự rút lui hoặc chỉ được sử dụng vũ lực tương ứng. Người tấn công được coi là đã từ bỏ sự bảo vệ pháp lý khi họ bắt đầu sự tấn công. Về điều này, luật hình sự không phải là công cụ của lợi ích quốc gia bảo vệ cho lợi ích của tất cả mọi người khi có ai đó bị thương. Giới hạn, tuy nhiên, được đặt ra khi những hành vi tấn công không đáng kể trở thành tiền đề cho sự chống trả bạo lực quá mức. Hệ thống dân luật có học thuyết về sự lạm quyền để lý giải về sự vượt quá này. Lập luận cuả phòng vệ sẽ bị bác bỏ, ví dụ, nếu bị cáo đã cố tình giết một tên trộm đáng thương khi hắn không có dấu hiệu thực hiện hành vi cướp và cũng không tỏ ra là một sự đe doạ về mặt thể chất. Tuy nhiên, người chủ sở hữu hoặc người chiếm giữ hợp pháp tài sản có quyền sử dụng bất cứ mức độ nào của bạo lực không gây chết người cần thiết để bảo vệ sự sở hữu của anh ta hoặc lấy lại tài sản ngay cả khi anh ta không phải chịu một sự đe doạ thể chất nào. Như vậy, pháp luật về phòng vệ chính đáng là để bảo vệ quyền và ghi nhận quyền tự bảo vệ của con người; luật hình sự không can thiệp khi hành vi phòng vệ gây ra thiệt hại, mà chỉ can thiệp khi nó gây ra thiệt hại quá mức cần thiết, khi “sự bào chữa bằng tự phòng vệ” bị thất bại.
[11]United Nations General Assembly,Universal Declaration of Human Rights (UDHR), 10 December 1948.
[12]Xem Cao Văn Nở, tlđd, tr. 10-12.
[13]Nguyễn Ngọc Hòa (chủ biên), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, tập 1, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, 2005, tr. 194.
[14]Cao Văn Nở, tlđd, tr. 25.
[15]Chẳng hạn, theo Trần Thị Quang Vinh (chủ biên), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam – Phần chung, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, 2012, tr. 238, các căn cứ đánh giá giới hạn cần thiết của sự phòng vệ gồm có: Tính chất của quan hệ xã hội bị đe dọa xâm hại; Mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra; Sức mạnh và sức mãnh liệt của hành vi tấn công; Tính chất và mức độ của phương pháp, phương tiện hay công cụ mà kẻ tấn công đã sử dụng, thời gian, địa điểm xảy ra hành vi tấn công và phòng vệ; Sức mạnh và khả năng phòng vệ.
[16]Cao Văn Nở, tlđd, tr. 25.
[17]Cao Văn Nở, tlđd, tr. 48.
[18](nhấn mạnh được tác giả thêm vào).
[19]David Ormerod, Smith and Hogan Criminal Law, 11th edition, Oxford University Press, 2005, tr. 329.
[20]Zecevic v Director of Public Prosecutions(Vic) [1987] HCA 26; 162 CLR 645.
[21]Xem Simon Bronitt, “Australia”, tr. 67 – 68 trong sách Kevin John Heller và Markus D. Dubber (ed), The Handbook of Comparative Criminal Law, Stanford Law Books, 2011.
[22]Liên quan đến việc đánh giá niềm tin của bị cáo khi thực hiện hành vi phòng vệ, các nhà luật học của các nước theo thông luật đề xuất đánh giá thêm các đặc điểm thuộc về nhân thân của bị cáo, trong đó có thể bao gồm cả các bằng chứng về tâm thần rằng “bị cáo đã nhận thức về những tình huống xảy ra có tính đe dọa nhiều hơn mức mà một người có thể nhận thức”. Xem thêm David Ormerod, Smith and Hogan Criminal Law, 11th edition, Oxford University Press, 2005, tr. 331.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ban soạn thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bản thuyết minh chi tiết về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Hà Nội tháng 4/2015. [trans: Drafting Committee of the Criminal Code (amendments), Detailed Explanations to the (drafted) Criminal Code (amendments), Ha Noi, April 2015]
- Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1985 [trans: Vietnam’s Criminal Code 1985]
- Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 [trans: Vietnam’s Criminal Code 1999, amendments 2009]
- Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 [trans: Vietnam’s Criminal Code 2015]
- Bộ Tư pháp, Báo cáo số 77/BC-BTP ngày 26/3/2015 về Tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). [trans: Ministry of Justice, Report no. 77/BC-BTP dated March 26, 2015 on Synthesising, acquiring and responding to the comments of the ministries, branches and localities on the project of the Criminal Code (amendments)]
- Bộ Tư pháp, Báo cáo số 35/BC-BTP ngày 12/02/2015 về Kết quả tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự. [trans: Ministry of Justice, Report no. 35/BC-BTP dated February 12, 2015 on Results on Synthesising the Practices of Implementing the Criminal Code]
- Cao Văn Nở, “Phòng vệ chính đáng trong Luật hình sự Việt Nam”, Luận văn cử nhân, 2012, Khoa Luật Trường Đại Học Cần Thơ. [trans: Cao Van No, “Self-defence in Vietnam’s Criminal Law”, Bachelor thesis, 2012, Law Faculty, Can Tho University]
- Chính phủ, Tờtrình số 186/TTr-CP ngày 27/4/2015 vềDựán Bộ luật Hình sự (sửa đổi).[trans: The Government, Report no. 186/TTr-CP dated April 27, 2015 on the Project of Criminal Code (amendments)]
- Crimes Act 1900 (NSW), Australia
- Criminal Code Act 1995 (Cth), Australia
- David Lanham (ed), Bronwyn F Bartal, Robert C Evans and David Wood, Criminal Laws in Australia, The Federation Press, 2006
- David Ormerod, Smith and Hogan Criminal Law, 11th edition, Oxford University Press, 2005
- Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Nghị quyết số 02/HĐTP-TANDTC/QĐ ngày 05/01/1986 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự. [trans: Panel of Judges of the Supreme People’s Court, Resolution no. 02/HDTP-TANDTC/QD dated January 5, 1986 guiding the implementation of some provisions of the Criminal Code]
- Nguyễn Ngọc Hòa (chủ biên), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, tập 1, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, 2005. [trans: Nguyen Ngoc Hoa (ed.), Textbook on Vietnam’s Criminal Law, Part 1, Ha Noi University of Law, Public Security Publishing House, 2005]
- Nguyễn Ngọc Hòa, Tội phạmtrong Luật Hình sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, 1992. [trans: Nguyen Ngoc Hoa, “Crimes in Vietnam’s Criminal Law”, Public Security Publishing House, 1992]
- Simon Bronitt, “Australia”, pp. 49-96 in Kevin John Heller and Markus D. Dubber (ed),The Handbook of Comparative Criminal Law, Stanford Law Books, 2011
- Trần Thị Quang Vinh (chủ biên), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam – Phần chung, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, 2012. [trans: Tran Thi Quang Vinh (ed), Textbook on Vietnam’s Criminal Law – General Part, Ho Chi Minh University of Law, Hong Duc Publishing House – Vietnam’s Bar Association, 2012]
- United Nations General Assembly, Universal Declaration of Human Rights (UDHR), 10 December 1948
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tài liệu tập huấn Bộ luật Hình sự năm 2015, Hà Nội, tháng 5/2016. [trans: The Supreme People’s Procuracy, Training Material for [the Implementation of] Criminal Code 2015, Ha Noi, May 2016]
- Zecevic v Director of Public Prosecutions(Vic) [1987] HCA 26; 162 CLR 645
Tác giả: Hoàng Thị Tuệ Phương* – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08/2016 (102)/2016 – 2016, Trang 20-26
Trả lời