Luật Hình sự là gì? Thế nào là quy phạm pháp luật hình sự?
Tác giả: Nguyễn Ngọc Hòa
1. Luật Hình sự là gì?
Luật hình sự là ngành luật trong hệ thống pháp luật có đối tượng và phương pháp điều chỉnh đặc biệt, tuân theo các nguyên tắc và thực hiện các nhiệm vụ riêng. (Khái niệm luật hình sự có thể được dùng để chỉ ngành luật nhưng cũng có thể được hiểu là một trong những hình thức văn bản quy phạm pháp luật – luật (hoặc bộ luật) của ngành luật hình sự. Luật hình sự còn có thể được dùng để chi môn khoa học nghiên cứu ngành luật hình sự.)
Với tính chất là ngành luật, luật hình sự được hiểu là hệ thống các quy phạm pháp luật xác định những hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm và quy định hình phạt cũng như biện pháp hình sự phi hình phạt có thể áp dụng cho các tội phạm đó. Gắn với luật hình sự là hiện tượng tội phạm và biện pháp trách nhiệm đối với hiện tượng đó. Hình phạt và biện pháp hình sự phi hình phạt tuy cùng thuộc các biện pháp hình sự nhưng hình phạt vẫn được xem là biện pháp hình sự đặc trưng có tính “truyền thống”. Do vậy, thường có sự “vô tình” đồng nhất giữa hình phạt với các biện pháp hình sự. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay là phát triển biện pháp hình sự phi hình phạt cùng với hạn chế hình phạt. Luật hình sự Việt Nam cũng đang theo xu hướng này.
Với hai nội dung như vậy mà ngành luật này có tên gọi gắn với một trong hai nội dung đó – tội phạm hoặc hình phạt. Ví dụ: Trong tiếng Anh, ngành luật này thường được gọi là Criminal Law (pháp luật hay ngành luật về tội phạm); còn trong tiếng Đức, ngành luật này lại thường được gọi là Strafrecht (pháp luật hay ngành luật về hình phạt). Trong tiếng Việt, hình sự có nghĩa là sự trừng trị, trừng phạt và ngành luật hình sự cũng có nghĩa là ngành luật về trừng phạt hay về hình phạt.
Quy phạm pháp luật của ngành luật hình sự được hình thành qua các quy định của pháp luật. Đó là các quy định chung về tội phạm và hình phạt cũng như biện pháp hình sự phi hình phạt, là các quy định về các tội phạm cụ thể và các khung hình phạt cũng như biện pháp hình sự phi hình phạt cụ thể. Các quy định này đều phải được thể hiện ở hình thức văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam hay nói cách khác, các quy định về tội phạm và hình phạt cũng như biện pháp hình sự phi hình phạt phải do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành vì tính đặc biệt của các quy định này.
Như đã trình bày, bên cạnh nội dung quy định hình phạt, ngành luật hình sự còn quy định các biện pháp hình sự khác không phải là hình phạt mà thường được gọi là biện pháp hình sự phi hình phạt. Trong các Bộ luật Hình sự Việt Nam, các biện pháp này có tên gọi là các biện pháp tư pháp; các biện pháp giám sát, giáo dục và được coi là các biện pháp hỗ trợ hoặc thay thế cho hình phạt. Các biện pháp phi hình phạt này có xu hướng phát triển trong luật hình sự của các nước cũng như của Việt Nam. Tuy nhiên, hình phạt vẫn là biện pháp cưỡng chế hình sự chính và có tính đặc trưng của ngành luật hình sự. Do vậy, khi nói về ngành luật hình sự, các tài liệu thường chỉ nói đến hình phạt. Bộ luật Hình sự Việt Nam khi xác định nhiệm vụ của mình cũng chi viết: “… Bộ luật này quy định về tội phạm và hình phạt”. (Điều 1 Bộ luật Hình sự) Tuy nhiên, khi định nghĩa khái niệm tội phạm, Điều 8 Bộ luật Hình sự không đề cập đến tính “chịu hình phạt” như một số tài liệu mà đã đề cập đến đặc điểm “bị xử lý hình sự” của tội phạm. Theo đó, “chịu hình phạt” chỉ là một nội dung của “bị xử lý hình sự”; hình phạt chỉ là một loại của biện pháp hình sự.
Với nội dung xác định tội phạm và quy định hình phạt cũng như biện pháp hình sự phi hình phạt, ngành luật hình sự có đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh đặc biệt.
Xem thêm bài viết về “Khoa học Luật Hình sự“
- Từ khởi nguồn đến kết thúc của Luật Hình sự – TS. Trịnh Tiến Việt
2. Quy phạm pháp luật hình sự là gì?
Nội dung của quy phạm pháp luật hình sự được thể hiện thông qua các quy định của luật. Đó là các quy định chung về tội phạm và hình phạt cũng như biện pháp hình sự phi hình phạt; các quy định về các tội phạm cụ thể và các khung hình phạt cụ thể. Các quy định chung về tội phạm và hình phạt cũng như biện pháp hình sự phi hình phạt tạo thành Phần chung của luật hình sự; Phần các tội phạm của luật hình sự là phần được hình thành bởi các quy định về tội phạm cụ thể và khung hình phạt cụ thể.
Quy phạm pháp luật hình sự được thể hiện qua các quy định của luật hình sự hay nói cách khác là qua các điều luật. Giữa quy phạm pháp luật hình sự và điều luật của luật hình sự có sự khác nhau. (Về mối quan hệ giữa quy phạm pháp luật và điều luật, xem thêm: Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình li luận nhà nước và pháp luật, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 325 và tr. 326)
Một điều luật quy định về tội phạm cụ thể mới chỉ thể hiện nội dung cơ bản của một quy phạm pháp luật hình sự mà chưa phải là một quy phạm pháp luật hình sự hoàn chỉnh. Một quy phạm pháp luật hình sự hoàn chỉnh luôn bao gồm nội dung của điều luật về một tội phạm cụ thể và nội dung các điều luật quy định về những vấn đề chung của tội phạm. V dụ: Điều 141 Bộ luật Hình sự có nội dung: “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trải với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”. Nội dung này mới chỉ là phần cơ bản của quy phạm pháp luật hình sự vì trong nội dung này chưa có nội dung giải thích dấu hiệu “người nào”. Dấu hiệu này được giải thích qua các điều luật về tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12 Bộ luật Hình sự) và về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 21 Bộ luật Hình sự).
Với nội dung là xác định tội phạm và quy định hình phạt, quy phạm pháp luật hình sự đòi hỏi phải có hai bộ phận cấu thành – bộ phận xác định tội phạm và bộ phận quy định hình phạt. Tuy nhiên, việc xác định hai bộ phận đó trong cấu trúc của quy phạm pháp luật nói chung cũng như của quy phạm pháp luật hình sự nói riêng có sự không thống nhất giữa các nhà nghiên cứu và giảng dạy. Bên cạnh quan điểm cho rằng quy phạm pháp luật nói chung cũng như quy phạm pháp luật hình sự nói riêng có ba bộ phận (giả định, quy định và chế tài) cũng có quan điểm cho rằng quy phạm pháp luật chỉ có hai bộ phận (giả định và quy định hoặc giả định và chế tài)). Tác giả cho rằng quy phạm pháp luật hình sự là loại quy phạm tương đối đặc biệt so với quy phạm pháp luật của các ngành luật khác nên khó có sự thống nhất trong cách hiểu về nội dung cũng như cấu trúc của loại quy phạm pháp luật này. Nhưng điều chắc chắn là quy phạm pháp luật hình sự phải có hai bộ phận – bộ phận mô tả tội phạm và bộ phận xác định khung hình phạt (chế tài) có thể được áp dụng đối với tội phạm đó. Trong đó, bộ phận mô tả tội phạm gồm 2 phần: Phần mô tả chủ thể cùng các điều kiện khác (nếu có) và phần mô tả hành vi phạm tội. Ví dụ: Bộ phận mô tả tội phạm tại Điều 132 Bộ luật Hình sự. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là: “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cửa giúp dẫn đến hậu quả người đó chết”. Trong đó, phần mô tả chủ thể là “người nào”, phần mô tả điều kiện khác là “có điều kiện (cứu giúp)”; phần mô tả hành vi phạm tội là “không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết”. Theo công thức chung của quy phạm pháp luật (nếu – thì – mà khác thì sẽ…)() phần mô tả chủ thể và các điều kiện khác thuộc về giả định (nếu”), phần mô tả hành vi phạm tội thuộc về quy định (“mà khác”). Phần quy định (“thì”) là phần ẩn trong quy phạm pháp luật hình sự (trong ví dụ trên, phần ẩn được hiểu là thì phải cứu giúp).
Trả lời