Mục lục
Bài viết: Kiến nghị bổ sung quy định về thời điểm thực hiện hành vi phạm tội trong BLHS năm 2015
- Tác giả: Vũ Thị Thúy*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08(102)/2016 – 2016, Trang 13-19
TÓM TẮT
Việc xác định đúng thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là tiền đề cho việc lựa chọn điều luật đang có hiệu lực thi hành để áp dụng quy định tại Điều 7 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như hành vi phạm tội bắt đầu thực hiện khi BLHS năm 1999 có hiệu lực và hành vi phạm tội kết thúc hoặc hậu quả của tội phạm xảy ra khi BLHS năm 2015 có hiệu lực, việc xác định thời điểm hành vi phạm tội được thực hiện gặp khó khăn do có nhiều quan điểm khác nhau. Vì vậy, BLHS cần quy định cụ thể về thời điểm thực hiện hành vi phạm tội để tạo căn cứ pháp lý thống nhất cho việc áp dụng quy định tại Điều 7 BLHS năm 2015.
ABSTRACT:
The accuracy in determining the time of committing crime is the prerequisite for the selection of the applicable provision in accordance with Article 7 of the 2015 Penal Code which governs the temporal application of the Code. However, in case the offence was begun when the 1999 Penal Code was in force and ended or the consequences of offence happened when the 2015 Penal Code is in force, it would be difficult to determine the time of crime commission because of various opinions. Therefore, the 2015 Penal Code needs to specify rules for dertermining the time of crime to provide the unified legal basis for the application of Article 7 of the 2015 Penal Code.
TỪ KHÓA: thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, hiệu lực của BLHS Việt Nam về thời gian,
KEYWORDS: time of committing crime, ratione temporae effect of Vietnam’s Penal Code,
Sự vận động và phát triển của các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội làm cho văn bản quy phạm pháp luật hình sự cũ không còn phù hợp nên nhà làm luật cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hình sự mới để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Khi đó, việc lựa chọn đúng điều luật áp dụng đối với hành vi phạm tội có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người phạm tội, đồng thời đảm bảo nguyên tắc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Điều này càng quan trọng trong những trường hợp hành vi phạm tội liên tục hoặc kéo dài từ khi BLHS cũ có hiệu lực và kết thúc khi BLHS mới có hiệu lực; hoặc hành vi phạm tội thực hiện khi BLHS cũcóhiệu lực nhưng hậu của của hành viđóxảy ra khi BLHS mới cóhiệu lực; hành vi phạm tội trong đồng phạm khi việc tổ chức, giúp sức hoặc xúi giục thực hiện hành vi khi BLHS cũ có hiệu lực, người thực hành thực hiện hành vi khi BLHS mới có hiệu lực và hai BLHS này quy định khác nhau về cùng một vấn đề.
Bài viết cùng số Tạp chí
- Bàn về việc khắc phục một số hạn chế, sai sót trong Bộ luật Hình sự năm 2015
- [BÀI ĐANG XEM] Kiến nghị bổ sung quy định về thời điểm thực hiện hành vi phạm tội trong Bộ luật Hình sự năm 2015
- Một số ý kiến về quy định về phòng vệ chính đáng theo điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015
- Một số thành công và hạn chế trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các hình phạt chính không tước tự do
- Một số ý kiến về quyết định hình phạt trong các trường hợp cụ thể theo Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015
- Một vài ý kiến về hoàn thiện dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 về án treo và tha tù trước thời hạn có điều kiện
- Một số đề xuất hoàn thiện quy định về các tội xâm phạm sở hữu trong Bộ luật Hình sự năm 2015
- Một số điểm mới về tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
- Bàn về việc áp dụng các biện pháp thế chấp, cầm cố tài sản của bên thứ ba và biện pháp bảo lãnh trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng
- Vấn đề bồi thường thiệt hại phi vật chất theo Công ước Vienna 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế – Lý luận và thực tiễn xét xử
Để xác định BLHS được áp dụng đối với các hành vi phạm tội trong những trường hợp này, trước hết, cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định “thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện”. Trong khi đó, cả BLHS năm 1985, 1999 và 2015 của Việt Nam đều chưa quy định về thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Các văn bản hướng dẫn thi hành BLHS mới chỉ hướng dẫn áp dụng trường hợp phạm tội liên tục từ khi luật cũ có hiệu lực đến khi luật mới có hiệu lực. Vì vậy, việc quy định chính thức và cụ thể về thời điểm thực hiện hành vi phạm tội có ý nghĩa quan trọng trong việc áp dụng quy định hiệu lực về thời gian của BLHS.
1. Khái niệm về thời điểm thực hiện hành vi phạm tội
Khoản 1 Điều 7 BLHS năm 2015 quy định: “Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm hành vi phạm tội được thực hiện”. Quy định này giống với khoản 1 Điều 7 BLHS năm 1999 và thay đổi không đáng kể so với BLHS năm 1985. Để áp dụng khoản 1 Điều 7 BLHS năm 2015, một trong những nội dung quan trọng mà cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định rõ là “thời điểm hành vi phạm tội được thực hiện”. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 chưa quy định về vấn đề này. Trong các văn bản hướng dẫn thi hành BLHS, khái niệm “thời điểm hành vi phạm tội được thực hiện” cũng chưa được giải thích rõ ràng.
Trong khoa học luật hình sự, có nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Quan điểm thứ nhất cho rằng thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là thời điểm tội phạm hoàn thành, có sự hội tụ trong hành vi của người phạm tội tất cả các dấu hiệu thể hiện mặt khách quan của cấu thành tội phạm.[1] Theo quan điểm này, đối với cấu thành tội phạm vật chất, thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là thời điểm hậu quả của tội phạm xảy ra. Bởi vì, trong cấu thành tội phạm vật chất, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc về mặt khách quan. Chừng nào còn khoảng cách thời gian giữa hành vi phạm tội cuối cùng (thời điểm tội phạm kết thúc) và hậu quả của tội phạm, thì trong chính khoảng thời gian đó, người phạm tội có thể ngăn chặn được hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra. Nếu hành vi phạm tội kết thúc khi điều luật cũ có hiệu lực và hậu quả của tội phạm xảy ra khi điều luật mới có hiệu lực, dù điều luật mới quy định TNHS nghiêm khắc hơn, theo nguyên tắc, vẫn áp dụng luật mới. Chỉ trong những trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi do lỗi vô ý và không thấy trước được khả năng gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội nên không thể ngăn chặn được hậu quả xảy ra khi điều luật mới có hiệu lực, thì xác định trách nhiệm hình sự theo quy định của điều luật cũ ít nghiêm khắc hơn. Quan điểm này không hợp lý bởi vì trong nhiều trường hợp, người phạm tội thực hiện hành vi do lỗi cố ý khi điều luật cũ có hiệu lực nhưng không thể ngăn chặn được hậu quả hoặc không thể biết hậu quả sẽ xảy ra khi điều luật mới (quy định trách nhiệm hình sự nặng hơn) có hiệu lực.[2] Khi đó, nếu áp dụng điều luật mới với người phạm tội thì không công bằng cho họ.
Ví dụ 1: A cầm dao đâm vào ngực B nhằm giết B. Sau đó, A sợ hãi và hối hận nên tức khắc chở B đến bệnh viện cấp cứu – thời điểm này điều luật cũ có hiệu lực thi hành. Do được điều trị tích cực nên B sống thêm được năm ngày. Vào ngày B chết, điều luật mới có hiệu lực thi hành quy định hình phạt nghiêm khắc hơn đối với tội giết người. Theo nhận định của bác sĩ điều trị, nếu A không chở B đi cấp cứu tức thời thì B sẽ chết ngay trong ngày bị đâm. Trong trường hợp này, mặc dù có khoảng cách về thời gian giữa thời điểm thực hiện hành vi cuối cùng và hậu quả, nhưng người phạm tội không thể ngăn chặn được hậu quả do hành vi của mình gây ra và không thể biết được khi nào hậu quả xảy ra. Hơn nữa, nếu A không đưa B đi cấp cứu tức thời thì có thể B sẽ chết trong thời gian điều luật cũ quy định hình phạt nhẹ hơn có hiệu lực. Như vậy, chỉ vì ân hận và muốn khắc phục hậu quả mà A đã phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc hơn theo quy định điều luật mới.[3]
Ví dụ 2: Một người thực hiện hành vi phạm tội khi điều luật cũ đang có hiệu lực và không coi là tội phạm nhưng hậu quả của hành vi đó lại xảy ra khi điều luật mới có hiệu lực và quy định hành vi này là tội phạm có cấu thành vật chất. Trong trường hợp này, áp dụng điều luật mới để truy tố, xét xử họ là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật, nguyên tắc có luật có tội của luật hình sự. Bởi vì, tại thời điểm thực hiện hành vi, không có một điều khoản nào cấm họ thực hiện hành vi đó và họ không có khả năng cũng như không có nghĩa vụ biết chính xác hậu quả khi nào xảy ra và khi đó điều luật mới có quy định hành vi của họ là tội phạm hay không.[4]
Theo quan điểm trên, trong hai ví dụ này cần áp dụng điều luật mới nghiêm khắc hơn đang có hiệu lực khi hậu quả xảy ra để áp dụng đối với người phạm tội là không công bằng. Hơn nữa, nếu căn cứ vào thời điểm tội phạm hoàn thành để xác định thời điểm thực hiện hành vi phạm tội thì không thể xác định được thời điểm thực hiện hành vi phạm tội trong trường hợp tội phạm chưa hoàn thành (chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt).
Quan điểm thứ hai cho rằng thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là thời điểm tội phạm kết thúc, điều luật áp dụng đối với hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành khi tội phạm kết thúc.[5] Tội phạm được coi là kết thúc khi hành vi phạm tội thực sự chấm dứt trên thực tế. Điều đó thống nhất với quan điểm cho rằng “ngày tội phạm được thực hiện” quy định trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 27 BLHS năm 2015) trong trường hợp tội kéo dài cũng là thời điểm hành vi phạm tội chấm dứt.[6] Vì vậy, hành vi khách quan của người phạm tội trên thực tế chấm dứt khi nào thì đó là thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi vô ý hay cố ý, họ chỉ nhận thức được (hoặc pháp luật buộc họ phải nhận thức được) họ đang vi phạm pháp luật hình sự hiện hành và hình phạt của điều luật đó. Việc xác định thời điểm thực hiện hành vi phạm tội căn cứ vào thời điểm tội phạm kết thúc hợp lý hơn việc xác định thời điểm thực hiện hành vi phạm tội căn cứ vào thời điểm tội phạm hoàn thành. Bởi vì, trong các trường hợp thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội đều có khả năng và có đủ điều kiện kiểm soát thời điểm thực hiện hành vi khách quan của tội phạm (quyết định có thực hiện hành vi phạm tội hay không? thực hiện khi nào? khi nào kết thúc hành vi phạm tội?…); nhưng họ hầu như không thể kiểm soát được chính xác khi nào hậu quả của tội phạm sẽ xảy ra và BLHS lúc đó quy định TNHS như thế nào đối với hành vi của mình. Vì vậy, việc áp dụng điều luật mới với TNHS nặng hơn tại thời điểm hậu quả xảy ra đối với một hành vi phạm tội đã kết thúc khi điều luật cũ có hiệu lực sẽ mang đến những rủi ro pháp lý cho người phạm tội. Do đó, đối với cấu thành tội phạm vật chất, người phạm tội không có khả năng và pháp luật không thể buộc họ có nghĩa vụ nhận thức được thời điểm hậu quả sẽ xảy ra thời điểm điều luật mới quy định bất lợi hơn cho người phạm tội sẽ có hiệu lực nên không thể coi thời điểm tội phạm hoàn thành là thời điểm thực hiện hành vi phạm tội.
Đối với cấu thành tội phạm hình thức, nếu hành vi phạm tội thỏa mãn hết các dấu hiệu khách quan của cấu thành tội phạm (tội phạm hoàn thành) lúc điều luật cũ có hiệu lực và hành vi phạm tội thực sự chấm dứt trên thức tế (tội phạm kết thúc) lúc điều luật mới có hiệu lực thì thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là thời điểm tội phạm kết thúc và phải áp dụng điều luật mới đối với hành vi phạm tội này. Bởi vì, người phạm tội hoàn toàn có thể kiểm soát được việc thực hiện hành vi phạm tội của mình nên nếu họ dừng lại hành vi phạm tội lúc điều luật cũ đang có hiệu lực thì áp dụng điều luật cũ; nếu họ quyết định vẫn tiếp tục thực hiện hành vi của mình khi điều luật mới có hiệu lực thì cần áp dụng điều luật mới vì người phạm tội có khả năng và có nghĩa vụ nhận thức được điều luật mới quy định trách nhiệm hình sự nặng hơn có hiệu lực mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi nên việc áp dụng điều luật mới trong trường hợp này giống như những hành vi phạm tội bắt đầu thực hiện khi điều luật mới có hiệu lực.
Cần coi thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là thời điểm tội phạm kết thúc như nguyên lý chung để xác định thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Từ đó, xác định thời điểm thực hiện hành vi phạm tội trong một số trường hợp đặc biệt như tội phạm liên tục, tội phạm kéo dài, chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, đồng phạm… để lựa chọn đúng văn bản pháp luật áp dụng.
Đối với tội phạm liêntục[7] mà trong số các hành vi này có hành vi xảy ra trước và có hành vi xảy ra sau ngày ban hành điều luật được sửa đổi bổ sung theo hướng tăng nặng, theo hướng dẫn của cơ quan tiến hành tố tụng, điều luật áp dụng chung cho toàn bộ các hành vi phạm tội là điều luật đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng nặng, nhưng khi quyết định hình phạt thì cần cân nhắc các thời điểm thực hiện các hành vi phạm tội cụ thể để có mức hình phạt chung thỏa đáng cho toàn bộ các hành vi phạm tội.[8] Như vậy, trong tội liên tục, thời điểm thực hiện hành vi cuối cùng là thời điểm thực hiện tội phạm.
Tương tự như tội phạm liên tục, đối với tội phạm kéo dài,[9] thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là thời điểm người phạm tội chấm dứt thực hiện hành vi phạm tội của mình. Bởi lẽ, khi điều luật mới cóhiệu lực vàquyđịnh trách nhiệm pháplýnặng hơn, người phạm tội cóthể biết vàcónghĩa vụ phải biếtđể tuânthủ phápluật. Nếu họ chấm dứt hành vi phạm tội của mình trước khi điều luật mới cóhiệu lực thìhành vi phạm tội nàyđương nhiênđượcápdụngđiều luật cũvới trách nhiệm hình sự nhẹ hơn. Nhưng nếu họ vẫn thực hiện hành vi phạm tội này khi điều luật mới cóhiệu lực, thìgiống như cáchành vi phạm tội khácbắt đầu thực hiện khi điều luật mới có hiệu lực, cần phải áp dụng điều luật mới dù điều luật này quy định trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc hơn.[10]
Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, người phạm tội có hành vi tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm (Điều 14 BLHS năm 2015) nhưng chưa thực hiện hành vi được mô tả trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Để lựa chọn văn bản áp dụng trong trường hợp này cần coi thời điểm cuối cùng của việc tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm (khi hành vi chuẩn bị phạm tội thực sự chấm dứt trên thực tế) là thời điểm “thực hiện hành vi phạm tội”.
Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, người phạm tội cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội (Điều 15 BLHS năm 2015). Trong trường hợp này, thời điểm tội phạm được thực hiện là khi hành vi phạm tội bị dừng lại vì nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người phạm tội.
Một vấn đề khác là xác định thời điểm thực hiện hành vi của người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức trong đồng phạm khi điều luật cũ có hiệu lực và hành vi phạm tội của người thực hành thực hiện khi điều luật mới có hiệu lực. Theo quy định của BLHS năm 2015, đồng phạm là hai hay nhiều người cố ý cùng thực hiện một tội phạm (Điều 17). Trong đồng phạm, tội phạm được thực hiện là sự nỗ lực, hợp tác chung của tất cả những người cùng tham gia; hành vi của mỗi người là một khâu, một bộ phận cần thiết trong hoạt động chung đó. Bản thân tội phạm là một thể thống nhất nên không thể chia cắt tội phạm được thực hiện bởi đồng phạm để mỗi người đồng phạm phải chịu trách nhiệm về một phần của tội phạm đó. Vì vậy, tất cả những người đồng phạm đều bị truy tố, xét xử về cùng một tội danh, theo cùng một điều luật và trong phạm vi những chế tài mà điều luật ấy quy định. Trong trường hợp này, việc xác định thời điểm thực hiện tội phạm của tất cả những đồng phạm dựa trên cơ sở thời điểm chấm dứt việc thực hiện hành vi khách quan của người thực hành.
Có quan điểm cho rằng hành vi của người tổ chức, người giúp sức, người xúi giục được coi là thực hiện ở thời điểm các người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội tương ứng với vai trò của họ trong đồng phạm, không hề phụ thuộc vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội của người thực hành; hay thời điểm thực hiện tội phạm của mỗi người đồng phạm được xác định bởi thời điểm chấm dứt các hành vi của riêng mỗi người. Theo đó, thời điểm thực hiện tội phạm của người tổ chức là thời điểm mà những người đồng phạm khác thực hiện tất cả những hành vi phạm tội mà những hành vi này dẫn đến hậu quả chung; đối với người thực hành là hành vi cuối cùng dẫn đến hậu quả nguy hiểm; đối với người xúi giục là thời điểm họ thuyết phục được người thực hành phạm tội; đối với người giúp sức là thời điểm thực hiện hành vi có khả năng dẫn đến hậu quả.[11] Như vậy, mỗi người trong đồng phạm được xác định một thời điểm thực hiện hành vi phạm tội khác nhau, nên nếu đồng phạm được thỏa thuận khi điều luật cũ có hiệu lực và thực hiện hành vi khi điều luật mới có hiệu lực, thì có thể mỗi người sẽ bị áp dụng một điều luật khác nhau có hiệu lực tại thời điểm hành vi của họ được coi là thực hiện. Việc xác định thời điểm thực hiện hành vi phạm tội trong đồng phạm theo quan điểm này không hợp lý bởi vì đồng phạm không còn thể hiện sự “cố ý cùng thực hiện một tội phạm” và bản thân đồng phạm không còn thể hiện sự thống nhất, hợp tác, nỗ lực chung của những tất cả những người cùng thực hiện một tội phạm.
Như vậy, nếu những người đồng phạm không thực hiện được tội phạm đến cùng do những nguyên nhân khách quan thì người thực hành chấm dứt hành vi phạm tội tại thời điểm nào thì tội phạm được coi là thực hiện tại thời điểm đó. Trong trường hợp đặc biệt: nếu người bị xúi giục không nghe theo, sự xúi giục không có kết quả thì chỉ riêng người xúi giục phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đã xúi giục; nếu người giúp sức giúp người khác thực hiện tội phạm nhưng người này không thực hiện tội phạm đó hoặc không sử dụng sự giúp sức đó thì người giúp sức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định giúp sức.[12] Và thời điểm thực hiện hành vi phạm tội của những người xúi giục hoặc giúp sức này là thời điểm hành vi xúi giục hoặc giúp sức của họ thực sự chấm dứt ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, chứ không phụ thuộc vào hành vi phạm tội của người thực hành.
Xác định thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là tiền đề để lựa chọn đúng “điều luật áp dụng đối với một hành vi phạm tội” theo quy định chung tại khoản 1 Điều 7 BLHS năm 2015. Chỉ khi nào lựa chọn đúng “điều luật áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành khi hành vi ấy được thực hiện” thì cơ quan tiến hành tố tụng mới có thể đảm bảo nguyên tắc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không xử oan người vô tội.
2. Kiến nghị bổ sung quy định “thời điểm thực hiện hành vi phạm tội” trong Bộ luật Hình sự năm 2015
Việc xác định đúng thời điểm thực hiện hành vi phạm tội sẽ giúp cho việc áp dụng BLHS dễ dàng hơn. Trong phần lớn các trường hợp, hành vi phạm tội diễn ra trong một khoảng thời gian chỉ có một BLHS đang có hiệu lực nên việc xác định thời điểm hành vi phạm tội được thực hiện tương đối thuận lợi và thống nhất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hành vi phạm tội xảy ra khi BLHS năm 1999 có hiệu lực nhưng hậu quả của tội phạm xảy ra khi BLHS năm 2015 có hiệu lực; hoặc một phần hành vi phạm tội thực hiện khi BLHS năm 1999 có hiệu lực, một phần hành vi phạm tội thực hiện khi BLHS năm 2015 có hiệu lực, cần phải xác định được “thời điểm hành vi phạm tội được thực hiện”để từ đó xác định đúng điều luật đang có hiệu lực thi hành. Nếu cùng một hành vi, BLHS năm 2015 quy định bất lợi hơn cho người phạm tội so với BLHS năm 1999 thì việc xác định đúng thời điểm thực hiện hành vi phạm tội trong các tình huống này sẽ giúp cơ quan tiến hành tố tụng lựa chọn đúng văn bản áp dụng, đảm bảo nguyên tắc pháp chế trong luật hình sự.
BLHS năm 2015 chưa có điều khoản nào quy định về “thời điểm hành vi phạm tội được thực hiện”.Vì vậy, trong một số trường hợp có sự tranh chấp về việc lựa chọn điều luật đang có hiệu lực thi hành.
Trong khoa học luật hình sự, có nhiều quan điểm khác nhau về cách xác định thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, quan điểm được nhiều nhà khoa học chấp nhận là khi xác định thời điểm thực hiện hành vi phạm tội không căn cứ vào thời điểm tội phạm hoàn thành mà căn cứ vào thời điểm thực hiện hành vi trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm.[13] Nếu đó là tội kéo dài, tội liên tục hoặc tội phạm chưa hoàn thành thì thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là thời điểm tội phạm kết thúc.[14] Điều đó cũng được thể hiện trong BLHS mẫu và BLHS một số quốc gia.
Theo Điều 13 BLHS Mẫu,[15] một hành vi phạm tội được cho là thực hiện tại thời điểm người phạm tội hành động hoặc phải hành động, bất kể thời điểm hậu quả của hành động hoặc không hành động phạm tội xảy ra. BLHS Liên bang Đức khi định nghĩa về thời điểm thực hiện hành vi phạm tội đã quy định: một hành vi được coi là phạm tội tại thời điểm người phạm tội hoặc người đồng phạm đã hành động hoặc, trong trường hợp không hành động, lẽ ra phải hành động. Khi nào hậu quả xảy ra không quan trọng (Điều 8 BLHS Đức). BLHS Liên bang Nga quy định: Thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là thời điểm thực hiện hành động hoặc không hành động nguy hiểm cho xã hội, không phụ thuộc vào thời điểm hậu quả xảy ra (khoản 2 Điều 9).
Như vậy, BLHS Mẫu và BLHS một số quốc gia đều coi thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là khi người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội của mình mà không căn cứ vào thời điểm hậu quả của tội phạm xảy ra.
CHÚ THÍCH
* TS. Luật học, Giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
[1] Редкол.,Пионтковский А.А., Ромашкин П.С., Чхиквадзе В.М., Курс советского уголовного права,Место издания, М?????осква, 1970, C. 231. [trans: The editors: AA Piontkovsky, Romachkin PS, Chkhikvadze VM, The Soviet Criminal Law, Place of Publication: Moscow, P. 231] .
[2] Vũ Thị Thúy (1999), Hiệu lực của đạo luật hình sự theo không gian, Khóa luận tốt nghiệp cử nhận luật, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, tr. 28.
[3] Vũ Thị Thúy (1999), tlđd, 1999, tr. 28.
[4] Vũ Thị Thúy (1999),tlđd, tr. 29.
[5] Vũ Thị Thúy (1999), tlđd, tr. 29.
[6] Trường Đại học Luật Hà Nội, Nguyễn Ngọc Hòa (chủ biên), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung),Nxb. Công an nhân dân, 2016, tr. 258.
[7] Tội phạm liên tụclà tội có hành vi khách quan bao gồm nhiều hành vi cùng loại xảy ra kế tiếp nhau về mặt thời gian, cùng xâm hại một khách thể và đều bị chi phối bởi một ý định phạm tội cụ thể, thống nhất (Xem: Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Trần Thị Quang Vinh (chủ biên) , Giáo trình luật hình sự Việt Nam – Phần chung, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, 2012, tr. 120] ).
[8] Công văn số 596 ngày 30/12/1992 của Tòa án nhân dân Tối cao; Mục 5 Thông tư liên tịch số 02/2000/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA ngày 5/7/2000 hướng dẫn thi hành điều 7 BLHS năm 1999 và mục 2 Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21/12/1999 của Quốc hội.
[9] Tội phạm kéo dàilà tội có hành vi khách quan diễn ra không gián đoạn trong một thời gian dài (ví dụ: tội tàng trữ vũ khí). Xem Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Trần Thị Quang Vinh (chủ biên), 2012, Sđd, tr. 121.
[10] Vũ Thị Thúy, tlđd, tr. 32.
[11] Редкол.,Пионтковский А.А., Ромашкин П.С., Чхиквадзе В.М., Курс советского уголовного права,Место издания, М?????осква, 1970, C. 232. [trans: The editors: AA Piontkovsky, Romachkin PS, Chkhikvadze VM, The Soviet Criminal Law, Place of Publication: Moscow, P. 232] .
[12] Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Trần Thị Quang Vinh (chủ biên), Sđd, tr. 224.
[13] Nguyễn Thị Phương Hoa (2014), “Hoàn thiện quy định hiệu lực về thời gian của Bộ luật hình sự Việt Nam”,Tạp chí Luật học, 2014, số 8 (171), tr. 35 – 41.
[14] Vũ Thị Thúy, tlđd, tr. 34.
[15] Vivienne O’Connor and Colette Rausch, editors (2007), Model Codes for Post-Conflict Criminal Justice, Volume 1: Model Criminal Code,Peacebuilding and the Rule of Law, [http://www.usitr.org/model-codes-post-conflict-justice-/publication-the-model-codes/english-version-volume-1] , (truy cập ngày 12/4/2015), Thông tin về tài liệu: “Model Criminal Code” – “BLHS Mẫu” (thường được viết tắt trong tiếng Anh là “MCC”) là kết quả nghiên cứu trong sáu năm (từ năm 2001 đến năm 2007) của hơn 200 chuyên gia và những người làm công tác thực tiễn từ khắp nơi trên thế giới, sau đó được hai tác giả là Vivienne O’Connor và Colette Rauschbiên tập lại. Công trình này bao gồm Dự thảo BLHS Mẫu để các quốc gia tham khảo và phần bình luận kèm theo mỗi điều luật. Dự án được tổ chức bởi sự hợp tác giữa Viện Hòa bình Mỹ và Trung tâm Nhân quyền Ireland phối hợp với Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc và Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999 [trans: the Vietnamese 1999 Penal Code]
- Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 [trans: The Vietnamese 2015 Penal Code]
- Công văn số 596 ngày 30/12/1992 của Tòa ánnhândânTối cao [trans: Official Letter No. 596 dated 12/30/1992 of the Supreme People’s Court of Vietnam]
- Редкол.: Пионтковский А.А., Ромашкин П.С., Чхиквадзе В.М., Курс советского уголовного права, Место издания: Москва, 1970. [trans: The editors: AA Piontkovsky, Romachkin PS, Chkhikvadze VM, The Soviet Criminal Law, Place of Publication: Moscow]
- Nguyễn Thị Phương Hoa “Hoàn thiện quy định hiệu lực về thời gian của Bộ luật hình sự Việt Nam”, Tạp chí Luật học, 2014, số 8 (171), tr. 35 – 41. [trans: Nguyen Thi Phuong Hoa, “Completing the provisions of Vietnam Penal Code about the temporal application,” Law Magazine, 2014, No. 8(171)]
- Thông tư liên tịch số 02/2000/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA ngày 5/7/2000 (Mục 5) [trans: Joint Circular No. 02 / 2000 / TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA dated 07/05/2000 (Section 5)]
- Trường Đại học Luật Hà Nội ,Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung),Nxb. Công an nhân dân, 2016 [trans: Ha Noi Law University, Textbook onVietnam’s Criminal Law – General Part, Public Security Publishing House, 2016]
- Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình luật hình sự Việt Nam – Phần chung, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, 2012. [trans: Ho Chi Minh University of Law, Textbook onVietnam’s Criminal Law – General Part, Hong Duc Publishing House – Vietnam’s Bar Association, 2012]
- Vivienne O’Connor and Colette Rausch, editors Model Codes for Post-Conflict Criminal Justice, Volume 1: Model Criminal Code,Peacebuilding and the Rule of Law, http://www.usitr.org/model-codes-post-conflict-justice-/publication-the-model-codes/english-version-volume-1, 2007, accessed on the 12/4/2015
- Vũ Thị Thúy, Hiệu lực của đạo luật hình sự theo không gian, Khóa luận tốt nghiệp cử nhân luật, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, 1999 [trans: Vu Thi Thuy, The spatial application of the Penal Code, Thesis of Bachelor of Laws, Ho Chi Minh University of Law, 1999]
Trả lời