• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Kiến nghị bổ sung quy định về nơi thực hiện tội phạm trong Bộ luật Hình sự 1999

Kiến nghị bổ sung quy định về nơi thực hiện tội phạm trong Bộ luật Hình sự 1999

16/05/2020 23/05/2021 ThS. Vũ Thị Thúy Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Đặt vấn đề
  • 2. Khái niệm về nơi thực hiện tội phạm trong khoa học luật hình sự
    • 2.1. Khái niệm về nơi thực hiện tội phạm trong khoa học luật hình sự Việt Nam
    • 2.2. Khái niệm về nơi thực hiện tội phạm trong khoa học luật hình sự thế giới
  • 3. Quy định về nơi thực hiện tội phạm theo BLHS của một số quốc gia trên thế giới
  • 4. Kiến nghị bổ sung quy định về nơi thực hiện tội phạm trong BLHS Việt Nam năm 1992
  • CHÚ THÍCH

Kiến nghị bổ sung quy định về nơi thực hiện tội phạm trong Bộ luật Hình sự 1999

Tác giả: ThS. Vũ Thị Thúy*

TÓM TẮT

Việc xác định nơi thực hiện tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình áp dụng hiệu lực về không gian của BLHS, nhất là khi hành vi phạm tội hoặc hậu quả của tội phạm xảy ra ở các quốc gia khác nhau hoặc mỗi người đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội của mình ở các quốc gia khác nhau… Tuy nhiên, Bộ luật hình sự (BLHS) Việt Nam chưa định nghĩa về khái niệm này. Trong bài viết này, tác giả sẽ nghiên cứu các quan điểm về nơi thực hiện tội phạm trong khoa học luật hình sự, quy định của BLHS một số quốc gia và một số điều ước quốc tế có liên quan. Từ đó, tác giả đề xuất bổ sung khái niệm nơi thực hiện tội phạm trong BLHS Việt Nam năm 1999.

Kiến nghị bổ sung quy định về nơi thực hiện tội phạm trong Bộ luật Hình sự 1999

Xem thêm bài viết về “Nơi thực hiện tội phạm“, “Tội phạm”

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội’’ và phương hướng hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) đáp ứng yêu cầu phòng, chống bỏ lọt tội phạm
  • Kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam trong việc nội luật hóa quy định của Công ước Chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia về tội phạm hóa hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công
  • Kiến nghị bổ sung quy định về thời điểm thực hiện hành vi phạm tội trong Bộ luật Hình sự 2015
  • Nội luật hóa quy định của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia về tội rửa tiền trong Bộ luật Hình sự Việt Nam - Các kiến nghị
  • Động cơ phạm tội và mục đích phạm tội là gì? Phân tích dấu hiệu động cơ phạm tội và mục đích phạm tội trong cấu thành tội phạm
  • Hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự 1999 về các hình phạt chính không tước tự do
  • Về phạm tội chưa đạt và một số hình thức phạm tội khác trong quá trình thực hiện tội phạm
  • Một số vấn đề về quyền tiếp cận thông tin môi trường
  • Hoàn thiện một số quy định của Bộ luật Hình sự 1999 theo Công ước về chống tra tấn
  • Hoàn thiện quy định về hiệu lực theo không gian của Bộ luật Hình sự 1999
  • Một số điểm mới về tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – ThS. Phạm Thái
  • Kiến nghị bổ sung quy định về thời điểm thực hiện hành vi phạm tội trong Bộ luật Hình sự 2015 – ThS. Vũ Thị Thúy
  • Không yêu cầu và rút yêu cầu khởi tố đối với các tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu – TS. Mai Thanh Hiếu & ThS. Phạm Thái
  • Triển khai quy định “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” của Hiến pháp 2013 trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự – PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa & ThS. Vũ Thị Thúy
  • Trách nhiệm hình sự đối với tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán ở Việt Nam nhìn từ yêu cầu phát triển bền vững thị trường chứng khoán – ThS. Nguyễn Thị Lan Anh

1. Đặt vấn đề

Điều 5 BLHS năm 1999 quy định: “Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” Như vậy, khi áp dụng BLHS cơ quan áp dụng pháp luật cần xác định hành vi phạm tội có được coi là thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam không, hay nói cách khác, cần xác định được nơi thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, trong quy định của BLHS năm 1999 Việt Nam hiện nay cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành, chưa có bất kỳ giải thích nào của cơ quan có thẩm quyền về khái niệm này. Trong khoa học luật hình sự ở Việt Nam và trên thế giới, có nhiều quan điểm khác nhau về nơi thực hiện tội phạm và việc hiểu thuật ngữ này theo quan điểm nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định phạm vi không gian có hiệu lực của BLHS.

Phần lớn các hành vi phạm tội thường bắt đầu, diễn ra, kết thúc và hậu quả xảy ra trên lãnh thổ một quốc gia. Đối với những trường hợp này, việc áp dụng khoản 1 Điều 5 BLHS năm 1999 tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều trường hợp, hành vi phạm tội bắt đầu thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam nhưng kết thúc ở nước ngoài; hoặc bắt đầu thực hiện tại nước ngoài nhưng kết thúc trên lãnh thổ Việt Nam; hoặc thực hiện ở nước ngoài nhưng hậu quả xảy ra tại Việt Nam hoặc thực hiện tại Việt Nam nhưng hậu quả xảy ra ở nước ngoài… Đối với những trường hợp này, việc BLHS năm 1999 Việt Nam chưa quy định rõ khái niệm “hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam” hay nơi thực hiện tội phạm đã gây ra khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự.

2. Khái niệm về nơi thực hiện tội phạm trong khoa học luật hình sự

2.1. Khái niệm về nơi thực hiện tội phạm trong khoa học luật hình sự Việt Nam

Mặc dù BLHS chưa có quy định cụ thể, tuy nhiên trong khoa học luật hình sự Việt Nam đã có hai quan điểm cơ bản về việc xác định nơi thực hiện tội phạm.

Quan điểm 1: Xác định nơi thực hiện tội phạm căn cứ vào địa điểm thực hiện hành vi phạm tội, không căn cứ vào nơi xảy ra hậu quả của tội phạm. Theo quan điểm này, một tội phạm được coi là thực hiện tại Việt Nam nếu hành vi phạm tội đó có một trong các giai đoạn thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam như: thực hiện trọn vẹn trên lãnh thổ Việt Nam; hoặc bắt đầu ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng kết thúc trên lãnh thổ Việt Nam; hoặc bắt đầu trên lãnh thổ Việt Nam nhưng kết thúc ở ngoài trên lãnh thổ Việt Nam; hoặc bắt đầu và kết thúc ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có ít nhất một giai đoạn diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam. Quan điểm này đã đưa ra nguyên tắc chung, nhất quán về việc xác định nơi thực hiện tội phạm là chỉ căn cứ vào nơi hành vi phạm tội diễn ra (nơi tội phạm bắt đầu, và/hoặc diễn ra, và/hoặc kết thúc), bất kể hậu quả của tội phạm xảy ra ở đâu. Quan điểm này hiện đang được nhiều nhà khoa học của Việt Nam chia sẻ.[1]

Quan điểm 2: Xác định nơi thực hiện tội phạm dựa trên loại cấu thành tội phạm.[2] Theo quan điểm này, đối với cấu thành tội phạm hình thức, nơi thực hiện tội phạm là nơi đã xảy ra hành vi phạm tội hoặc nơi kết thúc việc thực hiện hành vi phạm tội đó. Ví dụ: nếu một công dân nước ngoài có hành vi lập một website và đăng trên đó các nội dung tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (hành vi bắt đầu và kết thúc ở nước ngoài) nhưng hậu quả của hành vi này xảy ra tại Việt Nam thì không được coi là thực hiện tại Việt Nam[3] và BLHS năm 1999 Việt Nam không được áp dụng. Đối với cấu thành tội phạm vật chất, nơi thực hiện tội phạm, về nguyên tắc chung, là nơi hậu quả của tội phạm xảy ra. Ví dụ: Tội giết người có cấu thành tội phạm vật chất nên nếu A giết B ở Campuchia, sau đó B được đưa sang Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị và chết tại Việt Nam thì hành vi phạm tội của A cũng được coi là thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, trong cấu thành vật chất có hai trường hợp ngoại lệ, nơi thực hiện tội phạm được coi là ở Việt Nam khi: (1) Hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam nhưng hậu quả của tội phạm đã xảy ra hoặc sẽ xảy ra ở nước ngoài, hoặc một phần hành vi phạm tội xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, phần khác thực hiện ở nước ngoài, hậu quả xảy ra ở nước ngoài; (2) Việc chuẩn bị phạm tội hoặc bắt đầu thực hiện tội phạm ở nước ngoài nhưng hậu quả của tội phạm sẽ xảy ra hoặc dự định xảy ra tại Việt Nam.[4]

Tóm lại, theo quan điểm 1 loại cấu thành tội phạm vật chất hay hình thức không ảnh hưởng đến việc xác định nơi thực hiện tội phạm. Theo đó, nơi thực hiện tội phạm là nơi hành vi phạm tội có ít nhất một thời điểm đã xảy ra (bắt đầu, diễn ra hoặc kết thúc). Theo quan điểm 2, để xác định nơi thực hiện tội phạm, trước hết cần xác định loại cấu thành tội phạm. Đối với cấu thành tội phạm hình thức, việc xác định nơi thực hiện tội phạm tương tự như quan điểm 1. Đối với cấu thành tội phạm vật chất, nơi thực hiện tội phạm là nơi hành vi phạm tội (hoặc một phần hành vi phạm tội) xảy ra, hoặc nơi hậu quả của tội phạm đã xảy ra; hoặc nơi hậu quả của tội phạm sẽ xảy ra (dự định xảy ra).

2.2. Khái niệm về nơi thực hiện tội phạm trong khoa học luật hình sự thế giới

Khoa học luật hình sự thế giới có nhiều quan điểm khác nhau về nơi thực hiện tội phạm (locus delicti), trong đó có bốn quan điểm cơ bản là: thuyết hành vi (hành động) phạm tội (‘physically’ act theory), thuyết phương tiện (instrument theory), thuyết hậu quả (result theory), thuyết đồng hiện diện (ubiquity theory).[5] Những quan điểm này liên quan đến các yếu tố khác nhau của một hành vi phạm tội: bắt đầu phạm tội, quá trình thực hiện tội phạm và tội phạm hoàn thành. Nội dung cơ bản của các học thuyết này như sau:

– Thuyết cổ điển nhất về nơi thực hiện tội phạm là thuyết hành vi (hành động) phạm tội. Học thuyết này coi nơi thực hiện tội phạm là nơi mà người phạm tội đã có hành động phạm tội mang tính thể chất.[6] C. Ryngaert cho rằng giống như phương thức của nguyên tắc lãnh thổ chủ động, thuyết hành vi phạm tội trao thẩm quyền cho nơi hành vi (hành động) phạm tội ban đầu xảy ra.[7] Theo định nghĩa trên, thuyết hành vi (hành động) phạm tội có thể không được áp dụng trong những trường hợp hành vi phạm tội được thực hiện dưới dạng không hành động phạm tội. Việc xác định nơi thực hiện tội phạm đối với trường hợp không hành động phạm tội đã không được quan tâm một cách thích đáng cho đến khi những hành vi phạm tội được thực hiện do không thực hiện một nghĩa vụ ngày càng gia tăng.[8] Vì vậy, ngày nay quan điểm về nơi thực hiện tội phạm theo thuyết hành vi đã được mở rộng cho trường hợp không hành động phạm tội. Trong trường hợp này, nơi thực hiện tội phạm cũng là nơi mà người phạm tội lẽ ra phải thực hiện một nghĩa vụ nhưng họ đã không thực hiện. Theo đó, nơi người phạm tội cư trú khi họ có nghĩa vụ phải thực hiện một hành vi (nhưng họ đã không thực hiện nghĩa vụ đó) là nơi thực hiện tội phạm. Ví dụ: nếu cha mẹ giết đứa trẻ sơ sinh của họ bằng cách bỏ đói đứa trẻ đó thì nơi thực hiện tội phạm là những nơi mà cha mẹ của đứa trẻ đó đã không cho nó ăn.[9] Hành vi phạm tội được thực hiện dưới dạng hành động hay không hành động đều có thể diễn ra ở nhiều nơi khác nhau và tất cả các địa điểm này đều được coi là nơi thực hiện tội phạm (multiple locus delicti).[10]

Tương tự với thuyết hành vi (hành động) phạm tội về nơi thực hiện tội phạm, ở Anh có thuyết tội phạm kết thúc hay cách tiếp cận kết thúc (terminatory approach). Theo đó, Tòa án Anh sẽ thực thi thẩm quyền chỉ khi hành vi cấu thành tội phạm cuối cùng đã xảy ra ở Anh. Hành vi cuối cùng phải là một hành vi cấu thành tội phạm. Nếu những hậu quả cơ bản của tội phạm xảy ra ở Anh, nhưng tất cả các yếu tố cần thiết của một tội phạm đã xảy ra ở nước ngoài, thì Tòa án Anh sẽ không có thẩm quyền xét xử.[11] Như vậy, cách tiếp cận kết thúc này gần với thuyết hành vi (hành động) phạm tội ở chỗ đã căn cứ vào nơi thực hiện hành vi phạm tội là nơi thực hiện tội phạm. Đối với các hành vi phạm tội được thực hiện dưới dạng không hành động phạm tội thì nơi thực hiện tội phạm là nơi người phạm tội cư trú trong khoảng thời gian họ lẽ ra phải thực hiện một hành động nhất định. Tuy nhiên, cách tiếp cận kết thúc khác với thuyết hành vi (hành động) phạm tội ở chỗ: trong khi thuyết hành vi phạm tội hiện nay xác định nơi thực hiện tội phạm có thể diễn ra ở nhiều địa điểm khác nhau thì cách tiếp cận kết thúc xác định nơi thực hiện hành tội phạm chỉ là nơi hành vi cấu thành tội phạm cuối cùng được thực hiện.

– Thuyết phương tiện liên quan đến quá trình thực hiện tội phạm, coi nơi thực hiện tội phạm là nơi mà công cụ hoặc phương tiện người phạm tội sử dụng phát huy tác dụng. Phương tiện này có thể là thư tín, điện thoại hoặc – trong một hoàn cảnh hiện đại hơn – là máy tính. Thuyết phương tiện này xuất hiện vào năm 1915, khi thẩm phán Tòa án Tối cao Hà Lan – Hoge Raad, đã xét xử vụ án một công dân Đức đứng trên lãnh thổ Đức, ném một sợi dây quàng quanh cổ một con ngựa ở Hà Lan, kéo qua biên giới về Đức. Hành vi phạm tội này được thẩm phán Hoge Raad cho rằng đã thực hiện trên lãnh thổ Hà Lan bởi phương tiện phạm tội (sợi dây) đã phát huy tác dụng ở Hà Lan.[12] Thuyết phương tiện này còn được gọi là học thuyết của bàn tay nối dài (“theory of the long hand”).[13]

Theo nghĩa hẹp của thuyết phương tiện, chỉ có nơi xảy ra tác động cuối cùng của tội phạm được coi là nơi thực hiện tội phạm; trong khi đó, theo nghĩa rộng của học thuyết này, nơi xảy ra tất cả những tác động mang tính chất trung gian đều được coi là nơi thực hiện tội phạm.[14] Ví dụ trường hợp A gửi một bức thư trong đó có chứa chất độc từ quốc gia X, chuyển qua quốc gia Y, đến cho B ở quốc gia Z. Theo nghĩa hẹp của thuyết phương tiện thì chỉ quốc gia Z là nơi thực hiện tội phạm; tuy nhiên, theo nghĩa rộng của thuyết này thì cả ba quốc gia X, Y, Z đều được coi là nơi thực hiện tội phạm.

– Thuyết hậu quả xác định nơi thực hiện tội phạm là nơi mà hậu quả (được coi là một yếu tố cấu thành của tội phạm) xảy ra, tức là nơi tội phạm hoàn thành.[15] Trong vụ án United States v. Davis, một người phạm tội đã dùng một khẩu súng bắn từ sàn của con tàu săn cá voi của Mỹ[16] tại một cảng ở nước ngoài, tấn công và giết chết một người trên một con tàu của nước ngoài. Do hậu quả của hành vi phạm tội đó ra trên xảy tàu của nước ngoài nên nơi thực hiện tội phạm này không được coi là thực hiện trên tàu của Mỹ và Tòa án Mỹ không có thẩm quyền xét xử.[17] Hoặc trong vụ án People v. Adams, một người phạm tội ở Ohio, thông qua một đại lý (không phạm tội), thực hiện sự đại diện trái phép tại New York để lừa đảo chiếm đoạt tiền của một công ty ở New York. Hậu quả của tội phạm này xảy ra tại New York nên tội phạm được coi là thực hiện tại New York, mặc dù người phạm tội ở Ohio.[18] Hậu quả của cấu thành tội phạm có thể xảy ra ở nhiều nơi khác nhau nên nơi thực hiện tội phạm có thể là nhiều địa điểm ở các quốc gia khác nhau. Ví dụ hành vi gây ô nhiễm không khí hoặc công bố các quan điểm có tính phân biệt chủng tộc trên mạng Internet có thể được thực hiện tại một quốc gia nhưng hậu quả của các hành vi này có thể diễn ra ở nhiều quốc gia.[19]

– Thuyết đồng hiện diện kết hợp tất cả các học thuyết nêu trên. Theo học thuyết này, một hành vi phạm tội được cho rằng có thể được thực hiện ở nhiều nơi. Theo nghĩa hẹp, học thuyết này là sự kết hợp giữa thuyết hành vi phạm tôi và thuyết hậu quả. Trong khi đó, theo nghĩa rộng, học thuyết này cho rằng hành vi phạm tội được coi là được thực hiện ở bất cứ nơi nào có bất cứ một phần nào của hành vi phạm tội xảy ra, bao gồm cả tác động của phương tiện.[20] “Thuyết đồng hiện diện” này còn được gọi là “thuyết các yếu tố cấu thành tội phạm” (constituent elements theory).[21] Như vậy, một tội phạm có thể được thực hiện ở nhiều quốc gia khác nhau và tất cả các quốc gia có một trong số các yếu tố của cấu thành tội phạm xảy ra đều được coi là nơi thực hiện tội phạm.

Đối chiếu các quan điểm về nơi thực hiện tội phạm trong khoa học luật hình sự Việt Nam với khoa học luật hình sự thế giới, chúng ta có thể thấy quan điểm xác định nơi thực hiện tội phạm căn cứ vào địa điểm thực hiện hành vi phạm tội trong khoa học luật hình sự Việt Nam (Quan điểm 1) gần với thuyết hành vi trong khoa học luật hình sự thế giới. Trong khi đó, quan điểm xác định nơi thực hiện tội phạm dựa vào loại cấu thành tội phạm (Quan điểm 2) gần với quan điểm của thuyết “đồng hiện diện” hay thuyết “các yếu tố cấu thành tội phạm” trong khoa học luật hình sự thế giới.

Khoa học luật hình sự thế giới cũng đặt vấn đề xác định nơi thực hiện tội phạm trong đồng phạm và xác định nơi thực hiện tội phạm của pháp nhân. Trong trường hợp đồng phạm, nơi thực hiện tội phạm của chính phạm được xem là nơi thực hiện tội phạm của người xúi giục hoặc người tòng phạm; và thông thường, nơi thực hiện bất kỳ hành vi nào tham gia vào việc phạm tội cũng được coi là nơi thực hiện tội phạm.[22] Nơi thực hiện tội phạm của pháp nhân là nơi mà pháp nhân đó được đăng ký. Vì vậy, một quốc gia có thẩm quyền theo lãnh thổ đối với pháp nhân đăng ký tại quốc gia đó, bất kể nơi mà người lao động của nó làm việc và thực hiện hành vi trái pháp luật.[23]

3. Quy định về nơi thực hiện tội phạm theo BLHS của một số quốc gia trên thế giới

Trong BLHS của nhiều quốc gia trên thế giới đã có định nghĩa về khái niệm nơi thực hiện tội phạm hoặc hành vi phạm tội được coi là thực hiện trên lãnh thổ quốc gia đó. Thông qua các quy định này, tác giả nhận thấy hầu hết các quốc gia vận dụng học thuyết hành vi (hành động) phạm tội hoặc thuyết đồng hiện diện khi quy định về nơi thực hiện tội phạm. Điều đó được thể hiện trong BLHS của một số quốc gia như Armenia, Đức, Pháp, Phần Lan và Trung Quốc như sau:

Khoản 2 Điều 14 BLHS nước này quy định: “Tội phạm được coi là thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa Armenia khi: 1. Nó bắt đầu, diễn ra hoặc kết thúc trên lãnh thổ nước Cộng hòa Armenia”.

Đoạn 3 Điều 6 BLHS của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định: “Nếu hành vi phạm tội hoặc hậu quả của tội phạm có một phần xảy ra trên lãnh thổ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, thì tội phạm được coi là đã thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”.

Điều 9 BLHS Đức quy định: “Một hành vi được thực hiện tại nơi mà tại nơi đó, người thực hiện tội phạm đã hành động hoặc trong trường hợp không hành động là nơi lẽ ra họ phải hành động hoặc là nơi hậu quả thuộc cấu thành tội phạm xảy ra hoặc phải xảy ra theo sự hình dung của thủ phạm.”

Khoản 1 Điều 10 BLHS Phần Lan quy định: “Một hành vi phạm tội được coi là thực hiện ở cả nơi hành vi phạm tội đó được thực hiện và nơi hậu quả thuộc cấu thành tội phạm trở nên rõ ràng. Một hành vi không hành động phạm tội được coi là thực hiện ở cả nơi mà người phạm tội đáng ra nên hành động và nơi mà hậu quả luật định của tội phạm trở nên rõ ràng”.

Điều 113-2 BLHS Cộng hòa Pháp quy định: “Một hành vi phạm tội được coi là đã được thực hiện trong lãnh thổ Cộng hòa Pháp khi một trong số các yếu tố cấu thành của tội phạm đã được thực hiện bên trong lãnh thổ đó”.

Từ các quy định trên cho thấy, luật hình sự của Armenia quy định về nơi thực hiện tội phạm gần với Quan điểm 1 trong khoa học luật hình sự Việt Nam và thuyết hành vi (hành động) phạm tội trong khoa học luật hình sự thế giới. Trong khi BLHS của Đức, Phần Lan và Trung Quốc quy định về nơi thực hiện tội phạm gần với Quan điểm 2 trong khoa học luật hình sự Việt Nam và thuyết “đồng hiện diện” trong khoa học luật hình sự thế giới.

Ngoài ra, BLHS của một số quốc gia đã quy định cụ thể về vấn đề nơi thực hiện tội phạm của hành vi tòng phạm (giúp sức, xúi giục) và đối với tội phạm chưa hoàn thành (chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt).

BLHS Đức quy định về nơi thực hiện tội phạm của hành vi tòng phạm như sau: “Sự tòng phạm có thể được thực hiện không chỉ tại nơi hành vi được thực hiện mà còn ở bất cứ nơi nào mà người tòng phạm đã hành động hoặc trong trường hợp không hành động là nơi lẽ ra họ phải hành động hoặc là nơi hành vi cần phải được thực hiện theo sự hình dung của họ. Nếu người tòng phạm đã thực hiện ở trong nước cho hành vi ở nước ngoài thì pháp luật hình sự Đức có hiệu lực đối với hành vi tòng phạm của họ ngay cả khi hành vi đó không bị đe dọa phải chịu hình phạt theo pháp luật của nơi thực hiện hành vi”.[1]

BLHS Phần Lan quy định về nơi thực hiện tội phạm của hành vi xúi giục hoặc giúp sức trong đồng phạm: “Một hành vi phạm tội của người xúi giục hoặc người giúp sức sẽ được coi là thực hiện ở cả hai nơi mà hành vi của đồng phạm đã thực hiện và nơi mà hành vi phạm tội của người phạm tội đó được cho là đã được thực hiện.”[2]

BLHS của Armenia quy định: “Tội phạm được coi là thực hiện trên lãnh thổ Cộng hòa Armenia khi: (…) 2. Tội phạm được thực hiện trong đồng phạm với những người thực hiện tội phạm ở quốc gia khác”.[3]

Như vậy, các quốc gia trên đều xác định nơi thực hiện tội phạm trong đồng phạm là nơi một người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội của mình khi tham gia vào vụ án đồng phạm. Nếu vụ án đồng phạm xảy ra ở nhiều quốc gia khác nhau thì tất cả các quốc gia, nơi có hành vi phạm tội của một trong số những người đồng phạm đó thực hiện, đều được coi là nơi thực hiện tội phạm. Việc xác định nơi thực hiện tội phạm trong đồng phạm có ý nghĩa rất quan trong trong thực tiễn áp dụng quy định của BLHS về không gian, nhất là trong trường hợp người thực hiện tội phạm và những người đồng phạm khác (như người giúp sức, xúi giục, tổ chức) thực hiện hành vi của mình ở các quốc gia khác nhau. Ví dụ, A ở quốc gia X đã xúi giục hoặc giúp sức B để B thực hiện tội phạm tại nước Y. Trong trường hợp này, hành vi của A thực hiện ở quốc gia X nhưng hành vi của B được thực hiện tại quốc gia Y, A và B là đồng phạm nên theo quy định trên, hành vi phạm tội của A được coi là thực hiện cả hai nơi là nước X và nước Y.

Không chỉ quy định về nơi thực hiện tội phạm của người xúi giục hoặc giúp sức trong đồng phạm, BLHS Phần Lan còn quy định về nơi thực hiện tội phạm của hành vi phạm tội chưa đạt. Theo đó, trong trường hợp tội phạm chưa đạt, hành vi phạm tội được coi là được thực hiện tại nơi mà hành vi phạm tội được thực hiện xongnơi hậu quả được quy định trong cấu thành tội phạm sẽ xảy ra hoặc người phạm tội cho rằng sẽ xảy ra.[4] Quy định này sẽ giúp cho cơ quan áp dụng pháp luật có căn cứ áp dụng rõ ràng và thuận lợi trong việc truy tố một người đã thực hiện hành vi phạm tội ở quốc gia này nhưng hậu quả trong cấu thành tội phạm của tội phạm đó dự định sẽ xảy ra ở quốc gia khác. Trong trường hợp này, cả quốc gia nơi hành vi phạm tội chưa đạt đã được thực hiện và quốc gia nơi hậu quả luật định dự kiến sẽ xảy ra đều được coi là nơi thực hiện tội phạm và có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội chưa đạt đó.

Như vậy, BLHS của nhiều quốc gia trên thế giới đã quy định về nơi thực hiện tội phạm. Thậm chí, một số quốc gia còn quy định cụ thể về nơi thực hiện tội phạm trong trường hợp đồng phạm hoặc tội phạm chưa hoàn thành. Các quy định này giúp cho việc áp dụng các quy định của BLHS về hiệu lực theo không gian được thuận lợi và dễ dàng, hạn chế các khó khăn và lúng túng khi hành vi phạm tội hoặc hậu quả của tội phạm diễn ra ở nhiều quốc gia khác nhau hoặc những người đồng phạm cùng thực hiện tội phạm ở các quốc gia khác nhau.

4. Kiến nghị bổ sung quy định về nơi thực hiện tội phạm trong BLHS Việt Nam năm 1992

Trên cơ sở nghiên cứu về khái niệm nơi thực hiện tội phạm trong khoa học luật hình sự, chúng tôi cho rằng việc nhà làm luật Việt Nam bổ sung quy định cụ thể về khái niệm này vào BLHS là cần thiết và tạo sự thống nhất cho việc áp dụng BLHS, đảm bảo nguyên tắc pháp chế.

Chúng tôi ủng hộ thuyết đồng hiện diện với quan điểm cho rằng nơi thực hiện tội phạm là nơi hành vi phạm tội bắt đầu, diễn ra hoặc kết thúc; hoặc nơi hậu quả của cấu thành tội phạm xảy ra hoặc dự kiến xảy ra. Quy định này giúp chúng ta xác định nơi thực hiện tội phạm không chỉ đối với trường hợp tội phạm đã hoàn thành; mà còn đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt. Trong trường hợp này, nơi thực hiện tội phạm là nơi mà người phạm tội đã thực hiện hành vi (chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt) hoặc nơi hậu quả trong cấu thành tội phạm dự kiến sẽ xảy ra. Trong trường hợp đồng phạm mà những đồng phạm tội thực hiện hành vi của mình ở nhiều quốc gia khác nhau, thì nơi thực hiện tội phạm, ngoài nơi người thực hành thực hiện hành vi hoặc hậu quả của tội phạm xảy ra, dự kiến xảy ra, còn là nơi người tổ chức, giúp sức hoặc xúi giục thực hiện hành vi phạm tội của mình. Ví dụ: A ở quốc gia X xúi giục B ở quốc gia Y thực hiện tội phạm và hậu quả của tội phạm đó xảy ra trên lãnh thổ quốc gia Z thì cả ba quốc gia X, Y, Z đều được coi là nơi thực hiện tội phạm.

Qua việc đánh giá các quan điểm về nơi thực hiện tội phạm, tham khảo BLHS của một số quốc gia về vấn đề này như trên, tác giả kiến nghị bổ sung quy định về nơi thực hiện tội phạm như sau:

“Điều… Hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Một hành vi phạm tội được coi là thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi:

1- Hành vi phạm tội bắt đầu, diễn ra hoặc kết thúc trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; hoặc

2- Hậu quả của cấu thành tội phạm xảy ra hoặc dự kiến xảy ra trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; hoặc

3- Hành vi tổ chức, giúp sức hoặc xúi giục trong đồng phạm được thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Việc quy định về nơi thực hiện tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình áp dụng quy định về hiệu lực theo không gian của BLHS, nhất là khi hành vi phạm tội hoặc hậu quả của cấu thành tội phạm xảy ra ở các quốc gia khác nhau hoặc mỗi người phạm tội trong đồng phạm thực hiện hành vi của mình ở các quốc gia khác nhau… Do BLHS năm 1992 Việt Nam chưa định nghĩa về khái niệm này nên trong quá trình sửa đổi BLHS, chúng tôi kiến nghị nhà làm luật nên bổ sung điều luật quy định về hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như trên./.

Xem thêm bài viết về “Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung 2009)”

CHÚ THÍCH

* ThS Luật học, giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.

[1] Xem: Nguyễn Ngọc Hòa chủ biên (2000), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, NXB Công an nhân dân, tr. 25; Lê Cảm (2001), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (phần chung), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 78; Trần Thị Quang Vinh, Vũ Thị Thúy (2014), Luật hình sự Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, tr. 35; Đào Trí Úc (2000), Luật hình sự Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, tr. 395; Đỗ Đình Hòa chủ biên (2011), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung), NXB Công an nhân dân, tr. 48.

[2]  Xem: Võ Khánh Vinh chủ biên (2008), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung), tr. 96; Võ Khánh Vinh (1987), Hiệu lực của BLHS về không gian, Tập chí Nhà nước và Pháp luật, số 58, tháng 3/1987, tr. 33.

[3] Điều 88 BLHS (Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) có cấu thành tội phạm hình thức.

[4] Võ Khánh Vinh chủ biên (2008), tlđd, tr. 96; Võ Khánh Vinh (1987), tlđd, tr. 33.

[5] H. D. Wolswijk (1999), Locus delicti and Criminal Jurisdiction, Netherlands International Law Review, 46, p. 367 doi:10.1017/S01650X00002564.

[6] H. D. Wolswijk (1999), tlđd, tr. 367.

[7] Cedrid Ryngaert (2009), Territorial Jurisdiction Over Cross-frontier Offences: Revisiting a Classic Problem of International Criminal Law, International Criminal Law Review (9), p. 200.

[8] H. D. Wolswijk (1999), tlđd, tr. 367.

[9] H. D. Wolswijk (1999), tlđd, tr. 370.

[10] H. D. Wolswijk (1999), tlđd, tr. 370.

[11] Cedrid Ryngaert (2009), tlđd, p. 193.

[12] Cedrid Ryngaert (2009), tlđd, tr. 200.

[13] Cedrid Ryngaert (2009), tlđd, tr. 200.

[14] H. D. Wolswijk (1999), tlđd, tr. 367.

[15] H. D. Wolswijk (1999), tlđd, tr. 367.

[16] Mỹ áp dụng nguyên tắc mang cờ nên hành vi phạm tội thực hiện trên con tàu của Mỹ, dù ở nước ngoài thì vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Mỹ (tác giả chú giải).

[17] Wendell Berge (1932), Criminal Jurisdiction anh the Territorial Principle, Michigan Law Review, Vol.30, No.2, tr. 243.

[18] Wendell Berge (1932), tlđd, tr. 242.

[19] H. D. Wolswijk (1999), tlđd, tr. 371.

[20] H. D. Wolswijk (1999), tlđd, tr.3 67.

[21] Cedrid Ryngaert (2009), tlđd, tr. 195 – 197, 201.

[22] H. D. Wolswijk (1999), tlđd, tr. 377.

[23] H. D. Wolswijk (1999), tlđd, tr. 379 – 380.

[24] Khoản 2 Điều 9 BLHS Cộng hòa Liên bang Đức.

[25] Khoản 3 Điều 10 BLHS Phần Lan .

[26] Khoản 2 Điều 14 BLHS Armenia.

[27] Khoản 2 Điều 10 BLHS Phần Lan.

  • Tác giả: ThS. Vũ Thị Thúy*
  • Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01/2015 (86)/2015 – 2015, Trang 3-7
  • Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Tội phạm hoàn thành là gì? Ý nghĩa của việc xác định tội phạm hoàn thành
Tội phạm hoàn thành là gì? Ý nghĩa của việc xác định tội phạm hoàn thành
Động cơ phạm tội và mục đích phạm tội là gì? Phân tích dấu hiệu động cơ phạm tội và mục đích phạm tội trong cấu thành tội phạm
Động cơ phạm tội và mục đích phạm tội là gì? Phân tích dấu hiệu động cơ phạm tội và mục đích phạm tội trong cấu thành tội phạm
Mặt chủ quan của tội phạm là gì? Phân tích các yếu tố cấu thành mặt chủ quan của tội phạm
Mặt chủ quan của tội phạm là gì? Phân tích các yếu tố cấu thành mặt chủ quan của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là gì? Các loại chủ thể đặc biệt trong tội phạm
Chủ thể của tội phạm là gì? Các loại chủ thể đặc biệt trong tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm là gì? Các yếu tố cấu thành trong mặt khách quan của tội phạm?
Mặt khách quan của tội phạm là gì? Phân tích các yếu tố cấu thành trong mặt khách quan của tội phạm?
Đối tượng tác động của tội phạm là gì? Phân loại đối tượng tác động của tội phạm?
Đối tượng tác động của tội phạm là gì? Phân loại đối tượng tác động của tội phạm?

Chuyên mục: Hình sự/ Luật Hình sự - Phần chung Từ khóa: Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung 2009)/ Nơi thực hiện tội phạm/ Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam/ Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01/2015/ Tội phạm

Previous Post: « Quyền của người chưa thành niên có sự tham gia của đại diện gia đình, nhà trường, tổ chức trong quá trình tố tụng hình sự
Next Post: Quyền tiếp cận đất đai của nhà đầu tư qua giao dịch quyền sử dụng đất »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng