Mục lục
Một vài ý kiến về hoàn thiện dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 về án treo và tha tù trước thời hạn có điều kiện
Xem thêm bài viết về “Tha tù trước thời hạn có điều kiện“
- Một số ý kiến về người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự 2010 – ThS. Đỗ Thị Phượng
TÓM TẮT
Án treo là một biện pháp thiết thực làm nâng cao hiệu quả của hình phạt; trong khi tha tù trước thời hạn có điều kiện lần đầu tiên được quy định trong BLHS, làm đa dạng thêm các lựa chọn khi áp dụng các biện pháp miễn giảm trách nhiệm hình sự. Bài viết này sẽ đánh giá các quy định của BLHS năm 2015 về án treo và tha tù trước thời hạn có điều kiện và đưa ra một số ý kiến nhằm hoàn thiện các quy định này về căn căn cứ và điều kiện áp dụng.
Án treo và tha tù trước thời hạn có điều kiện là hai trường hợp miễn giảm trách nhiệm hình sự có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều có tính chất pháp lý là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Án treo được áp dụng trong quá trình giải quyết trách nhiệm hình sự, còn tha tù trước thời hạn có điều kiện được áp dụng trong quá trình chấp hành án.
Án treo trong pháp luật hình sự Việt Nam vào những thời điểm khác nhau cũng được hiểu theo những cách khác nhau. Trước khi ban hành BLHS năm 1985, có những thời điểm án treo được hiểu là hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù. Cách hiểu này về án treo không còn phù hợp và không đúng với bản chất pháp lý của án treo. Hiện nay, án treo được quy định tại Điều 65 BLHS năm 2015. Căn cứ vào nội dung của quy định này thì: “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện”. Thực tiễn xét xử của Tòa án cho thấy rằng án treo có vai trò rất quan trọng trong công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm và là một biện pháp thiết thực làm nâng cao hiệu quả của hình phạt.
Tha tù trước thời hạn có điều kiện là biện pháp lần đầu tiên được quy định trong BLHS năm 2015. Theo quy định tại Điều 66 BLHS năm 2015 thì nội dung của biện pháp này là miễn chấp hành phần hình phạt tù còn lại có điều kiện. Việc BLHS năm 2015 quy định biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện vào hệ thống các biện pháp miễn giảm không chỉ có ý nghĩa làm đa dạng thêm các lựa chọn khi áp dụng các biện pháp miễn giảm trách nhiệm hình sự còn là một việc làm cần thiết đối với công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, quy định về án treo và tha tù trước thời hạn có điều kiện trong BLHS năm 2015 còn một số vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện. Vì vậy, bài viết này đóng góp một vài ý kiến cho dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của BLHS năm 2015 nhằm hoàn thiện quy định của BLHS năm 2015 về hai biện pháp miễn, giảm này.
1. Đánh giá một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về án treo và tha tù trước thời hạn có điều kiện
1.1. Một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về án treo
Theo khoản 1 Điều 65 BLHS năm 2015: “Khi xử phạt tù không quá 3 năm căn cứ vào nhân thân người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần thiết phải bắt chấp hành hình phạt tù thì Tòa án cho hưởng án treo”.Như vậy, để được hưởng án treo, người phạm tội phải có những điều kiện sau đây:
– Mức phạt tù không quá 3 năm, tức là mức phạt tù mà Tòa án áp dụng cho người phạm tội nằm trong giới hạn không quá 3 năm. Đây là điều kiện có tính tiên quyết làm cơ sở để xem xét các điều kiện khác. Khi mà người phạm tội không thỏa mãn điều kiện này thì Tòa án không cần phải đánh giá các điều kiện tiếp để cân nhắc xem xét việc cho hưởng án treo.
– Người phạm tội có nhân thân tốt. Đánh giá điều kiện về nhân thân có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cho hưởng án treo bởi điều kiện về nhân thân giúp chúng ta nhận biết được người phạm tội có thể tự cải tạo, giáo dục trong môi trường bình thường hay cần phải cách ly mới cải tạo, giáo dục được.
– Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nghĩa rằng người phạm tội phải có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên được quy định tại Điều 51 BLHS năm 2015.
– Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù.Không cần thiết bắt chấp hành hình phạt tù ở đây có nghĩa là nếu không cần phải chấp hành hình phạt tù, không cần phải cách ly người phạm tội thì cũng có thể cải tạo, giáo dục được, không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Điều kiện để được miễn chấp hành hình phạt tù của người được hưởng án treo là người đó không cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2010 từ 02 lần trở lên và không phạm tội mới trong thời gian thử thách với bất kỳ loại tội nào và hình thức lỗi nào. Nội dung điều kiện thử thách của án treo là thước đo về mặt pháp lý tính tích cực cải tạo, giáo dục của người được hưởng án treo trong môi trường xã hội. Nếu tuân thủ một cách nghiêm túc các điều kiện này, người bị kết án sẽ được miễn chấp hành hình phạt tù của bản án cho hưởng án treo. Hậu quả pháp lý của việc vi phạm điều kiện của án treo được quy định tại khoản 5 Điều 65 BLHS năm 2015: nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2010 từ 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, còn nếu người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách thì người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt của bản án tù mà Tòa án đã cho hưởng án treo và tổng hợp hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 BLHS năm 2015.
1.2. Quy định về biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện trong Bộ luật Hình sự năm 2015
Khoản 1 Điều 66 BLHS năm 2015 quy định: Người đang chấp hành hình phạt tù có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Phạm tội lần đầu
b) Phạm tội lần đầu là trường hợp người phạm tội xét về nhân thân chưa phạm tội lần nào hoặc đã phạm tội nhưng được xóa án tích hoặc những trường hợp không có án tích.
c) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt. Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt được hiểu là trong thời gian chấp hành hình phạt tù người phạm tội chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ của phạm nhân, chấp hành đúng nội quy, quy chế của trại giam, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khác theo quyết định của Tòa án; thành thực hối cải, tích cực lao động, cải tạo, học tập để sửa chữa lỗi lầm.
d) Đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án về tội rất nghiêm trọng trở lên.
e) Có nơi cư trú rõ ràng. Có nơi cư trú rõ ràng là có địa chỉ cư trú rõ ràng có đăng ký tại chính quyền địa phương nơi cư trú.Việc quy định phải có nơi cư trú rõ ràng là nhằm đảm bảo việc giám sát, giáo dục người phạm tội nếu được áp dụng biện pháp này cũng như chế độ kiểm soát việc tuân thủ các điều kiện thử thách.
đ) Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí và các nghĩa vụ bồi thường dân sự.
f) Đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức thời hạn tù đối với hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 15 năm đối với tù chung thân đã giảm xuống tù có thời hạn. Trong trường hợp người phạm tội là thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì thời gian đã chấp hành ít nhất là một phần ba hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 12 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn.
g) Không thuộc một trong các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều 66 BLHS.
Khoản 3 Điều 66 BLHS năm 2015 quy định: Theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án quyết định tha tù có trước thời hạn có điều kiện đối với người bị kết án. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định. Thời gian thử thách bằng thời gian còn lại của hình phạt tù. Nếu trong thời gian thử thách người phạm tội không cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên, hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 02 trở lên, hoặc không phạm tội mới với bất kỳ loại tội nào được quy định trong BLHS thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt tù còn lại. Hậu quả pháp lý của việc vi phạm điều kiện của biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện được quy định tại khoản 4 Điều 66 BLHS năm 2015. Cụ thể, trong thời gian thử thách, nếu người được tha tù trước thời hạn có điều kiện cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần trở lên thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đó và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành. Còn nếu trong thời gian thử thách, người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội mới với bất kỳ loại tội nào được quy định trong BLHS thì Tòa án buộc người phạm tội phải chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp với phần hình phạt tù chưa chấp hành của bản án trước theo quy định tại Điều 56 BLHS năm 2015.
2. Vài kiến nghị hoàn thiện quy định về án treo và tha tù trước thời hạn có điều kiện
2.1. Căn cứ để xét cho hưởng án treo
Theo khoản 1 Điều 65 BLHS năm 2015: “Khi xử phạt tù không quá 3 năm căn cứ vào nhân thân người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần thiết phải bắt chấp hành hình phạt tù thì Tòa án cho hưởng án treo”. Tuy nhiên, cả lý luận và thực tiễn áp dụng án treo đều cho thấy sẽ khó đạt được mục đích cải tạo giáo dục người phạm tội và phòng ngừa tội phạm trong áp dụng án treo khi người phạm tội không có thái độ thành thật hối cải, thừa nhận sai trái trong hành vi của mình. Dù nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, mức án không quá 3 năm song người phạm tội không thành thật hối lỗi thì khó đảm bảo việc người phạm tội sẽ không tiếp tục thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật tương tự như hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. Vì vậy, nên cân nhắc việc quy định tình tiết người phạm tội ăn năn hối cải là tình tiết giảm nhẹ bắt buộc trong điều kiện có nhiều tình tiết giảm nhẹ khi xét cho hưởng án treo.
2.2. Điều kiện thử thách và hậu quả pháp lý của việc vi phạm điều kiện thử thách của án treo
Một trong những điều kiện để được miễn chấp hành hình phạt tù của người được hưởng án treo là người đó không cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2010 từ 02 lần trở lên và không phạm tội mới trong thời gian thử thách với bất kỳ loại tội nào và hình thức lỗi nào. Quy định điều kiện không cố ý vi phạm nghĩa vụ của án treo án treo từ 02 lần trở lên là quy định lần đầu tiên được ghi nhận trong BLHS. Tuy nhiên, cần phải xác định cụ thể một số nghĩa vụ thể hiện tính tích cực, tự giác trong cải tạo giáo dục vì theo Điều 64 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 thì nghĩa vụ của người được hưởng án treo phải chấp hành còn quá nhiều, hơn nữa còn nhiều nghĩa vụ quy định chung chung, ít khả thi và thiếu định lượng rõ ràng. Vì vậy, nên giới hạn các nghĩa vụ được quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 64 Luật Thi hành án hình sự năm 2010, vì đây là những nghĩa vụ có định lượng rõ ràng và đảm bảo việc giám sát về tính tích cực trong tự giáo dục, cải tạo của người phạm tội.
2.3. Điều kiện để xét cho hưởng biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện
a – Về điều kiện “đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án về tội rất nghiêm trọng trở lên”
Đối với người bị kết án về tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì điều kiện đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt là quy định bắt buộc khi áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện. Đối với những trường hợp phạm tội có mức độ nguy hiểm cao như tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì việc quy định điều kiện này là cần thiết vì người phạm tội cần phải thể hiện sự tiến bộ trong cải tạo, giáo dục một thời gian liên tục và ổn định thì mới có thể áp dụng biện pháp này. Tuy nhiên, để đảm bảo những trường hợp dù phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nhưng thuộc đối tượng đáng được khoan hồng đặc biệt như người già, đồng phạm mà vai trò hạn chế, …thì luật nên quy định những trường hợp biệt lệ.
b – Về điều kiện “đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí và các nghĩa vụ bồi thường dân sự”
Việc quy định phải thực hiện xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí và các nghĩa vụ dân sự khác là nhằm bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý khác khi áp dụng biện pháp này. Tuy nhiên, luật nên quy định hình phạt tiền nói chung chứ không giới hạn là hình phạt bổ sung vì có thể người được xét áp dụng tha tù trước thời hạn có điều kiện đang phải chấp hành hình phạt tiền là hình phạt chính. Đồng thời, cần phải có quy định riêng đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế mà họ cần phải chịu biện pháp này trước rồi mới có thể thực hiện nghĩa vụ dân sự nhằm đảm bảo áp dụng đúng bản chất của biện pháp này.
c – Về điều kiện “không thuộc một trong các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều 66 BLHS”
Khoản 2 Điều 66 BLHS năm 2015 quy định không áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn đối với người bị kết án thuộc một trong các trường hợp sau đây: người bị kết án về tội xâm phạm an ninh quốc gia; tội khủng bố; tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh hoặc người bị kết án 10 tù trở lên đối với tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của con người; 07 năm tù trở lên đối với các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm chiếm đoạt tài sản; người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 40 BLHS.
Quy định không áp dụng biện pháp này đối với người bị kết án 10 tù trở lên đối với tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của con người; 07 năm tù trở lên đối với các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và sản xuất trái phép, mua bán trái phép, chiếm đoạt chất ma túy là không rõ về nguyên tắc, tiêu chí và tính chặt chẽ trong quy định. Thứ nhất, việc liệt kê các loại tội này chưa đảm bảo bao quát hết các trường hợp cần thiết trong Bộ luật hình sự với các loại tội có tính chất nguy hiểm tương đồng như cướp tài sản với cướp biển; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản với bắt cóc con tin… Thứ hai, để đảm bảo tính chặt chẽ cần phải xác định rõ các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm ở chương nào và tội nào vì ở các chương khác một số tội phạm cũng có xâm phạm tính mạng, sức khỏe. Mặt khác, cần phải bổ sung xâm phạm danh dự bởi đối với một số tội phạm việc rạch ròi giữa nhân phẩm hay danh dự là thực sự khó khăn vì hành vi đồng thời xâm phạm cả hai khách thể này.
2.4. Điều kiện của biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện và hậu quả pháp lý của việc vi phạm điều kiện
Khoản 3 Điều 66 BLHS năm 2015 quy định: “Nếu trong thời gian thử thách người phạm tội không cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc xử phạt vi phạm hành chính 02 trở lên hoặc không phạm tội mới với bất kỳ loại tội nào được quy định trong BLHS thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt tù còn lại”. Theo chúng tôi, cần phải xác định rõ vi phạm những nghĩa vụ cụ thể gì trong thời gian thử thách vì hiện nay quy định nghĩa vụ trong thời gian thử thách (như án treo) còn rất nhiều nghĩa vụ, hơn nữa có nhiều nghĩa vụ còn quy định chung chung, khó định lượng. Điều này dẫn tới tình trạng áp dụng tùy tiện hoặc luật không khả thi. Cụ thể, luật nên giới hạn các nghĩa vụ được quy định tại khoản 2 và khoản 4 Luật Thi hành án hình sự năm 2010, vì đây là các nghĩa vụ có định lượng rõ ràng, khả thi và đảm bảo hiệu quả trong việc giám sát, giáo dục người phạm tội. Đối với vi phạm hành chính 02 lần trở lên cần phải quy định rõ là vi phạm trong thời hạn đã bị xử phạt hành chính hay trong thời gian thử thách để đảm bảo thống nhất trong nhận thức và áp dụng./.
Xem thêm bài viết về “Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017)”
- Bàn về việc khắc phục một số hạn chế, sai sót trong Bộ luật Hình sự 2015 – PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa & ThS. Vũ Thị Thúy
- Kiến nghị bổ sung quy định về thời điểm thực hiện hành vi phạm tội trong Bộ luật Hình sự 2015 – TS. Vũ Thị Thúy
- Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 – ThS. Nguyễn Thị Xuân
- Triển khai quy định “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” của Hiến pháp 2013 trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự – PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa & ThS. Vũ Thị Thúy
Tác giả: ThS. Mai Khắc Phúc*
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08(102)/2016 – 2016, Trang 43-47
Trả lời