Mục lục
Hoàn thiện quy định của BLHS đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý các chất ma túy – PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa
TÓM TẮT
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đánh giá các quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành đối với các tội phạm liên quan đến các chất ma túy, đồng thời đưa ra những đề xuất hoàn thiện pháp luật hình sự để thực hiện tốt hơn Điều 138 Hiến pháp năm 2013 về nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng.
Xem thêm:
- Hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa các tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy tại việt nam hiện nay – ThS. Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh
- Các tình huống phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy tại TP.HCM hiện nay và một số kiến nghị về phòng ngừa tội phạm – ThS. Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh
- Tội phạm về ma túy theo các công ước của Liên Hợp Quốc về kiểm soát ma túy và BLHS Việt Nam: Nghiên cứu so sánh – PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa
Các chất ma túy là các chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp, khi sử dụng không đúng sẽ dẫn đến tình trạng lệ thuộc. Các chất ma túy có chứa độc tính, vì vậy khi sử dụng không đúng những độc tính này gây ảnh hưởng lên hệ hô hấp, hệ tim mạch, hệ thần kinh; làm hủy hoại sức khỏe, làm mất khả năng lao động, học tập; làm cho thần kinh người nghiện bị tổn hại. Việc sử dụng ma túy quá liều có thể gây ra hậu quả chết người. Trong lời nói đầu của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, Quốc hội nước ta đã khẳng định: “Tệ nạn ma túy là hiểm họa lớn cho toàn xã hội, gây tác hại cho sức khỏe, làm suy thoái nòi giống, phẩm giá con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia”.
Điều 138 Hiến pháp năm 2013 của nước ta quy định:
“1. Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe…
2. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng”.
Để bảo vệ sức khỏe mọi người khỏi các chất ma túy độc hại, Nhà nước đã có những quy định nghiêm ngặt về các chất ma túy không được sử dụng và các chất ma túy được sử dụng nhưng phải tuân thủ đúng quy định và chỉ được sử dụng giới hạn trong lĩnh vực y học, nghiên cứu khoa học, kiểm định và điều tra tội phạm. Đồng thời, Nhà nước cũng quy định những hành vi xâm phạm trật tự quản lý của Nhà nước đối với các chất ma túy bị coi là tội phạm và hình phạt đối với người phạm tội. Chương XVIII Các tội phạm về ma túy của Bộ luật Hình sự chính là một sự cụ thể hóa các quy định của Điều 39 và 61 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Điều 138 Hiến pháp năm 2013.
Nước ta đang trong quá trình xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định của BLHS năm 1999 và lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo BLHS (sửa đổi). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đánh giá các quy định của BLHS hiện hành đối với các tội phạm liên quan đến các chất ma túy, đồng thời đưa ra những đề xuất hoàn thiện pháp luật hình sự để thực hiện tốt hơn Điều 138 Hiến pháp năm 2013 về nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng.
1. Hoàn thiện tên chương
Việt Nam đối diện với tệ nạn ma túy từ rất sớm.[1] Vì vậy, Bộ luật Hình sự (BLHS) đầu tiên của Việt Nam (BLHS năm 1985) đã quy định “Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” (Điều 203). Sau đó, năm 1997, BLHS này được sửa đổi, bổ sung thêm một chương mới với tên gọi “Các tội phạm về ma túy”. Kế thừa quy định của BLHS năm 1985, BLHS năm 1999 tiếp tục quy định Chương XVIII cũng với tên gọi “Các tội phạm về ma túy”. Ngoài ra, năm 2000, để đấu tranh với các hành vi trái pháp luật liên quan đến các chất ma túy, Nhà nước ta đã ban hành Luật Phòng, chống ma túy.
Cụm từ “ma túy” xuất hiện trong tên gọi của Chương XVIII BLHS Việt Nam và Luật Phòng, chống ma túy năm 2000; thế nhưng “ma túy” là gì? Khi nghiên cứu vấn đề này, chúng tôi thấy rằng tuy được sử dụng từ lâu, cho đến nay thuật ngữ “ma túy” chưa được định nghĩa về mặt pháp lý. Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2008) không đưa ra định nghĩa về “ma túy” mà chỉ định nghĩa về “chất ma túy”.[2]“Ma túy” là từ Hán – Việt với nghĩa: “ma” là tê mê, “túy” là say sưa. Theo Đinh Văn Quế, thì nghĩa Hán – Việt của từ “ma túy” là làm cho mê mẩn.[3] Nếu chiếu theo các giải thích này thì tội phạm về ma túy là tội phạm làm cho mê mẩn hoặc tội phạm làm cho tê mê, say sưa (?). Ở góc độ khoa học, có một số cá nhân, đơn vị đã đưa ra các định nghĩa về ma túy, ví dụ như theo Trung tâm Từ điển học, thì “ma túy là tên gọi chung các chất có tác dụng gây trạng thái ngây ngất, đờ đẫn, dùng quen thành nghiện”,[4] hoặc theo Viện Ngôn ngữ thì ma túy là “chất lấy từ cây cần sa, có tác dụng gây trạng thái ngây ngất, đờ đẫn, dùng quen thành nghiện”.[5] Theo GS. Nguyễn Xuân Yêm thì “ma túy là các chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp, khi được đưa vào cơ thể con người, nó có tác dụng làm thay đổi trạng thái ý thức và sinh lý của người đó. Nếu lạm dụng ma túy, con người sẽ bị lệ thuộc vào nó, khi đó gây tổn thương và nguy hại cho người sử dụng và cộng đồng”.[6] Theo Viện Nghiên cứu chiến lược và khoa học Bộ Công an thì “ma túy là thuật ngữ dùng chỉ các hợp chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp được quy định trong danh mục do Chính phủ ban hành, có tác dụng kích thích, gây ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, khiến người sử dụng bị lệ thuộc vào chúng”.[7] Như vậy, các định nghĩa khoa học này đều cho rằng “ma túy” chính là những “chất” có thể gây ra tình trạng lệ thuộc cho người sử dụng hay nói cách khác từ “ma túy” đồng nghĩa với “chất ma túy”. Tuy nhiên, những định nghĩa đã nêu chỉ là những định nghĩa có giá trị tham khảo. Hơn nữa, một số khái niệm khoa học dẫn chiếu đến danh mục cho Chính phủ ban hành, tuy nhiên Nghị định 67/2001/NĐ-CP ngày 01/10/2001 của Chính phủ trước đây và hiện nay là Nghị định 82/2013/NĐ-CP ngày 19/07/2013 không quy định danh mục “ma túy” mà ban hành danh mục các “chất ma túy” (và tiền chất).
Mặt khác, cần nhấn mạnh rằng trên thế giới cho đến nay cũng không có một khái niệm pháp lý về “ma túy” hay “chất ma túy” (drugs hay narcotics hay narcotic drugs) mặc dù sự hợp tác quốc tế trong đấu tranh với các tội phạm liên quan đến chất ma túy đã bắt đầu từ rất sớm.[8] Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961 (gọi tắt là Công ước 1961) không đưa ra khái niệm “chất ma túy” mà thay vào đó liệt kê các chất ma túy cụ thể bị kiểm soát. Kỹ thuật lập pháp này được sử dụng trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm của các điều ước quốc tế về kiểm soát ma túy trước đó, đặc biệt là Công ước về Hạn chế việc sản xuất, phân phối chất ma túy năm 1931 (gọi tắt là Công ước 1931).[9] Trong quá trình dự thảo Công ước 1931, một nhóm các chuyên gia quốc tế được yêu cầu đề xuất khái niệm “chất ma túy” để sử dụng trong Công ước. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu các chuyên gia đã kết luận rằng không thể đưa ra một khái niệm chung về “chất ma túy” mà chỉ có thể đưa ra nhiều khái niệm khác nhau để mô tả các chất được Công ước 1931 kiểm soát bởi vì Công ước này điều chỉnh nhiều loại chất với những thuộc tính khoa học khác nhau. Ví dụ: có những chất thuộc nhóm “narcotic” có tính gây nghiện cao và không được sử dụng trong y khoa, có những chất cũng thuộc nhóm “narcotic” có tính gây nghiện cao nhưng lại được sử dụng trong y khoa, cũng có những chất vừa không thuộc nhóm “narcotic” vừa không có tính gây nghiện nhưng có thể biến đổi thành “narcotic” gây nghiện.[10]
Những phân tích trên cho thấy, tuy cụm từ “ma túy” được sử dụng trong tên gọi Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 và trong tên của Chương XVIII BLHS hiện hành, nhưng nội hàm của nó không được xác định. Mặt khác, thuật ngữ “chất ma túy” được định nghĩa về mặt pháp lý và có nội hàm xác định theo danh mục do Chính phủ ban hành. Ngoài ra, trong tội danh của các tội phạm cụ thể, nhà làm luật sử dụng cụm từ “chất ma túy”. Vì vậy, để bảo đảm sự thống nhất với định nghĩa nêu tại Điều 1 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 và tương đồng với các điều luật quy định về tội phạm trong Chương XVIII, chúng tôi thiết nghĩ tên chương này nên sửa thành “Các tội phạm về chất ma túy” hoặc để chính xác hơn “Các tội xâm phạm trật tự quản lý các chất ma túy”. Tên sau cùng này chính xác nhất và phản ánh được khách thể loại của nhóm tội phạm.
2. Hoàn thiện quy định về hành vi khách quan của một số tội phạm
2.1. Bổ sung dấu hiệu định tội đối với hành vi khách quan của Tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 1999)
Việc sử dụng không đúng các chất ma túy sẽ dẫn đến tình trạng lệ thuộc và kéo theo hàng loạt các hậu quả tiêu cực, nhưng mặt khác, một số chất ma túy có tác dụng tốt trong chữa bệnh. Xét về khung pháp lý quốc tế, để giới hạn việc sản xuất, sử dụng các chất ma túy, chất hướng thần vào việc điều trị bệnh và nghiên cứu khoa học, đồng thời ngăn chặn việc lạm dụng các chất này dẫn đến ảnh hưởng xấu cho sức khỏe cộng đồng; các Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát chất ma túy xác định các chất bị kiểm soát, đồng thời yêu cầu các quốc gia thành viên kiểm soát toàn bộ các hoạt động hợp pháp liên quan đến chất ma túy, từ giai đoạn trồng, sản xuất, điều chế, mua bán, phân phối, xuất nhập khẩu đến việc dự trữ, sử dụng thông qua những đòi hỏi về quản lý nhà nước nhất định.[11] Nói cách khác, không phải mọi hành vi liên quan đến các chất ma túy đều trái pháp luật. Những hoạt động liên quan đến các chất ma túy nhưng phục vụ cho mục đích y học hoặc nghiên cứu khoa học và tuân thủ các quy định kiểm soát của nhà nước thì không phải là tội phạm.
Là một nước thành viên của các Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy, Việt Nam cũng áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các hoạt động liên quan đến các chất ma túy phục vụ cho y học, nghiên cứu khoa học, kiểm nghiệm và điều tra tội phạm. Như vậy, một hành vi liên quan đến các chất ma túy chỉ bị coi là tội phạm khi vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý các hoạt động hợp pháp liên quan đến các chất ma túy. Với nội dung này, trong các tội phạm về chất ma túy trong BLHS năm 1999, một hành vi liên quan đến chất ma túy chỉ cấu thành tội phạm khi được thực hiện một cách trái pháp luật. Nói cách khác, nhà làm luật dùng thuật ngữ “trái phép” để phân biệt giữa hành vi bị coi là tội phạm và hành vi không phải là tội phạm. Riêng đối với tội Trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 192 BLHS năm 1999) chưa quy định dấu hiệu “trái phép”. Khắc phục hạn chế này, Điều 244 Dự thảo BLHS quy định Tội trồng trái phép cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (sửa đổi). Tuy nhiên, Điều 244 Dự thảo BLHS mới chỉ sửa tên tội mà chưa sửa các dấu hiệu của hành vi cấu thành tội phạm. Vì vậy, để bảo đảm sự nhất quán, đúng đắn của điều luật, chúng tôi đề nghị sửa nội dung khoản 1 Điều 244 Dự thảo BLHS như sau: “Người nào gieo trồng, chăm bón, thu hoạch cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy trái phép với số lượng từ 500 đến dưới 3.000 cây, đã được giáo dục từ 02 lần trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn tái phạm thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
2.2. Bổ sung hành vi khách quan của Tội tàng trữ phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy (sửa đổi) (Điều 259 Dự thảo)
Trong Dự thảo BLHS, Ban soạn thảo đã tách các tội danh về ma túy và xây dựng quy định “mô tả” về hành vi khách quan của tội phạm. Liên quan đến hành vi tàng trữ các đối tượng khác nhau gồm: (i) cây giống cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc cây giống các loại cây khác có chứa chất ma túy; (ii) chất ma túy; (iii) tiền chất và (iv) phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng chất ma túy, Dự thảo quy định 04 tội danh:
– Tội tàng trữ trái phép cây giống cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc cây giống các loại cây khác có chứa chất ma túy (mới) (Điều 245 Dự thảo);
– Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (sửa đổi) (Điều 250 Dự thảo);
– Tội tàng trữ tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (sửa đổi) (Điều 254 Dự thảo);
– Tội tàng trữ phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy (sửa đổi) (Điều 259 Dự thảo).
Trong ba điều luật về tàng trữ (Điều 245, 250 và 254 Dự thảo), hành vi tàng trữ đều được quy định là “cất giữ” hoặc “cất giấu”; nhưng trong Điều 259 Dự thảo về Tội tàng trữ phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy (sửa đổi); tàng trữ chỉ được quy định là “cất giấu”. Chúng tôi thiết nghĩ có thể đây là lỗi kỹ thuật, hành vi tàng trữ trong nhóm tội này cần được hiểu thống nhất như nhau. Vì vậy, khoản 1 Điều 259 Dự thảo cần chỉnh sửa, bổ sung như sau: “Người nào có hành vi cất giữ hoặc cất giấu phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm…”
3. Quy định thêm tội mới: Tội sản xuất trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy
Như trên đã đề cập, năm 1997, Việt Nam đã phê chuẩn cả 03 Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy, trong đó có Công ước chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và tiền chất năm 1988 (Công ước 1988). Công ước 1988 thiết lập một danh mục các hành vi mà các quốc gia có nghĩa vụ phải tội phạm hóa (tội phạm bắt buộc). Ngoài ra, Công ước 1988 còn quy định các tội phạm mà các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tội phạm hóa trên cơ sở phù hợp với những quy định của hiến pháp và các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật quốc gia.
Chúng tôi thấy rằng, BLHS năm 1999 đã tội phạm hóa các tội phạm mang tính chất tùy nghi, bao gồm tàng trữ, vận chuyển, mua bán tiền chất dùng để sản xuất trái phép chất ma túy. Trong khi đó, nước ta chưa thực hiện quy định của Công ước năm 1988 về tội phạm hóa hành vi “sản xuất trái phép tiền chất”. Hơn nữa, hành vi “sản xuất” luôn nguy hiểm hơn các hành vi “tàng trữ”, “vận chuyển”, “mua bán”.
Với tư cách là thành viên của Công ước, chúng ta có nghĩa vụ tội phạm hóa dạng hành vi này. Ngoài ra, xét về tính nguy hiểm, hành vi sản xuất tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy có tính nguy hiểm cao hơn so với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy. Vì vậy, chúng tôi đề xuất bổ sung thêm một tội phạm mới “Tội sản xuất trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy vào BLHS” như sau:
Điều…. Tội sản xuất tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (mới)
1. Người nào sản xuất tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thuộc 01 trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà tái phạm;
b) Tiền chất có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam đối với thể rắn, từ 75 mililít đến dưới 200 mililít đối với thể lỏng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 600 gam;
e) Tiền chất ở thể lỏng từ 200 mililít đến dưới 600 mililít;
g) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng từ 600 gam đến dưới 1,6 kilôgam đối với thể rắn, từ 600 mililít đến dưới 1,6 lít đối với thể lỏng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng từ 1,6 kilôgam trở lên đối với thể rắn, từ 1,6 lít trở lên đối với thể lỏng, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Định lượng chất ma túy liên quan
Khảo sát các quy định hiện hành của BLHS năm 1999 và Dự thảo BLHS, chúng tôi thấy rằng khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy liên quan được sử dụng làm căn cứ định khung hình phạt của nhiều loại tội về chất ma túy.[12] Tuy nhiên, BLHS năm 1999 không liệt kê tất cả các chất ma túy nằm trong danh mục kiểm soát do Chính phủ ban hành, mà chỉ đề cập một số chất ma túy phổ biến (những chất còn lại được dùng chung một cụm từ là các chất ma túy khác ở thể rắn hoặc thể lỏng). Theo chúng tôi, việc quy định trực tiếp một vài chất ma túy hoặc nguồn chứa chất ma túy như hiện nay có hạn chế cần phải được sửa đổi.
Xét về danh mục các chất ma túy bị kiểm soát trên thế giới, Công ước thống nhất về Các chất ma túy năm 1961 liệt kê các chất ma túy bị kiểm soát trong 4 Danh mục căn cứ vào giá trị sử dụng của chúng trong y khoa và mức độ gây nghiện.[13] Mỗi danh mục được áp dụng chế độ kiểm soát khác nhau. Công ước về Kiểm soát các chất hướng thần năm 1971 cũng liệt kê chất hướng thần trong 4 Danh mục với những chế độ kiểm soát khác nhau căn cứ vào thuộc tính gây nghiện, giá trị sử dụng của chúng trong y khoa và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các vấn đề xã hội liên quan.[14]
Hiện nay danh mục quy định tại Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/07/2013 (Nghị định 82) của Việt Nam cũng phân hóa các chất ma túy thành 03 nhóm dựa trên độc tính của chúng và giá trị sử dụng trong y học, nghiên cứu khoa học và điều tra tội phạm:
– Danh mục I: các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền;
– Danh mục II: các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền;
– Danh mục III: các chất hướng thần được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Chiếu theo bảng này, Nghị định số 82/2013/NĐ-CP xếp Cocain, Methamphetamine và Amphetamine vào Danh mục II trong khi Heroin, MDMA nằm trong Danh mục I, nhưng BLHS năm 1999 tất cả các chất này trong cùng một nhóm và áp dụng khối lượng như nhau trong xây dựng dấu hiệu định tội và và dấu hiệu định khung tăng nặng. Đây là điều không hợp lý bởi lẽ các chất ma túy có độc tính khác nhau nên tính nguy hiểm cho xã hội cũng khác nhau, chính vì vậy cần phải phân hóa khối lượng liên quan trong dấu hiệu định tội và dấu hiệu định khung. Chúng tôi thiết nghĩ, để bảo đảm tính khoa học và khái quát cao, việc định lượng nên quy định cho các nhóm chất theo Danh mục tại Nghị định số 82/2013/NĐ-CP. Ví dụ: điểm e, g và h khoản 2 Điều 193 BLHS hiện hành hoặc điểm e, g, h khoản 2 Điều 249 Dự thảo về tội sản xuất trái phép chất ma túy nên sửa lại là:
Điều…. Tội sản xuất trái phép chất ma túy (sửa đổi)
1. …
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
3. Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong danh mục do Chính phủ ban hành có khối lượng từ… gram đến…. gram ở thể rắn, hoặc có thể tích từ…. mililít đến…. mililít ở thể lỏng;
4. Các chất ma túy được dùng hạn chế theo quy định trong danh mục do Chính phủ ban hành có khối lượng từ… gram đến…. gram ở thể rắn, hoặc có thể tích từ…. mililít đến…. mililít ở thể lỏng;
5. Các chất ma túy trong danh mục được dùng theo quy định do Chính phủ ban hành có khối lượng từ… gram đến…. gram ở thể rắn, hoặc có thể tích từ…. mililít đến…. mililít ở thể lỏng.
5. Phân hóa trách nhiệm hình sự
So sánh với BLHS năm 1999, Dự thảo tách một số tội phạm mà BLHS đang quy định trong cùng một điều luật và quy định trong các điều luật khác nhau. Sử dụng kỹ thuật lập pháp này cho phép nhà làm luật thực hiện tốt hơn việc phân hóa trách nhiệm hình sự, đồng thời mô tả tốt hơn về dấu hiệu khách quan của từng loại tội phạm. Tuy nhiên, quan sát quy định của Dự thảo, chúng tôi nhận thấy rằng sự phân hóa trách nhiệm hình sự vẫn chưa rõ nét và đôi chỗ chưa hợp lý.
Thứ nhất, về phân hóa trách nhiệm hình sự đối với các tội về cây giống cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc cây giống các loại cây khác có chứa chất ma túy
Dự thảo đưa ra phương án quy định 4 loại tội phạm: (i) Tội tàng trữ trái phép cây giống cây giống cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc cây giống các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 245); (ii) Tội vận chuyển trái phép cây giống cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc cây giống các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 246); (iii) Tội mua bán trái phép cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc cây giống các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 247); (iv) Tội chiếm đoạt cây giống cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc cây giống các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 248). Trong đó, hình phạt đối với tội tàng trữ trái phép cây giống và tội chiếm đoạt trái phép cây giống có các khung hình phạt và các dấu hiệu định khung tăng nặng giống nhau; tội vận chuyển trái phép cây giống và tội mua bán cây giống có khung hình phạt và các dấu hiệu định khung tăng nặng giống nhau.
Chúng tôi thiết nghĩ, cần có sự phân hóa trách nhiệm hình sự giữa hành vi vận chuyển trái phép cây giống với hành vi mua bán trái phép cây giống. Hành vi mua bán trái phép cây giống có tính nguy hiểm cao hơn bởi người phạm tội hướng tới lợi nhuận và hành vi này làm phát tán cây giống đến những người khác nhau. Ngoài ra, theo Dự thảo hiện nay thì hình phạt đối với tội chiếm đoạt cây giống thấp hơn so với hình phạt đối với tội vận chuyển hoặc mua bán trái phép cây giống là không hợp lý, bởi lẽ tính trái pháp luật của hành vi chiếm đoạt cao hơn và hành vi này nguy hiểm hơn.
Thứ hai, về phân hóa trách nhiệm hình sự đối với các tội liên quan đến chất ma túy
Dự thảo quy định 05 tội danh liên quan đến chất ma túy, bao gồm: (i) Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 249); (ii) Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 250); (iii) Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 251); (iv) Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 252); (v) Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 253). Trong đó, các khung hình phạt đối với tội tàng trữ, vận chuyển và chiếm đoạt chất ma túy tương tự như nhau và các khung hình phạt đối với tội mua bán, sản xuất trái phép chất ma túy tương tự nhau. Các dấu hiệu định khung tăng nặng của tất cả các tội phạm về chất ma túy về định lượng chất ma túy liên quan được áp dụng như nhau. Sự phân hóa này là chưa hợp lý như chúng tôi đã phân tích đối với các tội liên quan đến cây giống. Chúng tôi cho rằng hành vi sản xuất trái phép chất ma túy có tính nguy hiểm cao hơn hành vi mua bán trái phép chất ma túy và hành vi chiếm đoạt chất ma túy có tính nguy hiểm cao hơn hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Vì vậy, Ban soạn thảo cần phân hóa trách nhiệm hình sự giữa các tội này hợp lý hơn.
Thứ ba, về phân hóa trách nhiệm hình sự đối với các tội liên quan đến tiền chất; phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy
Sự phân hóa trách nhiệm hình sự ở nhóm tội phạm này cũng có những hạn chế tương tự như các nhóm ở trên. Vì vậy, các kiến nghị của chúng tôi tương tự như các nhóm ở trên.
CHÚ THÍCH
* PGS-TS, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về quyền con người và quyền công dân, Phó trưởng Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Thuốc phiện được cho là đã thâm nhập vào Việt Nam từ giữa thế kỷ XVII và dưới thời vua Minh Mạng, vua Tự Đức một số đạo luật đầu tiên về cấm trồng, hút và buôn lậu thuốc phiện đã được ban hành để chống tệ nạn này. Xem Vũ Ngọc Bừng, Phòng chống ma túy trong nhà trường, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1997, tr. 121; Trần Văn Luyện, Trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về ma túy, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 11 và Vũ Quang Vinh, Hoạt động phòng ngừa các tội phạm về ma túy của lực lượng cảnh sát nhân dân, Luận án tiến sĩ, Học viện Cảnh sát nhân dân, 2003, tr. 16.
[2] Điều 1 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008). Xem thêm Nguyễn Thị Phương Hoa,“Hoàn thiện khái niệm “chất ma túy” trong pháp luật Việt Nam”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 3(34)/2006, tr. 22 – 23.
[3] Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự – Tập 3, Nxb. Lao động, 2013, tr. 267.
[4] Xem Trung tâm từ điển học (2011), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, tr. 944.
[5] Viện ngôn ngữ – Ủy ban khoa học xã hội (1988), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 629.
[6] Nguyễn Xuân Yêm (2002), Hiểm họa ma túy và cuộc chiến mới, Nxb. Công an nhân dân, tr. 14.
[7] Viện Nghiên cứu chiến lược và khoa học Bộ Công an, Từ điển Bách khoa Công an nhân dân Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, 2005, tr. 780.
[8] Xem M C Bassiouni, “International Drug Control System” trong quyển International Criminal Law do Bassiouni M C chủ biên, Nxb. Transnational Publishers, New York, 1999, quyển 1, tr. 905 và Louis Lessem, “Towards an International System of Drug Control”, Tạp chí Law Reform (Mỹ, Michigan) số 8/1974, tr. 103.
[9] Hệ thống quy định quốc tế về kiểm soát ma túy đã phát triển qua một lịch sử khá dài, bắt đầu từ Hội nghị quốc tế tại Thượng Hải (Trung Quốc) năm 1909. Công ước thống nhất về Các chất ma túy 1961 pháp điển hóa và thay thế 9 điều ước quốc tế về kiểm soát ma túy trước đó. Xem khoản 1 Điều 44 Công ước thống nhất về Các chất ma túy năm 1961. Công ước này được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định thư năm 1972.
[10] Xem Bertil A Renborg, International Drug Control – A Study of International Administration by and through the League of Nations, tái bản lần 2, Nxb. Kraus Reprint Co., Washington, 1972, tr. 51 và Richard H Blum, “International Classification” trong quyển Controlling Drugs do Richard H Blum và một số tác giả khác chủ biên, Nxb. Jossey-Bass Publishers, New York, 1974, tr. 48.
[11] Bertil A Renborg, International Drug Control – a Study of International Administration by and through the League of Nations tái bản lần 2, Nxb. Kraus Reprint Co., Washington, 1972, tr. 51.
[12] Ví dụ: Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 193 BLHS), Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194 BLHS), (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 249 Dự thảo), Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 250 Dự thảo), Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 251 Dự thảo), Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 252 Dự thảo), Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 253).
[13] Xem M C Bassiouni, sđd, tr. 905; Rudi Fortson, The Law on the Misuse of Drugs and Drug Trafficking Offences, Nxb. Sweet & Maxwell, London, tái bản lần 3, năm 1996, tr. 10 và Bror Rexed và một số tác giả khác, Guidelines for the Control of Narcotic and Psychotropic Substances in the Context of the International Treaties, Nxb. World Health Organization, Geneva, 1984, tr. 35.
[14] Xem M C Bassiouni, sđd, tr. 905 và Louis Lessem, sđd, tr. 45 – 63.
Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa* – Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08(93)/2015 – 2015, Trang 64-70
Fanpage Luật sư Online – iluatsu.com
Trả lời