BLHS năm 2015 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (viết tắt: BLHS 2015). Trong Bộ luật này, bên cạnh việc kế thừa những quy định hợp lý về hình phạt tiền của BLHS năm 1999 thì cũng có nhiều sửa đổi, bổ sung mới. Một trong những sửa đổi, bổ sung quan trọng là quy định hình phạt tiền đối với pháp luật thương mại phạm tội. Theo quy định tại Điều 32 “Các hình phạt đối với người phạm tội” và Điều 33 “Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội” của BLHS năm 2015 có thể thấy, trong hệ thống hình phạt nước ta, hình phạt tiền là hình phạt duy nhất vừa được áp dụng đối với người phạm tội (thể nhân) vừa được áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội với tư cách là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung khi không áp dụng là hình phạt chính.
Xem thêm bài viết về “Hình phạt”
- Hình phạt Tử hình theo quy định Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Quy định Bộ luật Hình sự 2015 về hình phạt Cải tạo không giam giữ – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Một số ý kiến về quyết định hình phạt trong các trường hợp cụ thể theo Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 – ThS. Mai Thị Thủy
- Nguyên tắc và căn cứ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Các hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
1. Quy định của BLHS năm 2015 về hình phạt tiền áp dụng đối với người phạm tội
Nếu so sánh với quy định của BLHS năm 1999, thì BLHS năm 2015 quy định về hình phạt tiền áp dụng đối với người phạm tội có những sửa đổi, bổ sung mới sau đây:
1.1. Mở rộng phạm vi áp dụng
Cụ thể là: Khoản 1 Điều 35 BLHS năm 2015 quy định:
“1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây: a. Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định; b. Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định”.
Như vậy, khoản 1 Điều 35 đã mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính áp dụng đối với người phạm tội theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với người phạm tội.
Xem thêm bài viết về “Hình phạt chính”
- Hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự 1999 về các hình phạt chính không tước tự do – ThS. Nguyễn Thị Ánh Hồng
- Một số thành công và hạn chế trong quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về các hình phạt chính không tước tự do – ThS. Nguyễn Thị Ánh Hồng
1.2. Mở rộng loại tội phạm được áp dụng
Theo đó, phạt tiền là hình phạt chính không chỉ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng (theo quy định tại Điều 30 BLHS năm 1999), mà còn được áp dụng đối với người phạm tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.
Với việc sửa đổi, bổ sung này thấy rằng, việc áp dụng hình phạt này là hình phạt chính đối với người phạm tội không bị giới hạn về nhóm tội phạm cụ thể được quy định tại phần các tội phạm với điều kiện tội phạm mà người phạm tội thực hiện phải thuộc loại tội ít nghiệm trọng, tội nghiêm trọng (quy định tại khoản 1, 2 Điều 9 BLHS năm 2015), đồng thời trong điều luật tương ứng có quy định hình phạt này là hình phạt chính. Chỉ riêng đối với người phạm tội rất nghiêm trọng, điểm b khoản 1 Điều 35 BLHS năm 2015 đã giới hạn một số nhóm tội phạm cụ thể mà người phạm tội thực hiện được áp dụng hình phạt này là hình phạt chính. Đó là nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và các tội phạm khác do BLHS quy định. Một số tội phạm khác do BLHS năm 2015 quy định ở đây là những tội phạm không thuộc các nhóm tội phạm nêu trên và cũng không thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, nhưng nhà làm luật nhận thấy, “Khi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính sẽ đạt được mục đích của hình phạt”.
1.3. Kế thừa tính tùy nghi của hình phạt tiền
Đối với hình phạt tiền là hình phạt bổ sung, nhà làm luật kế thừa toàn bộ quy định tại khoản 2 Điều 30 BLHS năm 1999 và tiếp tục quy định tại khoản 2 Điều 35 BLHS năm 2015 như sau: “HPT được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định”.
Trong BLHS hiện hành, phạt tiền là hình phạt bổ sung được quy định dưới dạng chế tài tùy nghi (không bắt buộc).
Vì vậy, nếu điều luật có quy định hình phạt bổ sung là phạt tiền, đồng thời HPT không được áp dụng là hình phạt chính thì tùy từng trường hợp mà Tòa án có thể áp dụng phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người bị kết án.
2. Về căn cứ quyết định và mức phạt tiền
2.1. Về căn cứ quyết định phạt tiền
Về căn cứ quyết định và mức phạt tiền, khoản 3 Điều 35 BLHS năm 2015 về cơ bản kế thừa quy định tại khoản 3 Điều 30 BLHS năm 1999 nên tiếp tục quy định: “3. Mức phạt tiền được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không thấp hơn 1.000.000đ”.
Tuy vậy, khoản 3 Điều 35 BLHS năm 2015 có sửa đổi về kỹ thuật lập pháp, cụ thể là thay một số từ “tùy theo” bằng cụm từ “căn cứ vào” và thay từ “nghiêm trọng” bằng từ “nguy hiểm” trong nội dung của khoản này. Việc thay đổi này là nhằm đảm bảo sự chuẩn xác, sự thống nhất về mặt thuật ngữ trong các quy định của BLHS năm 2015.
2.2. Về mức phạt tiền
Về mức phạt tiền, theo quy định tại khoản 3 Điều 35 BLHS hiện hành cho thấy, nhà làm luật nước ta chỉ quy định mức tối thiểu chung của hình phạt tiền là 1.000.000đ mà không quy định mức phạt tiền tối đa.
Ở phần các tội phạm của BLHS năm 2015, mức phạt tiền được quy định đối với từng tội phạm cụ thể căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm đó.
Nghiên cứu quy định của BLHS năm 2015 về vấn đề này thấy rằng, mức phạt tiền được quy định đối với các tội phạm cụ thể là một khoản tiền nhất định, trong đó có chỉ ra mức tối thiểu và mức tối đa của hình phạt tiền.
Cụ thể là: Đối với trường hợp phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính thì mức tối thiểu là 5 triệu đồng và mức tối đa là 5 tỷ đồng; còn phạt tiền là hình phạt bổ sung cũng có mức tối thiểu là 5 triệu đồng và mức tối đa là 500 triệu đồng.
Quy định về mức phạt tiền như trên, mặc dù chưa có sự phân biệt giữa mức tối thiểu của HPT là hình phạt chính và mức tối thiểu của hình phạt này là hình phạt bổ sung, nhưng đây là một quy định hợp lý tạo điều kiện cho việc áp dụng hình phạt này được thống nhất, tránh tùy tiện dẫn đến áp dụng mức phạt tiền quá thấp hoặc quá cao.
Thực tế cho thấy, mỗi tội phạm cụ thể có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau, có khả năng gây thiệt hại với mức độ khác nhau và bị xử lý hình sự trong các thời điểm biến động của giá cả thị trường khác nhau, vì thế mức phạt tiền cũng phải khác nhau.
Nếu Tòa án áp dụng mức phạt tiền quá thấp đối với những người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, có động cơ, mục đích trục lợi bất chính, làm giàu bằng mọi giá… thì sẽ không đạt được mục đích của hình phạt tiền.
Còn nếu Tòa án áp dụng mức phạt tiền quá cao so với tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm mà người phạm tội thực hiện, tình hình tài sản của họ và so với giá cả thị trường thì không chỉ trái với mục đích của hình phạt mà còn làm cho hình phạt đã tuyên không có tính khả thi, gây khó khăn cho công tác thi hành án.
Do vậy, để hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc áp dụng là hình phạt bổ sung có tính khả thi trên thực tế, khoản 3 Điều 35 BLHS năm 2015 tiếp tục quy định: “Mức phạt tiền được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả”.
Đây là quy định có tính bắt buộc đối với Tòa án khi quyết định hình phạt tiền đối với người bị kết án.
3. Về phương thức thi hành hình phạt tiền
Khác với khoản 4 Điều 30 BLHS năm 1999, trong đó có quy định thể thức thi hành hình phạt tiền: “Tiền phạt có thể được nộp một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn do Ṭa án quy định”, thì hiện nay Điều 35 BLHS năm 2015 không còn tiếp tục quy định vấn đề này, bởi thể thức thi hành hình phạt tiền đã được quy định tại điềm a khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
4. Về việc áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
So với Điều 72 BLHS năm 1999, Điều 99 BLHS năm 2015 không có sửa đổi, bổ sung gì mà vẫn tiếp tục quy định: “Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai mức phạt tiền mà điều luật quy định”.
Từ quy định này thấy rằng, để áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 35 BLHS năm 2015 còn phải có thêm hai điều kiện:
- Người phạm tội phải ở độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;
- Người phạm tội phải có thu nhập hoặc tài sản riêng.
Về mức phạt tiền đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, theo quy định tại Điều 99 BLHS năm 2015 thì không được quá 1/2 mức phạt tiền mà điều luật quy định.
Quy định tại Điều 99 như vậy là hoàn toàn hợp lý, bởi ở lứa tuổi này, người phạm tội phần lớn sống phụ thuộc vào gia đình, chưa có thu nhập, hoặc có thu nhập nhưng không đáng kể. Nếu tòa án áp dụng hình phạt tiền khi họ không có thu nhập hoặc tài sản riêng thì sẽ không đảm bảo tính khả thi của hình phạt.
5. Về việc áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Đây là một quy định hoàn toàn mới của pháp luật hình sự Việt Nam, bởi lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp đã coi chủ thể của trách nhiệm hình sự bao gồm cả cá nhân và pháp nhân.
Trong BLHS năm 2015 đã có một chương riêng (Chương XI) quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội, trong đó có quy định về hình phạt. Đây là điểm nổi bật, mang tính đột phá trong chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta, làm thay đổi nhận thức truyền thống về vấn đề tội phạm và hình phạt.
Trong BLHS năm 2015, hệ thống các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại Điều 33, theo đó các hình phạt chính gồm:
- Phạt tiền
- Đình chỉ hoạt động có thời hạn
- Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Các hình phạt bổ sung gồm:
- Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;
- Cấm huy động vốn;
- Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.
Đồng thời, tại các điều từ Điều 77 đến Điều 79, BLHS hiện hành quy định cụ thể điều kiện áp dụng các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
Hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội được nhà làm luật quy định tại Điều 77 BLHS năm 2015 như sau: “Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Mức phạt tiền được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000đ”.
Từ quy định này cho thấy, đối với pháp nhận thương mại phạm tội, hình phạt tiền được áp dụng vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt bổ sung (nếu không áp dụng là hình phạt chính). Trong số những hình phạt chính, phạt tiền được xem như là “một công cụ hữu hiệu để thể hiện cách ứng xử của Nhà nước đối với pháp nhân thương mại khi có hành vi gây thiệt hại cho xã hội”.
Khác với việc quy định hình phạt tiền đối với cá nhân phạm tội, BLHS năm 2015 không quy định các trường hợp cụ thể áp dụng hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
Vì vậy, có thể hiểu là hình phạt tiền được áp dụng đối với cả 33 tội danh được quy định tại Điều 76 BLHS do pháp nhân thương mại thực hiện, không phụ thuộc vào trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hay phạm tội rất nghiêm trọng.
Thêm vào đó, BLHS năm 2015 còn quy định mức tối thiểu của hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội (chung cho cả trường hợp áp dụng là hình phạt chính, cả trường hợp áp dụng là hình phạt bổ sung) là 50.000.000đ và mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả.
Nếu so với mức tiền phạt tối thiểu đối với cá nhân phạm tội thì mức tiền phạt tối thiểu đối với pháp nhân thương mại phạm tội cao hơn 50 lần, thể hiện sự phân hóa trách nhiệm hình sự giữa pháp nhân và cá nhân phạm tội, đồng thời còn cho thấy tính nghiêm khắc của hình phạt tiền so với các chế tài hành chính, kinh tế hay dân sự mà pháp nhân thương mại phải gánh chịu khi có hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, việc quy định mức tiền phạt tối thiểu đối với pháp nhân thương mại phạm tội tại Điều 77 chỉ mang tính chất nguyên tắc chung.
Căn cứ vào nguyên tắc chung như vậy, BLHS năm 2015 đã quy định cụ thể mức tiền phạt đối với từng tội danh cụ thể, tưng ứng với từng khung hình phạt cụ thể mà theo quy định tại Điều 76 pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự./.
Xem thêm bài viết về “Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017)”
- Hình phạt Tử hình theo quy định Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Quy định Bộ luật Hình sự 2015 về hình phạt Cải tạo không giam giữ – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Quy định về biện pháp ngăn chặn Bảo lĩnh theo Bộ luật Hình sự 2015 – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Quy định mới về các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình trong Bộ luật Hình sự 2015 – PGS.TS. Nguyễn Văn Cừ
Like fanpage tại: https://facebook.com/iluatsu/
Trả lời