Mục lục
Một số ý kiến về người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự năm 2010 (Góp ý sửa đổi)
TÓM TẮT
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự năm 2010 đã bổ sung một mục riêng (Mục 2A) với tên gọi “Tha tù trước thời hạn có điều kiện” và được thiết kế với 17 điều. Qua nghiên cứu cho thấy, các quy định trong Dự thảo vẫn cần có những chỉnh sửa, bổ sung sao cho hợp lý, bảo đảm tính chính xác, khoa học và đặc biệt là bảo đảm hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Các kiến nghị sửa đổi, bổ sung của chúng tôi tập trung vào các quy định về: phạm vi, giải thích từ ngữ có liên quan đến tha tù trước thời hạn có điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người tham gia giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Xem thêm bài viết về “Tha tù trước thời hạn có điều kiện”
- Một vài ý kiến về hoàn thiện Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 về án treo và tha tù trước thời hạn có điều kiện – ThS. Mai Khắc Phúc
1. Bất cập trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự năm 2010
Hiến pháp năm 2013 được xây dựng với nhiều nội dung mới so với các bản hiến pháp trước đây, trong đó đặc biệt chú trọng và đề cao quyền con người, quyền công dân. Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS năm 2015) (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (BLTTHS năm 2015) có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đã quy định nhiều chính sách hình sự mới và thủ tục tố tụng hình sự liên quan đến bảo đảm quyền con người và quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013. Đặc biệt hai Bộ luật này có nhiều quy định mới về chính sách hình sự liên quan đến hoạt động thi hành án hình sự trong đó có chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Bên cạnh hai bộ luật lớn này, thì các văn bản pháp luật liên quan trong đó có Luật Thi hành án hình sự (THAHS) năm 2010 cũng cần phải được sửa đổi, bổ sung cho thống nhất, phù hợp.
Qua nghiên cứu Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự năm 2010 (sau đây gọi tắt là Dự thảo)[1] quy định về “Tha tù trước thời hạn có điều kiện”, chúng tôi nhận thấy, về nội dung và kỹ thuật lập pháp vẫn còn những điểm chưa thống nhất với các quy định trong BLHS và BLTTHS năm 2015. Bên cạnh đó, vẫn còn một số quy định chưa đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Trong nội dung bài viết này, chúng tôi tập trung kiến nghị sửa đổi các quy định của Dự thảo về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, quyền và nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện và bổ sung thêm điều luật về quyền và nghĩa vụ của người tham gia giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Thứ nhất, Điều 1 Dự thảo quy định về phạm vi điều chỉnh, tuy nhiên những nội dung bổ sung của Dự thảo chỉ tập trung vào biện pháp tư pháp; thi hành bản án, quyết định về đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội; quyền, nghĩa vụ của người, pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp mà điều luật không đề cập đến tha tù trước thời hạn có điều kiện. Xét về các hoạt động được quy định trong phạm vi điều chỉnh này, không có nội dung nào liên quan đến tha tù trước thời hạn có điều kiện. Do đó, chúng tôi cho rằng điều luật cần bổ sung cụm từ: “tha tù trước thời hạn có điều kiện” để đảm bảo sự đầy đủ, thống nhất giữa phạm vi điều chỉnh và các điều luật khác trong Dự thảo. Như vậy Điều 1 Dự thảo sẽ được bổ sung như sau: “Luật này quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về thi hành án phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tha tù trước thời hạn có điều kiện, biện pháp tư pháp; thi hành bản án, quyết định về đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội; quyền, nghĩa vụ của người, pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp”.
Thứ hai, khoản 6 Điều 3 về giải thích từ ngữ quy định: “Thi hành Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách”.
Trong nội dung điều luật này không quy định rõ là quyết định tha tù của cơ quan nào, trong khi các điều luật khác đều chỉ rõ đó là quyết định của Tòa án về tha tù trước thời hạn có điều kiện (ví dụ: Điều 49đ, 49e… của Dự thảo). Do đó, chúng tôi kiến nghị bổ sung vào khoản 6 Điều 3 của Dự thảo sau từ “Quyết định” là “của Tòa án về” và sau cụm từ “quản lý” là “giám sát, giáo dục”. Như vậy, khoản 6 Điều 3 sẽ được chỉnh sửa như sau: “Thi hành Quyết định của Tòa án về tha tù trước thời hạn có điều kiện là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách”.
Thứ ba, cũng liên quan đến việc quy định về quyết định của Tòa án về tha tù trước thời hạn có điều kiện, chúng tôi kiến nghị tiêu để của Điều 49e cũng cần bổ sung cụm từ “có điều kiện” cho đầy đủ, chính xác. Theo đó, Điều 49e được bổ sung như sau: Điều 49e. Giải quyết trường hợp phạm nhân đã được đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện mà vi phạm trước khi có quyết định tha tù trước thời hạn “có điều kiện” của Tòa án.
Thứ tư, Điều 18 của Dự thảo về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thi hành án hình sự cũng cần bổ sung cụm từ “quản lý, giám sát, giáo dục” khi quy định về việc Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với các đối tượng phải chấp hành án tại địa phương. Nghiên cứu khoản 2 Điều 9 Thông tư số 12/2018/TT-BCA ngày 17/05/2018 của Bộ Công an qui định về việc tha tù trước thời hạn có điều kiện, cho thấy: “Trưởng Công an cấp xã giao cho 01 cán bộ hoặc công an viên để giúp đỡ cho Trưởng Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện”.[2] Như vậy “quản lý, giám sát, giáo dục” là một cụm từ đi liền nhau chỉ trách nhiệm, hoạt động của những người có thẩm quyền trong việc thi hành quyết định của Tòa án về tha tù trước thời hạn có điều kiện. Nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã không chỉ là quản lý đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện mà còn làm nhiệm vụ giám sát, giáo dục. Chúng ta cũng biết, mục đích của tha tù trước thời hạn có điều kiện là kết hợp sự thuyết phục và giáo dục với sự cưỡng chế và cải tạo – lao động. Với chính sách nhân đạo này, Nhà nước ta luôn đặt mục đích giáo dục, giúp đỡ người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, mong muốn họ sẽ trở thành công dân có ích cho xã hội sau khi đã chấp hành án xong. Do đó các biện pháp về quản lý, giám sát kết hợp với giáo dục cần được đồng bộ và nhịp nhàng mới đạt được hiệu quả cao đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Như vậy, Điều 18 sẽ được bổ sung như sau: “Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân, quyết định thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo và quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Công an cấp xã tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này.”
3. Bàn về Quyền của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện
Quyền và nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện là những quy định rất quan trọng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cho họ, cũng như khi nghiên cứu, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có thể xác định rõ được các quyền và nghĩa vụ của mình khi thực hiện. Về quy định này trong Dự thảo (Điều 49a: Quyền của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện và Điều 49b: Nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện), chúng tôi có một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, cần bổ sung khái niệm về người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Hiện nay trong cả BLHS, BLTTHS cũng chỉ quy định về điều kiện và thủ tục xét tha tù trước thời hạn có điều kiện mà không quy định thế nào là người được tha tù có điều kiện, các quyền và nghĩa vụ của họ khi được áp dụng các điều kiện, thủ tục này. Dự thảo có 2 điều luật quy định về quyền và nghĩa vụ của người bị kết án được tha tù trước thời hạn có điều kiện là hoàn toàn cần thiết, tuy nhiên ngoài các quy định về quyền và nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện cũng cần xác định rõ thế nào là người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Thứ hai, cần quy định cụ thể hơn về ngày trình diện của người được tha tù. Khoản 1 Điều 49b Dự thảo quy định: “Sau khi được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải trình diện ngay. Khi đến trình diện phải mang theo các giấy tờ…”. Việc quy định “sau khi được tha tù”, “phải trình diện ngay” là khá chung chung dẫn đến việc thực hiện khó khăn. “Sau khi được tha tù” là tính từ thời điểm nào? Và như thế nào là “trình diện ngay”? Trình diện ngay trong ngày được tha tù hay ngày nào? Chúng tôi cho rằng nên xác định cụ thể số ngày người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đến trình diện sẽ hợp lý hơn. Theo chúng tôi nên quy định là “trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được tha tù phải đến trình diện…”.
Thứ ba, cần bỏ quy định tại khoản 2 Điều 49b về: “chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung”. Bởi vì trong điểm d khoản 1 Điều 66 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về điều kiện được áp dụng tha tù trước thời hạn có điều kiện là: “d) Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí;” và khoản 1 Điều 368 BLTTHS năm 2015 quy định về hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn thì một trong những tài liệu phải có trong hồ sơ đó là: “Văn bản, tài liệu thể hiện việc chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí, các nghĩa vụ dân sự” (điểm d, khoản 1 Điều 368 BLTTHS). Như vậy, đây là một trong những điều kiện để xem xét người bị kết án phạt tù đó có được áp dụng thủ tục tha tù trước thời hạn có điều kiện hay không.Vì vậy, khoản 2 Điều 49b quy định về việc: “chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung” khi được áp dụng biện pháp này là bất hợp lý, vì trước khi làm đơn xin tha tù trước thời hạn, họ đã phải chấp hành xong hình phạt bổ sung thì mới đủ điều kiện để được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện. Do đó, chúng tôi cho rằng cần bỏ cụm từ: “chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung” ra khỏi nội dung của khoản 2 Điều 49b của Dự thảo. Như vậy, quy định này chỉ còn như sau: “chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập”. Cũng có ý kiến cho rằng hình phạt bổ sung còn có các hình phạt như quản chế hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú thì việc đề nghị bỏ cụm từ: “chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung” có hợp lý không? Chúng ta thấy, quản chế là hình phạt bổ sung được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do BLHS quy định (Điều 43 BLHS năm 2015), do đó những đối tượng này không thuộc trường hợp áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện.Bên cạnh đó, hình phạt bổ sung cấm cư trú áp dụng đối với người bị kết án phạt tù không được tạm trú hoặc thường trú ở một số địa phương nhất định (Điều 42 BLHS năn 2015) trong khi biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện chỉ là có nơi cư trú rõ ràng chứ không bị cấm cư trú ở bất kỳ địa phương nào. Do đó, đối với những người bị kết án phạt tù khi có hình phạt bổ sung này phải thực hiện sau khi chấp hành án phạt tù xong sẽ không thuộc đối tượng được áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện. Hơn nữa, các hình phạt bổ sung trên chỉ được thực hiện sau khi người bị kết án phạt tù chấp hành xong bản án, còn tha tù trước thời hạn có điều kiện là biện pháp được áp dụng với người đang chấp hành bản án phạt tù khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 66 BLHS.
Thứ tư, về kỹ thuật lập pháp, chúng tôi cho rằng nên gộp chung 2 điều (Điều 49a và Điều 49b) thành một điều luật là: Quyền và nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện để đảm bảo tính khoa học của kỹ thuật lập pháp, khi mà quyền và nghĩa vụ của một chủ thể luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Bên cạnh đó bổ sung chữ“được” và “của cá nhân, cơ quan, tổ chức” vào khoản 6 Điều 49a để đảm bảo sự rõ ràng, đầy đủ cho điều luật.
Từ những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 49 a, b như sau:
“Điều 49 a, b. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện:
1. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện là người đang chấp hành án phạt tù khi có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 66 của Bộ luật hình sự, xét thấy không cần buộc họ phải tiếp tục chấp hành hình phạt tù trong các cơ sở giam giữ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định cho họ được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
2. Quyền của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện
…
e) Được khiếu nại quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện và quyết định rút ngắn thời gian thử thách và các hành vi vi phạm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong thời gian thử thách;
…
3. Nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện
a) Sau khi được tha tù trước thời hạn có điều kiện, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được tha tù phải đến trình diệntại Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã nơi về cư trú và đăng ký tạm trú, thường trú theo quy định của Luật cư trú.
b) Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập.
…”.
Hiện nay, quy định về việc quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án tại địa phương trong đó có người được tha tù trước thời hạn có điều kiện tập trung vào một số điều như Điều 18 và khoản 3 Điều 49n. Theo Điều 18 Dự thảo thì: “Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân, quyết định thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo và quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Công an cấp xã tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này.” Và khoản 3 Điều 49n quy định về người được giao quản lý, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đó là: “Các tổ chức chính trị – xã hội và các cá nhân, thân nhân gia đình có trách nhiệm tham gia quản lý, giám sát và giáo dục, giúp đỡ người được tha tù trước thời hạn có điều kiện”. Còn trong Điều 9 Thông tư số 12/2018/TT-BCA ngày 17/05/2018 của Bộ Công an qui định về việc tha tù trước thời hạn có điều kiện lại quy định về Thực hiện phân công người quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện như sau: “1. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ tha tù trước thời hạn có điều kiện, Công an cấp xã báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc tiếp nhận hồ sơ tha tù trước thời hạn có điều kiện; lựa chọn và đề xuất Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định phân công người quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện (sau đây gọi là người quản lý, giám sát, giáo dục.2. Trưởng Công an cấp xã giao cho 01 cán bộ hoặc công an viên để giúp đỡ cho Trưởng Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện”.
Song song với việc sửa đổi, bổ sung Luật THAHS năm 2010, Thủ tướng Chính phủ cũng có quyết định về phê duyệt đề án triển khai thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện cho các địa phương trên cả nước. Một số nội dung nêu rõ: “Bố trí kinh phí trong dự toán kinh phí hàng năm của địa phương để bảo đảm thực hiện công tác này; có chính sách huy động, khuyến khích các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân tham gia công tác quản lý, giám sát, giáo dục và giúp đỡ người được tha tù trước thời hạn có điều kiện ổn định cuộc sống, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật”.[3] Trên cơ sở quy định này, các địa phương đã có các văn bản về kế hoạch thực hiện đề án triển khai thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện. Ví dụ, tại kế hoạch số 1882 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu nêu rõ: “Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, cá nhân tham gia quản lý, giám sát và giáo dục, giúp đỡ người được tha tù trước thời hạn phối hợp với chính quyền, gia đình quản lý, tư vấn, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện chấp hành đúng các quy định của pháp luật, quy định bắt buộc đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Tạo điều kiện cho họ có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống và trở thành người có ích cho xã hội”.[4] Tuy nhiên, để các bộ ngành triển khai một cách đồng bộ thì các quy định trong Dự thảo cần rõ ràng, đảm bảo được quyền cũng như nghĩa vụ của người tham gia giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Người tham gia giám sát, giáo dục đóng vai trò quan trọng vừa là người theo dõi, giáo dục người tha tù trước thời hạn có điều kiện, vừa là người bảo đảm cho các cam kết của người tha tù trước thời hạn có điều kiện được thực hiện có hiệu quả. Người tham gia giám sát, giáo dục là người gần gũi nhất với người tha tù trước thời hạn có điều kiện nên họ phải là người hợp tác, kết nối được người tha tù có điều kiện với cộng đồng xã hội, với chính quyền địa phương, tạo cơ hội gắn bó gia đình, việc làm, sinh hoạt… của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Theo quy định trong các điều luật trên thì tại địa phương, người quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện sẽ là một người (cán bộ hoặc Công an viên) của Công an xã. Khi thi hành, các tổ chức chính trị xã hội và các cá nhân, thân nhân gia đình có trách nhiệm tham gia giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, tuy nhiên lại không có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ cho họ thì khi thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Khi quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thì cán bộ của Ủy ban nhân dân xã hay Công an viên của Công an xã hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của họ theo quy định của ngành Công an hoặc của Ủy ban nhân xã. Tuy nhiên các cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia giám sát, giáo dục lại chưa được quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ.
Ở một số nước như Thái Lan, Nhật Bản, Philippines còn quy định ngoài cơ quan quản chế làm nhiệm vụ quản lý người bị quản chế còn có những người tham gia giám sát, giáo dục họ. Đó là những tình nguyện viên ở các địa phương (thường là những người đã về hưu và những người làm công tác tình nguyện) để tham gia giám sát, giáo dục người bị kết án giáo dục tại địa phương. Càng nhiều người nhận giám sát, giáo dục một người thì sự hiệu quả càng cao vì họ có thể phân công thời gian hợp lý để theo dõi, giám sát, giúp đỡ người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Những người giám sát được thanh toán tiền phương tiện đi lại, được cấp thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh miễn phí…[5]
Do đó, chúng tôi cho rằng Dự thảo cần có một điều luật riêng quy định về quyền và nghĩa vụ của người tham gia giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Trước hết, những người này không phải là người thực hiện chức năng quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện như cán bộ Ủy ban nhân dân xã hay Công an viên thuộc Công an xã nên họ sẽ không tham gia quản lý mà chỉ tham gia giám sát, giáo dục. Cụ thể như sau:“Điều… Quyền và nghĩa vụ của người tham gia giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện
1. Người tham gia giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện là người thuộc các tổ chức chính trị, xã hội tại địa phương và thân nhân của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện hoặc là các cá nhân, tổ chức tình nguyện được giao nhiệm vụ giám sát, giáo dục người được tha tù có điều kiện bảo đảm sự chấp hành của họ tại địa phương theo quy định của pháp luật.
Là người thành niên, có tư cách đạo đức tốt;
Một người có thể nhận giám sát, giáo dục nhiều người được tha tù trước thời hạn có điều kiện và một người tha tù trước thời hạn có điều kiện phải có ít nhất 2 người giám sát, giáo dục.
2. Quyền:
– Được thanh toán và hỗ trợ các khoản chi phí đi lại, phụ cấp theo quy định của pháp luật, khám chữa bệnh định kỳ miễn phí và các quyền lợi khác (nếu có).
– Tham gia các hoạt động tập huấn về giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
3. Nghĩa vụ:
– Người được giao nhiệm vụ tham gia giám sát, giáo dục có nghĩa vụ giám sát chặt chẽ người được tha tù trước thời hạn có điều kiện và giúp đỡ người được tha từ trước thời hạn có điều kiện được học tập, có việc làm, tham gia các hoạt động công ích tại cộng đồng…
– Trường hợp người được tha tù có điều kiện có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có dấu hiệu vi phạm cam kết thì người tham gia giám sát, giáo dục phải kịp thời thông báo và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời”.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần phát động việc thành lập các tổ chức tình nguyện tại địa phương, tổ chức các buổi lao động, sinh hoạt cộng đồng, khám chữa bệnh miễn phí, hướng dẫn cai nghiện rượu, ma túy, hạn chế nạn cờ bạc… cho người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Điều này không những giảm được các chi phí cho địa phương khi có người chấp hành án tại địa phương mà còn tăng cường được công tác giám sát đối với họ, gắn kết họ với cộng đồng, hạn chế được các tệ nạn (có thể) phát sinh như các hành vi bạo lực, nghiện rượu, ma túy, cờ bạc… tại địa phương. Ở một số địa phương hiện nay đã và đang làm khá tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành án xong trở về địa phương như TP. Hồ Chí Minh. Theo báo cáo sơ kết Nghị định số 80/2011- NĐ-CP ngày 16/09/2011 quy định các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, giai đoạn 2011 – 2017 của Công an TP. Hồ Chí Minh, tổng số quản lý, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù cư trú trên địa bàn thành phố là 34.430 người; trong đó số tiếp nhận mới người chấp hành xong án phạt tù về cư trú trên địa bàn thành phố là 20.545 người. Thông qua công tác quản lý, giáo dục, phân loại 34.430 người chấp hành xong án phạt tù đang cư trú tại địa phương, có 23.861 lượt người tiến bộ (chiếm tỷ lệ 69,30%), 8.265 người chưa thật sự tiến bộ (chiếm tỷ lệ 24%), 2.304 người có điều kiện, khả năng phạm tội (chiếm tỷ lệ 6,69%).[6] Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự Công an TP. Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng nhiều mô hình quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư như: mô hình 5+1, 6+1, mô hình: “Địa chỉ đáng tin cậy tại cộng đồng”, mô hình: “Xe bánh mì cộng đồng”, “Tổ dân phố nghĩa tình”… Ngoài ra, Công an TP. Hồ Chí Minh đã chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Hội doanh nghiệp thành phố, Sở Nội vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố thành lập và ra mắt Quỹ “Vì bình yên cuộc sống”, trong đó một phần kinh phí được sử dụng để giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù trở về tái hòa nhập cộng đồng, giúp họ tìm kiếm việc làm và ổn định cuộc sống.[7] Điều đó cho thấy, công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trở về hòa nhập cộng đồng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phố trong cả nước có những hiệu quả nhất định, là cơ sở, nền móng cho việc chúng ta thực hiện hoạt động quản lý, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện khi họ trở về địa phương.
Trong thời gian thử thách tại cộng đồng, người bị kết án được tha tù trước thời hạn phải tuân thủ các điều kiện mà cơ quan có thẩm quyền đặt ra, các điều kiện này có thể là: trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; định kỳ báo cáo hoạt động của mình với cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát, giáo dục; không được đi khỏi nơi cư trú khi chưa được phép; bắt buộc cai nghiện rượu, cai nghiện ma túy, không được làm một số công việc nhất định…
Trên đây là một số đóng góp của chúng tôi cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THAHS năm 2010. Chúng tôi tập trung kiến nghị sửa đổi các quy định của Dự thảo về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, quyền và nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, và bổ sung thêm điều luật về quyền và nghĩa vụ của người tham gia giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Các kiến nghị của chúng tôi nhằm bảo đảm hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, đồng thời bảo đảm cho các quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện được đầy đủ, thống nhất cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp./.
Xem thêm bài viết về “Luật Thi hành án hình sự 2010”
- Góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự 2010 về những quy định chung – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
- Bảo đảm quyền của người chưa thành niên là con của phạm nhân trong pháp luật Thi hành án hình sự Việt Nam – ThS. Vũ Thị Thúy & ThS. Nguyễn Thị Kiều Oanh
- Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự 2010 về Quản lý, giam giữ phạm nhân – ThS. Hoàng Đức Mạnh
CHÚ THÍCH
[1] Dự thảo 2, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự số 53/2010/QH12.
[2] Bộ Công an, Thông tư số 12/2018/TT-BCA ngày 17/05/2018 của Bộ Công an qui định về việc tha tù trước thời hạn có điều kiện.
[3] Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quyết định số 1461/TTg về phê duyệt đề án triển khai thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện của, Hà Nội ngày 22/07/2016
[4] Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, Kế hoạch số 1882/ KH-UBND, Kế hoạch thực hiện đề án triển khai thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện địa bàn tỉnh Lai Châu, Lai Châu ngày 12/10/2017
[5] Xem: Probation Act, BE.2559 (2016) Bhumibol adulyadej, rex., 29th of September, B.E2559, Thailand; Offenders Rehabilitation Act (Act No. 88 of June 15, 2007), Japan; Executive Order No. 468, s. 2005, Manila, http://www.officialgazette.gov.ph/2005/10/11/executive-order-no-468-s-2005/, truy cập ngày 10/7/2018.
[6] Công an TP. Hồ Chí Minh, Báo cáo số 1173, Sơ kết giai đoạn 2011-2017 của Công an TP. Hồ Chí Minh về việc thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, TP. Hồ Chí Minh, 2017.
[7] Nguyễn Nhật Cường, “Góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án hình sự về công tác quản lý và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với người đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương”, Hội thảo Quốc tế: Góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự, Hồ Chí Minh 07/06/2018, tr. 231.
- Tác giả: ThS. Đỗ Thị Phượng
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08(120)/2018 – 2018, Trang 32-39
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời