Mục lục
Góp ý Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự 2010 về tái hòa nhập cộng đồng
TÓM TẮT
Tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù về địa phương là một chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, góp phần tích cực xóa bỏ nguyên nhân và điều kiện vi phạm pháp luật, tái phạm tội của những người đã chấp hành xong án phạt tù về địa phương sinh sống. Vì vậy thời gian qua, công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù luôn được chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn quan tâm và chỉ đạo thực hiện dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành như: Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 quy định các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Thông tư số 71/2012/TT-BCA ngày 27/11/2012 của Bộ Công an, Quy định về phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các đơn vị Công an nhân dân trong việc thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù… do đó, đã tạo điều kiện thuận lợi giúp cho người chấp hành xong án phạt tù mau chóng tái hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định và khả năng tự nuôi sống được bản thân, góp phần tích cực vào hoạt động phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được còn một số khó khăn vướng mắc trong thực tiễn dẫn đến hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng chưa cao, nhiều người sau khi chấp hành án xong vẫn vi phạm pháp luật. Trong phạm vi bài viết này, tác giả bàn về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng trong Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và Dự thảo sửa đổi Luật Thi hành án hình sự, qua đó, kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện để bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân.
Xem thêm bài viết về “Tái hòa nhập cộng đồng”
Thi hành án hình sự liên quan trực tiếp đến bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và xác định thi hành án hình sự là công tác lớn, quan trọng nên ngày 17/6/2010, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật thi hành án hình sự, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011.Việc ban hành Luật đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung, trong lĩnh vực thi hành án hình sự nói riêng, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước đối với người chấp hành án, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và bảo đảm tốt hơn quyền tự do, dân chủ của công dân.
Tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt trở về địa phương là một trong những nội dung rất quan trọng, đảm bảo cho công tác thi hành án hình sự được toàn diện. Một mặt giúp cho người chấp hành án về địa phương không bị mặc cảm, tự ti, nhanh chóng giúp họ ổn định cuộc sống để trở thành người có ích cho xã hội, mặt khác đây là biện pháp phòng ngừa nguyên nhân và điều kiện vi phạm pháp luật, tái phạm tội của người đã chấp hành xong án phạt tù. Do đó, tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù góp phần thực hiện chính sách an ninh xã hội, góp phần bảo đảm các quyền con người, quyền công dân và an ninh con người trong thời đại ngày nay.
1. Khái niệm về tái hòa nhập cộng đồng
Theo Từ điển tiếng Việt “tái hòa nhập” là “sự trở lại, sự trở về”,[1] còn trong Từ điển bách khoa Công an nhân dân “là tái hoàn lương”.[2] Qua việc nghiên cứu công trình “Thực trạng và giải pháp quản lý giáo dục tù tha tái hòa nhập cộng đồng ở Việt Nam” của PGS-TS Nguyễn Quốc Nhật, theo tác giả tái hòa nhập cộng đồng được hiểu “là quá trình bình thường hóa các mối quan hệ xã hội của người tù tha về để họ hội nhập với gia đình và cộng đồng nơi cư trú với tư cách là một thành viên của gia đình, một công dân tốt của xã hội; là quá trình tác động tích cực của các chủ thể bằng hệ thống các biện pháp nhằm giúp đỡ những người có quá khứ tội lỗi, xóa bỏ mặc cảm của cộng đồng đối với họ và của bản thân họ đối với cộng đồng, gia đình và xã hội để họ trở về là người dân lương thiện sống hòa đồng trong cộng đồng”.[3]
Bên cạnh đó, qua công trình nghiên cứu của Lê Hồng Phong về “Hoạt động bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù của Công an cấp xã”, tác giả cho rằng tái hòa nhập cộng đồng “là quá trình lực lượng Công an cấp xã sử dụng tổng hợp các biện pháp theo quy định của pháp luật phát huy vai trò của hệ thống chính trị và nhân dân tại cơ sở để quản lý, giáo dục những người chấp hành xong án phạt tù nhằm giúp đỡ họ sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập với gia đình, cộng đồng xã hội, phấn đấu trở thành công dân có ích cho xã hội; phòng ngừa họ tái phạm tội”.[4]
Như vậy, các khái niệm trên đã nêu lên được những nét đặc trưng của tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù, kể cả về mặt xã hội và pháp lý. Tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù không chỉ xóa bỏ được những quá khứ lỗi lầm, mặc cảm mà còn tạo cơ hội bình thường hóa để họ hòa nhập cộng đồng; đồng thời nêu được mục đích của tái hòa nhập cộng đồng không chỉ là biện pháp quản lý mà còn là biện pháp giáo dục nhằm xóa bỏ những nhận thức sai lầm, xây dựng, hình thành cho họ những giá trị đạo đức mới, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của xã hội để họ thực sự trở thành công dân tốt. Tuy nhiên, theo các khái niệm này có thể hiểu rằng các hoạt động giúp cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng được thực hiện cho những người đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, cách hiểu này được căn cứ vào khoản 1 Điều 2 Nghị định số 80/2011/NĐCP quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.[5]
Tuy nhiên theo GS-TS Võ Khánh Vinh, “tái hòa nhập cộng đồng là một quá trình liên tục được hình thành bới các giai đoạn khác nhau, nối tiếp nhau. Bắt đầu từ việc chuẩn bị cho người phạm tội đang chấp hành hình phạt tù những điều kiện cần thiết về nhận thức, tâm lý và một số kỹ năng lao động trong quá trình giáo dục, cải tạo nơi giam giữ và kết thúc khi họ tạo lập được cuộc sống bình thường trong xã hội”.[6] Theo quan điểm này, tái hòa nhập cộng đồng là cả một quá trình và là khoảng thời gian dài, được thực hiện từ khi phạm nhân bắt đầu chấp hành án cho đến khi họ thật sự trở lại cuộc sống bình thường trong xã hội. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này, bởi vì tái hòa nhập cộng đồng không chỉ thực hiện sau khi họ đã chấp hành án mà còn được thực hiện ngay từ giai đoạn phạm nhân đang thi hành án (thông qua các hoạt động giáo dục, đào tạo nghề, hướng nghiệp… tại các trại giam) và được xem như là một điều kiện cần thiết để bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng của phạm nhân. Hoạt động này kết thúc khi phạm nhân đã chấp hành xong án phạt tù, hoàn lương và thật sự trở về với cuộc sống xã hội. Như vậy, đây là cả một quá trình cần phải được thực hiện liên tục, nối tiếp nhau để bảo đảm nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên, ở khái niệm này, tác giả chưa nêu cụ thể trong quá trình thực hiện tái hòa nhập cộng đồng phải thực hiện cụ thể những nội dung nào, mà mới chỉ nêu khái quát tái hòa nhập cộng đồng là một quá trình rất dài được tính từ khi phạm nhân bắt đầu chấp hành án và chỉ thực sự kết thúc khi họ tự tạo lập cuộc sống của bản thân trong xã hội. Thực tế cho thấy những người bị kết án phạt tù bị buộc phải chấp hành án tại các trại giam, họ bị cách ly hoàn toàn với cuộc sống của xã hội bên ngoài; sống và làm việc theo các nội quy được quy định tại trại giam. Sau một khoảng thời gian chấp hành án phạt, họ sẽ có những suy nghĩ, nhận thức lạc hậu so với thực tiễn cuộc sống, có tâm lý mặc cảm, tự ti, xa lánh mọi người khi trở về địa phương. Do đó, để khắc phục những vấn đề trên và bảo đảm công tác tái hòa nhập cộng đồng sau này, phạm nhân trong quá trình chấp hành án được giáo dục về đạo đức, văn hóa, pháp luật, được lao động và học tập nghề. Bên cạnh đó, sau khi chấp hành án xong, nhiều người gặp khó khăn trong đời sống kinh tế, việc làm và định kiến của xã hội khiến họ có suy nghĩ, cảm nhận không đúng. Lúc này rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhằm tạo việc làm và giúp đỡ họ về mặt tâm lý, tạo điều kiện để họ bình thường hóa các quan hệ xã hội, nhận được sự chia sẻ, cảm thông của xã hội; giúp họ mau chóng tái hòa nhập cộng đồng trở về cuộc sống bình thường.
Từ những phân tích nêu trên và kế thừa quan điểm của GS-TS Võ Khánh Vinh, theo chúng tôi, tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành án phạt tù là “là một quá trình trang bị kiến thức văn hóa, nhận thức pháp luật, tâm lý, kỹ năng nghề nghiệp được bắt đầu từ khi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù cho đến khi họ đã thật sự trở về với cuộc sống xã hội nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập với gia đình, cộng đồng và phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội dưới sự tác động, giúp đỡ tích cực của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội cùng với sự cố gắng của bản thân người đã phạm tội”.
Căn cứ vào văn bản pháp luật hiện hành như: Luật Thi hành án hình sự năm 2010;[7] Nghị định số 80/2011/NĐ-CP quy định các biện phảp đảm bảo việc tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù;[8] Thông tư liên tịch số 02/2012/TNLT-BCA-BQP-BTP-BGDĐT hướng dẫn việc tổ chức dạy văn hóa, giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, phổ biến thông tin thời sự, chính sách và thực hiện chế độ sinh hoạt, giải trí cho phạm nhân; Thông tư số 44/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chính sách đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù,[9] công tác tái hòa nhập cộng đồng được thực hiện trong quá trình phạm nhân chấp hành án thông qua các hoạt động như: giáo dục văn hóa, đạo đức, kiến thức pháp luật; đào tạo nghề, thăm gặp nhân thân; quá trình lao động cải tạo tại trại giam… và sau khi chấp hành án xong được thể hiện bằng một số hoạt động của các cơ quan chức năng có liên quan như hỗ trợ vay vốn, tìm việc làm, giáo dục về nhận thức, tư tưởng cho phạm nhân, loại bỏ những định kiến trong xã hội để họ thật sự trở về cuộc sống bình thường.
2. Một số điểm mới trong Dự thảo Luật Thi hành án hình sự có liên quan đến tái hòa nhập cộng đồng
Thực tiễn thi hành án hình sự thời gian qua cho thấy, về cơ bản các quy định của Luật Thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý phục vụ có hiệu quả công tác thi hành án hình sự, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung, trong lĩnh vực thi hành án hình sự nói riêng, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước đối với người chấp hành án, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và bảo đảm tốt hơn quyền tự do, dân chủ của công dân.
Tuy nhiên, qua thời gian áp dụng, Luật Thi hành án hình sự năm 2010 cũng đã bộc lộ những bất cập cần được sửa đổi bổ sung, đồng thời phù hợp với tình hình hiện nay khi tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 và tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ giữa các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự khắc phục một số bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật yêu đặt ra cần phải được sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự là cần thiết.
Để bảo đảm công tác tái hòa nhập cộng đồng, Dự thảo Luật cũng đã có những sửa đổi bổ sung quan trọng, cụ thể:
– Quy định thời gian học tập về pháp luật, giáo dục công dân, văn hóa, dạy nghề… Dự thảo đã bổ sung thời gian học tập cụ thể nhằm nâng cao chất lượng học tập cho phạm nhân, đồng thời là căn cứ cụ thể để trại giam tổ chức các lớp học đúng quy định. Theo đó, phạm nhân phải học pháp luật, giáo dục công dân và được học văn hóa, học nghề. Phạm nhân chưa biết chữ phải học văn hóa để xóa mù chữ. Phạm nhân là người nước ngoài được khuyến khích học tiếng Việt. Thời gian học tập mỗi tuần 02 buổi, mỗi buổi 04 giờ và được nghỉ ngày chủ nhật, lễ, tết theo quy định của pháp luật. Căn cứ yêu cầu quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân và thời hạn chấp hành án, trại giam, trại tạm giam tổ chức dạy học cho phạm nhân; tùy điều kiện thực tế, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tổ chức dạy học cho phạm nhân.[10]
– Chế độ lao động của phạm nhân đã được sửa đổi, bổ sung một số nội dung quan trọng để bảo đảm sức khỏe của phạm nhân trong quá trình lao động, cải tạo đồng thời gia tăng hiệu quả của quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, phạm nhân được tổ chức lao động phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục, hòa nhập cộng đồng; được nghỉ lao động các ngày thứ bảy, ngày chủ nhật, lễ, tết theo quy định của pháp luật. Thời gian phạm nhân lao động không quá 08 giờ trong 01 ngày. Trường hợp đột xuất hoặc thời vụ, Giám thị trại giam có thể yêu cầu phạm nhân làm thêm giờ nhưng không được quá 02 giờ trong 01 ngày. Trường hợp phạm nhân lao động thêm giờ hoặc lao động trong ngày thứ bảy, chủ nhật thì được nghỉ bù hoặc bồi dưỡng bằng tiền, hiện vật. Riêng đối với phạm nhân nữ sẽ được bố trí lao động phù hợp với sức khỏe, độ tuổi, không làm việc nặng nhọc, độc hại; phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con, phạm nhân nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi mà con bị bệnh có xác nhận của y tế sẽ được nghỉ lao động để chăm sóc con…[11]
– Trong quá trình phạm nhân chấp hành án Dự thảo Luật Thi hành án hình sự có sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và cơ sở giam giữ. Một mặt, thân nhân của phạm nhân sẽ tự mình giáo dục phạm nhân qua các cuộc gặp gỡ; mặt khác, có sự kết hợp giữa cơ sở giam giữ đối với gia đình phạm nhân, nếu phạm nhân đó có những sai phạm trong quá trình chấp hành án.[12] Có thể thấy rằng giáo dục phạm nhân hiện nay không phải chỉ có ở cơ sở giam giữ mà còn có sự kết hợp với gia đình phạm nhân. Theo đó định kỳ 06 tháng một lần các cơ sở giam giữ sẽ thông báo tình hình chấp hành án của phạm nhân cho thân nhân của họ; trường hợp phạm nhân vi phạm Nội quy trại giam bị xử lý với hình thức bị phạt giam tại buồng kỷ luật hoặc tại buồng giam riêng thì thông báo ngay cho thân nhân phạm nhân biết để phối hợp giáo dục.
– Về quá trình lao động, học tập của phạm nhân có bổ sung quan trọng như: đối với phạm nhân có thành tích tốt, chấp hành các nội quy trại giam sẽ được khen thưởng bằng nhiều hình thức như: biểu dương, khen thưởng bằng tiền hoặc hiện vật, tăng số lần được gặp thân nhân, số lượng nhận quà tặng. Ngoài ra, phạm nhân được gặp thân nhân mỗi tháng 01 lần mỗi lần gặp không quá 01 giờ, trường hợp đặc biệt thì được kéo dài thời gian nhưng không quá 03 giờ.[13] Phạm nhân được khen thưởng thì được gặp thân nhân thêm một lần trong 01 tháng. Phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy trại giam hoặc lập công thì được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ.[14] Phạm nhân được liên lạc điện thoại trong nước với thân nhân mỗi tháng một lần, mỗi lần không quá 05 phút.[15]
– Ngoài ra còn một sửa đổi bổ sung quan trọng mang tính nhân văn cao và phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về tín ngưỡng tôn giáo.[16] Dự thảo Luật Thi hành án hình sự đã mạnh dạn bổ sung:“Phạm nhân theo tôn giáo được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của Chính phủ và phù hợp với điều kiện quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo”.[17] Quy định này đã thể hiện Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo và thực hiện chính sách tự do, tính ngưỡng tôn giáo với nhân dân. Đồng thời có thể thông qua tôn giáo bằng hệ thống giáo lý, kinh sách cũng giúp cho các phạm nhân bày tỏ nỗi niềm với tín ngưỡng của mình và giúp cho tâm lý con người sống hòa nhã, hiền hậu hơn. Đây cũng là một trong những biện pháp mà theo chúng tôi giúp cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng đạt hiệu quả.
3. Thực trạng người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng
Thời gian quan các cơ quan chuyên môn đã căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành để tổ chức nhiều biện pháp tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Chỉ tính riêng từ năm 2012 đến nay, các địa phương đã tiếp nhận, quản lý 249.831 người chấp hành xong án phạt tù (năm 2012: 32.728 người; năm 2013: 44.952 người; năm 2014: 43.202 người; năm 2015: 57.162 người; năm 2016: 44.996 người; 6 tháng đầu năm 2017: 26.791 người).[18] Các cơ quan chức năng đã tích cực, chủ động phối hợp với Sở Tư pháp, Hội Luật gia, Hội Phụ nữ … mở 5.162 lớp chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho 260.221 phạm nhân. Đa số người chấp hành xong án phạt tù về cư trú ở các địa phương đã được lực lượng công an tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã hội tổ chức tiếp nhận, quản lý tạo điều kiện thuận lợi để họ sớm ổn định cuộc sống như: hướng dẫn, làm thủ tục đăng ký cư trú, cấp chứng minh nhân dân, hỗ trợ giúp đỡ về vốn, giới thiệu việc làm, dạy nghề…
Tuy nhiên, qua số liệu điều tra khảo sát tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy “trong tổng số 2.000 người đã chấp hành xong hình phạt, có 975 người vi phạm pháp luật, tái phạm tội (chiếm tỉ lệ 48,25%)”.[19] Như vậy, bên cạnh những kết quả đạt được tình hình người chấp hành xong án phạt tù về địa phương vẫn còn diễn biến phức tạp, tỉ lệ vi phạm pháp luật, tái phạm tội vẫn còn chiếm tỉ lệ cao (khoản 48,25%). Xét trong tỉ lệ vi phạm pháp luật, tái phạm tội cho thấy đa số nghề mà họ được đào tạo là: trồng trọt, chăn nuôi, đan lát, bóc hạt điều, một số được đào tạo nghề sửa chữa xe máy… nhưng khó có khả năng tìm được công việc ổn định bằng chính nghề nghiệp đã được đào tạo. Nguyên nhân là do một số nghề không phù hợp với thực trạng tình hình tại địa phương dẫn đến những khó khăn nhất định trong quá trình tìm việc làm và ảnh hưởng đến kết quả công tác tái hòa nhập cộng đồng. Do đó, khi trở về địa phương các cơ quan chức năng phải tiến hành đào tạo nghề nghiệp lại từ đầu.
– Về thời gian vi phạm pháp luật, tái phạm tội của người chấp hành hình phạt tù khi trở về hòa nhập cộng đồng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng khác nhau, có người tái phạm ngay sau khi chấp hành xong bản án, có người tái phạm tội sau khi được tha tù 06 tháng, 01 năm, 02 năm hoặc 03 năm. Nhìn chung, phần lớn người chấp hành hình phạt tù trở về xã hội tái phạm tội trong thời gian 3 năm đầu sau khi chấp hành xong bản án. Kết quả nắm tình hình người chấp hành hình phạt tù tái phạm tội trong giai đoạn 2012 – 2017 cho thấy, số tái phạm tội dưới 01 năm sau khi chấp hành hình phạt tù là 26,58%; số tái phạm từ 01 đến 03 năm sau khi chấp hành hình phạt tù là 43,73%; số tái phạm từ sau 03 năm đến 05 năm là 14,61%; số tái phạm trên 05 năm là 15,08%.[20] Kết quả nghiên cứu là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, cũng như nguyên nhân, điều kiện tái phạm tội ở người chấp hành án phạt tù. Trong khoảng thời gian 03 năm đầu sau khi chấp hành án phạt tù trở về địa phương là thời gian họ dễ bị lôi kéo trở lại con đường phạm tội do những rào cản về tâm lý, pháp lý và những khó khăn về gia đình, cuộc sống, hoàn cảnh kinh tế, chưa tìm kiếm được việc làm, bản thân chưa thực sự quyết tâm tiến bộ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người chấp hành xong án phạt tù vi phạm pháp luật, tái phạm khó có thể tái hòa nhập cộng đồng.
Xuất phát từ thực tiễn áp dụng Luật Thi hành án hình sự năm 2010 vẫn còn những bất cập trong các quy định pháp luật dẫn đến hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng chưa cao. Đồng thời, căn cứ vào nội dung Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự,chúng tôi nhận thấy các nhà làm luật tuy đã có một số bổ sung quan trọng, nhưng nhìn chung chưa thể đáp đứng được yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng. Do đó, với quan điểm tái hòa nhập cộng đồng là một quá trình lâu dài được thực hiện ngay từ khi phạm nhân đang chấp hành án và những bất cập trong thực tiễn áp dụng Luật Thi hành án hình sự năm 2010 sẽ còn có những bất cập dẫn đến hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng trong thời gian tới vẫn chưa cao, điển hình là:
– Trong Dự thảo Luật Thi hành án hình sự, các nhà làm luật vẫn chưa đưa phần giải thích từ ngữ để cho các cơ quan áp dụng pháp luật có một cách hiểu cách thống nhất như thế nào là tái hòa nhập cộng đồng, quá trình thực hiện tái hòa nhập cộng đồng bắt đầu từ đâu và khi nào kết thúc. Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 81/2011/NĐ-CP quy định “Đối tượng được áp dụng Nghị định này là phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; người được đặc xá, người chấp hành xong án phạt tù đã trở về cộng đồng (gọi chung là người chấp hành xong án phạt tù)”. Vì thế, trong thực tế, các cơ quan chức năng có thể hiểu rằng công tác tái hòa nhập cộng đồng chỉ được thực hiện khi phạm nhân sắp chấp hành án xong hoặc đã chấp hành xong án phạt tù. Cách hiểu này sẽ dẫn đến công tác tuyên truyền, đào tạo nghề sẽ bị buông lỏng và sẽ mang tính hình thức trong suốt quá trình phạm nhân đang chấp hành án. Trong khi đó, nội dung tuyên truyền giáo dục được Luật Thi hành án hình sự quy định từ khi phạm nhân đang chấp hành án. Như vậy, để chuẩn bị tốt cho công tác tái hòa nhập cộng đồng thì các cơ quan chức năng cần được hiểu quá trình thực hiện tái hòa nhập cộng đồng phải bắt đầu từ giai đoạn thi hành án nhằm kịp thời đưa ra các chương trình, kế hoạch, thời gian cụ thể để tuyên truyền cho phạm nhân tại các cơ sở giam giữ.
– Dự thảo khoản 1 Điều 28 Luật Thi hành án hình sự nhìn chung vẫn giữ nguyên các quy định trước đây, chỉ bổ sung thời gian học tập cụ thể hơn. Sự quy định rõ chế độ học tập, học nghề và được thông tin của phạm nhân, quyết định hiệu quả của công tác giáo dục, lao động, hướng nghiệp dạy nghề cho người chấp hành án trong trại giam có ảnh hưởng không nhỏ tới việc tái hòa nhập cộng đồng với người chấp hành xong án phạt tù. Đây cũng chính là bước chuẩn bị điều kiện để cho người chấp hành xong án phạt tù trở về tái hòa nhập với cuộc sống của cộng đồng. Tuy nhiên, theo quy định của Dự thảo là “thời gian học tập mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi 4 giờ và được nghỉ vào chủ nhật, lễ tết”. Trong khi đó, Điều 29 của Dự thảo lại quy định “Thời gian phạm nhân lao động không quá 08 giờ trong 01 ngày. Trường hợp đột xuất hoặc thời vụ, Giám thị trại giam có thể yêu cầu phạm nhân làm thêm giờ nhưng không được quá 02 giờ trong 01 ngày” cho thấy có sự bất hợp lý về thời gian học tập của phạm nhân ngoài thời gian đi lao động. Bởi lẽ, sau khi lao động phạm nhân đã cảm thấy mệt mỏi chỉ muốn nghỉ ngơi mà lại phải bị tập trung lên hội trường học tập mỗi buổi là 4 giờ thì theo chúng tôi hiệu quả tuyên truyền, giáo dục sẽ không cao. Ngoài ra, Dự thảo còn nêu, đối với cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện tùy vào điều kiện thực tế tổ chức dạy học cho phạm nhân là không hợp lý. Quy định này còn chung chung dẫn đến có thể không thực hiện vì cơ quan chức năng cho rằng không có điều kiện để tổ chức thực hiện. Theo tác giả, đây là vấn đề quan trọng để thực hiện tái hòa nhập cộng đồng, do đó buộc phải thực hiện để mang lại hiệu quả cao.
Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể các nội dung được quy định tại Điểu 28 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 cho nên những sửa đổi bổ sung tại Điều 28 của Dự thảo sẽ tiếp tục phát sinh vướng mắc nếu không có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề học nghề của phạm nhân. Do quy định này cũng còn rất chung chung nên vấn đề đặt ra là phạm nhân đi lao động trước hay học nghề trước? Thực tế cho thấy, nếu các cơ sở giam giữ nhận định rằng tái hòa nhập cộng đồng chỉ được tiến hành sau khi phạm nhân đã chấp hành án xong thì trong giai đoạn phạm nhân đang chấp hành án sẽ đi lao động theo các nội dung công việc của trại giam. Nhưng nếu nhận định rằng tái hòa nhập cộng đồng được tiến hành ngay trong quá trình giam giữ thì quá trình học nghề và lao động của phạm nhân sẽ được tiến hành song song (vừa học nghề, vừa lao động). Ngoài ra, một vấn đề nữa đó là phạm nhân sau khi được đào tạo nghề trong các trại giam nhưng khi họ trở về cuộc sống xã hội thì một số nghề đã được đào tạo không phát huy được tác dụng trong cuộc sống xã hội nơi mà họ đã trở về.
Nguyên nhân của vấn đề này là do công tác điều chuyển phạm nhân đến chấp hành án tại cơ sở nào chủ yếu là do Tổng cục thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp quyết định, một phạm nhân ở miền Tây nhưng có thể được điều chấp hành án tại các cơ sở giam giữ ở Đông Nam Bộ, khu vực miền Trung thậm chí ra đến miền Bắc. Do đó, công tác đào tạo nghề hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình phát triển kinh tế của trại giam nơi mà phạm nhân đang chấp hành án. Như vậy, tùy vào điều kiện của từng trại giam mà công tác đào tạo nghề để tái hòa nhập cộng đồng được thực hiện ở mỗi nơi khác nhau. Điều đó đã dẫn đến tình trạng đào tạo nghề không phù hợp với tính chất vùng miền nơi mà phạm nhân sau khi chấp hành án xong sẽ trở về sinh sống.
Ngoài ra, hiện nay trong công tác giáo dục phạm nhân có quy định nội dung giáo dục có gắn liền với đời sống xã hội như: giáo dục công dân, giáo dục pháp luật, đạo đức, văn hóa, thẩm mỹ, hình thức phong phú đa dạng làm cho phạm nhân hiểu và quan tâm đến những sự kiện lớn trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, quốc tế, đặc biệt đối với những phạm nhân có mức án cao khi hết thời hạn chấp hành án phạt tù trở về với cuộc sống xã hội không lạc hậu, bỡ ngỡ. Tuy nhiên, hoạt động trong công tác giáo dục phạm nhân còn những bất cập, nội dung giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của công tác giáo dục; hình thức, phương pháp giáo dục chưa phong phú. Nguyên nhân của vấn đề này là do việc xây dựng các văn bản pháp luật hướng dẫn công tác giáo dục cải tạo còn thiếu, đã dẫn đến việc chưa được xem đây là điều kiện, tiền đề cho công tác tái hòa nhập cộng đồng. Mặt khác, phạm nhân đang trong thời gian chấp hành án có tinh thần, thái độ khác so với phạm nhân gần chấp hành xong bản án. Theo chúng tôi, đối với phạm nhân gần chấp hành xong hình phạt thì nội dung chủ yếu cần tập trung vào những kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cộng đồng, kỹ năng ứng xử. Do đó, sẽ có nội dung khác so với phạm nhân đang chấp hành án, các cơ sở giam giữ không thể cứ tập trung tuyên truyền đại trà mà phải tùy từng đối tượng, tùy giai đoạn mà có những hình thức khác nhau. Theo chúng tôi, nội dung giáo dục cần phân nhóm, đối với phạm nhân đang chấp hành án thì cần tiến hành những gì, riêng đối với phạm nhân sắp chấp hành án xong (đặc biệt là khoảng 2 tháng gần hết thời gian chấp hành án) cần đào tạo cho họ về kỹ năng sống
Khoản 2 Điều 40 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 tuy không được Dự thảo sửa đổi nhưng trong thực tiễn khi áp dụng cũng gặp một số khó khăn nhất định. Theo đó, vào ngày cuối cùng của thời hạn chấp hành án phạt tù, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh hoàn tất thủ tục theo quy định của pháp luật để trả tự do cho phạm nhân; cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt tù cho người đã chấp hành xong án phạt tù, cấp khoản tiền từ quỹ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, cấp tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường trở về nơi cư trú hoặc nơi làm việc. Tuy nhiên, số tiền này là bao nhiêu thì chưa có văn bản hướng dẫn quy định cụ thể. Bởi vì, tùy theo khoảng cách xa hay gần mà số tiền được cấp từ quỹ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng sẽ khác nhau nên rất cần có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Điều 44 Dự thảo quy định về chế độ hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ đối với phạm nhân có quy định:“Phạm nhân được hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án…”.[21] Trong thực tế hiện nay, để hướng dẫn quy định này có Nghị định 117/2011 ngày 15/12/2011 quy định về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân hướng dẫn: “Mỗi phân trại trong trại giam, khu giam giữ phạm nhân trong trại giam được trang bị 01 hệ thống loa truyền thanh, 01 hệ thống truyền hình cáp nội bộ; mỗi buồng giam tập thể dưới 30 phạm nhân được trang bị 01 máy vô tuyến truyền hình màu có kích thước 21 inch trở lên; buồng giam từ trên 30 phạm nhân được trang bị 01 máy vô tuyến truyền hình màu có kích thước màn hình từ 29 inch trở lên; 30 phạm nhân được phát 01 tờ báo Nhân dân”.[22] Tuy nhiên, trong khoảng thời gian áp dụng Luật Thi hành án hình sự năm 2010, các cơ quan chức năng chưa quy định rõ khoảng thời gian hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình của phạm nhân. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng nhất định trong công tác tuyên truyền nhằm giúp cho phạm nhân nắm rõ tình hình đất nước trong từng thời kỳ, không bị lạc hậu về mặt thông tin và nâng cao được hiệu quả của công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng ngay trong thời gian đang chấp hành án, mặt khác việc cung cấp 01 tờ báo Nhân dân cho 30 phạm nhân là ít về số lượng và chủng loại trong thời điểm hiện tại.
Điều 46 Dự thảo quy định về chế độ gặp thân nhân, nhận tiền đồ vật của phạm nhân quy định: “… Phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy trại giam hoặc lập công thì được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ…”. Đây là quy định mang tính nhân văn, thông qua các lần thăm gặp này chính người vợ hoặc người chồng sẽ là nguồn động viên tinh thần rất lớn để họ có thể nghiêm chỉnh chấp hành các nội quy của trại giam, phấn đấu sửa chữa sai lầm để trở thành người tốt cho xã hội. Tuy nhiên, mỗi lần thăm gặp này phải đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng tránh thai. Xét về khía cạnh pháp lý thì quy định này là đúng để bảo đảm cho phạm nhân là nữ có thời gian, điều kiện để tham gia tốt các hoạt động của trại giam. Nhưng thực tiễn cho thấy có một số phạm nhân là nữ tuổi đời còn trẻ, vợ chồng chưa có con thì quy định này đã vô hình trung tước đi một thiên chức rất thiêng liêng của người phụ nữ đó là “được làm mẹ”. Bởi lẽ, khả năng sinh sản của người phụ nữ cũng có giới hạn trong một độ tuổi nhất định để bảo đảm cho một đứa trẻ có điều kiện, khả năng phát triển một cách bình thường. Nhiều trường hợp người phụ nữ sau khi đã chấp hành án xong thì đã không còn khả năng sinh sản, đây cũng là một thiệt thòi cho chính bản thân và gia đình của phạm nhân nữ. Do đó, thiết nghĩ các nhà lập pháp cần có sự phân hóa độ tuổi của người phụ nữ để họ có thể được có con. Riêng đối với những người đã có con rồi thì không được áp dụng quy định này. Đồng thời sẽ hoàn toàn phù hợp Dự thảo tại Điều 29 khi quy định các nội dung như: phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con, phạm nhân nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được miễn lao động để chăm sóc con đang bị bệnh…[23]
Khoản 2 Điều 47 Dự thảo quy định về chế độ liên lạc điện thoại trong nước đối với thân nhân “Phạm nhân được liên lạc điện thoại trong nước với thân nhân mỗi tháng một lần, mỗi lần không quá 05 phút”. Theo quan điểm của chúng tôi, đây là khoảng thời gian quá ngắn để có thể đủ trao đổi thông tin hai chiều, bởi lẽ thông qua gọi điện thoại không chỉ là hỏi thăm sức khỏe, tình hình gia đình mà còn chính người thân của phạm nhân sẽ trực tiếp giáo dục, động viên, khích lệ tinh thần cho phạm nhân chấp hành án tốt, nhanh chóng trở về trong vòng tay của gia đình. Do đó, cần tăng số phút được nói chuyện, đồng thời đối với phạm nhân chấp hành tốt nội quy có thành tích, có công cũng cần được khen thưởng như quy định tại Điều 46 của Dự thảo.
Điều 51 Dự thảo Luật Thi hành án hình sự quy định: “Trại giam có trách nhiệm giáo dục phạm nhân là người dưới 18 tuổi về văn hóa, pháp luật và dạy nghề phù hợp với độ tuổi, trình độ văn hóa, giới tính và sức khỏe, chuẩn bị điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù. Thực hiện bắt buộc học chương trình tiểu học và học nghề”. Như vậy, so với trước quy định tại Điều 51 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 Dự thảo đã bỏ nội dung người dưới 18 tuổi bắt buộc học chương trình phổ cập trung học cơ sở.[24] Theo chúng tôi, sửa đổi này không phù hợp, bởi lẽ người dưới 18 tuổi trong thời gian này cần phải học thêm các chương trình phổ cập trung học để có thể mau chóng tái hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, trong thực tế, quy định tại Điều 51 gặp rất nhiều khó khăn như: đào tạo tiểu học, phổ cập trung học thì ai sẽ là người đào tạo. Cán bộ quản giáo trong các trại giam hiện nay không thể đảm đương nhiệm vụ này. Nếu đã được đào tạo thì các đối tượng này sẽ được tổ chức hình thức thi như thế nào? Có được cấp bằng tốt nghiệp hay không? Vấn đề này hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn thi hành. Nhưng theo chúng tôi, việc giáo dục trình độ văn hóa là rất quan trọng đối với người chưa 18 tuổi vì họ còn một khoảng thời gian rất dài để có thể sửa chữa, khắc phục lỗi lầm của mình. Do đó, để họ mau chóng tái hòa nhập cộng đồng trở thành người có ích cho xã hội cần phải có các giải pháp hoàn thiện những vấn đề này.
4. Kiến nghị đề xuất
Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc quản lý, giáo dục giúp đỡ người phạm tội, lầm lỡ để họ cải tạo bản thân, hòa nhập với cuộc sống bình thường và có ích cho xã hội là một chính sách lớn thể hiện bản chất nhân đạo của chế độ ta. Trên tinh thần đó chỉ thị số 53-CT/TW ngày 21/3/2000 của Bộ chính trị nêu rõ “cùng với việc chấn chỉnh và thực hiện tốt công tác thi hành án, cần thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý, giúp đỡ những phạm nhân được tha tù, nhằm tiếp tục giáo dục họ trở thành những người lương thiện, hòa nhập với cuộc sống cộng đồng, có ích cho gia đình và xã hội, hạn chế tối đa tình trạng tái phạm”. Như vậy, nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng là một yêu cầu quan trọng nhằm củng cố kết quả giáo dục, cải tạo người bị kết án đã được đặt sau quá trình thi hành án, đảm bảo hiệu quả phòng ngừa tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, giúp cho người chấp hành xong bản án có điều kiện hòa nhập hoàn toàn với xã hội.
Với quan điểm tái hòa nhập cộng đồng là một quá trình liên tục được hình thành bởi các giai đoạn khác nhau, nối tiếp nhau, bắt đầu từ việc chuẩn bị cho người phạm tội đang chấp hành hình phạt tù những điều kiện cần thiết về nhận thức, tâm lý và một số kỹ năng lao động trong quá trình giáo dục, cải tạo nơi giam giữ và kết thúc khi họ tạo lập được cuộc sống bình thường trong xã hội nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để người chấp hành xong án phạt tù sớm hòa nhập với cuộc sống, gia đình, cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội. Đồng thời, căn cứ vào những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Thi hành án hình sự trong quá trình giáo dục, đào tạo của các cơ quan chức năng khi tổ chức các hoạt động tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù, chúng tôi đề xuất những vấn đề sau:
– Tái hòa nhập cộng đồng là cả một quá trình lâu dài bao gồm nhiều giai đoạn và các khâu nối liền với nhau từ lúc phạm nhân được đưa vào trại giam để chấp hành án và thật sự kết thúc khi họ đã thực sự trở về với cuộc sống bình thường như bao người khác. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn có những cách hiểu cho rằng công tác tái hòa nhập cộng đồng chỉ được bắt đầu thực hiện khi mà phạm nhân đã gần chấp hành xong án phạt tù hoặc chỉ được thực hiện sau khi đã chấp hành xong và trở về địa phương. Nguyên nhân này có một phần từ các quy định của văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, cần đưa khái niệm chuẩn liên quan đến tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù vào trong các văn bản quy phạm pháp luật.
– Đề nghị bổ sung Điều 3 Giải thích từ ngữ nội dung sau:
“Tổ chức tái hòa nhập cộng đồng là một quá trình trang bị kiến thức văn hóa, nhận thức pháp luật, tâm lý, kỹ năng nghề nghiệp được bắt đầu từ khi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù cho đến khi họ đã thật sự trở về với cuộc sống xã hội”.
Việc bổ sung khái niệm này sẽ giúp cho các cơ quan chức năng hiểu rõ, tái hòa nhập cộng đồng không chỉ thực hiện sau khi đã chấp hành án xong mà còn phải được thực hiện trong quá trình phạm nhân đang chấp hành án để từ đó có định hướng cụ thể trong các chương trình giáo dục, đào tạo nghề và sự phối hợp với các cơ quan chức năng trong tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng.
– Để bảo đảm tốt cho công tác tái hòa nhập cộng đồng của người chấp hành xong án phạt tù,tại khoản 1 Điều 28 của Dự thảo đề nghị sửa đổi thời gian học tập của phạm nhân cho phù hợp. Đồng thời nhằm đảm bảo nội dung học tập đề nghị bỏ cụm từ “tùy vào điều kiện thực tế” để các cơ quan chức năng phải thực hiện những nội dung này. Ngoài ra, quá trình lao động của phạm nhân cần được tiến hành song song với học nghề để bảo đảm các điều kiện cần và đủ thực hiện tái hòa nhập cộng đồng sau này. Do đó đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau:
“Phạm nhân phải học pháp luật, giáo dục công dân và được học văn hóa, học nghề. Phạm nhân chưa biết chữ phải học văn hóa để xóa mù chữ. Phạm nhân là người nước ngoài được khuyến khích học tiếng Việt. Thời gian học tập pháp luật, giáo dục công dân, văn hóa mỗi tuần 04 buổi, mỗi buổi 01 giờ; Thời gian học nghề được tiến hành song song thời gian lao động của phạm nhân và được nghỉ ngày chủ nhật, lễ, tết theo quy định của pháp luật. Trại giam, trại tạm giam tổ chức dạy học cho phạm nhân; cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tổ chức dạy học cho phạm nhân. Chương trình, nội dung học tập, học nghề của phạm nhân do Chính phủ quy định”.
Để bảo đảm cho công tác chuẩn bị tái hoàn nhập cộng đồng cho phạm nhân gần chấp hành án xong về địa phương,cần thiết có những quy định cụ thể về thời gian và các nội dung quan trọng cần phải có trước khi phạm nhân chấp hành án xong. Do đó, đề nghị bổ sung 01 điều vào Dự thảo Luật Thi hành án hình sự:
Điều… Chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân sắp chấp hành án xong
“Hai tháng trước khi phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù cần được tổ chức tuyên truyền giáo dục về tình hình kinh tế, chính trị – xã hội, đặc biệt là những kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cộng đồng, kỹ năng ứng xử.
Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan có văn bản hướng dẫn thi hành”.
– Đề nghị gia tăng thời gian được liên lạc điện thoại với thân nhân và được tăng thêm một lần gọi điện thoại nếu phạm nhân chấp hành tốt các quy định tại trại giam, có thành tích tốt hoặc lập công được quy định tại Điều 47 của Dự thảo. Theo đó, khoản 2, Điều 47 kiến nghị sửa đổi, bổ sung như sau: “Phạm nhân được liên lạc điện thoại trong nước với thân nhân mỗi tháng một lần, mỗi lần không quá 10 phút, phạm nhân được khen thưởng thì được liên lạc thêm một lần trong tháng…”.
– Đối với phạm nhân dưới 18 tuổi thì công tác giáo dục về văn hóa đóng vai trò đặc biệt quan trọng, đồng thời để bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối tượng này cũng cần có trình độ nhất định và bằng cấp để xã hội công nhận. Do đó, đề nghị sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 51 Dự thảo Luật Thi hành án hình sự như sau:
“Trại giam có trách nhiệm giáo dục phạm nhân là người chưa thành niên về văn hóa, pháp luật và dạy nghề phù hợp với độ tuổi, trình độ văn hóa, giới tính và sức khỏe, chuẩn bị điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù. Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện bắt buộc học chương trình tiểu học, phổ cập trung học cơ sở, học nghề”.
Đề nghị ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Thi hành án hình sự những nội dung sau đây:
Thứ nhất, Bộ Công an có văn bản hướng dẫn về việc điều chuyển phạm nhân chấp hành án tại các cơ sở giam giữ. Ưu tiên cho những phạm nhân có đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn được giam giữ ở những khu vực trại giam có cùng tính chất vùng miền để bảo đảm quá trình giáo dục và đào tạo nghề nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tái hòa nhập cộng đồng sau này.
Thứ hai, một trong những vấn đề có ý nghĩa quyết định đến việc người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng bền vững, không tái phạm tội là có nghề nghiệp, việc làm có thu nhập ổn định; chính vì vậy, ngay trong thời gian chấp hành án phạt tù, phạm nhân phải được học nghề phù hợp với nhu cầu lao động ở địa phương nơi sẽ về cư trú, được tư vấn kỹ năng tìm kiếm việc làm, kỹ năng hòa nhập cộng đồng… sau khi chấp hành xong án phạt tù được hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện dạy nghề, vay vốn, giải quyết việc làm. Do đó, cần tiến hành tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 80/2011/NĐ-CP và Thông tư số 44/2016/TT-BLĐTBXH để đánh giá kết quả công tác tái hòa nhập cộng đồng. Qua đó, kết hợp các nội dung của 2 văn bản quy phạm pháp luật này để hướng dẫn thi hành công tác tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó đặc biệt chú ý đến vấn đề về công tác phối hợp đào tạo nghề tại các trung tâm đào tạo nghề nơi mà phạm nhân đang chấp hành án cũng như tìm hiểu về tâm tư nguyện vọng của phạm nhân muốn được đào tạo những loại nghề nào phù hợp với điều kiện tái hòa nhập cộng đồng để sau khi chấp hành án xong về địa phương, các cơ quan chuyên môn chỉ cần giúp đỡ tạo việc làm đối với nghề đã được đào tạo, đồng thời còn phòng ngừa vi phạm pháp luật, tái phạm. Chúng tôi cho rằng vấn đề này rất phù hợp (rút ngắn thời gian phải chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng) và hạn chế đến mức thấp nhất khả năng tái phạm tội.
Thứ ba, Bộ Công an phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn quy định chi tiết thi hành khoản 2 Điều 40 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 về việc cấp khoản tiền từ quỹ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, cấp tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường trở về nơi cư trú hoặc nơi làm việc cụ thể là bao nhiêu để các cơ quan thi hành có căn cứ áp dụng thống nhất. Vì thực tế mỗi phạm nhân chấp hành án ở các trại khác nhau trên khắp cả nước, do đó cần có quy định cụ thể về cách tính. Ngoài ra, cần phối hợp với các cơ quan như: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Lao động – thương binh và xã hội, Hội phụ nữ để nghiên cứu, xem xét vấn đề phân hóa độ tuổi để phạm nhân nữ có thể được có con trong độ tuổi sinh sản khi đang chấp hành án. Qua đó, xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể thi hành vấn đề này, riêng đối với những phạm nhân nữ đã có con buộc phải áp dụng các biện pháp tránh thai theo quy định.
Thứ tư, Bộ Công an hướng dẫn cụ thể Điều 44 trong Dự thảo về chế độ hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin, tôn giáo của phạm nhân về thời gian hoạt động thể dục thể thao, thời gian xem các chương trình thời sự, tổ chức hoạt động văn nghệ, gia tăng các thể loại báo giấy như: báo Pháp luật, báo Nhân dân, báo Thanh niên, báo Tuổi trẻ… Đặc biệt đối với phạm nhân có tín ngưỡng tôn giáo thì tiến hành như thế thế nào để họ có thể bày tỏ niềm tin với tôn giáo của mình, để tiếp tục sống cải tạo tốt đời, đẹp đạo.
Thứ năm, Bộ Công an và Bộ Giáo dục và đào tạo Hướng dẫn quy định chi tiết khoản 2 Điều 51 khi thực hiện bắt buộc học chương trình tiểu học, phổ cập trung học cơ sở về những vấn đề như: các đối tượng dưới 18 tuổi được tổ chức thi để được cấp bằng tốt nghiệp tiểu học, trung học phổ thông. Cần quy định cụ thể hình thức thi, cách thức tiến hành, vì đây là những đối tượng đặc biệt cần phải có quy định riêng.
Kết luận
Tổ chức tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù là hoạt động có ý nghĩa chính trị, pháp lý, kinh tế, xã hội và mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa và truyền thống của dân tộc Việt Nam; đồng thời, đây là hoạt động quan trọng góp phần tích cực phòng ngừa tội phạm, từng bước tiến tới xóa bỏ nguyên nhân, điều kiện tái phạm tội. Do đó, cần có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn thiện đáp ứng các yêu cầu vừa bảo đảm quá trình chấp hành án của phạm nhân vừa bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi để người đã có hành vi vi phạm pháp luật hoàn lương trở về trong vòng tay yêu thương của cộng đồng và xã hội./.
Xem thêm bài viết về “Luật Thi hành án hình sự 2010”
- Góp ý Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi hành án hình sự 2010 về thi hành án phạt cải tạo không giam giữ – ThS. Nguyễn Thị Ánh Hồng
- Một số ý kiến về người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự 2010 – ThS. Đỗ Thị Phượng
- Góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự 2010 về những quy định chung – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
- Bảo đảm quyền của người chưa thành niên là con của phạm nhân trong pháp luật Thi hành án hình sự Việt Nam – ThS. Vũ Thị Thúy & ThS. Nguyễn Thị Kiều Oanh
- Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự 2010 về Quản lý, giam giữ phạm nhân – ThS. Hoàng Đức Mạnh
CHÚ THÍCH
[1] Viện ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, 2005, tr. 467
[2] Bộ Công an, Từ điển bách khoa Công an nhân dân Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, 2005, tr. 1270 – 1272
[3] Nguyễn Quốc Nhật, thực trạng và giải pháp quản lý giáo dục tù tha tái hòa nhập cộng đồng ở Việt nam, Đề tài khoa học cấp bộ, năm 2002, tr. 41,
[4] Lê Hồng Phong, Hoạt động của lực lượng Công an thành phố Hồ Chí Minh trong bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù, Đề tài khoa học cấp cơ sở, Trường Đại học Cảnh sát, 2015, tr. 10.
[5] Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16/09/2011 “Nghị định này áp dụng đối với phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, người được đặc xá, người chấp hành xong án phạt tù đã trở về cộng động (gọi chung là người chấp hành xong án phạt tù)…..”.
[6] Võ Khánh Vinh, Cao Thị Oanh, Giáo trình Luật Thi hành án hình sự, Nxb. Khoa học xã hội, 2013, tr. 7.
[7] Xem Điều 28, 29, 51, 40, 171 Luật Thi hành án hình sự năm 2010.
[8] Xem Điều 11.
[9] Xem Điều 3.
[10] Khoản 1 Điều 28 Dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi.
[11] Khoản 1 Điều 29 Dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi.
[12] Khoản 1 Điều 39 Dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi.
[13] Khoản 1 Điều 36 Dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi.
[14] Khoản 1 Điều 46 Dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi.
[15] Khoản 2 Điều 47 Dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi.
[16] Xem Điều 24 Hiến pháp năm 2013.
[17] Điều 44 Dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi.
[18] Bộ Công an, Báo cáo sơ kết Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 giai đoạn 2012 – 2017.
[19] Lê Hồng Phong, Hoạt động của lực lượng Công an thành phố Hồ Chí Minh trong đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt từ, Đề tài khoa học cấp cơ sở, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, 2015, tr. 28.
[20] Bộ Công an, Báo cáo của Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP. Hồ Chí Minh từ năm 2012-2017.
[21] Xem khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án hình sự năm 2010.
[22] Xem khoản 1 Điều 12 Nghị định số 117/2011 ngày 15/12/2011 quy định về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân.
[23] Khoản 2,5 Điều 29 Dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi.
[24] Khoản 2 Điều 51 Luật Thi hành án hình sự năm 2010: “ Trại giam có trách nhiệm giáo dục phạm nhân là người chưa thành niên về văn hóa, pháp luật và dạy nghề phù hợp với độ tuổi, trình độ văn hóa, giới tính và sức khỏe, chuẩn bị điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù. Thực hiện bắt buộc học chương trình tiểu học, phổ cập trung học cơ sở và học nghề.”
- Tác giả: TS. Võ Thị Kim Oanh & ThS. Trịnh Duy Thuyên
- Tạp chí Khoa học pháp lý số 08(120)/2018 – 2018, Trang 14-25
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời