Góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự 2010 về những quy định chung
TÓM TẮT
Bài viết phân tích và đánh giá những nội dung của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự năm 2010 liên quan đến những quy định chung, cụ thể bao gồm: phạm vi điều chỉnh; bản án, quyết định được thi hành; nguyên tắc thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp; những hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật thi hành án hình sự.
Xem thêm bài viết về “Luật Thi hành án hình sự 2010”
- Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự 2010 về Quản lý, giam giữ phạm nhân – ThS. Hoàng Đức Mạnh
- Bảo đảm quyền của người chưa thành niên là con của phạm nhân trong pháp luật Thi hành án hình sự Việt Nam – ThS. Vũ Thị Thúy & ThS. Nguyễn Thị Kiều Oanh
Luật thi hành án hình sự (THAHS) được thông qua ngày 17/6/2010 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Sự ra đời của Luật THAHS năm 2010 đánh dấu một bước phát triển mới, góp phần hoàn thiện khung pháp lý về tư pháp hình sự của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, vững chắc cho việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng đã cho thấy một số quy định của Luật THAHS năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành có những hạn chế, thiếu sót nhất định, chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, đòi hỏi phải có những điều chỉnh kịp thời.
Bên cạnh đó vào năm 2015, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thông qua 04 đạo luật quan trọng bao gồm: Bộ luật Hình sự (BLHS), Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015. Các đạo luật này đã có hiệu lực vào ngày 01/01/2018, cũng có nghĩa một số quy định của Luật THAHS năm 2010 trở nên thiếu đồng bộ hoặc mâu thuẫn. Chính vì vậy, theo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV thì Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THAHS ở kỳ họp thứ 5. Trước tình hình đó, việc đánh giá tổng thể các quy định của Luật THAHS năm 2010 và quan trọng hơn cả là Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THAHS (gọi tắt là Dự thảo) là rất cần thiết nhằm tìm ra những điểm hạn chế và đề xuất hướng khắc phục; góp phần hoàn thiện pháp luật THAHS, tạo cơ sở nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác THAHS ở nước ta trong thời gian tới.
1. Tên gọi của Dự thảo
Theo quan điểm cá nhân tác giả bài viết này, đạo luật mới không nên được đặt tên là: “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật THAHS” mà thay vào đó nên gọi là: “Luật THAHS (năm ban hành)”. Bởi vì Luật THAHS năm 2010 được ban hành trên cơ sở các quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và BLTTHS năm 2003 nhưng hiện nay đã được thay thế bằng các BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và BLTTHS năm 2015. Hơn nữa, có rất nhiều quy định của Luật THAHS năm 2010 cần phải sửa đổi, bổ sung cũng như có những chế định mới hoàn toàn chưa được điều chỉnh bởi Luật này.
Việc dùng tên gọi là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật THAHS” chưa tương xứng với quy mô của đạo luật mới và gây khó khăn cho việc thiết kế lại các quy định. Nghiên cứu Dự thảo cho thấy có những vấn đề lần đầu tiên được điều chỉnh bởi pháp luật THAHS như: tha tù trước thời hạn có điều kiện, thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Đây là những nội dung lớn, quan trọng cần được quy định thành những chương, mục riêng và đặt ở những vị trí thích hợp hơn. Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề Dự thảo nên quy định trực tiếp ở một mức độ nhất định nhưng hiện vẫn còn bỏ ngỏ chờ Chính phủ quy định chi tiết trong các văn bản dưới luật. Ví dụ: chế độ lao động và việc tổ chức lao động cho phạm nhân, sử dụng kết quả lao động của phạm nhân; điều kiện, thời hạn, trình tự, thủ tục và hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; chế độ chăm sóc y tế…
Để đảm bảo tính đồng bộ của khung pháp lý tư pháp hình sự, trước khi trình Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo, một lần nữa Bộ Công an cần rà soát, đối chiếu toàn bộ quy định của Luật THAHS năm 2010 với các văn bản pháp luật ban hành sau này như BLHS, BLTTHS, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, cần chú ý đến tất cả các điều luật mang tính dẫn chiếu. Mục đích của việc làm này là nhằm tìm ra những quy định không tương thích, những vấn đề còn thiếu sót để hoàn thiện Dự thảo. Bên cạnh đó, cũng cần đánh giá lại các quy định của hệ thống văn bản hướng dẫn Luật THAHS năm 2010 để tìm ra những quy định hợp lý, khả thi và nâng lên thành quy định của Luật THAHS mới.
2. Những quy định chung
2.1. Bản án, quyết định được thi hành
Điều 2 Luật THAHS năm 2010 đã liệt kê cụ thể những loại bản án, quyết định được thi hành bao gồm bản án, quyết định của Tòa án và quyết định của Viện kiểm sát về việc áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh. Những quy định này trước đây là phù hợp nhưng hiện nay nếu đối chiếu với Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì có điểm chưa tương thích. Dự thảo cũng đã có những sửa đổi, bổ sung hợp lý như: thay đổi tên gọi biện pháp tư pháp “đưa vào trường giáo dưỡng” thành “giáo dục tại trường giáo dưỡng”; loại bỏ biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật THAHS.
Tác giả hoàn toàn đồng ý với những thay đổi trên bởi vì giáo dục tại xã, phường, thị trấn, cũng giống như khiển trách và hòa giải tại cộng đồng là các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) nên được điều chỉnh bởi BLTTHS năm 2015. Hơn nữa một trong những điều kiện để áp dụng biện pháp này là người bị kết án dưới 18 tuổi phải được miễn TNHS. Nếu đã miễn TNHS mà việc thi hành biện pháp này sau đó lại được điều chỉnh bởi Luật THAHS thì không hợp lý. Vào ngày 10/3/2018 Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 37/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn TNHS, trong đó có biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Tuy nhiên, trong BLTTHS năm 2015 có quy định về một loại thủ tục mới đó là thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Chương XXVII). Kết quả của thủ tục này là Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) sẽ ra quyết định để giữ nguyên hoặc hủy quyết định lần đầu của chính mình. Quyết định này không phải là quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà có thể xem là một loại quyết định đặc biệt. Do BLTTHS năm 2003 chưa ghi nhận thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC nên trong số những quyết định của Tòa án được thi hành liệt kê tại Điều 2 Luật THAHS năm 2010 không có loại quyết định nêu trên. Đây là một điểm cần bổ sung vào Dự thảo.
2.2. Nguyên tắc thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp
Nguyên tắc THAHS, biện pháp tư pháp là những quan điểm, tư tưởng mang tính chỉ đạo, chi phối hoạt động xây dựng và áp dụng pháp luật THAHS; điều chỉnh nhận thức và hành vi của những chủ thể có thẩm quyền trong hoạt động THAHS và cả người chấp hành án, biện pháp tư pháp. Luật THAHS năm 2010 chia các nguyên tắc thành 02 nhóm: nguyên tắc THAHS (Điều 4) và nguyên tắc thi hành biện pháp tư pháp (Điều 111). Nhóm thứ nhất điều chỉnh việc thi hành một số hình phạt chính, hình phạt bổ sung, án treo. Nhóm thứ hai điều chỉnh việc thi hành 03 biện pháp tư pháp bao gồm: bắt buộc chữa bệnh; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng. Luật THAHS năm 2010 chỉ liệt kê tên gọi của các nguyên tắc mà không có nội dung. Thay vào đó nội dung của các nguyên tắc được thể hiện thông qua những quy định cụ thể về thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp.
Dự thảo chỉ có một số điều chỉnh liên quan đến tên gọi các nguyên tắc THAHS. Cụ thể đó là bổ sung cụm từ “pháp nhân thương mại chấp hành án” vào khoản 3, 4, 8 Điều 4; thay cụm từ “người chưa thành niên” bằng cụm từ “người dưới 18 tuổi” tại khoản 5 Điều 4. Đối chiếu với Hiến pháp năm 2013, quy định của Liên hợp quốc (LHQ) liên quan đến lĩnh vực thi hành án phạt tù, có thể nhận thấy quy định tại Điều 4 Luật THAHS năm 2010 và Dự thảo về nguyên tắc THAHS có những hạn chế sau:
Thứ nhất, việc đặt nhiều nguyên tắc trong cùng một khoản của Điều luật là không khoa học, gây hiểu nhầm trong việc nhận thức. Ví dụ khoản 3: Nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án. Khoản này cần được tách ra thành 02 nguyên tắc, trong đó nguyên tắc thứ nhất là nguyên tắc “Nhân đạo xã hội chủ nghĩa”; nguyên tắc thứ hai “Tôn trọng nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án”. Tương tự, nguyên tắc quy định tại khoản 4 cũng nên được tách thành 02 nguyên tắc, bao gồm: (a) nguyên tắc kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo trong việc thi hành án và (b) nguyên tắc áp dụng biện pháp giáo dục cải tạo phải trên cơ sở tính chất và mức độ phạm tội, độ tuổi, giới tính, trình độ văn hóa và các đặc điểm nhân thân khác của người chấp hành án.
Thứ hai, tên gọi một số nguyên tắc chưa hợp lý, không phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và pháp luật nhân quyền quốc tế. Ví dụ: nguyên tắc bản án, quyết định có hiệu lực thi hành phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh (khoản 2). Tên gọi này nên được chỉnh sửa lại cho phù hợp với quy định tại Điều 106 Hiến pháp năm 2013: “Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Hay nguyên tắc “Tôn trọng nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án” nên được sửa lại thành: “Tôn trọng và bảo vệ nhân phẩm, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành án”.[1]
Nguyên tắc kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo trong việc thi hành án (khoản 4) cho thấy mục đích trừng trị được ưu tiên hơn. Nguồn gốc của tên gọi này có thể xuất phát từ quan niệm truyền thống của Nhà nước trong vấn đề xử lý người phạm tội đó là “trấn áp kết hợp với khoan hồng, trừng trị kết hợp với giáo dục cải tạo”.[2] Tuy nhiên, trong xã hội nhân văn, hiện đại ngày nay thì quan điểm trên tỏ ra không phù hợp với xu hướng chung của pháp luật nhân quyền quốc tế cũng như pháp luật THAHS của các nước phát triển. Do đó, có thể chỉnh sửa lại tên gọi nguyên tắc này như sau: “Nguyên tắc kết hợp giáo dục cải tạo với răn đe, phòng ngừa tội phạm trong việc thi hành án”.
Thứ ba, thiếu ghi nhận một nguyên tắc quan trọng, đó là nguyên tắc không phân biệt đối xử trong THAHS. Nguyên tắc này đã được quy định trong Những nguyên tắc cơ bản trong việc đối xử với tù nhân năm 1990 của LHQ,[3] với nội dung cụ thể như sau: “Không được phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc địa vị khác” (nguyên tắc thứ hai).
2.3. Những hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự
Hiện nay những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực THAHS được quy định tại Điều 9 Luật THAHS năm 2010. Dự thảo hiện nay cũng chỉ bổ sung cụm từ “pháp nhân thương mại chấp hành án” vào khoản 7 và 9 Điều 9 Luật THAHS năm 2010. Những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực THAHS có thể được thực hiện bởi người chấp hành án, người khác (khoản 1, 2, 3); người có thẩm quyền trong hoạt động THAHS (khoản 4 – 9). Trong số những hành vi mà người có thẩm quyền trong hoạt động THAHS, đặc biệt là thi hành án phạt tù, có thể thực hiện vẫn còn thiếu nhóm hành vi tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục con người. Đây là những hành vi bị nghiêm cấm bởi Công ước Chống tra tấn của LHQ năm 1984.[4] Nội luật hóa điều ước quốc tế trên, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) của Việt Nam cũng đã quy định đầy đủ, cụ thể hơn về những hành vi này. Theo đó, người nào trong khi thi hành án hoặc biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào sẽ bị truy cứu TNHS về “tội dùng nhục hình” (Điều 373). Để tạo sự tương thích với Công ước về chống tra tấn, BLHS và góp phần bảo vệ tốt hơn quyền con người của người chấp hành án, nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền trong THAHS, chúng ta nên bổ sung nhóm “hành vi tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục con người” là những hành vi bị nghiêm cấm[5] trong quy định của Luật THAHS mới. Có thể có lập luận cho rằng nhóm hành vi này xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án và như vậy đã được bao hàm trong quy định tại khoản 9 Điều 9 Luật THAHS năm 2010. Theo quan điểm tác giả, xuất phát từ tính chất nguy hiểm và hậu quả nghiêm trọng của nhóm hành vi trên nên vẫn cần bổ sung để những người có thẩm quyền trong THAHS nhận thức rõ và tuyệt đối không thực hiện. Do đó, khoản 9 Điều 9 nên được bổ sung như sau: “Hành vi tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục con người và những hành vi khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án, pháp nhân thương mại chấp hành án”.
CHÚ THÍCH
[1] Nguyễn Quang Vũ, Lê Thị Anh Nga, “Vấn đề cấm tra tấn và hoàn thiện pháp luật thi hành án phạt tù”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 04, 2016.
[2] Nguyễn Quang Vũ, Thi hành hình phạt tù đối với phạm nhân chưa thành niên, Tiểu luận tổng quan của Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, 2018, tr. 17.
[3] Được Đại Hội đồng LHQ thông qua và công bố theo Nghị quyết số 45/111 ngày 14/12/1990.
[4] Tên đầy đủ: Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm. Công ước được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 10/12/1984 theo Nghị quyết số 39/46, có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Việt Nam ký Công ước này vào ngày 07/11/2013 và Quốc hội phê chuẩn vào ngày 28/11/2014 theo Nghị quyết số 83/2014/QH13.
[5] Nguyễn Quang Vũ, Lê Thị Anh Nga, tlđd, tr. 55.
- Tác giả: TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08(120)/2018 – 2018, Trang 03-06
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời