Một số điểm mới về tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
TÓM TẮT
Để việc khởi tố vụ án hình sự được chính xác, không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan người vô tội, các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, giải quyết các nguồn thông tin về sự việc có dấu hiệu tội phạm, trong đó bao gồm tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung kịp thời và đúng đắn về vấn đề này, góp phần hạn chế những thiếu sót, bất cập của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Bài viết chỉ ra những điểm hạn chế trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 liên quan đến tin báo, tố giác về tội phạm; sau đó đi sâu phân tích những điểm tiến bộ của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về những vấn đề này.
Xem thêm bài viết về “Tin báo về tội phạm“, “Tố giác tội phạm“,”Tội phạm”
- Kiến nghị bổ sung quy định về thời điểm thực hiện hành vi phạm tội trong Bộ luật Hình sự 2015 – ThS. Vũ Thị Thúy
- Không yêu cầu và rút yêu cầu khởi tố đối với các tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu – TS. Mai Thanh Hiếu & ThS. Phạm Thái
- Triển khai quy định “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” của Hiến pháp 2013 trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự – PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa & ThS. Vũ Thị Thúy
- Trách nhiệm hình sự đối với tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán ở Việt Nam nhìn từ yêu cầu phát triển bền vững thị trường chứng khoán – ThS. Nguyễn Thị Lan Anh
- Phòng ngừa tội phạm dùng nhục hình ở Việt Nam góp phần thực hiện nghĩa vụ quốc gia khi gia nhập Công ước Chống tra tấn của Liên hợp quốc – TS. Lê Nguyên Thanh
Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là những nguồn thông tin về tội phạm do pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) quy định mà dựa vào đó các cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự (KTVAHS) có thể xác định được sự việc xảy ra có hay không có dấu hiệu tội phạm để ra quyết định khởi tố hoặc quyết định không KTVAHS. Hay nói cách khác, đây là những nguồn chứng cứ được sử dụng để xác định đối tượng chứng minh (căn cứ KTVAHS – dấu hiệu tội phạm).[1] Như vậy, tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là nguồn thông tin ban đầu về tội phạm, là cơ sở để KTVAHS. Hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đóng vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bởi vì đây là tiền đề để các cơ quan có thẩm quyền xác định có tội phạm hay không, từ đó quyết định khởi tố hay không KTVAHS. Việc tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố đầy đủ, có hiệu quả sẽ đảm bảo việc phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân vào hoạt động giải quyết vụ án hình sự (VAHS) của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Pháp luật TTHS Việt Nam hiện hành đã có những quy định cụ thể về các nguồn thông tin về tội phạm, quy định về thẩm quyền, thời hạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, quy định về kiểm sát việc tiếp nhận và giải quyết các nguồn thông tin về tội phạm. Những quy định này đã góp phần tích cực trong việc đảm bảo hiệu quả của hoạt động tiếp nhận và giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố vụ án hình sự trên thực tế. Trong những năm qua, thông qua công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện, xử lý nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật nhiều VAHS, góp phần bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các quy định của pháp luật TTHS về tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm (BLTTHS) 2003 chưa phân biệt rõ ràng giữa tin báo với tố giác tội phạm làm cơ sở cho việc tiếp nhận và giải quyết của cơ quan có thẩm quyền; thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết tin báo chưa đầy đủ, hợp lý; thời hạn tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa phù hợp; thủ tục tiếp nhận, giải quyết các tin báo, tố giác, kiến nghị khởi tố chưa được quy định chặt chẽ, cơ chế bảo vệ người tố giác tội phạm cũng chưa được quy định chặt chẽ trong luật… Những hạn chế, bất cập trong quy định của pháp luật TTHS là một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, vi phạm trong thực tiễn tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố. Thực tiễn áp dụng pháp luật TTHS về tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố cho thấy còn có nhiều vi phạm, thiếu sót của các cơ quan, người có thẩm quyền. Những vi phạm, thiếu sót phổ biến là tình trạng tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa được tiếp nhận, xử lý đầy đủ và kịp thời; tình trạng quá hạn giải quyết còn phổ biến; trình tự, thủ tục giải quyết chưa đảm bảo tính thống nhất; việc kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ ban đầu để làm căn cứ giải quyết vụ việc còn thiếu chặt chẽ, chưa đầy đủ dẫn đến tình trạng người đã báo tin, tố giác khiếu kiện bức xúc, kéo dài…Bên cạnhđó, trongthực tế, Viện kiểm sát không nắm được việc khởi tố của Cơ quan điều tra do những bất cập trong tiếp nhậnvà xử lý thông tin tội phạm; không thống kê được mỗi năm, Cơ quan điều tra các cấp tiếp nhận được bao nhiêu tố giác, tin báo về tội phạm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc ra quyết định khởi tố hay không KTVAHS mà còn ảnh hưởng đến việc nắm bắt tình hình tội phạm diễn ra như thế nào của Viện kiểm sát.[2]
Những hạn chế, thiếu sót này làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm, làm ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân vào hoạt động của cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động tố tụng. Những hạn chế, bất cập đã nêu ở trên đã được khắc phục, hoàn thiện trong các quy định của BLTTHS năm 2015.
1. Những hạn chế trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố và việc tiếp nhận, giải quyết
Thứ nhất,BLTTHS năm 2003 chưa đưa ra khái niệm để phân biệt rõ ràng giữa tố giác tội phạm với tin báo về tội phạm; giữa tin báo về tội phạm với kiến nghị khởi tố và giữa tin báo, tố giác về tội phạm với các khiếu nại, tố cáo khác. Việc BLTTHS năm 2003 không đưa ra được khái niệm và các tiêu chí để phân biệt giữa các nguồn thông tin về tội phạm nói trên gây khó khăn cho các chủ thể có thẩm quyền trong thực tiễn tiếp nhận, phân loại và giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố. Bởi, theo quy định của pháp luật, mỗi nguồn thông tin về tội phạm sẽ do các chủ thể khác nhau có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết, cũng như xác định trách nhiệm của cá nhân khi họ không tố giác tội phạm hoặc tố giác sai sự thật và đảm bảo các quyền pháp lý của họ trong quá trình giải quyết tố giác.
Thứ hai, theo quy định của BLTTHS năm 2003 chủ thể có quyền tố giác tội phạm là công dân. Theo Điều 17 Hiến pháp năm 2013, công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Nếu hiểu theo quy định này thì chủ thể có quyền tố giác về tội phạm là rất hẹp, chỉ những người mang quốc tịch Việt Nam mới có quyền tố giác tội phạm trên lãnh thổ Việt Nam. Quy định về chủ thể có quyền tố giác tội phạm trong BLTTHS năm 2003 chưa có sự phù hợp với thực tiễn. Bởi vì trên lãnh thổ Việt Nam ngoài công dân Việt Nam còn có những người mang quốc tịch của một quốc gia khác hoặc người không có quốc tịch. Những người này cũng có thể phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Nếu quy định chủ thể tố giác tội phạm là công dân thì những thông tin về tội phạm do người nước ngoài hoặc người không quốc tịch cung cấp sẽ không được coi là nguồn thông tin về tội phạm.
Thứ ba, về chủ thể giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, BLTTHS năm 2003 chỉ quy định thẩm quyền giải quyết cho Cơ quan điều tra là quá hẹp. Các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong lĩnh vực họ quản lý nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm cũng có thẩm quyền khởi tố vụ án, điều tra vụ án nhưng BLTTHS năm 2003 không quy định thẩm quyền giải quyết tin báo tố giác, kiến nghị khởi tố cho các cơ quan này trong lĩnh vực họ quản lý phù hợp với thẩm quyền điều tra của họ. Theo tác giả, quy định này là chưa phù hợp. Cần quy định quyền giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm cho cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đối với những tin báo, tố giác về tội phạm thuộc thẩm quyền khởi tố, điều tra của họ.
Mặt khác, Viện kiểm sát có chức năng thi hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các hoạt động tư pháp đảm bảo việc phát hiện nhanh chóng kịp thời mọi hành vi phạm tội. Tuy nhiên, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội nhưng BLTTHS năm 2003 không quy định cho Viện kiểm sát thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong một số trường hợp nhất định theo tác giả là chưa phù hợp. Thực tế có nhiều trường hợp Viện kiểm sát phát hiện Cơ quan điều tra vi phạm việc tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc bỏ lọt tội phạm, Viện kiểm sát đã yêu cầu nhưng Cơ quan điều tra không khắc phục. Vì vậy, để phát huy vai trò tích cực, chủ động của Viện kiểm sát, đồng thời đảm bảo tính chế ước của Viện kiểm sát đối với Cơ quan điều tra trong việc tiếp nhận và giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố tránh bỏ lọt tội phạm và làm oan người do tội thì BLTTHS cần quy định thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố cho Viện kiểm sát trong một số trường hợp nhất định. Chẳng hạn, trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu nhưng tình trạng này không được khắc phục.
Thứ tư, về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, BLTTHS năm 2003 hiện hành quy định thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là 20 ngày và có thể gia hạn nhưng không quá 02 tháng. Trong thực tiễn giải quyết VAHScónhiều vụviệc tốgiác, tin báovềtội phạm, kiến nghị khởi tố không thể giải quyếtđược trong thời hạn 02 tháng nên phải kéo dài dẫn đến vi phạm về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Cơ quan điều tra, ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân. Việc kéo dài thời hạn dẫn đến vi phạm có nhiều nguyên nhân, trong đó có quy định của BLTTHS về thời hạn giải quyết. BLTTHS năm 2003 quy định thời hạn giải quyết như hiện nay là quá ngắn sẽ không thể đủ thời gian để cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố, đặc biệt là đối với các địa phương lớn có số lượng tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố nhiều. Số lượng tố giác, tin báo kiến nghị khởi tố lớn cộng với thời hạn giải quyết ngắn gây áp lực rất lớn cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Thứ năm,bêncạnh những hạn chế đãphântíchở trên thì BLTTHS năm 2003 còn có một số hạn chế khác như: chưa quy định rõ ràng về thủ tục tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố; chưa quy định về việc các cơ quan sau khi tiếp nhận tin báo, tố giác, kiến nghị khởi tố nếu không thuộc thẩm quyền của mình thì phải chuyển cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền; chưa quy định về tạm đình chỉ, phục hồi giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố và giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố. Chính những hạn chế này dẫn đến thực tiễn giải quyết tin báo, tố giácvàkiến nghị khởi tố của các cơ quan có thẩm quyền gặp nhiều khó khăn, lúng túng và hiệu quả chưa cao.
2. Một số điểm mới trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố và việc tiếp nhận giải quyết
Thứ nhất, BLTTHS năm 2015[3] đã đưara khái niệmvề tố giác của cá nhân, tin báo của cơ quan, tổ chức và kiến nghị khởi tố, cụ thể như sau:
Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền;
Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng;
Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm; cơ quan kiến nghị khởi tố phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ liên quan.”
Thứ hai, BLTTHS năm 2015 đã khắc phục hạn chế trong quy định của BLTTHS năm 2003 về phạm vi chủ thể có quyền tố giác tội phạm.
Theo đó, chủ thể tố giác là cá nhân chứ không chỉ là công dân như trong BLTTHS năm 2003. Đồng thời BLTTHS năm 2015 cũng quy định bổ sung kiến nghị khởi tố là cơ sở KTVAHS và đưa ra khái niệm để xác định nguồn thông tin này. Theo tác giả, việc bổ sung này là rất phù hợp và đầy đủ.
Thứ ba, BLTTHS năm 2015[4] đã quy định thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cho Viện kiểm sát và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Theo đó:
“Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền điều tra của mình;
Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của mình;
Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu nhưng không được khắc phục.”
Thứ tư, từ việc nhận thức được những bất cập trong quy định về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố trong BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 đã tăng thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố.
Điều 147BLTTHS 2015 quy định trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiếnnghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: quyết định KTVAHS; quyết định không KTVAHS; quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.
Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.
BLTTHS năm 2015 đã tăng thời hạn giải quyết tin báo, tố giác, kiến nghị khởi tố nhằm khắc phục tình trạng vi phạm thời hạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, đảm bảo việc phát hiện và xử lý nhanh chóng kịp thời mọi tội phạm, đảm bảo quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ.
Thứnăm, BLTTHS năm 2015 đã có những bổ sung nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong BLTTHS năm 2003 về thủ tục tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố; chuyển tin báo tố giác, kiến nghị khởi tố cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền; về tạm đình chỉ, phục hồi giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố và giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố như sau:
– Về thẩm quyền tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố: Điều 145BLTTHS năm 2015 quy định cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm: cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền phải lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận; có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận. Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gửi qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận.[5]
– Về chuyển tin báo, tố giác, kiến nghị khởi tố cho cơ quan có thẩm quyền:[6] Trường hợp phát hiện tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Công an phường, thị trấn, đồn côngan có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Các cơ quan, tổ chức khác sau khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm thì chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trường hợp khẩn cấp thì có thể báo tin trực tiếp qua điện thoại hoặc hình thức khác cho Cơ quan điều tra nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận đó cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Như vậy so với BLTTHS năm 2003, thì BLTTHS năm 2015 đã có điều luật riêng quy định cụ thể về thẩm quyền và thủ tục tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm, chuyển tin báo tố giác, kiến nghị khởi tố cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết.
– Về tạm đình chỉ giải quyết tin báo tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố:[7] Khi hết thời hạn giải quyết tin báo, tố giác, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền giải quyết quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi thuộc một trong các trường hợp: đãtrưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả; đãyêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả. Việc bổ sung các trường hợp được tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố này sẽ khắc phục được những vi phạm về thời hạn giải quyết tin báo, tố giác và kiến nghị khởi tố, tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với những trường hợp nêu trên.
Sau khi ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải gửi quyết định tạm đình chỉ kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát và gửi quyết định tạm đình chỉ đó cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Trường hợp quyết định tạm đình chỉ không có căn cứ thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ để tiếp tục giải quyết. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ, Viện kiểm sát phải gửi quyết định đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tiếp không quá 01 tháng kể từ ngày Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận được quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ.
Trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì việc giám định, định giá tài sản hoặc tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.
– Về phục hồi giải quyết tin báo tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố: Điều 149BLTTHS năm 2015 quy định khi lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không còn, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tiếp theo không quá 01 tháng kể từ ngày ra quyết định phục hồi. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải gửi quyết định phục hồi cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
– Về giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố: Điều 150BLTTHS năm 2015 quy định tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố do Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp giải quyết. Tranh chấp thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra do Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết.
Tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố giữa các Cơ quan điều tra cấp tỉnh, giữa các Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương giải quyết. Tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố giữa các Cơ quan điều tra cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau, giữa các Cơ quan điều tra quân sự khu vực thuộc các quân khu khác nhau do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi đầu tiên tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố giải quyết.
Tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố giữa các Cơ quan điều tra của Công an nhân dân, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết.
Việc sửa đổi, bổ sung này xuất phát từ những hạn chế trong quy định của BLTTHS năm 2003 và từ thực tiễn áp dụng các quy định của BLTTHS trong việc tiếp nhận, giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Tác giả cho rằng, các quy định sửa đổi này sẽ tạo ra các cơ sở pháp lý cần thiết cho thực tiễn tiếp nhận, giải quyết các nguồn thông tin về tội phám, đáp ứng nhu cầu đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, góp phần bảo đảm hơn nữa quyền con người, quyền công dân trong một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.
Xem thêm bài viết về “Bộ luật Tố tụng hình sự 2015”
- Một số điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về bị hại, đương sự trong vụ án hình sự – TS. Võ Thị Kim Oanh & ThS. Ngô Quang Cảnh
- Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi trên cơ sở hướng dẫn của Liên hợp quốc về tư pháp phục hồi – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
- Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Phân tích các quyền và nghĩa vụ của Người bào chữa theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Những nội dung mới của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong tố tụng hình sự – TS. Hoàng Anh Tuyên
CHÚ THÍCH
* ThS. Luật học, Giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh
[1] Lưu Thanh Hùng, “Bàn về căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luậthttp://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=228 (17/09/2016).
[2] Đỗ Ngọc Quang, “Hoàn thiện thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”, Đại học Kiểm sátHàNội, http://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/79/217 (17/09/2016).
[3] Khoản 1, 2,3 Điều 144 BLTTHS năm 2015.
[4] Khoản 3 Điều 145 BLTTHSnăm 2015.
[5] Khoản 1 Điều146 BLTTHS năm 2015.
[6] Khoản 2 Điều 146 BLTTHS năm 2015.
[7] Điều 148 BLTTHS năm 2015.
- Tác giả: ThS. Phạm Thái*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08(102)/2016 – 2016, Trang 56-62
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời