Cơ chế đánh giá chứng cứ trong trường hợp các kết luận giám định có kết quả khác nhau
- Các thuộc tính của chứng cứ trong khoa học hình sự
- Phân loại chứng cứ và ý nghĩa của việc phân loại chứng cứ
- Một số điểm mới về chứng cứ trong BLTTHS năm 2015
- Chứng cứ trong thủ tục giải quyết tranh chấp tại Cơ quan tài phán
- Căn cứ hủy phán quyết trọng tài liên quan đến chứng cứ và sự khách quan
TỪ KHÓA: Chứng cứ, Kết luận giám định, Tố tụng hình sự, Tố tụng dân sự, Tố tụng hành chính, Tạp chí Khoa học pháp lý
TÓM TẮT
Bài viết được thực hiện xuất phát từ nhu cầu của lý luận cũng như thực tiễn tố tụng tư pháp về đánh giá chứng cứ trong trường hợp có nhiều kết quả giám định khác nhau đối với cùng một đối tượng giám định. Tác giả đề cập các loại kết luận giám định, phân tích vai trò chứng minh của kết luận giám định trong tố tụng tư pháp. Trên cơ sở quy định của pháp luật, bằng kinh nghiệm thực tiễn xét xử nhiều năm của mình, tác giả phân tích làm sáng tỏ các yếu tố có thể tác động, ảnh hưởng đến tính đúng đắn, khách quan của kết luận giám định cùng như đánh giá kết luận giám định. Từ đó, xác định cơ chế đánh giá chứng cứ trong trường hợp có nhiều kết luận giám định khác nhau về cùng một đối tượng giám định nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án.
Kết luận giám định tư pháp là nhận xét, đánh giá bằng văn bản của người giám định tư pháp về đối tượng giám định theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định phù hợp với nội dung trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc yêu cầu giám định của người yêu cầu. Kết luận giám định là một nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự hoặc tố tụng hành chính và có vai trò, ý nghĩa rất lớn trong việc sáng tỏ nội dung vụ án. Do đó, việc đánh giá kết luận giám định trong quá trình giải quyết vụ án là rất quan trọng, nhất là trong trường hợp có nhiều kết quả giám định khác nhau cho cùng một đối tượng giám định.
1. Một số vấn đề chung về Kết luận giám định
1.1. Các loại Kết luận giám định và trình tự, thủ tục giám định:
Giám định tư pháp được thực hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm phục vụ cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự và vụ án hành chính. Có thể tạm thời phân chia kết luận giám định thành các loại như sau: kết luận giám định trong giám định pháp y; kết luận giám định trong giám định pháp y tâm thần; kết luận giám định trong giám định kỹ thuật hình sự; kết luận giám định trong lĩnh vực tài chính – Kế toán; kết luận giám định trong các lĩnh vực xây dựng; kết luận giám định trong các lĩnh vực văn hóa, thông tin và truyền thông…
Trình tự, thủ tục giám định tư pháp được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau: Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật giám định tư pháp và các văn bản pháp luật chuyên ngành. Khi thấy cần giám định về nội dung nào đó, người có thẩm quyền ra Quyết định trưng cầu giám định gửi tổ chức giám định, người có thẩm quyền giám định bằng văn bản; tổ chức hoặc người được trung cầu giám định nhận đối tượng giám định và thực hiện giám định theo quy định. Người có thẩm quyền có thể yêu cầu giám định bổ sung, giám định lại trong những trường hợp luật định nếu thấy cần thiết. Người giám định phải lập hồ sơ giám định, trong đó có văn bản ghi nhận kịp thời, đầy đủ và trung thực toàn bộ quá trình thực hiện giám định. Sau khi giám định xong phải ban hành Kết luận giám định để làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án.
Theo quy định tại Điều 32 Luật giám định tư pháp, kết luận giám định phải được lập thành văn bản và có nội dung chính sau đây:
a) Họ, tên người thực hiện giám định; tổ chức thực hiện giám định;
b) Tên cơ quan tiến hành tố tụng; họ, tên người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định hoặc họ, tên người yêu cầu giám định; số văn bản trưng cầu giám định;
c) Thông tin xác định đối tượng giám định;
d/ Thời gian nhận văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định;
đ) Nội dung yêu cầu giám định;
e) Phương pháp thực hiện giám định;
g) Kết luận về đối tượng giám định;
h) Thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành việc giám định.
Bản kết luận giám định phải có chữ ký của người giám định tư pháp; trong trường hợp tổ chức được trưng cầu giám định thì bản kết luận giám định còn phải được người đứng đầu tổ chức đó ký tên, đóng dấu.
1.2. Vai trò chứng minh của kết luận giám định:
Trong tố tụng, kết luận giám định được coi là nguồn chứng cứ theo Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự, khoản 5 Điều 82 Bộ luật tố tụng dân sự, khoản 5 Điều 75 Luật tố tụng hành chính.
Là một nguồn chứng cứ, kết luận giám định cung cấp cho các bên trong quan hệ tố tụng những thông tin cần thiết làm căn cứ đề đưa ra các lập luận, quan điểm của mình trong việc giải quyết thực chất vụ án. Kết luận giám định là một loại phương tiện chứng minh rất quan trọng, mang tính khách quan cao vì nó kết quả của việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để xác định sự kiện cần chứng minh. Khoa học càng phát triển, nhất là khoa học về giám định, kết luận giám định càng có giá trị chứng minh cao và càng thuyết phục khi được sử dụng làm phương tiện chứng minh trong quá trình tố tụng. Chứng cứ được rút ra từ các kết luận giám định thường mang tính khoa học, khách quan hơn so với chứng cứ được rút ra từ các nguồn khác, nhất là từ các lời khai. Trong một số lĩnh vực, một số đối tượng, nếu không có giám định tư pháp và kết luận giám định tư pháp thì khó có thể hoàn toàn dựa vào sự đánh giá của con người về sự thật của vụ án; ví dụ như độ tuổi của vàng, tỉ lệ pha trộn của các kim loại trong hợp kim, nồng độ cồn trong nước, tốc độ của phương tiện nguyên nhân cái chết, mức độ thương tích… Vì vậy, không ngẫu nhiên mà trong pháp luật tố tụng, người làm luật quy định những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định. Thực tiễn cũng cho thấy trong một số trường hợp khác, mặc dù luật không quy định, nhưng hầu như trong quá trình giải quyết vụ án, vấn đề giám định luôn được đặt ra.
Trong một số vụ án, kết luận giám định là nguồn chứng cứ bắt buộc phải có để làm căn cứ cho việc chứng minh sự thật. Theo quy định tại khoản 3 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự, trong các trường hợp sau đây, cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định để xác định: a) nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động; b) tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự; c) tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc người bị hại trong trường hợp có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn đối với những tình tiết của vụ án; d) tuổi của bị can, bị cáo, người bị hại, nếu việc đó có ý nghĩa đối với vụ án và không có tài liệu khẳng định tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài kiệu đó; đ) chất độc, chất ma túy, chất phóng xạ, tiền giả.
Vai trò chứng minh của kết luận giám định đã được Tòa án nhân dân tối cao đề cập đến tại Công văn số 98-NCPL ngày 02/3/1974 như sau: “Nếu trong một vụ án có vấn đề liên quan đến khoa học, kỹ thuật, liên quan đến hoạt động của ngành chuyên môn mà Tòa án không nắm được, thì cần trưng cầu giám định nhằm bảo đả việc xét xử được chính xác và có căn cứ. Kết luận của giám định viên rất quan trọng, vì nó giúp cho Tòa án xem xét vật chứng dựa vào khoa học, kỹ thuật. Kết hợp với các chứng cứ khác, kết luận giám định giúp Tòa án nhận định được chính xác nội dung của vụ việc. Tuy nhiên, Tòa án không bắt buộc phải kết luận theo Giám định viên, vì có thể có trường hợp kết luận của giám định viên không chính xác hoặc không phù hợp với các chứng cứ khác”[1]. Đối với tổng thể của một vụ án, kết luận giám định chỉ là một loại nguồn chứng cứ, tức là những thông tin trong kết luận giám định cũng chỉ là một loại chứng cứ trong hệ thống chứng cứ đã được thu thập. Giá trị chứng minh của những thông tin trong kết luận giám định phải được đặt trong mối quan hệ với các chứng cứ khác của vụ án, các bên có quyền đánh giá, sử dụng chứng cứ trong tố tụng không bị ràng buộc hoàn toàn bởi chứng cứ được rút ra trong Kết luận giám định.
Theo Báo cáo của Cơ quan điều tra – Bộ Công an, Cơ quan cảnh sát điều tra của 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì từ ngày 01/01/2005 đến tháng 8/2010 cơ quan điều tra trưng cầu khoảng 439.479 vụ giám định trên các lĩnh vực khác nhau. Hầu hết các kết luận giám định được sử dụng làm cơ sở để cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện các hoạt động điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ khác, lấy lời khai làm rõ các tình tiết của vụ án, chứng minh tội phạm, người phạm tội, xác định giá trị thiệt hại cũng như các vấn đề khác liên quan đến việc giải quyết đúng đắn vụ án[2].
2. Đánh giá Kết luận giám định
2.1. Các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến việc đưa ra Kết luận giám định và đánh giá Kết luận giám định
Với tư cách là một nguồn chứng cứ có độ tin cậy cao, và trong nhiều trường hợp là nguồn chứng cứ bắt buộc trong tố tụng, kết luận giám định cần được kiểm tra, đánh giá về các thuộc tính chứng cứ cũng như giá trị chứng minh của thông tin được cung cấp. Để đánh giá kết luận giám định được khách quan, đầy đủ và chính xác, người đánh giá cần nắm được những yếu tố có thể tác động, ảnh hưởng đến việc đưa ra kết luận giám định.
Giám định tư pháp là việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề được người có thẩm quyền trưng cầu, yêu cầu giám định nên những yếu tố liên quan đến công tác giám định đều ảnh hưởng đến kết quả giám định, tức ảnh hưởng đến việc ban hành kết luận giám định. Theo chúng tôi, có thể coi các yếu tố sau đây có tác động đến tính đúng đắn, khách quan của kết luận giám định:
– Người tiến hành giám định: năng lực chuyên môn theo ngành, mối quan hệ với các bên trong vụ việc có đối tượng giám định, tính trung thực, khách quan trong công tác và cuộc sống, nhận thức của người giám định đối với vụ việc;
– Điều kiện tiến hành giám định (điều kiện về phương tiện, kỹ thuật, thời tiết), địa điểm giám định;
– Mẫu vật, tài liệu được sử dụng trong giám định (đối tượng giám định và mẫu so sánh);
– Yêu cầu giám định;
– Cơ sở và phương pháp khoa học được sử dụng khi giám định…
Ngoài ra, còn có các yếu tố có thể tác động, ảnh hưởng đến việc đánh giá kết luận giám định. Đó chủ yếu là các yếu tố từ bản thân người đánh giá kết luận giám định (như hiểu biết về giám định tư pháp, mối quan hệ với các bên trong vụ việc, ý thức pháp luật, niềm tin nội tâm…) cũng như mối liên hệ giữa đối tượng được giám định (mẫu vật) với vụ việc và yêu cầu giám định.
2.2. Cơ chế đánh giá Kết luận giám định
Là một nguồn chứng cứ được sử dụng làm phương tiện chứng minh trong quá trình tố tụng, việc đánh giá kết luận giám định trước hết trước hết không nằm ngoài các nguyên tắc, phương pháp đánh giá chứng cứ và các quy tắc nhận thức nói chung. Người đánh giá vừa phải xem xét cụ thể các thông tin trong kết luận giám định đó để kết luận về độ tin cậy và giá trị chứng minh của những thông tin ấy (chứng minh được tình tiết nào của vụ việc, chứng minh ở mức độ nào?), vừa đặt kết luận giám định trong một hệ thống có mối quan hệ chặt chẽ với các chứng cứ khác để xác định giá trị chứng minh của các thông tin trong đó đối với việc làm sáng tỏ toàn bộ nội dung vụ việc.
Khi đánh giá kết luận giám định, cần thực hiện những nội dung sau đây:
– Đánh giá tính hợp pháp của kết luận giám định. Đó là sự tuân thủ các quy định của pháp luật tố tụng trong quá trình chuẩn bị, ra quyết định trưng cầu giám định; Đánh giá sự tuân thủ pháp luật tố tụng, pháp luật chuyên ngành trong quá trình thực hiện giám định. Trình tự, thủ tục trưng cầu hoặc thực hiện giám định vi phạm quy định của pháp luật tố tụng sẽ làm cho kết luận giám định không có giá trị chứng minh [3];
– Đánh giá bối cảnh, thời gian thu thập đối tượng giám định. Ví dụ, đối tượng giám định thu giữ được càng gần thời gian xảy ra sự việc thì kết quả giám định càng khách quan, chính xác; đối tương giám định càng được bảo quản tốt thì càng khác quan;
– Đánh giá về sự phù hợp của các thông tin được đưa ra trong kết luận giám định với yêu cầu giám định;
– Đánh giá về sự phù hợp của yêu cầu giám định đối với đối tượng (mẫu vật) giám định, sự phù hợp của yêu cầu giám định đối với nội dung vụ việc;
– Đánh giá về tính khách quan của người giám định;
– Đánh giá cơ sở khoa học của các thông tin được đưa ra trong kết luận giám định…
Trên cơ sở đánh giá các yếu tố trên, người có thẩm quyền thực hiện việc đánh giá tổng hợp các thông tin trong kết luận giám định, so sánh với các chứng cứ khác thu thập được để xác định các thuộc tính (hợp pháp, liên quan và khách quan) của chứng cứ cũng như giá trị, mức độ chứng minh của các thông tin đó đối với tình tiết cụ thể và đối với toàn bộ vụ án. Trong trường hợp có nhận thấy nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ việc đã được kết luận giám định thì có thể trưng cầu giám định bổ sung; nếu có sự nghi ngờ về kết quả giám định thì cần trưng cầu giám định lại.
Thực tiễn cho thấy có nhiều vụ án mà việc đánh giá kết luận giám định trở nên hết sức khó khăn, phức tạp vì có nhiều kết luận giám định, và mỗi kết luận giám định lại chứa đựng các thông tin khác nhau về cùng một đối tượng (mẫu vật) giám định. Như vụ án về một cái tát xảy ra ở Hòa Bình năm 2008 [4], vụ án vừa là cha vừa là ông ngoại ở Tiền Giang năm 1998 [5]… Lúc này, kết quả của việc đánh giá kết luận giám định sẽ dẫn đến lựa chọn kết luận giám định nào trong số các kết luận giám định về cũng một đối tượng (mẫu vật) nói trên làm phương tiện chứng minh để làm sáng tỏ vụ việc. Do đó, việc đánh giá kết luận giám định lúc này cần hết sức thận trọng, tỉ mỉ; thậm chí, cần áp dụng các biện pháp tố tụng hoặc biện pháp nghiệp vụ khác để xác định giá trị của các kết luận giám định.
Khi có nhiều kết luận giám định có các kết quả khác nhau về cùng một đối tương giám định, có thể thực hiện một hoặc một số biện pháp sau:
– Tiến hành trưng cầu giám định lại theo quy định tại Điều 29 Luật giám định tư pháp và quy định liên quan của pháp luật tố tụng.
Giám định lại là biện pháp sử dụng cái thứ 3 để kiểm tra các kết quả giám định trước. Trong tố tụng, có những vụ việc có đến hàng chục lần giám định nhưng đều cho các kết quả không thống nhất, thậm chí kể cả việc trưng cầu giám định viên ở các nước có nền khoa học giám định tư pháp phát triển hơn. Bộ máy tổ chức giám định nước ta được tổ chức từ cấp trung ương đến địa phương, nhưng không vì thế mà có thể đánh giá giá trị của kết luận giám định theo thứ bậc của tổ chức thực hiện giám định. Đa số ý kiến cho rằng, bản chất của giám định tư pháp là ý kiến của chuyên gia mang tính khoa học nên không thể phân theo cấp hành chính trên, dưới. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, theo tiêu chuẩn bổ nhiệm, kinh nghiệm công tác cũng như điều kiện về trang thiết bị…, kết luận giám định ở cơ quan giám định cấp trung ương thường đảm bảo tính khoa học hơn. Ngoài ra, việc giám định lại nhiều lần cũng gặp vấn đề về bảo đảm thuộc tính của mẫu vật được dùng để giám định. Tùy tính chất sinh, hóa, lý, y học mà có thể gặp phải việc thay đổi thuộc tính của mẫu vật được giám định. Có những kết quả giám định lại tổng hợp, kế thừa và khắc phục được sai sót của kết quả giám định trước, nhưng cũng có kết luận giám định lại không đảm bảo được tính khoa học bởi mẫu vật đã bị biến đổi theo thời gian. Do đó, cần cân nhắc kỹ về phương pháp giám định, tính chất, đặc điểm mẫu vật, đối tượng giám định… để đánh giá độ chính xác Kết luận giám định;
– Trưng cầu ý kiến chuyên gia để xem xét về tính khoa học của quá trình giám định và kết luận giám định.
Không phải người có thẩm quyền đánh giá kết luận giám định nào cũng hiểu rõ về giám định tư pháp và kiến thức chuyên môn của ngành được trưng cầu giám định. Do đó, khi có sự nghi ngờ về tính khoa học của quá trình giám định, cần thiết hỏi ý kiến chuyên gia về phương pháp giám định, cơ sở khoa học của việc giám định và ban hành kết luận giám định đó. Đây là điều cần thiết để củng cố niềm tin của người đánh giá kết luận giám định;
– Xem xét từng kết luận giám định theo yêu cầu của vụ việc và tiêu chuẩn chuyên môn.
Mỗi vụ việc khác nhau sẽ có yêu cầu giám định khác nhau phù hợp với tính chất vụ việc và yêu cầu chứng minh theo quy định của pháp luật. Do đó, phải xem xét kết luận giám định về sự phù hợp của yêu cầu giám định đối với tính chất của vụ việc, sự phù hợp của kết luận giám định đối với yêu cầu giám định và với tiêu chuẩn chuyên môn của ngành được trưng cầu giám định. Không thể sử dụng kết luận giám định khi cơ quan trưng cầu giám định về các dấu vết trên 2 phương tiện trong vụ tai nạn giao thông để xác định điểm va chạm đầu tiên nhưng kết luận giám định lại kết luận về vị trí va chạm của hai phương tiện trên mặt đường. Mặt khác, cần có sự đánh giá kết luận giám định theo yêu cầu của vụ việc để lựa chọn kết luận phù hợp. Trong vụ án cố ý gây thương tích có thể có hai kết luận giám định cho tỉ lệ thương tật khác nhau và có thể sử dụng cả hai. Việc định tội danh và khung hình phạt thì phải sử dụng kết luận giám định về tỉ lệ thương tật tạm thời, nhưng việc bồi thường, cấp dưỡng thì phải sử dụng kết luận giám định về tỉ lệ thương tật hoặc tổn hại vĩnh viễn…;
– Sử dụng các nguyên tắc logic, quy luật nhận thức để lựa chọn kết luận giám định trong mối quan hệ phù hợp với hệ thống chứng cứ của vụ việc.
Các quy luật và hình thức của tư duy mà logic học nghiên cứu là sự phản ánh cái khách quan vào trong ý thức của con người đã được khẳng định về tính khoa học nên có giá trị rất cao đối với việc loại trừ tất cả những gì không thể chấp nhận được ra khỏi tư duy hợp lý của con người. Trong đánh giá chứng cứ nói chung, các quy luật đồng nhất, quy luật mâu thuẫn, quy luật loại trừ cái thứ 3, quy luật lí do đầy đủ rất hay được áp dụng. Ngoài ra, các biện pháp logic khác như phân tích, so sánh, đối chiếu kết luận giám định với các tiêu chuẩn chuyên môn, với các chứng cứ khác để lựa chọn kết luận phù hợp nhất, chính xác nhất, thể hiện rõ nhất nội dung vụ việc…;
– Triệu tập giám định viên để trực tiếp nghe trình bày về trình tự, kết luận giám định.
Không phải bất kỳ một người tiến hành tố tụng nào, một người tham gia tố tụng nào cũng có thể nhận thức đầy đủ quá trình, phương pháp thực hiện giám định được nêu ra trong kết luận giám định cũng như kết quả giám định; cũng không phải trong mọi quyết định giám định nào cũng thể hiện đầy đủ phương pháp giám định, thể hiện kết quả giám định để người đành giá chứng cứ có thể đánh giá chính xác kết luận giám định. Vì thế, triệu tập người giám định là cơ chế rất hữu hiệu cơ quan và người có thẩm quyền đánh giá chứng cứ trực tiếp tiếp cận cụ thể hơn về kết luận giám định.
Theo chúng tôi, trong những trường hợp cần thiết, có thể triệu tập cả hai giám định viên có kết luận khác nhau để họ trình bày thêm, thậm chí tranh luận khoa học về phương pháp, kết luận của mình. Trên cơ sở đó mới có sự đánh giá đúng đắn, khách quan vụ án.
3. Kết luận
Kết luận giám định là một loại phương tiện chứng minh quan trọng trong việc làm sáng tỏ nội dung vụ việc và trong một số trường hợp là nguồn chứng cứ không thể thay thế theo quy định của pháp luật. Đánh giá kết luận giám định đòi hỏi không chỉ tuân theo các nguyên tắc, phương pháp đánh giá chứng cứ thông thường mà còn phải theo các phương pháp đặc thù dựa trên tính chất khoa học của loại phương tiện chứng minh này. Là kết quả của việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề cần chứng minh trong tố tụng nên cần dựa trên nền tảng hiểu biết về kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, nghiệp vụ đó trên cơ sở kết hợp với quy định của pháp luật và tình huống thực tế của vụ việc để đánh giá, sử dụng kết luận giám định được chính xác.
CHÚ THÍCH
* PGS-TS, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương.
[1] Tòa án nhân dân tối cao, Tập hợp hệ thống hóa luật lệ về tố tụng hình sự, Hà Nội, 1976, tr. 76.
[2] Bộ Tư pháp, Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Luật giám định tư pháp.
[3] Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chỉ có vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật tố tụng, chuyên ngành thì kết luận giám định mới không có ý nghĩa chứng minh. Còn tuy có vi phạm nhưng không nghiêm trọng thì vẫn có thể coi kết luận giám định là nguồn chứng cứ chứng minh.
[4] http://www.baobinhduong.org.vn/newsdetails/1D3FE18692B/Chuyen_tu_mot_cai_tat.aspx.
[5]. http://vietnamese-law-consultancy.com/vietnamese/content/browse.php?action =shownews&id=38&topicid=1283.
Tác giả: Trần Văn Độ* – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03/2013 (76)/2013 – 2013, Trang 21-26
Trả lời