Chính sách hình sự thể hiện trong BLHS năm 2015
TÓM TẮT
Là một bộ phận của chính sách pháp luật, chính sách hình sự là những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo trong việc sử dụng pháp luật hình sự vào lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm và phòng ngừa tội phạm. Bài viết phân tích những cơ sở của việc điều chỉnh chính sách hình sự tại Việt Nam, cũng như trình bày xu hướng nhân đạo hóa luật hình sự – một xu hướng nhất quán của chính sách hình sự Việt Nam.
TỪ KHÓA: Chính sách hình sự,
1. Những cơ sở của việc điều chỉnh chính sách hình sự
Là một bộ phận của chính sách pháp luật, chính sách hình sự là những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo trong việc sử dụng pháp luật hình sự vào lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm và phòng ngừa tội phạm. Với nghĩa đó, nội dung của chính sách hình sự gồm những bộ phận hợp thành cơ bản sau đây:
– Xác định hành vi nào là tội phạm và ở một chiều khác, làm rõ giới hạn giữa cái được gọi là tội phạm và cái không phải là tội phạm.
– Xác định tính chất và mức độ trách nhiệm hình sự và hình phạt với tính cách là hậu quả pháp lý của hành vi phạm tội.
– Định hướng về mức độ áp dụng trách nhiệm hình sự và hình phạt trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử.
– Định hướng nhận thức về tội phạm, hình phạt và rộng hơn là quan điểm về vai trò, vị trí, mục đích của các biện pháp tư pháp hình sự trong hệ thống kiểm soát xã hội và phòng ngừa xã hội.
Hợp phần thứ nhất của chính sách hình sự được thể hiện thông qua toàn bộ công việc tội phạm hóa và phi tội phạm hóa và đây là địa hạt đầu tiên của chính sách hình sự – địa hạt của hoạt động lập pháp hình sự. Hoạt động lập pháp này được thực hiện theo các nguyên tắc và dựa trên các quan điểm khoa học. Các quan điểm và nguyên tắc đó luôn phải được xác lập xuất phát từ một loạt các yếu tố khách quan và chủ quan, trong số đó thường xuyên và cơ bản nhất là các yếu tố được phân tích dưới đây:
1.1. Tình hình tội phạm
Chỉ số đầu tiên của tình hình tội phạm là diễn biến về số lượng và tính chất của tội phạm nói chung và của tội phạm trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội nói riêng. Pháp luật hình sự, hay cụ thể là quá trình tội phạm hóa hay phi tội phạm hóa trước hết là mức độ cần thiết để tự vệ của xã hội trước các mối đe dọa và nguy hại từ phía những hành vi phạm tội. Theo các thống kê gần đây nhất được xác lập trong quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 1999 thì nổi lên trên hết là tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm trật tự, an toàn xã hội có tính chất bạo lực, coi thường pháp luật với việc sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm, vật liệu nổ, bom xăng, axít; các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm hoạt động dưới dạng băng nhóm bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật gia tăng; tính chất đan xen, liên kết giữa tội phạm xâm phạm trật tự xã hội và tội phạm kinh tế, tham nhũng, ma túy ngày càng chặt chẽ. Tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý dự án, đất đai, bất động sản, đầu tư xây dựng cơ bản; tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm, trốn thuế diễn ra phức tạp, có sự tham gia, tiếp tay của cán bộ nhà nước thoái hóa. Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ, thông tin, viễn thông gia tăng, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới.[1]
Như vậy, tình hình tội phạm, mức độ gia tăng của nó, tính chất và mức độ nguy hiểm của các hành vi là lý do đầu tiên và khách quan của việc thay đổi tính chất và mức độ của chính sách hình sự. Nói khác đi, việc quy định tội phạm và hình phạt là phản ứng tự nhiên của Nhà nước trước biểu hiện và diễn biến của tình hình tội phạm. Và nếu theo logic đó thì chắc chắn rằng, việc một loạt các hành vi mới đe dọa và làm tổn hại đến các quan hệ xã hội hiện hữu được tội phạm hóa trong Bộ luật Hình sự là điều dễ dàng trông thấy. Trong số đó phạm vi tội phạm hóa sẽ được mở rộng trong các lĩnh vực của các quan hệ mới trong các lĩnh vực như các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học – công nghệ, công nghệ thông tin, môi trường, y tế; và đối với những biểu hiện, phương thức, thủ đoạn phạm tội mới như tham nhũng trong đó có việc mở rộng phạm vi trách nhiệm hình sự về tội tham nhũng đối với lĩnh vực tư nhân, đối với các tổ chức quốc tế; các hành vi như rửa tiền, cưỡng bức lao động theo kiểu nô lệ nói chung và đối với trẻ em nói riêng, xâm phạm tình dục đối với trẻ em, tổ chức tội phạm và tham gia các tổ chức tội phạm, các tội phạm xuyên quốc gia như buôn bán người, nô lệ tình dục, khủng bố và khủng bố quốc tế…
Tuy nhiên, phạm trù “tính chất nguy hiểm cho xã hội” của hành vi xã hội là một phạm trù lịch sử. Sự nguy hiểm của một loại hành vi xã hội được xác định trên nền tảng hệ các giá trị xã hội – những giá trị được chính thức thừa nhận và, hơn thế nữa, được pháp luật bảo vệ trong trường hợp bị xâm hại. Hiến pháp năm 2013 xem Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là những trụ cột quan trọng trong hệ các giá trị của xã hội Việt Nam hiện đại.
Trong bối cảnh đó, pháp luật hình sự nhất thiết phải được xác định nhiệm vụ mới là bảo vệ quyền và tự do của con người, bảo vệ những giá trị của Nhà nước pháp quyền như sự công bằng, dân chủ, minh bạch, công lý. Vì vậy, đây là một “kênh” mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 trong việc tiến hành tội phạm hóa và hình sự hóa những hành vi nêu trên nhằm đưa các hành vi tương ứng vào quỹ đạo của pháp luật hình sự.
1.2. Sự xuất hiện những hành vi nguy hiểm mới cho xã hội của những chủ thể tội phạm “phi truyền thống”
Việc mở rộng biên độ của pháp luật hình sự trong mọi thời đại đều được lý giải bởi nhu cầu phải có thái độ nghiêm khắc hơn với những hành vi mà trước đó có mức độ nguy hiểm cho xã hội chưa cao nhưng giờ đây đã trở nên thực sự nguy hiểm từ nhãn quan của nhà nước và xã hội, cũng như đối với những hành vi nguy hiểm mới là “sản phẩm” không mong đợi của quả trình phát triển xã hội.
Yêu cầu của việc mở rộng ảnh hưởng tác động của luật hình sự trong giai đoạn hiện nay có tính chất khách quan và trở nên cấp thiết trong quá trình phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Có thể thấy được sự mở rộng này không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả trong phạm vi quốc tế. Mũi nhọn của luật hình sự ở hầu hết các quốc gia hiện nay đã tập trung nhiều hơn vào các hiện tượng nguy hiểm chung như khủng bố, tội phạm có tổ chức, tội rửa tiền, tội phạm ma túy, các tội phạm tham nhũng, các tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, các tội phạm về môi trường, các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông.
Như đã nêu ở trên, sự phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo chung đó. Do vậy, có thể thấy trong Bộ luật Hình sự năm 2015 các cấu thành tội phạm mới. Chẳng hạn, tội khủng bố được “làm mới” cho phù hợp với những dấu hiệu mới được cộng đồng quốc tế xác định trong những năm gần đây mà đặc trưng nhất là yếu tố “gây ra tình trạng hoang mang, hoảng sợ” với tính cách là mục đích chính của hành vi phạm tội; tội khủng bố giờ đây đã được Bộ luật Hình sự năm 2015 xác định theo nghĩa rộng hơn so với trước đây, với hai loại cấu thành: tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113) với tính cách là tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia; tội khủng bố (Điều 299) và tội tài trợ khủng bố (Điều 300) với tính cách là những biểu hiện của tội xâm phạm an toàn công cộng. Quy định này phù hợp với Nghị quyết số 1137 (2001) ngày 12/11/2001 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án mọi phương diện, mọi phương thức và hoạt động của chủ nghĩa khủng bố.
Bộ luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam cũng đã mở rộng hơn phạm vi của một số hành vi phạm tội tham nhũng sang lĩnh vực ngoài nhà nước và doanh nghiệp (khoản 5 Điều 353 – tội Tham ô, khoản 6 Điều 364 – tội Đưa hối lộ, khoản 7 Điều 365 – tội Môi giới hối lộ) cũng như phạm vi đối tượng của hành vi tham nhũng gồm cả công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công (khoản 6 Điều 364 – tội Đưa hối lộ). Những quy định mới này nhằm bảo đảm phù hợp với thực trạng của tình hình và biểu hiện của tội phạm tham nhũng hiên nay, cũng như bảo đảm phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc năm 2003 về tội phạm hóa các biểu hiện tham nhũng trong khu vực tư, các hành vi mua chuộc các quan chức cơ quan công quyền quốc gia cũng như người có chức vụ trong tổ chức quốc tế.
Những trường hợp tội phạm hóa ấy gắn liền với những chủ thể được coi là “truyền thống” – các cá nhân với những đặc trưng pháp lý được xác định như độ tuổi, lỗi, năng lực hành vi. Nguyên tắc trách nhiệm chỉ thuộc về cá nhân người phạm tội lần đầu tiên được đưa ra như một lời tuyên ngôn của Đại cách mạng Pháp năm 1789 đã được coi là nguyên tắc cốt lõi của luật hình sự và là một bước tiến vĩ đại trong lịch sử loài người.
Mặc dù vậy, ngay từ rất sớm, đặc biệt là bắt đầu từ thời kỳ công nghiệp hóa đầu tiên, trong hệ thống pháp luật của những quốc gia mà trước hết là ở các quốc gia thuộc hệ Thông luật đã có các quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân kinh tế. Nguyên nhân của lối rẽ này trong pháp luật hình sự bắt nguồn từ chính các hoạt động kinh tế của các pháp nhân với tư cách là thủ phạm của các biểu hiện gây nguy hiểm cho kinh tế và cho môi trường sống. Một sự thật là trong đa số các trường hợp này nếu chỉ dựa trên cơ sở của trách nhiệm hình sự của cá nhân thì không thể đạt được hai mục đích chính của trách nhiệm hình sự là bồi thường thiệt hại (mà thường là ở mức độ rất lớn) và phòng ngừa xảy ra thiệt hại hoặc thậm chí là thảm họa.
Bước vào giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa đất nước, Việt Nam cũng không thể và sự thật đã không phải là ngoại lệ cho xu hướng của những biểu hiện nêu trên mà thực tế hiện hữu ở miền Trung và ở nhiều nới khác là những minh chứng cụ thể. Vì vậy, phạm vi tác động của pháp luật hình sự ở đây đã được mở rộng theo hướng coi pháp nhân là chủ thể của trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp nhất định.[2]
2. Xu hướng nhân đạo hóa luật hình sự – một xu hướng nhất quán của chính sách hình sự Việt Nam.
Nhân đạo hóa là nhân tố chủ đạo của luật hình sự bởi đây là công cụ sắc bén nhất trong tay Nhà nước – người sử dụng nó mà đối tượng áp dụng là con người. Nhân đạo hóa trở thành xu hướng chung của luật hình sự trên thế giới và chắc chắn rằng đó cũng là xu hướng trong tiến trình phát triển của luật hình sự Việt Nam. Chính là do xu hướng có tính bản chất đó mà nguyên lý “hễ có hành vi nguy hiểm cho xã hội thì sẽ có nhu cầu tội phạm hóa” đã không còn là một nguyên lý phổ biến. Nhân đạo hóa luật hình sự dựa trên những cơ sở chắc chắn về nhận thức và thực tiễn. Nhìn nhận mối liên hệ giữa con người với xã hội càng ngày càng cho thấy rõ hơn về nguyên nhân của hành vi phạm tội. Theo đó, con người là một thực thể xã hội phức tạp, mâu thuẫn, luôn chịu sự tác động của các yếu tố thuộc về môi trường xã hội và giáo dục. Trong mối tương tác đó, nhiều khi sự tác động của môi trường xã hội đã góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành nhân cách con người, không chỉ xô đẩy con người vào chỗ phạm tội, mà ngược lại, còn là yếu tố tác động mạnh mẽ đến quá trình cải tạo con người phạm tội so với khả năng tác động của hình phạt. Chính vì vậy, quan điểm đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Những thể hiện đặc trưng và cơ bản nhất của xu hướng nhân đạo hóa luật hình sự thường thấy ở những giải pháp sau đây trong pháp luật hình sự của các quốc gia và trong các văn kiện pháp lý quốc tế:
– Từ bỏ, giảm hoặc hạn chế áp dụng các hình phạt tử hình.
– Từ bỏ các loại hình phạt có tính hà khắc, làm đau đớn và đày đọa thể xác con người như lao động khổ sai, nhục hình.
– Áp dụng và mở rộng phạm vi các loại hình phạt thay thế hình phạt tù.
– Mở rộng các căn cứ miễn trách nhiệm hình sự hoặc giảm nhẹ hình phạt.
– Áp dụng các điều kiện có lợi trong việc xác định chế độ pháp lý hình sự đối với người chưa thành niên và phụ nữ, người cao tuổi.
– Thực hiện một cách nhất quán quá trình phi tội phạm hóa và phi hình sự hóa.
2.1. Đối với hình phạt tử hình
Xu hướng chung của thế giới là thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn loại hình phạt này. Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là “hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” (Nghị quyết số 49 – NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp”). Những con số sau đây cho thấy rõ điều đó: Tại Bộ luật Hình sự đầu tiên của Việt Nam năm 1985 có 29/195 tội danh có chế tài tử hình; tại Bộ luật Hình sự năm 1999, tức là tại lần sửa đổi căn bản nhất, số tội danh có hình phạt tử hình vẫn là 29 nhưng đặt trong tỉ lệ so với toàn bộ 263 tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự này; đối với lần sửa đổi năm 2009, số các tội danh có hình phạt tử hình giảm còn 22 tội và trong tỉ lệ so với 272 tội danh trong Bộ luật Hình sự. Đến Bộ luật Hình sự năm 2015, số hình phạt tử hình còn 18 hiện diện trong chế tài đối với các tội danh.
Về điều kiện áp dụng, Bộ luật Hình sự năm 1999 tại Điều 35 đã xác định rõ giới hạn là chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai. Mặt khác, Bộ luật đã mở rộng phạm vi đối tượng không áp dụng hình phạt này, cụ thể là không áp dụng với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng khi phạm tội hoặc khi xét xử; quy định trước đây của Bộ luật Hình sự năm 1985 về khả năng thi hành án tử hình ngay sau khi xét xử đã được loại bỏ. Tiếp tục hướng đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 không chỉ quy định hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng mà còn chỉ rõ là tội phạm đó thuộc những nhóm tội nhất định như xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng. Việc mở rộng phạm vi đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình còn bao gồm cả đối tượng là người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Ngoài ra, danh mục này còn bao gồm cả trường hợp những người bị kết án về tội tham ô tài sản, tội hối lộ mà sau khi kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn (Điều 40).
2.2. Về xu hướng mở rộng các hình phạt thay thế hình phạt tù
Có thể nói rằng, xu hướng này đã được bắt đầu một cách mạnh mẽ từ giữa thế kỷ XIX ở các nước châu Âu với việc áp dụng những hình phạt phi truyền thống mà phổ biến nhất là hình thức lao động công ích. Đến cuối thế kỷ XX xu hướng này đã được quốc tế hóa rộng rãi hơn, thể hiện qua nhiều hội nghị chuyên đề của Liên hợp quốc về phòng ngừa tội phạm và về chế độ xét xử đối với người vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, tại hội nghị về chủ đề này của Liên hợp quốc vào năm 1985 lần đầu tiên hình phạt tù đã được khuyến cáo thay thế bằng các hình phạt khác như phạt tiền, bắt buộc lao động tại ngoại, án treo, bồi thường thiệt hại. Đặc biệt, trong vòng hơn một thập niên trở lại đây, ngày càng có nhiều hình phạt thay thế hình phạt tù đã được quy định trong luật hình sự các quốc gia trên thế giới như lao động công ích, hạn chế tự do (tù không toàn phần), giam giữ tại gia hoặc tù giam theo những ngày xác định (ví dụ vào những ngày cuối tuần).
Có thể thấy rằng, những hình thức này tuy mới ra đời nhưng đã trở nên rất phổ biến, rất đa dạng ở nhiều nước trên thế giới. Mục đích thay thế hình phạt tù bằng những hình phạt loại này là đảm bảo cho người bị kết án không mất đi mối liên hệ với gia đình và cộng đồng xã hội cũng như các thói quen và khả năng lao động có ích.
Ở Việt Nam, Chiến lược cải cách tư pháp cũng cho thấy “giảm hình phạt tù” là một định hướng của chính sách pháp luật hình sự, cùng với yêu cầu “mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm”. Như vậy, so với những cách làm trên thế giới thì chủ trương giảm hình phạt tù và tăng các hình phạt thay thế hình phạt tù của Việt Nam là một chủ trương phù hợp với xu hướng nhân đạo hóa luật hình sự.
Tuy nhiên, khái niệm được sử dụng trong Chiến lược cần được hiểu trên ba mức độ. Thứ nhất, đó là sự hiện diện ngày càng nhiều hơn trong hệ thống hình phạt các loại hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù để có thể thay thế hình phạt này. Thứ hai, đó là sự hiện diện ngày càng nhiều hơn các hình phạt này trong chế tài của các điều luật tại Phần các tội phạm, nhất là sự hiện diện của loại chế tài lựa chọn cạnh tranh giữa hình phạt tù và hình phạt nhẹ hơn. Thứ ba, đó là việc áp dụng các hình phạt thay thế này trong việc quyết định hình phạt của Tòa án. Nói khác đi, chủ trương nhân đạo này phải được cụ thể hóa trên cả hai bình diện lập pháp và áp dụng pháp luật và phải trở thành nhận thức của các cơ quan lập pháp và tư pháp.
Nếu nhìn nhận từ ba bình diện nêu trên có thể thấy một điều rằng, so với trước đây, Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa tạo ra sự biến chuyển nào trong hệ thống hình phạt, bởi trong hệ thống hình phạt mà Bộ luật đưa ra (Điều 32) các hình phạt chính nhẹ hơn hình phạt vẫn chỉ là 4 loại: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất; nếu không kể trục xuất là hình phạt liên quan đến người nước ngoài phạm tội thì các hình phạt này chỉ là 3 loại. Những hình phạt này đã được quy định kể từ năm 1985 đến nay, trải qua lần sửa đổi căn bản vào năm 1999 và 6 lần sửa đổi khác. Tại các chế tài ở những điều luật thuộc chương của Phần các tội phạm, mặc dù sự hiện diện của các hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù là tương đối phổ biến: hình phạt cải tạo không giam giữ được quy định nhiều trong chế tài đối với các tội xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (chương XIV), các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do của công dân (chương XV); các hình phạt cảnh cáo, phạt tiền hiện diện nhiều hơn trong các chương XVII (Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình), chương XVIII (Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế).
Tuy nhiên, nếu nhìn toàn bộ Phần các tội phạm thì có thể thấy một sự dè dặt nhất định đối với các hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, bởi còn nhiều cấu thành tội phạm đang chỉ có một hệ quả duy nhất là tù có thời hạn, thậm chí tất cả các cấu thành tội phạm được quy định tại chương XIII: “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia” đều ở trong tình trạng này. Trong khi đó, tại các điều luật tương ứng đều dự liệu hình phạt tù dưới ba năm đối với trường hợp chuẩn bị phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, rõ ràng là đối với những đối tượng này thì việc sử dụng các hình phạt như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ là điều hoàn toàn có thể theo nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự và phân hóa hình phạt – một nguyên tắc có ý nghĩa hết sức quan trọng của luật hình sự trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm.
Thực tiễn xét xử trong nhiều năm qua đã cho thấy một xu hướng thiên về áp dụng hình phạt tù, kể cả ở mức thấp nhất với hình phạt đó; rất hãn hữu, hoặc hầu như không thấy những trường hợp áp dụng các chế tài lựa chọn cạnh tranh theo hướng áp dụng cảnh cáo, phạt tiền, hoặc cải tạo không giam giữ thay cho việc áp dụng hình phạt tù, hoặc áp dụng rộng rãi quy định tại khoản 3 Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (hoặc tại điều luật tương ứng của các bộ luật hình sự trước đây) về thẩm quyền của Tòa án quyết định chuyển sang mức hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Đây là vấn đề thuộc về nhận thức trong tư duy pháp lý thực tiễn cần được xem xét lại một cách đầy đủ. Tư duy đó có thể cảm nhận được ngay trong khuynh hướng quy đổi hình phạt cho nhau trong quy tắc quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội được quy định tại Mục b của khoản 1 Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, quy tắc chuyển đổi chỉ đặt ra khả năng “gom” ba ngày cải tạo không giam giữ thành một ngày tù mà không đặt ra khả năng ngược lại là chuyển phạt tù thành cái tạo không giam giữ hoặc phạt tiền. Chúng tôi cho rằng, quy tắc ngược lại, nếu có, thì không nhất thiết áp dụng trong việc quyết định hình phạt trong những trường hợp nhiều tội mà cần và có thể là một quy tắc tổng quát để áp dụng trong nhiều chế định khác của luật hình sự.
2.3. Về xu hướng mở rộng các căn cứ miễn trách nhiệm hình sự hoặc giảm nhẹ hình phạt
Đây được coi là một định hướng quan trọng của chủ trương nhân đạo hóa luật hình sự hiện đại. Chính vì vậy, những thay đổi lớn trong luật hình sự của nhiều quốc gia trên thế giới trong những năm gần đây đều có liên quan đến chế định này, với những bước đi mang tính cải cách rất rõ nét. Luật hình sự Việt Nam cho đến nay cũng nằm trong lộ trình chung đó.
Theo Bộ luật Hình sự năm 1999 chúng ta có những căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự như: khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm nữa; trước khi hành vi phạm tội bị phát giác người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm; trong trường hợp người phạm tội được đại xá (Điều 25). Đến Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có sự phân biệt trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự do có sự thay đổi trong chính sách, pháp luật mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa với trường hợp do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm nữa.
Có thể thấy rõ ở đây sự kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ thì có thể thấy rằng, cả hai lần lập pháp này đều có sự nhầm lẫn giữa các căn cứ của việc miễn trách nhiệm hình sự với việc phi tội phạm hóa hành vi nguy hiểm cho xã hội. Bởi vì, trường hợp khi tình hình có sự chuyển biến lớn đến mức hành vi trước đây là tội phạm đã trở nên không nguy hiểm nữa thì hệ quả cần thiết ở đây là hành vi ấy phải được pháp luật hình sự loại ra khỏi danh mục tội phạm mà không thể chỉ là miễn trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm hình sự chỉ có thể áp dụng đối với con người đã gây ra hành vi, nhưng con người đó, do có sự chuyển biến của tình hình, có thể là tình hình kinh tế, xã hội, chính trị, mà xã hội không còn thấy sự nguy hiểm ở con người đó nữa đến mức phải áp dụng trách nhiệm hình sự.
Loại căn cứ thứ hai được tiếp tục quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 là những hành vi như tự thú, tự khai rõ sự việc của người phạm tội góp phần vào việc điều tra, xử lý tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm. Theo hướng này, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung một quy định mới về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự là người phạm tội “lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được nhà nước và xã hội thừa nhận” (Mục c khoản 2 Điều 29).
Một yếu tố được coi là hoàn toàn mới trong luật hình sự Việt Nam với tính cách là căn cứ miễn trách nhiệm hình sự là yếu tố liên quan đến tình trạng sức khỏe của người phạm tội. Theo đó, người phạm tội sẽ được miễn trách nhiệm hình sự nếu khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử người này mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng nguy hiểm cho xã hội nữa (Mục b khoản 2 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015).
Ngày nay trên thế giới đã xuất hiện và phát triển một xu hướng nhân đạo hóa luật hình sự và chính sách hình sự. Xu hướng đó không chỉ dừng lại ở việc mở rộng phạm vi các căn cứ miễn trách nhiệm hình sự mà còn thể hiện trong việc tìm kiếm những khả năng không sử dụng đến chế tài hình sự đối với người phạm tội và thay vào đó là những giải pháp nhằm bảo đảm khả năng phục hồi các quyền và lợi ích của người bị hại đã bị xâm hại bởi hành vi tội phạm và tăng cường khả năng phục hồi những mối liên hệ bình thường cũng như gia tăng sự thích ứng của người phạm tội với môi trường xã hội và cộng đồng xã hội. Mục đích đó được xác định ngay trong tên gọi của một chế định mới trong luật hình sự hiện đại: chế định Tư pháp phục hồi (“Restorative Justice”). Thành tố không thể thiếu được của chế định này là hòa giải. Hòa giải trong luật hình sự được coi là hướng vào việc phát huy vai trò chủ động và lòng vị tha của người bị hại trong việc hòa giải vụ việc thay vì nỗ lực và chi phí cho việc điều tra, truy tố hoặc xét xử của các cơ quan tố tụng hình sự. Cách giải quyết này đã trở nên rất phổ biến trong pháp luật hình sự của nhiều nước trên thế giới, xuất phát từ hai quan điểm là quan điểm về “phi chính thức hóa” tố tụng hình sự và quan điểm mà, trong một chừng mực nào đó, có thể nói là “trở về với nguồn gốc có tính tố tụng dân sự” của vụ án hình sự.
Đi vào xu hướng chung này của luật hình sự hiện đại, lần đầu tiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam đã đưa ra quy định như sau: “người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự” (khoản 3 Điều 29). Nghiên cứu quy định của khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 cho phép khẳng định một cách chắc chắn rằng, quy định này đã tạo ra một chế định mới – chế định hòa giải trong luật hình sự như một căn cứ miễn trách nhiệm hình sự nhằm giảm tải gánh nặng của hệ thống tư pháp và chuyển hướng vào việc khuyến khích vai trò chủ động của các bên trong mối quan hệ pháp lý hình sự.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng, quy định mới này mặc dù chắc chắn phải được đánh giá là một điểm sáng trong chính sách hình sự theo hướng nhân đạo hóa luật hình sự của chúng ta nhưng thực tế chỉ có thể được coi là đã tạo ra định hướng ban đầu cho sự ra đời một chế định mới là tư pháp phục hồi như đã nêu ở trên. Nó chưa đủ “dose” để có thể làm nên sự hiện diện của chế định đó trong luật hình sự Việt Nam. Cần tiếp tục tạo ra những cơ sở pháp lý về trình tự, thủ tục thực hiện, hệ thống các giải pháp thay thế và chuyển đổi cần áp dụng sau kết quả của cuộc hòa giải, các chủ thể có thẩm quyền và trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp đó, bắt đầu từ quan hệ tố tụng tư pháp chính thức đến khi các quan hệ đã được chuyển hóa sang hình thức phi tố tụng. Nói khác đi, tư pháp phục hồi phải thực sự là một hệ thống hoàn chỉnh đủ khả năng thay thế một cách có hiệu quả và hỗ trợ một cách đắc lực hệ thống tư pháp chính thống khi có đủ điều kiện.
2.4. Xu hướng tăng cường những điều kiện pháp lý nhân đạo có lợi hơn đối với người chưa thành niên phạm tội
Có thể nói rằng lịch sử đã trải qua nhiều thế kỷ khi trẻ em đã luôn luôn là nạn nhân của những chính sách hình sự hà khắc ở hầu khắp các khu vực trên thế giới. Nhưng bắt đầu từ giữa thế kỷ XIX, nhất là trong thế kỷ XX, tại nhiều quốc gia Âu – Mỹ một quan điểm triết học và pháp lý nhân đạo mới đã hình thành và nhanh chóng được thừa nhận rộng rãi – đó là quan điểm cần phải có những biện pháp nhẹ hơn và khoan dung hơn đối với người chưa thành niên phạm tội hoặc vi phạm pháp luật, trong đó ưu tiên các giải pháp thay thế các chế tài hình sự, các biện pháp tăng cường áp dụng tư pháp phục hồi. Xu hướng này được đặc biệt cổ vũ bởi những nỗ lực của cộng đồng quốc tế thể hiện qua việc ra đời nhiều văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng về bảo vệ quyền trẻ em, chẳng hạn như Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (CRC) năm 1989 và các nghị định thư, các bản quy tắc và hướng dẫn của Liên hợp quốc về các khía cạnh khác nhau liên quan đến quyền của trẻ em.
Chính sách hình sự của Việt Nam đối với người chưa thành niên phạm tội thể hiện rất rõ sự khoan dung và độ lượng của Nhà nước và xã hội ta với phương châm không thay đổi là nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết và chỉ áp dụng hình phạt nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự, cũng như áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục khi được miễn trách nhiệm hình sự như khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn; hoặc các biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.[3]
Những biện pháp xử lý theo hướng có lợi hơn cho người chưa thành niên phạm tội so với những người phạm tội đã đạt tuổi thành niên là thực sự đa dạng. Trước hết, đó là những quy định về mở rộng khả năng miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội ở các lứa tuổi 14-16 và 16-18 tuổi theo những điều kiện nhẹ hơn về loại tội đã gây ra. Kế đó là việc mở rộng hơn những biện pháp thay thế trách nhiệm hình sự như khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn, và biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, với những yêu cầu về tổ chức, thủ tục tương ứng. Ở đây, chế định tư pháp phục hồi nêu trên đã cho thấy bóng dáng một số yếu tố nhất định của nó trong trường hợp xử lý người chưa thành niên phạm tội, đặc biệt là với sự thành lập hệ thống các tòa án gia đình và trẻ em ở nước ta.
Tuy nhiên, nếu so sánh với mô hình tư pháp phục hồi cho người chưa thành niên thì những quy định này vẫn ở mức khiêm tốn bởi nó vẫn mang nặng tính tố tụng chính thức; chưa thấy rõ hình bóng của các tổ chức, gia đình, hệ thống các dịch vụ và tư vấn về kỹ năng sống, về nghề nghiệp, về học tập cũng như các nguồn lực cho việc thay thế và chuyển hướng một cách có hiệu quả các biện pháp cải tạo, giáo dục bằng trách nhiệm hình sự đối với những người chưa thành niên phạm tội. Thêm vào đó, kể cả trong những trường hợp xử lý người chưa thành niên phạm tội thì tư duy pháp lý của các cơ quan tư pháp hiện nay vẫn đang ở tình trạng thiên về mục đích trừng trị. Điều này thể hiện rất rõ qua những con số sau đây: khi theo dõi việc áp dụng khoản 2 Điều 69 Bộ luật Hình sự năm 1999 về việc miễn trách nhiệm hình sự cho người chưa thành niên phạm tội trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình, hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục, các cơ quan tư pháp đã thu được một kết quả ít ỏi về việc vận dụng quy định này và con số đó lại giảm dần theo giai đoạn tố tụng: cơ quan điều tra: 2.7%, viện kiểm sát : 1,4% và tòa án: 0.05%. Việc áp dụng hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội vẫn còn là thực tiễn phổ biến. Chẳng hạn, trong năm 2007 số bị cáo chưa thành niên bị phạt tù chiếm 53,7% trên tổng số bị cáo chưa thành niên; con số đó trong năm 2008 là 51%, năm 2009 là: 56,7%[4].
2.5. Về xu hướng phi tội phạm hóa và phi hình sự hóa
Phi tội phạm hóa là một quá trình ngược lại với tội phạm hóa với nội dung chung nhất là loại bỏ trách nhiệm hình sự đối với một loại hành vi mà trước đó bị pháp luật hình sự xem là tội phạm. Trong nhiều lý do (căn cứ) phi tội phạm hóa có một lý do thể hiện tính nhân đạo của chính sách hình sự, theo đó, nhà nước và xã hội có sự nhìn nhận lại, đánh giá lại mức độ nguy hiểm cho xã hội của loại hành vi này hay hành vi khác từ trên quan điểm nhân văn thể hiện lòng tin vào khả năng của con người tự cải tạo mình cũng như niềm tin vào việc huy động những phương thức tác động khác nhẹ hơn nhưng có khả năng mang lại hiệu quả cao hơn đối với việc giáo dục, cải tạo người phạm tội.
Trong hướng đi này, việc tiến hành phi tội phạm hóa bằng cách làm thu hẹp phạm vi các căn cứ chung của trách nhiệm hình sự có thể được coi là cách làm “mạnh” nhất bởi đó chính là sự loại ra khỏi giới hạn tác động của luật hình sự một loạt các đối tượng, trong khi việc loại bỏ cơ sở của trách nhiệm hình sự đối với từng hành vi tại Phần các tội phạm chỉ giới hạn trong phạm vi loại hành vi đó mà thôi. Phi tội phạm hóa thông qua quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự là một hướng mà trong tất cả những lần sửa đổi bộ luật hình sự đều được thực hiện, qua đó thấy rõ xu hướng nhân đạo hóa pháp luật hình sự Việt Nam là hết sức nghiêm túc và nhất quán. Tại Bộ luật Hình sự năm 2015, người trong giới hạn từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng và chỉ đối với một số tội nghiêm trọng được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật.
Theo Bộ luật Hình sự năm 1999 thì những người ở độ tuổi này phải chịu trách nhiệm hình sự về tất cả các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, các tội phạm này, mặc dù đương nhiên là tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự, nhưng pháp luật hình sự không coi là tội phạm trong hành vi do những chủ thể ở độ tuổi này gây ra.
Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã đi một bước tương tự như trên trong việc quy định trách nhiệm hình sự đối với các hành vi như chuẩn bị phạm tội, che dấu tội phạm, không tố giác tội phạm. Đáng chú ý là nếu như Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ áp dụng điều kiện phi tội phạm hóa này đối với những đối tượng nhất định trong hành vi không tố giác tội phạm thì Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sử dụng quy định này đối với cả hành vi che dấu tội phạm.
Nhân đạo hóa luật hình sự được thể hiện một cách nhất quán thông qua chủ trương phi hình sự hóa, được hiểu là sự làm nhẹ hơn trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với các hành vi tội phạm và, cũng giống như việc phi tội phạm hóa, được thực hiện trong các quy định của Phần chung cũng như của Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự. Theo đó, tại Phần chung, Bộ luật đã quy định nhằm thay đổi những điều kiện có lợi hơn cho chủ thể của hành vi phạm tội, hoặc nói khác đi, làm thay đổi “sức nặng” của hình phạt..
CHÚ THÍCH
[1] Bộ Tư pháp, Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999, 2013 (Tài liệu của Ban soạn thảo Bộ luật Hình sự năm 2015)
[2] Đào Trí Úc, “Vấn đề trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong Bộ luật Hình sự Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 3/2015, tr. 49-55.
[3] Bộ chính trị, Nghị quyết số 49.
[4] Bộ Tư pháp, Báo cáo đánh giá tác động Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Hà Nội, 2015, tr. 29.
Tác giả: GS.TSKH. Đào Trí Úc
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01(104)/2017 – 2017, Trang 03-11