Mục lục
Chế định mặc cả nhận tội theo pháp luật tố tụng hình sự Hoa Kỳ và kinh nghiệm cho Việt Nam
Tác giả: TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
TÓM TẮT
Mặc cả nhận tội là một chế định đặc trưng trong pháp luật tố tụng hình sự các nước theo hệ thống án lệ nói chung và Hoa Kỳ nói riêng. Thủ tục này đã giúp giải quyết một tỷ lệ rất lớn các vụ án hình sự tại Hoa Kỳ, giảm bớt gánh nặng cho hệ thống tư pháp hình sự. Ngày nay, ngay cả những nước theo hệ thống pháp luật lục địa cũng đã tiếp thu và xây dựng chế định mặc cả nhận tội trong pháp luật quốc gia dưới những hình thức khác nhau. Bài viết tập trung trình bày, phân tích những vấn đề xoay quanh chế định mặc cả nhận tội theo pháp luật Hoa Kỳ như: nguồn gốc ra đời, khái niệm, đặc điểm; hình thức và thủ tục; các yêu cầu để một thỏa thuận nhận tội được chấp nhận; ưu và nhược điểm. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Xem thêm bài viết về “Mặc cả nhận tội”
1. Nguồn gốc, khái niệm và đặc điểm của mặc cả nhận tội theo pháp luật tố tụng hình sự Hoa Kỳ
1.1. Nguồn gốc của mặc cả nhận tội
Trước thế kỷ 19, các Tòa án Anglo – Saxon không khuyến khích hay chính xác hơn là đã chủ động ngăn cản việc thỏa thuận nhận tội.[1] Bước sang thế kỷ 19, mặc cả nhận tội xuất hiện với một vài mức độ nhất định và trở nên phổ biến vào nửa sau của thế kỷ này.[2] Lịch sử ra đời và phát triển của chế định mặc cả nhận tội được phản ánh qua các phán quyết của Tòa án tiểu bang và đặc biệt là Tòa án tối cao của Hoa Kỳ, cũng như trong quy định của pháp luật một số bang. Án lệ đầu tiên đánh dấu sự chấp thuận của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đối với mặc cả nhận tội là vụ án Brady và nước Hoa Kỳ (năm 1970).[3] Trong đó, Tòa án tối cao kết luận rằng “mặc cả nhận tội là một phần vốn có của luật hình sự và của việc thực thi nó”. Một năm sau, trong vụ án Santobello và New York, Tòa án tối cao còn nhấn mạnh “sắp xếp sự buộc tội sau khi thảo luận về việc nhận tội không chỉ là một phần thiết yếu của quá trình tố tụng hình sự mà còn là một phần rất được mong đợi vì nhiều nguyên nhân”.[4] Nghiên cứu lịch sử, các học giả đã chỉ ra các lý do dẫn đến sự xuất hiện và phát triển của chế định mặc cả nhận tội, bao gồm:
Thứ nhất, sự xuất hiện của tố tụng tranh tụng cùng với sự ra đời của luật về chứng cứ. Lịch sử cho thấy, đến giữa thế kỷ 18, tố tụng hình sự của các nước theo hệ thống thông luật tỏ ra có hiệu quả, xét xử bằng Bồi thẩm đoàn là một thủ tục ngắn gọn (summary proceeding).[5] Tuy nhiên, sự phát triển của tố tụng tranh tụng và luật về chứng cứ đã làm tăng tính phức tạp, tốn kém thêm chi phí và kéo dài thời gian của phiên tòa xét xử; do vậy cần phải có một thủ tục khác đơn giản, nhanh gọn hơn để thay thế và đó chính là mặc cả nhận tội. Mặc cả nhận tội đã thực sự trở thành một phương thức giải quyết án hình sự nổi bật vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.[6]
Thứ hai, truyền thống về tư tố.[7] Tư tố là một đặc điểm nổi bật và lâu bền như việc xét xử bằng Bồi thẩm đoàn trong tố tụng hình sự Anh. Có tác giả cho rằng trong chế định tư tố, người buộc tội về cơ bản vẫn là một cá nhân và không có bất kỳ thẩm quyền chính thức nào. Họ thuê mướn luật sư riêng giống như trong vụ án dân sự và về mặt thực tế thì họ là một bên có lợi ích trong vụ án.[8] Như vậy thì họ có quyền được thỏa thuận giống như các bên trong vụ án dân sự. Nói cách khác, họ có quyền tự quyết việc buộc tội của mình. Đặc điểm này giúp chúng ta lý giải được nguyên nhân vì sao các nước theo hệ thống án lệ đã sử dụng chế định tự quyết buộc tội để giải quyết áp lực của việc tồn đọng án một cách tự nhiên hơn so với các nước thuộc hệ thống luật lục địa – nơi mà chức năng buộc tội được thực hiện bởi nhân viên nhà nước và luôn có sự lo lắng triền miên điều chỉnh quyền tự quyết của họ.[9]
Thứ ba, việc ban hành vô số các đạo luật liên quan đến lĩnh vực hình sự cùng với sự gia tăng về số lượng án làm cho các Tòa án cấp dưới không còn cách nào khác là phải sử dụng tư pháp mặc cả để giải quyết việc tồn đọng án.[10] Những đạo luật liên quan đến rượu đã tội phạm hóa nhiều hành vi, càng làm gia tăng áp lực phải giải quyết nhanh chóng các vụ án.[11] Sự bùng nổ dân số sau chiến tranh thế giới thứ II, sự gia tăng về tỷ lệ thanh thiếu niên trong xã hội Hoa Kỳ, những vụ án liên quan đến cần sa và những tội phạm không có nạn nhân khác dẫn đến tình trạng có thêm rất nhiều vụ án cần phải xử lý. Số liệu thống kê cho thấy số lượng án thường tăng gấp đôi sau mỗi thập kỷ trong khi đó các nguồn lực tư pháp được bổ sung rất ít. Những điều này đã tạo nên một sự khủng hoảng lớn cho việc quản trị của Tòa án.
Thứ tư, được sử dụng như một công cụ tham nhũng khi mà công tố viên, thẩm phán, người bào chữa dùng của hối lộ để đảm bảo “việc mặc cả” sẽ đem đến một bản án nhẹ hơn.[12] Các nghiên cứu và điều tra xã hội học cho thấy trong các Tòa án ở vùng thành thị, tham nhũng chính trị rõ ràng là một yếu tố dẫn đến sự phát triển của chế định mặc cả nhận tội.[13] Tất cả các bên có liên quan trước, trong và sau quá trình mặc cả nhận tội (cảnh sát, công tố viên, người bào chữa, thẩm phán) vì động cơ vụ lợi đã dàn xếp để thuyết phục bị can đồng ý tham gia mặc cả nhận tội với những kết quả được hứa hẹn trước. Từ khi mới xuất hiện và cho đến hiện tại, không thể phủ nhận việc mặc cả nhận tội đã làm hài lòng nhiều “khách hàng” và việc xem xét lại các thỏa thuận rất hiếm khi xảy ra. Chính đặc điểm này kết hợp với môi trường tham nhũng trong tư pháp hình sự các vùng thành thị vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 phần nào giúp giải thích cho việc hưng thịnh của thủ tục mặc cả nhận tội.[14]
1.2. Khái niệm, đặc điểm của mặc cả nhận tội
1.2.1. Khái niệm
Có nhiều khái niệm khác nhau về mặc cả nhận tội. Theo Từ điển Black’s Law thì đây là “một quá trình trong đó bị can và công tố viên trong một vụ án hình sự cùng nhau giải quyết vụ án một cách thỏa đáng dưới sự chứng nhận của Tòa án, thường liên quan đến việc bị cáo thừa nhận một tội danh nhẹ hơn hoặc đối với một hoặc một vài cáo trạng buộc tội để đổi lấy một bản án ít nghiêm khắc”.[15] Đơn giản hơn, có thể hiểu mặc cả nhận tội là “một thỏa thuận giữa bên buộc tội và bên bào chữa trong đó bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình để đổi lấy một bản án nhân đạo hơn và tránh việc bị xét xử tại tòa”;[16] hay là “chấp nhận của bị cáo đối với sự buộc tội với hi vọng hợp lý là sẽ nhận được suy xét từ nhà nước”.[17]
Cần phân biệt mặc cả nhận tội với sự nhận tội (guilty plea). Kết quả của quá trình mặc cả trong phần lớn các trường hợp là sự thừa nhận của bị cáo về việc đã thực hiện một tội phạm nhẹ hơn, nhưng sự nhận tội không nhất thiết phải đạt được thông qua thủ tục mặc cả. Ví dụ, một bị cáo cảm thấy rất hối hận về hành vi phạm tội của mình có thể đơn giản nhận tội mà không cần trải qua quá trình mặc cả.
1.2.2. Đặc điểm
Nghiên cứu cho thấy mặc cả nhận tội có những đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, thủ tục tố tụng không mang tính xét xử.[18] Mặc cả nhận tội nếu được thực hiện thành công (trong phần lớn các trường hợp) thì Tòa án phải chấp nhận sự thỏa thuận giữa các bên (trừ khi có lý do chính đáng)[19] và ra bản án mà không cần phải mở phiên tòa xét xử. Bên buộc tội (công tố viên), bên gỡ tội (người bị buộc tội và người bào chữa) đóng vai trò chính trong quá trình mặc cả, quyết định kết quả giải quyết vụ án. Tòa án giữ vai trò thụ động. Thủ tục mặc cả nhận tội không mang tính tranh tụng như phiên tòa hình sự, ngược lại được thực hiện dựa trên sự tự thỏa thuận, tự định đoạt của các bên.
Thứ hai, phá vỡ quyền được xét xử bằng Bồi thẩm đoàn của người bị buộc tội.[20] Theo tu chính án thứ sáu Hiến pháp Hoa Kỳ thì trong tất cả trường hợp truy tố về hình sự, người bị buộc tội có quyền được xét xử bởi một Bồi thẩm đoàn vô tư, công bằng. Xét xử bằng Bồi thẩm đoàn là một đặc trưng của các nước theo hệ thống thông luật. Đối với Hoa Kỳ, đây còn là một quyền hiến định của người bị buộc tội, là một bảo đảm tố tụng rất quan trọng. Tuy nhiên, một khi thủ tục mặc cả nhận tội được thực hiện thành công cũng đồng nghĩa với việc người bị buộc tội đã từ bỏ quyền hiến định trên của mình.
Thứ ba, thường được áp dụng bởi các nước theo hệ thống án lệ. Như đã phân tích, nguồn gốc ra đời của chế định mặc cả nhận tội một phần xuất phát từ truyền thống về tư tố của các nước theo hệ thống pháp luật Anh – Hoa Kỳ (với mô hình tố tụng tranh tụng). Vì vậy, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy rằng chế định này được ghi nhận ở hầu hết các quốc gia theo hệ thống pháp luật trên. Tuy nhiên, với sự giao thoa, tiếp thu lẫn nhau giữa các mô hình tố tụng hình sự, mặc cả nhận tội đã xuất hiện ở một số nước thuộc hệ thống dân luật với mô hình tố tụng pha trộn (Pháp,[21] Nhật[22]) dưới những hình thức khác nhau. Cần phải lưu ý là ở những quốc gia không thừa nhận thủ tục mặc cả nhận tội, người bị buộc tội có thể nhận tội nhưng anh ta vẫn bị đưa ra xét xử. Việc nhận tội rút ngắn phiên tòa xét xử do ảnh hưởng bởi chất lượng của chứng cứ nhưng điều đó không có tác dụng loại trừ việc xét xử.[23] Nói cách khác, Tòa án không thể chỉ dựa vào lời nhận tội để kết án.
Xem thêm bài viết về “Pháp luật Hoa Kỳ”
- Giám sát tư pháp các cuộc trưng cầu ý dân ở Hoa Kỳ: Nguyên tắc quy trình chính trị và việc bảo đảm quyền con người – GS. The John Marshall
- Kiểm soát giao dịch giữa các bên có liên quan trong nhóm công ty theo pháp luật Hoa Kỳ – ThS. Nguyễn Hoàng Thùy Trang
- Chứng minh tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm theo pháp luật Hoa Kỳ – Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam – ThS. Nguyễn Tấn Hoàng Hải
- Bảo vệ môi trường biển khỏi ô nhiễm trong quá trình vận hành tàu thuyền – Pháp luật Hoa Kỳ và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam – ThS. Chung Lê Hồng Ân
- Về chế định rà soát hành chính trong pháp luật chống bán phá giá của Hoa Kỳ – TS. Trần Thăng Long & ThS. Nguyễn Văn Tuấn
2. Hình thức, thủ tục mặc cả nhận tội theo pháp luật tố tụng hình sự Hoa Kỳ
2.1. Các hình thức mặc cả nhận tội
Có nhiều cách phân loại mặc cả nhận tội. Theo giáo sư Siegel và các tác giả khác thì có hai loại đó là:[24] (a) mặc cả buộc tội (charge bargaining) và (b) mặc cả kết án (sentence bargaining). Mặc cả buộc tội ám chỉ khả năng của công tố viên tiến hành thương lượng với bị cáo về mức độ buộc tội có thể sẽ thực hiện. Mặc cả kết án diễn ra khi một bị cáo đồng ý nhận tội để đổi lấy một bản án ít nghiêm khắc hơn.
Trong khi đó, giáo sư Dervan lại phân chia mặc cả nhận tội thành bốn loại bao gồm:[25] thứ nhất, mặc cả mở (open plea): bị cáo nhận tội để đổi lấy một cam kết không cụ thể của bên buộc tội, với hi vọng có được sự khoan hồng của Tòa án khi kết án bởi vì sự tự nguyện thú tội và thừa nhận trách nhiệm đối với hành vi của mình; thứ hai, mặc cả buộc tội (charge bargain): bị cáo nhận tội để đổi lấy sự đồng ý của bên buộc tội về những sự buộc tội cụ thể, đặc biệt đối với những tội danh quy định mức án tối thiểu bắt buộc; thứ ba, mặc cả kết án (sentence bargain): bị cáo nhận tội để đổi lấy sự đồng ý của bên buộc tội sẽ đề xuất hoặc ít nhất là không phản đối một mức án cụ thể. Trong cả ba trường hợp trên, Tòa án vẫn có quyền tùy nghi đưa ra quyết định cuối cùng về mức án mặc dù Tòa án thường dựa vào cách giải quyết đã được các bên đề xuất trong phần lớn các vụ án; thứ tư, mặc cả ràng buộc (binding plea): bên buộc tội và bên bào chữa xác định trước bản án sau khi bị cáo nhận tội và nếu Tòa án chấp nhận thỏa thuận thì chỉ được quyền áp dụng bản án đó. Loại mặc cả nhận tội này ít được sử dụng hơn so với các loại khác vì nhiều Tòa án cho rằng nó xâm phạm đến thẩm quyền kết án của cơ quan tư pháp.
2.2. Thủ tục mặc cả nhận tội
Thủ tục mặc cả nhận tội được quy định chi tiết tại Quy tắc số 11 của Quy tắc liên bang về tố tụng hình sự năm 2015.
2.2.1. Quá trình mặc cả
Thành phần tham gia bao gồm: luật sư của nhà nước (bên buộc tội) và luật sư bào chữa hoặc bị cáo. Tòa án không được tham gia vào việc thảo luận.[26] Sau khi công tố viên đưa ra đề nghị, bị cáo có thể chấp nhận hoặc không. Nếu bị cáo chấp nhận thì có hai dạng: (a) nhận tội (plea of guilty) hoặc (b) không phản đối (plea of nolo contendere). Kết quả của hai dạng chấp nhận trên đều giống nhau nhưng lời chấp nhận của bị cáo ở dạng thứ hai sẽ không được xem như một sự nhận tội trong vụ án dân sự sau này.[27]
Trong quá trình mặc cả, bị cáo được quyền có người bào chữa (trừ trường hợp từ bỏ). Tu chính án thứ VI của Hiến pháp Hoa Kỳ còn yêu cầu sự tham gia của người bào chữa phải có hiệu quả, tức họ phải xem xét vụ án để biết được những đề nghị về mức độ buộc tội và mức án do bên công tố đưa ra, bảo đảm thân chủ hiểu được hậu quả của tiến trình mặc cả nhận tội. Ở điểm này, cần phải lưu ý bị cáo có thể chứng minh một khả năng hợp lý trước Tòa án rằng bị cáo sẽ không nhận tội và vẫn mong muốn được xét xử nếu không do lỗi của người bào chữa.[28] Điều này đồng nghĩa với việc thỏa thuận nhận tội sẽ không được chấp nhận. Ngoài ra, bị cáo còn có quyền được thông báo về những chứng cứ gỡ tội do bên công tố đang nắm giữ.[29]
2.2.2. Thủ tục sau khi mặc cả
Các bên phải trình bày thỏa thuận nhận tội tại một phiên tòa công khai (trừ trường hợp Tòa án cho phép trình bày kín). Đối với thỏa thuận nhận tội dạng thứ hai (không phản đối), Tòa án chỉ chấp nhận sau khi “xem xét quan điểm của các bên và lợi ích công cộng trong việc quản lý hiệu quả tư pháp”.[30] Tùy từng loại thỏa thuận, Tòa án có quyền chấp nhận, bác bỏ hoặc hoãn việc đưa ra quyết định cho đến khi xem xét báo cáo tiền kết án (presentence report) hoặc thông báo cho bị cáo biết rằng bị cáo sẽ không được quyền rút lại thoản thuận ngay cả khi Tòa án không tuân theo đề xuất hoặc yêu cầu của các bên.[31]
Trường hợp Tòa án chấp nhận thỏa thuận nhận tội thì phải thông báo cho bị cáo biết cách thức xử lý vụ án đã được các bên đồng ý sẽ được đưa vào bản án.[32] Bên công tố có trách nhiệm thực hiện đầy đủ những cam kết của mình. Trước thời điểm Tòa án chấp nhận thỏa thuận thì bên công tố có quyền rút lại hoặc đưa ra đề nghị mới. Tương tự, bị cáo cũng có quyền rút lại thỏa thuận trước khi Tòa án chấp nhận nó vì bất cứ lý do nào hoặc không có lý do hoặc sau khi Tòa án chấp nhận thỏa thuận nhưng chưa ra bản án nếu Tòa án bác bỏ thỏa thuận hoặc bị cáo đưa ra một lý do hợp lý và công bằng cho việc rút lại thỏa thuận.[33]
Trường hợp Tòa án bác bỏ thỏa thuận thì Tòa án phải tiến hành các hoạt động sau:[34]
(a) Thông báo cho các bên biết về việc Tòa án không chấp nhận thỏa thuận;
(b) Thông báo cho bị cáo biết Tòa án không bị bắt buộc phải tuân theo thỏa thuận và cho bị cáo cơ hội rút lại thỏa thuận;
(c) Thông báo cho bị cáo biết nếu không rút thỏa thuận thì Tòa án có thể xử lý vụ án theo hướng ít có lợi hơn cho bị cáo so với nội dung thỏa thuận.
Phụ thuộc vào nội dung thỏa thuận nhận tội đã được các bên đồng ý, bị cáo có thể bị bắt buộc phải từ bỏ quyền kháng cáo đối với thỏa thuận này. Ngoài ra, nếu bị cáo đưa ra những thông tin không chính xác trong quá trình mặc cả thì có thể sẽ không được nhận sự khoan hồng. Bị cáo cũng có thể được yêu cầu phải khai báo chống lại bị cáo khác.
2.3. Các yếu tố cần thiết để thỏa thuận nhận tội được chấp nhận
Như đã trình bày, không phải bất kỳ thỏa thuận nhận tội nào sau khi được các bên đồng ý thì mặc nhiên sẽ được Tòa án chấp nhận và có hiệu lực pháp luật. Quy tắc tố tụng hình sự liên bang quy định trước khi chấp nhận thỏa thuận, Tòa án phải thẩm vấn cá nhân bị cáo tại phiên tòa công khai và đảm bảo rằng:[35]
Thứ nhất, bị cáo phải hiểu được (intelligence and understanding) rất nhiều vấn đề như: bản chất của sự buộc tội đối với anh ta, những loại chế tài gắn với sự buộc tội đó, những quyền mà anh ta có thể phải từ bỏ khi nhận tội…
Thứ hai, sự nhận tội mang tính chất tự nguyện, không phải là kết quả của việc ép buộc, đe đọa hoặc hứa hẹn khác (không phải hứa hẹn được nêu trong nội dung thỏa thuận).
Thứ ba, thỏa thuận dựa trên cơ sở thực tế. Nói cách khác, bị cáo phải thực sự là người thực hiện hành vi phạm tội.
3. Ưu điểm và hạn chế của mặc cả nhận tội
Đã có nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra những lợi ích và mặt trái của chế định mặc cả nhận tội, cụ thể như sau:[36]
3.1. Ưu điểm
Thứ nhất, giúp các công tố viên và luật sư công giải quyết một khối lượng lớn các vụ án hình sự. Những luật sư ở cấp quận thường có giới hạn về nguồn lực nên không thể buộc tội đối với tất cả vụ án thuộc thẩm quyền. Vì thế, họ chỉ chọn những trường hợp có yếu tố công cộng và/ hoặc có khả năng kết tội cao. Ngược lại, những trường hợp cho thấy việc kết tội khó thành công sẽ được ưu tiên giải quyết bằng thủ tục mặc cả nhận tội.
Tương tự, những luật sư công làm nhiệm vụ bào chữa cũng gặp khó khăn về nhân lực và như vậy mặc cả nhận tội sẽ giúp họ giải quyết vụ án nhanh hơn để có thời gian tập trung vào những vụ án khác mà họ nhận thấy cần thiết phải đưa ra xét xử. Mặc cả nhận tội cũng đem lại lợi ích cho những luật sư tư nhân vì giúp đẩy nhanh tiến trình giải quyết vụ án. Điều này đồng nghĩa với việc có thêm thù lao nhưng bỏ công sức ít hơn.
Thứ hai, mang lại lợi ích cho bị cáo thông qua việc đề xuất một sự buộc tội nhẹ hơn hoặc bản án có lợi. Thông thường những bị cáo nhận tội thông qua thủ tục mặc cả sẽ được hưởng sự giảm nhẹ về hậu quả pháp lý hơn so với khi xét xử tại tòa. Bởi vì khi nhận tội, bị cáo đã thể hiện thái độ thành khẩn, hợp tác và ý thức trách nhiệm đối với hành vi phạm tội của mình. Hơn nữa bên buộc tội cũng thường đưa ra những lời đề nghị nhân nhượng hơn nhằm giúp duy trì thủ tục mặc cả nhận tội.[37]
Thứ ba, tiết kiệm các nguồn lực tư pháp bằng cách tránh được chi phí cho việc xét xử. Thẩm phán Burger trong vụ án hình sự Santobello và New York cho rằng mặc cả nhận tội nên được khuyến khích bởi vì “nếu mọi trường hợp buộc tội đều được đưa ra xét xử tại tòa thì các tiểu bang và chính quyền liên bang sẽ cần bổ sung thêm rất nhiều thẩm phán và cơ sở vật chất cho Tòa án”.[38] Ngay từ năm 1970 gần 90% các vụ án hình sự ở Hoa Kỳ đã được giải quyết thông qua thủ tục mặc cả nhận tội bất kể những cảnh báo và án lệ trước đó.[39] Thậm chí chỉ xét xử 10% các vụ án còn lại cũng khá căng thẳng và do đó dễ dàng nhận ra rằng nếu ngăn cấm mặc cả nhận tội sẽ rất có thể làm sụp đổ toàn bộ hệ thống tư pháp hình sự. Hiện nay, thống kê cho thấy có đến 97% các vụ án hình sự cấp liên bang được giải quyết bằng hình thức thỏa thuận “ngoài tòa” và hoàn toàn không thông qua việc xét xử.[40]
Thứ tư, đem lại sự hài lòng cho bị hại thông qua việc giải quyết nhanh chóng vụ án, đặc biệt đối với những người không muốn khai báo tại phiên tòa. Thông qua mặc cả nhận tội, bị hại nhanh chóng biết được kết quả giải quyết vụ án, giúp giảm bớt sự chờ đợi, lo lắng về tính không chắc chắn của việc buộc tội khi xét xử tại tòa.
Thứ năm, tạo sự gắn kết giữa các nhóm làm việc trong Tòa án. Mặc cả nhận tội mang lại lợi ích này bởi vì nó giúp hạn chế những mâu thuẫn, giảm sự không chắc chắn và duy trì mối quan hệ mật thiết giữa tất cả thành viên của các nhóm làm việc tại tòa bao gồm thẩm phán, công tố viên và người bào chữa.[41]
3.2. Hạn chế
Thứ nhất, buộc công tố viên phải có nhiệm vụ đưa ra một mức độ buộc tội cao nhất khi bắt đầu mặc cả. Điều này đem đến một sự lo lắng rằng bị can có thể bị nhận một tội nghiêm trọng hơn tội anh ta sẽ bị kết án thông qua việc xét xử tại tòa.
Thứ hai, phá hủy tính toàn vẹn của hệ thống tư pháp. Đây là một điểm bị phê phán rất nhiều của mặc cả nhận tội. Chế định này đã phá vỡ “những tiêu chuẩn chặt chẽ của tố tụng công bằng và hoạt động chứng minh trong các phiên tòa xét xử” được đặt ra bởi Tòa án và Hiến pháp”.[42]
Thứ ba, quyết định tội trạng của bị cáo không thông qua xét xử. Điều này đồng nghĩa người bị buộc tội không thể thực hiện quyền bào chữa và được bảo đảm rằng việc có tội của họ phải được chứng minh trước Bồi thẩm đoàn một cách chắc chắn, không còn nghi ngờ (beyond resonable doubt) – một nguyên tắc tốt nhất để chống lại việc kết tội oan.[43] Họ cũng mất đi cơ hội có thể được tuyên vô tội (mặc dù Tòa án tối cao Hoa Kỳ cho rằng lợi ích của việc giúp tránh đi sự lo lắng và không chắc chắn của phiên tòa xét xử có giá trị hơn những nhược điểm trên của mặc cả nhận tội).[44]
Thứ tư, cho phép người phạm tội được nhận các bản án nhẹ hơn. Điều này làm giảm hiệu quả phòng ngừa tội phạm của các hình phạt nặng, tạo cho người phạm tội suy nghĩ rằng họ có thể thỏa thuận về cách thức giúp thoát khỏi sự trừng phạt một cách thích đáng đối với hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện.
Thứ năm, có thể người vô tội bị ép buộc phải nhận tội. Nghiên cứu cho thấy trong những trường hợp sau người vô tội thường nhận tội: (a) đối với các tội phạm ít nghiêm trọng, khi mà một lời nhận tội nhanh chóng sẽ giúp thoát khỏi tình trạng bị giam giữ; (b) những vụ án mà bị cáo bị kết tội sai (phát hiện ở cấp phúc thẩm), mặc cả nhận tội trong trường hợp này sẽ đảm bảo việc trả tự do ngay lập tức hoặc trong thời gian ngắn nhất; (c) bị cáo bị đe dọa sẽ gánh chịu các hình phạt nặng hơn nếu không nhận tội.[45] Lời phát biểu của một bị cáo trong vụ án North Carolina với Alford đã phản ánh áp lực phải nhận tội của một người vô tội: “Tôi nhận tội giết người cấp độ hai bởi vì họ nói rằng có rất nhiều chứng cứ, nhưng tôi không bắn ai cả, tôi nhận lỗi lầm thay cho một người khác. Chúng ta chưa bao giờ có được một lý lẽ trong cuộc đời và tôi chỉ nhận tội bởi vì họ nói rằng nếu tôi không làm như thế họ cũng sẽ kết tội tôi, và đó là tất cả”.[46]
4. Kinh nghiệm cho Việt Nam
Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam từ trước đến nay chưa bao giờ ghi nhận chế định mặc cả nhận tội. Điều này một phần xuất phát từ quan niệm truyền thống cho rằng trách nhiệm hình sự là một loại trách nhiệm pháp lý thuộc thẩm quyền quyết định của Tòa án. Do đó, bên buộc tội và bên gỡ tội không thể mặc cả, thỏa thuận với nhau về kết quả giải quyết vụ án. Tác giả bài viết cũng không có ý định kiến nghị cơ quan lập pháp phải ngay lập tức bổ sung chế định mặc cả nhận tội vào pháp luật tố tụng hình sự nước ta. Điều này là không khả thi đối với thực tế Việt Nam hiện nay vì những lý do sau:
Thứ nhất, cách nhìn nhận về trách nhiệm hình sự vẫn còn khá cổ điển và khắt khe. Trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã xuất hiện quan điểm đổi mới về trách nhiệm hình sự và thủ tục tố tụng thể hiện qua quy định cho phép bị hại hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho người bị buộc tội trong những trường hợp nhất định.[47] Đây là một căn cứ để đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án.[48] Tuy nhiên, chế định này xét về bản chất hoàn toàn khác mặc cả nhận tội. Đây là sự thỏa thuận giữa bị hại và người bị buộc tội (victim-offender mediation) trong khi đó mặc cả nhận tội do bên buộc tội (đại diện cho nhà nước) và bên bào chữa tiến hành.
Thứ hai, sự phản ứng của xã hội. Công chúng, xã hội chắc chắn sẽ có những phản ứng đối với đề xuất bổ sung chế định mặc cả nhận tội vào pháp luật tố tụng hình sự. Ở Việt Nam, ngay cả những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng vẫn còn nhận thức mang nặng tính trấn áp, trừng trị người phạm tội thì sự phản đối của công chúng đối với mặc cả nhận tội là điều rất có khả năng xảy ra. Hơn nữa sự mất lòng tin của người dân vào tính liêm minh, chính trực, công bằng của hệ thống tư pháp hình sự cũng là nguyên nhân làm cho họ nghi ngờ về mục đích chính của chế định mặc cả nhận tội.
Thứ ba, trong một số cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở nước ta có nơi, có lúc hiện tượng tiêu cực vẫn còn xảy ra. Do đó, nếu ghi nhận mặc cả nhận tội, giống như lịch sử của Hoa Kỳ đã từng trải qua, sẽ tạo thêm cơ hội cho những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực, làm mất đi ý nghĩa thật sự của chế định này.
Thứ tư, hoạt động của người bào chữa chưa thật sự có hiệu quả do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đội ngũ luật sư còn thiếu, phân bố không đồng đều, trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận luật sư còn hạn chế. Trong khi đó, người dân vẫn chưa có thói quen hoặc không có khả năng tài chính để thuê luật sư bào chữa. Nếu có bổ sung mặc cả nhận tội cũng không hiệu quả vì người bị buộc tội không nhận được sự hỗ trợ cần thiết, đầy đủ từ người bào chữa của họ.
Thứ năm, không có chế định mặc cả nhận tội các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của Việt Nam vẫn giải quyết được phần lớn các vụ án hình sự. Điều này không chỉ đúng đối với nước ta mà còn ở những nước khác. Thực tế cho thấy số lượng các nước có ghi nhận mặc cả nhận tội chiếm thiểu số, trong khi đó đa số các nước trên thế giới không có chế định này nhưng vẫn xử lý được tội phạm.
Như đã đề cập, mặc cả nhận tội có những hạn chế nhất định nhưng đồng thời cũng có nhiều ưu điểm. Dù là một chế định đặc trưng của các nước theo hệ thống thông luật nhưng với sự giao thoa, tiếp thu lẫn nhau giữa các mô hình tố tụng hình sự thì chế định này hoàn toàn có thể được ghi nhận trong pháp luật các nước theo hệ thống dân luật. Thực tế đã chứng minh pháp luật tố tụng hình sự Pháp, Nhật Bản đã ghi nhận chế định mặc cả nhận tội. Vì những lý do đã nêu, cơ quan lập pháp và giới nghiên cứu luật học ở Việt Nam sẽ không chấp nhận việc bổ sung thủ tục này ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ thay đổi trong tương lai. Đồng ý rằng không có mặc cả nhận tội thì chúng ta vẫn giải quyết được phần lớn vụ án hình sự, nhưng có thêm một thủ tục “phi truyền thống” nhưng ít phức tạp, ít tốn kém mà vẫn hiệu quả, nhanh chóng thì vẫn tốt hơn. Vấn đề cốt lõi là xác định thời điểm thích hợp để ghi nhận; thiết kế quy định pháp luật hạn chế tối đa những nhược điểm và phát huy lợi ích của chế định mặc cả nhận tội. Ở điểm này thì kinh nghiệm của các nước có truyền thống pháp luật, có mô hình tố tụng hình sự, có điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tương đồng sẽ là những bài học có giá trị cho Việt Nam.
CHÚ THÍCH
[1]Albert Alschuler, “Plea Bargaining and Its History”, 79 Columbia Law Review 1, 1979, tr. 5.
[2] Mặc dù lúc này các Tòa án vẫn tiếp tục không ủng hộ việc mặc cả nhận tội. Xem: Alschuler, tlđd, tr. 5.
[3] Brady v. United States, 397 U.S. 742 (1970).
[4] Santobello v. New York, 404 U.S. 257, 261 (1971).
[5] John H. Langbein, “Understanding the Short History of Plea Bargaining”, Yale Law School, Faculty Scholarship Series, Paper 544, 1979, tr. 262.
[6] Alschuler, tlđd, tr. 6.
[7] Langbein, tlđd (chú thích số 5), tr. 266.
[8] James F. Stephen, “The Criminal Law and the Detection of Crime” 2, Cornhill Magazine 697, 1860 reproduced in Philip B. Kurland and D. W. M. Waters (1959), “Public Prosecution in England, 1979, tr. 1854-79: An Essay in English Legislative History”, Duke Law Journal 493, 1959 trích dẫn trong Langbein, tlđd (chú thích số 5), tr. 266.
[9] John H. Langbein, “Controlling Prosecutorial Discretion in Germany“, 41 University of Chicago Law Review 439, 1974, tr. 442 – 443, 448 – 450.
[10] Lucian E. Dervan, “Bargained Justice: Bargaining and Innocence in the United States”, Lecture in Japan, 2015, The Plea Bargaining Blog, http://thepleabargainingblog.blogspot.com/2015/12/professor-dervan-lectures-regarding.html, truy cập ngày 30/3/2018.
[11] Alschuler, tlđd, tr. 6.
[12] Dervan, tlđd.
[13] Alschuler, tlđd, tr. 24.
[14] Alschuler, The Defense Attorney’s Role in Plea Bargaining, 84 YALE L.J. 1179, 1185 n.18 (1975) (statement of Benjamin M. Davis).
[15] Black’s Law Dictionary, 6th ed. (St. Paul, MN: West, 1990), tr. 1152 trích dẫn trong Larry J. Siegel, Frank Schmalleger, John L. Worrall, Courts and Criminal Justice in America, Prentice Hall, 2011, tr. 319.
[16] Yehonatan Givati, “The Comparative Law and Economics of Plea Bargaining: Theory and Evidence”, The Harvard John M. Olin Fellow’s Discussion Paper Series, Discussion Paper No. 39, 2011, tr. 2.
[17] Larry J. Siegel, Frank Schmalleger, John L. Worrall, tlđd, tr. 319.
[18] Langbein, tlđd (chú thích số 5), tr. 261.
[19] Sẽ được phân tích rõ hơn ở tiểu mục 3.3 của bài viết.
[20] Langbein, tlđd (chú thích số 5), tr. 261.
[21] Bộ luật tố tụng hình sự Pháp (phiên bản tiếng Anh năm 2006), Điều 495 (7)-(16). Tham khảo thêm Akila Taleb-Karlsson, “Pleading Guilty: An Overview of the French Procedure”, Penal Reform International,.2017,.https://www.penalreform.org/blog/pleading-guilty-overview-french-procedure/, truy cập ngày 08/04/2018.
[22] Tham khảo Nagashima Ohno và Tsunematshu, “Japan’s New Plea Bargaining System: A Tough New Compliance Risk for Companies with Japan Operations?”, NO&T Japan Legal, 2017 Update, http://www.noandt.com/en/publications/newsletter/documents/japan_no09.pdf, truy cập ngày 08/04/2018.
[23] Gerhard Casfer và Hans Zeisel, “Thẩm phán không chuyên trong Tòa án hình sự Đức” [Lay Judges in German Criminal Courts], 1 Journal of Legal Studies 135 trích dẫn trong Langbein, tlđd (chú thích số 5), tr. 267.
[24] Larry J. Siegel, Frank Schmalleger, John L. Worrall, tlđd, tr. 319.
[25] Dervan, tlđd.
[26] Quy tắc tố tụng hình sự liên bang, Quy tắc số 11(c) (1).
[27] Larry J. Siegel, Frank Schmalleger, John L. Worrall, tlđd, tr. 324.
[28] Vụ án Hill và Lockhart, 474 U.S. 52 (1985), tr. 58 trích dẫn trong Larry J. Siegel, Frank Schmalleger, John L. Worrall, tlđd, tr. 325.
[29] Larry J. Siegel, Frank Schmalleger, John L. Worrall, tlđd, tr. 325.
[30] Quy tắc tố tụng hình sự liên bang, Quy tắc số 11(a) (3).
[31] Quy tắc số 11(b) (3).
[32] Quy tắc số 11(c) (4).
[33] Quy tắc số 11 (d).
[34] Quy tắc số 11(c) (5).
[35] Quy tắc tố tụng hình sự liên bang, Quy tắc số 11 (b).
[36] Larry J. Siegel, Frank Schmalleger, John L. Worrall, tr. 321-323.
[37] Alschuler, tlđd (chú thích số 1), tr. 33.
[38] Langbein, tlđd (chú thích số 5), tr. 262.
[39] Dervan, tlđd.
[40] Defending the Human Rights to a Fair Trial, “What is plea bargaining? A simple guide”, https://www.fairtrials.org/what-is-plea-bargaining-a-simple-guide/, truy cập ngày 30/3/2018.
[41] R. A. Weninger, “The Abolition of Plea Bargaining: A Case Study of El Pasco County, Texas”, University of California Los Angeles Law Review 35: 267, 1987 trích dẫn trong Larry J. Siegel, Frank Schmalleger, John L. Worrall, tlđd, tr. 321.
[42] A. P. Worden, “Policymaking by Prosecutors: The Use of Discretion in Regulating Plea Bargaining”, Judicature 73:336, 1990 trích dẫn trong trong Larry J. Siegel, Frank Schmalleger, John L. Worrall, tlđd, tr. 322.
[43] Langbein, tlđd (chú thích số 5), tr. 262.
[44] Vụ án Blackledge và Allison, 431 U.S. 63 (1977), tr. 71 trích dẫn trong trong Larry J. Siegel, Frank Schmalleger, John L. Worrall, tlđd, tr. 321.
[45] John H. Blume, Rebecca K. Helm, “The Unexonerated: Factually Innocent Defendants Who Plead Guilty“, Cornell Law Faculty Working Papers, Paper 113, 2014, tr. 1.
[46] North Carolina và Alford, 400 U.S. 25 (1970) trích dẫn trong trong Larry J. Siegel, Frank Schmalleger, John L. Worrall, tlđd, tr. 322.
[47] Khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[48] Điều 157, 230, 248 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
-
- Tác giả: TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 05(117)/2018 – 2018, Trang 45-53
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời