Căn cứ và Thẩm quyền giải thích pháp luật hình sự
Tác giả: Nguyễn Ngọc Hòa
1. Giải thích pháp luật là gì?
“Giải thích pháp luật là làm sáng tỏ nội dung, tư tưởng, ý nghĩa của quy phạm pháp luật; đảm bảo cho pháp luật được nhận thức và thực hiện đúng đắn, thống nhất”. Căn cứ vào chủ thể và hiệu lực pháp lý của giải thích mà việc giải thích luật được phân biệt thành giải thích chính thức và giải thích không chính thức. Trong đó, giải thích chính thức là giải thích có hiệu lực pháp lý bắt buộc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giải thích pháp luật thực hiện; còn giải thích không chính thức là giải thích chỉ có giá trị tham khảo do cá nhân hoặc tổ chức bất kì thực hiện. Khi thực hiện việc giải thích, các chủ thể giải thích có thể sử dụng các phương pháp khác nhau.
Xem thêm bài viết “Giải thích pháp luật”
- Quyền giải thích pháp luật của Tòa án nhân dân – PGS.TS. Tô Văn Hòa & ThS. Nguyễn Văn Thái
- Giải thích pháp luật là gì? Phân biệt giải thích pháp luật chính thức với giải thích pháp luật không chính thức? – CTV. Linh Trang
- Thẩm quyền giải thích pháp luật: Cơ sở lý luận, thực tiễn và giải pháp – ThS. Huỳnh Thị Sinh Hiền
- Một số vấn đề lý luận về giải thích pháp luật – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Giải thích pháp luật tại một số nước theo hệ thống pháp luật Civil Law kiểu Đức ở Châu Âu: Nhìn từ việc sử dụng các thuật ngữ Latinh – TS. Nguyễn Ngọc Kiện & ThS. Lê Nguyễn Gia Thiện
2. Căn cứ và thẩm quyền giải thích Bộ luật Hình sự
Nội dung, yêu cầu, phương pháp cũng như cách phân loại giải thích pháp luật (được nêu tóm tắt trên) có giá trị hoàn toàn đối với giải thích Bộ luật Hình sự. Theo đó, có một số cụ thể hoá về giải thích Bộ luật Hình sự như sau:
– Theo Điều 159 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì giải thích Bộ luật Hình sự thuộc thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Giải thích Bộ luật Hình sự của Uỷ ban thường vụ Quốc hội được ban hành dưới hình thức nghị quyết (Điều 160 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật).
– Theo Điều 22 Luật tổ chức toà án nhân dân, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có nhiệm vụ và quyền hạn “… ban hành nghị quyết hướng dẫn các toà án áp dụng thống nhất pháp luật…”. Nội dung này phù hợp với Điều 21 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Điều 21 quy định: “Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành nghị quyết để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử”. Như vậy, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có nhiệm vụ hướng dẫn việc áp dụng thống nhất Bộ luật Hình sự. Khi “hướng dẫn” áp dụng Bộ luật Hình sự như vậy, Toà án nhân dân tối cao đã thực hiện việc giải thích các quy phạm pháp luật hình sự của Bộ luật Hình sự. Những hướng dẫn, giải thích này có thể được coi là các giải thích pháp luật có tính quy phạm. (Trong thời gian vừa qua, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành nhiều nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999. Ví dụ: Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04 tháng 8 năm 2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999; Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự)
– Giải thích không chính thức Bộ luật Hình sự là các giải thích của cá nhân hoặc tổ chức không có thẩm quyền giải thích chính thức và có thể công bố dưới dạng các công trình nghiên cứu như các bình luận khoa học Bộ luật Hình sự, các giải thích nội dung điều luật của Bộ luật Hình sự trong các giáo trình, các bài báo, các luận án, luận văn v.v.. Những giải thích này tuy không có hiệu lực pháp lý nhưng có thể giúp việc hiểu rõ hơn nội dung của các quy phạm pháp luật trong Bộ luật Hình sự, góp phần làm phong phú thêm tri thức về Bộ luật Hình sự nói riêng cũng như khoa học luật hình sự nói chung./.
Xem thêm bài viết về “Thẩm quyền”
- Phân quyền, phân cấp – Hai cơ chế phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Nguyên tắc xác định phạm vi thẩm quyền của chính quyền địa phương – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Một số ý kiến về khoản 2 Điều 410 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (Thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài của Tòa án) – ThS. Bành Quốc Tuấn
- Quy định thẩm quyền xử phạt theo tỷ lệ phần trăm có khống chế mức trần: Ưu điểm hay hạn chế – PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp & ThS Mai Thị Lâm
- Sửa đổi về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 – ThS. Đặng Thanh Hoa & TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng
Chia sẻ bởi: Huy Nguyễn gửi về Fanpage Luật sư Online
Trả lời