Mặt khách quan của tội phạm là gì? Các yếu tố cấu thành trong mặt khách quan của tội phạm?
Tác giả: Nguyễn Ngọc Hòa
1. Mặt khách quan của tội phạm là gì?
1.1. Khái niệm mặt khách quan của tội phạm
Tội phạm nào khi xảy ra cũng đều có những biểu hiện diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài mà chúng ta có thể nhận biết được. Đó là:
– Hành vi khách quan có tính gây thiệt hại cho xã hội (có thể được gọi tắt là hành vi khách quan); (Khái niệm “hành vi khách quan” được sử dụng để nhấn mạnh “hành vi được nghiên cứu trong Chương này chỉ là một biểu hiện của yếu tố mặt khách quan của tội phạm và khác với hành vi phạm tội là thể thống nhất bao gồm cả yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan)
– Hậu quả thiệt hại cho xã hội (có thể được gọi tắt là hậu quả thiệt hại hoặc được gọi là hậu quả của tội phạm) do hành vi khách quan gây ra; (Để khẳng định hậu quả thiệt hại là do hành vi khách quan gây ra cần xác định giữa hậu quả này và hành vi khách quan có quan hệ nhân quả. Do vậy, trước lần tải bản năm 2016, Giáo trình này vẫn coi quan hệ nhân quả là một biểu hiện thuộc mặt khách quan của tội phạm)
– Các điều kiện bên ngoài gắn liền với hành vi khách quan như công cụ, phương tiện, thủ đoạn, thời gian, địa điểm phạm tội…
Tổng hợp những biểu hiện trên tạo thành mặt khách quan của tội phạm. Như vậy, mặt khách quan của tội phạm là “mặt bên ngoài của tội phạm, bao gồm những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan”.
Trong cấu thành tội phạm, không phải tất cả các biểu hiện của mặt khách quan đều được phản ánh là dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Hành vi khách quan là dấu hiệu được phản ánh trong tất cả các cấu thành tội phạm cơ bản. Các biểu hiện khác của mặt khách quan chỉ được phản ánh trong những cấu thành tội phạm nhất định, có thể là cấu thành tội phạm cơ bản hoặc cấu thành tội phạm tăng nặng, giảm nhẹ.
Mặt khách quan của tội phạm là một trong bốn yếu tố của tội phạm. Không có mặt khách quan thì cũng không có các yếu tố khác của tội phạm và do vậy cũng không có tội phạm.
Xem thêm bài viết về “Tội phạm“
- Đối tượng tác động của tội phạm là gì? Phân loại đối tượng tác động của tội phạm? – GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa
- Khách thể của tội phạm là gì? Phân loại khách thể của tội phạm? – GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa
- [SO SÁNH] Phân biệt tội phạm và các vi phạm pháp luật khác – GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa
- Các căn cứ phân loại tội phạm theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 – GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa
- Tội phạm là gì? Các đặc điểm (dấu hiệu) của tội phạm và ý nghĩa của việc xác định khái niệm của tội phạm – GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa
1.2. Ý nghĩa của việc nghiên cứu mặt khách quan của tội phạm
Việc nghiên cứu mặt khách quan của tội phạm có các ý nghĩa sau:
– Trong các cấu thành tội phạm cơ bản, dấu hiệu hành vi khách quan và có thể một số biểu hiện khác của mặt khách quan được phản ánh là dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Do vậy, việc nghiên cứu mặt khách quan của tội phạm là cơ sở để hiểu rõ hơn các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm trong các cấu thành tội phạm và qua đó việc nghiên cứu này có ý nghĩa trong hoạt động định tội. Việc xác định hành vi cụ thể cấu thành tội phạm hay không và cấu thành tội danh nào thường bắt đầu từ việc xem xét mặt khách quan của tội phạm. Chỉ khi đã xác định hành vi có những dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm thì vấn đề xem xét mặt chủ quan của tội phạm mới được đặt ra.
– Trong cấu thành tội phạm tăng nặng của một số tội phạm, một số biểu hiện của mặt khách quan (như hậu quả của tội phạm, phương tiện, công cụ, thủ đoạn phạm tội…) được phản ánh là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng. Do vậy, ngoài ý nghĩa trong định tội, nghiên cứu mặt khách quan của tội phạm để nhận thức rõ hơn các dấu hiệu này còn có ý nghĩa trong việc định khung hình phạt tăng nặng.
– Trong các dấu hiệu giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định trong Bộ luật Hình sự có nhiều dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm. Do vậy, việc nghiên cứu mặt khách quan của tội phạm còn là cơ sở cho nhận thức rõ hơn các dấu hiệu này để áp dụng khi đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và qua đó có ý nghĩa trong việc xác định mức độ trách nhiệm hình sự của người đã thực hiện hành vi phạm tội đó.
Ngoài ra, việc xem xét các tình tiết thực tế thuộc mặt khách quan của tội phạm trong nhiều trường hợp có ý nghĩa trong việc xác định mặt chủ quan của tội phạm, trước hết là xác định lỗi cũng như đánh giá mức độ lỗi của người phạm tội.
2. Hành vi khách quan của tội phạm
2.1. Hành vi khách quan là gì?
Trong mặt khách quan của tội phạm, hành vi khách quan là biểu hiện cơ bản. Những biểu hiện khác của mặt khách quan của tội phạm chỉ có ý nghĩa khi có hành vi khách quan. Không thể nói đến hậu quả thiệt hại cũng như những biểu hiện khách quan khác như công cụ, phương tiện, địa điểm, thời gian phạm tội… khi không có hành vi khách quan.
Những biểu hiện của mặt chủ quan là lỗi, mục đích phạm tội, động cơ phạm tội cũng luôn luôn gắn liền với hành vi khách quan. Hành vi khách quan là nguyên nhân gây ra sự biến đổi tình trạng của đối tượng tác động và do vậy là nguyên nhân của sự gây thiệt hại cho quan hệ xã hội là khách thể của tội phạm. Hành vi khách quan là “cầu nối” giữa khách thể và chủ thể của tội phạm. Không thể nói đến chủ thể của tội phạm khi không có hành vi khách quan cũng như khi không có hành vi khách quan thì không thể nói đến khách thể bảo vệ của luật hình sự bị xâm hại để trở thành khách thể của tội phạm.
Với đặc điểm như vậy, hành vi khách quan được phản ánh trong tất cả các cấu thành tội phạm. Không có hành vi khách quan thì không có tội phạm.
Hành vi nói chung cũng như hành vi khách quan nói riêng được hiểu là “biểu hiện” của con người ra bên ngoài thế giới khách quan dưới hình thức cụ thể nhằm đạt mục đích có chủ định và mong muốn.
Như vậy, hành vi khách quan chỉ bao gồm những “biểu hiện” của con người ra thế giới khách quan mà mặt thực tế của nó được ý thức kiểm soát và ý chí điều khiển. Sự kiểm soát của ý thức và sự điều khiển của ý chí ở đây chỉ giới hạn đối với mặt thực tế của “biểu hiện”, vì khả năng nhận thức mặt ý nghĩa xã hội cũng như khả năng điều khiển “biểu hiện” phù hợp với những đòi hỏi của xã hội thuộc vấn đề khác. Đó là vấn đề năng lực lỗi của chủ thể và được đề cập khi nghiên cứu yếu tố chủ thể của tội phạm và yếu tố mặt chủ quan của tội phạm. Nếu coi hành vi phạm tội là hành vi có lỗi, là thể thống nhất giữa mặt khách quan (hành vi khách quan có tính gây thiệt hại cho xã hội) và mặt chủ quan (có lỗi) thì bản thân hành vi khách quan cũng là thể thống nhất giữa “biểu hiện” ra thế giới bên ngoài và quan hệ chủ quan bên trong của chủ thể với những “biểu hiện” đó. “Biểu hiện” của con người ra bên ngoài thế giới quan chỉ được coi là hành vi khi có mặt bên trong sự kiểm soát của ý thức và sự điều khiển của ý chí. Chỉ khi có hành vi khách quan thì lúc đó vấn đề lỗi (mặt chủ quan của tội phạm) mới được đặt ra. Hành vi đó có thể có lỗi và có thể không có lỗi. Trái lại, “biểu hiện” của con người ra bên ngoài thế giới khách quan sẽ không được coi là hành vi, nếu “biểu hiện” đó không được ý thức kiểm soát hoặc tuy được ý thức kiểm soát nhưng không phải là kết quả hoạt động của ý chí. Những “biểu hiện loại này có thể là những “biểu hiện” không có chủ định (như phản xạ không điều kiện bẩm sinh, phản ứng trong tình trạng choáng hay trong tình trạng xúc động quá mạnh…) hoặc là những “biểu hiện” trong tình trạng bộ não mất khả năng kiểm tra, điều khiển mặt thực tế của “biểu hiện” do rối loạn ý thức…
Trường hợp gây thiệt hại do bị cưỡng bức thân thể là trường hợp đặc biệt thuộc loại “biểu hiện” không phải là hành vi. Đây là trường hợp “biểu hiện” bên ngoài của người mà về khách quan tuy đã gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ nhưng không phải là tội phạm vì “biểu hiện” đó không phải là hành vi, không phải là kết quả hoạt động ý chí của chính họ mà là kết quả trực tiếp của sức mạnh bên ngoài. (Trường hợp gây thiệt hại do bị cưỡng bức thân thể trên đây hoàn toàn khác về bản chất với trường hợp gây thiệt hại do bị cưỡng bức tinh thần, là trường hợp người đã thực hiện hành vi (có tính gây thiệt hại về khách quan) do áp lực bên ngoài (như bị đe dọa mà người thủ kho đã lấy tài sản trong kho giao cho người đe dọa). Ở đây, “biểu hiện” lấy và giao tài sản tuy có bị chi phối bởi ý chí của người đe dọa nhưng vẫn là kết quả hoạt động ý chí của người thủ kho, vẫn là hành vi của chính họ. Như vậy, trong trường hợp gây thiệt hại do bị cưỡng bức thân thể, người bị cưỡng bức không có hành vi và do vậy vấn đề trách nhiệm hình sự luôn luôn không được đặt ra; còn trong trường hợp gây thiệt hại do bị cưỡng bức tinh thần, người bị cưỡng bức vẫn có hành vi và vấn đề trách nhiệm hình sự vẫn có thể được đặt ra, tuỳ thuộc vào mức độ của sự cưỡng bức.)
Những “biểu hiện” đó có thể không được ý thức kiểm soát (như bất thình lình bị người khác xô ngã vào quầy hàng pha lê) hoặc không được ý chí điều khiển (như bị người khác dùng sức mạnh nắm tay “điểm chỉ” vào đơn tố giác sai sự thật). Ở đây, biểu hiện “ngã” và “điểm chỉ” đều không phải là hành vi và do vậy không thể có tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản hoặc tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (Điều 178, Điều 180 Bộ luật Hình sự) cũng như không thể có tội vu khống (Điều 156 Bộ luật Hình sự).
2.2. Các đặc điểm của hành vi khách quan của tội phạm
Theo luật hình sự Việt Nam, hành vi khách quan của tội phạm có các đặc điểm sau:
2.2.1. Tính gây thiệt hại cho xã hội
Hành vi khách quan phải có tính gây thiệt hại cho xã hội. Đây là đặc điểm cơ bản để phân biệt hành vi khách quan của tội phạm với những hành vi khác. Tính gây thiệt hại cho xã hội của hành vi thể hiện ở chỗ gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Sẽ không phải là hành vi khách quan của tội phạm nếu hành vi không xâm hại quan hệ xã hội là khách thể bảo vệ của luật hình sự. Tính chất và mức độ gây thiệt hại của hành vi khách quan phụ thuộc vào tính chất của quan hệ xã hội mà hành vi xâm hại cũng như vào tính chất và mức độ thiệt hại gây ra hoặc đe dọa gây ra cho quan hệ xã hội đó.
2.2.2. Tính được quy định trong luật hình sự
Tính được quy định trong luật hình sự của hành vi khách quan còn được gọi là tính trái pháp luật hình sự. Đặc điểm này là đặc điểm về hình thức pháp lý được quy định bởi đặc điểm “tính gây thiệt hại cho xã hội” của hành vi khách quan. Hành vị khách quan đã thực hiện chỉ được coi là hành vi khách quan của tội phạm nếu hành vi đó thoả mãn đầy đủ những đặc điểm của hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm.
Ngoài hai đặc điểm trên, có thể coi hành vi khách quan còn có đặc điểm “có ý thức và có ý chí”. Thực ra, đây không phải là đặc điểm của hành vi khách quan mà là đặc điểm của hành vi nói chung. Như đã được trình bày ở phần trên, “biểu hiện” ra bên ngoài của con người được coi là hành vi khi “biểu hiện” được ý thức kiểm soát và ý chí điều khiển. Khi nói đến hành vi của con người thì phải hiểu đó là hành vi có ý thức và ý chí. Do vậy, không thể có hành vi khách quan mà những “biểu hiện” bên ngoài của nó không được ý thức của chủ thể kiểm soát hay không được ý chí của họ điều khiển. Những “biểu hiện bên ngoài của con người không được ý thức của họ kiểm soát hoặc không được ý chí của họ điều khiển như những ví dụ đã nêu trên, không thể là hành vi khách quan được. Để nhấn mạnh đặc điểm này nên cũng có thể coi hành vi khách quan phải có đặc điểm có ý thức và có ý chí.0”)
2.3. Hình thức thể hiện của hành vi khách quan
Hành vi khách quan có thể được thể hiện qua hành động hoặc qua không hành động.
2.3.1. Hành động (phạm tội) là hình thức của hành vi khách quan mà trong đó chủ thể làm một việc bị pháp luật cẩm
Hành động (phạm tội) có thể chỉ là động tác đơn giản xảy ra một lần trong thời gian ngắn hoặc có thể là tổng hợp nhiều động tác khác nhau hoặc có thể lặp đi lặp lại liên tục trong thời gian dài. Hành động (phạm tội) có thể là tác động trực tiếp vào đối tượng tác động của tội phạm hoặc có thể thông qua công cụ, phương tiện. Hành động (phạm tội) có thể được thực hiện qua lời nói hoặc việc làm.
Không hành động (phạm tội) là hình thức của hành vi khách quan mà trong đó chủ thể không làm một việc mà pháp luật yêu cầu phải làm mặc dù có đủ điều kiện để làm việc đó.
Hành động và không hành động (phạm tội) đều là những “biểu hiện” của con người ra ngoài thế giới khách quan, được ý thức kiểm soát, ý chí điều khiển và đều có khả năng làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Tính gây thiệt hại này của hành động và không hành động (phạm tội) là mặt khách quan của tỉnh nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, có ý nghĩa quyết định tính được quy định trong luật hình sự hay tính trái pháp luật hình sự của tội phạm nói chung cũng như của hành vi khách quan nói riêng.
Đối với hình thức hành động (phạm tội), tính trái pháp luật hình sự của hành vi thể hiện ở chỗ, việc đã làm bị luật hình sự ngăn cấm, không kể chủ thể thực hiện là ai.
Đối với hình thức không hành động (phạm tội), tính trái pháp luật hình sự của hành vi thể hiện ở chỗ việc phải làm mà chủ thể đã không làm (mặc dù có đủ điều kiện để làm) là nghĩa vụ pháp lý của chủ thể. Nghĩa vụ pháp lý này có thể phát sinh do những căn cứ sau:
2.3.2. Nghĩa vụ phát sinh do luật định
Đây là trường hợp nghĩa vụ phải thực hiện việc làm nhất định, cần thiết cho xã hội được luật trực tiếp quy định cho chủ thể. Nghĩa vụ đó hoặc có thể do luật hình sự trực tiếp quy định như nghĩa vụ cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (Điều 132 Bộ luật Hình sự), nghĩa vụ tố giác tội phạm (Điều 390 Bộ luật Hình sự) hoặc có thể do ngành luật khác trong hệ thống pháp luật thống nhất quy định như nghĩa vụ của cha mẹ được quy định tại Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình.
2.3.3. Nghĩa vụ phát sinh do quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Đây là trường hợp nghĩa vụ phải thực hiện việc làm nhất định, cần thiết cho xã hội được trực tiếp xác định qua các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trên cơ sở cơ quan này áp dụng pháp luật hiện hành. Ví dụ: Nghĩa vụ nhập ngũ của công dân cụ thể phát sinh khi hội đồng nghĩa vụ quân sự địa phương đã áp dụng Luật nghĩa vụ quân sự ra quyết định gọi nhập ngũ đối với công dân đó.
2.3.4. Nghĩa vụ phát sinh do nghề nghiệp
Đây là nghĩa vụ gắn với việc thực hiện nghề nghiệp nhất định. Do đảm nhiệm nghề nghiệp này mà chủ thể có nghĩa vụ phải thực hiện việc làm nhất định để bảo vệ các quan hệ xã hội khỏi bị gây thiệt hại. Ví dụ: Nghĩa vụ cứu chữa, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ bệnh nhân của bác sĩ …
2.3.5. Nghĩa vụ phải làm phát sinh do hợp đồng
Đây là trường hợp chủ thể đã tham gia kí kết hợp đồng và hợp đồng này đã làm phát sinh nghĩa vụ phải thực hiện việc làm nhất định. Ví dụ: Hợp đồng thuê giữ trẻ giữa bà mẹ và người trông trẻ tư nhân đã làm phát sinh nghĩa vụ trông coi, chăm sóc…
2.3.6. Nghĩa vụ phát sinh do xử sự trước đó của chủ thể
Đây là trường hợp chủ thể gây ra tình trạng nguy hiểm cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và chính sự việc này đã làm phát sinh nghĩa vụ phải thực hiện những việc làm nhất định để ngăn chặn sự nguy hiểm đã gây ra đó. Ví dụ: Hành vi vô ý gây tai nạn giao thông làm phát sinh nghĩa vụ phải cấp cứu những người bị thương (điểm c khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự).
Tóm lại, điều kiện có thể buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự về không hành động của mình là:
– Người đó phải có nghĩa vụ hành động;
– Người đó có đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ này.
Trong các tội phạm, có tội phạm chỉ có thể thực hiện được bằng hành động, có tội phạm chỉ có thể thực hiện được bằng không hành động và có tội phạm vừa có thể thực hiện được bằng hành động vừa có thể thực hiện được bằng không hành động.
Tội phạm chỉ thực hiện được bằng hành động là các tội phạm như tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (Điều 282 Bộ luật Hình sự); tội hiếp dâm (Điều 141 Bộ luật Hình sự) v.v.. Tội phạm chỉ thực hiện được bằng không hành động là các tội phạm như tội không cứu giúp người đang ở tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (Điều 132 Bộ luật Hình sự); tội không tố giác tội phạm (Điều 390 Bộ luật Hình sự) v.v.. Tội có thể thực hiện được bằng hành động và cả bằng không hành động là các tội phạm như tội giết người (Điều 123 Bộ luật Hình sự), tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178 Bộ luật Hình sự) vv..
2.4. Các dạng cấu trúc đặc biệt của hành vi khách quan
Hành vi khách quan có thể chỉ bao gồm một loại hành vi như ở tội trộm cắp tài sản (Điều 173 Bộ luật Hình sự); tội cướp giật tài sản (Điều 171 Bộ luật Hình sự); tội giết người (Điều 123 Bộ luật Hình sự) nhưng cũng có thể bao gồm nhiều loại hành vi khác nhau xâm hại nhiều khách thể khác nhau như tội cướp tài sản (Điều 168 Bộ luật Hình sự)” (Hành vi cướp tài sản gồm hành vi dùng vũ lực (hoặc đe dọa dụng vũ lực ngay tức khắc hoặc…) và hành vi chiếm đoạt tài sản. Trong đó, hành vi thứ nhất xâm hại nhân thân còn hành vi thứ hai xâm hại sở hữu. Tuy nhiên, cần chú ý: Trong cấu thành tội phạm của tội cướp tài sản, chiếm đoạt được mô tả chỉ là mục đích chiếm đoạt) hoặc chỉ xâm hại một khách thể như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật Hình sự). (Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt. Hai hành vi này cùng xâm hại quan hệ sở hữu)
Hành vi khách quan có thể xảy ra trong khoảng thời gian ngắn như ở tội cướp giật tài sản (Điều 171 Bộ luật Hình sự) nhưng cũng có thể có khả năng diễn ra trong khoảng thời gian tương đối dài như ở hành vi phạm tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng (Điều 304 Bộ luật Hình sự). Hành vi khách quan có thể chỉ là những biểu hiện diễn ra một lần như ở tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ (Điều 282 Bộ luật Hình sự) nhưng cũng có thể diễn ra có tính chất lặp lại nhiều lần như ở tội đầu cơ (Điều 196 Bộ luật Hình sự). (Hành vi mua vét hàng hoá ở tội đầu cơ là hành vi có thể lặp lại nhiều lần)
Căn cứ vào đặc điểm cấu trúc đặc biệt của hành vi khách quan của tội phạm, khoa học luật hình sự Việt Nam có các tên gọi tội phạm ghép, tội phạm kéo dài, tội phạm liên tục.
– Tội phạm ghép: Là tội phạm mà hành vi khách quan được hình thành bởi nhiều hành vi khác nhau xảy ra đồng thời, xâm hại các khách thể khác nhau. Ví dụ: Hành vi khách quan của tội cướp tài sản bao gồm hai hành vi khác nhau, đó là hành vi xâm hại quan hệ nhân thân (dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc…) và hành vi xâm hại quan hệ sở hữu (chiếm đoạt).
– Tội phạm kéo dài: Là tội phạm mà hành vi khách quan có khả năng diễn ra không gián đoạn trong khoảng thời gian dài. Ví dụ: Hành vi khách quan của tội … tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng (Điều 304 Bộ luật Hình sự).
– Tội phạm liên tục: Là tội phạm có hành vi khách quan bao gồm nhiều hành vi cùng loại xảy ra kế tiếp nhau về mặt thời gian, xâm hại cùng khách thể và đều bị chi phối bởi ý định phạm tội cụ thể thống nhất. Ví dụ: Hành vi khách quan của tội đầu cơ. Cần phân biệt tội phạm liên tục với phạm tội nhiều lần. Nếu tách những hành vi của tội phạm liên tục, có hành vi đã cấu thành tội phạm, có hành vi chưa cấu thành tội phạm do tính nguy hiểm chưa đáng kể. Trong trường hợp phạm tội nhiều lần, mỗi hành vi đều thoả mãn đầy đủ những dấu hiệu của cấu thành tội phạm và mỗi lần, người phạm tội nhằm mục đích cụ thể khác nhau nhưng cùng tính chất. Tội phạm liên tục được coi là kết thúc khi hành vi thực hiện cuối cùng chấm dứt. Với loại tội phạm này có thể và được phép sử dụng tất cả các tình tiết của các lần thực hiện hành vi để đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm.
3. Hậu quả thiệt hại do tội phạm gây ra
3.1. Hậu quả thiệt hại là gì?
Tính nguy hiểm khách quan của tội phạm là ở chỗ tội phạm đã gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Sự gây thiệt hại này là một trong những biểu hiện của yếu tố mặt khách quan của tội phạm. Đó là hậu quả thiệt hại cho xã hội của hành vi khách quan.
Như vậy, hậu quả thiệt hại là các thiệt hại do hành vi khách quan gây ra cho quan hệ xã hội là khách thể bảo vệ của luật hình sự và cũng là khách thể của tội phạm.
3.2. Các đặc điểm của hậu quả thiệt hại do tội phạm gây ra
Thiệt hại gây ra cho khách thể của tội phạm được thể hiện qua sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm. Tính chất và mức độ của thiệt hại (hậu quả) được xác định bởi tính chất và mức độ biến đổi của các đối tượng tác động của tội phạm như ở các tội xâm phạm sức khoẻ hoặc bởi những đặc điểm (về chất và lượng) của chính đối tượng tác động đã bị hành vi khách quan của tội phạm làm biến đổi tình trạng như ở các tội chiếm đoạt tài sản (tội trộm cắp tài sản, tội tham ô tài sản…). Tội phạm nào cũng có thể gây ra hậu quả thiệt hại, cũng có thể gây ra sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm. Tuy nhiên, không phải tất cả các cấu thành tội phạm đều có dấu hiệu phản ánh nội dung này mà chỉ có một số cấu thành tội phạm nhất định. Những cấu thành tội phạm này như được trình bày trong chương IV được gọi là cấu thành tội phạm vật chất. Trong các cấu thành tội phạm vật chất, hậu quả thiệt hại không được phản ánh một cách trực tiếp mà được phản ánh thông qua đối tượng tác động của tội phạm. Về thực chất, hậu quả của tội phạm là thiệt hại gây ra cho quan hệ xã hội nhưng về hình thức, dấu hiệu trong cấu thành tội phạm phản ánh nội dung này là dấu hiệu thể hiện sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm hoặc thể hiện đặc điểm (về chất hoặc lượng) của đối tượng tác động của tội phạm. Cho nên, trong thực tiễn áp dụng, việc xác định, đánh giá hậu quả của tội phạm được thực hiện thông qua việc xác định, đánh giá đặc điểm của đối tượng tác động của tội phạm hoặc sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm. Do thực tế này mà nhiều khi dẫn đến sự đồng nhất giữa hậu quả thiệt hại với sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm. Bất cứ sự biến đổi nào của đối tượng tác động của tội phạm, dù sự biến đổi đó được hoặc không được phản ánh trong cấu thành tội phạm cũng chỉ là hình thức biểu hiện hậu quả thiệt hại cho xã hội. Sự biến đổi của đối tượng tác động của tội phạm được phản ánh trong cấu thành tội phạm có thể là:
– Sự biến đổi tình trạng bình thường của thực thể tự nhiên của con người: Sự biến đổi này thường được gọi là thiệt hại về thể chất. Các thiệt hại này bao gồm thiệt hại về tính mạng (hậu quả chết người) như ở tội giết người (Điều 123 Bộ luật Hình sự), tội vô ý làm chết người (Điều 128 Bộ luật Hình sự) và thiệt hại về sức khoẻ (hậu quả thương tích hoặc các tổn hại cho sức khoẻ) như ở tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 134 Bộ luật Hình sự), tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 138 Bộ luật Hình sự).
Ngoài thiệt hại về thể chất, hành vi phạm tội còn có thể gây ra thiệt hại về tinh thần. Đó là thiệt hại gây ra cho nhân phẩm, danh dự, tự do của con người. Thiệt hại này do khó xác định trong thực tế nên nói chung không được phản ánh trong cấu thành tội phạm.
– Sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng vật chất là khách thể của quan hệ xã hội: Sự biến đổi này thường được gọi là thiệt hại về vật chất. Thiệt hại này có thể dưới dạng tài sản bị phá hoại (Điều 114 Bộ luật Hình sự), bị phá hủy (Điều 303 Bộ luật Hình sự), bị huỷ hoại (Điều 178 Bộ luật Hình sự) hoặc dưới dạng tài sản bị chiếm đoạt (Điều 168 đến Điều 175 Bộ luật Hình sự) hoặc dưới dạng tài sản bị sử dụng trái phép (Điều 177 Bộ luật Hình sự) hoặc dưới dạng tài sản bị chiếm giữ trái phép (Điều 176 Bộ luật Hình sự).
– Sự biến đổi xử sự của con người: Hành vi khách quan có thể là sự tự làm biến dạng xử sự của chính chủ thể nhưng cũng có thể làm biến dạng xử sự của người khác. Trong những trường hợp như vậy, xử sự đã biến dạng (làm hoặc không làm một việc) được coi là kết quả của hành vi khách quan đã thực hiện của người phạm tội. Kết quả này có thể được phản ánh trong cấu thành tội phạm là dấu hiệu khách quan – dấu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Ví dụ: Xử sự tự sát có thể là hậu quả của hành vi xúi giục người khác tự sát (Điều 131 Bộ luật Hình sự) hoặc của hành vi bức tử (Điều 130 Bộ luật Hình sự); xử sự sống sa đoạ hoặc phạm pháp có thể là hậu quả của hành vi dụ dỗ người dưới 18 tuổi phạm pháp (Điều 325 Bộ luật Hình sự).
– Sự biến đổi khác: Đây là các biến đổi có tính nguy hiểm cho xã hội do hành vi khách quan gây ra mà không thuộc 4 loại biến đổi trên. Đó có thể là sự biến đổi từ tình trạng an toàn sang tình trạng mất an toàn nghiêm trọng như an toàn giao thông đường sắt. Sự mất an toàn nghiêm trọng ở đây được hiểu là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản và tình trạng này có thể do hành vi vi phạm của con người gây ra (như hành vi vi phạm quy tắc an toàn giao thông đường sắt đã gây ra tình trạng 2 đoàn tàu ngược chiều đi vào cùng đường ray và chỉ dừng lại khi cách nhau ít mét do được phanh kịp thời). Tình trạng này đã từng xảy ra trên thực tế và cũng được Bộ luật Hình sự quy định tại khoản 4 Điều 267: “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nếu không được ngăn chặn kịp thời”. Trong quy định này, “khả năng thực tế dẫn đến hậu quả …” cần được hiểu là tình trạng nguy hiểm và tình trạng này là do hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt gây ra. Trong Bộ luật Hình sự, tình trạng nguy hiểm được quy định trong một số điều luật, trong đó có các điều luật về các tội xâm phạm an toàn giao thông.
Tóm lại, hậu quả thiệt hại là thiệt hại gây ra cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, thể hiện dưới các dạng:
– Thiệt hại về vật chất;
– Thiệt hại về thể chất;
– Thiệt hại về tinh thần;
– Các biến đổi khác (trong đó có tình trạng nguy hiểm).
3.3. Ý nghĩa của việc nghiên cứu hậu quả thiệt hại
Việc nghiên cứu hậu quả thiệt hại có những ý nghĩa thực tiễn sau:
– Đối với tội có cấu thành tội phạm vật chất, việc xác định hậu quả thiệt hại có ý nghĩa đối với việc định tội.
– Đối với trường hợp cấu thành tội phạm tăng nặng có dấu hiệu phản ánh hậu quả (hoặc mức độ hậu quả), việc xác định hậu quả thiệt hại có ý nghĩa đối với việc định khung hình phạt.
– Đối với trường hợp khác, việc xác định mức độ hậu quả cũng luôn cần thiết vì đó là căn cứ để đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và do vậy là căn cứ để quyết định hình phạt.
4. Mối quan hệ nhân quả trong Luật Hình sự
4.1. Mối quan hệ nhân quả trong Luật Hình sự là gì?
Trong yếu tố mặt khách quan của tội phạm, hậu quả thiệt hại là do hành vi khách quan gây ra. Điều đó có nghĩa, giữa hành vi khách quan và hậu quả thiệt hại phải có quan hệ nhân quả với nhau. Để xác định hậu quả thiệt hại là do hành vi khách quan gây ra cần phải chứng minh có quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả thiệt hại. Do vậy, nếu hậu quả đã được phản ánh là dấu hiệu khách quan trong cấu thành tội phạm thì có nghĩa cấu thành tội phạm cũng đòi hỏi quan hệ nhân quả là một dấu hiệu khách quan. Như vậy, việc định tội theo cấu thành tội phạm này không chỉ đòi hỏi phải xác định hậu quả thiệt hại mà còn đòi hỏi xác định cả quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả thiệt hại. Người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả thiệt hại do chính hành vi khách quan của họ gây ra, hay nói cách khác, người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả thiệt hại khi hậu quả này có quan hệ nhân quả với hành vi khách quan đã được họ thực hiện.
Đối với tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức, hậu quả tuy không phải là dấu hiệu của mặt khách quan được quy định trong cấu thành tội phạm nên không cần xác định khi định tội nhưng việc xác định hậu quả vẫn có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt. Vì vậy, khi quyết định hình phạt cũng cần phải xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả thiệt hại thực tế đã xảy ra.
Cũng như các ngành khoa học cụ thể khác, khoa học luật hình sự Việt Nam không có lý luận riêng về quan hệ nhân quả mà chỉ cụ thể hoá nội dung cặp phạm trù nhân – quả của phép biện chứng duy vật vào lĩnh vực của mình, nhằm giải quyết vấn đề cơ sở khách quan của trách nhiệm hình sự.
Theo phép biện chứng duy vật, quan hệ nhân quả là dạng của mối liên hệ giữa các hiện tượng (sự vật, quá trình), trong đó hiện tượng được gọi là nguyên nhân với những điều kiện nhất định đã làm phát sinh hiện tượng khác được gọi là kết quả. Xuất phát từ mục đích chuyên môn, khoa học luật hình sự đã giới hạn phạm vì những hiện tượng có thể là nguyên nhân và kết quả trong luật hình sự. Nguyên nhân trong luật hình sự chỉ có thể là hành vi khách quan (trái pháp luật) và kết quả chỉ có thể là hậu qua thiệt hại cho xã hội.
Căn cứ vào nội dung của cặp phạm trù nhân – quả theo phép biện chứng duy vật, có thể tóm tắt những căn cứ cho phép khẳng định sự tồn tại quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả thiệt hại đã xảy ra như sau:
– Hành vi khách quan phải xảy ra trước hậu quả thiệt hại về mặt thời gian. Căn cứ này tuy không giữ vai trò quyết định nhưng là căn cứ đầu tiên cần kiểm tra. Khi xác định căn cứ này không thoả mãn thì có thể loại trừ ngay quan hệ nhân quả. Đây chính là ý nghĩa thực tiễn của việc xác định căn cứ này.
– Hành vi khách quan độc lập hoặc trong sự tổng hợp với một hoặc nhiều hiện tượng khác phải chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả thiệt hại. Khả năng này có thể là khả năng trực tiếp làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm như khả năng gây chết người của hành động đâm vào ngực nạn nhân hay của không hành động không cho trẻ sơ sinh ăn v.v.. Khả năng này cũng có thể chỉ là khả năng để sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động tiếp tục diễn ra, không bị ngăn chặn như khả năng để việc chết người xảy ra của không hành động không cứu người đang sắp chết đuối hoặc không cấp cứu người đang bị thương nặng vv..
– Hậu quả thiệt hại đã xảy ra là sự hiện thực hoá khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của hành vi khách quan (khả năng trực tiếp làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động hoặc khả năng để sự biến đổi đó tiếp tục diễn ra không bị ngăn chặn). Trong những điều kiện như những điều kiện trong trường hợp cụ thể mà hậu quả đã xảy ra, khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả trở thành hiện thực là tất nhiên, không tránh khỏi.
Căn cứ thứ ba này được đặt ra và đòi hỏi phải được kiểm tra trong thực tiễn áp dụng vì trong thực tế, không phải hành vi khách quan nào, kể cả hành vi có khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả cũng đều gây ra hậu quả và trong nhiều trường hợp, hậu quả thiệt hại đã xảy ra là kết quả của hành vi khách quan khác. Ví dụ: A đâm B bị thương vào vùng ngực. Trên đường đưa đi bệnh viện, B bị ô tô do C lái cản vào làm dập sọ não và B đã chết ngay. Giám định pháp y khẳng định: Việc B chết không phụ thuộc vào vết thương do A đã gây ra. Vết thương do A gây ra tuy nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn có thể cứu chữa được. Trong trường hợp này, hành vi gây thương tích của A tuy có khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả chết người nhưng khả năng đó chưa phát huy” thì hành vi của C đã xen vào, phá vỡ khả năng đó và tạo ra mối quan hệ mới. Trong mối quan hệ mới này, hành vi của C đã gây ra hậu quả chết người. Ở đây cần phân biệt trường hợp này với trường hợp trong đó hành vi mới xen vào không phá vỡ khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của hành vi đã xảy ra trước mà chỉ góp phần thúc đẩy khả năng đó phát triển làm phát sinh hậu quả. Ví dụ: A đâm B bị thương nặng, B đã được đưa đi cấp cứu nhưng do không được cấp cứu chu đáo (nhân viên bệnh viện thiếu trách nhiệm) vết thương đã trở nên trầm trọng hơn và B đã chết vì vết thương đó. Trong trường hợp này, giữa hành vi đầu là hành vi của A và hậu quả vẫn có quan hệ nhân quả với nhau.
4.2. Phân loại mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả tội phạm xảy ra
Trong quan hệ nhân quả, hành vi khách quan (được coi là nguyên nhân) tuy giữ vai trò quyết định đối với sự phát sinh hậu quả thiệt hại (được coi là kết quả) nhưng hậu quả đó có xảy ra hay không và xảy ra như thế nào còn phụ thuộc vào yếu tố điều kiện. Hành vi khách quan là nguyên nhân mới chỉ có khả năng thực tế gây ra hậu quả chưa xác định hoàn toàn. Nó chỉ có thể gây ra hậu quả xác định trong những điều kiện xác định. Tính chất, mức độ, phạm vi của hậu quả sẽ thay đổi tuỳ theo điều kiện cụ thể đã ảnh hưởng đến khả năng phát sinh hậu quả của hành vi khách quan được coi là nguyên nhân. Cùng là hành vi lái ẩu để ô tô chồm lên vỉa hè nhưng tuỳ thuộc vào địa điểm, thời gian xảy ra… mà hậu quả thiệt hại có thể rất khác nhau. Trong quan hệ nhân quả, yếu tố điều kiện cũng có thể là hành vi trái pháp luật. Đây là trường hợp luật hình sự quan tâm. Hành vi trái pháp luật chỉ là điều kiện nếu không có khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả thiệt hại nhưng có ảnh hưởng đến mức độ, phạm vi cũng như tốc độ hiện thực hoá khả năng làm phát sinh hậu quả thiệt hại của hành vi khách quan là nguyên nhân. Nếu thiếu hành vi trái pháp luật được coi là điều kiện này thì hậu quả sẽ không xảy ra hoặc xảy ra khác đi.
Trong thực tế, quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả thiệt hại tồn tại dưới nhiều dạng cụ thể khác nhau, trong đó có hai dạng phổ biến:
– Dạng quan hệ nhân quả đơn trực tiếp: Là dạng quan hệ nhân quả trong đó chỉ có một hành vi khách quan đóng vai trò là nguyên nhân của hậu quả thiệt hại. Sự vận động nội tại của hành vi khách quan có khả năng trực tiếp đưa đến hậu quả thiệt hại và khả năng này sẽ trở thành hiện thực trong điều kiện nhất định.
– Dạng quan hệ nhân quả kép trực tiếp: Là dạng quan hệ nhân quả trong đó có nhiều hành vi khách quan cùng đóng vai trò là nguyên nhân. Trong dạng quan hệ nhân quả này, có thể mỗi hành vi đều có khả năng thực tế trực tiếp làm phát sinh hậu quả. Ví dụ: A và B cùng dùng dao đâm nhiều phát vào ngực nạn nhân và làm nạn nhân chết. Trong ví dụ này, hành vi của A hay hành vi của B đều chứa đựng khả năng thực tế trực tiếp dẫn đến hậu quả chết người. Hậu quả chết người đã xảy ra là sự hiện thực hoá những khả năng đó. Thuộc dạng quan hệ nhân quả này còn có trường hợp trong đó mỗi hành vi khách quan đều chưa có khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả. Khả năng này chỉ hình thành khi các hành vi đó có sự kết hợp với nhau. Ví dụ: Xe khách do X lái đã được đóng không đúng quy cách kỹ thuật. Xe đã được sử dụng nhiều năm nhưng vẫn an toàn. Trong một chuyến chở khách, khi vào cua xe đã đổ. Kết quả điều tra cho thấy: Hành vi đưa xe có lỗi kỹ thuật vào sử dụng là trái pháp luật. Tuy nhiên, xe chạy vẫn an toàn nếu lái xe không phạm lỗi nào khác. Lái xe X đã phạm lỗi kỹ thuật khi vào cua. Mặc dù vậy, hành vi này vẫn chưa thể gây ra đổ xe nếu xe không có lỗi kỹ thuật. Trong ví dụ này, mỗi hành vi đều chưa có khả năng thực tế gây ra hậu quả tai nạn nhưng trong sự kết hợp với nhau, khả năng thực tế gây ra hậu quả đã hình thành và trong điều kiện xác định cụ thể (trời mưa, đường trơn) khả năng đó đã trở thành hiện thực.(0)
5. Các biểu hiệ khác của mặt khách quan của tội phạm
Ngoài những biểu hiện của mặt khách quan đã được trình bày ở các phần trên, thuộc mặt khách quan của tội phạm còn có các biểu hiện khác. Đó là công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn phạm tội, địa điểm, thời gian và hoàn cảnh phạm tội… Các biểu hiện này chỉ được mô tả trong một số cấu thành tội phạm. Cụ thể: Các biểu hiện này được mô tả trong cấu thành tội phạm cơ bản nếu có ý nghĩa quyết định đến tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi; hoặc các biểu hiện này được mô tả trong cấu thành tội phạm tăng nặng nếu làm tăng tính chất nguy hiểm của hành vi.
5.1. Về công cụ, phương tiện phạm tội
Phương tiện phạm tội là đối tượng được chủ thể của tội phạm sử dụng khi thực hiện hành vi phạm tội của mình. Công cụ phạm tội là dạng cụ thể của phương tiện phạm tội.
Phương tiện phạm tội (trong đó có công cụ phạm tội) được mô tả trong cấu thành tội phạm cơ bản của một số tội phạm. Ví dụ: Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản (Điều 242 Bộ luật Hình sự) là tội phạm mà cấu thành tội phạm cơ bản có dấu hiệu phương tiện phạm tội. Cụ thể, khoản 1 điểm a Điều 242 Bộ luật Hình sự đòi hỏi phương tiện phạm tội phải là chất độc, chất nổ… Trong nhiều cấu thành tội phạm khác, phương tiện phạm tội được phản ánh là dấu hiệu của cấu thành tội phạm tăng nặng. Ví dụ: điểm d khoản 2 Điều 168 Bộ luật Hình sự quy định phương tiện phạm tội là vũ khí; điểm d khoản 2 Điều 178 Bộ luật Hình sự quy định phương tiện phạm tội là chất nguy hiểm về cháy, nổ…
Như vậy, việc xác định phương tiện phạm tội có thể có ý nghĩa trong việc định tội hoặc trong việc định khung hình phạt tăng nặng.
Đối với những tội phạm mà phương tiện phạm tội không được phản ánh trong cấu thành tội phạm cơ bản cũng như trong cấu thành tội phạm tăng nặng, việc xác định tính chất của phương tiện phạm tội vẫn cần thiết khi quyết định hình phạt vì tính chất của phương tiện phạm tội là yếu tố ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Do vậy, Điều 52 Bộ luật Hình sự đã quy định phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
5.2. Về phương pháp, thủ đoạn phạm tội
Phương pháp, thủ đoạn phạm tội là cách thức thực hiện hành vi phạm tội, trong đó có cách thức sử dụng công cụ, phương tiện. Ở một số tội phạm, biểu hiện này được phản ánh là dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản hoặc của cấu thành tội phạm tăng nặng. Ví dụ: Điều 181 Bộ luật Hình sự quy định thủ đoạn phạm tội là dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản của tội cưỡng ép kết hôn. Cụ thể, thủ đoạn phạm tội của tội này là thủ đoạn hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải,… Tương tự như vậy, điểm d khoản 2 Điều 168 Bộ luật Hình sự quy định thủ đoạn nguy hiểm là tình tiết định khung hình phạt tăng nặng của tội cướp tài sản…
Như vậy, việc xác định tính chất của thủ đoạn phạm tội có thể có ý nghĩa trong định tội hoặc trong việc định khung hình phạt.
Đối với những tội phạm mà thủ đoạn phạm tội không được phản ánh trong cấu thành tội phạm cơ bản cũng như trong cấu thành tội phạm tăng nặng, việc xác định tính chất của thủ đoạn phạm tội vẫn cần thiết khi quyết định hình phạt vì tính chất của thủ đoạn phạm tội là yếu tố ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Do vậy, Điều 52 Bộ luật Hình sự đã quy định một số thủ đoạn phạm tội là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
5.3. Về thời gian, địa điểm, hoàn cảnh phạm tội
Tính nguy hiểm cho xã hội của một số hành vi có thể phụ thuộc vào thời gian xảy ra (trong năm). Ví dụ: Thời gian thuộc mùa sinh sản có thể ảnh hưởng đến tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi đánh bắt thủy sản hoặc săn bắt thú rừng trái phép. Do vậy, luật hình sự có thể quy định thời gian phạm tội là dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản.
Địa điểm và hoàn cảnh phạm tội có thể được phản ánh ở một số tội phạm là dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng hoặc giảm nhẹ. Ví dụ: Điều 188 Bộ luật Hình sự quy định địa điểm phạm tội (qua biên giới) là dấu hiệu của cấu thành tội phạm tội buôn lậu; Điều 124 Bộ luật Hình sự quy định hoàn cảnh phạm tội (hoàn cảnh khách quan đặc biệt) là dấu hiệu của cấu thành tội phạm tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ; điểm c khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự quy định lợi dụng hoàn cảnh (thiên tai, chiến tranh…) để phạm tội là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng của tội buôn lậu v.v..
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời