Mục lục
Năng lực trách nhiệm hình sự là gì? Các trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự?
Tác giả: Nguyễn Ngọc Hòa
1. Năng lực trách nhiệm hình sự là gì?
1.1. Khái niệm năng lực trách nhiệm hình sự
Năng lực trách nhiệm hình sự là năng lực có thể phải chịu trách nhiệm hình sự của một người nếu thực hiện hành vi phạm tội. Năng lực trách nhiệm hình sự là một dạng năng lực pháp lí. Nhà nước xác nhận năng lực này dựa trên các cơ sở: Thứ nhất, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người có năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội và thứ hai, người có năng lực trách nhiệm hình sự là người có độ tuổi phù hợp với chính sách hình sự của nhà nước trong giai đoạn cụ thể.
Cơ sở thứ nhất đảm bảo chủ thể của tội phạm là người có năng lực để có thể có lỗi khi thực hiện hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội. Cơ sở thứ hai là cần thiết để thể hiện chính sách hình sự của nhà nước đối với người chưa đủ 18 tuổi có hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội.
Con người với cấu tạo sinh học đặc biệt luôn có khả năng hình thành và phát triển năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi nói trên. Nhưng khả năng đó chỉ trở thành hiện thực khi con người được sống trong môi trường xã hội và phải qua quá trình được giáo dục và tự giáo dục nhất định. Khi đó, con người sẽ có năng lực nhận thức được đòi hỏi của xã hội và trên cơ sở nhận thức đó có năng lực điều khiển hành vi phù hợp với đòi hỏi của xã hội. (Năng lực điều khiển hành vi ở đây được hiểu đầy đủ là năng lực kiềm chế và năng lực lựa chọn)
Năng lực này cũng như độ tuổi để có năng lực này không phụ thuộc vào quy định của pháp luật. Do vậy, năng lực này có thể được coi là năng lực “tự nhiên” của con người.
Trong trường hợp bình thường, con người đều có năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội khi đạt độ tuổi nhất định. Do vậy, vấn đề kiểm tra năng lực này không cần được đặt ra cho mọi trường hợp mà mặc nhiên được thừa nhận, khi chủ thể đã đạt độ tuổi nhất định đó, trừ trường hợp cá biệt khi có nghi ngờ chủ thể không có năng lực này do mắc bệnh dẫn đến hoạt động của bộ não bị rối loạn. Vấn đề được đặt ra ở đây là phải xác định độ tuổi mà ở độ tuổi đó, chắc chắn một người bình thường sẽ có năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội.
Độ tuổi để có năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội trên đây và tuổi chịu trách nhiệm hình sự là khác nhau nhưng có liên quan với nhau. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định không thể thấp hơn tuổi có năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội. Do vậy, luật hình sự chỉ cần xác định tuổi chịu trách nhiệm hình sự và được hiểu khi đủ tuổi đó thì chủ thể mặc nhiên được coi là có năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội, trừ trường hợp cá biệt do mắc bệnh mà không có năng lực đó.
Dựa trên mối quan hệ như vậy, luật hình sự Việt Nam xác định người có năng lực trách nhiệm hình sự là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12 Bộ luật Hình sự) và không thuộc trường hợp ở trong tình trạng không có năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội (Điều 21 Bộ luật Hình sự gọi là tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự).
1.2. Quy định của Bộ luật Hình sự về năng lực trách nhiệm hình sự
Luật hình sự Việt Nam không trực tiếp quy định như thế nào là có năng lực trách nhiệm hình sự mà chỉ quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự và quy định thế nào là trường hợp trong tình trạng không có năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội. Với việc quy định này, luật hình sự Việt Nam mặc nhiên thừa nhận người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là có năng lực trách nhiệm hình sự (trong đó bao gồm cả năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội), trừ trường hợp cá biệt do bị bệnh mà không có năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội. Do vậy, trong thực tiễn áp dụng, các cơ quan có trách nhiệm không đòi hỏi phải đánh giá từng trường hợp một là có năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội hay không mà chỉ phải xác định đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay chưa và cá biệt, nếu có sự nghi ngờ mới cần phải kiểm tra xem có phải là trường hợp trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự hay không (tình trạng không có năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội).
Xem thêm bài viết về “Trách nhiệm hình sự”
- Trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội theo pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành – GS.TS. Lê Cảm & ThS. Trịnh Thị Yến
- Các mô hình trách nhiệm hình sự đối với thực thể trí tuệ nhân tạo: Từ khoa học viễn tưởng đến viễn cảnh đặt ra trong chính sách, pháp luật hình sự Việt Nam – TS. Trịnh Tiến Việt
- Nghiên cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Luật Hình sự Việt Nam và một số nước thuộc Tổ chức Hài hòa hóa pháp luật kinh doanh châu Phi: Tiếp cận dưới góc độ so sánh – TS. Trịnh Quốc Toản
- Quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Một số vấn đề về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân – TS. Lương Thị Mỹ Quỳnh
2. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người có sự phát triển bình thường về tâm – sinh lý sẽ có năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội khi đến tuổi nhất định. Năng lực này có thể sẽ không có hoặc bị mất đi do mắc bệnh liên quan đến hoạt động tâm thần. Người không có năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội do mắc bệnh được luật hình sự Việt Nam gọi là người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Như vậy, trong luật hình sự Việt Nam, tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự được dùng để chỉ tình trạng mất năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi do mắc bệnh mà khi không ở trong tình trạng đó thì người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự được coi là có năng lực trách nhiệm hình sự. Việc kiểm tra tình trạng này trong thực tiễn áp dụng chi được đặt ra khi có sự nghi ngờ về hoạt động tâm thần của người có hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội.
Ở đây cần phân biệt người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (theo Điều 21 Bộ luật Hình sự) với người không có năng lực trách nhiệm hình sự. Người không có năng lực trách nhiệm hình sự có thể là người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (theo Điều 21 Bộ luật Hình sự) hoặc là người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự (theo Điều 12 Bộ luật Hình sự).
2.1. Người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Điều 21 Bộ luật Hình sự quy định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là tình trạng của người do “… mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”.
Như vậy, có hai dấu hiệu để xác định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự: Dấu hiệu y học (mắc bệnh) và dấu hiệu tâm lý (mất năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi).
– Về dấu hiệu y học: Người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm rối loạn hoạt động tâm thần.
– Về dấu hiệu tâm lí: Người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là người không có (hoặc không còn) năng lực nhận thức đòi hỏi của xã hội liên quan đến hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội đã thực hiện, là người không có năng lực đánh giá hành vi đã thực hiện là đúng hay sai, nên làm hay không nên làm. Như vậy, họ cũng không thể có được năng lực kiềm chế thực hiện hành vi đó. Người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự còn có thể là người tuy có năng lực nhận thức, tuy có khả năng đánh giá được tính chất xã hội của hành vi của mình nhưng do bệnh lý không thể kiềm chế được việc thực hiện hành vi đó.
Chỉ được coi là trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự khi đồng thời cả hai dấu hiệu: Y học và tâm lý đều thoả mãn. Hai dấu hiệu này tuy có quan hệ với nhau (trong đó dấu hiệu y học có vai trò là nguyên nhân và dấu hiệu tâm lý có vai trò là kết quả) nhưng không có nghĩa đã mắc bệnh tâm thần là đều dẫn đến việc mất năng lực nhận thức hoặc mất năng lực điều khiển. Năng lực này có mất hay không không những phụ thuộc vào loại bệnh mà còn phụ thuộc vào mức độ bệnh và vào tính chất của hành vi đã thực hiện. Có loại bệnh tâm thần luôn luôn làm mất năng lực trách nhiệm hình sự, có loại bệnh chỉ làm mất năng lực này khi bệnh ở mức độ nhất định và có loại bệnh hoàn toàn không làm mất năng lực này.
Việc xác định hai dấu hiệu này đều thuộc nội dung của giám định tâm thần tư pháp. Kết luận giám định tâm thần tư pháp không chỉ xác định người thực hiện hành vi có tính chất gây thiệt hại cho xã hội có mắc bệnh tâm thần và có trong trạng thái bệnh khi thực hiện hành vi đó hay không mà còn xác định ảnh hưởng của bệnh đã mắc (nếu có) đối với năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi của người bệnh.
2.2. Người bị hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự
Bên cạnh tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, luật hình sự Việt Nam còn thừa nhận trường hợp tình trạng năng lực trách nhiệm hình sự hạn chế. Đây là trường hợp do mắc bệnh nên năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi của chủ thể bị hạn chế. Người này không thuộc trường hợp không có điều kiện để có lỗi, nhưng tình trạng năng lực trách nhiệm hình sự hạn chế có ảnh hưởng nhất định đến mức độ lỗi. Lỗi của họ cũng là lỗi hạn chế và do vậy, luật hình sự Việt Nam coi tình trạng năng lực trách nhiệm hình sự hạn chế là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tình tiết này được quy định cùng với những tình tiết khác tại Điều 51 Bộ luật Hình sự.
2.3. Người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự thì “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”.
Theo đó, những người dưới 14 tuổi hoặc mặc dù từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu không phạm vào các tội được liệt kê tại các điều luật quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự nêu trên thì không phải chịu trách nhiệm hình sự do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự./.
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời