Các tội xâm phạm sức khỏe: Khái niệm, Các yếu tố cấu thành tội phạm và Hình phạt
Tác giả: Nguyễn Ngọc Hòa
1. Các tội xâm phạm sức khỏe là gì?
Các tội xâm phạm sức khỏe là những hành vi (hành động hoặc không hành động) có lỗi (cố ý hoặc vô ý) xâm phạm quyền được tôn trọng và bảo vệ sức khoẻ của người khác.
Bộ luật Hình sự quy định 07 tội phạm thuộc nhóm tội phạm này. Đó là:
– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 134 Bộ luật Hình sự);
– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 135 Bộ luật Hình sự);
– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 136 Bộ luật Hình sự);
– Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 137 Bộ luật Hình sự);
– Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 138 Bộ luật Hình sự);
– Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 139 Bộ luật Hình sự);
– Tội hành hạ người khác (Điều 140 Bộ luật Hình sự).
2. Các yếu tố cấu thành tội phạm
2.1. Khách thể của tội phạm
Khách thể của nhóm tội này là quyền được tôn trọng và bảo vệ về sức khoẻ. Đối tượng tác động của nhóm tội này cũng giống như đối tượng tác động của nhóm tội xâm phạm tính mạng. Đó là những người đang sống, đang tồn tại với tư cách là thực thể tự nhiên và xã hội nên có quyền được tôn trọng và bảo vệ về tính mạng, sức khoẻ.
2.2. Mặt khách quan của tội phạm
– Hành vi khách quan của các tội xâm phạm sức khoẻ là – những hành vi có tính chất gây tổn hại cho sức khoẻ của con người. Những hành vi đó có thể là hành động hoặc có thể là không hành động.
– Hậu quả của hành vi khách quan nói trên là thiệt hại gây ra cho quyền được tôn trọng và bảo vệ về sức khoẻ thể hiện dưới dạng thiệt hại về thể chất là thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe. Hậu quả này được mô tả trong cấu thành tội phạm của 6 tội được quy định tại các điều từ Điều 134 đến Điều 139 Bộ luật Hình sự. cấu thành tội phạm duy nhất không mô tả hậu quả là cấu thành tội phạm được quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự.
2.3. Chủ thể của tội phạm
Trong nhóm các tội xâm phạm sức khoẻ của người khác có hai tội mà chủ thể thực hiện là chủ thể đặc biệt. Ngoài dấu hiệu năng lực trách nhiệm hình sự, chủ thể ở hai tội phạm này còn có đặc điểm là người có quan hệ lệ thuộc với nạn nhân, trong đó nạn nhân là người lệ thuộc vào người phạm tội (Điều 140 Bộ luật Hình sự) hoặc là người đang thi hành công vụ (Điều 137 Bộ luật Hình sự). Trong nội dung trình bảy về dấu hiệu pháp lý của các tội cụ thể, dấu hiệu chủ thể của tội phạm chỉ được trình bày khi chủ thể của tội phạm có dấu hiệu đặc biệt.
2.4. Mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi của người phạm tội có thể là lỗi cố ý (như tội được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự) hoặc là vô ý (như tội được quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự).
Động cơ phạm tội tương đối đa dạng nhưng chỉ có 01 cấu thành tội phạm được quy định tại Điều 136 Bộ luật Hình sự mô tả động cơ phạm tội.
3. Hình phạt
Hình phạt chính được quy định cho các tội xâm phạm sức khoẻ có các mức độ khác nhau. Hình phạt thấp nhất là cảnh cáo, cao nhất là tù chung thân. Trong số 07 tội của nhóm tội phạm này có 01 tội được quy định luôn luôn là tội phạm ít nghiêm trọng (Điều 138 Bộ luật Hình sự); 01 tội được quy định có thể là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (Điều 134 Bộ luật Hình sự). Các tội còn lại được quy định có thể là tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng. Ngoài hình phạt chính, hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định được quy định ở 02 tội trong nhóm tội phạm này (Điều 137 và Điều 139 Bộ luật Hình sự)./.
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời