• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi trên cơ sở hướng dẫn của Liên hợp quốc về tư pháp phục hồi

Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi trên cơ sở hướng dẫn của Liên hợp quốc về tư pháp phục hồi

03/05/2020 22/05/2021 TS. Lê Huỳnh Tấn Duy Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Hướng dẫn của Liên hợp quốc về tư pháp phục hồi
    • 1.1. Khái niệm tư pháp phục hồi
    • 1.2. Đặc điểm của tư pháp phục hồi
    • 1.3. Mục đích của tư pháp phục hồi
    • 1.4. Nguyên tắc của việc sử dụng các chương trình tư pháp phục hồi
    • 1.5. Các chương trình tư pháp phục hồi
  • 2. Biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam
    • 2.1. Các loại biện pháp giám sát, giáo dục
    • 2.2. Thẩm quyền áp dụng
    • 2.3. Điều kiện, thủ tục áp dụng
  • 3. Một số kiến nghị
  • CHÚ THÍCH

Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi trên cơ sở hướng dẫn của Liên hợp quốc về tư pháp phục hồi

TÓM TẮT

Tư pháp phục hồi xuất hiện trên thế giới vào khoảng những năm 1990 và nhanh chóng nhận được sự chấp nhận rộng rãi của các quốc gia tiên tiến vì những đặc điểm và mục đích tốt đẹp của nó. Liên hợp quốc cũng đã nghiên cứu và ban hành văn bản pháp luật, tài liệu hướng dẫn về việc sử dụng tư pháp phục hồi trong lĩnh vực hình sự trên cơ sở phân tích, đánh giá các chương trình đã và đang được áp dụng bởi các quốc gia thành viên. Tham khảo mô hình của một số nước và dựa trên hướng dẫn của Liên hợp quốc, cơ quan lập pháp của Việt Nam đã ghi nhận các biện pháp mang đặc điểm của tư pháp phục hồi trong Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 với tên gọi là “biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự”. Trong bài viết, tác giả tập trung phân tích những hướng dẫn của Liên hợp quốc về tư pháp phục hồi; đánh giá quy định của pháp luật Việt Nam về các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi; đề xuất một số kiến nghị cụ thể góp phần hoàn thiện pháp luật Việt Nam về các biện pháp này.

Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi trên cơ sở hướng dẫn của Liên hợp quốc về tư pháp phục hồi

Xem thêm bài viết về “Biện pháp giám sát giáo dục”

  • Một số vấn đề pháp lý về các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – ThS. Trần Ngọc Lan Trang & ThS. Nguyễn Phương Thảo

1. Hướng dẫn của Liên hợp quốc về tư pháp phục hồi

1.1. Khái niệm tư pháp phục hồi

Từ trước đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về tư pháp phục hồi. Tuy nhiên vẫn chưa có sự thống nhất về khái niệm của tư pháp phục hồi. Mỗi quốc gia có cách giải thích cũng như sử dụng các thuật ngữ khác nhau để đặc tên cho mô hình tư pháp này như: tư pháp tích cực (positive justice), tư pháp mang tính liên hệ (relational justice), tư pháp khắc phục (reparative justice), tư pháp cộng đồng (community justice).[1] Hiện nay, thuật ngữ “restoative justice” được sử dụng phổ biến hơn cả. Khái niệm chính xác về tư pháp phục hồi cũng không được tìm thấy trong khung pháp lý của Liên hợp quốc (LHQ). Thay vào đó, Hội đồng Kinh tế và Xã hội đã ban hành Nghị quyết 2002/12 về Những nguyên tắc cơ bản của việc sử dụng chương trình tư pháp phục hồi đối với các vấn đề hình sự (Basic Principles on the Use of Restorative Justice Programmes in Criminal Matters). Văn bản này đưa ra hai khái niệm liên quan đến tư pháp phục hồi. Thứ nhất là khái niệm “chương trình tư pháp phục hồi” (restorative justice programme): “bất kỳ chương trình nào sử dụng các quá trình phục hồi và mong muốn đạt được những kết quả phục hồi”.[2] Thứ hai là khái niệm “quá trình phục hồi” (restorative process): “bất kỳ quá trình nào trong đó nạn nhân, người phạm tội và khi thích hợp, các cá nhân hoặc thành viên khác của cộng đồng bị ảnh hưởng bởi một tội phạm cùng nhau tích cực tham gia vào việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ tội phạm, thông thường với sự giúp đỡ của một hòa giải viên”.[3] Đây có thể được coi là những khái niệm pháp lý chính thức đầu tiên và gần gũi nhất về tư pháp phục hồi.

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Một số vấn đề pháp lý về các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
  • Người tham gia tố tụng theo pháp luật hình sự một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Hoàn thiện quy định của pháp luật về biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”
  • Mô hình tư pháp người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) theo định hướng của Liên hợp quốc
  • Một số vấn đề về quyền tiếp cận thông tin môi trường
  • Từ thực tiễn giám sát giải quyết khiếu nại hành chính: Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về giám sát
  • Quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
  • Bắt người là Đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân và người dưới 18 tuổi
  • Thanh tra giáo dục và kiến nghị sửa đổi các quy định về thanh tra trong Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)
  • Xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội - Một số bất cập và hướng hoàn thiện

1.2. Đặc điểm của tư pháp phục hồi

Nghiên cứu của Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm (UNODC) cho thấy các chương trình tư pháp phục hồi có những đặc điểm chung sau đây:[4]

– Một cách xử lý linh hoạt đối với các tình huống phạm tội, người phạm tội và nạn nhân, cho phép mỗi đối tượng được xem xét một cách riêng biệt;

– Một cách xử lý tội phạm tôn trọng phẩm giá và sự bình đẳng của mỗi người, xây dựng và thúc đẩy sự hòa hợp xã hội thông qua việc hàn gắn của nạn nhân, người phạm tội và cộng đồng;

– Một phương thức có thể sử dụng trong một số trường hợp nhất định nhằm thay thế hệ thống tư pháp hình sự chính thống và những hậu quả miệt thị (stigmatizing effects) của nó đối với người phạm tội;

– Một cách thức tiếp cận có thể được sử dụng cùng với hình phạt và quá trình tư pháp hình sự truyền thống;

– Một cách thức tiếp cận kết hợp xử lý vấn đề và giải quyết những nguyên nhân cốt lõi của mâu thuẫn;

– Một cách thức tiếp cận giúp giải quyết những thiệt hại và nhu cầu của nạn nhân;

– Một cách thức tiếp cận khuyến khích người phạm tội nhận thức sâu sắc về nguyên nhân và hậu quả của hành vi của mình và thực hiện trách nhiệm một cách có ý nghĩa;

– Một cách thức tiếp cận đa đạng và uyển chuyển có thể thích nghi với các tình huống, truyền thống pháp luật, nguyên tắc và cơ sở triết học của các hệ thống tư pháp hình sự quốc gia đã được thiết lập;

– Một cách thức tiếp cận phù hợp với việc xử lý nhiều loại tội phạm và người phạm tội khác nhau, bao gồm cả tội phạm rất nghiêm trọng;

– Một cách thức xử lý tội phạm đặc biệt thích hợp cho những vụ án có liên quan đến người chưa thành niên phạm tội với một mục tiêu quan trọng là giáo dục người phạm tội những kỹ năng và giá trị mới;

– Một cách thức xử lý thừa nhận vai trò của cộng đồng như một cơ sở quan trọng hàng đầu trong việc phòng chống tội phạm và sự mất trật tự xã hội.

1.3. Mục đích của tư pháp phục hồi

Có nhiều cách diễn đạt khác nhau về mục đích của tư pháp phục hồi nhưng xét về bản chất, tư pháp phục hồi bao gồm những mục đích sau:[5]

– Ủng hộ nạn nhân, cho họ tiếng nói, khuyến khích họ trình bày về nhu cầu, cho phép họ tham gia vào tiến trình tìm phương án giải quyết và cung cấp sự hỗ trợ cho họ;

– Sửa chữa những mối quan hệ bị gây thiệt hại bởi tội phạm, một phần bằng cách đạt được sự đồng thuận về phương án tốt nhất để xử lý;

– Lên án hành vi phạm tội là không thể chấp nhận được và củng cố các giá trị cộng đồng;

– Khuyến khích việc thực hiện trách nhiệm bởi tất cả các bên có liên quan, đặc biệt là người phạm tội;

– Xác định những kết quả mang tính phục hồi được mong đợi;

– Giảm tình trạng tái phạm bằng cách khuyến khích sự thay đổi của từng cá nhân phạm tội và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái hòa nhập cộng đồng;

– Xác định những yếu tố dẫn đến tội phạm và truyền tải đến các cơ quan có trách nhiệm vạch ra chiến lược hạn chế tội phạm.

1.4. Nguyên tắc của việc sử dụng các chương trình tư pháp phục hồi

Việc sử dụng chương trình tư pháp phục hồi nên tuân thủ theo các nguyên tắc được quy định tại Phần II (từ mục 6 đến mục 10) Những nguyên tắc cơ bản của việc sử dụng các chương trình tư pháp phục hồi trong lĩnh vực hình sự của ECOSOC, bao gồm:

Thứ nhất, chương trình tư pháp phục hồi có thể được sử dụng ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tố tụng hình sự (TTHS) (tùy thuộc vào quy định của pháp luật quốc gia).

Thứ hai, chương trình này chỉ nên được áp dụng khi có đầy đủ chứng cứ để kết tội bị cáo và có sự tự do, tự nguyện đồng ý của nạn nhân và người phạm tội. Nạn nhân và người phạm tội có thể rút lại sự đồng ý đó vào bất kỳ thời điểm nào của quá trình. Những thỏa thuận phải đạt được trên cơ sở tự nguyện và chỉ bao gồm các nghĩa vụ hợp lý, tương xứng.

Thứ ba, nạn nhân và người phạm tội thông thường phải đồng ý về những dữ kiện cơ bản của một vụ án làm cơ sở cho sự tham gia của họ trong quá trình phục hồi. Sự tham gia của người phạm tội không được sử dụng như chứng cứ nhận tội trong quá trình tố tụng sau này.

Thứ tư, những khác biệt dẫn đến sự không cân bằng về quyền lực, những khác biệt về văn hóa giữa các bên nên được xem xét khi quyết định chuyển vụ án đến và trong khi thực hiện tiến trình phục hồi.

Thứ năm, sự an toàn của các bên nên được xem xét khi quyết định chuyển vụ án đến và trong khi thực hiện tiến trình phục hồi.

Thứ sáu, khi quá trình phục hồi không thích hợp hoặc không thể áp dụng, vụ án nên được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền của hệ thống tư pháp hình sự và nên đưa ra một quyết định về việc làm thế nào để tiếp tục giải quyết vụ án mà không phải trì hoãn. Trong những trường hợp như vậy, những người tiến hành tố tụng nên cố gắng động viên người phạm tội thực hiện trách nhiệm đối với nạn nhân, cộng đồng bị ảnh hưởng, ủng hộ sự tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân và người phạm tội.

1.5. Các chương trình tư pháp phục hồi

Hiện nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu về các chương trình tư pháp phục hồi nhằm phân tích, đánh giá ưu nhược điểm để từ đó có thể tìm được một mô hình thích hợp cho từng nước, hay nói đúng hơn là từng địa phương, cộng đồng cụ thể. Ở cấp độ quốc gia, một trong những công trình nổi bật đã được thực hiện bởi Gordon Bazemore (Đại học Florida Atlantic) và Mark Umbreit (Đại học Minnesota) vào năm 1998 để chuẩn bị cho đề án có tên gọi là Tư pháp cân bằng và phục hồi, được tài trợ bởi Văn phòng tư pháp và phòng ngừa tội phạm chưa thành niên thuộc Cơ quan tư pháp của Mỹ. Ở cấp độ khu vực, Hội đồng châu Âu đã thành lập một ủy ban chuyên gia vào năm 1995 để đánh giá và phân tích việc sử dụng hình thức hòa giải trong thủ tục TTHS của các nước thành viên. Đến giữa năm 1996 và năm 1999, ủy ban này đã gặp gỡ và xem xét báo cáo từ các quốc gia có kinh nghiệm trong việc sử dụng hòa giải đối với các vấn đề hình sự và xem xét có những đề xuất nào được đưa ra hay không. Phụ lục của báo cáo đã đưa ra khái niệm của hòa giải và ghi nhận 34 nguyên tắc cho các nước thành viên khi tiến hành thủ tục này trong các vụ án hình sự. Vào tháng 09/1999, Ủy ban Các bộ trưởng đã ban hành kiến nghị cụ thể về vấn đề này.[6] Ở cấp độ quốc tế, LHQ cũng đã tổ chức nhiều hội nghị, thực hiện nhiều dự án và nghiên cứu về tư pháp phục hồi. Kết quả của những nỗ lực trên là việc UNODC hoàn thành Sách giới thiệu về các chương trình tư pháp phục hồi (Handbook on Restorative Justice Programmes) và xuất bản vào năm 2006. UNODC cho rằng hiện có rất nhiều chương trình tư pháp phục hồi khác nhau đang được vận hành ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, theo cơ quan này có những dạng chương trình chính sau đây:[7]

– Hòa giải giữa nạn nhân và người phạm tội (victim offender mediation);

– Họp nhóm gia đình và cộng đồng (community and family group conferencing);

– Kết án vòng tròn (circle sentencing);

– Vòng tròn hòa giải (peacemaking circles);

– Ban cộng đồng và giám sát mang tính khắc phục (reparative probation and community boards and panels).

Như đã đề cập, chương trình tư pháp phục hồi có thể được áp dụng tại bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tố tụng hình sự. Về cơ bản, có 04 thời điểm chính: điều tra (police level), truy tố (prosecution level), xét xử (court level), và thi hành án (corrections) (như một biện pháp thay thế cho hình phạt tù; là một phần hoặc kèm theo hình phạt không giam giữ hoặc trong quá trình giam giữ hoặc sau khi được thả ra khỏi nhà tù).

1.5.1. Hòa giải giữa nạn nhân và người phạm tội[8]

Đây là một trong những chương trình tư pháp phục hồi xuất hiện sớm nhất. Chương trình này có những đặc điểm cơ bản sau:

– Thời điểm áp dụng: tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng và thi hành án.

– Hình thức hòa giải: trực tiếp (nạn nhân và người phạm tội trực tiếp gặp nhau) hoặc gián tiếp (hòa giải viên gặp các bên riêng biệt).

– Thẩm quyền áp dụng: cảnh sát, công tố viên, Tòa án, hoặc văn phòng giám sát (probation office).

– Thẩm quyền thực hiện: cảnh sát, công tố viên, Tòa án, hoặc văn phòng giám sát (probation office).

– Điều kiện áp dụng hòa giải trực tiếp: (1) người phạm tội phải chấp nhận hoặc không từ chối trách nhiệm đối với tội phạm; (2) người phạm tội và nạn nhân đồng ý và (3) cảm thấy an toàn khi tham gia hòa giải.

– Thành phần tham gia: hòa giải viên, người phạm tội, nạn nhân, bạn bè và những người ủng hộ hai bên (thường không tham gia).

– Kết quả: thỏa thuận giữa hai bên (có thể bao gồm vấn đề khắc phục và bồi thường thiệt hại cho nạn nhân). Nội dung của thỏa thuận có thể được đưa vào bản án hoặc là một điều kiện trong quyết định áp dụng án treo.

1.5.2. Họp nhóm gia đình và cộng đồng[9]

Trong số các mô hình tư pháp phục hồi, họp nhóm gia đình và cộng đồng mang tính thể chế hệ thống cao nhất (đã được quy định trong luật pháp của New Zealand áp dụng cho tư pháp người chưa thành niên từ năm 1989). Mô hình này có nguồn gốc từ truyền thống giải quyết tranh chấp của người Maori (nhóm người bản địa New Zealand) và hiện nay được áp dụng dưới nhiều biến thể như một hình thức xử lý chuyển hướng của cảnh sát tại Nam Úc, Nam Phi, Ireland, Lesotho và tại các thành phố ở một số bang của Mỹ như Minnesota, Pennsylvania and Montana. Họp nhóm gia đình và cộng đồng mang những đặc điểm cơ bản sau:

– Thẩm quyền áp dụng: cảnh sát hoặc Tòa án.

– Thành phần tham gia: hòa giải viên (convenor), người phạm tội, nạn nhân, gia đình, bạn bè, thành viên cộng đồng (giáo viên, người sử dụng lao động…).

– Mục đích áp dụng: bắt buộc người phạm tội đối diện với hậu quả của tội phạm, đưa ra một kế hoạch khắc phục, và trong những trường hợp nghiêm trọng hơn xác định nhu cầu cho việc giam giữ, giám sát nghiêm khắc hơn

So với hình thức hòa giải giữa nạn nhân và người phạm tội thì họp nhóm gia đình và cộng đồng có mục đích rộng hơn, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào quá trình tìm ra phương án giải quyết, đồng thời xác định trách nhiệm của cộng đồng trong việc giám sát, giúp đỡ người phạm tội để thực hiện các biện pháp khắc phục cũng như tái hòa nhập như đã xác định trong thỏa thuận.

1.5.3. Kết án vòng tròn[10]

Mô hình này được sử dụng tại một số cộng đồng người bản địa ở Canada, là một ví dụ điển hình cho tư pháp khuyến khích sự tham gia trực tiếp của các thành viên cộng đồng trong việc xử lý tội phạm. Chương trình này được thực hiện chủ yếu bởi Ủy ban Tư pháp cộng đồng (Community Justice Committee).

– Thẩm quyền áp dụng: cảnh sát, công tố viên, thẩm phán

– Thành phần tham gia: thẩm phán, công tố viên, nhân viên cảnh sát, nạn nhân, người phạm tội, gia đình, thành viên cộng đồng

– Trình tự, thủ tục: (1) Xác định vụ án cụ thể có thích hợp để áp dụng thủ tục này không, (2) Chuẩn bị các bên tham gia, (3) Tìm kiếm thỏa thuận giữa các bên, (4) Đưa ra phương án theo dõi, bảo đảm người phạm tội thực hiện thỏa thuận.

Kết quả của quá trình này được chuyển đến cho thẩm phán. Tòa án xem xét phương án giải quyết rất cẩn thận mặc dù không bắt buộc phải tiếp thu hoặc chấp nhận toàn bộ. Người phạm tội được áp dụng thủ tục kết án vòng tròn vẫn có thể bị phạt tù. Tuy nhiên, có nhiều biện pháp xử lý khác như khắc phục, bồi thường, án treo và dịch vụ cộng đồng. Một nguyên tắc cơ bản của kết án vòng tròn là bản án không quan trọng bằng cách thức, tiến trình đã được sử dụng để đưa đến kết quả hoặc bản án đó. Phần lớn người phạm tội được giải quyết bằng thủ tục này là người đã thành niên. Thời gian gần đây, những vụ án liên quan đến người chưa thành niên được kết án vòng tròn ngày càng tăng. Hình thức kết án vòng tròn đã sinh ra nhiều biến thể khác nhau bao gồm Ủy ban tư vấn (Advisory committees), Ban kết án (Sentencing panels) và Ban hòa giải cộng đồng (Community mediation panels).[11]

Xem thêm bài viết về “Tư pháp phục hồi”

  • Miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3 điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 từ góc độ tư pháp phục hồi – ThS. Nguyễn Thị Thùy Dung & ThS. Nguyễn Trần Minh Công

2. Biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam

2.1. Các loại biện pháp giám sát, giáo dục

Trên cơ sở tham khảo, học tập các chương trình tư pháp phục hồi của một số nước cũng như hướng dẫn của LHQ về vấn đề này, Việt Nam đã xây dựng trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 ba biện pháp có tên gọi là biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, bao gồm: khiển trách; hòa giải tại cộng đồng; giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Nếu như khiển trách và hòa giải tại cộng đồng là hai biện pháp hoàn toàn mới thì giáo dục tại xã, phường, thị trấn trước đây theo Bộ luật Hình sự năm 1999 là một trong hai biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Việc ghi nhận những biện pháp này là một điểm tiến bộ, thể hiện sự thay đổi đúng đắn trong nhận thức của các nhà lập pháp Việt Nam, phù hợp với xu hướng thế giới; bổ sung cho cơ quan tiến hành tố tụng một cách thức xử lý linh hoạt, nhân văn đối với người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật hình sự.

2.2. Thẩm quyền áp dụng

Tùy thuộc vào từng giai đoạn tố tụng, thẩm quyền áp dụng ba biện pháp trên thuộc về cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Những người có quyền quyết định việc áp dụng là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử.[12] Những quy định này cho thấy biện pháp giám sát, giáo dục người chưa thành niên có thể được sử dụng trong nhiều giai đoạn tố tụng và điều này hoàn toàn phù hợp với hướng dẫn của ECOSOC về Những nguyên tắc cơ bản của việc sử dụng các chương trình tư pháp phục hồi trong lĩnh vực hình sự. Tuy nhiên, việc BLTTHS năm 2015 không cho phép Chánh án, Phó Chánh án Tòa án áp dụng ba biện pháp trên là điều cần phải xem xét lại. Giả sử trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, nếu Tòa án nhận thấy có đủ điều kiện để áp dụng một biện pháp giám sát, giáo dục cho bị can thì vẫn phải mở phiên tòa và Hội đồng xét xử sẽ ra quyết định áp dụng biện pháp này. Đây là điều không cần thiết và đi ngược lại nguyên tắc giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi được ghi nhận bởi chính BLTTHS năm 2015 (khoản 7 Điều 414).

2.3. Điều kiện, thủ tục áp dụng

Điều kiện chung để áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi được quy định tại Điều 92 BLHS năm 2015, bao gồm: (1) người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự và (2) người phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý áp dụng. Đây là hai điều kiện cần và đủ của việc áp dụng bất kỳ biện pháp giám sát, giáo dục nào. Điều kiện thứ nhất cho thấy trước hết người chưa thành niên phải được miễn trách nhiệm hình sự. Đối chiếu với quy định pháp luật các nước và hướng dẫn của LHQ thì không có điều kiện bắt buộc này. Điều này chứng tỏ Việt Nam còn khá khắt khe và e dè trong việc áp dụng những biện pháp này cũng như gián tiếp thể hiện đây thật ra không phải là biện pháp thay thế cho hình phạt vì đã miễn trách nhiệm hình sự thì đương nhiên không áp dụng hình phạt. Điều kiện thứ hai cho thấy cơ quan lập pháp Việt Nam đã không đề cập đến ý chí, nguyện vọng của người bị hại trong việc quyết định áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội. Điều này đi ngược lại với một trong những nguyên tắc cơ bản trong việc sử dụng tư pháp phục hồi đã được hướng dẫn bởi ECOSOC.[13]

Đối với từng biện pháp cụ thể lại có những điều kiện áp dụng riêng biệt bên cạnh điều kiện chung.[14] So với hòa giải tại cộng đồng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì biện pháp khiển trách có mức độ nghiêm khắc thấp nhất. Vì vậy điều kiện để áp dụng biện pháp này cũng khắt khe hơn.[15] Điều kiện áp dụng hai biện pháp còn lại được quy định dựa trên các trường hợp cụ thể trong đó người chưa thành niên ở hai nhóm tuổi khác nhau có thể được miễn trách nhiệm hình sự.[16]

Thủ tục áp dụng ba biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi được quy định khá đơn giản trong BLTTHS năm 2015.[17] Đối với khiển trách và giáo dục tại xã, phường, thị trấn, BLTTHS năm 2015 quy định rõ là khi miễn trách nhiệm hình sự những người có thẩm quyền quyết định áp dụng. Riêng đối với biện pháp hòa giải tại cộng đồng thì không có quy định tương tự. Ngoài ra, theo điểm g khoản 5 Điều 428 khi kết thúc hòa giải người bị hại, người đại diện của họ có thể đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Điều này gián tiếp cho thấy biện pháp hòa giải tại cộng đồng được áp dụng trước khi người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, khoản 2 Điều 94 BLHS năm 2015 lại quy định việc hòa giải tại cộng đồng chỉ được tổ chức thực hiện khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. BLTTHS năm 2015 cũng chưa quy định cách thức xử lý tiếp theo trong trường hợp hòa giải không thành hoặc các bên không thực hiện, thực hiện không đúng những thỏa thuận đạt được khi kết thúc hòa giải.

Xem thêm bài viết về “Người dưới 18 tuổi (Người chưa thành niên)”

  • Cơ sở khoa học của việc thành lập trại giam dành riêng cho phạm nhân chưa thành niên – ThS. Nguyễn Quang Vũ
  • Bảo đảm quyền của người chưa thành niên là con của phạm nhân trong pháp Luật Thi hành án hình sự Việt Nam – ThS. Vũ Thị Thúy & ThS. Nguyễn Thị Kiều Oanh
  • Chuẩn mực quốc tế về bảo vệ quyền ưu tiên tư pháp của trẻ em phạm tội và tính tương thích trong Bộ luật Hình sự 2015 – ThS. Vũ Thị Phượng
  • Quyền riêng tư của người bị hại dưới 18 tuổi trong tố tụng hình sự – ThS. Nguyễn Thị Lộc
  • Những nội dung mới của Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 của Việt Nam về người chưa thành niên phạm tội – TS. Hoàng Anh Tuyên

3. Một số kiến nghị

Trên cơ sở những vấn đề đã được phân tích và đánh giá, để phát triển khung pháp lý tư pháp hình sự Việt Nam về biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội, chúng ta cần xem xét các định hướng và kiến nghị cụ thể sau:

Thứ nhất, cần bổ sung quy định tăng cường và đảm bảo vai trò, tiếng nói của người bị hại và thành viên cộng đồng trong thủ tục áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi.

Thứ hai, trong tương lai cần nghiên cứu áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục cho người dưới 18 tuổi mà không cần điều kiện miễn trách nhiệm hình sự, mở rộng phạm vi áp dụng cho cả đối tượng là người đã đủ 18 tuổi phạm tội. Đề xuất này chỉ nên thực hiện khi hệ thống các cơ quan, dịch vụ hỗ trợ đã được thành lập với đầy đủ đội ngũ nhân viên trên thực tế.

Thứ ba, trao thẩm quyền quyết định việc áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi cho Chánh án, Phó Chánh án Tòa án.

Thứ tư, ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết việc thi hành các biện pháp này. Trong trường hợp hòa giải tại cộng đồng không đạt được thỏa thuận giữa các bên thì phải trở lại sử dụng thủ tục tố tụng truyền thống để giải quyết vụ án.

Thứ năm, tuyên truyền, vận động và có cơ chế khuyến khích các tổ chức xã hội hiện hữu, thành viên cộng đồng tham gia vào quá trình giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi, giúp họ tái hòa nhập và phát triển.

Thứ sáu, thành lập thêm các dịch vụ hỗ trợ chuyên biệt dành cho người dưới 18 tuổi trong quá trình thực hiện các cam kết, nghĩa vụ của họ tương ứng với từng biện pháp giám sát, giáo dục. Đây là một yếu tố không thể thiếu được, quyết định một phần sự thành công của các biện pháp này bởi vì chỉ với sự nỗ lực của các cơ quan tư pháp, với các thiết chế xã hội hiện nay của Việt Nam thì rất khó để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội cũng như giúp đỡ họ trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.

Quy định về các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự trong BLHS năm 2015 BLTTHS năm 2015 của Việt Nam là một việc làm đúng đắn, phù hợp với xu hướng quốc tế, với hướng dẫn của LHQ về các nguyên tắc cơ bản khi sử dụng tư pháp phục hồi trong lĩnh vực hình sự. Tuy nhiên, vì đây là lần đầu tiên ghi nhận nên không thể tránh khỏi những hạn chế nhất định. Thực tiễn áp dụng những biện pháp này trong tương lai sẽ là cơ sở để đánh giá ưu, nhược điểm của khung pháp lý.

Xem thêm bài viết về “Bộ luật Tố tụng hình sự 2015”

  • Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
  • Phân tích các quyền và nghĩa vụ của Người bào chữa theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
  • Lựa chọn người bào chữa theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
  • Những nội dung mới của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong tố tụng hình sự – TS. Hoàng Anh Tuyên
  • Miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 từ góc độ tư pháp phục hồi – ThS. Nguyễn Thị Thùy Dung & ThS. Nguyễn Trần Minh Công

CHÚ THÍCH

[1] UNODC, Sách hướng dẫn về các chương trình tư pháp phục hồi, 2006, tr. 6.

[2] Mục 1 phần I. Kết quả phục hồi là một thỏa thuận đạt được từ quá trình phục hồi bao gồm các cách thức xử lý và chương trình như sửa chữa, bồi thường và dịch vụ cộng đồng với mục tiêu hòa hợp nhu cầu cá nhân và nhu cầu chung với trách nhiệm của các bên, đồng thời hoàn thành việc tái hòa nhập của nạn nhân, người phạm tội (mục 3 phần I).

[3] Mục 2 phần I. Hòa giải viên là một người có vai trò tạo điều kiện một cách vô tư và công bằng cho sự tham gia của các bên trong một quá trình phục hồi (mục 4 phần I).

[4] UNODC, chú thích số 01, tr. 7-8.

[5] UNODC, chú thích số 01, tr. 9-11.

[6] Paul McCold, Bài thuyết trình về Tư pháp phục hồi và LHQ, slide 13.

[7] UNODC, chú thích số 1, tr. 14-15.

[8] Như trên, tr. 17-18.

[9] UNODC, chú thích số 01, tr. 20-21.

[10] Như trên, tr. 22-25.

[11] Một số nơi còn gọi là Ban khắc phục cộng đồng (Community reparative boards). Tham khảo thêm Gordon Bazemore và Mark Umbreit, “Họp, Vòng tròn, Ban, và Hòa giải: Tư pháp phục hồi và sự tham gia của công dân trong việc xứ lý tội phạm chưa thành niên” (Conferences, Circles, Boards, and Mediations: Restorative Justice and Citizen Involvement in the Response to Youth Crime), Dự án tư pháp phục hồi và cân bằng, tr. 31, 32.

[12] Điều 426 BLTTHS năm 2015.

[13] ECOSOC, Những nguyên tắc cơ bản của việc sử dụng các chương trình tư pháp phục hồi trong lĩnh vực hình sự, mục 7, phần II.

[14] Quy định tương ứng tại khoản 1 các điều 93, 94, 95 BLHS năm 2015.

[15] Khoản 1 Điều 93 BLHS năm 2015.

[16] Khoản 1, 2 Điều 91 BLHS năm 2015.

[17] Quy định tại các điều 427, 428, 429.

  • Tác giả: TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
  • Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06(109)/2017 – 2017, Trang 37-43
  • Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Một số vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và kiến nghị hoàn thiện
Một số vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và kiến nghị hoàn thiện
Đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên trong giao dịch dân sự liên quan đến hoạt động công chứng
Đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên trong giao dịch dân sự liên quan đến hoạt động công chứng
Một số vấn đề về thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Một số vấn đề về thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội - Một số bất cập và hướng hoàn thiện
Xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội – Một số bất cập và hướng hoàn thiện
Hợp tác quốc tế và những vấn đề đặt ra khi thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
Hợp tác quốc tế và những vấn đề đặt ra khi thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
Tòa án với vai trò bảo đảm quyền con người trong mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
Tòa án với vai trò bảo đảm quyền con người trong mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Chuyên mục: Hình sự/ Tố tụng hình sự Từ khóa: Biện pháp giám sát giáo dục/ Bộ luật Tố tụng hình sự 2015/ Người dưới 18 tuổi (Người chưa thành niên)/ Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam/ Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06/2017/ Tư pháp phục hồi

Previous Post: « Hoàn thiện chính sách hình phạt trong quy định của Bộ luật Hình sự 2015 theo tinh thần của các Công ước quốc tế về quyền con người
Next Post: Một số vấn đề về quy định thử việc trong Pháp luật Lao động Việt Nam »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng