• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong quá trình giải quyết vụ án hình sự về các tội phạm tham nhũng

Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong quá trình giải quyết vụ án hình sự về các tội phạm tham nhũng

30/04/2020 22/05/2021 TS. Lê Huỳnh Tấn Duy Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Nhận thức chung về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
    • 1.1. Khái niệm
    • 1.2. Đặc điểm
    • 1.3. Ý nghĩa
  • 2. Cơ sở áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong điều tra các vụ án tham nhũng
  • 3. BLTTHS năm 2015 quy định về Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
    • 3.1. Về số lượng, tên gọi và thời điểm áp dụng
    • 3.2. Về trường hợp áp dụng
    • 3.3. Về thẩm quyền quyết định việc áp dụng và thi hành quyết định áp dụng
    • 3.4. Về thời hạn áp dụng
    • 3.5. Về mục đích sử dụng và giá trị chứng minh của thông tin, tài liệu thu thập được
    • 3.6. Về hủy bỏ việc áp dụng
  • 4. Kiến nghị về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng ở nước ta
    • 4.1. Đối với BLTTHS năm 2015
    • 4.2. Đối với Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP
    • 4.3. Đối với văn bản nội bộ của lực lượng CAND, QĐND
  • CHÚ THÍCH

Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong quá trình giải quyết vụ án hình sự về các tội phạm tham nhũng

Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong quá trình giải quyết vụ án hình sự (VAHS) về các tội phạm tham nhũng

  • Kiểm soát quyền lực và Liên hệ chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay
  • Thu hồi tài sản tham nhũng theo Công ước LHQ về chống tham nhũng
  • Nội luật hóa quy định của Công ước chống tội phạm tham nhũng lĩnh vực công

TỪ KHÓA: Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, Vụ án hình sự, Tham nhũng, Tạp chí Khoa học pháp lý

TÓM TẮT

Bài viết tập trung phân tích một số vấn đề lý luận, quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; quy định của Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng, hướng dẫn của Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và tội phạm, về kỹ thuật điều tra tố tụng đặc biệt. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra định hướng hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự và nâng cao hiệu quả tiến hành các biện pháp này ở nước ta trong thời gian tới.

1. Nhận thức chung về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

1.1. Khái niệm

Trong khi pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng thuật ngữ “kỹ thuật điều tra đặc biệt” (special investigative techniques) thì nhà làm luật Việt Nam sử dụng tên gọi “biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt”. Khuyến nghị số 10 năm 2005 của Hội đồng châu Âu về Các kỹ thuật điều tra đặc biệt liên quan đến các tội phạm nghiêm trọng bao gồm các hành vi khủng bố đưa ra khái niệm: “Điều tra đặc biệt là những kỹ thuật được áp dụng bởi cơ quan có thẩm quyền trong điều tra án hình sự nhằm phát hiện và điều tra những tội phạm nghiêm trọng và người bị tình nghi, hướng đến việc thu thập thông tin theo một cách thức không để cho đối tượng mục tiêu biết được” (đoạn thứ nhất, Chương I). Các cơ quan có thẩm quyền đề cập trong khái niệm này bao gồm “Tòa án, cơ quan công tố, cơ quan điều tra có liên quan đến việc quyết định, giám sát hoặc sử dụng các kỹ thuật đặc biệt theo quy định của pháp luật quốc gia” (đoạn thứ hai, Chương I).

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Bàn về quan hệ phối hợp của Vụ 4 - Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an khi giải quyết vụ án trả lại hồ sơ điều tra bổ sung
  • Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới
  • Người tham gia tố tụng theo pháp luật hình sự một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả bảo vệ người làm chứng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự
  • Một số vấn đề về quyền tiếp cận thông tin môi trường
  • Nhìn lại hai dịp Việt Nam tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp trong WTO với vai trò bên đi kiện – “hành” và “học”
  • Lịch sử về chống tra tấn và cơ chế bảo đảm quyền của người bị buộc tội khỏi bị tra tấn trong các văn bản pháp lý quốc tế về quyền con người
  • Về một số vấn đề phát sinh trong quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu
  • Kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam trong việc nội luật hóa quy định của Công ước Chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia về tội phạm hóa hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công
  • Quyền của người chưa thành niên có sự tham gia của đại diện gia đình, nhà trường, tổ chức trong quá trình tố tụng hình sự

Pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) Việt Nam không đưa ra khái niệm thế nào là biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Về mặt khoa học, do đây là chế định mới được ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 nên chỉ có một vài công trình nghiên cứu ở quy mô các bài viết khoa học.

Tác giả Phạm Quang Phúc cho rằng “biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là biện pháp trinh sát có tính chất đặc thù, rõ nét nhất đó là tính chất bí mật”.[1] Khái niệm này đồng nhất biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt với biện pháp trinh sát và nhấn mạnh đặc điểm “bí mật” khi tiến hành để phân biệt với các hoạt động điều tra khác mang tính công khai.

Căn cứ vào quy định của pháp luật TTHS, kết hợp với lý luận và thực tiễn tiến hành các hoạt động điều tra, tác giả Phan Văn Chánh đưa ra khái niệm: “Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là một trong các biện pháp điều tra tố tụng được các cơ quan chuyên trách trong lực lượng công an nhân dân (CAND) và quân đội nhân dân (QĐND) tiến hành sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra nhằm áp dụng các biện pháp điều tra bí mật do BLTTHS quy định để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án hình sự”.[2] Trong khái niệm của mình, tác giả đã đề cập nhiều vấn đề của biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như đặc điểm, chủ thể tiến hành, thời điểm tiến hành, mục đích. Điểm giống nhau giữa hai khái niệm đó là đều thừa nhận đặc điểm về tính bí mật của biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Theo quan điểm cá nhân, tác giả bài viết nhận thấy khái niệm thứ hai khá đầy đủ và chi tiết. Tuy nhiên, khái niệm trên vẫn cần diễn đạt cho hoàn thiện. Cụ thể, “biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là một trong các biện pháp điều tra do BLTTHS quy định được cơ quan chuyên trách trong CAND và QĐND tiến hành một cách bí mật sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra nhằm thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án”.

1.2. Đặc điểm

Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt vừa mang những đặc điểm chung của hoạt động điều tra VAHS vừa có những đặc điểm riêng thể hiện qua tính chất “đặc biệt” của chúng.

Thứ nhất, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt tác động trực tiếp đến một số quyền con người, quyền cơ bản của cá nhân; quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức. Việc tiến hành các biện pháp như ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử rõ ràng có ảnh hưởng, nói chính xác hơn là xâm phạm, đến “quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình”, “quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác” được ghi nhận tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013. Điều này khác biệt so với phần lớn các hoạt động điều tra khác như lấy lời khai, hỏi cung, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra. Ngay cả khi so sánh với một số hoạt động điều tra cũng ảnh hưởng đến quyền con người, quyền cơ bản của cá nhân như khám xét, xem xét dấu vết trên thân thể thì biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cũng có điểm khác đó là không được tiến hành công khai.

Thứ hai, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được tiến hành bí mật. Đây là đặc điểm cơ bản nhất để phân biệt với các hoạt động điều tra khác. Các hoạt động điều tra khác được tiến hành một cách công khai dưới sự chủ trì của điều tra viên, phải thông báo cho Viện kiểm sát (VKS) biết trước khi tiến hành, trong một số trường hợp kiểm sát viên còn bắt buộc phải có mặt để kiểm sát điều tra, có người chứng kiến. Những người tham gia tố tụng đều nhận biết được diễn biến của quá trình tiến hành các hoạt động điều tra này. Ngược lại, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt mang tính bí mật “bao gồm bí mật về chủ thể tiến hành, phương pháp tiến hành, đối tượng áp dụng,… nhưng được công khai về chứng cứ phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự”.[3] Các biện pháp này có thể được tiến hành bởi Trinh sát viên, Điều tra viên hoặc lực lượng cộng tác viên bí mật dưới sự chỉ đạo của trinh sát viên, thủ trưởng cơ quan điều tra, cùng với sự hỗ trợ của phương tiện kỹ thuật được gắn vào vị trí thích hợp, có chuẩn bị trước.[4]

Thứ ba, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt mang những đặc trưng riêng về trường hợp, thời điểm, thẩm quyền, thời hạn áp dụng và chủ thể tiến hành. Như đã phân tích, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền con người, quyền cơ bản của cá nhân mà lại được tiến hành một cách bí mật nên rất dễ dẫn đến sự tùy tiện. Chính vì vậy, không giống như những hoạt động điều tra thông thường, pháp luật TTHS đặt ra những quy định riêng, nghiêm ngặt hơn[5] đối với biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt với mục đích bảo đảm chỉ áp dụng trong những trường hợp thật cần thiết, hạn chế tối đa những vi phạm có thể xảy ra trong quá trình tiến hành.

1.3. Ý nghĩa

Việc ghi nhận các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong BLTTHS năm 2015 có nhiều ý nghĩa, thể hiện trên các phương diện sau:

Thứ nhất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc chứng minh tội phạm. Trước khi ban hành BLTTHS năm 2015, những biện pháp trinh sát đã được tiến hành trong thực tiễn đối với một số loại tội phạm phức tạp, nguy hiểm, khó phát hiện và chứng minh, trong đó có các tội phạm về tham nhũng. Tuy nhiên, do chưa được luật hóa nên thông tin, tài liệu thu thập được từ những biện pháp này không thể sử dụng trực tiếp mà phải trải qua bước “chuyển hóa chứng cứ”, gây mất thời gian và công sức. Với việc luật hóa thành các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, các cơ quan có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự  có thể trực tiếp sử dụng thông tin, tài liệu thu được thông qua các biện pháp này làm chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội nhanh chóng, kịp thời.

Thứ hai, hạn chế việc xâm phạm một số quyền con người, quyền cơ bản của cá nhân. Một trong những đặc điểm của biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là ảnh hưởng đến quyền con người, quyền cơ bản của cá nhân. Tuy nhiên, bằng việc quy định chặt chẽ về trường hợp, thời điểm, thẩm quyền, thời hạn áp dụng và chủ thể tiến hành, pháp luật TTHS gián tiếp hạn chế việc áp dụng một cách tùy tiện những biện pháp này, bảo đảm nguyên tắc: “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.[6]

Thứ ba, góp phần phòng ngừa tội phạm. Đối tượng thực hiện các tội phạm thuộc trường hợp có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đa phần là những người có trình độ, đối với các tội phạm tham nhũng thì còn có chức vụ, quyền hạn. Họ có khả năng nhận thức rằng cơ quan có thẩm quyền điều tra được phép sử dụng các biện pháp trinh sát nhưng họ cũng biết thông tin, tài liệu thu thập được bằng các biện pháp này không phải là chứng cứ. Tuy nhiên, điều đó đã không còn đúng nữa kể từ khi BLTTHS năm 2015 chính thức luật hóa các biện pháp trinh sát thành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Sự thay đổi này có thể là một yếu tố tác động đến nhận thức của một số đối tượng, khiến họ từ bỏ ý định phạm tội vì nguy cơ bị phát hiện và bị buộc tội cao hơn so với trước đây.

2. Cơ sở áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong điều tra các vụ án tham nhũng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Điều 224 BLTTHS năm 2015 thì tội phạm về tham nhũng là một trong các trường hợp có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Quy định này được xây dựng dựa trên những cơ sở sau đây:

Thứ nhất,yêu cầu nội luật hóa các quy định có liên quan của Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC).Trong phần hợp tác quốc tế, Điều 50 Công ước quy định: “Để chống tham nhũng có hiệu quả, trong phạm vi cho phép bởi các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật nước mình và theo các điều kiện được quy định trong pháp luật nước mình, mỗi quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết trong phạm vi có thể nhằm cho phép các cơ quan chức năng sử dụng hình thức vận chuyển có kiểm soát (controlled delivery)[7] và khi thích hợp sử dụng các kỹ thuật điều tra đặc biệt khác (special investigative techniques), chẳng hạn như giám sát điện tử hoặc các hình thức giám sát khác, hoạt động bí mật (undercover operations), trong lãnh thổ nước mình và cho phép chứng cứ thu được từ việc áp dụng các kỹ thuật này được chấp nhận tại Tòa án”.[8] Điều luật này cho thấy việc ghi nhận và tiến hành các biện pháp điều tra đặc biệt trong pháp luật quốc gia là rất cần thiết để giải quyết có hiệu quả các vụ án tham nhũng. Đây đồng thời là trách nhiệm của các quốc gia thành viên Công ước. Điều luật cũng lưu ý đến việc giới hạn phạm vi áp dụng và liệt kê một số hình thức của biện pháp điều tra đặc biệt. Những nội dung này phần lớn đã được nội luật hóa trong BLTTHS năm 2015.[9]

Thứ hai, học tập kinh nghiệm pháp luật nước ngoài. Trên thế giới, một số quốc gia có chính sách pháp luật và cơ chế phòng, chống khá hiệu quả các tội phạm về tham nhũng. Các quốc gia này có một điểm chung là đều luật hóa biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Thực tế khi làm dự án BLTTHS năm 2015, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã tham khảo pháp luật TTHS của 15 quốc gia quy định biện pháp điều tra đặc biệt, trong đó có quốc gia tương đồng về thể chế chính trị (Trung Quốc), những quốc gia trước đây có nền tư pháp giống Việt Nam (Nga, Hungary…) và cả những nước tiên tiến hơn (Đức, Pháp, Mỹ…).[10]

Thứ ba, đặc điểm của tội phạm về tham nhũng.[11] Đây được xem là một trong những tội phạm khó khăn nhất trong việc điều tra vì thường không có hiện trường vụ án, không dấu vân tay, không nhân chứng trực tiếp. Về bản chất đây là một tội phạm rất bí mật và có thể chỉ liên quan đến hai bên đã cảm thấy hài lòng, vì vậy không có động cơ để tiết lộ sự thật. Ngay cả khi có nhân chứng, họ thường chính là các bên tham gia vào việc phạm tội nên không được tin cậy khi trở thành nhân chứng buộc tội tại tòa. Bên cạnh đó, chủ thể thực hiện tội phạm về tham nhũng nói riêng và các tội phạm khác như tội xâm phạm an ninh quốc gia , ma túy, khủng bố, rửa tiền, tội phạm có tổ chức nói chung thường có thủ đoạn gây án, cách thức che giấu, xóa bỏ dấu vết của hành vi phạm tội cực kỳ tinh vi.[12] Họ là những người mang quyền lực và có thể áp đặt sự im lặng lên những người có liên quan bằng sự đe dọa và bạo lực để phá hủy bất kỳ hoạt động điều tra nào. Là những người có chức vụ, quyền hạn nên họ có khả năng tác động đến người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng như biết được thông tin về tiến trình giải quyết vụ án có liên quan. Trong thời buổi hiện đại, người phạm tội tham nhũng tinh vi còn có thể lợi dụng những lỗ hổng về thẩm quyền xuyên quốc gia (loopholes in cross-jurisdictions) và sự trợ giúp của những chuyên gia khác như luật sư, nhân viên kế toán, chuyên gia máy tính đối với các hoạt động bí mật và giúp đỡ họ che giấu quá trình tham nhũng. Vì những lý do trên, nếu chỉ sử dụng các biện pháp điều tra thông thường sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong việc phát hiện, chứng minh tội phạm; ngăn ngừa người phạm tội bỏ trốn, tẩu tán tài sản.

Thứ tư, yêu cầu của thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng ở nước ta. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng nhận xét một cách khách quan cho thấy “quá trình điều tra theo luật hiện hành tỏ ra không thật hiệu quả, nhất là đối với một số loại tội phạm như tham nhũng. Tham nhũng rất nhiều nhưng phát hiện, xử lý được rất ít, nhất là việc thu hồi tài sản tham nhũng. Lý do có lẽ cũng là thiếu thiết chế đặc thù để phát hiện, thu thập chứng cứ đưa ra ánh sáng những vụ việc tham nhũng”.[13] Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International), dựa trên chỉ số cảm nhận tham nhũng (Corruption Perceptions Index) năm 2018 thì Việt Nam đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu, giảm 02 điểm so với năm 2017, trong đó tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng.[14] Thực trạng trên cho thấy việc ghi nhận biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, cho phép trực tiếp sử dụng thông tin, tài liệu thu thập được từ những biện pháp này để xử lý có hiệu quả hơn các vụ án tham nhũng là một yêu cầu tất yếu khách quan.

3. BLTTHS năm 2015 quy định về Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Pháp luật TTHS không quy định riêng về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong các vụ án tham nhũng mà những quy định tại Chương XVI của BLTTHS năm 2015 cũng được áp dụng chung cho các vụ án về những tội phạm khác như: (a) tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội khủng bố, tội rửa tiền; (b) tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.[15]

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là bộ luật đầu tiên của nước ta ghi nhận chế định biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Tuy nhiên xét về bản chất, những biện pháp này trước đây đã từng được đề cập với tên gọi là “biện pháp nghiệp vụ” hoặc “biện pháp nghiệp vụ trinh sát” trong nhiều văn bản pháp luật như: Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008),[16] Luật An ninh quốc gia năm 2004,[17] Luật Công an nhân dân năm 2005,[18] Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013.[19]

Nếu như các văn bản pháp luật trên chỉ đề cập tên gọi thì BLTTHS năm 2015 đã có những quy định khá cụ thể về nhiều vấn đề liên quan đến biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt bao gồm:

3.1. Về số lượng, tên gọi và thời điểm áp dụng

Điều 223 BLTTHS năm 2015 chỉ ghi nhận ba biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm pháp luật TTHS của một số quốc gia (như Trung Quốc, Nga, Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Đức).[20]

Về vấn đề số lượng và tên gọi, ngoài ba biện pháp nêu trên, trước khi thông qua BLTTHS năm 2015, VKSNDTC đã từng đề xuất nên quy định thêm hai biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là “theo dõi bí mật” và “sử dụng trinh sát hoặc cộng tác viên bí mật”. Tương tự, tác giả Phan Văn Chánh kiến nghị trong tương lai cần luật hóa thêm các biện pháp điều tra trinh sát trong TTHS như biện pháp “xây dựng và sử dụng đặc tình”.[21]

Theo quan điểm cá nhân, việc cơ quan lập pháp không luật hóa biện pháp trinh sát hoặc cộng tác viên bí mật với tư cách một biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cũng có những lý do nhất định. Đây là các biện pháp “được lực lượng trinh sát chuyên trách tiến hành một cách thường xuyên, liên tục để điều tra, phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với các thế lực thù địch và các loại tội phạm, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG) và giữ gìn trật tự an toàn xã hội”.[22] Chính vì vậy, nếu xem đây là biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt thì rất khó để thỏa mãn những quy định khác của BLTTHS năm 2015, đặc biệt là về thời điểm bắt đầu áp dụng (trong quá trình điều tra sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự),[23] thủ tục (phải được Viện trưởng VKS có thẩm quyền phê chuẩn),[24] và thời hạn áp dụng (thông thường không quá 02 tháng kể từ khi được phê chuẩn).[25]

Như tên gọi, các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được phép áp dụng trong quá trình điều tra, sau khi đã khởi tố vụ án hình sự. Căn cứ vào quy định của BLTTHS năm 2015 và về lý luận cho thấy thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự và thông thường sẽ chấm dứt khi giai đoạn điều tra kết thúc thời điểm cơ quan điều tra (CQĐT) ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc ra bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra.[26] Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt không đương nhiên chấm dứt khi kết thúc điều tra mà chấm dứt trên cơ sở quyết định hủy bỏ của VKS đã phê chuẩn quyết định áp dụng trong những trường hợp luật định.[27] Quy định về thời điểm bắt đầu và kết thúc việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như trên là hợp lý. Nếu bắt đầu trước khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự là quá sớm vì lúc này chưa có đủ chứng cứ để cho thấy vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm và như vậy rất dễ dẫn đến sự tùy tiện áp dụng các biện pháp này, xâm phạm đến các quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp ghi nhận. Ngược lại, sau khi đã kết thúc giai đoạn điều tra mà vẫn tiếp tục áp dụng thì không khả thi và không cần thiết. Cũng cần phải lưu ý biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể được tiến hành song song và hỗ trợ cho các hoạt động điều tra công khai khác.

3.2. Về trường hợp áp dụng

Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, theo quy định tại Điều 224 BLTTHS năm 2015, có thể áp dụng đối với các trường hợp: (a) Tội xâm phạm ANQG, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; (b) Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Quy định trên cho thấy nhà làm luật đã dựa trên các yếu tố như tầm quan trọng của khách thể được luật hình sự bảo vệ, tính chất, mức độ nguy hiểm và cả tính phức tạp trong việc phát hiện, chứng minh tội phạm, người phạm tội làm cơ sở giới hạn các trường hợp có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Tội phạm về tham nhũng cũng như các tội phạm khác được liệt kê trong Điều 224 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội trên rất nhiều phương diện như sự phát triển kinh tế của đất nước, sự ổn định chính trị, an ninh trật tự, tính mạng, sức khỏe… Trong khi đó, các đối tượng phạm tội thường có nhiều người, có tổ chức chặt chẽ, thủ đoạn tinh vi, có trình độ, chức vụ quyền hạn. Vì vậy chỉ bằng những hoạt động điều tra thông thường sẽ rất khó cho cơ quan có thẩm quyền THTT trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án và thực hiện nghĩa vụ chứng minh tội phạm của mình. Với tính chất bí mật, các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể phần nào giúp cơ quan có thẩm quyền THTT thuận lợi hơn khi thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm.

Có ý kiến cho rằng ngoài những trường hợp trên cần bổ sung trường hợp bị hại đề nghị áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt với chính mình.[28] Ví dụ, trong một vụ án bắt cóc trẻ em, người mẹ đề nghị CQĐT nghe lén điện thoại của chính mình để thu thập thông tin về kẻ bắt cóc qua những lần chúng liên lạc, ra giá, tống tiền; những thông tin này sau đó được sử dụng như chứng cứ chứng minh tội phạm. Người đưa ra đề xuất này còn lập luận rằng lịch sử việc tố tụng hóa biện pháp điều tra đặc biệt bắt đầu từ một vụ việc tương tự như vậy.

3.3. Về thẩm quyền quyết định việc áp dụng và thi hành quyết định áp dụng

Thứ nhất, thẩm quyền quyết định việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt thuộc về Thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh, Thủ trưởng CQĐT cấp quân khu trở lên trên cơ sở tự nhận thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng VKSND hoặc Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự (VKSQS) cùng cấp.[29] Không giống những hoạt động điều tra thông thường như hỏi cung, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra… do điều tra viên chủ động tiến hành, các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải do người đứng đầu CQĐT cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên quyết định việc áp dụng. Mục đích của quy định trên là nhằm bảo đảm các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được áp dụng trong những trường hợp cần thiết, đồng thời qua đó cũng nâng cao trách nhiệm của người lãnh đạo CQĐT, bảo đảm tính bí mật khi tiến hành các biện pháp điều tra đặc biệt này.

Liên quan đến quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, có thể nhận thấy khoản 1 Điều 225 BLTTHS năm 2015 đã bỏ sót cụm từ “trở lên” ngay sau cụm từ “Viện trưởng VKSQS cấp quân khu”. Đây có thể chỉ là lỗi về kỹ thuật lập pháp. Tuy nhiên cũng cần phải khắc phục để bảo đảm tính chặt chẽ, nếu không sẽ dẫn đến nhận thức rằng Viện trưởng VKSNDTC và Viện trưởng VKSQS trung ương không có quyền yêu cầu Thủ trưởng CQĐT cùng cấp (thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng) ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải ghi rõ những thông tin cần thiết như: đối tượng bị áp dụng, tên biện pháp được áp dụng, thời hạn, địa điểm áp dụng, cơ quan tiến hành và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 BLTTHS năm 2015.[30] Quyết định này chỉ được thi hành khi được Viện trưởng VKS cùng cấp phê chuẩn.[31] Thủ tục và hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn được hướng dẫn cụ thể bởi Điều 25 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 quy định về phối hợp giữa CQĐT và VKS trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP).

Quy định chi tiết về nội dung quyết định, hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt giúp Viện trưởng VKS cùng cấp có đầy đủ căn cứ để quyết định việc phê chuẩn. Thủ tục phê chuẩn được đặt ra xuất phát từ chức năng kiểm sát điều tra vụ án hình sự của VKS, với mục đích bảo đảm tính cần thiết, hợp pháp của việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, tùy tiện. Tuy nhiên, do tính chất bí mật nên VKS chỉ kiểm sát quyết định áp dụng nhưng không thể kiểm sát quá trình tiến hành các biện pháp này, điều mà VKS có trách nhiệm thực hiện đối với một số hoạt động điều tra công khai khác như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra, khám xét.[32]

Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP đã đặt ra thời hạn CQĐT sau khi ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải gửi hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn cho VKS (24 giờ), thời hạn VKS quyết định việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn hoặc yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu (03 ngày). Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP không quy định thời hạn Thủ trưởng CQĐT phải ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt sau khi nhận được yêu cầu của Viện trưởng VKS. Thiếu vắng quy định này có thể sẽ làm chậm quá trình tiến hành các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, gây khó khăn cho việc phát hiện và chứng minh tội phạm.

Thứ hai, trách nhiệm thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt thuộc về cơ quan chuyên trách trong CAND, QĐND theo quy định của pháp luật.[33] Cơ quan chuyên trách trực tiếp thi hành các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt ở đây có thể được hiểu là đơn vị trinh sát các cấp trong CAND, QĐND.[34] Mặc dù vậy, chủ thể chịu trách nhiệm chính vẫn là CQĐT, lực lượng trinh sát chỉ có trách nhiệm phối hợp hỗ trợ.

Trong quá trình tiến hành các biện pháp này, Thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh, Thủ trưởng CQĐT quân sự cấp quân khu trở lên phải thường xuyên kiểm tra và thông báo về thông tin, tài liệu thu thập được cho Viện trưởng VKS cùng cấp để thống nhất việc sử dụng, xử lý theo quy định tại Điều 227 BLTTHS năm 2015.[35]

3.4. Về thời hạn áp dụng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 226 BLTTHS năm 2015 thì thời hạn thông thường khi áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là không quá 02 tháng kể từ ngày Viện trưởng VKS phê chuẩn. Do những biện pháp này ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền con người, quyền cơ bản của công dân nên thời hạn áp dụng là tương đối ngắn. Tuy nhiên, nhà làm luật cũng dự phòng đối với trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra theo quy định tại Điều 172 BLTTHS năm 2015.

Thủ tục gia hạn cũng được quy định khá chặt chẽ. Theo đó, chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, nếu xét thấy cần gia hạn thì Thủ trưởng CQĐT đã ra quyết định áp dụng phải có văn bản đề nghị Viện trưởng VKS đã phê chuẩn xem xét, quyết định việc gia hạn.[36] Trong văn bản phải nêu rõ lý do kèm theo chứng cứ, tài liệu là căn cứ đề nghị Viện trưởng VKS cùng cấp xem xét, quyết định.[37]

3.5. Về mục đích sử dụng và giá trị chứng minh của thông tin, tài liệu thu thập được

Nhằm bảo đảm những thông tin, tài liệu thu thập bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được sử dụng đúng mục đích ban đầu đặt ra khi quyết định áp dụng, BLTTHS năm 2015 khẳng định những thông tin, tài liệu này chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời; cũng như nghiêm cấm việc sử dụng chúng vào bất kỳ mục đích nào khác.[38]

Có ý kiến nhận xét rằng quy định “thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời” tại khoản 1 Điều 227 BLTTHS năm 2015 là quá cứng nhắc. Bởi vì một số trường hợp có khả năng xảy ra trên thực tế tuy thông tin, tài liệu thu được từ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt không liên quan đến vụ án đang điều tra nhưng lại liên quan và có giá trị chứng minh đối với vụ án hình sự khác. Do đó,nếu bắt buộc phải tiêu hủy sẽ gây khó khăn cho việc phát hiện và chứng minh tội phạm, lãng phí chứng cứ, tài liệu.[39]

Ngoài ra, BLTTHS năm 2015 có một quy định rất quan trọng đó là thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể dùng làm chứng cứ để giải quyết vụ án.[40] Quy định này cho thấy cơ quan có thẩm quyền THTT được quyền trực tiếp sử dụng loại thông tin, tài liệu “đặc biệt” này làm chứng cứ để chứng minh tội phạm và người phạm tội mà không cần bước “chuyển hóa chứng cứ” như trước đây. Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý chỉ có thể xem là chứng cứ khi thỏa mãn đầy đủ các thuộc tính, đặc biệt là tính hợp pháp. Điều này có nghĩa việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải tuân thủ tuyệt đối quy định của pháp luật về thời điểm, trường hợp, thẩm quyền, thời hạn và trình tự, thủ tục thì thông tin, tài liệu thu được bằng các biện pháp này mới bảo đảm tính hợp pháp của chứng cứ.

3.6. Về hủy bỏ việc áp dụng

Thẩm quyền hủy bỏ việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt thuộc về Viện trưởng VKS đã phê chuẩn quyết định áp dụng khi rơi vào một trong ba trường hợp sau: (a) có đề nghị bằng văn bản của Thủ trưởng CQĐT có thẩm quyền; (b) có vi phạm trong quá trình áp dụng; (c) không cần thiết tiếp tục áp dụng.[41] Trong quá trình tiến hành các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể xuất hiện nhiều tình tiết, yếu tố cho thấy việc tiếp tục tiến hành là không còn cần thiết hoặc có vi phạm thì nên kịp thời hủy bỏ việc áp dụng nhằm ngăn ngừa, hạn chế những hậu quả có thể xảy ra. Khác với trường hợp thứ nhất, đối với hai trường hợp này thì VKS có thể tự mình quyết định việc hủy bỏ mà không cần phải có đề nghị của Thủ trưởng CQĐT có thẩm quyền.

Công ước của Liên hợp quốc về Chống tham nhũng là công cụ pháp lý quốc tế mang tính bắt buộc duy nhất về chống tham nhũng. Công ước được ban hành bởi Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 10/2003 và có hiệu lực vào tháng 12/2005. Đến ngày 01/04/2016 đã có 178 quốc gia cùng với Liên minh châu Âu là thành viên, đại diện cho một cam kết mang tính đột phá về ngăn ngừa và xử lý tham nhũng.[42] Việt Nam là một trong số các quốc gia tham gia soạn thảo và ký kết Công ước. Theo Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN ngày 30/06/2009 của Chủ tịch nước thì Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước này, có nghĩa vụ thực thi những cam kết thể hiện trong các điều khoản của Công ước, trừ những điều khoản tuyên bố bảo lưu.

Như đã đề cập, Điều 50 của Công ước khuyến nghị các quốc gia thành viên ban hành khung pháp lý chặt chẽ, tạo cơ sở cho việc áp dụng các kỹ thuật điều tra đặc biệt như giám sát điện tử hoặc các hình thức giám sát khác, hoạt động trinh sát nhằm phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng một cách hiệu quả hơn. Việc sử dụng các kỹ thuật điều tra đặc biệt thường làm nảy sinh vấn đề nhạy cảm về quyền con người và quyền hiến định, nên cần phải đặc biệt lưu ý để bảo đảm có sự giám sát thích hợp, trách nhiệm giải trình và tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như suy đoán vô tội và quyền được tôn trọng cuộc sống riêng tư. Ví dụ, hành vi của một mật vụ thực hiện khi điều tra tội phạm phải tuân thủ quy định của luật (như thẩm quyền nghe trộm) và hành động giới hạn trong phạm vi có được cơ hội và những điều kiện thuận lợi bởi một người đã có ý định phạm tội; không thể sử dụng biện pháp gài bẫy bất hợp pháp như xúi giục (instigating) hoặc tiếp tay (abetting) cho một tội phạm để gài bẫy người phạm tội.[43]

Ngoài ra, Công ước còn khuyến khích thiết lập mối quan hệ hợp tác quốc tế thông qua việc “ký kết, khi cần thiết, các hiệp định hoặc thỏa thuận song phương hoặc đa phương phù hợp để sử dụng các kỹ thuật điều tra đặc biệt”.[44] Trong trường hợp thiếu vắng các điều ước này, “việc sử dụng những kỹ thuật điều tra đặc biệt ở cấp độ quốc tế sẽ được quyết định trên cơ sở từng vụ việc và khi cần thiết có thể tính đến các thỏa thuận và bản ghi nhớ về tài chính đối với việc thực hiện quyền tài phán của những quốc gia thành viên liên quan”.[45]

Các cơ quan của Liên hợp quốc, đặc biệt là Văn phòng về Ma túy và tội phạm (UNODC) đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu và đưa ra hướng dẫn chi tiết về nội dung Công ước Chống tham nhũng nói chung, biện pháp điều tra đặc biệt nói riêng, cụ thể: Các biện pháp thực tế về chống tham nhũng dành cho Công tố viên và Điều tra viên (2004); Chương trình toàn cầu về chống tham nhũng: Bộ công cụ chống tham nhũng của Liên hợp quốc (2004); Hướng dẫn về công tác lập pháp đối với việc thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (2006); Hướng dẫn kỹ thuật đối với Công ước của Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (2009); Sổ tay về Tương trợ tư pháp và dẫn độ (2012); Hợp tác quốc tế: Thực thi Chương IV Công ước của Liên hợp quốc về Chống tham nhũng tại khu vực Thái Bình Dương… Mỗi công trình nghiên cứu trên tập trung vào những nội dung khác nhau của UNCAC nhưng đều có một mục tiêu chung là giúp đỡ các quốc gia thành viên thực thi có hiệu quả hơn quy định của Công ước này; trong đó nổi bật nhất là hai Hướng dẫn của UNODC. Hướng dẫn về lập pháp cho việc thực thi Công ước được ban hành vào năm 2006 (điều chỉnh vào năm 2012) nhằm hỗ trợ các quốc gia phê chuẩn và thực thi Công ước thông qua việc xác định các yêu cầu về lập pháp, những vấn đề phát sinh từ các yêu cầu này và nhiều lựa chọn sẵn có dành cho các quốc gia trong việc xây dựng và soạn thảo những văn bản pháp luật cần thiết.[46] Theo sau đó, vào năm 2009, Hướng dẫn về kỹ thuật cũng được ban hành với mục đích cung cấp cho những người thực thi pháp luật và các cơ quan có thẩm quyền trong việc chống tham nhũng những tư vấn về kỹ thuật, công cụ và ví dụ về những cách làm tốt giúp cho quy định của Công ước có hiệu lực thực tế.[47]

Hướng dẫn về lập pháp nhấn mạnh rằng những kỹ thuật đặc biệt như giám sát điện tử hoặc hoạt động bí mật được khuyến khích áp dụng bởi khoản 1 Điều 50 Công ước có thể là cách thức thực thi pháp luật duy nhất nhằm thu thập chứng cứ cần thiết để gây trở ngại cho những hoạt động bí mật nhất của các chủ thể và mạng lưới tham nhũng.[48] Trong khi đó, Hướng dẫn về kỹ thuật đưa ra giải thích chi tiết hơn về các kỹ thuật điều tra đặc biệt được sử dụng phổ biến trong phát hiện và điều tra tội phạm tham nhũng. Theo Hướng dẫn này, thì kỹ thuật điều tra đặc biệt khá đa dạng bao gồm:[49] giám sát kỹ thuật (technical surveillance), chặn điện thoại (telephone intercept), ghi âm bí mật (bugging), theo dõi và giám sát vật chất (physical surveillance and observation), hoạt động bí mật (undercover operations) và hoạt động nghiệp vụ (sting operations), người cung cấp tin tức (informants), kiểm tra liêm chính (integrity testing), giám sát giao dịch tài chính (financial transaction monitoring). Ở đây có thể thấy Việt Nam đã tiếp thu và nội luật hóa một số kỹ thuật điều tra đặc biệt trong BLTTHS năm 2015 như đã trình bày ở phần trên dù tên gọi có thể là khác nhau.

4. Kiến nghị về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng ở nước ta

Trên cơ sở phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn, quy định của BLTTHS năm 2015, so sánh với UNCAC cũng như hướng dẫn của UNODC, để nâng cao hiệu quả tiến hành các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng ở nước ta trong tương lai, những định hướng sau đây có thể được xem xét thực hiện:

4.1. Đối với BLTTHS năm 2015

Thứ nhất, trong tương lai cần nghiên cứu bổ sung biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và trường hợp áp dụng. Như đã phân tích, BLTTHS năm 2015 của Việt Nam đã không luật hóa hoạt động bí mật (undercover operations) được đề cập tại khoản 1 Điều 50 Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng. Ngoài ra, nên bổ sung trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo đề nghị của bị hại đối với chính họ. Tuy nhiên, cần phải lưu ý đề nghị này chỉ là một trong những căn cứ để người có thẩm quyền quyết định có áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt hay không.

Thứ hai, bổ sung cụm từ “trở lên” sau cụm từ “VKS quân sự cấp quân khu” trong khoản 1 Điều 225. Điều này đồng nghĩa với việc bổ sung thẩm quyền của Viện trưởng VKSNDTC, Viện trưởng VKSQS trung ương yêu cầu Thủ trưởng CQĐT cùng cấp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Thứ ba, bổ sung trường hợp ngoại lệ vào quy định tại khoản 1 Điều 227. Cụ thể đó là thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt mà không liên quan đến vụ án thì phải tiêu hủy kịp thời, trừ trường hợp có liên quan đến vụ án khác.[50]

4.2. Đối với Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP

Bổ sung vào Điều 25 thời hạn Thủ trưởng CQĐT phải ban hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt khi nhận được yêu cầu của Viện trưởng VKS cùng cấp và cách giải quyết trong trường hợp CQĐT không nhất trí với yêu cầu của VKS.

4.3. Đối với văn bản nội bộ của lực lượng CAND, QĐND

Bên cạnh đó, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cần tiến hành rà soát và sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới thiết lập cơ chế phối hợp giữa cơ quan điều tra và lực lượng trinh sát chuyên trách trong việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, bảo đảm phù hợp với các quy định có liên quan của BLTTHS năm 2015. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung lý luận về chuyển hóa tài liệu thu thập được từ hoạt động trinh sát thành chứng cứ tố tụng trong các chiến thuật chuyển hóa chứng cứ truyền thống.[51]

CHÚ THÍCH

[1] Phạm Quang Phúc, “Tìm hiểu quy định trong BLTTHS năm 2015 về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Những điểm mới của BLTTHS 2015, Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, tháng 4/2016, tr. 57.

[2] Phan Văn Chánh, “Khái niệm và một số vấn đề về áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong TTHS Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 04/2017.

[3] Phan Văn Chánh, tlđd (chú thích số 01).

[4] Phạm Quang Phúc, tlđd (chú thích số 02).

[5] Những quy định này được phân tích chi tiết trong mục 2 của bài viết.

[6] Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.

[7] Điểm i Điều 2 Công ước giải thích: “Vận chuyển có kiểm soát” được hiểu là kỹ thuật cho phép hàng hóa bất hợp pháp hoặc có nghi vấn được vận chuyển ra khỏi, qua hoặc vào lãnh thổ của một hoặc nhiều nước, nằm trong sự nhận thức và dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền của các nước đó, nhằm điều tra một hành vi phạm tội và xác định những người liên quan đến việc thực hiện hành vi phạm tội này.

[8] Quy định tương tự cũng được ghi nhận tại Điều 20 Công ước Liên hợp quốc về Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000.

[9] Xem mục 2 của bài viết.

[10] Nguyễn Hòa Bình, “Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình: Kiểm sát chặt khi điều tra đặc biệt”, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, 30/11/2015, truy cập ngày 30/03/2019.

[11] Những phân tích về đặc điểm của tội phạm tham nhũng và khó khăn trong việc điều tra tội phạm này phần lớn được dịch từ một phần nội dung bài viết có tựa đề: “Điều tra các vụ án tham nhũng” của tác giả Tony Kwok Man-wai, Tham luận của các chuyên gia khách mời tại Khóa đào tạo quốc tế thứ 11 về phản ứng của tư pháp hình sự đối với tham nhũng, tr. 140, https://www.unafei.or.jp/publications/pdf/GG7/sp3.pdf, truy cập ngày 30/03/2019.

[12] Đỗ Văn Đương, “Cho phép nghe lén điện thoại để “tóm” tội phạm tham nhũng?”, Báo Dân trí, 06/11/2015, https://dantri.com.vn/xa-hoi/cho-phep-nghe-len-dien-thoai-de-tom-toi-pham-tham-nhung-20151106072428082.htm, truy cập ngày 29/03/2019.

[13] Hà Thanh, “Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, Trang thông tin điện tử tổng hợp Ban Nội chính trung ương, 24/03/2016, http://noichinh.vn/ho-so-tu-lieu/201603/bien-phap-dieu-tra-to-tung-dac-biet-trong-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-300299/, truy cập ngày 30/03/2019.

[14] Tổ chức minh bạch quốc tế, “Chỉ số cảm nhận tham nhũng 2018: Tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng”, 2019, https://towardstransparency.vn/cpi-vietnam-2018/, truy cập ngày 30/03/2019.

[15] Điều 224 BLTTHS năm 2015.

[16] Điểm b khoản 1 Điều 13 quy định Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân được “áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát cần thiết để phát hiện tội phạm về ma túy”.

[17] Khoản 7 Điều 3 giải thích: “Biện pháp nghiệp vụ là biện pháp công tác của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật”. Điểm a khoản 1 Điều 24 cho phép cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia được quyền “sử dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật”.

[18] Khoản 7 Điều 3, khoản 6 Điều 14. Hiện nay đã được thay thế bởi Luật Công an nhân dân năm 2018.

[19] Khoản 2 Điều 28 quy định: “Lực lượng chống khủng bố quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 của Luật này có trách nhiệm triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật để phát hiện khủng bố…”.

[20] Tham khảo thêm VKSNDTC, “Báo cáo tham khảo pháp luật TTHS của một số nước trên thế giới”, 2015, mục 8.

[21] Phan Văn Chánh, “Biện pháp điều tra trinh sát và điều tra tố tụng đặc biệt – Một số vấn đề cần trao đổi”, Kỷ yếu Hội thảo, Trường Đại học An ninh nhân dân, 2018

[22] Phan Văn Chánh, tlđd.

[23] Điều 223 BLTTHS năm 2015.

[24] Khoản 3 Điều 225 BLTTHS năm 2015.

[25] Khoản 1 Điều 227 BLTTHS năm 2015.

[26] Điều 232 BLTTHS năm 2015.

[27] Điều 228 BLTTHS năm 2015.

[28] Nguyễn Hòa Bình, tlđd.

[29] Khoản 1 Điều 225 BLTTHS năm 2015. Điều luật còn quy định: “Trường hợp vụ án do CQĐT cấp huyện, CQĐT quân sự khu vực thụ lý, điều tra thì Thủ trưởng CQĐT cấp huyện, Thủ trưởng CQĐT quân sự khu vực đề nghị Thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh, Thủ CQĐT quân sự cấp quân khu xem xét, quyết định áp dụng”.

[30] Khoản 2 Điều 225 BLTTHS năm 2015.

[31] Khoản 3 Điều 225 BLTTHS năm 2015.

[32] Đối với những hoạt động điều tra này Kiểm sát viên phải có mặt khi tiến hành hoặc nếu vắng mặt thì phải ghi rõ vào biên bản.

[33] Khoản 3 Điều 225 BLTTHS năm 2015.

[34] Phan Văn Chánh, “Một số vấn đề về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong BLTTHS năm 2015”, Tạp chí Khoa học kiểm sát, số 06, 2016.

[35] Khoản 1 Điều 26 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT.

[36] Khoản 2 Điều 226 BLTTHS năm 2015.

[37] Khoản 2 Điều 26 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT.

[38] Khoản 1 Điều 227 BLTTHS năm 2015.

[39] Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang,“Chuyên đề Quy định về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; việc ghi âm, ghi hình có âm thanh theo quy định của BLTTHS năm 2015 và những vấn đề cần lưu ý khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát”.

[40] Khoản 2 Điều 227 BLTTHS năm 2015.

[41] Khoản Điều 228 BLTTHS năm 2015.Thủ tục này được hướng dẫn chi tiết bởi Điều 27 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT.

[42] UNDP-UNODC, International Cooperation: The Pacific’s Implementation of Chapter IV of the UN Convention against Corruption, 2009, tr. 1.

[43] Conference of the States Parties to UNCAC, State of Implementation of the United Nations Convention Against Corruption: Criminalization, Law Enforcement and International Cooperation, CAC/COSP/2013/CRP.7, 2013, tr. 132, trích dẫn trong UNDP-UNODC, tlđd, tr. 59.

[44] Khoản 2 Điều 50 UNCAC.

[45] Khoản 3 Điều 50 UNCAC.

[46] UNODC, Hướng dẫn về công tác lập pháp đối với việc thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng, 2012, trang iii.

[47] UNODC, Hướng dẫn kỹ thuật đối với Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng, 2009, tr. Xvii.

[48] UNODC, tlđd, tr. 165, đoạn số 658.

[49] UNODC, tlđd, tr. 185-186. Tham khảo thêm UNODC, Chương trình toàn cầu về chống tham nhũng: Bộ công cụ chống tham nhũng của Liên hợp quốc, 2004, tr. 423 – 425.

[50] Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, tlđd.

[51] Phan Văn Chánh, tlđd (chú thích số 21).

Tác giả: Lê Huỳnh Tấn Duy – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08/2019 (129)/2019 – 2019, Trang 79-94

Nguồn: Fanpage Luật sư Online – iluatsu.com

Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Thực tiễn bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự từ góc nhìn của Kiểm sát viên
Thực tiễn bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự từ góc nhìn của Kiểm sát viên
Đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội khi luật sư tham gia bào chữa trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự - Thực tiễn và kiến nghị
Đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội khi luật sư tham gia bào chữa trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự – Thực tiễn và kiến nghị
Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả bảo vệ người làm chứng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự
Hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả bảo vệ người làm chứng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự
Hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Xét xử lưu động vụ án hình sựXét xử lưu động vụ án hình sự
Xét xử lưu động vụ án hình sự

Chuyên mục: Hình sự/ Tố tụng hình sự Từ khóa: Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt/ Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam/ Tham nhũng/ Vụ án hình sự

Previous Post: « Nhận diện hành vi tham nhũng trong lĩnh vực đất đai ở Việt Nam
Next Post: Cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư trong khuôn khổ Hiệp định tự do thương mại – đầu tư Việt Nam – EU (EVFTA) – Một số vấn đề cần lưu ý »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng