Bị can là gì? Các quyền và nghĩa vụ của bị can?
Xem thêm bài viết về “Bị can”
- Khởi tố bị can là gì? Thẩm quyền và thủ tục khởi tố bị can? – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Thủ tục tố tụng thân thiện đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên phạm tội – TS. Nguyễn Hữu Thế Trạch
- Nội luật hóa các quy định của Công ước quốc tế về chống tra tấn đối với hoạt động hỏi cung bị can trong tố tụng hình sự Việt Nam – TS. Võ Thị Kim Oanh & ThS. Lê Thị Thùy Dương
- So sánh “Hỏi cung bị can” và “Lấy lời khai người làm chứng” – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Quy định về “Bắt bị can, bị cáo để tạm giam” trong tố tụng hình sự – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
Quy định của BLTTHS 2015 về Bị can
Điều 60. Bị can
1. Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này.
2. Bị can có quyền:
a) Được biết lý do mình bị khởi tố;
b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
c) Nhận quyết định khởi tố bị can; quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng, quyết định truy tố và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
d) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;
đ) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
e) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
g) Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
h) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;
i) Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu;
k) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
3. Bị can có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã;
b) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
4. Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa khi bị can có yêu cầu quy định tại điểm i khoản 2 Điều này.
1. Bị can là gì?
Cả Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 tại Điều 49 và BLTTHS năm 2015 đều quy định về bị can, xác định bị can là người đã bị khởi tố về hình sự bằng quyết định khởi tố bị can.
Để bảo đảm xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại theo quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, BLTTHS năm 2015 quy định bị can không chỉ là cá nhân mà còn bao gồm cả pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
2. Quyền của bị can
Trên cơ sở kế thừa quy định của BLTTHS năm 2003 về quyền của bị can, BLTTHS năm 2015 quy định theo hướng cụ thể, đầy đủ hơn nhằm bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc của tố tụng hình sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, góp phần chống oan, sai; trong đó bổ sung các quyền như:
- Được biết lý do mình bị khởi tố, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;
- Đưa ra chứng cứ; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
- Đề nghị giám định, định giá tài sản;
- Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu.
2.1. Quyền được biết lý do mình bị khởi tố
Quyền được biết lý do mình bị khởi tố là việc họ được biết mình bị khởi tố về tội gì, tại sao lại bị khởi tố về tội đó. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm thông báo và giải thích về quyền này cho bị can. Quyền này được thực hiện giúp bị can nắm bắt được thông tin để thực hiện quyền bào chữa của mình hoặc nhờ người bào chữa cho mình.
2.1. Quyền trình bày ý kiến và yêu cầu kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan do mình đưa ra
Quyền được trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá, về bản chất là quyền tự bào chữa của bị can để gỡ tội hoặc giảm nhẹ tội của mình. Sau khi đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, bị can có quyền trình bày về những chứng cứ, đồ vật, tài liệu mà mình đã đưa ra và khi họ yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá thì các cơ quan này phải thực hiện yêu cầu của họ.
BLTTHS năm 2015 quy định đây là quyền yêu cầu, không phải là quyền đề nghị của bị can.
Thực hiện quyền này một mặt giúp bị can thực hiện quyền tự bào chữa của mình, đồng thời góp phần giúp cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết vụ án được nhanh chóng, chính xác.
2.3. Quyền đọc, ghi chép tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội, bào chữa
Quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu là một trong những quyền mới, quan trọng của bị can để bị can thực hiện tôt quyền bào chữa của mình.
Để thực hiện việc số hóa tài liệu có trong hồ sơ vụ án, bảo đảm thuận lợi cho bị can đọc những tài liệu có liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội và bảo đảm an toàn cho hồ sơ, Quốc hội đã giao Chính phủ đầu tư kinh phí để bảo đảm việc sao chép, số hóa tài liệu trong hồ sơ vụ án hình sự, giám định tư pháp và hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; giao Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa khi bị can có yêu cầu.
Việc mở rộng quyền của bị can có ý nghĩa tích cực, tác động đến công tác điều tra, đòi hỏi người có thẩm quyền tiến hành điều tra phải nâng cao trình độ, năng lực để đáp ứng với yêu cầu.
3. Nghĩa vụ của bị can
BLTTHS năm 2015 đã được bổ sung quy định bị can có nghĩa vụ chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo đảm thuận lợi cho hoạt động tố tụng trên thực tế.
Theo đó, BLTTHS 2015 quy định:
Bị can phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã;
Bị can phải chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Like fanpage của Luật sư Online tại: https://facebook.com/iluatsu/
Xem thêm bài viết về “Bộ luật Tố tụng hình sự 2015”
- Quy định về biện pháp ngăn chặn áp giải, dẫn giải trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – LS. Nguyễn Lan Anh
- Một số vấn đề pháp lý về các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – TS. Trần Ngọc Lan Trang & ThS. Nguyễn Phương Thảo
- Quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
- Một số điểm mới về chứng cứ trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 – TS. Võ Thị Kim Oanh & ThS. Trịnh Duy Thuyên
- Một số nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản trong phần khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
Trả lời