Bắt người phạm tội quả tang là một trong các biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 111 BLTTHS 2015. Vậy phạm tội quả tang là gì? Các trường hợp nào được bắt người phạm tội quả tang? Chúng ta hãy cùng nhau đi tìm hiểu. Let’s go!
Xem thêm bài viết về “Biện pháp ngăn chặn“, “Phạm tội quả tang”
- Các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Sửa đổi các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 theo Hiến pháp 2013 nhằm bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn – PGS.TS. Trần Ngọc Đức
- Biện pháp ngăn chặn “Tạm giam” trong tố tụng hình sự – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Quy định về biện pháp ngăn chặn “Bảo lĩnh” theo Bộ luật Hình sự 2015 – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Biện pháp ngăn chặn “Tạm giữ” trong Tố tụng hình sự – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
1. Bắt người phạm tội quả tang là gì?
Bắt người phạm tội quả tang là bắt người khi người đó đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt.
Phạm tội quả tang có đặc điểm là hành vi phạm tội cụ thể, rõ ràng không cần phải điều tra, xác minh. Về cơ bản ai nhìn thấy cũng có thể khẳng định đây là người đang thực hiện tội phạm hoặc vừa thực hiện tội phạm.
2. Các trường hợp phạm tội quả tang
Điều 111 BLTTHS năm 2015 quy định 03 trường hợp phạm tội quả tang bao gồm:
2.1. Đang thực hiện tội phạm thì bị bắt
Người đang thực hiện tội phạm thì bị phát hiện. Người đang thực hiện tội phạm là người đang thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự nhưng chưa hoàn thành tội phạm hoặc chưa kết thúc việc phạm tội thì bị phát hiện.
Hành vi đang thực hiện tội phạm có thể đã gây ra hậu quả vật chất như đã hủy hoại được một phần tài sản của người khác và vẫn đang hủy hoại tiếp. Trong trường hợp hành vi đang thực hiện một tội phạm có cấu thành hình thức thì măc dù hậu quả vật chất chưa xảy ra vẫn coi là hành vi đang thực hiện tội phạm.
Ví dụ: Hành vi đang đe dọa nạn nhân bằng dao, súng hoặc có thủ đoạn khác làm cho người đó lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm cướp tài sản nhưng chưa chiếm đoạt được. Hành vi đang thực hiện tội phạm có thể diễn ra trong một thời gian ngắn như hành vi trộm cắp, cướp tài sản nhưng cũng có thể diễn ra trong một thời gian dài như hành vi tàng trữ vũ khí quân dụng.
2.2. Ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện
Đây là trường hợp vừa thực hiện tội phạm xong, người phạm tội chưa kịp chạy trốn hoặc đang cất giấu công cụ, phương tiện phạm tội, đang xóa những dấu vết của tội phạm trước khi chạy trốn thì bị phát hiện. Trong trường hợp người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm phát hiện ngay thì mặc dù không có vật chứng để lại cũng được coi là phạm tội quả tang.
Thông thường, các vật chứng (còn gọi là tang vật) mà người phạm tội chưa kịp cất giấu, tẩu tán là những bằng chứng khiến người phạm tội không thể chối cãi về hành vi phạm tội của mình vừa thực hiện xong. Nhưng trong các trường hợp không có vật chứng, sự có mặt của những người làm chứng cũng cho phép được bắt người phạm tội theo trường hợp quả tang này.
Ví dụ: Người phạm tội vừa đâm chết người đang nhét xác chết vào bao tải nhằm đưa đi chôn giấu thì bị người thân thích của nạn nhân phát hiện. Trường hợp này dù không nhìn thấy công cụ, phương tiện phạm tội nhưng có thể dựa vào các dấu vết để lại tại hiện trường cũng như chính sự không minh bạch của hành vi mà người đó đang thực hiện để xác định đây chính là người vừa thực hiện tội phạm.
2.3. Đang bị đuổi bắt
Đây là trường hợp người phạm tội đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện nên đã chạy trốn và bị đuổi bắt.
Trong trường hợp này, việc đuổi bắt phải liền ngay sau khi người đó chạy trốn thì mới có cơ sở xác định đúng người phạm tội, tránh bắt nhầm phải người không thực hiện tội phạm.
Ví dụ: Người vừa cướp giật túi xách của người khác bị người đó phát hiện hô hoán nên bỏ chạy, bị đuổi bắt và bắt được ngay lúc đó.
Nếu việc đuổi bắt bị gián đoạn về thời gian so với hành vi chạy trốn thì không được xem là bắt quả tang mà có thể bắt theo trường hợp khẩn cấp.
Ví dụ: Người vừa móc túi lấy ví tiền của người khác bị người đó phát hiện và hô hoán nên bỏ chạy và bị đuổi bắt nhưng người đó đã chạy thoát, vài hôm sau người bị móc ví tiền không được bắt ngay người đó mà phải báo với cơ quan chức năng có thẩm quyền để xem xét, xác minh và có thể giữ người này theo trường hợp khẩn cấp.
3. Thẩm quyền bắt người phạm tội quả tang
Để huy động và phát huy tính tích cực của quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tội phạm và phòng ngừa tội phạm nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội và trốn tránh pháp luật của người phạm tội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân, Điều 111 và Điều 112 BLTTHS quy định bất kỳ người nào cũng có quyền bắt người phạm tội quả tang.
4.Thủ tục bắt người phạm tội quả tang
Việc bắt người phạm tội quả tang không cần lệnh của cơ quan và người có thẩm quyền. Mọi người đều có quyền bắt và tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.
Sau khi bắt người phạm tội quả tang, công dân không được đánh đập, tra tấn người phạm tội và cũng không tự ý giam giữ họ mà cần giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền./.
Xem thêm bài viết về “Bộ luật Tố tụng hình sự 2015”
- Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về “Tạm hoãn xuất cảnh” – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Bị can là gì? Các quyền và nghĩa vụ của bị can theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Quy định về biện pháp ngăn chặn áp giải, dẫn giải trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – LS. Nguyễn Lan Anh
- Một số vấn đề pháp lý về các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – TS. Trần Ngọc Lan Trang & ThS. Nguyễn Phương Thảo
Trả lời