Mục lục
Bài viết: Bảo đảm quyền của nạn nhân của tội phạm tại Việt Nam: trường hợp của nạn nhân buôn bán người
- TỪ KHÓA: Nạn nhân, Buôn bán người, Tạp chí Khoa học pháp lý
TÓM TẮT
Đánh giá các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân buôn bán người và về địa vị pháp lý của họ, bài viết chỉ ra rằng quyền và lợi ích của nạn nhân buôn bán người chưa thực sự được thừa nhận và bảo vệ. Đây là thách thức đối với hệ thống pháp luật Việt Nam trong việc quan niệm về nạn nhân của tội phạm là chủ thể của quyền con người thay vì chỉ là yếu tố hỗ trợ cho hiệu quả của hoạt động tư pháp hình sự.
1. Đặt vấn đề
Tôn trọng và bảo vệ các quyền con người của nạn nhân của tội phạm không còn là vấn đề mới trong pháp luật quốc tế. Tại Việt Nam, có thể nói rằng vấn đề các quyền của nạn nhân của tội phạm đã được đề cập đến trong các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (“BLTTHS”) 2003 dưới hình thức các quyền ghi nhận cho người bị hại và nguyên đơn dân sự. Tuy nhiên, trong các quy định của Hiến pháp 2013[1] liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, vấn đề quyền con người của nạn nhân của tội phạm lại không được đề cập đến.
Trong thời gian gần đây, cùng với những nỗ lực của cộng đồng quốc tế liên quan đến việc bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân buôn bán người, Việt Nam cũng thể hiện những nỗ lực tương ứng trong việc ghi nhận trong luật sự tôn trọng và bảo vệ các quyền con người của họ. Điều này được thể hiện trong Luật phòng, chống mua bán người 2011 và một số văn bản pháp luật khác ban hành trước và sau đạo luật này. Các quy định của pháp luật Việt Nam trên tinh thần các chuẩn mực của pháp luật quốc tế (cũng như những đòi hỏi của thực tế liên quan đến đặc điểm, điều kiện của nạn nhân buôn bán người) chỉ ra rằng: vấn đề quyền cơ bản của nạn nhân buôn bán người, với tư cách là nạn nhân của tội phạm và của sự vi phạm nhân quyền, chưa được nhận thức và ghi nhận đầy đủ, hiệu quả trong pháp luật Việt Nam. Bài viết này, theo đó, hướng đến việc làm rõ các chuẩn mực quốc tế liên quan đến quyền của nạn nhân của tội phạm nói chung và quyền của nạn nhân của buôn bán người nói riêng. Trên cơ sở này, các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam sẽ được phân tích và đánh giá nhằm chỉ ra rằng: bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân buôn bán người sẽ chỉ thực sự tương thích với chuẩn mực quốc tế khi nhận thức về vấn đề quyền con người của nạn nhân của buôn bán người nói riêng, của nạn nhân của tội phạm nói chung có sự thay đổi. Theo đó, nạn nhân của tội phạm không chỉ là một yếu tố hỗ trợ, hay một công cụ, cho hiệu quả của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội mà là chủ thể của quyền con người. Điều này, xét cho cùng, sẽ phải được thể hiện bằng sự ghi nhận chung trong đạo luật gốc chính là Hiến pháp.
2. Pháp luật quốc tế về bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân buôn bán người
Các biện pháp khắc phục (remedies) dành cho các nạn nhân của tội phạm đã trở thành chuẩn mực quốc tế được ghi nhận bởi Liên hợp quốc[2] . Theo đó, nạn nhân của tội phạm có quyền được bồi thường cho những tổn hại do hành vi phạm tội gây ra[3] cũng như hưởng các biện pháp khắc phục khi quyền con người của họ bị vi phạm[4] . Quyền được hưởng các biện pháp khắc phục của nạn nhân của tội phạm không chỉ dừng lại ở quyền được bồi thường mà còn bao gồm nhiều quyền khác nữa. Theo một báo cáo gần đây của Báo cáo viên đặc biệt về buôn bán người của Liên hợp quốc, các biện pháp khắc phục hiệu quả cho nạn nhân buôn bán người được liệt kê bao gồm bồi thường thiệt hại (“compensation” và “restitution”)[5] , phục hồi (“recovery”, bao gồm chăm sóc y tế và tâm lý cũng như các dịch vụ xã hội và pháp lý)[6] ,đáp ứng(“satisfaction”) và những bảo đảm cho việc ngăn ngừa tội phạm xảy ra (sự bảo đảm này yêu cầu lợi ích của người bị buôn bán liên quan đến những loại thiệt hại phi tài chính, như là thiệt hại về đạo đức hoặc liên quan đến danh dự, uy tín của nạn nhân cần phải được tôn trọng),[7] cơ hội tiếp cận thông tin, trợ giúp pháp lý và hợp pháp hóa tình trạng cư trú, cũng như một số các quyền tố tụng cần thiết khác để có thể tiếp cận các biện pháp khắc phục[8] .
Trong khi đó, một cơ chế bảo vệ và hỗ trợ cho nạn nhân của buôn bán người (bao gồm những biện pháp bảo vệ cơ bản bên cạnh các biện pháp mang tính hỗ trợ) cũng được quy định trong khuôn khổ của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (CTOC– một văn bản quốc tế với trọng tâm về tư pháp hình sự) cũng như của Nghị định thư về buôn bán người bổ sung cho Công ước này[9] . Về vấn đề nghĩa vụ bảo vệ nạn nhân buôn bán người được quy định bởi CTOC, Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) nhấn mạnh rằng:
Nhìn chung, các yêu cầu về việc bảo vệ nạn nhân cũng sẽ được quy định chung trong các quy định pháp luật về bảo vệ nhân chứng. Điều 24, khoản 4 yêu cầu các quốc gia thành viên bảo đảm rằng những sự bảo vệ này sẽ được áp dụng đối với tất cả những nạn nhân giữ vai trò nhân chứng nhưng, để thỏa mãn những điều kiện của Điều 25, các nhà lập pháp phải hoặc mở rộng các biện pháp bảo vệ này tới những nạn nhân không giữ vai trò nhân chứng, hoặc áp dụng các quy định song song cho cả nạn nhân và nhân chứng[10] .
Theo đó, CTOC quy định nạn nhân của buôn bán người bất kể có vai trò nhân chứng hay không đều phải được “bảo vệ một cách hiệu quả trước nguy cơ bị trả thù, trong đó có thể bao gồm (trong khả năng có thể và cần thiết) sự bảo vệ về thể chất, bố trí lại nơi ở trong nước và nước ngoài, những thu xếp đặc biệt cho việc cung cấp chứng cứ”, chẳng hạn như “không tiết lộ thông tin hoặc những giới hạn trong việc tiết lộ thông tin liên quan đến việc xác định danh tính và nơi ở của những người này”, và các biện pháp khác nhằm bảo vệ sự an toàn thể chất của họ trong giai đoạn cung cấp chứng cứ[11] . Thêm vào đó, Điều 25 của CTOC (vốn dành cho việc hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân) quy định quyền tiếp cận bồi thường thiệt hại của nạn nhân buôn bán người, và các quan điểm và mối quan tâm của họ cũng cần phải “được thể hiện và xem xét ở những giai đoạn tiến hành tố tụng thích hợp”. Trong khi trao cho các quốc gia thành viên quyền đánh giá các trường hợp cụ thể để cung cấp các biện pháp bảo vệ cần thiết phù hợp với khả năng tài chính và kỹ thuật của các quốc gia đó[12] , CTOC cũng đề cập đến “sự trợ giúp cụ thể cho việc hồi phục (của nạn nhân) đến mức tối đa có thể”[13] .
Bổ sung cho các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ được quy định bởi CTOC, Nghị định thư cũng quy định một cơ chế bảo vệ trong đó nạn nhân của buôn bán người được coi là “nạn nhân của sự vi phạm nhân quyền”[14] . Liên quan đến các biện pháp bảo vệ, Nghị định thư về cơ bản lặp lại các biện pháp đã được quy định bởi CTOC, bao gồm bảo vệ sự riêng tư và danh tính của nạn nhân buôn bán người[15] trong (nhưng không chỉ giới hạn tại)[16] quá trình tiến hành các thủ tục pháp lý, và sự an toàn thể chất của họ[17] . Nghị định thư cũng yêu cầu các quốc gia thành viên bảo vệ nạn nhân của buôn bán người “khỏi việc bị tái buôn bán và khỏi nguy cơ trở thành nạn nhân một lần nữa”, cũng như bảo vệ khỏi sự trả thù hoặc đe dọa của những người phạm tội[18] . Về các biện pháp hỗ trợ, Nghị định thư mở rộng các yêu cầu của CTOC trong việc cung cấp cho nạn nhân thông tin về các thủ tục pháp lý, cơ hội thể hiện quan điểm và mối quan tâm của nạn nhân[29] , hỗ trợ nạn nhân trong quá trình hồi phục thể chất, tâm lý và xã hội (thông qua các biện pháp như hỗ trợ về nơi ở, tư vấn, trợ giúp về vật chất, tâm lý, y khoa, các cơ hội việc làm, giáo dục và dạy nghề)[20] , và khả năng được nhận bồi thường thiệt hại[21] .Thêm vào đó, Nghị định thư yêu cầu các quốc gia thành viên cân nhắc “tuổi tác, giới tính và các nhu cầu đặc biệt khác”[22] của nạn nhân của buôn bán người (đặc biệt là trẻ em) khi áp dụng các biện pháp bảo vệ. Nghị định thư cũng quy định về tình trạng pháp lý của nạn nhân buôn bán người tại các nước nơi họ bị bán đến, bao gồm sự cho phép cư trú[23] , và đặt ra những nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên trong việc cung cấp các lựa chọn về hồi hương cho nạn nhân[24] . Về vấn đề đảm bảo cho nạn nhân buôn bán người một quá trình hồi hương, tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả và bảo vệ họ khỏi việc tái trở thành nạn nhân (“revictimisation”), Liên hợp quốc khuyến nghị:
Các quốc gia nên xem xét việc đảm bảo rằng nạn nhân buôn bán người khi trở về nước sẽ nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ cần thiết để đảm bảo cho sự bình thường của thể chất của họ, tạo điều kiện cho việc tái hòa nhập xã hội của họ và phòng ngừa việc bị tái buôn bán. Các biện pháp nên được tiến hành để đảm bảo thực thi các quy định của pháp luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm lý và thể chất, dịch vụ hỗ trợ về nơi ở, học hành và việc làm cho nạn nhân buôn bán người trở về[25] .
Trong khi đó, liên quan đến sự tiếp cận đến bồi thường thiệt hại của nạn nhân buôn bán người, Điều 6(6) của Nghị định thưyêu cầu các quốc gia thành viên đảm bảo “khả năng nạn nhân được bồi thường thiệt hại cho những thiệt hại mà họ phải gánh chịu” bằng các quy định của pháp luật quốc gia[26] .
3. Pháp luật về bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân buôn bán người tại Việt Nam
Điều 6 Luật phòng, chống mua bán người 2011 quy định rằng nạn nhân của buôn bán người có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ họ và người thân của họ khỏi việc bị xâm phạm (hoặc đe dọa xâm phạm) đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của họ. Luật này cũng quy định một số biện pháp bảo vệ, bao gồm cung cấp nơi tạm lánh, giữ bí mật nơi ở, nơi làm việc và học tập của nạn nhân và người thân thích của họ, cũng như các biện pháp phòng ngừa những hành vi xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của nạn nhân và người thân của họ.[27] Tuy nhiên cho đến nay các quy định này vẫn chưa được hướng dẫn bằng những văn bản pháp luật cụ thể của Chính phủ để có thể được hiện thực hóa.
Trong khi đó, BLTTHS 2003[28] quy định cơ quan có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ nạn nhân của tội phạm, người làm chứng và người thân của họ khi họ bị đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản[29] . BLTTHS 2003 cũng nhấn mạnh sự bảo vệ tương tự dành cho người làm chứng trong hoạt động tố tụng hình sự, đặc biệt là trong giai đoạn xét xử[30] . Tuy nhiên, thực tế của việc thực thi các biện pháp bảo vệ này được phản ánh trong đánh giá của Bộ tư pháp Việt Nam trong một báo cáo tới Ủy ban thường trực của Chương trình phòng chống buôn bán người quốc gia (130/CP) năm 2007 như sau:
Các biện pháp bảo vệ nói trên được quy định trên nguyên tắc và không thể được thi hành nếu không có các văn bản hướng dẫn, nhất là những nội dung liên quan đến ai sẽ được bảo vệ, các biện pháp bảo vệ nào sẽ được áp dụng, các thủ tục bảo vệ nào cần được yêu cầu, và ngân sách cho các biện pháp này được tiến hành… Bên cạnh đó, việc bảo vệ nạn nhân của tội phạm nói chung và nạn nhân của buôn bán người nói riêng cũng như người thân thích của họ chưa thu hút sự chú ý xứng đáng trên thực tế…. Trong hoạt động xét xử, BLTTHS chỉ tập trung vào việc bảo vệ đối với người làm chứng chứ không phải bảo vệ dành cho nạn nhân. Để bảo đảm sự an toàn thể chất cho nạn nhân và nhân chứng… và người thân của họ nhất là trong các vụ án buôn bán người, cần phải có một thông tư hướng dẫn thi hành chi tiết các quy định của BLTTHS. Thông tư đó sẽ xác định ai sẽ được bảo vệ, các biện pháp bảo vệ nào sẽ được áp dụng, thủ tục tố tụng cần thiết cho việc yêu cầu sự bảo vệ và nguồn tài chính cho việc thi hành các biện pháp này. Thông tư cũng sẽ xác định trách nhiệm của cơ quan điều tra trong việc thông báo cho nạn nhân buôn bán người… và nhân chứng về quyền được bảo vệ của họ, các biện pháp có thể được áp dụng và những thủ tục cần thiết để họ yêu cầu sự bảo vệ[31] .
Cho đến nay vẫn chưa có một thông tư (hay bất cứ loại văn bản pháp lý nào khác) đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho các quy định của BLTTHS 2003 liên quan đến việc bảo vệ nạn nhân buôn bán người. Hơn thế nữa, nội dung liên quan đến việc bảo vệ nạn nhân buôn bán người (cũng như bảo vệ nhân chứng), nhất là bảo vệ sự an toàn thể chất thường không được đề cập đến trong các báo cáo của các cơ quan thuộc Chính phủ. Điều này cho thấy sự thiếu quan tâm từ phía cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Trong khi đó, theo quy định của pháp luật Việt Nam, nạn nhân buôn bán người sẽ không được hưởng các biện pháp bảo vệ nhân chứng ngay cả khi họ cung cấp những lời khai cho cơ quan tiến hành tố tụng nhằm hỗ trợ việc truy tố người phạm tội. Tình trạng này tồn tại vì theo quy định của luật tố tụng hình sự Việt Nam, để một nạn nhân của tội phạm trở thành nhân chứng được bảo vệ thì việc cung cấp lời khai hay hợp tác với cơ quan có thẩm quyền là chưa đủ mà còn phải tùy thuộc vào việc cơ quan có thẩm quyền có triệu tập họ làm nhân chứng hay không[32] .
Mới đây, Nghị định 62/2012/NĐ-CP ngày 13/8/2012 Quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họcũng đã đề cập đến các biện pháp bảo vệ sự an toàn thể chất của nạn nhân và người thân của họ. Các quy định của Nghị định này cũng không có nhiểu khác biệt so với các quy định đã được đề cập ở trên[33] . Đáng chú ý là Nghị định này quy định rằng nạn nhân và người thân của họ có quyền từ chối các biện pháp bảo vệ mà cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng đối với họ, và trong trường hợp từ chối họ sẽ phải tự bảo vệ cho bản thân[34] .
Nói tóm lại, pháp luật Việt Nam, mà cụ thể là BLTTHS 2003 và Luật phòng chống mua bán người 2011 trong khi xem lời khai của nạn nhân buôn bán người và nhân chứng là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng không thực sự quan tâm nhiều đến nhu cầu được bảo vệ sự an toàn thể chất của những đối tượng này. Như đã nói ở trên, các quy định về sự bảo vệ đã có nhưng dường như chỉ dừng lại ở các quy định mang tính nguyên tắc hơn là những quy định cụ thể bảo đảm cho khả năng thi hành.
Điều 31 Luật phòng, chống mua bán người 2011 quy định về “bảo vệ bí mật thông tin về nạn nhân” như sau:
1- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin về nạn nhân, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2- Tòa án xem xét quyết định việc xét xử kín đối với vụ án mua bán người theo yêu cầu của nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân.
Trong khi không rõ rằng các quy định của Luật phòng, chống mua bán người 2011 có thể thay thế các quy định tương ứng của BLTTHS 2003 liên quan đến việc bảo vệ nạn nhân của buôn bán người hay không, việc đánh giá các quy định chung trong BLTTHS 2003 vẫn là cần thiết. Về bảo đảm bí mật của việc điều tra, Điều 124 BLTTHS 2003 quy định rằng Điều tra viên, Kiểm sát viên phải báo trước cho người tham gia tố tụng và người làm chứng và yêu cầu họ không được tiết lộ bí mật điều tra. Tuy nhiên, các quy định này không hướng đến việc bảo vệ sự riêng tư và danh tính của nạn nhân. Thêm vào đó, nạn nhân không được pháp luật quy định một cách trực tiếp quyền được yêu cầu sự bảo vệ sự riêng tư và danh tính của họ[35] . Trong khi đó, quy định của BLTTHS 2003 liên quan đến xét xử kín chỉ ra rằng ngay cả khi trong những trường hợp đặc biệt cần xét xử kín thì việc tuyên án vẫn phải công khai[36] .
Trong khi pháp luật quốc tế coi vấn đề tiếp cận thông tin và quyền tham gia vào các thủ tục pháp lý là những quyền cơ bản của nạn nhân buôn bán người, pháp luật Việt Nam lại nhìn nhận việc tham gia vào các thủ tục tư pháp cũng như việc hợp tác với cơ quan có thẩm quyền từ góc độ là nghĩa vụ của nạn nhân của tội phạm. Nạn nhân của buôn bán người cũng không tránh khỏi nghĩa vụ này. Luật phòng, chống mua bán người 2011 quy định rõ về các nghĩa vụ của nạn nhân buôn bán người trong việc “cung cấp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền” và “thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến vụ việc mua bán người”[37] .Thêm vào đó, theo quy định của BLTTHS 2003, nạn nhân buôn bán người có thể bị triệu tập bởi Cơ quan điều tra để cung cấp lời khai mà bất kể họ có mong muốn hợp tác hay không[38] . Nạn nhân cũng có thể bị triệu tập để tham gia đối chất với các nhân chứng khác hoặc người phạm tội khi có sự mâu thuẫn trong lời khai của các bên[39] . Khi đó, họ sẽ được “cho … biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối”[40] . Điều này có nghĩa là nạn nhân của buôn bán người có nghĩa vụ phải tham gia vào các hoạt động tố tụng hơn là họ được quyền lựa chọn có tham gia hay không.
BLTTHS 2003 cũng đồng thời quy định cho nạn nhân một số “quyền” khác trong tố tụng hình sự, bao gồm quyền “đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu”, “được thông báo về kết quả điều tra”, “quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch”, “tham gia phiên tòa, trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp” và “khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng”[41] .Trong khi nạn nhân buôn bán người cần được bảo vệ khỏi việc tái trở thành nạn nhân, cũng như những tổn thương thêm về mặt tinh thần, các “quyền” này không thể được xem là các những biện pháp bảo vệ thích hợp khi mà sự tham gia của nạn nhân có thể không mang tính tự nguyện và những tổn thương về tinh thần từ việc bị buôn bán của họ không được xem xét đến[42] .
Luật phòng, chống mua bán người 2011 của Việt Nam cũng quy định cho nạn nhân buôn bán người một chế độ hỗ trợ[43] . Các biện pháp hỗ trợ được quy định từ Điều 32 đến Điều 36, bao gồm việc hỗ trợ cho các nhu cầu cơ bản và chi phí đi lại[44] , hỗ trợ về y tế và tâm lý (bao gồm chi phí khám, chữa bệnh, hỗ trợ để ổn định tâm lý)[45] , trợ giúp pháp lý,[46] hỗ trợ về giáo dục dạy nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu và hỗ trợ vay vốn[47] . Trên thực tế, các hoạt động tái hòa nhập tại cộng đồng thường được ghi nhận là chỉ được tiến hành ở mức độ tối thiểu do sự thiếu năng lực của cán bộ địa phương và sự thiếu một chính sách cụ thể, rõ ràng trong việc hỗ trợ nạn nhân buôn bán người[48] .
Theo pháp luật Việt Nam, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của nạn nhân buôn bán người cũng đã được ghi nhận.Theo quy định của BLTTHS 2003, nạn nhân của buôn bán người, giống như những người bị hại và nguyên đơn dân sự khác, có thể “có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại” và“đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường”[49] . Việc bồi thường thiệt hại có thể được giải quyết trong cùng vụ án hình sự hoặc tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự nếu việc tách ra đó “không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự[50] . Nạn nhân của buôn bán người cũng có thể “kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần bồi thường thiệt hại”[51] . Tuy nhiên, Luật phòng, chống mua bán người 2011 chưa quy định bất cứ một biện pháp nào nhằm cụ thể hóa quyền được bồi thường những thiệt hại do việc bị buôn bán cho nạn nhân buôn bán người.
Thêm vào đó, các quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại của Bộ luật Dân sự 2005 có thể được áp dụng cho trường hợp của nạn nhân buôn bán người[52] .Tuy nhiên, nạn nhân buôn bán người không thể yêu cầu việc bồi thường thiệt hại nếu vụ án hình sự không được khởi tố. Ngay cả khi luật quy định về các yêu cầu bồi thường thiệt hại thông qua các thủ tục dân sự, không có một thủ tục cụ thể nào được ghi nhận để bảo đảm cho nạn nhân buôn bán người có thể tiến hành việc yêu cầu này[53] . Thực tế, khả năng được bồi thường thiệt hại của nạn nhân tại Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng của người phạm tội trong việc chi trả bồi thường khi không có một quỹ hỗ trợ nào từ ngân sách nhà nước hay từ các nguồn khác cho việc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân buôn bán người. Nạn nhân buôn bán người có thể không được bồi thường bất kì một khoản nào nếu như người phạm tội không thể tự mình chi trả cho việc bồi thường thiệt hại[54] .
Mặc dù nạn nhân của buôn bán người bắt đầu được coi là nạn nhân của sự vi phạm nhân quyền trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam[55] , các quyền và lợi ích được cộng đồng quốc tế thừa nhận cho nạn nhân buôn bán người chưa thực sự được chấp nhận. Thay vì nhấn mạnh các quyền của nạn nhân buôn bán người cần được tôn trọng, Luật phòng, chống mua bán người 2011 quy định rằng nạn nhân buôn bán người có nghĩa vụ đối với sự hiệu quả của hoạt động tư pháp hình sự, như quy định tại Điều 6(4) và 6(5). Bên cạnh đó, nạn nhân buôn bán người tại Việt Nam chưa có được sự đảm bảo về mặt pháp lý rằng họ sẽ không bị xử lý hình sự hay các biện pháp xử lý khác đối với những hành vi vi phạm pháp luật mà họ thực hiện khi họ là nạn nhân của buôn bán người. Chẳng hạn, nạn nhân buôn bán người tham gia vào hoạt động mại dâm, hoặc sử dụng các giấy tờ giả hoặc làm việc trái phép có thể phải chịu một loại trách nhiệm pháp lý nào đó[56] . như biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với những người tham gia hoạt động mại dâm[57] ; hay những người bị buôn bán sang Việt Nam có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi nhập cư và ở lại Việt Nam trái phép, làm việc trái phép[58] .
4. Kết luận
Có thể thấy rằng kể từ khi tham gia CTOC và Nghị định thư đến nay, pháp luật về phòng chống buôn bán người tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Sự tiến bộ này không chỉ thể hiện ở sự ra đời của một luật chuyên biệt về phòng chống buôn bán người mà, đáng kể hơn, còn là việc nội luật hóa một chế độ bảo vệ cho nạn nhân buôn bán người. Với chế độ bảo vệ này, nạn nhân của buôn bán người tại Việt Nam lần đầu tiên được ghi nhận là nạn nhân của tội phạm và nạn nhân của sự vi phạm nhân quyền, được dành cho sự bảo vệ và hỗ trợ, đặc biệt là một chế độ hỗ trợ từ giai đoạn xác định nạn nhân cho đến khi tái hòa nhập cộng đồng. Nói chung, Việt Nam hiện đang có một hệ thống luật phòng chống buôn bán người khá đầy đủ và tỏ ra tương thích với các đòi hỏi của pháp luật quốc tế.
Tuy nhiên, mặc dù nạn nhân buôn bán người được xem là nạn nhân của tội phạm và của sự vi phạm nhân quyền, trong đó quyền và lợi ích của họ được tôn trọng và bảo vệ trong luật, sự bảo vệ này vẫn còn gặp phải những thách thức nhất định. Thách thức đầu tiên xuất phát từ thực tế rằng dưới hệ thống pháp luật Việt Nam, nạn nhân của buôn bán người không được bảo đảm được miễn các trách nhiệm pháp lý cho những vi phạm pháp luật liên quan đến tình trạng là nạn nhân của họ. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất trong việc bảo vệ nạn nhân buôn bán người tại Việt Nam là việc nạn nhân của buôn bán người (và có thể cả nạn nhân của tội phạm nói chung) được đối xử như là yếu tố hỗ trợ cho (tính hiệu quả/sự thành công của) hệ thống pháp luật hơn là chủ thể của quyền con người. Nói cách khác, bảo vệ quyền và lợi ích của nạn nhân buôn bán người như là một trách nhiệm của nhà nước chưa thực sự được ghi nhận bởi các nhà lập pháp. Cần phải nhắc lại rằng, trong quá trình soạn thảo Luật phòng, chống mua bán người 2011, đã có quan điểm cho rằng một chế độ bảo vệ dành riêng cho nạn nhân buôn bán người, như được yêu cầu bởi pháp luật quốc tế, đặt trong bối cảnh sự bảo vệ và hỗ trợ mà pháp luật ghi nhận cho nạn nhân của tội phạm nói chung tại Việt Nam, sẽ tạo ra một sự đối xử thiên vị giữa các nạn nhân của tội phạm.[59] Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh tích cực, đề xuất về một chế độ bảo vệ như vậy nên được đón nhận như là một cơ hội cho các nhà lập pháp Việt Nam chủ động nâng cao sự nhận thức về các vấn đề nhân quyền liên quan nạn nhân của tội phạm nói chung. Nói cách khác, từ góc độ các giá trị được cộng đồng quốc tế chấp nhận, đòi hỏi này mang đến một cơ hội – cũng là thách thức – cho hệ thống pháp luật Việt Nam trong việc nhìn nhận nạn nhân của tội phạm với tư cách là chủ thể của quyền con người. Theo đó, cần cụ thể hóa quy định của Luật phòng, chống mua bán người 2011 cũng như BLTTHS 2003 về quyền được bảo vệ an toàn về thể chất, danh dự, nhân phẩm và tài sản của nạn nhân buôn bán người cũng như chế độ bảo vệ đối với những nạn nhân tham gia hoạt động tố tụng với tư cách nhân chứng; sửa đổi các quy định hiện hành liên quan đến bảo vệ bí mật về thông tin của nạn nhân theo hướng bảo vệ sự riêng tư và danh tính của họ; sửa đổi các quy định hiện hành về quyền tiếp cận thông tin và tham gia vào các thủ tục pháp lý của nạn nhân buôn bán người theo hướng ghi nhận các thủ tục pháp lý bắt buộc để thông báo cho nạn nhân biết về các quyền này và đảm bảo sự thực hiện các quyền này trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện và không gây ra những tác động tâm lý tiêu cực cho họ; đánh giá lại hiệu quả của chế độ hỗ trợ hiện hành cho nạn nhân buôn bán người và hoạt động tái hòa nhập cộng đồng dành cho họ; cụ thể hóa các thủ tục pháp lý đảm bảo thực thi quyền được bồi thường thiệt hại cho nạn nhân buôn bán người, bao gồm cả việc thành lập một quỹ hỗ trợ việc bồi thường thiệt hại cho họ; đảm bảo bằng cách quy định của pháp luật việc loại trừ các trách nhiệm pháp lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật mà họ thực hiện khi và vì họ là nạn nhân của buôn bán người.
CHÚ THÍCH
*TS Luật học, giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Điều đáng lưu ý là Hiến pháp 1992(được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10)đã từng ghi nhận tại Điều 74 rằng “mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại (bởi hành vi vi phạm pháp luật) có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự”. Xem Hiến pháp 2013, thông qua bởi Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 ngày 28/11/2013, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, Chương 2.
[2] Xem Declaration of Basic Principles of Justice for Victims of Crime and Abuse of Power,GA Res, 96thplen mtg, UN Doc A/RES/40/34 (29/11/1985); Basic Principles and Guidelines on the Right to a Remedy and Reparation for Victims of Gross Violations of International Human Rights Law and Serious Violations of International Humanitarian Law,GA Res, 60thsess, Agenda Item 71 (a), UN Doc A/RES/60/147 (21/3/2006) về các chuẩn mực quốc tế trong việc bảo đảm các biện pháp khắc phục đối với nạn nhân.
[3] Convention against Transnational Organized Crime, opened for signature 12 December 2000, 2225 UNTS 209 (entered into force 29 September 2003)(sau đây gọi tắt là “CTOC”), Điều 25(2).
[4] XemInternational Covenant on Civil and Political Rights, opened for signature 16 December 1966, 999 UNTS 171 (entered into force 23 March 1976), điều 2(3)(a), 2(3)(b), 2(3)(c); Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment, opened for signature 10 December 1984, 1465 UNTS 85 (entered into force 26 June 1987), Điều 13; International Convention on the Elimination of All Forms of Racial Discrimination, opened for signature 21 December 1965, 660 UNTS 195 (entered into force 4 January 1969), Điều 6.
[5] “Restitution” đượchiểu là sự phục hồi lại tình trạng ban đầu khi chưa có sự vi phạm xảy ra. Các quốc gia có nghĩa vụ phải tiến hành các biện pháp nhằm giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của buôn bán người và cung cấp cho nạn nhân của buôn bán người sự hỗ trợ cần thiết trong quá trình tái hòa nhập. Xem Joy Ngozi Ezeilo, Special Rapporteur on Trafficking in Persons, Especially Women and Children, Promotion and Protection of All Human Rights, Civil, Political, Economic, Social and Cultural Rights, Including the Right to Development,17thsess, Agenda Item 3, UN Doc A/HRC/17/35(13/4/2011), tr. 20–21. Liên quan đến bồi thường thiệt hại compensation), biện pháp này được hiểu là việc chi trả cho các tổn thương, mất mát hoặc thiệt hại gây ra bởi người phạm tội.Xem Joy Ngozi Ezeilo, Tldd, tr. 40.
[6] Các dịch vụ này tương tự với các biện pháp hỗ trợ được quy định tại Điều 6(3) Protocol to Prevent, Suppress and Punish Trafficking in Persons, Especially Women and Children (supplementing the United Nations Convention against Transnational Organized Crime), opened for signature 15 November 2000, 2237 UNTS 319 (entered into force 25 December 2003) (sau đây gọi tắt là “Nghị định thư”)..
[7] Joy Ngozi Ezeilo, Tlđd, tr. 40.
[8] Xem Nghị định thư, điều 6(2)(a), 6(2)(b), 7.
[9] Xem United Nations Office on Drugs and Crime (UNODC), Legislative Guides for the Implementation of the United Nations Convention against Transnational Organized Crime and the Protocols thereto – Part Two: Legislative Guide for the Implementation of the Protocol to Prevent, Suppress and Punish Trafficking in Persons, especially Women and Children, supplementing the United Nations Convention against Transnational Organized Crime (2004) (sau đây gọi tắt là “Legislative Guides – Part Two”), tr. 52.
[10] United Nations Office on Drugs and Crime (UNODC), Legislative Guides for the Implementation of the United Nations Convention against Transnational Organized Crime and the Protocols thereto – Part One: Legislative Guide for the Implementation of the United Nations Convention against Transnational Organized Crime (2004) (sau đây gọi tắt là “Legislative Guides – Part One”), tr. 366 (nhấn mạnh được thêm vào); xem thêm CTOC, điều 24.
[11] Xem CTOC, điều 24; Legislative Guides – Part One, tr. 350.
[12] Xem Legislative Guides – Part One, tr. 356.
[13] Tlđd, tr. 344.
[14] Xem thêm Susan Kneebone và Julie Debeljak, Transnational Crime and Human Rights: Responses to Human Trafficking in Greater Mekong Subregion (Routledge, 2012), tr. 125.
[15] Nghị định thư, điều 6(1).
[16] David McClean (ed), McClean, David (ed), Transnational Organized Crime – A Commentary on the UN Convention and its Protocols (Oxford University Press, 2007), tr. 338.
[17] Nghị định thư, điều (5).
[18] Tlđd, Điều 9(1)(b); xem thêm Legislative Guides – Part Two, tr. 72.
[19] Nghị định thư, điều 6(2).
[20] Tlđd, Điều 6(3).
[21] Tlđd, Điều 6(6).
[22] Tlđd, Điều 6(4).
[23] Tlđd, Điều 7.
[24] Tlđd, Điều 8.
[25] Recommended Principles and Guidelines, chú thích 29, hướng dẫn số 6.8.
[26] Anne T Gallagher, chú thích 26, tr. 362. Liên quan đến việc xây dựng các cơ chế cho nạn nhân tiếp cận bồi thường thiệt hại trong pháp luật quốc gia, Legislative Guides – Part Two khuyến nghị 3 lựa chọn, bao gồm(i) các quy định của pháp luật cho phép nạn nhân kiện người phạm tội hoặc những người khác về những thiệt hại dân sự; (ii) các quy định của pháp luật cho phép các tòa hình sự đưa ra các phán quyết liên quan đến thiệt hại (buộc người phạm tội bồi thường); và (iii) các quy định của pháp luật về việc thành lập các quỹ hay các định chế từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho việc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân liên quan đến các tổn thương và thiệt hại khác phải gánh chịu như là hậu quả của tội phạm. Xem Legislative Guides – Part Two, chú thích 8, tr. 54.
[27] Luật phòng, chống mua bán người 2011(Việt Nam) số 66/2011/QH12, thông qua bởi Quốc hội khóa 12, kỳ họp thứ 9 ngày 29/3/2011, có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 (sau đây gọi tắt là Luật phòng, chống mua bán người”), Điều 30.
[28] Bộ luật tố tụng hình sự 2003 (Việt Nam) số 19/2003/QH11, thông qua bởi Quốc Hội khóa 11 kỳ họp thứ 4 ngày 26/11/2003, có hiệu lực từ ngày 1/7/2004 (sau đây gọi tắt là “BLTTHS”).
[29] Tlđd, Điều 7(3).
[30] Tlđd, Điều 55(3)(a), 211(5).
[31] Xem Hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và một vài kiến nghị về hướng hoàn thiện(Báo cáo lưu hành nội bộ, Bộ tư pháp Việt Nam, 2007) trong Tài liệu Hội nghị triển khai Chương trình quốc gia về phòng ngừa và trấn áp buôn bán phụ nữ và trẻ em giai đoạn II (2007 – 2010) (Tài liệu lưu hành nội bộ, Ủy ban thường trực quốc gia 130/CP, 2007), tr. 40.
[32] Xem BLTTHS, Điều 51(4), 55(1).
[33] Nghị định 62/2012/NĐ-CP quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ (Việt Nam) 13/8/2012, điều 7. Các biện pháp bảo vệ an toàn bao gồm i) giữ bí mật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của người được bảo vệ; ii) giữ bí mật các thông tin về đời tư, đặc điểm nhân dạng, nơi cư trú, làm việc, học tập và các thông tin khác có liên quan đến người được bảo vệ; iii) bố trí lực lượng bảo vệ tại nơi cư trú, làm việc, học tập, đi lại của người được bảo vệ, tại phiên tòa và những nơi cần thiết khác; iv) hạn chế phạm vi đi lại, giao tiếp của người được bảo vệ; v) bố trí nơi tạm lánh cho người được bảo vệ; vi) bố trí nơi ở, nơi làm việc, học tập mới cho người được bảo vệ; vi) áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người được bảo vệ theo quy định của pháp luật; viii) xét xử kín.(nhấn mạnh được thêm vào).
[34] Tlđd, Điều 3(1), 3(2).
[35] Cơ quan phòng chống Tội phạm và Ma túy Liên hợp quốc (UNODC), Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Vụ pháp luật hành chính hình sự – Bộ tư pháp Việt Nam, Đánh giá hệ thống pháp luật Việt Nam trên tinh thần các Nghị định thư của Liên hợp quốc về buôn bán người và đưa người di cư trái phép, bổ sung Công ước của Liên hợp quốc chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (2004) (sau đây gọi tắt là “Đánh giá hệ thống pháp luật Việt Nam”), tr. 33.
[36] BLTTHS, Điều 18.
[37] Luật phòng, chống mua bán người, điều 6(5).
[38] BLTTHS, Điều 137.
[39] Tlđd, Điều 138 khoản 1.
[40] Tlđd, Điều 138 khoản 2.
[41] Tài liệu trên, điều 51(2); xem thêm Đánh giá hệ thống pháp luật Việt Nam, chú thích 43, tr. 34.
[42] Thực tế của việc áp dụng các quyền này đối với nạn nhân của tội phạm nói chung lại bộc lộ những quan ngại khác. Theo đó, “tình trạng bị vi phạm quyền và không đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của người bị hại và nguyên đơn dân sự còn xảy ra. … Ví dụ, tình trạng người bị hại không được triệu tập tham gia tố tụng, triệu tập không đúng hoặc được triệu tập quá trễ; sự khó khăn trong việc chủ động cung cấp thông tin, tiếp cận vụ án, thực hiện quyền đề nghị; không được thông báo về người tiến hành tố tụng; không có người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền lợi; kết quả điều tra không được thông báo; không có cơ hội phát biểu, tranh luận dân chủ, công khai với các bên tham gia tố tụng; vấn đề bồi thường thiệt hại không được chú ý từ giai đoạn điều tra, giải quyết bồi thường theo yêu cầu không hợp lý; công tác bảo vệ người bị hại trước nguy cơ bị trả thù còn xem nhẹ; tình trạng xúc phạm danh dự, nhân phẩm và tiếp tục làm tổn thương người bị hại trong quá trình giải quyết vụ án hình sự vẫn tồn tại. Tình trạng đó đã làm cho người bị hại và nguyên đơn dân sự thật sự gặp nhiều khó khăn khi tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời phần nào làm giảm hiệu quả giải quyết vụ án hình sự khi không có sự tích cực tham gia tố tụng của họ.” Xem Lê Nguyên Thanh, “Người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong tố tụng hình sự Việt Nam”, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật TP.HCM 2012, tr. 1–2.
[43] Luật phòng, chống mua bán người, Điều 6.
[44] Tlđd, Điều 33.
[45] Tlđd, Điều 34, 35, 40.
[46] Tlđd, Điều 36.
[47] Tlđd, Điều37, 38.
[48] Xem Save the Children and the National Anti-Trafficking Programme Steering Committee (130/CP) Vietnam, chú thích 58, tr. 16. Xem thêm International Organization for Migration (IOM), Report on Vietnam National Practitioners Forums on (Re)integration of Victims of Human Trafficking in the Greater Mekong Sub-region (20 October 2010) United Nations Inter-Agency Project on Human Trafficking <http://www.no-trafficking.org/reports_docs/reintegration_resources/Vietnam_National_Practitioner_Forum.pdf>, tr. 2.
[49] BLTTHS, Điều 52(1), 52(2)(d).
[50] Tlđd, Điều 28.
[51] Tlđd, Điều 52(2)(g).
[52] Những thiệt hại có thể được đòi bồi thường bao gồm những thiệt hại liên quan đến sức khỏe (như phí điều trị hồi phục sức khỏe, thu nhập bị mất do những vấn đề sức khỏe), những thiệt hại về tinh thần (những thiệt hại do sự xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín) và những thiệt hại về tính mạng. Xem Bộ luật dân sự 2005(Việt Nam) số 33/2005/QH11, thông qua bởi Quốc Hội khóa 11, kỳ họp thứ 7 ngày 14/6/2005, có hiệu lực từ ngày 1/1/2006, điều 609, 610, 611. Cũng có những quy định của pháp luật trong việc bảo đảm việc thực thi các bản án dân sự và theo đó thực thi những phần của phán quyết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Xem Đánh giá hệ thống pháp luật Việt Nam, chú thích 43, tr. 41.
[53] Trên thực tế, không có thông tin về thực tiễn áp dụng các quy định liên quan đến yêu cầu bồi thường thiệt hại của nạn nhân buôn bán người để có thể đánh giá về tính hiệu quả của các quy định này.
[54] Xem Đánh giá hệ thống pháp luật Việt Nam, chú thích 43, tr. 41. Cũng cần lưu ý rằng trong quá trình soạn thảo Luật phòng, chống buôn bán người 2011, các nhà soạn thảo đã cân nhắc đến việc nên hay không nên có một quỹ hỗ trợ nạn nhân, nhưng đề xuất này đã bị bác bỏ (bởi đại diện của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) bởi lý do (đơn giản) là “một quỹ hỗ trợ nạn nhân là không cần thiết”. Xem Hương Nguyên, “Dự thảo Luật phòng chống buôn bán người: Nạn nhân có quyền yêu cầu xử kín”, Báo mới (online) ngày 10/2/2010 <http://www.baomoi.com/Du-thao-Luat-phong-chong-buon-ban-nguoi-Nan-nhan-co-quyen-yeu-cau-xu-kin/104/3849551.epi>.
[55] Trước khi có luật phòng chống buôn bán người quốc gia, chính phủ đã có Quyết định 17/2007quy định về việc hướng dẫn tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với phụ nữ và trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài trở về, trong đó đề cập đến nạn nhân trên tinh thần tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của họ mà không phân biệt đối xử. Xem Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ban hành Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về, ngày 29/1/2007, điều 3(2) ; xem thêm Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Thông tư liên tịch 3/2008/TTLT-BCA-BQP-BNG-BLDTBXH ngày 8/5/2008 hướng dẫn trình tự, thủ tục xác minh, tiếp nhận phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về, mục 2(a) Phần I. Tinh thần này cũng được duy trì trong các quy định củaLuật phòng, chống mua bán người 2011 trong đó chính thức định nghĩa người bị buôn bán là nạn nhân và thừa nhận các quyền và lợi ích của họ. Điều 4(2) của Luật này cũng ghi nhận nguyên tắc “tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân”. Điều 6 của Luật này cũng ghi nhận các quyền của nạn nhân buôn bán người được bảo vệ sự an toàn thể chất, được hưởng chế độ hỗ trợ và được bồi thường thiệt hại. Xem Luật phòng, chống mua bán người, điều 6(1), 6(2), 6(3).
[56] Xem Đánh giá hệ thống pháp luật Việt Nam, chú thích 43, tr. 28−29.
[57] Xem Hoang, Thi Tue Phuong, “Legislating to Combat Trafficking in Vietnam”(Tham luận trình bày tại Is this the Asian Century? − 17thBiennial Conference of the Asian Studies Association of Australia, Melbourne, 1−3 July 2008) <https://www.arts.monash.edu.au/mai/asaa/hoangthituephuong.pdf>, tr. 21 trong đó trích dẫn Điều 26 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính và Thông tư liên bộ số 12/TTLB/LĐTBXH-TCngày 7/6/1996 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ trợ cấp đối với người được đưa vào cơ sở chữa bệnh theo Nghị định số 20/CP ngày 13/4/1996 của Chính phủ ban hành Quy chế về cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chinh ngày 6/7/1995.
[58] Xem Đánh giá hệ thống pháp luật Việt Nam, chú thích 43, tr. 37.
[59] Trong quá trình thảo luận về Dự thảo Luật phòng chống mua bán người, đã có những đại biểu quốc hội cho rằng các quy định của dự thảo về các biện pháp bảo vệ dành cho nạn nhân buôn bán người (bao gồm cung cấp cho nạn nhân nơi tạm lánh, bảo vệ họ tại nơi ở, học tập, làm việc, thay đổi chỗ ở cho nạn nhân, giữ bí mật thông tin về nơi ở, làm việc hoặc học tập, ngăn chặn, phòng ngừa những người có hành vi xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe của nạn nhân và người thân thích của họ v.v..) là không khả thi do những khó khăn về kinh tế của Việt Nam và, đặc biệt là, một chế độ bảo vệ như thế sẽ là một sự đối xử ưu đãi cho nạn nhân của tội phạm buôn bán người so với chế độ hiện hành dành cho nạn nhân của tội phạm nói chung tại Việt Nam. Xem Hồng Khanh, “Nạn nhân bị buôn bán được bảo vệ hơn cả tổng thống”, VNExpress (online) 13/11/2010 <http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2010/11/3ba22ee1/>.
Tác giả: Hoàng Thị Tuệ Phương* – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01/2014 (80)/2014 – 2014, Trang 61-70
Trả lời