Mục lục
Vai trò của cơ quan quản lý bầu cử (Hội đồng bầu cử quốc gia) trong nhà nước pháp quyền.
- Hội đồng bầu cử Thái Lan và góp ý quy định về hội đồng bầu cử quốc gia trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam – TS. Phan Nhật Thanh
- Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước theo Hiến pháp 2013 – TS. Nguyễn Mạnh Hùng
- Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước – ThS. Lưu Đức Quang
- [EBOOK] ABC về Bầu cử PDF – TS. Lã Khánh Tùng
- Phân tích các giá trị của nhà nước pháp quyền
- Phân tích các đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền
- Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 – Hiến pháp của tiến trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền – GS.TSKH. Đào Trí Úc
- Chất lượng của pháp luật trong nhà nước pháp quyền – ThS. Nguyễn Văn Quân
TÓM TẮT
Xây dựng nhà nước pháp quyền là một yêu cầu tất yếu, khách quan và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại bởi nhà nước pháp quyền là một giá trị chung của nhân loại. Trong đó, có thể khẳng định, bầu cử là một trong những điều kiện và động lực tiên quyết để xây dựng nhà nước pháp quyền. Mặt khác, bầu cử còn là phương thức thể hiện quyền của nhân dân, là biểu hiện quan trọng của nền dân chủ. Vì lẽ đó, trách nhiệm tổ chức một cuộc bầu cử khách quan, dân chủ, kết quả bầu cử công bằng, minh bạch phụ thuộc rất lớn vào năng lực cũng như hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý bầu cử. Bài viết nghiên cứu về các vai trò nổi bật của cơ quan quản lý bầu cử trong nhà nước pháp quyền hiện nay.
TỪ KHÓA: Cơ quan quản lý bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia, Nhà nước pháp quyền, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 05/2018
1. Khái niệm về cơ quan quản lý bầu cử
Từ xa xưa trong lịch sử nhân loại, bầu cử đã xuất hiện như một phương thức tối ưu nhất để loài người có thể thiết lập nên các thiết chế đại diện cho mình. Hành trình ấy đã xuất hiện từ chế độ cộng sản nguyên thủy. Theo đó, mọi người đã biết bầu ra tù trưởng và thủ lĩnh quân sự để phụ trách công việc chung. Đến chế độ chiếm hữu nô lệ và giai đoạn đầu của chế độ phong kiến, bầu cử đã trở thành một hoạt động quan trọng mà thông qua đó một bộ phận tầng lớp cao trong xã hội lúc bấy giờ đã tìm ra được cơ quan biểu đạt cho ý chí của mình như: Viện nguyên lão đại diện cho chủ nô quý tộc và những người cầm vũ khí. Đặc biệt hơn, trong cuộc đấu tranh chống lại giai cấp phong kiến, giai cấp tư sản đã sử dụng bầu cử như một công cụ chủ lực để hạn chế quyền lực của giai cấp phong kiến. Cách mạng thành công, khi tuyên bố chủ quyền nhân dân, giai cấp tư sản đã xác định bầu cử là một phương thức ủy quyền quan trọng để kiến tạo nên hệ thống cơ quan đại diện trong xã hội.
Ngày nay, với tính chất là một chế định pháp luật, bầu cử trở thành một hoạt động chính trị – pháp lý có ý nghĩa xã hội đặc biệt. Do đó, việc tổ chức và quản lý bầu cử trở thành nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo hoạt động này diễn ra dân chủ, khách quan, kết quả bầu cử công bằng, minh bạch, phản ánh đúng ý chí của nhân dân. Chủ thể thực hiện nhiệm vụ này ở các quốc gia gọi chung là cơ quan quản lý bầu cử (Electoral Management Body), (sau đây viết tắt là EMB). Tùy theo từng nước, EMB có thể được quy định trong hiến pháp hoặc trong luật bầu cử và có thể có tên gọi khác nhau như: Ủy ban Bầu cử (Election Commission), Bộ/ Ban Bầu cử (Department of Elections, Electoral Board), Hội đồng Bầu cử (Electoral Council), Đơn vị Bầu cử (Election Unit)…
Theo định nghĩa của Mạng lưới Tri thức về Bầu cử (the ACE Electoral Knowledge Network), EMB “là một cơ quan hoặc tổ chức được lập ra nhằm mục đích và có trách nhiệm pháp lý trong việc quản lý một hoặc nhiều công việc cốt yếu trong các cuộc bầu cử (elections) và những hình thức dân chủ trực tiếp khác được pháp luật quy định như trưng cầu ý dân, lấy ý kiến công dân”.[1] Theo ACE, những công việc cốt yếu trong các cuộc bầu cử bao gồm: (i) quyết định những người đủ tư cách bỏ phiếu; (ii) tiếp nhận và phê duyệt danh sách ứng cử viên; (iii) tổ chức bỏ phiếu; (iv) kiểm phiếu; (v) thống kê và công bố kết quả. Các công việc này thông thường do một cơ quan thực hiện, song đôi khi cũng có thể được phân công cho nhiều cơ quan khác nhau. Trong trường hợp đó, tất cả các cơ quan tham gia đều được gọi là EMB.
Ngoài các công việc cốt yếu nêu trên, các EMB còn thực hiện nhiều công việc khác trong các cuộc bầu cử như đăng ký cử tri, phân định khu vực bầu cử, mua sắm trang thiết bị cho bầu cử, tuyên truyền giáo dục về luật bầu cử, quản lý hoặc giám sát việc gây quỹ bầu cử, giữ liên hệ với giới truyền thông và giải quyết những tranh chấp phát sinh trong bầu cử… Tuy nhiên, những cơ quan chỉ thực hiện những nhiệm vụ này thì không được gọi là EMB.[2]
Như vậy, mặc dù tên gọi có khác nhau, khối lượng, tính chất công việc có thể mang những nét đặc thù tùy thuộc vào các yếu tố chính thể, đảng phái… nhưng giữa các quốc gia hiện nay đều có sự giao thoa về tính chất của cơ quan quản lý hoạt động bầu cử. Tất cả đều được xác định là các cơ quan chuyên trách về bầu cử, được thành lập để giải quyết và xử lý tất cả các vấn đề trọng tâm của bầu cử. Các vấn đề ấy có thể diễn ra trước, trong và thậm chí sau bầu cử. Chính sự ra đời và tồn tại của cơ quan quản lý bầu cử đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy và bảo vệ cho nền dân chủ trực tiếp tại các quốc gia.
Ở Việt Nam hiện nay, cơ quan phụ trách bầu cử cao nhất là Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Đây là cơ quan nhà nước ở trung ương, do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.[3]
2. Vai trò của cơ quan quản lý bầu cử
2.1. Bảo đảm tính trung thực, khách quan của kết quả bầu cử
Trong bất kỳ xã hội nào, bầu cử tuy không đủ sức để tạo lập cả nền dân chủ nhưng nó là tiền đề, là một bộ phận của nền dân chủ. Mỗi chế độ bầu cử đều tồn tại và vận hành trong một nền dân chủ với những bộ tiêu chí, nguyên tắc bầu cử nhất định. Xét dưới nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan, bộ “nguyên tắc bầu cử” của mỗi quốc gia có thể khác nhau bởi nguồn gốc chế độ chính trị – văn hóa – xã hội của từng quốc gia có những điểm đặc thù. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, một chế độ bầu cử dân chủ trước hết cần tuân theo các giá trị chuẩn mực được nhiều quốc gia dân chủ trên thế giới thừa nhận. Hiện nay, các quốc gia luôn cố gắng hoàn thiện các nguyên tắc bầu cử của mình để phù hợp với cả cái riêng của quốc gia và cái chung của nhân loại. Tuy nhiên, các nguyên tắc này sẽ giảm đi ý nghĩa thậm chí bị vô hiệu hóa nếu tổ chức, điều hành bầu cử không khách quan, trung thực. Mặt khác, kết quả bầu cử muốn khách quan, trung thực, không bị gian lận thì việc tổ chức và điều hành bầu cử phải chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Làm được điều này là vấn đề không dễ dàng bởi các lý do sau:
Thứ nhất, việc tổ chức bầu cử có thể diễn ra trên toàn bộ phạm vi lãnh thổ quốc gia. Điều đó có nghĩa cùng một lúc, phải tổ chức, điều hành rất nhiều công việc trong nhiều công đoạn của bầu cử.
Thứ hai, bầu cử là hoạt động hợp pháp hóa quyền lực chính trị thành quyền lực nhà nước. Do vậy, bất cứ chế độ bầu cử nào cũng cần đặt ra yêu cầu hạn chế sự tác động, can thiệp của các đảng phái đang cầm quyền. Tuy nhiên, chính điều này lại mâu thuẫn với yêu cầu của hoạt động tổ chức điều hành bầu cử, bởi lẽ, nếu không có sự trợ giúp của chính phủ và bộ máy hành pháp – cơ quan nắm trong tay hầu hết cơ sở vật chất, con người, thì không cách nào có thể điều hành được khối lượng khổng lồ các công việc của hoạt động tổ chức bầu cử.
Thứ ba, khác với các hoạt động quản lý khác, việc tổ chức điều hành bầu cử thường do các nhân viên không chuyên đảm trách, tức là khi đến các kỳ bầu cử, họ làm việc trong các cơ quan, tổ chức khác nhau được trưng dụng để tham gia việc tổ chức, điều hành bầu cử. Do đó, rất nhiều người tham gia hoạt động này lần đầu tiên, rất khó tránh khỏi việc bỡ ngỡ, lúng túng.
Thứ tư, kết quả bầu cử quyết định ai là người nắm giữ quyền lực nhà nước, nên có không ít các âm mưu, thủ đoạn trong các cuộc bầu cử để làm sai lệch kết quả bầu cử.[4] Thực tế các cuộc bầu cử ở nhiều nước trên thế giới trong thời gian gần đây[5] đã chứng minh tình trạng gian lận trong bầu cử là có thể có.
Như vậy, yêu cầu tổ chức các cuộc bầu cử một cách công khai, minh bạch đảm bảo quyền bầu cử, ứng cử tự do là một trong những cơ sở nền tảng hình thành cơ quan bầu cử quốc gia trung lập, không thiên vị và bình đẳng.
2.2. Đáp ứng sự chuyên nghiệp và giải quyết sự phức tạp của các cuộc bầu cử
Trong buổi bình minh của nhân loại, khi con người còn hoang sơ, cuộc sống còn phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, người ta đã nghĩ và tin rằng, quyền lực thuộc về tự nhiên, do các thần linh nắm giữ. Sau đó, nhờ trình độ nhận thức tăng lên, con người đã dần dần nhận ra và phân biệt được sức mạnh của tự nhiên và sức mạnh của con người, biết chế ngự tự nhiên và quản lý xã hội. Từ đó, quyền lực bắt đầu xuất hiện. Quyền lực, khởi nguyên là của nhân dân, của cộng đồng, không phải cá nhân bỗng nhiên có được. Khi mọi người tự nguyện đồng lòng tôn vinh ai đó là thủ lĩnh, là người phụ trách thay mặt họ để xử lý công việc chung, thì đồng thời họ trao quyền lực cho người ấy. Bắt đầu từ đó, người thủ lĩnh, người phụ trách có quyền lực. Về bản chất thì quyền lực không phải của họ, mà họ được nhân dân trao quyền, ủy quyền, để sử dụng cho mục đích công cộng.[6] Sau này, trong xã hội văn minh, dân chủ, bầu cử trở thành phương tiện để chuyển giao quyền lực, ủy thác quyền lực của nhân dân cho người được lựa chọn. Tuy nhiên, bản tính của con người là đam mê quyền lực và sử dụng quyền lực một cách tùy tiện. Con người càng ở gần vị trí có thể chiếm giữ quyền lực chính trị tối cao thì đam mê càng gia tăng.[7] Đam mê quyền lực chính vì thế cần phải được xem là một bản năng không thể muốn thay đổi là được và không dễ uốn nắn. Tuy nhiên, nó là một bản năng có thể được chế ngự. Do đó, ngay trong giai đoạn bầu cử, cần phải có một cơ chế để ngăn ngừa các âm mưu chính trị, các “mánh khóe” để đạt được quyền lực một cách không chính thống, không minh bạch đến từ các cá nhân, các đảng phái chính trị.
Đó cũng là lý do vì sao nhà chính trị học người Ý, Giovanni Sartori cho rằng “Bầu cử là công cụ điều khiển mạnh mẽ nhất của chính trị”[8]. Nhận định ấy hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ bầu cử là một trong những hoạt động quan trọng tác động mạnh mẽ đến cơ chế chính trị đặc biệt là mức độ cạnh tranh trong nghị trường. Điều này được thể hiện rõ nét trong cơ chế chính trị đa đảng. Nó không chỉ quyết định ai, đảng phái nào được lựa chọn mà còn quyết định quyền uy, sức mạnh của các đảng phái chính trị đó. Mặt khác, bầu cử là hoạt động hợp pháp hóa quyền lực chính trị thành quyền lực nhà nước. Kết quả bầu cử sẽ quyết định ai là người nắm giữ quyền lực nhà nước. Kết quả ấy phản ánh ý chí của nhân dân, không phải ý chí nhà nước hay bất kỳ tổ chức nào đang tồn tại, kể cả các tổ chức có vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị. Các yêu cầu cơ bản bảo đảm ý chí nhân dân trong bầu cử đã được nhân loại quan tâm trong nhiều thập niên và đã được đúc kết. Đó là việc duy trì các nguyên tắc bầu cử: phổ thông, bình đẳng và bỏ phiếu kín.
Điểm 3 Điều 21 Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền năm 1948 mà Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua đã nêu rõ: “Ý chí của nhân dân phải là cơ sở của quyền lực của nhà nước. Ý chí này thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và chân thực, tổ chức theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín hoặc bằng những tiến trình bầu cử tự do tương đương”. Điều 25 Công ước Quốc tế về Quyền dân sự – Chính trị năm 1966 khẳng định lại một lần nữa quan điểm công dân có quyền và cơ hội để “bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử định kỳ chân thực, bằng phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín nhằm đảm bảo cho cử tri tự do bày tỏ ý nguyện của mình”. Ý chí nhân dân là vấn đề quan trọng nhất của bầu cử bởi chỉ khi bầu cử mang ý chí nhân dân thì ý nghĩa dân chủ đích thực của nó mới đạt được.[9]
Tuy nhiên, sự tự do ý chí ấy thường bị “bóp méo” bởi các thủ đoạn chính trị phát sinh, nảy nở trước, trong và sau mùa bầu cử nhằm mục đích làm sai lệch kết quả bầu cử. Do vậy, bất cứ chế độ bầu cử nào cũng cần đặt ra yêu cầu hạn chế sự tác động, can thiệp của các đảng phái đang cầm quyền[10] hay thậm chí chỉ đơn thuần là sự tác động, phá hoại của một nhóm người, một cá nhân vì mục tiêu chính trị.
Sự phức tạp của hoạt động bầu cử không chỉ nằm ở lý do nội tại bên trong đến từ những cá nhân, đảng phái trực tiếp tham gia mà nó còn đến từ những yếu tố khách quan bên ngoài. Đó chính là các thế lực thù địch thường lợi dụng “con bài” dân chủ và nhân quyền để can thiệp, làm rối loạn các cuộc bầu cử. Điều đó càng đòi hỏi, thôi thúc các cuộc bầu cử phải được tổ chức một cách dân chủ, minh bạch và chặt chẽ, không có kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia.
Bầu cử không chỉ là hoạt động mang tính chuyên nghiệp cao, mà còn là hoạt động phản ánh tập trung các vấn đề chính trị liên quan không những đến lợi ích quốc gia, mà còn đến các quyền và lợi ích cơ bản của mọi người, do đó dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi nhiều lực lượng chính trị cũng như những cá nhân quyền lực trong xã hội. Vì vậy, cần thiết phải có một cơ quan đủ khả năng về tổ chức cũng như thẩm quyền để đảm bảo cho các cuộc bầu cử được diễn ra tự do và khách quan.
2.3. Bảo đảm quyền bầu cử công bằng, dân chủ cho công dân
Bầu cử là một hoạt động chính trị quan trọng bậc nhất trong việc thiết kế nên hệ thống cơ quan nhà nước hiện nay. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt hơn với những quốc gia kiến tạo nên nhà nước bằng cơ chế dân chủ đại diện. Có thể khẳng định rằng bầu cử là “trái tim của dân chủ”, là nền móng quan trọng để gây dựng nên chính quyền nhân dân.
Thời gian qua, những tư tưởng chỉ đạo việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) của Đảng ta đã xác định, phải tiếp tục phát huy dân chủ, thực hiện nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, tạo điều kiện và cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình. Trong đó, bầu cử là quyền dân chủ chính trị trực tiếp cơ bản nhất của công dân trong nhà nước dân chủ và pháp quyền. Thông qua bầu cử người dân thể hiện nhu cầu tự bộc lộ, nhãn quan chính trị và hành vi chính trị của mình. Đó có thể là sự đồng thuận (thể hiện niềm tin, sự tín nhiệm của cử tri) thậm chí có cả sự phản đối bất tín nhiệm đối với ứng cử viên hay cả hệ thống chính trị.
Trong xã hội dân chủ, ý chí của nhân dân là nền tảng của quyền lực nhà nước. Thông qua bầu cử, nhân dân lựa chọn, thành lập ra cơ quan đại diện và ủy thác quyền lực cho họ. Cơ quan đại diện nhận quyền lực từ nhân dân và thay mặt nhân dân để thực hiện quyền lực (chủ quyền nhân dân) trong bộ máy nhà nước. Chính vì lẽ đó, chính quyền được thành lập thông qua các cuộc bầu cử tiến bộ, công bằng là quyền lực hợp pháp, được cộng đồng quốc tế công nhận. Sự tham gia của nhân dân vào công việc của nhà nước được nhấn mạnh trong một chế độ bầu cử. Đây được coi là cơ chế tham gia dân chủ có tính hiện thực trong các nhà nước hiện đại. Bầu cử không chỉ là cơ chế tham gia mà nó có thể tạo điều kiện cho cơ chế giám sát và thách thức quyền lực hoạt động hiệu quả.[11] Do vậy, bầu cử không những là con đường kiến thiết chế độ đại diện mà nó cũng chính là phương thức để nhân dân dỡ bỏ những người đại diện. Bên cạnh đó, bầu cử còn giữ vai trò là chìa khóa xây dựng đồng thuận xã hội, là phương thức quan trọng để giải quyết mâu thuẫn, xung đột xã hội bằng phương pháp hòa bình.[12]
Nhận thức sâu sắc về vai trò của bầu cử, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm hình thành quan niệm về một chế độ bầu cử thật sự dân chủ trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước nhà. Người viết: “Trong các cuộc bầu cử, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, tôn giáo, mức tài sản, trình độ văn hóa, không phân biệt giống nòi đều có quyền tham gia. Đó là một cách hợp lý để nhân dân lao động được thực hiện quyền thống trị của mình”.[13] Vì lẽ đó, tổng tuyển cử là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết.[14] Để cho các cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, tự do, bình đẳng, đoàn kết, không chỉ cần có ý thức tư tưởng về dân chủ và pháp luật về bầu cử mà còn phụ thuộc vào cách thức tổ chức thực tiễn các cuộc bầu cử. Điều đó càng đòi hỏi phải thiết lập cơ quan bầu cử quốc gia chuyên trách để chăm lo, tổ chức, điều hành một cách dân chủ, minh bạch và chặt chẽ các cuộc bầu cử[15] nhằm bảo đảm quyền bầu cử công bằng, bình đẳng cho công dân.
2.4. Vai trò hội nhập quốc tế
Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc năm 2005 đã tuyên bố:“Chế độ dân chủ là một giá trị phổ quát. Nó không thuộc riêng về bất cứ một quốc gia hay một vùng lãnh thổ, khu vực nào”. Dân chủ trở thành một giá trị phổ quát và những cuộc bầu cử tuân theo những nguyên tắc bầu cử tiến bộ, như tự do, công bằng là mục tiêu mang tính quốc tế. Quyền bầu cử trong một chế độ bầu cử tự do và công bằng phải là quyền chính trị cơ bản của con người. Đây là một trong những quyền chính trị cơ bản nhất được nhấn mạnh bởi Luật Nhân quyền quốc tế. Quyền này đầu tiên được ghi nhận trong Điều 21 Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc, trong đó nêu rõ: “Ai cũng có quyền tham gia chính quyền của quốc gia mình, hoặc trực tiếp hoặc qua các đại biểu do mình tự do lựa chọn. Ai cũng có quyền bình đẳng tham gia công vụ trong nước. Ý nguyện của quốc dân phải được coi là căn bản của mọi quyền lực quốc gia; ý nguyện này phải được biểu lộ qua những cuộc tuyển cử định kỳ và trung thực, theo phương thức phổ thông bỏ phiếu kín, hay theo các thủ tục tuyển cử tự do tương tự”. Quy định kể trên sau đó được tái khẳng định trong Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự, Chính trị năm 1966. Điều 25 Công ước này nêu rõ: “Mọi công dân, không có bất kỳ sự phân biệt nào như đã nêu ở Điều 2 và không có bất kỳ sự hạn chế bất hợp lý nào, đều có quyền và cơ hội để: a) Tham gia điều hành các công việc xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua những đại diện do họ tự do lựa chọn; b) Bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử định kỳ chân thực, bằng phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín, nhằm đảm bảo cho cử tri được tự do bày tỏ ý nguyện của mình; c) Được tiếp cận với các dịch vụ công cộng ở đất nước mình trên cơ sở bình đẳng”. Tầm quan trọng của việc tổ chức bầu cử tự do, minh bạch sau đó còn được nhấn mạnh trong nhiều văn kiện khác của Liên hợp quốc. Cụ thể, trong Nghị quyết 55/96 ngày 28/2/2001 về thúc đẩy và củng cố dân chủ, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã kêu gọi các quốc gia thành viên thông qua pháp luật, cơ chế và các tổ chức để bảo đảm sự tham gia, tính công khai, công bằng trong các tiến trình bầu cử.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 26/3/1994, tại phiên họp lần thứ 154 ở Paris, Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (Inter – Parliamentary Union) đã thông qua đã tuyên bố về tiêu chuẩn cho bầu cử tự do và công bằng (The Declaration on Criteria for Free and Fair Elections). Tuyên bố đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn về tự do và công bằng trong một cuộc bầu cử. Đây là một văn kiện quy định tương đối toàn diện những tiêu chuẩn cụ thể của bầu cử tự do, công bằng, trong đó bảo đảm sự tham gia của các quan sát viên, đại diện của các đảng phái chính trị, cũng bảo đảm những khiếu nại, tố cáo được xem xét, giải quyết có hiệu quả bởi một cơ quan độc lập, không thiên vị, cụ thể là tòa án hoặc hội đồng bầu cử.[16]
Những quy định nêu trên tuy không đề cập cụ thể việc thành lập các EMB, song đặt ra yêu cầu rõ ràng với các quốc gia thành viên (trong đó có Việt Nam)[17] về việc tổ chức, quản lý hoạt động bầu cử. Điều này thúc đẩy các quốc gia thành lập các cơ quan bầu cử để bảo đảm các yêu cầu đặt ra về quyền được tham gia vào đời sống chính trị của công dân. Thêm vào đó, những quy định kể trên cũng xác định những nguyên tắc tiêu chuẩn cơ bản mà các EMB cần tuân thủ trong quá trình quản lý bầu cử.
Như vậy, việc Việt Nam thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia là hoàn toàn phù hợp không chỉ vì nhu cầu nội tại bên trong của chính quốc gia mà còn vì mục tiêu dân chủ phổ quát chung của thế giới. Sự ra đời và hoạt động của Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ góp phần xây dựng niềm tin vào chế độ dân chủ. Do đó, khi xây dựng lý luận về tổ chức bộ máy nhà nước nói chung cũng như về Hội đồng Bầu cử Quốc gia nói riêng, Việt Nam không thể không tính đến các thành tựu lý luận, kinh nghiệm thực tiễn mà nhân loại đã đạt được trong quá trình đấu tranh vì nền dân chủ cũng như kết hợp xem xét những giá trị cần có của sự giao thoa, gắn kết vì một thế giới hòa bình, dân chủ và thịnh vượng. Mặt khác, tuy có sự khác nhau về quan điểm chính trị, về bản chất giai cấp của từng chế độ nhà nước, các hình thức tổ chức nhà nước phổ biến trên thế giới trong thời đại ngày nay vẫn chứa đựng không ít yếu tố hợp lý, nhìn từ góc độ tổ chức kỹ thuật hay nhìn từ góc độ quyền lực nhân dân. Trên cơ sở đó, chúng ta tiếp thu một cách cầu thị, có chọn lọc kinh nghiệm tổ chức của các nhà nước, bảo đảm cho Nhà nước ta thực sự là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vừa có tính dân tộc, vừa có tính hiện đại.[18]
CHÚ THÍCH
[1] Xem: http://aceproject.org/ace-en/topics/em/ema/ema01, truy cập ngày 15/6/2018.
[2] Vũ Công Giao, “Cơ quan bầu cử quốc gia trên thế giới và việc hiến định cơ quan này trong Hiến pháp 1992 sửa đổi 2013 của Việt Nam”, Các thiết chế Hiến định độc lập kinh nghiệm quốc tế và triển vọng ở Việt Nam, Viện Chính sách công và Pháp luật, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013, tr. 102.
[3] Khoản 1, Điều 117, Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013.
[4] Vũ Văn Nhiêm, “Cơ quan bầu cử quốc gia”, Một số vấn đề cơ bản của Hiến pháp các nước trên thế giới (Sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia, 2012, tr. 292 – 293.
[5] Trung Quốc đã phải sa thải hàng chục nhà lập pháp vì gian lận trong bầu cử, hay cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những cáo buộc vì gian lận phiếu bầu. Xem thêm,.http://www.thesaigontimes.vn/153651/My-Bau-cu-va-thuong-hieu-quoc-gia.html, truy cập ngày 10/11/2016.
[6] Vũ Ngọc Hoàng, “Tham vọng quyền lực và sự tha hóa”, Tạp chí Cộng sản, 2015, Xem báo điện tử: http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Sinh-hoat-tu-tuong/2015/35208/Tham-vong-quyen-luc-va-su-tha-hoa.aspx, truy cập ngày 15/9/2015.
[7] Bửu Ca, “Tại sao phải hạn chế sự đam mê quyền lực”, Báo điện tử Thanh niên, http://thanhnien.vn/toi-viet/tai-sao-phai-han-che-su-dam-me-quyen-luc-596042.html, tham khảo ngày 12/8/2015.
[8] IDEA, Democracy and Deep – Rooted Conflict: Options for Negotiators, 1998, tr. 119.
[9] Trần Thanh Hương, “Ý chí nhân dân trong bầu cử và một vài ý kiến góp phần bảo đảm ý chí nhân dân trong bầu cử ở nước ta”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 03/2006, tr. 16.
[10] Vũ Văn Nhiêm, “Cơ quan bầu cử quốc gia”, Một số vấn đề cơ bản của Hiến pháp các nước trên thế giới (Sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia, 2012, tr. 293.
[11] Đỗ Minh Khôi, Mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật trong điều kiện Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006, tr. 18.
[12] Vũ Văn Nhiêm, Chế độ bầu cử ở nước ta, những vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận án Tiến sĩ, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009, tr. 36 – 38.
[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, 2000, tr. 218.
[14] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, 2000, tr. 133.
[15] Trần Ngọc Đường, “Bàn về Hội đồng bầu cử quốc gia trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”, Báo điện tử Đại biểu nhân dân, http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=292625, truy cập ngày 8/7/2016.
[16] Vũ Công Giao, tlđd (1), tr.104.
[17] Tại Hội nghị mùa Xuân của Hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (kỳ họp lần thứ 124) tại thủ đô Praha, Tiệp Khắc (Cộng hòa Séc sau này) từ ngày 16 đến 21 tháng 04 năm 1979. Hội nghị Ban chấp hành IPU lần thứ 180 (ngày 16/4/1979), đã nhất trí thông qua Nghị quyết chấp nhận Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên Liên minh Nghị viện thế giới. Tiếp đó, trong phiên họp ngày 21/4/1979, Hội đồng liên minh Nghị viện thế giới đã xem xét báo cáo của Ban chấp hành và nhất trí thông qua Nghị quyết, chấp nhận Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên Liên minh Nghị viện thế giới.
[18] Vũ Văn Nhiêm, tlđd (11), tr. 151.
Tác giả: ThS. Trần Thị Thu Hà
Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 05(117)/2018 – 2018, Trang 10-16
Like Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu/