• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Hiến pháp » Trưng cầu ý dân và dự liệu các tác động không mong muốn

Trưng cầu ý dân và dự liệu các tác động không mong muốn

13/05/2020 16/09/2020 TS. Phan Nhật Thanh Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Phân biệt đối xử: dân chủ của nhóm đa số hay dân chủ của nhóm thiểu số
    • 1.1. Dân chủ đa số, phân biệt đối xử nhóm thiểu số
    • 1.2. Dân chủ thiểu số, trưng cầu ý dân phụ thuộc vào nhóm thiểu số giàu có và quyền lực
  • 2. “Đặt cược” chính trị và sự giới hạn quyền lực nhà nước
  • 3. Giới hạn quyền của cơ quan đại diện
    • 3.1. Trưng cầu ý dân làm giảm vai trò và ý nghĩa của dân chủ đại diện
    • 3.2. Dân chủ đại diện có thể làm hạn chế dân chủ trực tiếp
  • 4. Nguy cơ vi hiến
  • Kết luận
  • CHÚ THÍCH

Trưng cầu ý dân và dự liệu các tác động không mong muốn

Trưng cầu ý dân và dự liệu các tác động không mong muốn

  • Nhận định khả năng áp dụng pháp luật trưng cầu ý dân tại Việt Nam – PGS.TS. Nguyễn Văn Vân
  • Về thông tin, tuyên truyền trong dự thảo luật trưng cầu ý dân ở Việt Nam – TS. Thái Thị Tuyết Dung
  • Trưng cầu ý dân tại Việt Nam và bình luận, góp ý dự thảo Luật Trưng cầu ý dân 2015 – PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm
  • Phạm vi và giới hạn của vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân – ThS. Đỗ Thanh Trung
  • Trưng cầu ý dân ở Thái Lan: Nguyên lý tốt nhưng khó thực hiện – Narin Jareonsubphayanont
  • Trưng cầu ý dân Thụy Điển – tham gia trực tiếp trong nền dân chủ đại diện – Bengt Lundell
  • Giám sát tư pháp các cuộc trưng cầu ý dân ở Hoa Kỳ: Nguyên tắc quy trình chính trị và việc bảo đảm quyền con người – Steven D. Schwinn
  • Trưng cầu ý dân của một số quốc gia trên thế giới – TS. Phan Nhật Thanh – ThS. Phạm Thị Phương Thảo
  • Mối quan hệ giữa Trưng cầu ý dân với quyền con người, quyền công dân – TS. Đỗ Minh Khôi
  • Bàn về đối tượng trưng cầu ý dân – PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp
  • Bàn về “Phạm vi trưng cầu ý dân” – TS. Nguyễn Thị Thiện Trí

TÓM TẮT

Trưng cầu ý dân được xem như một trong những hình thức dân chủ trực tiếp phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Trưng cầu ý dân là cơ chế mang tính pháp lý mà theo đó, nhân dân sẽ bỏ phiếu mang tính quyết định thông qua hay không thông qua một vấn đề. Thông thường, trưng cầu ý dân liên quan đến việc thông qua hiến pháp, sửa đổi hiến pháp hay thông qua một dự luật quan trọng nào đó. Ngoài ra, vấn đề được trưng cầu ý dân còn có thể là những chính sách quan trọng có liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; những vấn đề về độc lập dân tộc hay quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế đặc biệt quan trọng. Bài viết không đề cập mặt tích cực của trưng cầu ý dân mà tập trung đưa ra dự liệu các tác động không mong muốn khi trưng cầu ý dân bao gồm dự liệu về việc phân biệt đối xử, rủi ro chính trị và sự giới hạn quyền lực nhà nước, giới hạn quyền cơ quan đại diện và nguy cơ vi hiến đối với các vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân.

TỪ KHÓA: Trưng cầu ý dân, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Trưng cầu ý dân là một trong những biểu hiện của tính dân chủ trực tiếp. Lịch sử trưng cầu ý dân có từ thời La Mã cổ đại (thuật ngữ trưng cầu ý dân theo tiếng latin plebiscita) và ngày càng phát triển cho đến ngày nay. Việc bỏ phiếu trên phạm vi cả nước nhằm quyết định một vấn đề mang tính chính trị nào đó được nhân dân nhiều nước chấp nhận như một phương thức giải quyết vấn đề có tính hiệu quả cao. Nhiều nước trên thế giới hiện nay đều có thực hiện trưng cầu ý dân (như Thụy Sĩ, Mỹ, Úc, Thái Lan, Myanmar và các nước châu Âu…).

Trưng cầu ý dân được xem là cơ chế mang tính pháp lý mà theo đó, nhân dân sẽ bỏ phiếu mang tính quyết định thông qua hay không thông qua một vấn đề. Thông thường, trưng cầu ý dân liên quan đến việc thông qua hiến pháp, sửa đổi hiến pháp hay thông qua một dự luật quan trọng nào đó. Tuy nhiên, tùy thuộc vào các hình thức trưng cầu ý dân mà ở nhiều quốc gia còn đưa ra trưng cần ý dân về các vấn đề khác như sự độc lập, thể chế chính trị, sự tham gia hay không tham gia các công ước quốc tế và các vấn đề liên quan đến chính sách của nhà nước trên mọi mặt của đời sống xã hội như kinh tế, văn hóa xã hội.

Nhằm góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân, tác giả tập trung nghiên cứu các tác động không mong muốn của việc trưng cầu ý dân. Với Việt Nam hiện nay, việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là hết sức cần thiết, góp phần nâng cao tính dân chủ trực tiếp của nhân dân. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có cái nhìn đa chiều nhằm hạn chế thấp nhất những bất cập mang tính phổ biến của việc trưng cầu ý dân.

1. Phân biệt đối xử: dân chủ của nhóm đa số hay dân chủ của nhóm thiểu số

Về mặt lý luận, trưng cầu ý dân ở cấp độ trung ương hay địa phương đều là trưng cầu ý kiến của toàn dân, đều thể hiện tính dân chủ trực tiếp. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mỗi người dân hay mỗi nhóm người dân đều thỏa mãn với kết quả trưng cầu.[1] Đôi khi, trưng cầu ý dân chỉ là một công cụ chính trị mà theo đó, dân chúng chỉ đóng vai trò là người thực hiện.[2]

1.1. Dân chủ đa số, phân biệt đối xử nhóm thiểu số

Khi trưng cầu ý dân, quyền quyết định thuộc về đa số. Đây là kết quả nhìn chung là hợp lý. Đối các vấn đề chung, mang tính quốc gia, ảnh hưởng đến tất cả công dân trong cả nước thì nguyên tắc đa số chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu vấn đề đó liên quan đến chủng tộc, nhóm dễ bị tổn thương, nhóm dân tộc thiểu số hoặc các nhóm thiểu số khác thì dường như tiếng nói của họ sẽ bị lấn áp bởi nhóm đa số mà nguyên nhân là do sự lạm quyền “hợp pháp” của nhóm đa số. Nhiều nghiên cứu cho thấy trưng cầu ý dân đã góp phần tạo phân biệt đối xử và gây ảnh hưởng quyền cũng như lợi ích của nhóm thiểu số (chẳng hạn quyền có nơi cư trú bình đẳng ở một số bang của Mỹ).[3] Ngoài ra, trong một số trường hợp, một số đối tượng không được phép bỏ phiếu. Ví dụ ở Thụy Sĩ, mặc dù được xem như là một trong những quốc gia có lịch sử trưng cầu ý dân lâu đời nhất vẫn có sự phân biệt đối xử trong trưng cầu ý dân. Năm 1847, Thụy Sĩ ban hành luật trưng cầu ý dân, Hiến pháp Liên bang được thông qua đại chúng của nhân dân trên 15 bang năm 1848. Tuy nhiên, từ năm 1951 đến 1970, phụ nữ bị tước quyền bỏ phiếu, cho đến tận năm 1971 thì quyền này mới được khôi phục. Ở Na Uy, từ năm 1905, chỉ nam giới từ 25 tuổi trở lên mới được bỏ phiếu, nữ giới thì không. Quy định này bị bãi bỏ vào năm 1907.[4] Thực chất, trưng cầu ý dân gần giống như việc trao quyền cho nhóm đa số (vì kết quả phụ thuộc và nguyên tắc đa số) nên rất nhiều quốc gia lo lắng và quan tâm đến việc bảo vệ nhóm thiểu số. Phần Lan và Thụy Điển thành lập Ủy ban Luật gia để xem xét xem những vấn đề trưng cầu ý dân có làm ảnh hưởng đến quyền của các nhóm thiểu số hay không. Bên cạnh đó, còn có Ủy ban biệt phái (Commission of Rapporteurs) cũng có cùng chức năng, các ủy ban này có thẩm quyền xem xét liệu việc bảo vệ quyền của nhóm thiểu số có được quan tâm đầy đủ. “Khi có minh chứng là những vấn đề quốc gia gây tổn hại cho nhóm thiểu số, đàn áp hoặc ngược đãi người thiểu số, hoặc tước quyền của họ thì nhà nước phải có những đảm bảo cho quyền của họ”.[5] Ngay cả khi bầu đại diện, thì cũng không nên chỉ xem xét ý chí của cử tri mà còn phải xem xét đến lợi ích của nhóm thiểu số.

1.2. Dân chủ thiểu số, trưng cầu ý dân phụ thuộc vào nhóm thiểu số giàu có và quyền lực

Nhiều quan điểm cho rằng nhóm giàu có và quyền lực đã chi phối kết quả trưng cầu ý dân chứ không phải nhân dân.[6] Những lợi ích vật chất đã được xác định trước khi trưng cầu và chính nhóm thiểu số này họ biết họ phải làm gì. Đây được xem là hình thức phân biệt đối xử của nhóm thiểu số đối với nhóm đa số. Điều này có vẻ nghịch lý nhưng lại đúng. Đồng tiền và quyền lực sẽ đóng vai trò quyết định khi những người sử dụng nó muốn gì.[7] Dân chủ trực tiếp là vũ khí của những nhóm lợi ích có tổ chức[8] chứ không phải thực sự của nhân dân vì bởi lẽ họ có đủ năng lực để thực hiện các chiến dịch nhằm làm cho tính chất và ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân nghiêng theo chiều hướng mà họ muốn. Nhóm lợi ích có thể là các nhà chính trị, truyền thông, tư bản tùy vào tính chất cùa cuộc trưng cầu ý dân. Ở nhiều nước tư bản, chiến dịch quảng cáo, chiến dịch chạy đua tranh cử hoặc thu thập ý kiến dân chúng không thể thiếu bàn tay của giới truyền thông và các nhà tư bản muốn tranh thủ cơ hội có lợi cho họ thông qua một dự luật hay các vấn đề được trưng cầu. Nghiên cứu của Stuart Wiljs-Heeg minh chứng là các cuộc trưng cầu ý dân bị tác động bởi các nhóm lợi ích, nhất là các nhóm lợi ích có nguồn tài chính mạnh (như các tập đoàn tư nhân, các đảng phái chính trị và các tổ chức chiến dịch).[9] Như vậy, khi mục đích của vấn đề trưng cầu ý dân được định hướng bởi một nhóm lợi ích nào đó thì trưng cầu ý dân “mang ý nghĩa giả hiệu”, không những nhân dân bị lợi dụng mà còn gây lãng phí lớn cho xã hội.[10]

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng các nhóm lợi ích tác động vào tiến trình chính trị hay tiến trình dân chủ chỉ vì lý do tồn tại hơn là vì mục đích trục lợi.[11] Cho dù là lý do gì, thì chúng ta cũng thấy rằng nó có thể làm lệch hướng quá trình dân chủ trực tiếp và làm giảm đi ý nghĩa thực sự của trưng cầu ý dân.

Ngoài ra, tùy thuộc vào phạm vi trưng cầu ý dân (phạm vi trung ương và phạm vi địa phương hoặc bang ở các quốc gia liên bang) mà có thể có xung đột lợi ích giữa các địa phương hoặc giữa địa phương với trung ương. Đây cũng là một dạng lợi ích mang tính cục bộ cần phải được xem như tác động không mong muốn khi thực hiện trưng cầu ý dân.

2. “Đặt cược” chính trị và sự giới hạn quyền lực nhà nước

Nhìn từ quan điểm chính trị, có thể cho rằng trưng cầu ý dân là một trò chơi lớn mang tính chính trị. Điều này là bởi bất kỳ nhà nước nào, suy cho cùng, cũng phải thống trị trên ba mặt: kinh tế, chính trị và tư tưởng. Nhà nước nào cũng có trách nhiệm với vận mệnh đất nước và với nhân dân. Tuy nhiên, khác với quyền tự quyết theo ý chí của mình, trưng cầu ý dân đã đặt trách nhiệm và quyền tự quyết của nhà nước trên bàn cân chính trị với tỷ lệ 50 – 50. Nhiều học giả cho rằng trưng cầu ý dân là “biến” một vấn đề thực tiễn mà nhà nước có thể xem xét hay không trở thành một vấn đề mang tính pháp lý mà nhà nước có trách nhiệm buộc phải thực hiện.[12]

Nhìn từ góc độ chủ quyền quốc gia, trưng cầu ý dân có xung đột với chủ quyền quốc gia hay chúng là hai vấn đề tương hỗ nhau? Đây là một trong những vấn đề rất nhạy cảm và cũng là nội dung gây nhiều tranh luận không riêng gì ở cấp độ quốc gia mà còn lan rộng khắp toàn cầu bởi vì nó liên quan mật thiết đến chính trị. Ngoài ra nó còn chỉ ra được mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội trong đó, liên quan đến trách nhiệm và giới hạn quyền lực nhà nước.[13] Trưng cầu ý dân mang giá trị và ý nghĩa của dân chủ trực tiếp nhưng chủ quyền quốc gia được xem là “đỉnh” của các giá trị và được Liên hợp quốc bảo vệ.[14] Thực tế cho thấy nếu dân chủ không có giới hạn thì có thể gây ra những tác động tiêu cực đến chủ quyền quốc gia.[15] Có sự tồn tại của quốc gia mới có thể đề xướng dự luật hay trưng cầu ý dân. Hơn thế nữa, trưng cầu ý dân sẽ không thực hiện được hoặc thực hiện không trọn vẹn nếu không thông qua sự ủng hộ và thực hiện bởi nhà nước. Mọi sự hô hào sẽ vô nghĩa nếu không có sự tác động của nhà nước.[16] Không nên sử dụng trưng cầu ý dân như một công cụ chính trị để nhằm làm thay đổi một thể chế chính trị hay làm ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia.

Chủ quyền quốc gia là một vấn đề thiêng liêng và mang ý nghĩa sống còn đối với một nhà nước cụ thể. Nhiều quốc gia trên thế giới đã đổ biết bao xương máu, bao nhiêu sự hy sinh để có một chủ quyền cho đất nước. Vì lẽ đó, hiến pháp của một số quốc gia quy định là không can thiệp vào vấn đề chủ quyền quốc gia và quyền con người bằng các cuộc trưng cầu ý dân (ví dụ Albania, Croatia) và đây được cho là sự giới hạn mang tính bản chất (intrinsic limit).[17] Tuy nhiên, cũng có nhiều quốc gia sử dụng trưng cầu ý dân để kêu gọi độc lập (hoặc phụ thuộc vào quốc gia khác như một phần liên hiệp về cả thể chế chính trị lẫn các hoạt động kinh tế, xã hội) cho một vùng lãnh thổ hoặc quốc gia. Nhà nước muốn trao cho nhân dân quyền tự quyết về định hướng cụ thể của đất nước và định hướng đó sẽ quyết định vận mệnh của người dân. Guinea và Đông Timor là một ví dụ. Guinea trưng cầu ý dân để quyết định tiếp tục hay không là thuộc địa bảo hộ của Pháp năm 1958. Đông Timor trưng cầu ý dân năm 1999 và kết quả là lãnh thổ này tách ra khỏi Indonesia để trở thành một nước độc lập.

Như vậy, việc trưng cầu độc lập thường xảy ra ở các nước thuộc địa hoặc phụ thuộc. Qua nghiên cứu thì thấy rằng đối với các nước không phụ thuộc và ổn định về thể chế chính trị, không thấy xuất hiện trưng cầu ý dân về sự độc lập.

Như vậy, trưng cầu ý dân về sự độc lập tương đối phổ biến nhưng theo nghiên cứu của tác giả, có một phát hiện lý thú là yêu cầu trưng ý dân về hình thức nhà nước, nhất là về hình thức chính thể hay thay đổi thể chế nhà nước thì không phổ biến.

3. Giới hạn quyền của cơ quan đại diện

Trong sự tương tác giữa dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp nhìn từ góc độ trưng cầu ý dân, nhiều quan điểm cho rằng dân chủ đại diện là dân chủ yếu (thin democracy). Nó giống hình thức quân chủ hơn là dân chủ vì nó làm triệt tiêu quyền tham gia của nhân dân vào các vấn đề của đất nước một cách trực tiếp và nhân dân không được đưa ra những quyết định mang tính chất công.[18] Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác phản đối cho rằng không phải mọi người dân đều là những chuyên gia và họ không phải là người đưa ra các quyết định mang tính chuyên nghiệp.[19] Quan trọng hơn, sở dĩ có quan điểm không ủng hộ dân chủ đại diện như vậy bởi lẽ các nhà khoa học chỉ dựa vào các trường hợp của các quốc gia có dân chủ đại diện hoạt động không hiệu quả hoặc tham nhũng. Cách đơn giản để giải quyết vấn đề là tăng cường trách nhiệm để phát huy vai trò của dân chủ đại diện.[20]

Trong phạm vi nghiên cứu này, tác giả chỉ đề cập tác động không mong muốn khi trưng cầu ý dân, đó là làm giảm giá trị của cơ quan đại diện hoặc ngược lại, thẩm quyền của cơ quan đại diện cũng có thể làm giảm giá trị và ý nghĩa của trưng cầu ý dân chứ không nghiên cứu sâu về mối tương tác giữa dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp.

3.1. Trưng cầu ý dân làm giảm vai trò và ý nghĩa của dân chủ đại diện

Hình thức dân chủ đại diện hiện nay rất phổ biến trong việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước nhưng nhiều ý kiến cho rằng dân chủ trực tiếp thông qua trưng cầu ý dân đã làm hạ thấp giá trị dân chủ đại diện,[21] nhất là thẩm quyền của nghị viện và đại diện dân cử ở địa phương. Điều này bởi lẽ trưng cầu ý dân đã trao nhân dân thẩm quyền cao hơn cả “cơ quan quyền lực nhà nước tối cao”. Tuy cũng là hình thức thực hiện dân chủ của người dân nhưng trong vấn đề này lại phát sinh những bất cập nhất định. Một là, có thể có xung đột giữa hai hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp khi mà dân chúng bỏ phiếu tán thành một vấn đề nhưng nghị viện hay quốc hội không muốn thông qua vấn đề đó. Hai là, thẩm quyền của cơ quan đại diện tối cao bị “phớt lờ” vì họ không thể ngăn chặn hay hủy bỏ kết quả trưng cầu ý dân.

Đa phần, đã trưng cầu ý dân thì đồng nghĩa với việc chấp nhận thẩm quyền của cơ quan đại diện ít nhiều bị giới hạn. Một số quốc gia đưa ra cách giải quyết xung đột nếu có sự bất đồng trong việc trưng cầu ý dân giữa các quan đại diện và nhân dân. Ví dụ ở Thụy Sĩ, nếu có việc đề xướng dự luật nhưng nghị viện không đồng ý, nghị viện có thể thông qua một đề nghị không đề xướng dự luật và đề nghị ngày được đồng thời cùng bỏ phiếu với trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, một số quốc gia khác thì khó khăn hơn trong việc cân bằng tính ổn định và hiệu quả của cơ quan đại diện với việc trưng cầu ý dân.[22]

3.2. Dân chủ đại diện có thể làm hạn chế dân chủ trực tiếp

Việc cơ quan đại diện tham gia tác động vào quá trình trưng cầu ý dân có thể làm hạn chế dân chủ trực tiếp. Đó là sự can thiệp và điều chỉnh các vấn đề đưa ra trưng cầu và chủ thể có thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân.

Đối với việc quyết định các vấn đề cần trưng cầu ý dân, cơ quan đại diện đã phần nào giới hạn lại rủi ro về quyền lợi chính trị hay kinh tế của họ. Ngoài ra, với cách làm này, họ có thể sử dụng sức mạnh đa số nhằm đạt được những mục đích riêng.

Đối với chủ thể có thẩm quyền đưa ra các vấn đề trưng cầu ý dân, hiến pháp nhiều nước trên thế giới trao quyền cho nghị viện hoặc nguyên thủ quốc gia hoặc cả hai. Ví dụ ở Pháp, Tổng thống có thể tự mình hoặc cùng với Nghị viện đưa ra vấn đề trưng cầu ý dân. Riêng trường hợp xem xét lại Hiến pháp thì chỉ có Nghị viện mới có quyền đề nghị. Đối với trường hợp Bồ Đào Nha thì phải có sự thống nhất giữa Tổng thống và Nghị viện hoặc Tổng thống với Chính phủ thì mới có thể đưa một vấn đề ra trưng cầu ý dân. Đối với một số quốc gia khác như Phần Lan, Latvia thì chỉ có nghị viện mới có thẩm quyền yêu cầu trưng cầu ý dân, riêng Úc thì Hội đồng quốc gia sẽ quyết định điều đó.[23]

4. Nguy cơ vi hiến

Về cơ bản, chúng ta thấy có trưng cầu ý dân bắt buộc (mandatory referendums), trưng cầu ý dân bất thường hay trưng cầu ý dân theo yêu cầu của người có thẩm quyền (extraordinaty referendums hoặc referendums at the request of an authority), trưng cầu ý dân theo yêu cầu của cử tri (referendums at the request of part of the electorate).

Trưng cầu ý dân bắt buộc là hình thức khi có văn bản đệ trình yêu cầu trưng cầu ý dân đã được nghị viện thông qua. Trường hợp này thường xảy ra đối với yêu cầu bổ sung, thay đổi hiến pháp (như Thụy Sĩ, Ireland, Đan Mạch, Áo, Tây Ban Nha). Trưng cầu ý dân bất thường hay trưng cầu ý dân theo yêu cầu của người có thẩm quyền, thường được thực hiện theo yêu cầu  tổng thống (như Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp) hoặc theo thỏa thuận giữa nghị viện và tổng thống (Bồ Đào Nha). Trưng cầu ý dân theo yêu cầu của cử tri không phổ biến hơn hai hình thức kia và thường chia làm hai loại, trưng cầu ý dân không bắt buộc bình thường và nhân dân đề xướng dự luật (như Thụy Sĩ, Italy).

Về cơ sở pháp lý, trưng cầu ý dân thường được quy định trong hiến pháp (Nga, Đan Mạch, Tây Ban Nha), hoặc Luật Trưng cầu ý dân (Canada, Phillipines, Phần Lan, Na Uy). Tuy nhiên cũng có nhiều nước hiến pháp không quy định về vấn đề này, do đó, việc trưng cầu ý dân có thể bị xem là vi hiến. Ở Bỉ, trưng cầu ý dân không được quy định trong Hiến pháp hay bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào. Các quyết định trưng cầu ý dân được xem là vi hiến.[24] Nhiều quốc gia quy định là trưng cầu ý dân phải phù hợp với hiến pháp (Estonia, Bồ Đào Nha, Nga, Thụy Sĩ) hoặc phù hợp với hiến pháp và pháp luật quốc tế (như Đan Mạch, Hy Lạp, Ý).[25]

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu trưng cầu ý dân không quy định trong hiến pháp (đặc biệt là trưng cầu ý dân theo yêu cầu của người có thẩm quyền và trưng cầu ý dân theo yêu cầu của cử tri) thì cần phải có cơ chế kiểm soát nhằm tránh tình trạng vi phạm hiến pháp. Nhiều nước trên thế giới xem xét vấn đề trưng cầu ý dân có hợp hiến hay không thông qua giám sát tư pháp (cụ thể là tòa án hiến pháp đối với những quốc gia có tòa án hiến pháp, hoặc tòa án tối cao đối với các quốc gia không có tòa án hiến pháp). Theo thủ tục này, tòa án sẽ xem xét toàn bộ quá trình hoặc chỉ xem xét một giai đoạn nào đó của quá trình trưng cầu ý dân. Nếu tòa án xem xét toàn bộ quá trình thì tòa án sẽ xem xét từ các vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân đến thủ tục trưng cầu, quyền bỏ phiếu, hiệu lực của kết quả trưng cầu và cuối cùng là kiểm soát việc thi hành kết quả trưng cầu ý dân.

Nếu tòa án chỉ xem xét một khía cạnh nào đó hoặc một giai đoạn nhất định của quá trình trưng cầu ý dân thì pháp luật cũng phải quy định rõ điều đó. Ở một số nước (ví dụ Hungary, Ý, Thụy Sĩ, Ba Lan, Nga), tòa án xem xét xem những vấn đề đưa ra trưng cầu có hợp hiến hay không. Một số nước khác thì yêu cầu tòa án phải xác định vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân có phù hợp với pháp luật nói chung hay không (ví dụ Cộng hòa Lithuania). Riêng ở Úc, Pháp,

Hy Lạp thì Tòa án tối cao đặc biệt sẽ xem xét trình tự thủ tục thực hiện trưng cần ý dân (không xem xét quyết định trưng cầu), ở Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ và Ireland thì Ủy ban Bầu cử quốc gia tối cao sẽ phụ trách vấn đề này. Việc xem xét này có thể dẫn đến kết quả là trưng cầu ý dân vô hiệu.[26]

Kết luận

Trưng cầu ý dân là một hình thức quan trọng trong việc thực hiện dân chủ trực tiếp của nhân dân, là hình thức biểu hiện đỉnh cao của nền dân chủ. Không ai phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân bằng chính nhân dân.[27] Tuy nhiên, qua phân tích trên thì quá trình trưng cầu ý dân có thể dẫn đến những tác động không mong muốn. Những tác động này nếu không được xử lý một cách thấu đáo thì trưng cầu ý dân đôi khi lại có tác dụng ngược, không phải ánh được nguyện vọng và ý chí của nhân dân và làm hạn chế hoặc thậm chí làm thụt lùi quá trình phát triển dân chủ trực tiếp.

Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân. Một lần nữa tác giả muốn khẳng định là việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là hết sức cần thiết. Do đó, những tác động không mong muốn mà tác giả nghiên cứu là một lưu ý nhỏ nhằm góp phần vào việc xây dựng luật với mong muốn Việt Nam sẽ có một Luật Trưng cầu ý dân thể hiện trọn vẹn ý nghĩa dân chủ nhưng vẫn đảm bảo vững mạnh thể chế chính trị và ổn định đất nước.

CHÚ THÍCH

[1] Mads Qvortrup, A Comparative study of referendums: Government by the pepole, (trích từ The Origin of Inequality của Jean Jacques Rousseau), Manchester Universiy Press, 2002, tr. 154.

[2] Constitution Committee, Referendums in the United Kingdom (2015), http://www.publications.parliament.uk/pa/ld200910/ldselect/ldconst/99/9904.htm#a15 (truy cập 20/04/2015).

[3] Priscilla F. Gunn, Initiatives and Referendums: Direct Democracy and Minority Interests, Urban Law Annual, Journal of Urban and Contemporary Law, số 22, tr. 137.

[4] Constitution Committee, Referendums in the United Kingdom (2015), http://www.publications.parliament.uk/pa/ld200910/ldselect/ldconst/99/9904.htm#a15 (truy cập 20/04/2015).

[5] Yves Beigbeder, Oxford Public International, Referendum,.(2015),.http://opil.ouplaw.com/view/10.1093/law:epil/9780199231690/law-9780199231690-e1088 (truy cập 20/04/2015).

[6] Constitution Committee, Referendums in the United Kingdom (2015), http://www.publications.parliament.uk/pa/ld200910/ldselect/ldconst/99/9904.htm#a15 (truy cập 20/04/2015).

[7] Simon Hug, Some Thoughts about Referendums, Representative Democracy, and Seperation of Power, Bài tham luận tại Hội thảo “Separation of Power: New Doctrinal Perspectives and Empirical Findings”, Haifa, 19-21/12/2007, tr. 6.

[8] United Kingdom, Constitution Committee, Claimed negative features of referendums, Referendums in the United Kingdom (2015), http://www.publications.parliament.uk/pa/ld200910/ldselect/ldconst/99/9904.htm#a15 (truy cập 20/04/2015).

[9] Constitution Committee, Referendums in the United Kingdom (2015), http://www.publications.parliament.uk/pa/ld200910/ldselect/ldconst/99/9904.htm#a15 (truy cập 20/04/2015).

[10] Nguyễn Tất Thịnh, Về trưng cầu ý dân, http://tamnhin.net/ve-trung-cau-dan-y.html,.(truy.cập 20/04/2015).

[11] David Lowry, Why Do Organized Interests Lobby? A Multi-Gold, Multi-Context Theory of Lobbying (2007), Polity, Volume 39, Số 1, tr. 30.

[12] Yves Beigbeder, Oxford Public International, Referendum,  (2015), http://opil.ouplaw.com/view/10.1093/law:epil/9780199231690/law-9780199231690-e1088 (truy cập 20/04/2015).

[13] Diane K Mauzy, The Human Rights and Asian Values Debate in Southeast Asia: Trying to Clarify the Key Issues (1997) 10(2) Pacific Review 210, tr. 210.

[14] Điều 2, Hiến chương Liên hợp quốc.

[15] Melanne Andromecca Civic, A Comparative Analysis of International and Chinese Human Rights Law – Universality versus Cultural Relativism (1995–1996) 2 Buffalo Journal of International Law 285, tr.  291.

[16] Bill Barker, Getting Government to Listen in Sam Garkawe, Loretta Kelly and Warwick Fisher (eds), Indigenous Human Rights, 2001, tr. 216.

[17] Coucil for Democratic Elections, Venice Commission, Referendum in Europe – An Analysis of the Legal Rules in European States, 2005, tr. 15.

[18] John Haskell, “Direct Democracy or Representative Government? Dispelling the Populist Myth”, 2001, Westview Press, tr. 88.

[19] Simon Hug, Some Thoughts about Referendums, Representative Democracy, and Seperation of Power, Bài tham luận tại Hội thảo “Separation of Power: New Doctrinal Perspectives and Empirical Findings”, Haifa, 19-21/12/2007, tr. 9.

[20] John Haskell, Direct Democracy or Representative Government? Dispelling the Populist Myth (2001), Westview Press, tr. 98.

[21] Simon Hug, Some Thoughts about Referendums, Representative Democracy, and Seperation of Power, Bài tham luận tại Hội thảo “Separation of Power: New Doctrinal Perspectives and Empirical Findings”, Haifa, 19-21/12/2007, tr. 9.

[22] Ace, Referendums and Plebiscites, http://aceproject.org/main/english/es/esc01a.htm (truy cập 22/04/2015).

[23] Coucil for Democratic Elections, Venice Commission, Referendum in Europe – An Analysis of the Legal Rules in European States, 2005, tr. 7 – 8.

[24] Coucil for Democratic Elections, Venice Commission, Referendum in Europe – An Analysis of the Legal Rules in European States, 2005, tr. 5.

[25] Coucil for Democratic Elections, Venice Commission, Referendum in Europe – An Analysis of the Legal Rules in European States, 2005, tr. 15.

[26] Coucil for Democratic Elections, Venice Commission, Referendum in Europe – An Analysis of the Legal Rules in European States, 2005, tr. 24 – 25.

[27] Vũ Văn Nhiêm, “Một số vấn đề về trưng cầu ý dân”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 01 (32), 2006.

Tác giả: Phan Nhật Thanh* – TS, Phó trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 07/2015 (92) – 2015, Trang 43-48

Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Bảo đảm tính thống nhất giữa bộ luật lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Bảo đảm tính thống nhất giữa bộ luật lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động - Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam
Thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động – Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
Một số góp ý về quy định liên quan đến tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Một số góp ý về quy định liên quan đến tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Chuyên mục: Hiến pháp, Hiến pháp Việt Nam Từ khóa: Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 07/2015, Trưng cầu ý dân

Previous Post: « Giám sát tư pháp các cuộc trưng cầu ý dân ở Hoa Kỳ: Nguyên tắc quy trình chính trị và việc bảo đảm quyền con người
Next Post: Nhận định khả năng áp dụng pháp luật trưng cầu ý dân tại Việt Nam »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • Cạnh tranh
  • Dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
  • Đất đai
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự (188)
    • Luật Hình sự – Phần chung (46)
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm (2)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Luật Tố tụng hình sự (59)
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Kiến thức chung
    • Lịch sử văn minh thế giới
  • Lao động (29)
  • Luật Thuế (11)
  • Lý luận chung Nhà nước & Pháp luật (123)
  • Môi trường (22)
  • Ngân hàng (9)
  • Pháp luật đại cương (15)
  • Quốc tế (137)
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế (1)
    • Công pháp quốc tế (22)
    • Luật Đầu tư quốc tế (16)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Thương mại quốc tế (54)
    • Tư pháp quốc tế (6)
  • Thương mại (70)
  • Tội phạm học (4)
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh (7)

Thống kê: iluatsu.com

  • 10 Chuyên mục
  • 1051 Bài viết
  • 2989 Lượt tư vấn

Footer

Bình luận mới nhất:

  • Đinh Thị Kim Ngân trong [EBOOK] Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam pdf
  • LS. Hoàng Minh Hùng trong [EBOOK] Giáo trình Luật Tố tụng hành chính Việt Nam pdf
  • LS. Hoàng Minh Hùng trong [EBOOK] Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam pdf
  • LS. Hoàng Minh Hùng trong [PDF] Tư duy pháp lý của Luật sư – Ebook
  • LS. Hoàng Minh Hùng trong [EBOOK] Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam pdf

Bài viết mới:

  • [PDF] Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 – Phần chung 15/02/2021
  • Các bước để trở thành Luật sư ở Việt Nam 29/01/2021
  • [CÓ ĐÁP ÁN] Câu hỏi ôn tập môn Triết học 28/01/2021
  • Tăng cường thực thi pháp luật môi trường tại Việt Nam thông qua nội luật hóa Công ước Basel 1989 27/01/2021
  • Những nội dung mới của BLTTHS 2015 về bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong TTHS 26/01/2021

Giới thiệu:

Luật sư Online (https://iluatsu.com) là một web/blog cá nhân, chủ yếu chia sẻ tài liệu, kiến thức pháp luật, tình huống pháp lý và đặc biệt là tư vấn luật hoàn toàn miễn phí…  Hi vọng bạn sẽ tìm thấy nhiều điều bổ ích trên website và đừng quên ghé thăm thường xuyên bạn nhé! Chúng tôi luôn: Tận tâm – Tận tình – Tận tụy!

Copyright © 2021 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng