Tổ chức hành chính – lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam
Cấu trúc hành chính – Nhà nước hay còn gọi là hình thức cấu trúc lãnh thổ là một trong ba phần cơ bản của cấu thành hình thức nhà nước bao gồm hình thức chính thể, chế độ chính trị và cấu trúc hành chính – nhà nước.
Xem thêm:
- Hợp lý hóa tổ chức đơn vị hành chính – lãnh thổ nhằm cải cách hành chính nhà nước hiệu quả – ThS. Nguyễn Ngọc Toán
- Hình thức cấu trúc là gì? Phân biệt nhà nước đơn nhất với nhà nước liên bang
- Hình thức chính thể là gì? Phân tích khái niệm hình thức chính thể?
- Phân tích sự biến đổi của chính thể cộng hòa qua các kiểu nhà nước?
- Bản chất, chức năng và hình thức Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam
1. Khái niệm cấu trúc hành chính – nhà nước
1.1. Cấu trúc hành chính nhà nước là gì?
Cấu trúc hành chính – Nhà nước hay còn gọi là hình thức cấu trúc lãnh thổ là một trong ba phần cơ bản của cấu thành hình thức nhà nước bao gồm hình thức chính thể, chế độ chính trị và cấu trúc hành chính – Nhà nước.
Khái niệm cấu trúc hành chính – Nhà nước thể hiện cơ cấu bên trong của nhà nước, thành phần và các bộ phận cấu thành của nó, cơ cấu hành chính – lãnh thổ.
Cấu trúc hành chính – Nhà nước quyết định hình thức Nhà nước, đó là nhà nước đơn nhất hay liên bang, quyết định những nguyên tắc pháp lý của mối quan hệ qua lại giữa nhà nước và các bộ phận của nó và quyết định hình thức phân chia hành chính – lãnh thổ.
Hiến pháp các nước, nhất là các nước liên bang như Mỹ, Nam Tư, Liên Xô (cũ) đều dành một phần quan trọng để quy định về cấu trúc -nhà nước, xác nhận và ghi nhận thẩm quyền của các chủ thể cấu thành nó.
Ví dụ: Điều 4 Hiến pháp Mỹ 1787 có quy định “ … không một tiểu bang mới nào sẽ được thành lập hoặc xây dựng trên lãnh thổ của một tiểu bang khác, và cũng không một tiểu bang nào được thành lập bằng sự liên kết của hai tiểu bang, hoặc nhiều phần tiểu bang nếu không có sự thỏa thuận của các cơ quan lập pháp của các tiểu bang có liên quan cũng như Quốc hội của liên bang. Quốc hội liên bang sẽ có quyền sử dụng hoặc quyền làm mọi đạo luật và quy pháp cần thiết liên can tới các lãnh thổ hoặc các tài sản khác của Hiệp chủng quốc…”
Hình thức cấu trúc – nhà nước không phải được đặt ra một cách tùy tiện mà nó phụ thuộc và tuân theo những quy luật chung của sự phát triển xã hội, phụ thuộc vào những điều kiện lịch sử cụ thể của mỗi quốc gia.
1.2. Các yếu tố chi phối hình thức cấu trúc nhà nước
Thông thường hình thức cấu trúc nhà nước được quyết định bởi ba yếu tố:
– Bản chất của nhà nước
– Sự tương quan lực lượng giai cấp trong xã hội
– Mức độ hiệu quả của hình thức cấu trúc được chọn
Trên một đất nước có nhiều dân tộc sống tách biệt nhau song vẫn có thể tổ chức theo kiểu nhà nước đơn nhất nếu điều đó phục vụ yêu cầu thống nhất không gian liên kết kinh tế (nhất là các nước tư bản). Nhưng cũng có nước vốn là nhà nước đơn nhất song do tương quan lực lượng giai cấp nên vẫn có thể bị chia cắt và tổ chức lại theo hình thức liên bang… Nghĩa là hình thức tổ chức nhà nước phải bảo đảm thể hiện và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, củng cố quyền lực nhà nước.
1.3. Phân loại hình thức cấu trúc nhà nước
Trên thế giới có ba hình thức cấu trúc nhà nước cơ bản: Nhà nước đơn nhất, nhà nước liên bang và nhà nước liên minh
1.3.1. Nhà nước đơn nhất
Nhà nước đơn nhất có thể gồm một dân tộc hoặc nhiều dân tộc. Nhà nước đơn nhất một dân tộc thường thấy ở Châu Âu. Nhà nước đơn nhất nhiều dân tộc phổ biến ở phương đông nơi mà nhà nước tư sản ra đời trên cơ sở các quốc gia phong kiến cát cứ.
1.3.2. Nhà nước liên bang
Nhà nước liên bang là nhà nước mà trong thành phần của nó có một số quốc gia hoặc lãnh thổ quốc gia riêng rẽ liên minh lại. Các quốc gia, lãnh thổ đó là chủ thể của liên bang. Hình thức nước liên bang thường được tổ chức phổ biến ở các quốc gia có nhiều lãnh thổ, nhiều dân tộc tách biệt. Tuy nhiên có nhiều liên bang tài sản lại là những quốc gia có một dân tộc như Cộng hòa liên bang Đức, Áo, Vênêxuêla; một số nước tư bản có hình thức nhà nước liên bang từ lâu nhưng vẫn giữ nguyên đến nay như Hoa Kỳ, Thuỵ sĩ, Canada… Do tính chất tập trung quyền lực chính trị tư sản mà ở các quốc gia liên bang này có sự tăng cường quyền lực của Trung ương và hạn chế quyền hạn của các chủ thể.
1.3.3. Nhà nước liên minh
Nhà nước liên minh là hình thức nhà nước do nhiều quốc gia độc lập liên hiệp lại trên cơ sở hiệp ước, song chúng không có cơ cấu bộ máy nhà nước chung, hình thức này đến nay không còn tồn tại nữa, trước đây có Áo (trước 1948), Mỹ (1776 – 1787), Đức (1815 – 1966).
Về thẩm quyền của nhà nước, giữa nhà nước liên bang và nhà nước đơn nhất cũng có những đặc thù riêng của mỗi hình thức.
Trong nhà nước liên bang, liên bang thực hiện những thẩm quyền thuộc chủ quyền của các chủ thể trao cho. Đây là vấn đề được qui định trong Hiến pháp liên bang. Nhà nước liên bang là người đại diện cho chủ quyền nhân dân trong liên bang chứ không phải cho chủ quyền dân tộc. Việc phân quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trong nhà nước liên bang cũng khác so với nhà nước đơn nhất. Như vậy các chủ thể của liên bang về hình thức là một nhà nước đơn nhất, song quyền hạn của chúng không còn nguyên vẹn như một nhà nước đơn nhất độc lập.
2. Hình thức cấu trúc nhà nước của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Thời Pháp thuộc nước ta chia làm ba kỳ với ba chế độ khác nhau ở Bắc, Trung, Nam. Đó không phải là sự bảo đảm quyền tự trị mà là “để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết” (Hồ Chí Minh – Tuyên ngôn độc lập).
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền về tay nhân dân. Tuyên ngôn độc lập tuyên bố nước Việt Nam độc lập, thóat khỏi ách thống trị của thực dân và đánh đổ chế độ quân chủ, lập nên chế độ dân chủ cộng hòa.
Hiến pháp 1946 quy định “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia” (Điều 2).
Nhưng đế quốc Mỹ đã phá hoại Hiệp định Giơnevơ bằng cách hất cẳng Pháp, đưa bọn tay sai Ngô Đình Diệm vào để lập chính quyền bù nhìn ở miền Nam, phá hoại hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất của nước ta.
Xét về mặt pháp lý, giới tuyến quân sự tạm thời (vĩ tuyến 17) không phải là biên giới quốc gia. Song chính quyền Ngô Đình Diệm được Mỹ giúp đỡ đã ngày càng củng cố, được một số quốc gia thừa nhận. Thực tế trên đất nước ta đã hình thành hai nhà nước: Việt Nam dân chủ cộng hòa và Việt Nam cộng hòa.
Năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng.
Năm 1976, thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Đó là sự thống nhất giữa Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam, lấy tên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hiến pháp 1980 khẳng đối với “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”.
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước đơn nhất, có chủ quyền độc lập và tự chủ trong việc thực hiện các chức năng của mình ở trong nước và trên các quan hệ quốc tế.
Xem thêm:
3. Phân chia hành chính – lãnh thổ
3.1. Phân chia hành chính – lãnh thổ là gì?
Phân chia hành chính – lãnh thổ là việc chia lãnh thổ quốc gia ra các đơn vị hành chính – lãnh thổ để tổ chức quyền lực nhà nước (hay quản lý nhà nước địa phương) ở địa phương. Tính chất phân chia hành chính -lãnh thổ phụ thuộc vào bản chất của nhà nước. Chẳng hạn như trong các nhà nước bóc lột, việc phân chia này thuần tuý vì lợi ích giai cấp bóc lột vì sự cai trị và trấn áp quần chúng nhân dân lao động.
Nhà nước kiểu mới của nhân dân lao động chia lãnh thổ không phải để cai trị mà để tố chức đời sống dân cư, nhằm phân phối hợp lý, công bằng tài sản quốc dân và thu nhập quốc dân.
Phân chia hành chính – lãnh thổ phản ánh một trong những đặc điểm của việc tổ chức nhà nước là phân chia dân cư theo lãnh thổ. Dân cư ở mỗi đơn vị hành chính – lãnh thổ là chủ thể, với ý chí của họ hình thành nên cơ quan nhà nước ở địa phương.
3.2. Nguyên tắc phân chia hành chính – lãnh thổ
Việc phân chia các điểm dân cư và đất đai khác nhau thành các đơn vị hành chính – lãnh thổ phải dựa trên những nguyên tắc nhất định. Các nguyên tắc đó là:
3.2.1. Nguyên tắc kinh tế
Nguyên tắc kinh tế trong phân chia hành chính – lãnh thổ đòi hỏi phải tính đến đặc điểm và phương hướng phát triển nền kinh tế trên kinh tế, phải tính đến số lượng và mật độ dân cư, khả năng gắn bó với các trung tâm kinh tế và tình hình giao thông.
3.2.2. Nguyên tắc dân tộc
Nguyên tắc dân tộc đòi hỏi phải tính toán đến toàn diện đến các thành phần dân tộc trong dân cư, bảo đảm phát triển đồng đều của các dân tộc và các sắc tộc. Cần có hình thức tự trị phù hợp, như trước đây nước ta đã thành lập các đơn vị hành chính khu tự trị ở Việt Bắc và Tây Bắc. Nay không còn các đơn vị hành chính này nữa song vẫn có sự phân biệt các tỉnh đồng bằng, đô thị và tỉnh miền núi.
3.2.3. Nguyên tắc bộ máy gần gũi với dân cư
Nguyên tắc bộ máy gần gũi với dân cư đòi hỏi chính quyền phải gần dân, giải quyết yêu cầu chính đáng của nhân dân, mặt khác phải để cho nhân dân có thể tham gia quản lý nhà nước, phát huy tính sáng tạo của quần chúng. Để bảo đảm điều này, đơn vị hành chính phải có diện tích, khoảng cách vừa đủ phù hợp với khả năng quản lý của bộ máy quản lý và phải tổ chức thành nhiều cấp độ, để dễ dàng trong việc chỉ đạo, điều hành và kiểm tra, giám sát cấp dưới giải quyết các nhu cầu của dân.
Ngoài ra còn có các nguyên tắc khác như: bảo đảm điều kiện tự nhiên, an ninh quốc phòng, truyền thống văn hóa và mối quan hệ với các đơn vị hành chính khác.
3.2 Quá trình phát triển phân chia hành chính – lãnh thổ nước ta
Thời Pháp thuộc, nước ta chia làm ba kỳ; kỳ chia ra tỉnh; tỉnh chia ra phủ, huyện; huyện chia ra tổng và cuối cùng là xã.
3.2.1. Theo Hiến pháp 1946
Theo Hiến pháp 1946, nước ta chia ra làm ba bộ, mỗi bộ chia thành tỉnh, tỉnh chia thành huyện, huyện chia thành xã, có các thành phố và thị xã.
Ở tỉnh, thành phố, thĩ xã và xã có Hội đồng nhân dân. Hội đồng nhân dân cử ra Uỷ ban hành chính.
Ở bộ và huyện có Uỷ ban hành chính do Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp bầu ra.
3.2.2. Theo Hiến pháp 1959
Theo Hiến pháp 1959, nước ta chia ra tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương. Tỉnh chia ra huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã; huyện chia ra xã, thị trấn.
Thành phố trực thuộc Trung ương có thể chia ra khu phố theo quyết định của Hội đồng Chính phủ.
Các cấp đều có Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính.
3.2.3. Theo Hiến pháp 1980
Theo Hiến pháp 1980, nước ta chia ra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính tương đương.
Tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã, thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện và thị xã.
Huyện chia thành xã và thị trấn; thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường và xã, quận chia thành phường.
Ở tất cả các đơn vị hành chính đều thành lập Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
3.2.4. Theo Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013
Theo Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013 giữ nguyên cách phân chia đơn vị hành chính như hiện hành, chỉ bỏ đơn vị đặc khu. Các đơn vị hành chính kể trên được phân chia ba cấp:
- Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã
- Xã, phường, thị trấn
Số đơn vị cụ thể lúc đầu là tỉnh: 36; thành phố trực thuộc Trung ương: 3; đặc khu: 1; thành phố thuộc tỉnh, thị xã: 68; huyện: 433; quận: 20; thị trấn: 297; phường: 800; xã: 9560 đơn vị.
Sau nhiều lần phân chia lại thành các đơn vị đến cuối năm 1997 tổng số các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương là: 61 (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng là bốn thành phố trực thuộc Trung ương); huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã: trên 600; xã, phường, thị trấn: hơn 10.000 đơn vị.
Đến nay tổng số tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương là 63 đơn vị.
3.3 Thẩm quyền của các đơn vị hành chính – lãnh thổ
3.3.1. Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Địa vị pháp lý của các đơn vị hành chính này được qui định trong Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân và Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở mỗi cấp. Ngoài ra, còn được quy định trong một số văn bản khác.
Chính quyền cấp tỉnh ngoài những quyền hạn được qui định chung cho chính quyền quản lý nhà nước cấp tỉnh, còn có quyền hạn đối với một số vấn đề sau:
+ Quyết định chủ trương về xây dựng và hoạt động của các đơn vị kinh tế (công, nông, ngư), liên kết với các đơn vị kinh tế Trung ương đóng ở địa phương, hình thành cơ cấu kinh tế công – nông nghiệp.
Quyết định cân đối kế hoạch trên địa bàn tỉnh, quyết định chủ trương phát triển hàng xuất khẩu.
Quyết định chủ trương về xây dựng và hoạt động của các cơ sở văn hóa, giáo dục.
+ Quyết định chủ trương kế hoạch xây dựng huyện và cấp tương đương.
3.3.2 Huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã
Về địa vị pháp lý hành chính này tương đương nhau, tuy nhiên quy chế pháp lý của chúng có những đặc điểm khác nhau.
Về cấp huyện, ngoài quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Pháp lệnh về nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở mỗi cấp còn có thêm các văn bản phân cấp chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp huyện.
Theo quy định của pháp luật thì các cấp chính quyền các đơn vị hành chính kể trên có các quyền hạn và Toà án nhân dân trong lĩnh vực kinh tế, khoa học – kỹ thuật, văn hóa – xã hội và đời sống, an ninh quốc phòng, pháp chế xã hội chủ nghĩa quy định chung cho chính quyền nhà nước cấp này. Ngoài ra còn có quyền hạn sau:
+ Quyết định chủ trương và củng cố các hợp tác xã và các tổ chức kinh tế tập thể khác.
+ Quyết định việc xây dựng các xí nghiệp, trạm, trại, và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ của huyện, các cơ sở văn hóa và thông tin, giáo dục, y tế và xã hội của huyện.
3.3.3 Xã, phường, thị trấn
Chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp này chủ yếu là quản lý hành chính – nhà nước, quản lý và chăm lo phục vụ đời sống dân cư.
Về quản lý kinh tế, cấp xã có chức năng chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh. Theo quy định thì không tổ chức các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc phường. Phường chỉ quản lý nhà nước về mặt kinh tế trên các mặt kiểm tra, giám sát.
Ở nước ta hiện nay, đơn vị hành chính xã thường bao gồm một số làng, thôn, ấp, bản. Đây là khu vực dân cư được hình thành theo địa lý tự nhiên, là đơn vị trực thuộc xã. Thôn, xóm hiện tại không phải là một đơn vị hành chính; trưởng thôn không phải là một cấp chính quyền mà chỉ là “cánh tay” của chính quyền xã, giúp Ủy ban nhân dân xã quản lý nhà nước ở thôn, xóm và thực hiện một số quyền tự quản ở cơ sở.
3.4 Thủ tục phân vạch, điều chỉnh địa giới hành chính
Hội đồng nhân dân các cấp thông qua đề án phân vạch địa giới đơn vị hành chính ở địa phương và đề nghị cấp trên xét.
Quốc hội quyết định việc phân vạch địa giới (thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) theo đề nghị của Chính phủ.
Chính phủ quyết định việc thành lập, sáp nhập, chia, điều chỉnh các đơn vị hành chính các cấp còn lại theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh có liên quan.
Sau khi thành lập đơn vị hành chính mới đó sẽ tiến hành tổ chức các cơ quan chính quyền theo quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cũng như Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Xem thêm:
- Những điểm mới cơ bản của Hiến pháp năm 2013 mở đường cho đổi mới tổ chức chính quyền địa phương – PGS.TS. Trương Đắc Linh
- Xây dựng “Luật Tổ chức chính quyền địa phương” theo định hướng đổi mới của Hiến pháp 2013 – PGS.TS. Trương Đắc Linh
- Vị trí và tính chất pháp lý của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt theo Hiến pháp 2013 và các văn bản có liên quan – ThS. Lê Thị Hồng Nhung
- Đề xuất xây dựng mô hình chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt ở Việt Nam – ThS. Đinh Thị Minh Thư
Like fapage Luật sư Online tại https://facebook.com/iluatsu/
Trả lời