Tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam qua các bản Hiến pháp.
Bài viết phân tích cơ cấu tổ chức của bộ máy nhà nước qua các bản Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992, Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp 2013.
Xem thêm:
- Bộ máy nhà nước là gì? Phân tích các đặc điểm của bộ máy nhà nước? – Đoàn Linh Trang
- Bộ máy nhà nước là gì? Mối liên hệ của bộ máy nhà nước với chức năng của nhà nước – Đoàn Linh Trang
- Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Việt Nam
- Nguyên tắc phân chia quyền lực nhà nước trong bộ máy nhà nước
- Nguyên tắc chủ quyền thuộc về nhân dân trong bộ máy nhà nước
- Bộ máy nhà nước tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật
- Phân tích các đặc điểm của Bộ máy Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay
- Góp ý về bộ máy nhà nước trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 – PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm
1. Bộ máy nhà nước theo Hiến pháp 1946
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, lật đổ chế độ thực dân giành độc lập dân tộc, thủ tiêu chế độ quân chủ lập hiến để lập nên nền cộng hòa.
Ngay sau thắng lợi, Chính phủ lâm thời đã được thành lập, trước đó là Ủy ban dân tộc giải phóng do Quốc dân đại hội họp ở Tân Trào bầu ra. Ở địa phương thiết lập các chính quyền nhân dân là các Ủy ban nhân dân cách mạng và Ủy ban công nhân cách mạng. Thời gian sau đó các cơ quan chính quyền địa phương được tổ chức lại dưới hình thức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính.
Hiến pháp 1946 được Quốc hội lập hiến thông qua tại kỳ họp thứ hai. Hiến pháp đã xây dựng một bộ máy nhà nước theo mô hình dân chủ nhân dân.
Ở Trung ương bộ máy nhà nước bao gồm các cơ quan Nghị viện nhân dân, Chính phủ, Tòa án tối cao. Nghị viện nhân dân do nhân dân trực tiếp bầu ra, có quyền giải quyết những vấn đề chung, quan trọng của đất nước, ban hành pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài. Nghị viện nhân dân lập ra Chính phủ, thông qua Ban thường vụ để kiểm soát và phê bình Chính phủ.
Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc do Chủ tịch nước đứng đầu. Thành phần Chính phủ bao gồm Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước và nội các. Nội các có Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng, có thể có Phó thủ tướng. Chính phủ lúc này chưa hoàn toàn là cơ quan chấp hành của nghị viện, ngược lại còn có thể phủ quyết các luật của nghị viện (Điều 31). Tuy nhiên nếu nội các mất tín nhiệm thì phải Chính phủ phải từ chức ( Điều 54).
Tòa án tối cao đứng đầu hệ thống cơ quan tư pháp, bao gồm Tòa án tối cao, các tòa án phúc thẩm, các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp. Các viên thẩm phán do Chính phủ mà đứng đầu là Chủ tịch nước bổ nhiệm. Lúc này chưa có Viện kiểm sát nhân dân mà trong thành phần của các tòa án, ngoài các thẩm phán xét xử còn có các thẩm phán buộc tội.
Cơ quan chính quyền địa phương bao gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính. Riêng ở cấp Bộ và Huyện chỉ có Ủy ban hành chính. Hội đồng nhân dân do nhân dân bầu ra. Ủy ban hành chính do Hội đồng nhân dân bầu ra. Cấp nào không có Hội đồng nhân dân thì do các Hội đồng nhân dân cấp dưới bầu ra. Hội đồng nhân dân quyết nghị các vấn đề thuộc địa phương mình. Ủy ban hành chính có trách nhiệm thi hành các mệnh lệnh của cấp trên mà các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quản lý công việc hành chính trong địa phương.
2. Bộ máy nhà nước theo Hiến pháp 1959
Thời kỳ ở miền Bắc đã chuyển sang chế độ xã hội chủ nghĩa. Bộ máy nhà nước được xây dựng lại theo hướng bộ máy nhà nước kiểu xã hội chủ nghĩa mà đặc trưng là vận dụng nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa.
Ở trung ương có Quốc hội, Chủ tịch nước, Hội đồng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Quốc hội được xác định là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Chủ tịch nước không còn đồng thời là người đứng đầu Nhà nước, tuy nhiên vẫn còn nghiêng nhiều về phía Chính phủ. Hội đồng Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, là cơ quan hành chính cao nhất của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Tòa án tối cao là cơ quan xét xử cao nhất. Đặc biệt có một cơ quan mới là Viện kiểm sát nhân dân tối cao được Quốc hội lập ra để thực hiện quyền giám sát đối với các cơ quan nhà nước từ Bộ trở xuống, bảo đảm việc tuân thủ pháp luật để pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất thực hành quyền công tố. Các cơ quan đều được Quốc hội thành lập và chịu sự giám sát, chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
Ở địa phương, cơ quan chính quyền địa phương ở tất cả các cấp hành chính đều thành lập Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính.
Hệ thống Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân đến đây được tổ chức theo lãnh thổ. Tòa án nhân dân gồm có Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân địa phương và Tòa án quân sự. Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân địa phương do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước cơ quan đó.
Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân địa phương và Viện kiểm sát quân sự. Hệ thống này tổ chức các hoạt động theo nguyên tắc tập trung thống nhất, lãnh đạo trong ngành, không chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân cấp ấy mà chỉ có Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội.
Chủ tịch nước được chọn bầu trong nhân dân, có vai trò phối hợp với các Cơ quan nhà nước. Hội đồng Chính phủ tuy đã xác định là cơ quan chấp hành của Quốc hội song vẫn là cơ quan hành chính cao nhất của nước ta chứ không phải là của Quốc hội như Hiến pháp 1980 sau này.
3. Bộ máy nhà nước theo Hiến pháp 1980
Đến Hiến pháp 1980, bộ máy nhà nước ta đã được thiết kế theo đúng mô hình bộ máy nhà nước kiểu xã hội chủ nghĩa thịnh hành lúc bấy giờ ở các nước xã hội chủ nghĩa như ở Liên Xô, các nước Đông Âu, Trung Quốc… Nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa đã được vận dụng một cách triệt để.
Ở Trung ương, Quốc hội được xác định một cách đầy đủ hơn về mặt tính chất cũng như thẩm quyền theo hướng là cơ quan có toàn quyền (Điều 82). Theo mô hình cơ chế tập quyền xã hội chủ nghĩa, chế định Chủ tịch nước cá nhân được thiết kế lại sao cho gắn bó với Quốc hội. Hội đồng nhà nước được thiết lập là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội, là chủ tịch tập thể của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hội đồng Chính phủ được đổi thành Hội đồng Bộ trưởng với tính chất là cơ quan chấp hành và hành chính cao nhất còn cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, do Quốc hội thành lập bằng cách bầu ra tất cả từ Chủ tịch đến thành viên, chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Đến lúc này thì Hội đồng Bộ trưởng – cơ quan trước đây vốn có nhiều độc lập đã lệ thuộc hoàn toàn vào cơ quan quyền lực (về mặt lý thuyết).
Chính quyền địa phương bao gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (Ủy ban hành chính trước đây đổi tên thành Ủy ban nhân dân) được thành lập ở tất cả các cấp, kể cả thành phố, thị xã. Thay đổi quan trọng nhất là có sự tăng cường vai trò của Hội đồng nhân dân ở mỗi cấp. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề xây dựng địa phương, bầu ra Ủy ban nhân dân.
Hệ thống Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân về cơ bản được tổ chức giữ nguyên như trước, Quốc hội thành lập Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện thành lập Tòa án nhân dân tương ứng. Riêng Viện kiểm sát nhân dân các cấp vẫn tổ chức theo nguyên tắc thống nhất từ trên xuống.
4. Bộ máy nhà nước theo Hiến pháp 1992
Hiến pháp 1992 xây dựng lại bộ máy nhà nước trên tinh thần đổi mới. Nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa được nhận thức lại và vận dụng hợp lý hơn. Đó là: một mặt vẫn tiếp tục khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất chứ không phân chia các quyền, mặt khác cần thiết phải có sự phân công, phối hợp giữa các Cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Trên cơ sở đó, bộ máy nhà nước được xây dựng lại theo hướng vừa bảo đảm thống nhất quyền lực vừa phân công, phân nhiệm rành mạch.
Quốc hội vừa là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thống nhất các quyền. Các cơ quan khác được lập ra nhất định phải chịu sự giám sát, chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Đây là các mặt bảo đảm thống nhất quyền lực.
Sự phân công, phối hợp thể hiện ở chỗ quy định phạm vi, chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan một cách rõ ràng. Chẳng hạn như, Quốc hội vẫn có quyền quyết định các vấn đề cụ thể song chỉ là những vấn đề quan trọng. Chính phủ là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực song là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất, tức là có sự độc lập tương đối trong lĩnh vực hành chính. Chế định Chủ tịch nước được lập lại để phân định rõ chức trách giữa Chủ tịch nước và Ủy ban thường vụ Quốc hội. Chính quyền địa phương quy định rõ hơn mối liên hệ giữa Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân với các Cơ quan nhà nước cấp trên…
Ngoài ra, trong tổ chức Chính phủ và Ủy ban nhân dân còn có sự phân định rõ tính tập thể và trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, cũng như đã xác định rõ quyền giám sát của Hội đồng nhân dân đối với Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
5. Bộ máy nhà nước theo Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001
Theo Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001, bộ máy nhà nước cơ bản vẫn không có gì thay đổi về mặt tổ chức, chỉ có việc giới hạn phạm vi kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân trong phạm vi kiểm sát các hoạt động tư pháp để tập trung hơn nữa công tác kiểm sát tuân theo pháp luật của cơ quan này và thực hiện tốt chức năng công tố.
6. Bộ máy nhà nước theo Hiến pháp 2013
Hiến pháp 2013 hiến định các thành quả có tính lịch sử mà nhân dân ta đạt được qua gần 30 năm đổi mới, về cơ bản tiếp tục duy trì mô hình tổng thể tổ chức bộ máy nhà nước đã được xác định trong Hiến pháp 1992.
Theo đó, mô hình cấu trúc bộ máy nhà nước ở Trung ương bao gồm: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (KSNDTC).
Ngoài 5 thiết chế quyền lực trong bộ máy nhà nước ở trung ương, Hiến pháp 2013 đã bổ sung hai thiết chế quan trọng trong vị trí là thiết chế hiến định độc lập: Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước. Việc tiếp tục khẳng định mô hình tổng thể bộ máy nhà nước với 5 cấu trúc quyền lực và hai thiết chế hiến định độc lập là do Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam là một nhà nước vừa phải thể hiện được các giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền trong một chế độ dân chủ hiện đại, vừa phải khẳng định được bản sắc, đặc điểm của riêng mình./.