Mục lục
Một số tiêu chí cần thiết cho việc xây dựng cơ quan phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Thị Thương Huyền
TÓM TẮT
Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của toàn Đảng, toàn dân. Để công tác PCTN đạt hiệu quả cao, Việt Nam cần nghiên cứu và học tập mô hình các cơ quan phòng, chống tham nhũng của các nước trên thế giới. Những nội dung Việt Nam cần chú trọng để xây dựng mô hình cơ quan PCTN hiệu quả, đó là: Cơ quan PCTN cần có vị trí độc lập, bộ máy tổ chức gọn nhẹ, linh hoạt; được trang bị những điều kiện, phương tiện làm việc thuận lợi để kịp thời phát hiện và xử lý tham nhũng; đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác phòng, chống tham nhũng phải là những người có phẩm chất đạo đức tốt, liêm chính, có năng lực, trình độ, bản lĩnh…
Đảng và Nhà nước ta xác định PCTN là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị. Thời gian qua, một loạt các vụ án tham nhũng đã được đưa ra xét xử như: Vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm; Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm; Vụ án Phan Văn Vĩnh (nguyên Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao), Nguyễn Văn Dương và đồng phạm… Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đấy vẫn chỉ là những con số khiêm tốn.
Quá trình tổng kết việc thực hiện công tác PCTN cho thấy tổ chức và hoạt động của các cơ quan PCTN còn nhiều khó khăn vướng mắc: Các cơ quan có chức năng PCTN chưa được kiện toàn; việc phối hợp giữa các cơ quan có chức năng PCTN chưa hiệu quả; năng lực thực thi pháp luật của cán bộ, công chức (CBCC) trong công tác PCTN còn nhiều hạn chế; cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ chưa được trang bị đầy đủ…
Theo khuyến nghị của Liên hợp quốc, để công tác PCTN đạt hiệu quả, cơ quan chống tham nhũng phải đáp ứng các tiêu chí được quy định tại Điều 6, Điều 36 Công ước chống tham nhũng năm 20033, cụ thể: Các cơ quan có chức năng chống tham nhũng phải có tính chất độc lập. Các cơ quan này phải có những quyền hạn nhất định, được áp dụng các biện pháp mạnh mẽ, độc lập trong hoạt động và được bảo vệ tốt (tiêu chí về thiết chế), bộ máy tổ chức phải gọn nhẹ, linh hoạt, có thể tiến hành các chiến dịch chống tham nhũng trên quy mô rộng lớn, được trang bị những điều kiện, phương tiện làm việc thuận lợi để kịp thời phát hiện và xử lý tham nhũng (tiêu chí về cơ sở hạ tầng); cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác PCTN phải là những người có phẩm chất đạo đức tốt, liêm chính, có năng lực, trình độ, bản lĩnh trung thành với Tổ quốc (tiêu chí về con người).
1. Tiêu chí về thiết chế
1.1. Mô hình các cơ quan phòng chống tham nhũng trên thế giới
Hiện nay, PCTN là nhiệm vụ được quan tâm đặc biệt bởi hầu hết các quốc gia trên thế giới. Mô hình tổ chức của các cơ quan PCTN trên thế giới được chia làm bốn loại, gồm:
Mô hình thứ nhất: Cơ quan chống tham nhũng độc lập được thành lập từ Trung ương đến địa phương với quyền hạn rộng lớn, hệ thống pháp luật PCTN đồng bộ, chặt chẽ. Mô hình này được áp dụng chủ yếu tại các nước đang phát triển như: Malaysia, Singapore, Indonesia…;
Mô hình thứ hai: Cơ quan có chức năng chống tham nhũng thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật, với các quy định pháp luật khá đầy đủ và chặt chẽ (Cục điều tra tham nhũng của Bộ Tư pháp Đài Loan, Cục chống tham nhũng của cơ quan Giám sát hành chính Ai Cập…);
Mô hình thứ ba: Cơ quan thanh tra, giám sát, trao thêm các quyền hạn đặc biệt để chống tham nhũng như Ban thanh tra và Kiểm toán Hàn Quốc, Bộ giám sát hành chính Trung Quốc…;
Mô hình thứ tư: Không thành lập cơ quan chuyên trách hoặc cơ quan có thẩm quyền riêng mà coi chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ đấu tranh chống các loại tội phạm khác và trách nhiệm thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật, không xây dựng hệ thống pháp luật riêng để điều chỉnh vấn đề này. Mô hình này được áp dụng chủ yếu ở các nước phát triển – nơi có bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh như: Đức, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan…
Xem xét các mô hình trên thực tế, chúng ta có thể thấy rằng, ở các nước có cơ quan chống tham nhũng chuyên trách, công tác PCTN đạt hiệu quả cao. Hồng Kông và Singapore là những trường hợp điển hình.
Ủy ban chống tham nhũng độc lập của Hồng Kông được thành lập năm 1974 với nhiệm vụ, quyền hạn rất lớn; có đội ngũ nhân viên trung thành, tinh nhuệ, có bản lĩnh, được trả lương cao. Cơ quan này được đánh giá là một trong những cơ quan chống tham nhũng hiệu quả cao. Sau hai mươi năm, cơ quan này đã làm thay đổi bộ mặt của Hồng Kông.
Cục điều tra chống tham nhũng CPIB của Singapore cũng là cơ quan chuyên trách, độc lập, cơ quan này trực thuộc Thủ tướng và được toàn quyền hành động chống lại bất cứ trường hợp tham nhũng bất kể ở cấp nào, vị trí, đảng phái nào, màu da, dân tộc nào. Từ đó, hoạt động chống tham nhũng được tiến hành trên một nền tảng pháp lý hiệu lực và một bộ máy trừng trị hiệu quả4. Qua ba mươi năm hoạt động đã chiếm được lòng tin và sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước này. Từ một đất nước đầy rẫy tham nhũng, ngày nay khu vực công của Singapore là một trong những khu vực trong sạch và hiệu quả nhất trên thế giới, gần như không còn tham nhũng lớn.
Tuy nhiên, trước khi có mô hình PCTN độc lập, hoạt động hiệu quả như hiện nay, các nước này cũng đã trải qua thời gian “quá độ”. Trước đây, các nước này cũng xây dựng các cơ quan PCTN trong lực lượng cảnh sát, Bộ Tư pháp, Văn phòng Thủ tướng hoặc từ một cơ quan chức năng. Nhưng qua hoạt động, các tổ chức này đã gặp rất nhiều trở ngại, nhất là khi điều tra, khởi tố những người tham nhũng có chức vụ, quyền hạn. Do đó, cơ quan độc lập chống tham nhũng được ra đời nhằm hạn chế những khó khăn và trở ngại này6.
Với vị trí độc lập, các cơ quan PCTN mới có thể tự chủ trong mọi việc, mới có thể phát huy vai trò tích cực trong việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng. Hiện nay, do tính chất phức tạp và mức độ nghiệm trọng của tình hình tham nhũng, ngay cả nhiều nước theo mô hình thứ tư – là những nước phát triển, cũng đang có xu hướng thành lập các ủy ban hoặc cơ quan chống tham nhũng để độc lập tiến hành xem xét, điều tra hoặc tư vấn cho các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng.
1.2. Các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay
Hiện nay, số lượng các cơ quan có chức năng PCTN ở Việt Nam tương đối nhiều. Chức năng PCTN được trao cho các cơ quan thuộc thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra nhà nước có chức năng PCTN, Kiểm toán nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Uỷ ban kiểm tra Đảng, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN và Ban Nội chính Trung ương. Cụ thể như sau:
Cơ quan thanh tra: Là cơ quan của Chính phủ, Bộ, Sở, Ủy ban nhân dân các cấp. Cơ quan này phòng ngừa (phát hiện, kiến nghị khắc phục những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật), phát hiện, ngăn chặn hành vi tham nhũng, kiến nghị xử lý hành vi tham nhũng, tài sản tham nhũng thông qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Kiểm toán nhà nước: Theo quy định của Luật kiểm toán năm 2005, Kiểm toán nhà nước là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tổng Kiểm toán nhà nước do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội với nhiệm kỳ 5 năm theo nhiệm kỳ Quốc hội. Kiểm toán nhà nước được tổ chức và quản lý tập trung thống nhất gồm bộ máy điều hành, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán nhà nước khu vực và các đơn vị sự nghiệp. Kiểm toán nhà nước có 3 chức năng là kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
Cơ quan điều tra: Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân gồm Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (gọi tắt là Cục Cảnh sát kinh tế) thuộc Bộ Công an, Phòng Cảnh sát kinh tế thuộc Công an cấp tỉnh, Đội Cảnh sát kinh tế thuộc Công an cấp huyện chịu trách nhiệm tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ phạm tội, chuẩn bị cho việc truy tố các vụ án về tham nhũng. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48) được thành lập theo Quyết định số 01/2007/QĐ-BCA (X13) của Bộ trưởng Bộ Công an, có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng trong cả nước tiến hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý các loại tội phạm về tham nhũng; trực tiếp điều tra các vụ án tham nhũng thuộc thẩm quyền, tiếp nhận, tham gia điều tra tố tụng những vụ án tham nhũng theo thẩm quyền, được sử dụng các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt nhằm làm tốt công tác phòng ngừa và điều tra tội phạm tham nhũng; tổ chức truy tìm, truy nã, truy bắt người phạm tội tham nhũng, kiểm tra, đôn đốc, theo dõi kết quả thực hiện việc truy nã, truy tìm theo quy định…
Ngày 24/4/2015, C48 được sáp nhập với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ thành Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46). Các nhiệm vụ, quyền hạn trước đây của C48 được nhập vào C46 theo Quyết định số 1736/QĐ-BCA ngày 07/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an. Cục này hướng dẫn lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng trong cả nước tiến hành các biện pháp phát hiện, điều tra, xử lý các loại tội phạm về kinh tế và tham nhũng. Hiện nay, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về buôn lậu (C74) sáp nhập với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) thành Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) theo Nghị định số 01/NĐ-CP ban hành ngày 06/8/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.
Ngoài ra, hệ thống cơ quan điều tra trong quân đội nhân dân và của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra các vụ án hình sự về tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng theo thẩm quyền, chủ yếu là trong phạm vi hoạt động của ngành đó.
Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC): VKSNDTC đã thành lập đơn vị chuyên trách là Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng (Vụ 1B) (Quyết định số 121/QĐ-VKSTC-V9, ngày 26/9/2006). Cơ quan, đơn vị này là độc lập hoàn toàn, không bị chi phối bởi các cơ quan hành pháp, tư pháp. Theo Nghị quyết số 951/NQ- UBTVQH13 ngày 28/5/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Vụ này đã được đổi tên thành Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (viết tắt là V5).
Tại các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh đều thành lập riêng phòng chức năng hoặc lồng ghép chức năng này vào phòng chức năng nhất định. Ở cấp huyện, công tác này được giao cho một số kiểm sát viên. Bên cạnh Vụ 5, Viện kiểm sát nhân dân tối cao còn thành lập Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (Vụ 6) theo Quyết định số 442/QĐ-VKSTC-V15 ngày 01/7/2015. Vụ có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng xảy ra riêng trong hoạt động tư pháp.
Tòa hình sự Tòa án nhân dân cấp cao, các Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện tiến hành xét xử các tội phạm về tham nhũng.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN ban đầu trực thuộc Chính phủ cũng là một công cụ để triển khai thực hiện chính sách PCTN, với kỳ vọng thúc đẩy sự phối hợp và giải quyết kịp thời những vướng mắc trong thực hiện chính sách. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động không mấy hiệu quả và thiếu khách quan, năm 2013, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp quản vai trò của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN từ Chính phủ để giảm bớt sự can thiệp từ phía Chính phủ vào công tác này.
Như vậy, ở Việt Nam không tồn tại một cơ quan chống tham nhũng độc lập, tích hợp những thẩm quyền đặc biệt về phát hiện, điều tra, truy tố hành vi tham nhũng mà cùng lúc tồn tại nhiều cơ quan khác nhau, mỗi cơ quan có những chức năng riêng trong PCTN. Có thể thấy sự tồn tại cùng lúc nhiều cơ quan có chức năng chuyên trách trong PCTN đòi hỏi sự phối hợp rất chặt chẽ với nhau. Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được cơ quan thanh tra và Kiểm toán nhà nước phát hiện được xem xét chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra xem xét, tiếp tục điều tra, khởi tố vụ án. Viện kiểm sát truy tố vụ án tham nhũng ra trước Tòa. Quá trình điều tra của cơ quan cảnh sát và xét xử của Tòa án đều đặt dưới sự giám sát của Viện Kiểm sát nhân dân. Quá trình này các cơ quan đều có trách nhiệm thông báo, phối hợp với nhau để cung cấp, thu thập thông tin, tài liệu, giải quyết vụ việc, vụ án tham nhũng. Việc phối hợp được thực hiện theo nhiều văn bản như: Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-VKSTC-TTCP-BCA-BQP quy định về phối hợp giữa cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra và VKSND trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do Cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố; Thông tư liên tịch số 12/2011/TTLT-TTCP-VKSNDTC-TANDTC-KTNN-BQP-BCA quy định việc trao đổi, quản lý và sử dụng thông tin dữ liệu về PCTN.
1.3. Xây dựng cơ quan phòng, chống tham nhũng phù hợp với Việt Nam trên cơ sở học tập kinh nghiệm của nước ngoài
Nhìn vào số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử trong thời gian qua, có thể nói rằng việc có nhiều cơ quan cùng có chức năng PCTN đã không thật sự đem lại hiệu quả cao như mong đợi. Vì sao có nhiều cơ quan có chức năng PCTN nhưng công tác PCTN không hiệu quả? Đó là vì:
– Quy định pháp luật về chức năng PCTN của từng cơ quan chưa rõ ràng, khiến cho cùng một vụ việc, rất nhiều cơ quan có chức năng PCTN đều có thẩm quyền giải quyết, nên vô hình chung các cơ quan này có thể nảy ra tâm lý “đùn đẩy, lẩn tránh trách nhiệm”.
– Các cơ quan này không được trao quyền độc lập để quyết định mọi việc trong công tác PCTN. Điều này khiến cho các cơ quan dễ dàng rơi vào thế “bị động”, không thể tự mình quyết định mọi việc.
– Các quy định pháp luật về sự phối hợp giữa các cơ quan này mới chỉ mang tính chỉ đạo chung chung, thiếu cụ thể. Điều này khiến cho các cơ quan hoạt động có sự chồng chéo, lẫn lộn. Việc phối hợp không rõ ràng, khiến cho công tác PCTN không đem lại hiệu quả cao.
Vậy cần phải có những điều chỉnh như thế nào để các cơ quan này hoạt động hiệu quả trong công tác PCTN? Việc điều chỉnh mô hình cơ quan PCTN ở các nước tùy thuộc vào điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, Việt Nam cần nghiên cứu các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước để xây dựng một mô hình phù hợp. Nghị quyết Trung ương số 04/NQ-TW ngày 21/8/2006 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã nhấn mạnh: “Nghiên cứu tổ chức các cơ quan phòng, chống tham nhũng theo hướng bảo đảm sự độc lập cần thiết với các cơ quan quản lý nhà nước theo lãnh thổ và chịu sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Trung ương”.
Ngoài ra, theo Điều 6, Điều 36 Công ước Liên Hợp Quốc về phòng, chống tham nhũng, quốc gia thành viên phải thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng nhằm thực hiện các chính sách, hành động chống tham nhũng và hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng. Theo Khoản 13 Điều 46 Công ước, nhằm bảo đảm tương trợ pháp lý đạt hiệu quả cao nhất, Công ước quy định quốc gia thành viên phải chỉ định một cơ quan Trung ương có trách nhiệm và quyền hạn tiếp nhận các yêu cầu tương trợ pháp lý liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với tội phạm tham nhũng, thực hiện hoặc chuyển chúng đến các cơ quan chức năng khác. Quốc gia thành viên phải thông báo cho Tổng thư ký Liên hợp quốc về “cơ quan Trung ương được chỉ định cho mục đích này vào thời điểm phê chuẩn, chấp nhận, phê duyệt hoặc gia nhập Công ước”. Đây là một nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi quốc gia thành viên.
Như vậy, cơ quan PCTN độc lập là điều cần thiết. Chúng ta cần quan tâm đến các vấn đề:
– Phải có các chế định pháp lý mạnh mẽ trang bị cho các cơ quan chức năng, trao quyền hạn lớn để độc lập trong điều tra, xử lý tham nhũng, nhằm chống lại mọi sự can thiệp trái pháp luật trong quá trình xem xét, xử lý vụ việc tham nhũng, bởi đây là những hoạt động đấu tranh trực diện với tham nhũng nên dễ gặp sự chống đối quyết liệt của kẻ vi phạm.
– Kiện toàn các cơ quan, đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng; cần quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước có chức năng PCTN, tránh sự chưa rõ ràng, chống chéo, thiếu cơ chế phối hợp hữu hiệu, tránh tình trạng cùng một vụ việc có nhiều cơ quan có quyền giải quyết nhưng thiếu một cơ quan chịu trách nhiệm.
Việc nâng cao tính độc lập của các cơ quan có chức năng PCTN chính là tiêu chí quan trọng nhất, nhằm đem lại hiệu quả tích cực trong công tác PCTN. Trong bối cảnh hiện nay, chừng nào tính độc lập chưa được đảm bảo thì hiệu quả PCTN chưa thể cao. Đây chính là kinh nghiệm của các nước đi trước và cũng là khuyến nghị theo Công ước, đã được Đảng lĩnh hội trong Nghị quyết Trung ương số 04/NQ-TW ngày 21/8/2006.
2. Các tiêu chí về cơ sở vật chất, tài chính, con người
Để cơ quan có chức năng PCTN có điều kiện hoạt động tốt, đòi hỏi các cơ quan này phải được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại; nguồn tài chính đầy đủ; đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ chuyên môn cao, có phẩm chất đạo đức công vụ tốt. Hiện nay, ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước rất chú trọng đến các vấn đề này: Trang bị cơ sở vật chất ngày càng đầy đủ, hiện đại hơn; có chế độ cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức; có các quy tắc ứng xử nhằm bảo đảm sự liêm chính của đảng viên, cán bộ, công chức… Một loạt những cải cách này thể hiện rất rõ sự quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, những sự cải cách này vẫn chưa thực sự đạt được hiệu quả cao như mong muốn. Vì vậy trong thời gian tới cần thực hiện các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, cần trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại cho cơ quan phòng, chống tham nhũng.
Hiện nay, việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng thường gặp khó khăn vì: Hành vi tham nhũng thường do những người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng để tham nhũng; việc thực hiện các hành vi tham nhũng diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp với quy mô rộng lớn. Vì vậy, để công tác đấu tranh PCTN có hiệu quả thì một yêu cầu thiết thực đặt ra là cần phải trang bị điều kiện, phương tiện làm việc tối tân, hiện đại để những người tham gia công tác PCTN có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trước hết, cần trang bị đầy đủ những cơ sở vật chất cần thiết tối thiểu như trụ sở làm việc, máy tính, máy điện thoại, máy ảnh, máy ghi âm… Sau đó, cần phải trang bị hệ thống máy móc hiện đại, mang tính chất nghiệp vụ để sử dụng cho công tác PCTN: máy móc phục vụ hoạt động giám định…
Việc trang bị đầy đủ cơ sở vật chất sẽ đảm bảo đủ điều kiện làm việc cho các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng, để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, có chế độ lương xứng đáng cho đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công tác phòng, chống tham nhũng.
Cùng với việc trang bị các điều kiện, phương tiện làm việc phục vụ thiết thực cho công tác PCTN, Nhà nước cần có chế độ lương xứng đáng cho đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công tác PCTN, phù hợp với công việc đảm nhận, cũng như chi trả cho các chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ thi hành công tác PCTN.
Những người làm công tác PCTN là những người phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lòng tin đối với nhân dân về một nhà nước thực sự “của dân, do dân, vì dân”. Đây là một công việc có tính chất đặc biệt, nên nếu người làm công tác PCTN lại có hành vi tham nhũng, thì mục đích phòng, chống tham nhũng “bị sụp đổ”. Vậy, để những người làm công tác PCTN có thể yên tâm làm việc, trước mắt, cần có một cơ chế tiền lương, tiền thưởng và đãi ngộ vật chất, tinh thần đối với CBCC thực thi công tác PCTN. Mục đích của giải pháp này là bảo đảm cho tất cả các CBCC “Không cần tham nhũng, không phải tham nhũng” mà vẫn đủ sống. Giải pháp này hoàn toàn khả thi nếu chúng ta tiết kiệm chi phí hành chính, khắc phục thất thoát trong xây dựng cơ bản…
Cải cách chế độ tiền lương trong quá trình đấu tranh chống tham nhũng là một trong những việc làm được các nước Châu Á đặc biệt quan tâm như Singapore, Hàn Quốc… Những nước này đã xây dựng và cải tổ chế độ tiền lương cũng như chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với công chức. Ông Lý Quang Diệu, người lãnh đạo công cuộc chống tham nhũng ở Singapore thành công, đã có quan niệm và thực hiện đúng phương châm là chống tham nhũng “phải đi cùng với thị trường”, CBCC phải đủ sống bằng lương, đồng lương chi trả cho CBCC phải tương đương mức sống của xã hội để họ toàn tâm, toàn ý với công việc, “không để ai cần phải tham nhũng”. Bởi vậy, cải cách chế độ tiền lương bảo đảm cho công chức đủ sống bằng lương là giải pháp chủ động để xây dựng đạo đức công vụ lành mạnh, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng. Cùng với điều chỉnh, cải cách chế độ tiền lương cần có các chế độ, chính sách tôn vinh, khuyến khích sự tận tâm thực hiện công vụ, khen thưởng thích đáng về vật chất và tinh thần cho CBCC làm việc tốt, tận tụy và trong sạch.
Thứ ba, cần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng cần có năng lực, trình độ chuyên môn cao, có phẩm chất đạo đức công vụ tốt.
Công tác PCTN là một công việc khó và nhạy cảm. Để công tác PCTN đạt hiệu quả cao, đòi hỏi CBCC làm công tác PCTN phải đáp ứng các tiêu chí về năng lực, trình độ, đạo đức.
Người làm công tác PCTN ngoài yêu cầu có nền tảng kiến thức cơ bản, cần không ngừng học tập, trau dồi kiến thức. Việc nâng cao kiến thức ở bất kỳ công việc nào cũng là cần thiết, đặc biệt đối với người làm công tác PCTN, vì: đối tượng tham nhũng thường là những người có chuyên môn, trình độ trong lĩnh vực của họ, họ nắm bắt được mọi kẽ hở của luật pháp, mọi thủ thuật của công việc để tiến hành tham nhũng; ngày nay, công nghệ, kỹ thuật ngày càng hiện đại, các hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi với quy mô lớn ở mọi ngành, mọi lĩnh vực.
Về đạo đức của CBCC, một số nước ban hành luật hoặc Bộ quy tắc về đạo đức của công chức như Pháp, Đức, Thụy Điển, Estonia, Hàn Quốc, Malaysia… Ở Việt Nam, các quy định về đạo đức công vụ đã được quy định tại các văn bản pháp luật như: Luật cán bộ, công chức năm 2008; Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013… Ngoài ra, nhằm xây dựng một nền văn hóa “phi tham nhũng” ngay trong mỗi cơ quan có chức năng PCTN, Điều 57 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã đưa ra quy định về Kiểm tra hoạt động chống tham nhũng trong Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân8. Để có nền đạo đức công vụ tốt, tất cả công chức cần phải tuân thủ những quy định cơ bản như: thực thi trách nhiệm công bằng, nghiêm minh; không được lợi dụng vị trí công tác hoặc khai thác thông tin để vụ lợi; cấm mua chuộc vì công việc cá nhân; không được sử dụng tài sản công để phục vụ các mục đích cá nhân; không được nhận tiền hoặc hiện vật với giá trị vượt quá các mức quy định; không được tham gia vào các cuộc vui chơi, giải trí xa xỉ; nghiêm cấm hối lộ và các hình thức lạm dụng công quyền khác… tăng cường tính công tâm và thanh liêm trong lĩnh vực hành chính công; sự tham gia của công chức vào các hoạt động kinh tế và chính trị như một phần trong một loạt các biện pháp nhằm ngăn chặn các tình huống xung đột lợi ích. Đây là những biện pháp mà Pháp và những nước Tây Âu, Bắc Âu đã áp dụng để xây dựng nền công vụ mẫu mực về tính trong sạch và thái độ phục vụ của công chức9.
Công tác PCTN vốn là một công việc hết sức khó khăn, phức tạp và đầy nhạy cảm. Để công tác PCTN đạt được kết quả tốt, Việt Nam cần quan tâm sâu sắc đến các tiêu chí PCTN theo khuyến nghị của Liên hiệp quốc được quy định tại Điều 6, Điều 36 Công ước phòng, chống tham nhũng. Việc trao quyền độc lập cho các cơ quan này, trang bị các cơ sở vật chất cần thiết với đội ngũ CBCC có phẩm chất đạo đức tốt, liêm chính, có năng lực, trình độ, sẽ giúp các cơ quan PCTN hoạt động hiệu quả, đáp ứng mong đợi của Đảng và Nhà nước, đem lại lòng tin cho nhân dân về một Nhà nước “của dân, do dân, vì dân”./.
Trả lời