Đóng góp ý kiến cho một số quy định về chế độ kinh tế trong dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992
TÓM TẮT
Bài viết đóng góp ý kiến cho một số nội dung của quy định về chế độ kinh tế trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt Nam năm 1992, dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò nền tảng”, trình bày về sự cần thiết của việc khẳng định vai trò bảo vệ cạnh tranh của Nhà nước trong Hiến pháp và đưa ra phân tích chi tiết về nội dung liên quan.
- Điểm mới của Hiến pháp 2013 về “quyền con người” và “quyền công dân”
- Hiến pháp 2013 về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
- Quyền được miễn trừ nghĩa vụ khai báo trong TTHS – Quyền cơ bản của công dân, quyền của những người tham gia tố tụng
- Mối quan hệ: Trưng cầu ý dân với quyền con người, quyền công dân
- Sửa đổi BLTTHS bảo đảm quyền con người, quyền công dân và BPNC
TỪ KHÓA: Góp ý sửa đổi Luật, Hiến pháp 1992
Chế độ kinh tế[1] là một phần thuộc Chương III của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Dự thảo)[2] có tên là Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Trong Hiến pháp 1992, chế độ kinh tế được quy định tại một chương riêng nhưng quy định như Dự thảo là phù hợp, thể hiện sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội với phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường theo tinh thần của Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) do Đại hội XI của Đảng thông qua (Cương lĩnh)[3] và các nghị quyết của Đảng. Nội dung liên quan đến chế độ kinh tế là phần quan trọng, bao gồm khoảng gần một nửa trong số 13 điều của cả Chương III[4].
Về chế độ kinh tế, cả ở Phương án 1 và Phương án 2 của Điều 51, Dự thảo khẳng định “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa[5] với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”. “Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”. Dự thảo quy định vai trò của Nhà nước trong việc “xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường[6]; thực hiện sự phân công, phân cấp quản lý nhà nước giữa các ngành, các cấp, thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân” (Điều 52 Dự thảo)[7].
Trong bài viết này, chúng tôi xin góp ý cho một số nội dung chung của quy định về chế độ kinh tế và tập trung trình bày về sự cần thiết của quy định về vai trò bảo vệ cạnh tranh của Nhà nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Chính những quy định về chế độ kinh tế góp phần là điều kiện để bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa.
1. Góp ý cho một số nội dung của quy định về chế độ kinh tế
Chúng tôi thấy rằng nếu đã thống nhất xác định “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thì phải có quy định trong đó kinh tế nhà nước (KTNN) giữ vai trò chủ đạo.Theo Tờ trình số 11/TTr-UBTVQH13 ngày 02/08/2011 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, một trong số những định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 về chế độ kinh tế là “Sửa đổi, bổ sung các quy định bảo đảm mục tiêu, định hướng chính sách lớn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận quan trọng hợp thành của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh; trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, kinh tế nhà nước cùng kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường”[8].Đối chiếu với định hướng trên, nếu theo Phương án 1 thì Điều 51 của Dự thảo không quy định về vai trò chủ đạo của KTNN (vai trò này đã được đưa ra trong Cương lĩnh), chưa làm rõ được tính chất, mô hình kinh tế như Tờ trình số 194/TTr-UBDTSĐHP ngày 19/10/2012 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992[9] đưa ra.
Trong Cương lĩnh, Đảng ta đã nhất quán chủ trương chỉ đạo Nhà nước thi hành các chính sách kinh tế không phân biệt đối xử với các hình thức sở hữu, thể hiện sự thay đổi quan trọng trong quan điểm về kinh tế nhiều thành phần. Đảng ta cũng đã đặt KTNN nói chung, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nói riêng trong môi trường thị trường thống nhất, đồng bộ, cạnh tranh đầy đủ và hội nhập quốc tế mà trong đó, các thành phần kinh tế không tồn tại một cách biệt lập, mà có mối quan hệ và tác động qua lại, đan xen. Thực tế là thời gian qua, một số tập đoàn, tổng công ty, DNNN làm ăn thua lỗ, làm thất thoát một số tài sản lớn của đất nước, của nhân dân. Nhưng những sai phạm đó, suy cho cùng không phải là lỗi vốn có của bản thân DNNN và lại càng không phải là lỗi của thành phần KTNN. Nếu ngộ nhận những sai phạm đó là lỗi của KTNN để không quy định trong Hiến pháp là một thiếu sót, bởi KTNN giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân là điều kiện cần thiết để bảo đảm định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường.
Hiện tại đang có sự nhầm lẫn giữa khái niệm KTNN và DNNN. KTNN là một khái niệm rộng hơn nhiều và DNNN chỉ là một bộ phận của KTNN. Trong Văn kiện Đảng gần đây đều khẳng định, KTNN giữ vai trò chủ đạo chứ không nói DNNN giữ vai trò chủ đạo. Việc nhấn mạnh vai trò chủ đạo của KTNN trong Hiến pháp cũng gắn với chế độ sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện về tư liệu sản xuất, về vốn… là chế độ sở hữu phù hợp với xu hướng xã hội hóa của lực lượng sản xuất. KTNN nắm giữ những vị trí then chốt, yết hầu của nền kinh tế sẽ là lực lượng bảo đảm sự ổn định và phát triển của nền kinh tế quốc dân, chi phối các thành phần kinh tế khác, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển theo định hướng XHCN[10].
Điều 52 của Dự thảo làm rõ hơn vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ở Việt Nam hiện nay, vai trò của Nhà nước đối với kinh tế không chỉ xuất phát từ yêu cầu phổ biến của quá trình phát triển kinh tế thị trường, mà còn xuất phát từ tính đặc thù của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN[11] với những đặc trưng như: (i) đó là nền kinh tế thị trường mà trong đó các quy luật kinh tế cơ bản như cạnh tranh, cung cầu vẫn chịu sự chi phối ở mức độ lớn của các yêu cầu về công bằng xã hội; (ii) nền kinh tế có sự phát triển đan xen không đồng đều của các thành phần kinh tế; (iii) với tư cách là hệ quả của những đặc điểm trên, nền kinh tế thị trường nước ta chưa có sự cạnh tranh theo đúng nghĩa của từ này; (iv) nền kinh tế thị trường của Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế thế giới[12].
Có thể đưa ra những nội dung hoạt động chủ yếu của nhà nước trong nền kinh tế thị trường như sau:
Ban hành các văn bản pháp luật tác động đến hành vi của các chủ thể của hoạt động kinh tế, hoạt động kinh doanh và những chủ thể tham gia quan hệ kinh tế nói chung;
Kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật và bảo vệ các chủ thể tham gia quan hệ kinh tế chống lại các hành vi vi phạm;
Thực hiện quyền sở hữu của nhà nước bình đẳng với các chủ thể khác; và
Thực hiện việc điều chỉnh kinh tế, hỗ trợ và khuyến khích các chủ thể tham gia quan hệ kinh tế[13].
Theo chúng tôi, nếu để tôn trọng nguyên tắc “Thực hiện quyền sở hữu của nhà nước bình đẳng với các chủ thể khác”, và không muốn sử dụng cụm từ “kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo”, có thể sửa thành “kinh tế nhà nước đóng vai trò nền tảng”.
Nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia đã nhắc đến sự ra đời, tồn tại của Hiến pháp bắt nguồn từ lý thuyết về chủ quyền nhân dân. Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Nhưng người dân không thể trực tiếp sử dụng toàn bộ quyền lực nhà nước của mình, nên thỏa thuận thông qua Hiến pháp để giao quyền, ủy quyền cho nhà nước, để cho nhà nước thay mặt mình sử dụng quyền lực nhà nước theo ý chí của mình (nhân dân). Vì thế Hiến pháp được quan niệm là một văn bản thỏa thuận chung của người dân trong một quốc gia về những cách thức cai trị mà theo họ là phù hợp và đem lại hạnh phúc cho mình[14]. Theo đó, Hiến pháp được xem như một bản khế ước xã hội[15]. Nếu theo cách tiếp cận trên, quy định về vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế sẽ được thể hiện như những nghĩa vụ của Nhà nước đối với người dân và các quyền của nhà nước chính là để thực hiện những nghĩa vụ này. Như vậy, các quy định hiến định liên quan đến vai trò của nhà nước trong chế độ kinh tế có thể bao gồm: (i) các cam kết, bảo đảm của Nhà nước; (ii) nghĩa vụ, quyền của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN và nếu theo quan điểm này, quy định tại Điều 51 còn quá khái quát. Để làm cơ sở cho quy định về chế độ kinh tế, cần làm rõ nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó vai trò của Nhà nước và KTNN, đặc biệt để bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường.
Nếu chúng ta khẳng định định hướng XHCN là nhấn mạnh yếu tố mục tiêu, nhấn mạnh bảo đảm sự công bình tương đối về xã hội và chế độ an sinh xã hội phổ cập đối với người dân[6] và cam kết theo đuổi mục tiêu này, Nhà nước phải đồng thời xác định trách nhiệm thực hiện được hai mục tiêu xã hội nói trên, đồng thời khẳng định trong Hiến pháp nguyên tắc Nhà nước phải thực hiện phổ cập chế độ an sinh xã hội. Như vậy, theo chúng tôi, có thể vẫn giữ nguyên Điều 50 của Dự thảo (chứ không theo phương án bỏ Điều này), bổ sung thêm để làm rõ những nội hàm của định hướng XHCN của nền kinh tế.
Ở đây, theo chúng tôi, có thể tham khảo kinh nghiệm của Hiến pháp Trung Quốc năm 1982, sửa đổi năm 2004 bởi Trung Quốc là nước có mô hình Hiến pháp XHCN chuyển đổi như Việt Nam và đã có những sửa đổi tích cực tạo nên cơ sở cho những thay đổi và phát triển của xã hội. Điều 6 Hiến pháp Trung Quốc quy định “Cơ sở của hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là sở hữu chung XHCN đối với phương tiện sản xuất, cụ thể là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể”.
Theo Điều 7 Hiến pháp Trung Quốc, “Động lực thúc đẩy nền kinh tế quốc gia là kinh tế nhà nước, tức là nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với quyền sở hữu chung. Nhà nước bảo đảm việc củng cố và phát triển của nền kinh tế quốc gia”. Vai trò kinh tế của nhà nước cũng được xác định rõ ở Điều 15 Hiến pháp Trung Quốc, “Nhà nước thực hiện nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Nhà nước hoàn thiện pháp luật về kinh tế và tối ưu hóa việc kiểm soát vĩ mô nền kinh tế. Nhà nước, hoạt động theo quy định của pháp luật, nghiêm cấm các hành vi vi phạm trật tự kinh tế của mọi tổ chức, cá nhân”[17].
Điều 13 Hiến pháp Trung Quốc năm 1982 “Nhà nước bảo vệ quyền công dân trong việc sở hữu hợp pháp nguồn thu nhập, tiền tiết kiệm, nhà cửa và các tài sản hợp pháp khác. Nhà nước bảo vệ quyền thừa kế tài sản tư nhân của công dân bằng luật pháp” đến năm 2004 được sửa thành “Tài sản tư nhân hợp pháp của công dân sẽ không bị xâm phạm. Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản tư nhân hợp pháp và quyền thừa kế tài sản của công dân bằng luật pháp. Nhà nước có thể sung công hoặc tiếp quản đất đai vì mục đích công, và chi trả bồi thường phù hợp với luật pháp”.
Ở đây, “tính hợp pháp” của tài sản tư hữu được nhấn mạnh, tức không phải mọi tài sản tư hữu đều được bảo hộ. Tài sản sở hữu phi pháp không những không được bảo hộ mà còn phải bị truy cứu. Việc đưa điều khoản bảo vệ tài sản tư hữu hợp pháp của công dân vào Hiến pháp Trung Quốc thể hiện kinh tế thị trường của Trung Quốc bước vào giai đoạn mới, và nó đặt ra việc xây dựng pháp chế và chính phủ với trách nhiệm là “người gác đêm” một nhiệm vụ mới: xây dựng kinh tế thị trường công bằng.
Như vậy, theo chúng tôi, Điều 51 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có thể sửa thành “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dựa trên sự tự do hoạt động kinh tế và tôn trọng sở hữu tư nhân với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước là nền tảng. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”[18].
2. Cần thiết phải có quy định về vai trò bảo vệ cạnh tranh của Nhà nước trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi
Trong một số nghiên cứu trước đây, chúng tôi đã đề xuất bổ sung quy định về cam kết của Nhà nước trong bảo vệ cạnh tranh, chống hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh[19]; đề cập những cơ sở lý luận và thực tiễn để khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong bảo vệ cạnh tranh dựa trên (i) vai trò và ý nghĩa của cạnh tranh như động lực của sự phát triển, (ii) lý luận về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường và chính sách, công cụ điều tiết cạnh tranh của Nhà nước, (iii) vị trí của Hiến pháp như đạo luật cơ bản của nhà nước[20].
Điều 52 trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung các Điều 22, 23 và 25 của Hiến pháp 1992, làm rõ hơn vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa[21] tuy nhiên đã không xác định được rõ trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường. Khoản 2 Điều 56 Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được công bố để lấy ý kiến nhân dân là một bước tiến đáng kể, đặt nền tảng hiến định cho kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh và chống cạnh tranh không lành mạnh, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam quy định trực tiếp về vai trò của Nhà nước trong bảo vệ cạnh tranh, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh[22] nhưng không thấy có trong Dự thảo tiếp thu chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội ngày 2/8/2013.
Việc bổ sung vào Hiến pháp 1992 quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong bảo vệ cạnh tranh có ý nghĩa sâu sắc, nó sẽ là cơ sở pháp lý cao nhất để các cơ quan nhà nước, Chính phủ phải cân nhắc khi có những quyết định ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh[23]. Nếu theo chủ nghĩa hợp hiến – được hiểu như sự phù hợp một cách thực tế và hiệu quả trong hành vi của chính quyền đối với những giới hạn pháp lý, những giới hạn phản ánh những giá trị chung được cộng đồng thừa nhận[24] thì quy định về vai trò của Nhà nước trong bảo vệ cạnh tranh có thể được coi như là một trong những giới hạn trên. Luật Cạnh tranh Việt Nam đã được ban hành và thực thi được gần 10 năm, thực trạng pháp luật và thực trạng áp dụng pháp luật cạnh tranh cho thấy pháp luật cạnh tranh cần phải có những thay đổi mạnh mẽ và những thay đổi này trước tiên cần có cơ sở hiến định rõ ràng là quy định cụ thể trong Hiến pháp 1992 sửa đổi.
Quy định trực tiếp nội dung liên quan đến bảo vệ cạnh tranh cũng là điểm tiến bộ đáng kể của Dự thảo so với Hiến pháp, pháp luật của nhiều nước trên thế giới[25].
Tuy nhiên, nghiên cứu thực trạng pháp luật và thực trạng áp dụng pháp luật cạnh tranh, căn cứ những yêu cầu đặt ra khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 như “phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN)”, “hoàn thiện kỹ thuật lập hiến, bảo đảm để Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài”, từ góc độ chuyên môn khoa học pháp lý và kỹ thuật lập pháp có thể thấy khoản 2 Điều 56 Dự thảo được công bố để lấy ý kiến nhân dân được cấu trúc và trình bày nội dung chưa thực sự hợp lý và chính xác, chưa quy định rõ về vai trò bảo vệ cạnh tranh của Nhà nước với những nội hàm cụ thể liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh với việc thực hiện chính sách chống hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh.
Thứ nhất, hai mệnh đề “bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh” và “thực hiện chính sách chống độc quyền” được đặt song song với nhau, trong khi đó, theo chúng tôi bảo vệ cạnh tranh, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh phải được đặt lên trên như một trách nhiệm hàng đầu, xuyên suốt còn thực hiện chính sách chống độc quyền chỉ là công cụ để thực hiện mục tiêu trên, cần đặt ở sau.
Thứ hai, theo chúng tôi, nếu chỉ quy định Nhà nước bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh là chưa đủ và chính xác (bởi quy định này chỉ mang tính tuyên ngôn – cũng tương tự như tuyên bố Nhà nước bảo đảm một môi trường sống trong sạch) bởi thật ra Nhà nước chỉ có thể bảo đảm thiết lập những điều kiện cần thiết cho cạnh tranh và bảo đảm để cạnh tranh diễn ra thuận lợi khi thị trường đi vào hoạt động[26]. Đồng thời cũng cần thấy rằng, Nhà nước không thể dùng pháp luật để buộc các chủ thể tham gia thị trường cạnh tranh với nhau. Nhà nước chỉ xây dựng khung pháp lý để tạo điều kiện cho môi trường cạnh tranh hình thành một cách tự nhiên bằng việc ghi nhận quyền tự do kinh doanh, tự do khế ước. Khi thị trường cạnh tranh đã hình thành, Nhà nước và pháp luật có vai trò duy trì sự lành mạnh của thị trường cạnh tranh[27]. Do vậy, cần nêu lên, bổ sung mục tiêu chung của chính sách của nhà nước trong lĩnh vực này là bảo vệ cạnh tranh bởi một trong chín nội dung cơ bản sửa đổi Hiến pháp 1992 là “sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà trong xây dựng và hoàn thiện kinh tế thị trường rõ ràng cần bảo vệ cạnh tranh[28].
Thứ ba, thiếu nội dung khẳng định một cách mạnh mẽ trách nhiệm của Nhà nước trong bảo vệ cạnh tranh trong thực hiện hai mệnh đề nêu trên. Theo chúng tôi, xuất phát từ vai trò của cạnh tranh như động lực của sự phát triển, xuất phát từ vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường và để tạo tiền đề mạnh mẽ cho những thay đổi trong chính sách và pháp luật cạnh tranh, cần quy định rõ đây là trách nhiệm của Nhà nước trước xã hội và nhân dân.
Thứ tư, sử dụng mệnh đề “Nhà nước thực hiện chính sách chống độc quyền” ở đây là không chính xác và đầy đủ. Thuật ngữ “chống độc quyền” (anti monopoly) được sử dụng phổ biến trong pháp luật cạnh tranh ở các nước trên thế giới, tuy nhiên trong Luật Cạnh tranh Việt Nam năm 2004[29] và khoa học pháp lý Việt Nam đã có thuật ngữ tương đương và có hàm ý rộng và đầy đủ hơn là “chống hạn chế cạnh tranh” (bao gồm chống thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, chống lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền và kiểm soát tập trung kinh tế), bởi vậy theo chúng tôi nên thống nhất sử dụng thuật ngữ “chống hạn chế cạnh tranh”.
Thứ năm, để bảo vệ cạnh tranh, để bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh thì nếu Nhà nước chỉ thực hiện chính sách chống độc quyền, chống hạn chế cạnh tranh là không đủ mà bên cạnh đó rõ ràng là còn phải thực hiện chính sách chống cạnh tranh không lành mạnh mới bảo vệ được cạnh tranh.
Vì những lý do trên, chúng tôi xin đề xuất sửa quy định tại khoản 2 Điều 56 Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được công bố để lấy ý kiến nhân dân “Nhà nước thực hiện chính sách chống độc quyền và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh” thành “Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ cạnh tranh, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh và thực hiện chính sách chống hạn chế cạnh tranh, chống cạnh tranh không lành mạnh”.
Quy định như trên cũng phù hợp với kinh nghiệm quy định về vai trò bảo vệ cạnh tranh ở các nước trên thế giới ví dụ như của Liên bang Nga là nước có hiến pháp có những nét của mô hình hiến pháp xã hội chủ nghĩa chuyển đổi giống Việt Nam. Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993, sửa đổi năm 2008 có dành hai điều khoản để quy định về cạnh tranh là khoản 2 Điều 8: “Liên bang Nga đảm bảo một không gian kinh tế thống nhất, sự lưu thông tự do đối với hàng hoá, dịch vụ và các phương tiện tài chính, sự cạnh tranh và tự do hoạt động kinh tế” và khoản 2 Điều 34: “Cấm các hoạt động kinh tế độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh”[30]. Như vậy, hiến pháp Liên bang Nga cũng đã khẳng định rõ trách nhiệm bảo đảm sự cạnh tranh bên cạnh bảo đảm không gian kinh tế thống nhất, bảo đảm tự do hoạt động kinh tế. Để thực hiện trách nhiệm trên, hiến pháp Liên bang Nga cũng đã quy định tách biệt “hoạt động kinh tế độc quyền” và “cạnh tranh không lành mạnh”[31].
CHÚ THÍCH
[1] Theo Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam Online, Viện Từ điển bách khoa, chế độ kinh tế là tổng thể các thể chế đặc trưng quy định các điều kiện, các phương thức tổ chức và các chính sách, chế độ, cơ chế hoạt động của nền kinh tế một nước trong từng thời gian
[2] Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng Dự thảo tiếp thu chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội ngày 2/8/2013.
[3].Xem:.http://www.xaydungdang.org.vn/Home/vankientulieu/Van-kien-Dang-Nha-nuoc/2011/3525/CUONG-LINH-XAY-DUNG-DAT-NUOC-TRONG-THOI-KY-QUA-DO-LEN.aspx
[4] Theo GS-TS. Nguyễn Đăng Dung, do tầm quan trọng – mang tính quyết định – của vấn đề kinh tế đối với đời sống của mỗi quốc gia, nên với tư cách là đạo luật cơ bản, không có một bản Hiến pháp nào không có quy định về nội dung của chế độ kinh tế. Tuy nhiên, các bản Hiến pháp của các nước khác nhau có sự khác nhau về mức độ, phạm vi quy định. Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu lập pháp online, http://www.nclp.org.vn/nha_nuoc_va_phap_luat/phap-luat/kinh-te-dan-su/che-111o-kinh-te-trong-hien-phap-cac-nuoc-va-hien-phap-viet-nam. Theo thứ tự sắp xếp, có thể thấy quy định về Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường có tầm quan trọng chỉ sau quy định về Chế độ chính trị (Chương I), Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Chương II).
[5] Các chữ in đậm trong bài viết này do các tác giả nhấn mạnh.
[6] Theo Dự thảo được công bố để lấy ý kiến nhân dân là “bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường”.
[7] Theo Điều 56 Dự thảo được công bố để lấy ý kiến nhân dân còn có thêm quy định về “Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh. Nhà nước thực hiện chính sách chống độc quyền và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh. Tài sản hợp lý của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”.
[8].Xem:.http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_NGHIQUYET/View_Detail.aspx?ItemID=32&TabIndex=2&TaiLieuID=65
[9].Xem:.duthaoonline.quochoi.vn/…/To_trinh_Quoc_hoi_ve_HP_
[10] Xem thêm: Vũ Hạnh, Vai trò kinh tế Nhà nước trong Hiến pháp sửa đổi, http://vov.vn/Kinh-te/Vai-tro-kinh-te-Nha-nuoc-trong-Hien-phap-sua-doi/251575.vov
[11] Xem: Phạm Ngọc Quang, “Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Tạp chí Cộng sản, số 8 (176), 2009
[12] Xem: Lê Hồng Hạnh, “Bàn thêm về hoàn thiện pháp luật kinh tế ở Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 4/2003, tr. 33
[13] Xem: Talapina E.V., “Những vấn đề của pháp luật điều chỉnh vai trò kinh tế của nhà nước”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, Moscow, số 11, 1999, tr. 74 (Tiếng Nga), trích theo: Phạm Trí Hùng, “Đóng góp sửa đổi Hiến pháp 1992 về vai trò kinh tế của Nhà nước”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 1 (68), 2012, tr. 22.
[14] Đây là ý niệm mà triết gia người Anh Thomas Hobbes (1588-1679) là người đầu tiên truyền bá.
[15] Xem: Trần Ngọc Đường, Bàn về mô hình Hiến pháp, http://www.lamdong.gov.vn/vi-VN/a/suahienphap1992/thamkhao/Pages/Ban-ve-mo-hinh-hien-phap.aspx.
[16] Giống với mục tiêu của nền kinh tế thị trường xã hội của nước Đức, và khác với nền kinh tế thị trường tự do của nước Mỹ. Mô hình phát triển kinh tế của Đức từ sau thế chiến thứ II có tên là mô hình nền kinh tế thị trường xã hội (social market economy) với một số nguyên tắc cơ bản như: Đảm bảo quyền sở hữu tư nhân; Duy trì hệ thống an sinh xã hội; Đảm bảo sự tham gia của công nhân vào cơ chế quản lý của các doanh nghiệp; Ban hành và thực thi các luật lệ về cạnh tranh… Các nguyên tắc này tuy không được kết cấu thành một chương riêng và thuật ngữ “nền kinh tế thị trường xã hội” cũng không được nhắc tới trong Hiến pháp (Luật cơ bản) của Đức, nhưng các điều khoản của Hiến pháp nước Đức năm 1949 đã thực sự thể hiện được các nguyên tắc kể trên mà theo giới học giả người Đức, đó là một mô hình “nền kinh tế thị trường tự do và dân chủ”. Xem: Nguyễn Văn Cương, Hiến định chế độ kinh tế: Mô hình và phương thức trong Hiến pháp của một số nước, http://vienkhpl.ac.vn/index.php?cid=585.
[17] Xem: Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới, Văn phòng Quốc hội, Nxb. Thống kê, 2009, Tập 1.
[18] Có thể tham khảo thêm kinh nghiệm của Hiến pháp Ba Lan năm 1997 với Điều 20 quy định rõ về “nền kinh tế thị trường xã hội, dựa trên sự tự do hoạt động kinh tế, sở hữu tư nhân, và đoàn kết, đối thoại và hợp tác giữa các đối tác xã hội, là nền tảng của chế độ kinh tế của Cộng hòa Ba lan”. Ở chừng mực nhất định, tinh thần về nền kinh tế thị trường xã hội của người Đức đã được người Ba Lan mô phỏng. Ba Lan đã chuyển sang mô hình nền kinh tế thị trường, dựa trên sự bảo hộ sở hữu tư nhân, nhưng vẫn ghi nhận vai trò nhất định của nhà nước trong việc bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Nguồn: Nguyễn Văn Cương, đã dẫn.
[19] Xem: Phạm Trí Hùng, “Đóng góp sửa đổi Hiến pháp 1992 về vai trò kinh tế của Nhà nước”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 1 (68), 2012, tr. 22.
[20] Phạm Trí Hùng, Hà Ngọc Anh, “Khẳng định trách nhiệm bảo vệ cạnh tranh của Nhà nước khi sửa đổi Hiến pháp 1992”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 3 (70), 2012, tr. 3 – 7.
[21] Xem: Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Tờ trình Quốc hội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 số 194/TTr-UBDTSĐHP ngày 19 tháng 10 năm 2012, duthaoonline.quochoi.vn.
[22] Trong Hiến pháp 1992 chưa hề có nhắc đến cạnh tranh vì ở thời điểm đó, Việt Nam mới chuyển sang nền kinh tế thị trường. Vì nhiều lý do nên đến lần sửa đổi Hiến pháp năm 2001 cũng không có quy định có liên quan đến bảo vệ cạnh tranh.
[23] Theo Wolfgang Kasper. Manfred E. Streit “Xuất phát từ quan điểm chức năng, chức năng chính của các bản hiến pháp chính trị và kinh tế là nhằm ‘trói tay’ các nhà hoạch định chính sách khi, trong quá trình làm việc, họ bị cám dỗ đi đến chỗ từ bỏ nguyên tắc”, Kinh tế học thể chế: Trật tự xã hội và chính sách công, Nxb. Edward Elgar, Bản dịch của Lê Anh Hùng, tr. 344.
[24] Xem: Bùi Ngọc Sơn, “Chủ nghĩa hợp hiến và sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 2+3 (187+188), tháng 1+2/2011, tr. 67.
[25] Chỉ có một số rất ít quốc gia có ghi nhận về bảo vệ cạnh tranh trong Hiến pháp. Hiện nay có 90 quốc gia xây dựng được cho mình những công cụ pháp luật cần thiết để bảo vệ cạnh tranh, trong đó 40 quốc gia mới chỉ có những công cụ này trong 10 năm trở lại đây. Xem: Chính sách và thực tiễn pháp luật cạnh tranh của Cộng hòa Pháp, Tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 12.
[26] Xem: Chính sách và thực tiễn pháp luật cạnh tranh của Cộng hòa Pháp, Tập 1, Tlđd, tr. 21.
[27] Xem thêm: Nguyễn Ngọc Sơn, Quyền tự do kinh doanh và bảo vệ cạnh tranh lành mạnh, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 22, 2012.
[28] Kể từ cuối những năm 1980, quy luật thị trường đã được áp đặt ở gần như khắp mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên người ta dần ít ca ngợi những khía cạnh tích cực của thị trường mà nhắc nhiều hơn đến những khiếm khuyết của nó. Xu thế chung là các cơ chế bảo vệ cạnh tranh ngày càng đóng vai trò quan trọng. Tại khoản 1g Điều 3 Hiệp ước thành lập Cộng đồng châu Âu. Liên minh châu Âu thậm chí đã đưa vào danh sách các mục tiêu của mình nhiệm vụ “thiết lập một cơ chế bảo đảm để hoạt động cạnh tranh không bị làm sai lệch trên thị trường chung”. Ở Liên bang Nga, trước đây có sự tồn tại độc lập của Luật về cạnh tranh và hạn chế độc quyền trên thị trường hàng hóa và Luật về bảo vệ cạnh tranh trên thị trường tài chính, sau đó Luật Liên bang về bảo vệ cạnh tranh được ban hành ngày 8 tháng 7 năm 2006, mục tiêu bảo vệ cạnh tranh đã được nhấn mạnh ngay ở tên của luật.
[29] Điều 1 Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định: “Luật này quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh, biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh”.
[30] Xem: Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới, Văn phòng Quốc hội, Nxb. Thống kê, 2009, Tập 1, tr. 57, 64.
[31] Xem thêm: Phạm Trí Hùng, Quy định về trách nhiệm bảo vệ cạnh tranh, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh của Nhà nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Hội nghị “Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” ngày 28/2/2013 do Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh và Tạp chí Nghiên cứu lập pháp tổ chức; Phạm Trí Hùng, Đóng góp ý kiến cho nội dung về chế độ kinh tế, vai trò bảo vệ cạnh tranh của Nhà nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Hội thảo “Đánh giá, góp ý sửa đổi các quy định kinh tế trong dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi” ngày 24/5/2013 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh tổ chức.
Tác giả: TS. Phạm Trí Hùng – Giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.
Đồng tác giả: ThS. Hà Ngọc Anh – Phó Trưởng Bộ môn Pháp luật, Trường Đại học An ninh nhân dân.
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 03/2013 – 2013, Trang 17-23
Like fanpage Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu/