Những quy định mới liên quan đến Điều ước quốc tế trong Hiến pháp năm 2013
- Quy định về “Điều ước quốc tế” trong các bản Hiến pháp của Việt Nam
- Nội luật hóa quy định của các “Điều ước quốc tế” về quyền miễn trừ
- Giải thích “Điều ước quốc tế” qua thực tiễn áp dụng của các Cơ quan tài phán quốc tế – những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
- Về vấn đề thực hiện “Điều ước quốc tế” theo Luật Điều ước quốc tế 2016
- Góp ý dự thảo sửa đổi Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế
TỪ KHÓA: Điểm mới của Luật, Điều ước quốc tế, Hiến pháp 2013,
TÓM TẮT
Bài viết nêu và phân tích những quy định mới của Hiến pháp 2013 trong tương quan so sánh với Hiến pháp 1992 về cam kết của CHXHCN Việt Nam đối với Hiến chương Liên Hợp quốc và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, phân tích làm sáng tỏ các quy định liên quan đến thẩm quyền đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập, chấm dứt hiệu lực, tổ chức thực hiện điều ước quốc tế của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính Phủ.
Với mục tiêu xây dựng một bản Hiến pháp của thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước, các nội dung quan trọng liên quan đến chính sách đối ngoại của Nhà nước ta như quyền con người, bảo vệ hòa bình an ninh khu vực và thế giới, đặc biệt là cam kết của Việt Nam trong việc tuân thủ, thực thi Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam đã được hiến định trong Hiến pháp mới. Với tinh thần đó, các nội dung liên quan đến thẩm quyền đàm phán, ký kết, gia nhập, thực hiện và chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ đã có nhiều sửa đổi, bổ sung cơ bản so với Hiến pháp 1992. Nghiên cứu so sánh các quy định liên quan đến điều ước quốc tế được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Hiến pháp 1992 chúng tôi thấy Hiến pháp năm 2013 có những điểm mới cơ bản sau đây:
1. Hiến pháp năm 2013 đã hiến định nghĩa vụ tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên
Về phương diện pháp luật quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc là nguồn luật quốc tế và là điều ước quốc tế đa phương, toàn cầu quan trọng nhất. Với giá trị pháp lý là “Hiến pháp của cộng đồng quốc tế”, Hiến chương quy định các nội dung cơ bản liên quan đến các quốc gia, dân tộc trên thế giới với tôn chỉ và mục đích,“Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và tự quyết của các dân tộc và tiến hành những biện pháp phù hợp khác để củng cố hòa bình thế giới; thực hiện sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hoá và nhân đạo, và trong việc khuyến khích phát triển sự tôn trọng các quyền của con người và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo; trở thành trung tâm phối hợp mọi hành động của các dân tộc, nhằm đạt được những mục đích chung nói trên”[1] .
Từ khi gia nhập Liên hợp quốc đến nay[2] , Việt Nam luôn tuân thủ và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của quốc gia thành viên theo quy định của Hiến chương. Tuy nhiên, các bản Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 cũng như các bộ luật, các luật và văn bản quy phạm pháp luật khác của nước ta được ban hành trước Hiến pháp năm 2013 không có văn bản nào quy định trực tiếp nghĩa vụ tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc. Do vậy, việc Hiến pháp năm 2013 quy định, Nhà nước CHXHCN Việt Nam“tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc” tại Điều 12, là lần đầu tiên nước ta cam kết rõ ràng và cụ thể nghĩa vụ quốc tế đặc biệt quan trọng này. Chúng tôi cho rằng, đây là một sự thay đổi lớn, có tính bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Nhà nước ta. Đồng thời, điều này khẳng định vai trò và tầm quan trọng của luật quốc tế nói chung, Hiến chương Liên hợp quốc nói riêng đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận trong 69 năm ra đời, tồn tại và phát triển của Liên hợp quốc từ 1945 đến nay trên tất cả lĩnh vực của đời sống quốc tế, đặc biệt là hòa bình và an ninh quốc tế, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và quyền con người.
Do vậy, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần phải hợp tác toàn diện với Liên hợp quốc, dựa vào Liên hợp quốc trong khuôn khổ Hiến chương Liên hợp quốc để xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, đa dạng hóa và đa phương hóa các mối quan hệ, hợp tác quốc tế. Chính từ quan hệ hợp tác với Liên hợp quốc mà vị thế, vai trò của nước ta đối với khu vực và thế giới ngày càng được củng cố và nâng cao. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, hiến định nghĩa vụ tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc trong Hiến pháp là một tất yếu khách quan trong bối cảnh quốc tế ngày nay.
Bên cạnh việc hiến định nghĩa vụ tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 cũng đã ghi nhận nghĩa vụ tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Mặc dù trước đó, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam năm 2005 đã quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuân thủ điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên…”[3] , chúng tôi cho rằng, hiến định nghĩa vụ tuân thủ điều ước quốc tế trong Hiến pháp là minh chứng khẳng định mạnh mẽ nhất, có giá pháp lý cao nhất với các nước trên thế rằng, CHXHCN Việt Nam là quốc gia tôn trọng luật quốc tế, hành xử đúng luật quốc tế và thực hiện các mối quan hệ trên cơ sở luật quốc tế. Đồng thời, với cam kết này, các quốc gia, các tổ chức quốc tế liên chính phủ khu vực và thế giới sẽ tin tưởng hơn trong việc thiết lập và thực hiện các quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học kỹ thuật… với Việt Nam. Bởi lẽ, về phương diện pháp lý quốc tế, các quốc gia có nghĩa vụ“tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế”theo đúng tinh thần và nội dung của nguyên tắc “Pacta Sunt Servanda”, một trong bảy nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Do vậy, có thể khẳng định rằng, đây là một sự thay đổi rất lớn về nhận thức đối với luật quốc tế có tính đột phá của nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Trên thực tế, để hội nhập quốc tế có hiệu quả đòi hỏi các quốc gia trên thế giới phải dựa vào luật quốc tế, tuân thủ luật quốc tế. Mặt khác, khi quốc gia đã tuân thủluật quốc tế thì quốc gia đó sẽ có quyền yêu cầu các quốc gia khác cũng phải tuân thủ và thực hiện luật quốc tế. Điều 3 khoản 6 đoạn 2 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam năm 2005 đã quy định rõ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuân thủ điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đồng thời có quyền đòi hỏi thành viên khác cũng phải tuân thủ điều ước quốc tế đó”.Trên bình diện quốc tế, hiến pháp của các nước Hợp chủng quốc Hoa Kỳ[4] , CH Pháp[5] , Hàn Quốc[6] , Ba Lan[7] … cũng quy định nghĩa vụ tuân thủ và thực hiện điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viên. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, Hiến pháp năm 2013 quy định, Việt Nam tuân thủ điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên là hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới.
2. Hiến pháp năm 2013 đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực đàm phán, ký kết, phê chuẩn, gia nhập và chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế.
Thứ nhất, Hiến pháp năm 2013 đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội trong việc phê chuẩn, gia nhập và chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế.
Theo quy định tại Điều 84 khoản 13 Hiến pháp 1992, Quốc hội chỉ có thẩm quyền phê chuẩnhoặc bãi bỏcác điều ước quốc tế theo đề nghị của Chủ tịch nước[8] . Với quy định này, Hiến pháp 1992 không đề cập nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội trong việc quyết định gia nhập điều ước quốc tế. Đồng thời, Hiến pháp 1992 cũng không quy định rõ nội dung rất quan trọng là, Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn phê chuẩn hoặc bãi bỏ những điều ước quốc tế nào.
Khắc phục những hạn chế này của Hiến pháp 1992, Điều 70 khoản 14 Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn“… phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và các điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội”. Với quy định này, Hiến pháp năm 2013 Hiến pháp năm 2013 đã hiến định rõ ràng, cụ thể và chi tiết nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội liên quan đến hoạt động ký kết điều ước quốc tế. Theo đó, Quốc hội có thẩm quyền phê chuẩn; quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế. Đồng thời, liệt kê danh mục các điều ước quốc tế mà Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực là các điều ước quốc tế có nội dung đặc biệt quan trọng đối với quốc gia gồm các điều ước liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của CHXHCN Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và các điều ước quốc tế trái với luật, nghị quyết của Quốc hội.
Chúng tôi cho rằng, Hiến pháp năm 2013 bổ sung thẩm quyền quyết định gia nhập điều ước quốc tế, quyết định chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế của Quốc hội là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn ký kết, gia nhập điều ước quốc tế của nước ta cũng như các quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005. Trên thực tế, từ trước tới nay Quốc hội đã quyết định gia nhập rất nhiều điều ước quốc tế khu vực và toàn cầu quan trọng như Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945; Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào năm 1977; Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982; Hiệp ước Biên giới trên đất liền giữa CHXCN Việt Nam và CHND Trung Hoa năm 1999; Hiệp định giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa về Phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ năm 2000; Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2001…
Mặt khác, Hiến pháp năm 2013Hiến pháp năm 2013 sử dụng thuật ngữ “chấm dứt điều ước quốc tế” thay cho thuật ngữ “bãi bỏ điều ước quốc tế”được sử dụng trong Hiến pháp 1992 là phù hợp với các quy định của Công ước Vienna về Luật điều ước quốc tế năm 1969 mà Việt Nam là thành viên[9] và Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của nước ta năm 2005. Cụ thể, tại Phần thứ V từ Điều 42 (tiết 1) đến Điều 72 (tiết 5), Công ước Vienna về luật điều ước quốc tế năm 1969; Điều 2 (khoản 13), Chương V – Hiệu lực, áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần điều ước (Điều 63, 64), Chương VII – Thực hiện Điều ước quốc tế, Mục 4 (Chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, từ Điều 85 đến Điều 96) của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 của nước ta chỉ sử dụng thuật ngữ “chấm dứt hiệu lực”của điều ước quốc tế chứ không sử dụng thuật ngữ “bãi bỏ điều ước quốc tế”.
Thứ hai, Hiến pháp năm 2013đã sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế của Chủ tịch nước.
Theo quy định tại Điều 103 khoản 10 Hiến pháp 1992, Chủ tịch nước có thẩm quyền tiến hành đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với người đứng đầu Nhà nước khác; quyết định phê chuẩn hoặc tham gia điều ước quốc tế, trừ trường hợp cần trình Quốc hội quyết định[10] . Chúng tôi cho rằng, việc Hiến pháp 1992 quy định Chủ tịch nước có thẩm quyền “tiến hành đàm phán, ký kết”điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước CHXHCN Việt Nam với người đứng đầu Nhà nước khác là không phù hợp với thực tiễn thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước. Trên thực tế, hầu như Chủ tịch nước không “tiến hành đàm phán”các điều ước quốc tế. Mặt khác, về phương diện khoa học pháp lý quốc tế, “ký kết điều ước quốc tế”là hành vi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện bao gồm các hoạt động đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt để điều ước quốc tế có hiệu lực[11] . Hay nói cách khác, “ký kết điều ước quốc tế” chính là quá trình cụ thể hoá ý tưởng, cam kết, thỏa thuận hợp tác của các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế thành văn bản pháp luật quốc tế có hiệu lực để thực hiện. Do vậy, Hiến pháp 1992 quy định Chủ tịch nước có thẩm quyền “tiến hành đàm phán và ký kết điều ước quốc tế…” là không khoa học và hợp lý.
Ngoài ra, Điều 103 khoản 10 Hiến pháp 1992 quy định Chủ tịch nước có thẩm quyền “quyết định tham gia điều ước quốc tế…”. Đây là quy định không phù hợp với các quy định của Công ước Vienna về luật điều ước quốc tế năm 1969 và Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005. Bởi vì cả hai văn bản này đều sử dụng thuật ngữ “gia nhập”điều ước quốc tế chứ không sử dụng thuật ngữ “tham gia điều ước quốc tế”. Về bản chất, gia nhập điều ước quốc tế là “hành động của chủ thể luật quốc tế đồng ý chấp nhận sự ràng buộc với điều ước quốc tế mà chủ thể đó chưa phải là thành viên”[12] hoặc là hành vi “quốc gia xác nhận sự đồng ý của mình, trên phương diện quốc tế, chịu sự ràng buộc của một điều ước”[13] .
Khắc phục những hạn chế nói trên của Hiến pháp 1992, Điều 88 khoản 6 Hiến pháp năm 2013 quy định, Chủ tịch nước có nhiệm vụ quyền hạn: “6. … quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước; trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế quy định tại khoản 14 Điều 70; quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế khác nhân danh Nhà nước”. Với quy định này, Chủ tịch nước có 4 nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến điều ước quốc tế sau đây:
(1) Quyết định đàm phán các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước[14] ;
(2) Ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước (bỏ cụ từ“Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” để tránh sự trung lặp tên nước quá nhiều lần trong Hiến pháp năm 1992);
(3) Trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của CHXHCN Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và các điều ước quốc tế trái với luật, nghị quyết của Quốc hội;
(4) Quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước khác.
Theo chúng tôi, những sửa đổi và bổ sung nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước liên quan đến điều ước quốc tế được quy định tại Điều 88 khoản 6 Hiến pháp năm 2013 là hợp lý, khoa học và phù hợp với thực tiễn thực cũng như luật pháp và thông lệ quốc tế.
Thứ ba, Hiến pháp năm 2013 đã sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến thẩm quyền đàm phán, ký kết, gia nhập, thực hiện điều ước quốc tế vàchấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế của Chính phủ.
Theo Điều 112 khoản 8 Hiếp pháp năm 1992, Chính phủ có nhiệm vụ và quyền hạn ký kết, tham gia, phê duyệt điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; chỉ đạo việc thực hiện các điều ước quốc tế mà CHXHCN ký kết hoặc tham gia[15] . Như chúng tôi đã phân tích ở trên, về ý nghĩa của các thuật ngữ “ký kết điều ước quốc tế” và “tham gia điều ước quốc tế”, Hiến pháp năm 1992 quy định, Chính phủ có nhiệm vụ và quyền hạn ký kếtvà tham gia điều ước quốc tế là không khoa học. Mặt khác, “chỉ đạo”việc thực hiện điều ước quốc tế chỉ có thể là vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của cá nhân chứ không phải là nhiệm vụ và quyền hạn của tập thể Chính phủ[16] . Do vậy, quy định như Điều 112 khoản 8 Hiến pháp 1992 dẫn đến nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực ký kết và thực hiện điều ước chưa rõ ràng và cụ thể.
Khắc phục những hạn chế nói trên của Hiến pháp 1992, Điều 96 khoản 7 Hiến pháp năm 2013 quy định Chính phủ có nhiệm vụ và quyền hạn“Tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước; quyết định việc ký, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ, trừ điều ước quốc tế trình Quốc hội phê chuẩn quy định tại khoản 14 Điều 70…”. Như vậy, Hiến pháp năm 2013Hiến pháp năm 2013 quy định Chính phủ có 02 nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến hoạt động ký kết và thực hiện điều ước quốc tế sau đây:
(1) Tổ chức đàm phán, ký điều ước nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước;
(2) Quyết định việc ký, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ[17] (trừ các điều ước liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của CHXHCN Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và các điều ước quốc tế trái với luật, nghị quyết của Quốc hội).
Chúng tôi cho rằng, các quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế tại Điều 96 khoản 7 Hiến pháp năm 2013 khoa học và hợp lý hơn so với các quy định tại Điều 112 khoản 8 Hiến pháp 1992.
Thứ tư, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ đối với các hoạt động đàm phán, ký, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
Hiến pháp 1992 không có bất kỳ quy định nào về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế. Có thể nói rằng, đây là một trong những hạn chế của Hiến pháp 1992. Theo chúng tôi, với tư cách là người lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật; lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia[18] thì Hiến pháp trao thẩm quyền quyết định việc đàm phán, chỉ đạo việc ký, gia nhập các điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ, hoặc các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước được Chủ tịch nước ủy quyền là hoàn toàn phù hợp với vai trò cũng như nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ. Bởi lẽ, trên thực tế hầu hết các điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên dù được đàm phán, ký kết với danh nghĩa Nhà nước hay Chính phủ đều do các thành viên của Chính phủ tham gia đàm phán, ký kết. Mặt khác, tất cả các điều ước quốc tế được Quốc hội hay Chủ tịch nước phê chuẩn hoặc Chính phủ phê duyệt mới phát sinh hiệu lực hoặc phát sinh hiệu lực sau khi được ký chính thức đều do Chính phủ tổ chức thực hiện thông qua hoạt động của các Bộ, ngành. Do vậy, Điều 98 khoản 5 Hiến pháp năm 2013 quy định Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ và quyền hạn “Quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, chỉ đạo việc ký, gia nhập điều ước quốc tế thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; tổ chức thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” là hoàn toàn phù hợp với vị trí và vai trò của Thủ tướng Chính phủ, là người đứng đầu Chính phủ, người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ đã được Hiến pháp quy định.
CHÚ THÍCH
[1] Điều 1 Hiến chương Liên hợp quốc 1945.
[2] Tại phiên họp lần thứ 32 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 20/9/1977, Việt Nam được chính thức công nhận là thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc.
[3] Điều 3 khoản 6 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005.
[4] Xem Điều 6 Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
[5] Xem Điều 55 Hiến pháp Cộng hòa Pháp quy định: “Điều ước hoặc Hiệp ước quốc tế đã được phê chuẩn hoặc phê duyệt theo đúng quy định, thì ngay khi được công bố sẽ có giá trị pháp lý cao hơn luật trong nước, với điều kiện điều ước hoặc Hiệp ước đó cũng được bên ký kết kia tôn trọng, áp dụng”.
[6] Xem Điều 6 Hiến pháp Hàn Quốc
[7] Xem Điều 9, Điều 87 khoản 1, Điều 91 Hiến pháp Ba Lan.
[8] Điều 84 khoản 13 Hiến pháp năm 1992 quy định, Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:“…phê chuẩn hoặc bãi bỏ các điều ước quốc tế đã ký kết hoặc tham gia theo đề nghị của Chủ tịch nước”.
[9] Việt Nam gia nhập Công ước Vienna về luật điều ước quốc tế năm 1969 vào ngày 02/10/2001.
[10] Điều 103 khoản 10 Hiến pháp năm 1992 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước như sau: “10- Cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam; tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; tiến hành đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với người đứng đầu Nhà nước khác; quyết định phê chuẩn hoặc tham gia điều ước quốc tế, trừ trường hợp cần trình Quốc hội quyết định”.
[11] Xem thêm: Bộ Tư pháp, Viện khoa học Pháp lý (2006), Từ điển Luật học, Nxb Từ điển Bách khoa và Nxb Tư pháp, tr. 437.
[12] Xem thêm: Bộ Tư pháp, Viện khoa học Pháp lý (2006), Từ điển Luật học, Nxb Từ điển Bách khoa và Nxb Tư pháp, tr. 283.
[13] Điều 2 khoản 1 điểm b Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969.
[14] Theo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005, điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước trong các trường hợp sau đây:
a) Điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu Nhà nước khác;
b) Điều ước quốc tế về hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia;
c) Điều ước quốc tế về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về tương trợ tư pháp;
d) Điều ước quốc tế về tổ chức quốc tế phổ cập và tổ chức quốc tế khu vực quan trọng;
đ) Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.
[15] Điều 112 khoản 8 Hiến pháp năm 1992 quy định Chính phủ có nhiệm vụ và quyền hạn, “8- Thống nhất quản lý công tác đối ngoại của Nhà nước; ký kết, tham gia, phê duyệt điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; chỉ đạo việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài”.
[16] Theo Từ điển Tiếng Việt thì “chỉ đạo” là “điều khiển, dẫn dắt; vai trò chỉ đạo”. Viện Khoa học Xã hội Nhân văn (2007), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Từ điển Bách khoa, tr. 230.
[17] Theo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005, điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Chính phủ trong các trường hợp sau đây:
a) Để thực hiện điều ước quốc tế đã được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước;
b) Điều ước quốc tế về các lĩnh vực, trừ các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này;
c) Điều ước quốc tế về các tổ chức quốc tế, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này;
d) Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Chính phủ theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.
[18] Điều 98 khoản 1, khoản 2 Hiến pháp năm 2013.
Tác giả: TS. Ngô Hữu Phước – Giảng viên Khoa luật Quốc tế, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03/2014 (82)/2014 – 2014, Trang 75-80
Fanpage Luật sư Online: https://www.facebook.com/iluatsu/