Nhận định khả năng áp dụng pháp luật trưng cầu ý dân tại Việt Nam
- Về thông tin, tuyên truyền trong dự thảo luật trưng cầu ý dân ở Việt Nam – TS. Thái Thị Tuyết Dung
- Trưng cầu ý dân tại Việt Nam và bình luận, góp ý dự thảo Luật Trưng cầu ý dân 2015 – PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm
- Phạm vi và giới hạn của vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân – ThS. Đỗ Thanh Trung
- Trưng cầu ý dân ở Thái Lan: Nguyên lý tốt nhưng khó thực hiện – Narin Jareonsubphayanont
- Trưng cầu ý dân Thụy Điển – tham gia trực tiếp trong nền dân chủ đại diện – Bengt Lundell
- Giám sát tư pháp các cuộc trưng cầu ý dân ở Hoa Kỳ: Nguyên tắc quy trình chính trị và việc bảo đảm quyền con người – Steven D. Schwinn
- Trưng cầu ý dân của một số quốc gia trên thế giới – TS. Phan Nhật Thanh – ThS. Phạm Thị Phương Thảo
- Mối quan hệ giữa Trưng cầu ý dân với quyền con người, quyền công dân – TS. Đỗ Minh Khôi
- Bàn về đối tượng trưng cầu ý dân – PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp
- Bàn về “Phạm vi trưng cầu ý dân” – TS. Nguyễn Thị Thiện Trí
- Trưng cầu ý dân và dự liệu các tác động không mong muốn – TS. Phan Nhật Thanh
TÓM TẮT
Trưng cầu ý dân là một khái niệm đa diện về bản chất chính trị – pháp lý và đa dạng về loại hình. Ở nhiều quốc gia, pháp luật trưng cầu ý dân thực thi sứ mệnh lịch sử – pháp lý là công cụ để mỗi người dân trực tiếp thực thi quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia và tự chịu trách nhiệm vào quá trình ra quyết định đối với những vấn đề trọng đại của quốc gia. Ở một vài quốc gia khác, pháp luật trưng cầu ý dân bị lạm dụng cho những mưu đồ chính trị riêng hoặc vào các mục đích phản dân chủ, thiết lập và duy trì chế độ độc quyền, ươm mầm tư tưởng dân tộc cực đoan và chủ nghĩa phát xít. Để ngăn chặn và loại bỏ các mặt trái của trưng cầu ý dân, cần phải xem xét nguồn gốc, bản chất của trưng cầu ý dân và phân tích các loại hình trưng cầu ý dân cụ thể. Trên cơ sở đó có thể nhận diện tác động tích cực, dự báo các tác động tiêu cực cùng các khuyến nghị về các điều kiện kinh tế xã hội để đạo luật về trưng cầu ý dân phát huy hiệu quả, biến các mục tiêu, sứ mệnh vốn có của nó thành hiện thực.
TỪ KHÓA: Trưng cầu ý dân, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam
1. Khái niệm trưng cầu ý dân
Bản chất của trưng cầu ý dân được đề cập khá nhiều bởi các nhà nghiên cứu triết học, luật học… Trong các tác phẩm của mình, Jean-Jacques Rousseau nhấn mạnh: nhân dân luôn đảm nhận vai trò là những người tạo lập tất cả, kể cả hệ thống chính trị. Nhân dân là cội nguồn của quyền lực lập pháp và tư pháp tối cao. Những quyết định thể hiện “ý chí chung của nhân dân” là tối cao và không ai có thể phủ nhận.[1]
Dựa trên những lý thuyết của J.J. Rousseau, đại triết gia Đức Immanuel Kant cho rằng nhà nước thuần túy là một tổ chức, ở đó vị trí trung tâm là con người với đầy đủ các thuộc tính mang tính bản chất như: tự do, thông thái và đạo đức. Theo Kant, “một trạng thái dân sự” của xã hội dựa trên các nguyên tắc sau đây: i) tự do của mỗi thành viên với tính chất là một con người; ii) sự bình đẳng giữa họ với nhau như là một công dân; iii) sự độc lập của mỗi thành viên trong cộng đồng như một công dân. Từ tư tưởng này có thể khẳng định rằng, bất kỳ người nào trong xã hội dân sự đều có quyền bình đẳng tham gia vào đời sống chính trị của xã hội, do đó, những lựa chọn và quyết định chính trị của cá nhân có giá trị cao nhất và toàn vẹn nhất.[2]
Những người theo chủ nghĩa tự do (liberalism) tiếp nhận và giải thích tư tưởng của Kant có khuynh hướng coi con người như một lực lượng chính trị độc lập sáng tạo. Vì vậy, vấn đề quyền lực tối cao của người dân được chuyển dịch xem xét trong khía cạnh mối quan hệ của cá nhân và nhà nước. Họ khẳng định rằng, trong thứ tự ưu tiên thì cá nhân đứng trên nhà nước và cá nhân có quyền hình thành nên lập trường của riêng mình trong mối quan hệ với xã hội dân sự và với nhà nước. Theo quan điểm này, nếu gọi kết quả trưng cầu ý dân là “ý chí toàn dân” là không thật thuyết phục. Trưng cầu ý dân chỉ là việc hợp thức hóa quyết định của một nhóm người đưa ra trước đó. Kết quả trưng cầu ý dân là con số thống kê về mặt toán học số lượng phiếu “đồng ý” và “không đồng ý” đối với quyết định của một nhóm khác đưa ra.[3]
Phần lớn ở các quốc gia Anh- Mỹ là nơi ngự trị học thuyết quyền lực tối cao của nghị viện, đặc biệt trong lĩnh vực lập pháp, do vậy họ không chú trọng nhiều đến việc trưng cầu ý dân. Chỉ có ở Vương quốc Anh trong thời gian gần đây có diễn ra trưng cầu ý dân đơn lẻ. Đa số các quốc gia theo nền tảng Hồi giáo không tổ chức trưng cầu ý dân. Ngược lại, ở các quốc gia châu Âu, nơi khai sinh các học thuyết về dân chủ trực tiếp thì hình thức trưng cầu ý dân được thường xuyên sử dụng để tìm kiếm các quyết định cuối cùng từ dân chúng.[4]
Thuật ngữ “referendum”[5] sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia nhưng cách hiểu khái niệm này không đồng nhất với nhau ở mỗi quốc gia, mỗi giai đoạn lịch sử. Trưng cầu ý dân chỉ có thể hiểu đúng, chính xác khi đặt khái niệm này trong bối cảnh cụ thể và xem xét nó trong quan hệ với các học thuyết chính trị pháp lý mà quốc gia đó đang tiếp nhận. Phần lớn pháp luật các nước thừa nhận khái niệm trưng cầu ý dân với các nội dung như sau:
– Là hình thức nhân dân quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước hay địa phương thông qua việc biểu quyết công khai, dân chủ, tự do và trực tiếp;
– Là hình thức thể hiện ý chí của đa số cử tri được quyền biểu quyết;
– Những dự luật hoặc vấn đề được quyết định bởi trưng cầu ý dân chỉ có thể sửa đổi hoặc hủy bỏ bởi một cuộc trưng cầu ý dân khác;
– Các dự luật hoặc vấn đề được thông qua bởi trưng cầu ý dân có hiệu lực ngay kể từ thời điểm công bố kết quả trưng cầu ý dân mà không cần bất kỳ thủ tục phê chuẩn nào khác.
Theo Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân,[6] khái niệm “trưng cầu ý dân” được định nghĩa “là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra những vấn đề quan trọng của đất nước để Nhân dân trực tiếp bỏ phiếu quyết định”.
Bản chất trưng cầu ý dân thể hiện trong khái niệm trên hoàn toàn phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các nguyên tắc dân chủ mà Việt Nam đang áp dụng. Tuy nhiên, vì đây là một khái niệm pháp lý mới, thiết nghĩ, sẽ tốt hơn nếu các nhà làm luật diễn giải chi tiết khái niệm này, nhấn mạnh yếu tố: i) “biểu quyết dưới hình thức bỏ phiếu”, ii) phạm vi trưng cầu ý dân là “toàn dân”, iii) hiệu lực pháp lý các quyết định được thông qua bởi trưng cầu ý dân. Phải diễn giải chi tiết như vậy nhằm khẳng định và phân biệt trưng cầu ý dân với hoạt động bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân, hoạt động lấy ý kiến nhân dân hoặc hoạt động tiếp xúc cử tri, thăm dò ý kiến toàn dân thông qua điều tra xã hội học và các hoạt động khác nhằm thực thi quyền làm chủ của nhân dân mà chúng ta đã thực hiện từ trước đến nay.
2. Về các loại hình trưng cầu ý dân
Pháp luật các quốc gia quy định nhiều loại trưng cầu ý dân khác nhau. Tương ứng mỗi loại hình như vậy các nhà làm luật phải thiết lập quy trình, thủ tục phù hợp để tiến hành trưng cầu ý dân. Giá trị pháp lý của quyết định trưng cầu ý dân cũng sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng loại hình trưng cầu ý dân.
2.1. Trưng cầu ý dân toàn quốc và trưng cầu ý dân địa phương
Trưng cầu ý dân có thể tồn tại dưới các hình thức: trưng cầu ý dân toàn quốc và trưng cầu ý dân địa phương. Trưng cầu ý dân toàn quốc được tổ chức ở mọi địa phương trên cả nước, toàn bộ cử tri có quyền biểu quyết của quốc gia đó đều được tham gia biểu quyết. Trưng cầu ý dân quy mô địa phương chỉ tổ chức tại một địa phương, chỉ những cử tri có quyền biểu quyết đang sinh sống (đăng ký) tại địa phương đó mới tham gia biểu quyết. Cơ quan nào tổ chức trưng cầu ý dân và các vấn đề nào được mang ra trưng cầu ý dân trong phạm vi cả nước hoặc phạm vi địa phương sẽ do pháp luật quốc gia đó quy định. Thông thường trưng cầu ý dân phạm vi địa phương thường sẽ biểu quyết những vấn đề về kinh tế, xã hội của địa phương. Một số quốc gia chỉ cho phép trưng cầu ý dân toàn quốc mà không thừa nhận trưng cầu ý dân phạm vi địa phương. Một số khác cho phép trưng cầu ý dân ở cả hai phạm vi nhưng trưng cầu ý dân phạm vi toàn quốc (toàn liên bang) ít khi diễn ra. Ví dụ ở Mỹ, Canada, Úc ít trưng cầu ý dân toàn liên bang (toàn quốc). Từ sau năm 1949 ở Cộng hòa Liên bang Đức không tổ chức trưng cầu ý dân toàn liên bang. Ở Luxemburg, Hà Lan và nhiều nước khác không có trưng cầu ý dân toàn quốc. Riêng Hà Lan chỉ sử dụng kết quả trưng cầu ý dân để tham khảo mà không có giá trị bắt buộc. Trong khi đó Thụy Sĩ trong giai đoạn từ năm 1848 đến năm 2008 tổ chức 523 lần trưng cầu ý dân toàn quốc .
Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân của Việt Nam chỉ cho phép trưng cầu ý dân phạm vi toàn quốc mà không có trưng cầu ý dân phạm vi địa phương. Quy định như Dự thảo là phù hợp với điều kiện chính trị – xã hội Việt Nam trong giai đoạn đầu áp dụng Luật Trưng cầu ý dân để tập trung quyền lực chính quyền trung ương, phù hợp với hình thức nhà nước đơn nhất, nhằm loại bỏ các nguy cơ chia rẽ dân tộc, vùng miền, cục bộ địa phương… Tuy nhiên về lâu dài, hoàn toàn có thể sửa đổi Luật Trưng cầu ý dân theo hướng quy định chi tiết những vấn đề có thể tổ chức trưng cầu ý dân phạm vi địa phương, giá trị pháp lý các quyết định được thông qua bởi trưng cầu ý dân phạm vi địa phương, xác định thứ tự ưu tiên áp dụng trong trường hợp có xung đột giữa kết quả trưng cầu ý dân của các địa phương khác nhau hoặc kết quả trưng cầu ý dân địa phương và kết quả trưng cầu ý dân cả nước. Bởi lẽ, nếu trưng cầu ý dân chỉ tổ chức trên phạm vi toàn quốc để biểu quyết vấn đề kinh tế xã hội của một địa phương cụ thể thì sẽ không thu hút cử tri tham gia biểu quyết cũng như kết quả sẽ không phản ánh ý chí nguyện vọng của nhân dân địa phương. Ngoài ra, việc cho phép tổ chức trưng cầu ý dân phạm vi địa phương riêng lẻ phù hợp chủ trương nâng cao vai trò và quyền tự chủ, tự quản địa phương.
2.2. Trưng cầu ý dân bắt buộc và trưng cầu ý dân không bắt buộc
Trưng cầu ý dân có thể là bắt buộc hoặc không bắt buộc. Trưng cầu ý dân bắt buộc nghĩa là trưng cầu ý dân những vấn đề mà theo Hiến pháp của quốc gia quy định phải thông qua bằng hình thức trưng cầu ý dân mà không thể bằng hình thức khác. Ví dụ, trưng cầu ý dân toàn quốc về sửa đổi Hiến pháp ở Thụy Sĩ hoặc trưng cầu ý dân địa phương để sáp nhập hoặc hợp nhất các tỉnh ở Hungary. Trưng cầu ý dân không bắt buộc là trưng cầu ý dân những vấn đề mà Hiến pháp không quy định bắt buộc phải trưng cầu ý dân mà có thể sử dụng các hình thức khác để đưa ra quyết định.
Khoản 4 Điều 120 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định”, nghĩa là Quốc hội có thể quyết định trưng cầu ý dân hoặc không cần trưng cầu ý dân để sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Hiến pháp năm 2013 cũng không quy định những vấn đề nào bắt buộc phải tổ chức trưng cầu ý dân. Từ đó suy ra Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân của Việt Nam chỉ quy định hình thức trưng cầu ý dân không bắt buộc, nghĩa là để có quyết định cuối cùng về một vấn đề cụ thể nào đó có thể tổ chức trưng cầu ý dân hoặc sử dụng hình thức khác để có quyết định cuối cùng (thông thường là Quốc hội sẽ quyết định). Với hiện trạng pháp luật như vậy, sẽ xảy ra trường hợp cùng một vấn đề nhưng khi nào Quốc hội sẽ tự mình quyết định và khi nào Quốc hội quyết định đưa vấn đề đó trưng cầu ý dân?
2.3. Trưng cầu ý dân dự thảo Hiến pháp và trưng cầu ý dân những vấn đề thông thường
Căn cứ vào nội dung vấn đề trưng cầu ý dân, có thể chia thành trưng cầu ý dân dự thảo Hiến pháp và trưng cầu ý dân những vấn đề thông thường. Trưng cầu ý dân dự thảo hiến pháp bao gồm trưng cầu ý dân để sửa đổi, bổ sung hiến pháp hoặc những vấn đề quy định trong hiến pháp (quyền con người, quyền công dân, cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước). Trưng cầu ý dân thông thường tức trưng cầu ý dân những vấn đề còn lại không phải là sửa đổi hiến pháp. Trong Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân Việt Nam thì có cả 2 hình thức nói trên. Tuy nhiên Dự thảo không quy định rõ giá trị pháp lý của mỗi hình thức, quy trình thủ tục riêng cho từng hình thức. Sự cào bằng này sẽ dẫn đến những hệ lụy nhất định trong quá trình tổ chức thực thi pháp luật.
2.4. Trưng cầu ý dân trước Nghị viện, trưng cầu ý dân sau Nghị viện và trưng cầu ý dân ngoài Nghị viện
Trưng cầu ý dân có thể là chia thành trưng cầu ý dân trước nghị viện, trưng cầu ý dân sau nghị viện và trưng cầu ý dân ngoài nghị viện. Ở loại hình thứ nhất, trưng cầu ý dân được tiến hành trước khi cơ quan lập pháp ban hành một đạo luật cụ thể nhằm làm rõ quyết định của toàn dân về một vấn đề cụ thể nào đó trong luật. Trên cơ sở quyết định đó, cơ quan lập pháp hoàn tất quy trình còn lại để thông qua đạo luật đó. Loại hình thứ hai áp dụng trong trường hợp nghị viện đã thông qua dự luật nhưng tiếp tục đưa dự luật đó để trưng cầu ý dân mới có hiệu lực. Hình thức thứ ba áp dụng trong trường hợp trưng cầu ý dân những vấn đề mà hiến pháp quốc gia đó quy định bắt buộc phải tổ chức trưng cầu ý dân, không qua cơ quan lập pháp. Hình thức này cũng có thể áp dụng trong bối cảnh không có cơ quan lập pháp hoặc cơ quan lập pháp bị giải tán. Quyết định trưng cầu ý dân ở loại hình thứ ba có hiệu lực ngay khi công bố mà không cần bất cứ thủ tục nào của bất kỳ cơ quan nào.
Nếu căn cứ vào tiêu chí phân loại này thì Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân của Việt Nam chỉ quy định loại hình thứ ba. Loại hình thứ nhất tồn tại dưới hình thức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật nên không gọi là trưng cầu ý dân và không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật trưng cầu ý dân. Hiến pháp năm 2013 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 cũng không quy định điều kiện để một đạo luật phải thông qua thủ tục trưng cầu ý dân mới có hiệu lực áp dụng.
Tóm lại, mục tiêu, giá trị pháp lý và quy trình thủ tục tiến hành trưng cầu ý dân có thể sẽ khác nhau trong từng trường hợp. Do vậy không thể cào bằng bởi những điều luật chung chung như trong Dự thảo luật. Nếu quy định theo nguyên lý cào bằng và chung chung sẽ dẫn đến những khó khăn nhất định khi tổ chức trưng cầu ý dân.
3. Những vấn đề cần được trưng cầu ý dân
Trưng cầu ý dân là hình thức dân chủ trực tiếp và thực chất hơn so với hình thức dân chủ đại diện vì ý chí, nguyện vọng của mỗi người dân được thể hiện trực tiếp thông qua hình thức biểu quyết. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh hiệu quả thì chưa thể kết luận rằng trưng cầu ý dân sẽ hiệu quả hơn so với quyết định của các cơ quan đại diện. Không phải mọi vấn đề đều có thể mang ra trưng cầu ý dân, đặc biệt là những vấn đề phức tạp, tính chuyên môn cao.
Có nhiều phương thức thể hiện các vấn đề có thể trưng cầu ý dân: i) phương thức liệt kê (cho phép) những vấn đề có thể trưng cầu ý dân; ii) phương pháp loại trừ, tức luật chỉ liệt kê những trường hợp không được trưng cầu ý dân; iii) kết hợp cả hai phương thức, vừa mô tả những vấn đề trưng cầu ý dân (nhưng không giới hạn) vừa liệt kê những vấn đề cấm trưng cầu ý dân (ví dụ Luật Liên bang Nga).
Dự thảo quy định bốn vấn đề có thể đề xuất để Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân. Căn cứ cấu trúc quy phạm pháp luật có thể kết luận rằng chỉ có 4 nhóm vấn đề được liệt kê trực tiếp trong luật mới có thể đề xuất và có thể được Quốc hội chấp thuận tổ chức trưng cầu ý dân.
Luật các quốc gia thường chia nhỏ các vấn đề trưng cầu ý dân như sửa Hiến pháp; sửa luật; quyền con người; môi trường; thuế, nợ công; đầu tư công… Tương ứng mỗi vấn đề trưng cầu ý dân sẽ có các quy trình thủ tục và giá trị pháp lý riêng. Ví dụ, Luật Trưng cầu ý dân Cộng hòa Ba Lan ngày 14/3/2003 (Dziennik Ustaw RP. N 57. Poz. 507) có 98 điều, 13 chương. Trong số đó có 3 chương quy định chi tiết cho 3 trường hợp trưng cầu ý dân với chủ đề đặc biệt quy định bởi Hiến pháp đó là “trưng cầu ý dân đối với những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quốc gia” (chương 8); trưng cầu ý dân để thể hiện đồng ý việc phê chuẩn các điều ước quốc tế (chương 9) và “trưng cầu ý dân để sửa đổi Hiến pháp” (chương 10) .
Ngoài ra, Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân của Việt Nam cũng không quy định những vấn đề không được đề xuất, không được quyết định và không được tổ chức trưng cầu ý dân.
Pháp luật về trưng cầu ý dân một số nước có quy định chi tiết những vấn đề không được trưng cầu ý dân, chẳng hạn:[7]
– Thay đổi địa vị pháp lý của các bang (chủ thể) trong liên bang, đã được thể hiện trong hiến pháp hoặc thay đổi chủ quyền lãnh thổ của quốc gia đã khẳng định trong hiến pháp. Quy định cấm này xuất phát từ quan niệm cho rằng đó là vấn đề của lịch sử, kết quả các thế hệ đi trước nên cần giữ nguyên hiện trạng để kế thừa cho các thế hệ sau.
– Vấn đề chấm dứt trước hạn hoặc gia hạn nhiệm kỳ của các bộ phận trong cấu trúc quyền lực nhà nước (thượng viện, hạ viện, tổng thống, thủ tướng…), để tránh tình trạng phá vỡ cân bằng quyền lực và khủng hoảng quyền lực. Quy trình thủ tục gia hạn nhiệm kỳ, phế truất tổng thống, giải tán nghị viện… sẽ áp dụng theo các luật về tổng thống, nghị viện mà tổ chức không trưng cầu ý dân. Đặc biệt quy định này nhằm loại bỏ nguy cơ sử dụng trưng cầu ý dân như một công cụ hình thành và duy trì chế độ độc tài.
– Những vấn đề bãi miễn trước hạn, gia hạn nhiệm kỳ các quan chức trong chính phủ, tòa án, viện công tố hoặc các cơ quan tổ chức quốc tế.
– Vấn đề ban bố tình trạng đặc biệt và biện pháp khẩn cấp để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho dân chúng.
– Những quyền đặc biệt của các cơ quan nhà nước đã được quy định trong HIến pháp hoặc trong các đạo luật.
Luật các nước có quy định những bối cảnh và trường hợp không được tổ chức trưng cầu ý dân, ví dụ như:[8]
– Không đề xuất trưng cầu ý dân, không quyết định trưng cầu ý dân và không tổ chức trưng cầu ý dân trong bối cảnh chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp, kể cả trong thời hạn 3 tháng kể từ thời điểm hủy bỏ tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp đó;
– Không tổ chức trưng cầu ý dân vào năm cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống, nhiệm kỳ thượng viện, nhiệm kỳ hạ viện;
– Không đề xuất trưng cầu ý dân trong khoảng thời gian giữa thời điểm công bố chính thức cho toàn dân quyết định về tổ chức trưng cầu ý dân và thời điểm chính thức công bố chính thức cho toàn dân kết quả trưng cầu ý dân;
– Không trưng cầu ý dân lặp lại một vấn đề đã trưng cầu ý dân trước đó trong thời hạn 2 năm và đã công bố kết quả chính thức. Nếu vấn đề dự kiến trưng cầu ý dân có nội dung, cấu trúc và ý nghĩa giống như vấn đề đã tổ chức trưng cầu ý dân.
Cho dù Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân của Việt Nam quy định rằng, Quốc hội là cơ quan quyết định cuối cùng trong việc chấp nhận bay bác bỏ một đề xuất trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, để có quyết định này các đại biểu Quốc hội cũng phải căn cứ vào những tiêu chí nhất định. Thiết nghĩ, trong một chừng mực nhất định có thể tham khảo pháp luật nước ngoài về các vấn đề không được trưng cầu ý dân và những điều kiện, bối cảnh không tổ chức trưng cầu ý dân.
4. Tài chính và truyền thông phục vụ trưng cầu ý dân
Tại Việt Nam có khoảng 62 triệu cử tri[9] có quyền biểu quyết khi tổ chức trưng cầu ý dân. Với quy mô như vậy, tổ chức trưng cầu ý dân sẽ tiêu tốn một kinh phí không hề nhỏ từ ngân sách nhà nước. Rất khó để Việt Nam tổ chức trưng cầu ý dân với tần suất như Thụy Sĩ hay Cộng hòa Liên bang Đức và các quốc gia châu Âu khác.
Pháp luật các nước cho phép thành lập các quỹ tự nguyện, bắt buộc để phục vụ hoạt động thu thập chữ ký, đệ trình các vấn đề trưng cầu ý dân. Các nhóm cá nhân hay tổ chức đệ trình sáng kiến trưng cầu ý dân phải thành lập các quỹ riêng mà không sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước. Ngoài quỹ bắt buộc dùng cho hoạt động của nhóm đề xuất trưng cầu ý dân, có thể tồn tại các quỹ tự nguyện hình thành từ các khoản đóng góp tự nguyện của các nhóm cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên pháp luật cũng khống chế mức đóng góp và chủ thể đóng góp. Các quỹ này nhằm cung cấp kinh phí cho hoạt động vận động, truyên truyền cho trưng cầu ý dân. Kinh nghiệm trưng cầu ý dân các nước cho thấy đây là vấn đề phức tạp, dễ bị lạm dụng do vậy trong luật các nước quy định khá chi tiết về nguồn gốc hình thành quỹ, định mức của quỹ, mục đích sử dụng quỹ và chế độ kiểm toán, công khai các quỹ này.
Ngoài ra, yếu tố quyết định thành công trưng cầu ý dân là hệ thống thông tin truyền thông. Tất cả mọi công dân đều là những cử tri thông thái nếu như mỗi người trong số họ đều bình đẳng trong cơ hội tiếp cận thông tin và thông tin mà họ tiếp nhận là đầy đủ, chính xác, kịp thời. Sẽ không có quyết định đúng đắn nào được thông qua từ trưng cầu ý dân nếu thông tin bị bóp méo, xuyên tạc. Do vậy điều kiện tiên quyết để trưng cầu ý dân không bị lợi dụng, phát huy hiệu quả thì pháp luật phải trực tiếp quy định chi tiết công tác truyền thông, thông tin phục vụ trưng cầu ý dân. Rất tiếc vấn đề tài chính và thông tin phục vụ trưng cầu ý dân được quy định khá sơ sài trong dự luật này.
Trưng cầu ý dân là cơ chế hiến định nhằm thực thi quyền và nghĩa vụ của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Trưng cầu ý dân đòi hỏi mọi quy trình, thủ tục dù là nhỏ nhất phải theo luật (do Quốc hội ban hành) thì mới đảm bảo tính hợp hiến. Khó có thể chấp nhận tình trạng Chính phủ sẽ ban hành nghị định để hướng dẫn hành một số điều nào đó của Luật Trưng cầu ý dân. Trong khi đó, nếu đạo luật này có nhiều quy định chung chung, định tính như đã phân tích ở trên thì khả năng áp dụng trực tiếp là không dễ dàng.
CHÚ THÍCH
[1] Jean-Jacques Rousseau, Bàn về Khế ước xã hội, Nxb. Lý luận chính trị, H., 2006 (bản tiếng Việt).
[2] См. Философия Канта и современность – М “Наука”, 1974 С. 184-209. Triết học của Kant và hiện đại – Moscow “Khoa học”, 1974, tr. 184- 209.
[3] Mamichep V.N, “Trưng cầu ý dân trong luật các nước và ở Nga: Nghiên cứu lịch sử và so sánh”, Luận án tiến sỹ luật, 2000. Website: http://www.dissercat.com. (Мамичев В.Н (2000) Референдум в законодательстве зарубежных стран и России: Историко-правовое исследование. диссертации и автореферата по ВАК 12.00.01, кандидат юридических наук). http://www.dissercat.com.
[4] Chirkin V.E , Luật Hiến pháp nước ngoài, M., Nxb. Iurict, 2006, tr. 267. (Чиркин В.Е , Конституционное право зарубежных стран, М.: Юристъ М., 2006. – С. 267).
[5] Trong các tài liệu pháp lý nước ngoài ngoài thuật ngữ “referendum” còn sử dụng thuật ngữ “рlebiscitum”. Plebiscitum có gốc từ tiếng la tinh: “plebs” nghĩa là thường dân; “scitum” nghĩa là quyết định, nghị quyết. Từ ghép Plebel scitum, – nghĩa là một nghị quyết được biểu quyết tập thể bởi những người dân thường không có sự tham gia, can thiệp của nhóm quý tộc. Trong Luật La Mã, Plebiscitum với nghĩa là một quyết đinh có hiệu lực cho toàn thể thường dân được nhắc đến trong Luật Valeri và Gorasia khoảng năm 449 trước CN. Trong khoa học pháp lý và luật thực định các quốc gia châu Âu hai thuật ngữ này không hoàn toàn đồng nghĩa nhưng đôi khi sử dụng thay thế cho nhau. Nguồn: Самородова-Богацкая Л. Федеральный референдум и народная инициатива в Швейцарии. Вопросы теории и практики. Понятие и теоретические основы института референдума. Книга первая (Монография)) // Международный журнал экспериментального образования. – 2015. – № 1 – С. 59-60 : www.rae.ru/meo/?section=content&op=show_article&article_id=6336 (Ngày cập nhật: 04. 05. 2015).
[6] Thực hiện Nghị quyết số 428/NQ-UBTVQH13 ngày 29/12/2011 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc triển khai Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26/11/2011 của Quốc hội khóa XIII về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, Hội Luật gia Việt Nam chủ trì xây dựng dự án Luật Trưng cầu ý dân. Dự thảo lần 4 và hồ sơ dự án luật đăng tại Cổng thông tin điện tử thư viện Quốc hội: http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=1040&LanID=1041&TabIndex=1
[7] Xem thêm: Điều 6 Luật Hiến pháp Liên bang của Nga “Về trưng cầu ý dân” ngày 28/6/2004. Bản tiếng Nga: Федеральный конституционный закон от 28.06.2004 N 5-ФКЗ “О референдуме Российской Федерации” Одобрен Государственной Думой 11 июня 2004 года; Одобрен Советом Федерацииn 23 июня 2004 года; sửa đổi các lần: от 30.12.2006 N 7-ФКЗ, от 24.04.2008 N 1-ФКЗ, от 22.12.2014 N 17-ФКЗ, от 06.04.2015 N 2-ФКЗ, с изм., внесенными Постановлением Конституционного Суда РФ от 21.03.2007 N 3-П).
http://www.consultant.ru/document/cons_doc_LAW_177659/?frame=4 © КонсультантПлюс, 1992-2015.
[8] Ví dụ: Điều 7 Luật Hiến pháp Liên bang của Nga “Về trưng cầu ý dân” ngày 28/6/2004. Bản tiếng Nga: Федеральный конституционный закон от 28.06.2004 N 5-ФКЗ “О референдуме Российской Федерации”.
[9] Số liệu của kỳ bầu cử Quốc hội khóa 13,.http://baucukhoa13.quochoi.vn/Pages/PageNotFoundError.aspx?requestUrl=/Pages/PageNotFoundError.aspx.
Tác giả: Nguyễn Văn Vân – PGS. TS, Trưởng Khoa Luật Thương mại, trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 07/2015 (92) – 2015, Trang 49-55
Like fanpage Luật sư Online tại https://www.facebook.com/iluatsu/
Trả lời