Mục lục
Nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong bộ máy nhà nước
Tác giả: Tô Văn Hòa
Nguyên tắc “Pháp quyền xã hội chủ nghĩa” là nguyên tắc tương đối mới trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nó được quy định lần đầu tiên ở Hiến pháp năm 1992 khi được sửa đổi, bổ sung năm 2001 và được hoàn thiện thêm một bước ở Hiến pháp năm 2013 tại khoản 1 Điều 2 và khoản 1 Điều 8.
Xem thêm bài viết về “Pháp quyền xã hội chủ nghĩa”
1. Nội dung Nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Khoản 1 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Theo quy định này, mô hình lí tưởng mà công cuộc xây dựng bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hướng tới là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với bản chất của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Kể từ khi quy định này xuất hiện lần đầu tiên trong Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001 đã có nhiều công trình nghiên cứu để tìm ra đặc điểm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hầu hết trong số đó nhất trí với sáu đặc điểm: (1) Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; (2) Nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, tôn trọng và bảo vệ Hiến pháp; (3) Pháp luật có vị trí tối tượng trong đời sống xã hội; (4) Nhà nước tôn trọng, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân; (5) Nhà nước bảo đảm quyền lực thống nhất, có sự phân công, phối hợp trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; (6) Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Nguyên tắc “Pháp quyền xã hội chủ nghĩa” là nguyên tắc hạt nhân, cốt lõi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được thể hiện qua đặc điểm 2 và 3 trong số 5 đặc điểm nói trên của Nhà nước pháp quyền. Khoản 1 Điều 8 Hiến pháp năm 2013 đề cập rõ hơn nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa thông qua quy định: Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lí xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật… Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 cũng đề cập rõ hơn nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa khi đưa ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020: “Bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lí xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước…”
Trên bình diện thế giới, nguyên tắc pháp quyền (không có hậu tố “xã hội chủ nghĩa”) là nguyên tắc rất phổ biến trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước hiện đại. Thuật ngữ “Pháp quyền” (rule of law) lần đầu tiên được học giả luật hiến pháp nổi tiếng của Vương quốc Anh Albert Venn Dicey sử dụng trong tác phẩm Giới thiệu nghiên cứu về luật hiến pháp vào cuối thế kỉ XIX với tư tưởng chính là sự thượng tôn của pháp luật đối với chính quyền. Kể từ đó thì các nghiên cứu về pháp quyền bắt đầu nở rộ và hình thành hai trường phái chính là trường phái pháp quyền hình thức (formalism rule of law), với các đại diện như Albert Venn Dicey, Joseph Raz…, và trường phái pháp quyền nội dung (substantive rule of law) với các đại diện như Ronald Dworkin, Trevor Allan… Nguyên tắc pháp quyền cũng bước từ lí luận ra thực tiễn tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước ở đa số các quốc gia trên thế giới với các mô hình nổi tiếng của Vương quốc Anh (rule of law), Hoa Kỳ (due process of law), Pháp (l’Etat de droit), Dúc (Rechtsstaat).
Trên cơ sở điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam và thành tựu chung của nhân loại, nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa với tư cách là nguyên tắc hiến định trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nội dung cơ bản là pháp luật phải có vị trí tối thượng hay thượng tôn, tối cao với tất cả mọi chủ thể mà trước tiên là tất cả các cơ quan nhà nước. Pháp luật là sức mạnh cai trị tối thượng trong xã hội, không một ai được đứng trên pháp luật và bản thân chính quyền phải chịu sự kiểm chế của pháp luật. Tất cả hoạt động của các cơ quan nhà nước, người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước đều phải căn cứ vào pháp luật, chỉ được làm những gì pháp luật cho phép và trong khuôn khổ pháp luật đã đặt ra. Đây là tư tưởng cốt lõi của nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa và tương ứng với chữ “quyền” trong cụm “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, đó là “quyền” của pháp luật đối với Nhà nước, hay trực tiếp hơn là tất cả các cơ quan nhà nước.
Tư tưởng này tưởng chừng hết sức đơn giản song lại chứa đựng hàm ý cao siêu. Người học luật luôn thuộc lòng kiến thức căn bản nhất về pháp luật như: pháp luật là các quy tắc xử sự chung, thể hiện ý chí chung bắt buộc đối với toàn xã hội; pháp luật thể hiện quyền lực cai trị toàn xã hội; song, pháp luật lại do Nhà nước, mà trực tiếp là các cơ quan nhà nước đặt ra. Vậy logic thông thường là người đã đặt ra pháp luật thì cũng có quyền thay đổi pháp luật và do đó pháp luật không thể cao hơn người đã đặt ra mình, ví dụ ông Vua đặt ra pháp luật thì có quyền thay đổi pháp luật bất kì lúc nào và pháp luật không thể cao hơn Vua. Nguyên tắc pháp quyền không phủ nhận pháp luật do cơ quan nhà nước đặt ra bằng cách ban hành hay công nhận. Nguyên tắc này chỉ yêu cầu rằng: cho dù là như vậy thì Nhà nước, tức là tất cả các cơ quan nhà nước, phải thượng tôn pháp luật, chịu sự kiểm soát của pháp luật. Nói cách khác, Nhà nước đặt ra pháp luật song pháp luật phải trở thành công cụ kiềm chế nhà nước, định ra khuôn khổ cho nhà nước hoạt động, “Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”. Dicey nói: “Nguyên tắc nhà nước pháp quyền đối lập với bất kì hệ thống chính quyền nào được thiết lập trên cơ sở đặt quyền quyết định quá rộng và không có sự hạn chế vào tay những người có chức vụ”. Pháp luật là quy tắc xử sự chung nên Nhà nước khuất phục trước pháp luật thì cũng là Nhà nước tự kiềm chế mình, tức là Nhà nước khuất phục trước ý chí chung thể hiện trong pháp luật. Đó là cơ sở quan trọng nhất để thiết lập tự do và công bằng trong xã hội. Pháp luật thượng tôn đối với Nhà nước thì người dân mới có thể dùng pháp luật để kìm chế, khuất phục Nhà nước, qua đó tin tưởng rằng Nhà nước phải bảo vệ chứ không thể xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đây cũng là cơ sở quan trọng nhất bảo đảm Nhà nước thực sự dân chủ, của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Xem thêm bài viết về “Tổ chức bộ máy nhà nước”
- Nguyên tắc quyền lực thống nhất trong tổ chức bộ máy nhà nước – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Nguyên tắc Chủ quyền nhân dân (Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân) trong tổ chức bộ máy nhà nước – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Các nguyên tắc hiến định về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Cấu trúc tổ chức của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Bộ máy Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
2. Điều kiện đảm bảo thực hiện Nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Với nội dung cơ bản trên đây, có thể thấy nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cũng như nguyên tắc pháp quyền nói chung, phản ánh một lí tưởng hết sức tốt đẹp về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Vấn đề là tư tưởng này không tự nó trở thành hiện thực nếu thiếu đi những điều kiện và cũng là những yêu cầu mang tính chất cơ sở hình thành sau đây:
2.1. Pháp luật phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn về hình thức để có thể phát huy được vai trò thượng tôn đối với Nhà nước
Pháp luật phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn về hình thức để có thể phát huy được vai trò thượng tôn đối với Nhà nước. Các phẩm chất về hình thức bao gồm: (1) Pháp luật chỉ được áp dụng đối với các quan hệ xã hội phát sinh sau khi pháp luật có hiệu lực. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt pháp luật mới có hiệu lực hồi tố. (2) Pháp luật phải được viết và thể hiện một cách rõ ràng để hạn chế tối đa việc hiểu đa nghĩa đối với một quy định của pháp luật. (3) Pháp luật phải dễ tiếp cận, tức là các chủ thể phải được biết pháp luật là gì thì mới có thể biết được phạm vi quyền, nghĩa vụ pháp lí của các chủ thể có liên quan tới đâu. (4) Pháp luật phải có tính ổn định tương đối, tức là công tác xây dựng pháp luật phải đủ hoàn thiện để bảo đảm quy định của pháp luật đưa ra phù hợp với thực tiễn trong một thời gian dài, qua đó không bị thay đổi thường xuyên gây khó khăn cho việc tiếp cận pháp luật.
2.2. Pháp luật phải có một số phẩm chất về nội dung nhất định để bảo đảm pháp luật thống trị là pháp luật “tốt”
Pháp luật phải có một số phẩm chất về nội dung nhất định để bảo đảm pháp luật thống trị là pháp luật “tốt”. Trước tiên, pháp luật phải thể hiện được ý chí chung phù hợp với lợi ích của đa số người dân trong xã hội. Pháp luật cũng phải cụ thể hoá được các quyền con người, quyền cơ bản của công dân đã được hiến pháp quy định. Đặc biệt, pháp luật phải chú trọng cụ thể hoá được các quyền làm chủ của người dân đối với Nhà nước, các quyền mà người dân có thể sử dụng để kiểm soát các cơ quan nhà nước, ví dụ quyền bầu cử, ứng cử, quyền tiếp cận thông tin… Có thể thấy, chính việc bảo đảm các yêu cầu về nội dung của pháp luật, đặc biệt là yêu cầu phù hợp với lợi ích của đa số người dân trong xã hội, tạo nên tính chất xã hội chủ nghĩa trong nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
2.3. Phải có cơ chế pháp lí hữu hiệu để buộc các cơ quan nhà nước tuân thủ pháp luật
Phải có cơ chế pháp lí hữu hiệu để buộc các cơ quan nhà nước tuân thủ pháp luật, hay nói cách khác là để bảo đảm sự thượng tôn của pháp luật đối với cơ quan nhà nước. Yêu cầu này bao gồm các yếu tố như: (1) Việc ban hành các văn bản pháp luật cá biệt phải tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật áp dụng chung, rõ ràng, ổn định và dễ tiếp cận. (2) Pháp luật phải được bảo vệ bởi một hệ thống toà án độc lập, có năng lực, có khả năng thi hành công lí, khi xét xử chỉ tuân theo pháp luật. (3) Hệ thống toà án khi xét xử phải tuân thủ các quy tắc tố tụng công bằng, ví dụ phiên toà công khai, quyền bào chữa phải được bảo đảm… (4) Người dân phải được tiếp cận với toà án bất cứ khi nào mình muốn và toà án phải sẵn sàng đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp của người dân.’ (5) Phải có một cơ chế bảo vệ hiến pháp hữu hiệu bảo đảm tính tối cao của hiến pháp, qua đó bảo đảm thượng tôn pháp luật đối với nhà nước và xã hội. (6) Phải có hệ thống cơ chế hữu hiệu kiểm soát các cơ quan trong việc thực thi quyền lực nhà nước…
Xem thêm bài viết về “Bộ máy nhà nước”
- Các nguyên tắc hiến định về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Bộ máy nhà nước Việt Nam qua các giai đoạn Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992 và 2013) – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Cấu trúc tổ chức của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Khái niệm bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Nguyên tắc chủ quyền thuộc về nhân dân trong bộ máy nhà nước – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
Như vậy, thuật ngữ “Pháp quyền xã hội chủ nghĩa” được sử dụng ở Việt Nam vừa là tên gọi của mô hình nhà nước lí tưởng – Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vừa là tên gọi của một nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước lí tưởng đó – Nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự là nguyên tắc hạt nhân, cốt lõi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; không có nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì không có bộ máy nhà nước hay Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa./.
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời