Nguyên tắc một hay nhiều quốc tịch và vấn đề thay đổi quốc tịch
Tác giả: GS.TS. Thái Vĩnh Thắng
1. Nguyên tắc một hay nhiều quốc tịch
Pháp luật về quốc tịch của các nước quy định rất khác nhau về việc thừa nhận một cá nhân được có một quốc tịch hay cùng một lúc được có nhiều quốc tịch. Điều đó đã dẫn đến tình trạng nhiều người cùng một lúc có hai hoặc nhiều quốc tịch nhưng cũng có nhiều người lại không có quốc tịch nào.
Nhiều nước quy định rõ ràng, chặt chẽ nguyên tắc một người chỉ được mang một quốc tịch (Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, Cộng hoà Liên bang Nga, Nhật Bản…). Nhiều nước hoặc công khai thừa nhận một người được có cùng một lúc nhiều quốc tịch hoặc do các quy định trong pháp luật về quốc tịch của họ tất yếu dẫn đến tình trạng một người sẽ mang nhiều quốc tịch cùng một lúc, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của họ.
Xem thêm bài viết về “Quốc tịch”
- Nguyên tắc xác định quốc tịch nguyên thủy – GS.TS. Thái Vĩnh Thắng
- Đường lối chính trị – pháp lí trong pháp luật về quốc tịch của các nước trên thế giới – GS.TS. Thái Vĩnh Thắng
- Mối quan hệ giữa Quốc tịch với quyền và nghĩa vụ của công dân – GS.TS. Thái Vĩnh Thắng
- Quốc tịch là gì? Cơ sở ra đời và tồn tại của quốc tịch? – GS.TS. Thái Vĩnh Thắng
Ví dụ: các nước như Cộng hoà Pháp, Canada, Australia, Campuchia… không quy định người nhập quốc tịch của họ phải từ bỏ quốc tịch mà người đó đang có, cũng không quy định công dân nước mình khi nhập quốc tịch một nước khác thì phải thôi quốc tịch của mình.
Trên thực tế, mâu thuẫn pháp luật giữa các nước cũng có thể dẫn đến tình trạng một người mang nhiều quốc tịch. Ví dụ: trường hợp mà đứa trẻ của hai vợ chồng người nước ngoài được sinh ra trên đất nước mà pháp luật về quốc tịch của họ quy định theo tiêu chí lãnh thổ, trong khi đó nhà nước của bố mẹ đứa trẻ lại quy định theo tiêu chí huyết thống. Hoặc, trường hợp người phụ nữ lấy chồng ở một nước mà pháp luật về quốc tịch của họ quy định quốc tịch của phụ nữ theo quốc tịch của người chồng.
Tình trạng một người cùng một lúc mang nhiều quốc tịch gây không ít khó khăn cho hoạt động quản lí và bảo vệ công dân của các nhà nước. Để bảo vệ và thực hiện chủ quyền quốc gia, các nước từ lâu đã hết sức quan tâm đến việc hạn chế và khắc phục tình trạng nhiều quốc tịch. Trong bản Định ước Lahay ngày 12/4/1930, các nước thành viên tham gia đã đạt được sự nhất trí cao trong việc cố gắng làm giảm bớt càng nhiều càng tốt những trường hợp mang nhiều quốc tịch.
Xem thêm bài viết về “Một quốc tịch“, “Nhiều quốc tịch”
2. Vấn đề thay đổi quốc tịch
Nhìn chung, pháp luật về quốc tịch của các nước quy định khá thể hai nội dung lớn về vấn đề thay đổi quốc tịch. Đó là mất quốc tịch và nhập quốc tịch.
2.1. Về vấn đề mất quốc tịch
Tìm hiểu pháp luật về quốc tịch của các nước chúng ta thấy các quy định về mất quốc tịch thường tập trung vào các nội dung sau:
Thứ nhất, đa phần các nước phân biệt khá rõ ràng, cụ thể trường hợp mất quốc tịch do xin phép (tự nguyện xin thôi quốc tịch) hoặc do tác động của pháp luật thực định (ngoài ý muốn chủ quan) với trường hợp bị tước quốc tịch (với tính cách là những chế tài, có tính trừng phạt).
Thứ hai, nhiều nước quy định cụ thể những trường hợp không cho phép thôi quốc tịch.
Ví dụ: những người đang còn nợ thuế hoặc các nghĩa vụ tài chính với nhà nước mà họ đang có quốc tịch; những người bị truy tố hình sự hoặc đang phải thi hành bản án dân sự; những người liên quan đến các lí do an ninh, chính trị…
Thứ ba, các nước đều quy định việc tước quốc tịch chỉ áp dụng đối với hai đối tượng:
Những người có quốc tịch gốc nhưng thường trú ở nước ngoài có hành vi vi phạm nghiêm trọng về chính trị hoặc có thái độ chính trị xấu đối với nhà nước mà họ mang quốc tịch (như phản bội Tổ quốc, vi phạm nặng về vấn đề an ninh quốc gia hoặc không được phép mà vẫn làm việc cho quốc gia khác dù đã bị cảnh cáo…).
Những người đã được nhập quốc tịch nhưng có hành vi gian lận trong việc xin nhập quốc tịch hoặc phạm tội theo quy định của pháp luật nước mà họ đã được nhập quốc tịch.
2.2. Về vấn đề nhập quốc tịch
Pháp luật về quốc tịch của hầu hết các nước quy định một người nước ngoài muốn nhập quốc tịch của một nước phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của nhà nước mà họ muốn nhập quốc tịch;
Thứ hai, phải đạt đến độ tuổi nhất định. Đa số các nước quy định quyền độc lập xin nhập quốc tịch đối với những người đủ tuổi thành niên, còn đối với người chưa thành niên cần có sự chấp thuận của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp;
Thứ ba, phải có thời gian cư trú nhất định tại nước xin nhập quốc tịch;
Thứ tư, phải biết ngôn ngữ và có khả năng hòa nhập vào cộng đồng văn hoá của nước xin nhập quốc tịch;
Thứ năm, phải đáp ứng các yêu cầu về “tư cách đạo đức” theo quy định của nước xin nhập quốc tịch;
Thứ sáu, phải đáp ứng yêu cầu về sức khỏe. Ngoài ra, một số nước còn có các quy định về các điều kiện ưu đãi. Vấn đề này quy định của mỗi nước có khác nhau, tùy thuộc vào chính sách quốc tịch của từng nước./.
Xem thêm bài viết về “Thay đổi quốc tịch”
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời