Mối quan hệ giữa Quốc tịch với quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
Tác giả: Thái Vĩnh Thắng
1. Quốc tịch là căn cứ xác định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
Để xác định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trước hết, phải xác định quốc tịch của họ. Nếu như quyền và nghĩa vụ là chế định trung tâm của Luật Hiến pháp về địa vị pháp lí của người công dân thì quốc tịch là chế định có tính chất tiền đề, có ý nghĩa quyết định. Chỉ trên cơ sở đã xác định được quốc tịch của một cá nhân mới có thể xác định được rõ ràng, đầy đủ các quyền và nghĩa vụ công dân của họ, bởi lẽ không phải bất kì ai sống trên lãnh thổ một quốc gia cũng đều là công dân của nhà nước đó. Giữa những người là công dân và những người không phải là công dân của nhà nước có sự khác nhau căn bản về quyền và nghĩa vụ. Đặc trưng của quốc tịch là người có quốc tịch của một nhà nước thì được hưởng các quyền và phải thực hiện các nghĩa vụ do pháp luật của nhà nước đó quy định đồng thời phải chịu sự chi phối và quản lí về mọi mặt của nhà nước. Vậy, ai là người được hưởng các quyền và nghĩa vụ công dân, ai phải chịu sự chi phối toàn diện bởi chủ quyền của một nhà nước, điều đó chỉ có thể được xác định trên cơ sở đã xác định được quốc tịch của họ.
Ngày nay, khi con người đã trở thành trung tâm của mọi sự phấn đấu, mọi hoạt động của Nhà nước ta thì các quyền và nghĩa vụ công dân ngày càng được mở rộng cùng với sự phát triển về mọi mặt của xã hội. Đồng thời, yêu cầu của Nhà nước đối với mỗi công dân cũng lớn hơn, đòi hỏi họ phải sử dụng đầy đủ hơn, tích cực hơn các quyền và thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ công dân của mình. Hiến pháp năm 1992 của Nhà nước ta đã quy định rộng rãi, rõ ràng các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nó làm cho mọi công dân ý thức được rõ ràng và đầy đủ hơn địa vị thực tế của mình trong xã hội. Hiến pháp năm 1992 vừa là cơ sở pháp lí nhằm bảo đảm và thực hiện quyền dân chủ của công dân, vừa xác định các bảo đảm về chính trị, kinh tế, pháp lí đối với các quyền và nghĩa vụ công dân, vừa động viên quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào các hoạt động của Nhà nước và xã hội. Ngay ở đây, ta thấy được mối liên hệ hữu cơ giữa quốc tịch với các quyền và nghĩa vụ công dân. Chỉ khi nào cá nhân đã trở thành công dân của nhà nước độc lập, có chủ quyền thì các quyền và nghĩa vụ công dân của họ mới thật sự có ý nghĩa thực tế và phát huy được tác dụng thiết thực của nó. Vì vậy, điều đầu tiên trong Chương “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” của Hiến pháp năm 1992 (Điều 49) quy định vấn đề quốc tịch: “Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”. Với quy định trên, những nguyên tắc cơ bản về địa vị pháp lí của công dân trong chế độ nhà nước ta đã được ghi nhận. Nó thể hiện các quyền tự do, bình đẳng, không bị áp bức của công dân.
Xem thêm bài viết về “Quốc tịch”
- Quốc tịch là gì? Cơ sở ra đời và tồn tại của quốc tịch? – GS.TS. Thái Vĩnh Thắng
2. Mối quan hệ giữa quốc tịch với các quyền của công dân được thể hiện rõ nét trong lịch sử phát triển của Nhà nước
Mối quan hệ giữa quốc tịch với các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được thể hiện rõ nét trong lịch sử phát triển của Nhà nước ta. Khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được thành lập, nhân dân ta từ chỗ mất nước đã trở thành công dân của một Nhà nước độc lập, có chủ quyền, từ chỗ không có chút quyền nào đến chỗ có quyền làm chủ đất nước. Vị trí làm chủ đó ngày càng được hoàn thiện và củng cố, cùng với sự hoàn thiện và củng cố của Nhà nước ta. Các quyền và nghĩa vụ công dân ngày càng được mở rộng và bảo đảm chắc chắn đi đôi với sự tăng cường và mở rộng cơ sở chính trị, kinh tế, xã hội của chế độ nhà nước ta.
Xem thêm bài viết về “Quyền công dân”
- Chế định pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong Luật Thư viện 2019 – TS. Lê Tùng Sơn
- Quyền được miễn trừ nghĩa vụ khai báo trong tố tụng hình sự – Quyền cơ bản của công dân, quyền của những người tham gia tố tụng – TS. Lê Nguyên Thanh
- Những nội dung mới của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong tố tụng hình sự – TS. Hoàng Anh Tuyên
- Sửa đổi các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 theo Hiến pháp 2013 nhằm bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn – PGS.TS. Trần Ngọc Đức
- Bảo vệ quyền đảm bảo bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam – ThS. Nguyễn Thị Ánh Hồng
3. Mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân ngày càng được phát triển
Mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân ngày càng được phát triển bằng sự nỗ lực hoạt động của cả Nhà nước lẫn công dân vì sự nghiệp cách mạng chung.
Ngay từ Cương lĩnh chính trị năm 1930 của Đảng cộng sản Đông Dương đã nêu ra các quyền của nhân dân lao động. Vấn đề đấu tranh nhằm giải phóng nhân dân lao động đã được đề ra bằng cách xác định mục tiêu, các giai đoạn và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam. Tự do và hạnh phúc của nhân dân lao động là trung tâm, là mục đích chính của tất cả mọi sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng. Nhằm thực hiện mục đích đó, vấn đề cơ bản là phải đánh đuổi đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, đập tan chính quyền bù nhìn, phản động, thiết lập chính quyền của nhân dân lao động. Tự do chỉ có thể có được trên cơ sở đất nước độc lập, Nhà nước thống nhất, có chủ quyền. Tuyên ngôn độc lập của nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 02/9/1945 đã tuyên bố với toàn thế giới và quốc dân đồng bào là nước nhà độc lập, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là Nhà nước có chủ quyền, nhân dân Việt Nam trở thành công dân của một Nhà nước Việt Nam độc lập. Ở nước Việt Nam, chủ quyền thuộc về nhân dân. Như vậy, quốc tịch Việt Nam hay nói cách khác, mối quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam cách mạng với công dân Việt Nam thể hiện rõ địa vị xã hội thực tế của công dân và các quyền cơ bản của họ. Cùng với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, quốc tịch Việt Nam với nội dung hoàn toàn mới cũng ra đời. Quốc tịch Việt Nam là mối quan hệ pháp lí – chính trị hoàn toàn mới về chất giữa công dân Việt Nam và Nhà nước dân chủ nhân dân – một Nhà nước đã trở thành và cũng là lần đầu tiên trở thành Nhà nước của nhân dân lao động. Với sự phát triển liên tục và không ngừng của Nhà nước về mọi mặt, nội dung quốc tịch Việt Nam ngày càng trở nên phong phú hơn. Điều đó thể hiện sự mở rộng và hoàn thiện không ngừng các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng như những điều kiện bảo đảm về mọi mặt của nó. Chỉ đơn thuần so sánh các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân qua các bản hiến pháp của Nhà nước ta (Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013) đã thấy nội dung các quyền và nghĩa vụ công dân
Việt Nam ngày càng đầy đủ, toàn diện và phong phú hơn. Như vậy, mối quan hệ giữa quốc tịch và các quyền, nghĩa vụ của công dân cho thấy rằng thông qua cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống áp bức, bóc lột nhằm xây dựng chế độ mới dân chủ, công dân Nhà nước ta đã trở thành chủ thể của các quan hệ xã hội. Trên cơ sở đó, công dân nước ta có điều kiện để phát triển cá nhân mình một cách toàn diện, trở thành người chủ thật sự của đất nước./.
Xem thêm bài viết về “Nghĩa vụ công dân“
Trả lời