Mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp trong các bản Hiến pháp Việt Nam (Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013)
- Mối quan hệ giữa nguyên thủ quốc gia với cơ quan hành pháp ở Việt Nam
- Bàn về mối quan hệ giữa Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội
- Mối quan hệ giữa hành pháp với các cơ quan khác ở trung ương ở Đức
- Kiểm soát của lập pháp đối với hành pháp trong Hiến pháp năm 1946
- Những điểm mới của chương “Chính phủ” trong Hiến pháp 2013
- Quy định của Hiến pháp năm 2013 về “Quốc hội”
TỪ KHÓA: Mối quan hệ, Cơ quan hành pháp, Cơ quan lập pháp, Quyền hành pháp, Quyền lập pháp,
1. Mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp theo mô hình phân quyền trong Hiến pháp 1946
1.1. Mối quan hệ phân công và phối hợp giữa lập pháp và hành pháp trong Hiến pháp 1946:
i). Chính phủ được thành lập trên cơ sở Nghị viện.
ii). Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
iii). Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc chịu trách nhiệm thực hiện các quyết định của Nghị viện nhân dân và phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện.
iv). Sự phối hợp trong hoạt động: để hỗ trợ cho Nghị viện nhân dân “đặt ra các pháp luật” (Điều 23) và Ban thường vụ “biểu quyết những dự án sắc luật khi Nghị viện không họp” (Điều 36) thì Điều 52 trao cho Chính phủ quyền “đề nghị những dự án luật ra trước Nghị viện và những dự án sắc luật ra trước Ban thường vụ, trong lúc Nghị viện không họp”; để hỗ trợ cho Nghị viện nhân dân (biểu quyết ngân sách) thì Điều 52 trao cho Chính phủ quyền “lập dự án ngân sách hàng năm”; Điều 49 trao cho Chủ tịch nước quyền “lập dự án ngân sách hàng năm”; Điều 49 trao cho Chủ tịch nước quyền “ký hiệp ước” đó; để hỗ trợ Chính phủ “thi hành các đạo luật và quyết định của Nghị viện” thì Nghị viện nhân dân phải “đặt ra các pháp luật”;… Có thể thấy, giữa lập pháp và hành pháp luôn có sự phối hợp để cùng thực hiện các chức năng của hà nước. Biểu hiện của nó là cơ quan lập pháp có quyền thành lập và giám sát hoạt động của cơ quan hành pháp; hành pháp có quyền trình dự án luật để lập pháp biểu quyết thông qua; có sự chung nhân viên giữa lập pháp và hành pháp vì thành viên của Chính phủ phải là thành viên của Nghị viện.
1.2. Mối quan hệ kiểm soát giữa lập pháp và hành pháp trong Hiến pháp 1946:
Thứ nhất, kiểm soát của lập pháp với hành pháp: khi quy định thẩm quyền cụ thể của các cơ quan cao nhất trong bộ máy nhà nước, Hiến pháp 1946 đã tạo nên cơ chế “cân bằng” hay “kiềm chế” giữa các nhánh quyền lực nhà nước, đặc biệt là giữa lập pháp và hành pháp. Lập pháp tham gia kiểm soát hành pháp thể hiện ở chỗ: tham gia thành lập cơ quan hành pháp qua việc bầu Chủ tịch nước (Điều 45); phê chuẩn sự lựa chọn Thủ tướng của Chủ tịch nước và sự lựa chọn Bộ trưởng của Thủ tướng (Điều 47); biểu quyết các dự luật, sắc luật và ngân sách do Chính phủ đệ trình; chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài (Điều 23); Nghị viện có quyền kiểm soát, phê bình Chính phủ (Điều 36); chất vấn các thành viên của Chính phủ (Điều 55); quyết định thành lập một Tòa án đặc biệt để truy tố và xét xử Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước hay một nhân viên Nội các khi họ phạm tội phản quốc (Điều 51); lật đổ Chính phủ qua việc biểu quyết vấn đề tín nhiệm Thủ tướng và Nội các; Bộ trưởng chỉ chịu trách nhiệm cá nhân mà không chịu trách nhiệm liên đới trước Nghị viện và Nội các không phải từ chức tập thể trong trường hợp Bộ trưởng không được Nghị viện tín nhiệm (Điều 54). Thậm chí, nếu hoạt động của Nội các không hiệu quả thì Nghị viện có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm giải tán Nội các (Điều 54) để lập nên một Nội các khác hoạt động có trách nhiệm hơn, nếu không lập được Nội các mới đồng nghĩa với việc Quốc hội không hoàn thành được chức năng của mình và lúc này Quốc hội phải “ra đi” để Nhân dân lập nên Quốc hội mới.
Thứ hai, hành pháp kiểm soát lại lập pháp thể hiện ở chỗ: Chủ tịch nước có quyền ban hành những sắc lệnh có giá trị gần như luật; Chủ tịch nước có thể yêu cầu Nghị viện thảo luận lại dự luật mà Nghị viện đã thông qua (Điều 31); Chủ tịch nước có quyền đưa vấn đề tín nhiệm Nội các ra Nghị viện thảo luận lại trong thời hạn 24 giờ (Điều 54 Hiến pháp năm 1946); yêu cầu Nghị viện họp bất thường; đề nghị những dự án sắc lệnh ra trước Ban thường vụ, trong lúc Nghị viện không họp mà gặp trường hợp đặc biệt; lập dự án ngân sách hàng năm (Điều 49 và Điều 52); Chủ tịch nước không phải chịu một trách nhiệm nào trước Nghị viện trừ tội phản quốc (Điều 50 Hiến pháp năm 1946); Chính phủ có quyền bắt giam các Nghị viên khi họ phạm tội quả tang nhưng Chính phủ phải thông báo cho Ban thường vụ chậm nhất là sau 24 giờ (Điều 40).
1.3. Những yếu tố tác động đến mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp trong Hiến pháp 1946
Một là, mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp trong Hiến pháp 1946 được hình thành trên cơ sở cần phải có một Chính phủ mạnh để đối phó với một Nghị viện đa đảng, cũng như để giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề phức tạp của đất nước.
Hai là, mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp trong Hiến pháp 1946 được xây dựng trên cơ sở áp dụng những nguyên lý cơ bản của học thuyết phân quyền để hình thành cơ chế kiểm soát quyền lực giữa lập pháp với hành pháp và tạo ra chế độ “hành pháp lưỡng đầu” – đặc trưng của chính thể cộng hòa lưỡng tính.
1.4. Những kinh nghiệm được rút ra từ mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp trong Hiến pháp 1946
Thứ nhất, có sự phân công rõ ràng và rành mạch chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp.
Thứ hai, Hiến pháp 1946 không chỉ phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan mà Hiến pháp còn đặt ra vấn đề kiểm soát quyền lực giữa lập pháp và hành pháp.
Thứ ba, thông qua cơ chế phân quyền, Hiến pháp 1946 đã lột tả được bản tính cần phải có của cơ quan lập pháp và hành pháp.
2. Mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp theo mô hình tập quyền trong Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980
2.1. Mối quan hệ phân công và phối hợp giữa lập pháp và hành pháp trong Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980
i). Hội đồng Chính phủ (Hội đồng Bộ trưởng) được thành lập trên cơ sở Quốc hội.
ii). Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980 quy định Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của nhà nước. Không những thế, Quốc hội còn có thể tự định ra cho mình những nhiệm vụ, quyền hạn khác khi xét thấy cần thiết. Trong trường hợp đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định kéo dài nhiệm kì và các biện pháp cần thiết để đảm bảo hoạt động cho mình.
iii). Theo Hiến pháp 1959, Chủ tịch nước không còn nằm trong Chính phủ mà là một chế định riêng, tức là Nguyên thủ quốc gia được tách khỏi hành pháp. Chủ tịch nước không còn nhiều quyền hạn như Hiến pháp 1946. Hội đồng Chính phủ được quy định “là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” (Điều 71 Hiến pháp 1959). Với tư cách là cơ quan chấp hành của Quốc hội, tính hành chính của Hội đồng Chính phủ mờ nhạt hơn so với Hiến pháp 1946. Đến Hiến pháp 1980, Hội đồng Chính phủ đổi tên thành Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Bộ trưởng trong mối quan hệ với Quốc hội chỉ được xác định là cơ quan chấp hành đồng thời là cơ quan hành chính cao nhất của Quốc hội. Mọi quyết định của Hội đồng Bộ trưởng đều được bàn bạc tập thể và quyết định theo đa số, vai trò của cá nhân Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và các Bộ trưởng rất mờ nhạt.
2.2. Mối quan hệ kiểm soát giữa lập pháp và hành pháp trong Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980
Thứ nhất, Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980 không đặt vấn đề hành pháp kiểm soát lập pháp: hai bản Hiến pháp này đã áp dụng nguyên tắc tập quyền XHCN và phủ nhận nguyên tắc phân quyền. Vị trí, vai trò của Quốc hội được đề cao. Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất. Các cơ quan nhà nước khác chỉ là những cơ quan phái sinh từ Quốc hội, do Quốc hội lập ra và bãi miễn, phải báo cáo công tác và chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
Thứ hai, Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980 chỉ đặt vấn đề lập pháp kiểm soát hành pháp thông qua quy định: Hội đồng Chính phủ (Hội đồng Bộ trưởng) chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước UBTVQH (Hội đồng nhà nước). Các đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn các thành viên Hội đồng Chính phủ (Hội đồng Bộ trưởng). Cơ chế tín nhiệm không còn được áp dụng trong Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980, mà thay vào đó là cơ chế bãi nhiệm, một loại trách nhiệm pháp lý căn cứ vào hành vi sai trái, chứ không chỉ đơn giản là sự từ chức khi không còn được tín nhiệm.
2.3. Những yếu tố tác động đến mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp trong Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980
Mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp trong Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980 được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc tập quyền XHCN. Tư tưởng phân quyền hầu như bị phủ nhận trong Hiến pháp các nước XHCN. Theo Hiến pháp 1980 thì nguyên tắc tập quyền XHCN được áp dụng triệt để, cùng với nó là việc xây dựng một mô hình Quốc hội có toàn quyền. Có thể nói, tư tưởng phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa lập pháp và hành pháp trong hai bản Hiến pháp này là mờ nhạt so với Hiến pháp 1946.
2.4. Những kinh nghiệm đƣợc rút ra từ mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp trong Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980
Thứ nhất, do sự phân công quyền lực không rõ ràng nên tính độc lập của Hội đồng Chính phủ (Hội đồng Bộ trưởng) bị hạn chế. Hội đồng Bộ trưởng theo Hiến pháp 1980 chỉ là cơ quan hành chính cao nhất của Quốc hội, bị động và lệ thuộc vào Quốc hội. Mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp trong hai bản Hiến pháp này rất nhập nhằng, khó phân định vì có sự chồng chéo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan. Quốc hội thì bao biện, ôm đồm can thiệp vào công việc quản lý của Hội đồng Chính phủ (Hội đồng Bộ trưởng). Trong khi đó, Hội đồng Chính phủ (Hội đồng Bộ trưởng) lại can thiệp khá sâu vào quá trình lập pháp của Quốc hội.
Thứ hai, do tổ chức Bộ máy nhà nước theo mô hình tập quyền, Hiến pháp đã đề cao vai trò của Quốc hội nên sự kiểm soát giữa lập pháp và hành pháp dường như mờ nhạt hơn nhiều so với Hiến pháp 1946. Chủ yếu là sự kiểm soát của Quốc hội với Hội đồng Chính phủ (Hội đồng Bộ trưởng), Hội đồng Chính phủ (Hội đồng Bộ trưởng) không được quyền kiểm soát Quốc hội.
Thứ ba, Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980 đã không lột tả được bản tính cần phải có của cơ quan lập pháp và hành pháp.
3. Mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp theo Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp 2013
Mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp theo mô hình đổi mới: nhận thức lại tập quyền, áp dụng những hạt nhân hợp lý của học thuyết phân quyền trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp 2013
3.1. Mối quan hệ phân công và phối hợp giữa lập pháp và hành pháp trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp 2013
i). Chính phủ được thành lập trên cơ sở của Quốc hội.
ii). Sự phân công giữa lập pháp và hành pháp: Điều 2 Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Theo tinh thần này, Đảng và Nhà nước ta thừa nhận sự tồn tại của ba loại quyền lực: lập pháp, hành pháp và tư pháp trong Nhà nước ta. Các quyền được phân công cho các cơ quan nhà nước khác nhau thực hiện để chúng có thể độc lập khi thực hiện chức năng, thẩm quyền của mình song phải phối hợp hoạt động với nhau để bảo đảm sự thống nhất quyền lực nhà nước. Do đó, trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), sự phân công, phân nhiệm giữa Quốc hội – lập pháp, Chính phủ – hành pháp được thể hiện rõ ràng hơn nhiều so với Hiến pháp 1980. Theo Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) thì Chính phủ được quy định là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính cao nhất của đất nước, nên Chính phủ không còn được coi là một bộ phận của Quốc hội. Do vậy, hành pháp có sự độc lập nhất định với lập pháp khi thực hiện các hoạt động có tính chất hành pháp.
Điều 94 Hiến pháp 2013 quy định: “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước”. So với iều 109 Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) thì Điều 94 Hiến pháp 2013 đã đặt tính “hành chính cao nhất” của Chính phủ lên trước tính “chấp hành”, điều này cho thấy Chính phủ phải được nhận thức là cơ quan được lập ra trước hết là để thực hiện chức năng điều hành, quản lý trên cơ sở chấp hành đường lối, chủ trương trong Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội chứ không phải là cơ quan được lập ra chỉ để phục tùng và báo cáo công tác trước Quốc hội. Thứ hai, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, Điều 94 Hiến pháp 2013 chính thức quy định Chính phủ “thực hiện quyền hành pháp”. Khi nói Chính phủ “thực hiện quyền hành pháp” thì người ta thường nghĩ ngay đây là cơ quan có nhiệm vụ thi hành pháp luật. Quy định mới này thể hiện tư duy phân công rạch ròi giữa các nhánh quyền lực, Chính phủ nắm một loại quyền lực thực sự chứ không còn là thân phận “phái sinh” từ Quốc hội. Với tư cách là cơ quan thực hiện một loại quyền lực nhà nước – “quyền hành pháp” – Chính phủ được độc lập, chủ động và trách nhiệm hơn trong việc điều hành, quản lý đất nước.
iii). Sự phối hợp giữa lập pháp và hành pháp: Chính phủ phải chấp hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Bên cạnh đó, trong hoạt động của Chính phủ có quyền tác động trở lại với Quốc hội như: Chính phủ có quyền trình dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác trước Quốc hội và UBTVQH; Thủ tướng Chính phủ có quyền tham dự các kỳ họp của Quốc hội, đề nghị Quốc hội họp kín, đề nghị Quốc hội họp bất thường…
3.2. Mối quan hệ kiểm soát giữa lập pháp và hành pháp trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp 2013
Thứ nhất, Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã kiểm soát sự lạm quyền của Quốc hội thông qua việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội một cách cụ thể hơn và thể hiện sự tôn trọng pháp quyền hơn. Quốc hội không còn quyền tự định cho mình hoặc giao thêm cho các cơ quan khác những nhiệm vụ và quyền hạn ngoài Hiến pháp. Hiến pháp 2013 tiếp tục đặt ra các quy định mới để ngăn ngừa sự lạm quyền của Quốc hội như Điều 71 quy định “Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá mười hai tháng, trừ trường hợp có chiến tranh”. Khoản 3 Điều 2 Hiến pháp 2013 chính thức quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Theo đó, “kiểm soát quyền lực” là một nguyên tắc của nhà nước pháp quyền và là vấn đề mới trong tổ chức quyền lực của Nhà nước ta. Nguyên tắc này là cơ sở hiến định để tiếp tục thể chế hóa trong quy định của các luật có liên quan. Bổ sung thêm nội dung này có ý nghĩa quan trọng trong việc trù liệu và ngăn ngừa sự lạm quyền của các cơ quan nhà nước, tránh sự tha hóa của quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp 2013 cũng không đặt vấn đề hành pháp kiểm soát lập pháp.
Thứ hai, Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp 2013 chỉ đặt vấn đề lập pháp kiểm soát hành pháp thông qua các hình thức: Chính phủ chỉ phải báo cáo công tác và chịu trách nhiệm trước một chủ thể duy nhất là Quốc hội. Lúc Quốc hội không họp, Chính phủ chỉ báo cáo công tác mà không phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch nước và UBTVQH (trong khi đó, theo Hiến pháp 1980 thì lúc Quốc hội không họp thì Hội đồng Bộ trưởng phải báo cáo và chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhà nước). Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ. Thông qua hoạt động giám sát, Quốc hội có quyền: bãi nhiệm, miễn nhiễm Thủ tướng Chính phủ; phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; bãi bỏ văn bản pháp luật của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ,… nếu các văn bản đó trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Đặc biệt từ năm 2001, Quốc hội được quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, trong đó có người đứng đầu và các thành viên khác của Chính phủ. Luật Tổ chức Quốc hội 2014 bổ sung thêm vấn đề Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các thành viên của Chính phủ (Điều 12) và cho phép các thành viên của Chính phủ từ chức (Điều 10).
3.3. Những yếu tố tác động đến mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp 2013
Điều 2 Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) chính thức ghi nhận: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Như vậy, “Nhà nước pháp quyền” đã trở thành một nguyên tắc hiến định. Trên cơ sở đó, Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã áp dụng những hạt nhân hợp lý của học thuyết phân quyền thông qua cơ chế phân công, phân nhiệm rạch ròi giữa các cơ quan nhà nước. Mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp trong Hiến pháp 2013 tiến thêm một bước quan trọng khi được xây dựng trên cơ sở: quyền lực thuộc về Nhân dân, phân công rõ ràng hơn, rành mạch hơn việc thực hiện quyền lực nhà nước để tiến đến sự kiểm soát quyền lực. Hiến pháp 2013 đã có những quy định mới nhằm thể hiện tư tưởng quyền lập hiến thuộc về Nhân dân và bằng Hiến pháp, Nhân dân trao cho Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp.
3.4. Những kinh nghiệm đƣợc rút ra từ mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp 2013
Thứ nhất, cơ chế phân công nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã được thể hiện tương đối rõ nét: Quốc hội thực hiện chức năng của cơ quan lập pháp, hành pháp ở mức độ nhất định đã thuộc về Chính phủ. Bắt đầu từ Hiến pháp 2013, các khái niệm quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp và đi liền với nó là việc sử dụng các thuật ngữ cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp để chỉ các cơ quan trong Bộ máy nhà nước được chính thức sử dụng rộng rãi. Hiến pháp 2013 đã có sự phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước: Quốc hội thực hiện quyền lập pháp (Điều 69); Chính phủ thực hiện quyền hành pháp (Điều 94); Tòa án thực hiện quyền tư pháp (Điều 102).
Thứ hai, về vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước: để thể chế hóa đường lối lãnh đạo của Đảng với Nhà nước, Hiến pháp 2013 bổ sung thêm một nội dung mới về tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta. Đó là quyền lực nhà nước là thống nhất không chỉ được “phân công, phối hợp” mà còn có sự “kiểm soát” trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Thứ ba, nguyên tắc tập quyền XHCN đã không được áp dụng một cách triệt để mà thay vào đó là kết hợp giữa nguyên tắc tập quyền XHCN với việc vận dụng hạt nhân hợp lý của học thuyết phân quyền. Với việc vận dụng những hạt nhân hợp lý của học thuyết phân quyền để xác lập mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp theo cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực, Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp 2013 có nhiều quy định mới, tiến bộ nhằm phát huy bản tính thận trọng của Quốc hội, tôn trọng pháp quyền và phát huy sự độc lập, chủ động, kiến tạo, mạnh mẽ và dám chịu trách nhiệm của Chính phủ – cơ quan thực hiện quyền hành pháp./.