Mục lục
Kiểm soát quyền lực và chống tham nhũng: Bài viết này khảo sát mối quan hệ giữa kiểm soát quyền lực và tham nhũng, trên cơ sở đó đề xuất những gợi ý cho phòng chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.
- Kiểm soát của lập pháp đối với hành pháp trong Hiến pháp 1946 và những kinh nghiệm tham khảo trong giai đoạn hiện nay – PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm & ThS. Trương Thị Minh Thùy
- Kiến nghị hoàn thiện quy định của BLHS Việt Nam trong việc nội luật hóa quy định của công ước chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia về tội phạm hóa hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công – ThS. Vũ Thị Thúy
- Thu hồi tài sản tham nhũng theo Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng: một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam – ThS. Nguyễn Thanh Tú – ThS. Phạm Hồ Hương – ThS. Hoàng Ngọc Bích
- Những điểm mới cơ bản của “Chế độ chính trị” trong Hiến pháp 2013 so với Hiến pháp 1992 – PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm
- Khái niệm và sự cần thiết kiểm soát của tư pháp đối với quyền hành pháp – ThS. Lê Thị Thu Thảo
- Vai trò của Tòa án trong việc xem xét Văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ – TS. Cao Vũ Minh
- Mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp trong các bản Hiến pháp Việt Nam (Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013) – TS. Nguyễn Mạnh Hùng
- Bàn về mối quan hệ giữa Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội theo pháp luật hiện hành – ThS. Trần Thị Thu Hà
TỪ KHÓA: Kiểm soát quyền lực, Chống tham nhũng,
TÓM TẮT
Tổ chức, vận hành và kiểm soát quyền lực là vấn đề trọng tâm trong nghiên cứu về pháp lý và chính trị. Theo đó, sự bất cân xứng về quyền lực là nguyên nhân của tham nhũng. Với cách tiếp cận như vậy, bài viết này khảo sát mối quan hệ giữa kiểm soát quyền lực và tham nhũng, trên cơ sở đó đề xuất những gợi ý cho phòng chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.
1. Khái quát về tham nhũng
1.1. Khái niệm tham nhũng
Tham nhũng là sự tha hóa đạo đức và từ này bắt nguồn từ tiếng Latin (corrumpere) có nghĩa là làm hỏng, lạm dụng hoặc phá hủy.[1] Hiểu một cách chung nhất, tham nhũng là hành vi trong bối cảnh nhất định, bị sai lệch so với chuẩn mực phổ biến trên thực tế (hay chuẩn mực này được cho là phổ biến) và nó có mục đích dùng nguồn lực công để đạt lợi ích tư.
Khái niệm tham nhũng cũng thay đổi theo thời gian và tùy thuộc vào bối cảnh văn hóa. Hiện nay, một vấn đề quan trọng nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng là các nhà phân tích không thống nhất về khái niệm tham nhũng bởi lẽ, văn kiện pháp lý phổ quát được coi là công cụ chống tham nhũng quan trọng nhất ở tầm quốc tế lại không định nghĩa tham nhũng (Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng – the United Nations Convention Against Corruption – UNCAC).
Cho đến nay, rất nhiều khái niệm về tham nhũng được đưa ra và cũng có nhiều sự khác biệt. Tổ chức Minh bạch quốc tế năm 2012 đưa ra khái niệm tham nhũng là “lạm dụng chức vụ công vì lợi ích cá nhân” và sau đó điều chỉnh là “lạm dụng quyền hạn được giao nhằm đạt được lợi ích cá nhân”. Rose-Ackerman coi tham nhũng là “một khoản thanh toán bất hợp pháp cho một chủ thể công quyền để có được một lợi ích”. Shleifer và Vishny cho rằng tham nhũng là trao đổi quyền lực, tài sản công vì lợi ích tư.[2] Tuy nhiên, những khái niệm này vẫn chưa bao quát hết các hình thức, loại, mức độ hoặc những hành vi được coi là tham nhũng.
Điểm gây tranh cãi thứ nhất là hầu hết các khái niệm liên quan đến công quyền, cơ quan nhà nước nhưng trên thực tế tham nhũng có thể mở rộng sang cả khu vực tư (giám đốc các tập đoàn tư, tổ chức tư). Liên quan đến quyền lực công, quyền lực nhà nước với tư cách là yếu tố đặc trưng của tham nhũng, có quan điểm cho rằng thu hẹp phạm vi hoạt động của nhà nước sẽ giảm tham nhũng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các nước hậu xã hội chủ nghĩa đã giảm phạm vi can thiệp của nhà nước nhưng tham nhũng không giảm mà còn tăng mạnh đặc biệt sau 1991. Ngược lại, các nước Bắc Âu có chi tiêu công rất cao nhưng chỉ số cảm nhận tham nhũng lại rất thấp.[3] Nói các khác, yếu tố công quyền, lĩnh vực công trong khái niệm tham nhũng vẫn còn tranh cãi bởi nó chưa hẳn là đặc tính cố hữu của tham nhũng.
Mặt khác, khái niệm “lạm dụng chức vụ công nhằm đạt lợi ích tư” dẫn đến nhiều cách giải thích. Ví dụ, nó được hiểu là chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế (tài sản công, nhận hối lộ) hay cả những lĩnh vực xã hội (bổ nhiệm người thân, quen không đủ tiêu chuẩn) và trong các tổ chức không phải là nhà nước? Trên thực tế, tham nhũng cũng rất phổ biến trong lĩnh vực thể thao, nghiệp đoàn lao động. Bản thân khái niệm lợi ích tư cũng gây tranh cãi trong trường hợp người đại diện, người lãnh đạo nhận tài trợ từ bên ngoài cho tổ chức mà họ là thành viên nhưng không trực tiếp nhận lợi ích cho cá nhân.[4]
Điểm gây tranh cãi tiếp theo là tính trái pháp luật của tham nhũng. Trong một số nước, việc tặng quà được coi là hợp pháp nhưng ở một số nước khác thì không. Mặt khác, việc xác định tham nhũng về mặt pháp lý cũng khác nhau. Ví dụ, ở một số nước luật pháp cho phép công dân có được hộ chiếu nhanh hơn bằng cách trả phí nhưng nước khác thì không. Điểm rất quan trọng là sự câu kết giữa quan chức và giới kinh doanh dẫn đến những quyết sách, quyết định pháp lý méo mó. Sự méo mó này còn nguy hại hơn là tham nhũng về mặt pháp lý vì nó tác động tiêu cực đến chất lượng quản trị nhà nước ở các nền kinh tế chuyển đổi.[5]
Về mức độ, rất khó xác định mức độ quy mô của tham nhũng. Trên thực tế, đo lường mức độ và quy mô tham nhũng chỉ là những ước đoán và rất khác nhau về con số. Mặt khác, những nghiên cứu về quy mô tham nhũng chủ yếu dựa vào phương pháp nghiên cứu vụ việc, nghiên cứu cảm nhận tham nhũng và chỉ đánh giá được về số tiền thu lợi bất chính[6] mà chưa đo lường được những tổn hại về niềm tin, ý thức công dân trong xã hội. Sự khó khăn này có lẽ vì số liệu khảo sát thực tế rất khó thu thập, cũng có lẽ vì đây là loại hành vi của chủ thể rất đặc biệt, chủ thể có quyền lực, có điều kiện và phương tiện để che giấu hành vi sai trái của mình.
Về mặt thể chế, sự xác định và phân biệt giữa tham nhũng quan liêu và tham nhũng chính trị có ý nghĩa rất lớn. Ở những nước đang phát triển, mức độ cạnh tranh chính trị thấp, tham nhũng chính trị và tham nhũng quan liêu gia tăng. Ở những nước phát triển, đối lập chính trị và dân chủ làm cho giới chính khách phải cạnh tranh, thách thức, dẫn đến giới quan liêu tham nhũng hạn chế nhưng nghịch lý là trong những nước này, tham nhũng trong giới chính trị đang lan rộng. Tham nhũng chính trị để đạt được quyền lực và giữ quyền lực có sự khác biệt nhất định. Tham nhũng để giữ quyền lực chính trị, cũng giống như các loại tham nhũng khác, có mục tiêu giữ quyền lực và đạt những lợi ích khác. Tham nhũng để giành quyền lực thể hiện thông qua tài trợ tranh cử và có hai loại động lực tài trợ, động lực thực dụng nhằm giành lợi ích thực tế và động lực ý thức hệ là tài trợ do sự chia sẻ những giá trị chung.[7]
Tham nhũng quan liêu được hiểu là sự lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để mưu lợi cá nhân. Các biểu hiện của lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn có thể là sự phê chuẩn của quan chức, tiếp cận và cung cấp thông tin quan trọng trong kinh doanh, thủ tục hành chính.[8]
Có quan điểm khái quát nhiều cách tiếp cận khác nhau và đưa ra năm tiêu chí xác định nội hàm khái niệm tham nhũng.[9] Theo đó, tham nhũng được xác định qua các tiêu chí sau: (1) hành vi phải liên quan đến người có vị trí trong cơ quan công quyền; (2) cơ quan này có liên quan đến quyền lực công, có quyền quyết định; (3) người tham nhũng phải làm hoặc không làm một việc liên quan đến lợi ích của họ hoặc của tổ chức mà họ là thành viên (hoặc cả hai) và những lợi ích này xung đột với lợi ích chung của xã hội; (4) người tham nhũng phải thực hiện hành vi tham nhũng một cách bí mật và nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật; (5) hành vi sai trái này phải được đa số người dân và/ hoặc nhà nước coi là tham nhũng. Tiêu chí cuối cùng này giúp khắc phục vấn đề khác biệt văn hóa trong việc giải thích tham nhũng.
Dù cách tiếp cận rất khác nhau nhưng điểm thống nhất cao là tham nhũng gắn với vị trí công quyền, gắn với quyền lực công, có mục đích tư lợi[10] và thường là hành vi tham nhũng bị che giấu, bí mật. Trên cơ sở những điểm thống nhất chung, chống tham nhũng có lẽ phải gắn với việc kiểm soát quyền lực, thực hiện dân chủ và công khai, minh bạch.
1.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến tham nhũng
Trong mối liên quan đến pháp luật, có nghiên cứu chỉ ra rằng, sức hấp dẫn tương đối để thực hiện tham nhũng đối với các quan chức phụ thuộc vào hiệu quả của hệ thống pháp luật và cụ thể hơn là xác suất bị phát hiện, bị trừng phạt.[11] Nói cách khác, hệ thống pháp luật hiệu quả là yếu tố then chốt trong việc giảm mức độ tham nhũng. Tuy nhiên, hiệu quả của hệ thống pháp luật cũng suy giảm khi quan chức tham nhũng trở lên phổ biến. Cụ thể hơn, tham nhũng làm suy giảm hiệu quả của hệ thống tư pháp. Điều này cho thấy, tham nhũng là hiện tượng rất dai dẳng và có động lực rất mạnh để tồn tại.[12]
Về thể chế chính trị, mức độ dân chủ cũng có ảnh hưởng đến tham nhũng. Có nghiên cứu cho thấy, các nước độc tài có mức độ tham nhũng thấp hơn các nước đang trong quá trình dân chủ hóa. Các nước dân chủ đã ổn định có mức độ tham nhũng thấp hơn rất nhiều so với các nước ít dân chủ hơn bởi chúng có cơ chế quan trọng là cử tri sẽ có quyền bỏ phiếu loại trừ đảng tham nhũng. Nói cách khác, sự gia tăng mức độ dân chủ có tác động tích cực đến kiểm soát tham nhũng. Tuy nhiên, dân chủ tác động tích cực chỉ sau khi nó đạt được một ngưỡng nhất định hay mức độ lâu đời và bền vững của dân chủ có ảnh hưởng quan trọng và tích cực đến việc phòng chống tham nhũng.[13] Như vậy, có thể nói, thực hiện dân chủ là một biện pháp quan trọng để chống tham nhũng và việc thực hiện dân chủ là một quá trình, đòi hỏi phải kiên trì và không thể đảo ngược, bởi nó không chỉ có ý nghĩa chống tham nhũng mà nó còn là giá trị của tiến bộ và văn minh của nhân loại.
Bên cạnh đó, các yếu tố khác cũng có ảnh hưởng đến tham nhũng. Ví dụ, có nghiên cứu cho thấy nền kinh tế phát triển sẽ ít tham nhũng hơn; nhà nước liên bang có mức độ tham nhũng cao hơn nhà nước đơn nhất; sự mở cửa để giao thương giúp giảm tham nhũng; sự bất ổn chính trị gia tăng tham nhũng; sự dồi dào tài nguyên cũng ảnh hưởng rất lớn đến tham nhũng; các yếu tố văn hóa, lịch sử, tôn giáo cũng có ảnh hưởng nhất định đến tham nhũng nhưng không thực sự quan trọng; yếu tố giới cũng ảnh hưởng đến tham nhũng. Ví dụ, phụ nữ không chỉ không chấp nhận tham nhũng và tham nhũng sẽ giảm nếu họ nắm giữ quyền lực chính trị nhiều hơn.
Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tham nhũng và ảnh hưởng đến việc chống tham nhũng là tính hệ thống, tính phổ biến của tham nhũng. Nghiên cứu cho thấy, một khi đã tham nhũng lan tràn, được chấp nhận chính thức hoặc không chính thức, rất khó để loại bỏ nó mặc dù các nhà hoạch định chính sách hiểu được nguyên nhân, hậu quả của tham nhũng cũng như có sự quan tâm đặc biệt đến chống tham nhũng.[14]
Toàn cầu hóa cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến tham nhũng. Có nghiên cứu cho thấy, toàn cầu hóa có thể tác động làm giảm tham nhũng do sự cạnh tranh kinh tế buộc các quốc gia phải minh bạch hơn để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, toàn cầu hóa không hoàn toàn có tác động tích cực. Toàn cầu hóa có thể gia tăng tham nhũng. Đặc biệt, với các nước kém phát triển, toàn cầu hóa đã không xóa được nghèo đói cùng cực và bất bình đẳng thu nhập và có thể là nguyên nhân tiềm ẩn của tham nhũng.[15] Đối với những quốc gia thiếu dân chủ, quá trình toàn cầu hóa vẫn chưa xử phạt hành vi trộm, cướp tài sản của các nhà lãnh đạo ở các quốc gia này.[16] Có thể nói, toàn cầu hóa đã thay đổi bản chất của tham nhũng và quá trình này có thể tạo ra những cơ hội cũng như những thách thức đối với việc chống tham nhũng và vì tham nhũng có tính chất, quy mô toàn cầu nên các chính phủ chống tham nhũng một cách đơn lẻ khó có cơ hội thành công.[17]
1.3. Tác động của tham nhũng
Có nghiên cứu cho rằng tham nhũng có thể có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế bởi nó là thứ giúp “bôi trơn” thúc đẩy bộ máy quan liêu, trì trệ cải thiện chất lượng dịch vụ công. Nói một cách ngắn gọn, tham nhũng có thể đóng góp tích cực cho tăng trưởng và phát triển bởi vì nó bù đắp cho hậu quả của một bộ máy quan liêu. Tuy nhiên, quan điểm ngược lại cho rằng, bộ máy quan liêu không giảm trì trệ mà còn trì trệ hơn để tiếp tục nhận hối lộ. Nó cũng không giúp cho việc ban hành chính sách tốt hơn bởi người đưa hối lộ nhằm tìm kiếm lợi ích chứ không nhằm cải thiện chính sách. Những quan điểm phản đối còn cho rằng, tham nhũng gia tăng chi phí kinh doanh, tăng rủi ro, tạo động lực cho việc can thiệp của quan chức và nhóm lợi ích vào lĩnh vực kinh doanh. Hơn nữa, phía phản đối cho rằng, có nhiều quan điểm nghiên cứu tác động của tham nhũng dưới góc độ kinh tế mà rất ít nghiên cứu dưới góc độ phi kinh tế. Theo đó, những tác động chính trị, xã hội của tham nhũng như: nghèo đói, hạ tầng, niềm tin, sự tham gia chính trị, tính chính đáng của thể chế… cũng có ý nghĩa quan trọng.[18]
2. Khái quát về quyền lực
2.1. Khái niệm quyền lực và các loại quyền lực
Quyền lực là một chủ đề quan trọng bậc nhất của lĩnh vực chính trị bởi lẽ, “chính trị là liên quan đến việc phân bố quyền lực, thực hiện quyền lực và ảnh hưởng của quyền lực”.[19] Về mặt thuật ngữ, quyền lực xuất phát từ tiếng Latin cổ “potere” có nghĩa là khả năng, khả năng ảnh hưởng, khả năng thực hiện một hoạt động.[20] Dưới góc độ mối quan hệ, quyền lực là khả năng thực hiện một công việc hay khả năng khiến người khác phải làm những điều mà họ không được tự do lựa chọn.[21] Quyền lực là mối quan hệ giữa hai nhân tố xã hội hay hai thực thể (nhóm và những cá nhân). Theo đó, một bên có khả năng ảnh hưởng đến người khác thông qua ứng xử theo cách phù hợp với những mong muốn của người có quyền lực và bên chịu tác động của quyền lực không được tự do lựa chọn cách thức xử sự.[22]
Có rất nhiều cách phân loại quyền lực. Căn cứ theo nguồn lực sức mạnh, có thể chia thành quyền lực dựa trên sức mạnh kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa… Thậm chí, có quan điểm cho rằng, trong thời đại kinh tế tri thức, thời đại công nghệ thông tin, thông tin, tri thức cũng chính là nguồn của quyền lực, theo đó, quyền lực hiện đại là sự “chuyển giao quyền lực từ nhà tư bản giàu có sang người giàu có về thông tin”.[23] Một điều rõ ràng là trong thời đại của kỷ nguyên số, cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế tri thức, tri thức và thông tin đã trở thành một nguồn lực, nền tảng cốt lõi cho việc thực hiện quyền lực của rất nhiều các chủ thể khác nhau trong xã hội. Do vậy, kiểm soát quyền lực nói chung, kiểm soát quyền lực ở Việt Nam nói riêng có lẽ sẽ có những chuyển đổi quan trọng bởi nguồn gốc và dạng thức của việc thực hiện quyền lực đã có những thay đổi căn bản.
Dựa trên chủ thể có quyền, có thể chia thành quyền lực nhà nước, quyền lực đảng chính trị, quyền lực của các tổ chức xã hội. Những dạng thức quyền lực này sẽ tương ứng với các cơ chế, cách thức, chủ thể kiểm soát khác nhau và gắn với những mục đích khác nhau. Nếu chủ thể là nhà nước, cơ chế kiểm soát chủ đạo sẽ là cơ chế kiểm soát trong – kiểm soát bằng chính các cơ quan nhà nước và kết hợp với kiểm soát ngoài – kiểm soát bằng đảng chính trị, tổ chức xã hội và người dân. Nếu chủ thể là tổ chức chính trị, xã hội, kiểm soát quyền lực đối với các tổ chức này là sự kiểm soát sự tham gia của chúng vào công việc nhà nước, quản lý xã hội (hay chúng có biểu hiện của quyền lực công) thì chỉ khi đó, quyền lực của các tổ chức chính trị, xã hội mới có lý do, có cơ sở để kiểm soát.
Dựa trên tính chất của sự áp đặt ý chí, chia thành quyền lực (power) và quyền hành (authority). Nếu quyền lực nói đến khả năng thực hiện sự áp đặt ý chí, sự ảnh hưởng lên người khác thì quyền hành (hay quyền hạn) là quyền được (hay có quyền) thực hiện sự áp đặt ý chí. Nếu tương ứng với quyền lực là sự tuân phục thì gắn với quyền hành là sự tin tưởng.[24] Kiểm soát quyền lực trong điều kiện thực thi nền dân chủ hiện đại cần chuyển đổi dạng thức của quyền lực từ quyền lực sang quyền hạn hay quyền hành bởi tính văn minh, duy lý của nó. Bản thân sự chuyển đổi này cũng là phương thức, kết quả và biểu hiện của sự kiểm soát quyền lực bởi lẽ, nếu quyền hành – một dạng quyền lực có sự ưng thuận, niềm tin của người bị trị thì ở đó quyền lực đã được kiểm soát để trở thành quyền hành (hay quyền hạn) và quyền hành đã thể hiện sự kiểm soát của nhân dân.
Quyền lực cũng có thể chia thành quyền lực công và quyền lực tư. Quyền lực công liên quan đến lợi ích chung, liên quan đến nhà nước, gắn với mục đích chung và phục vụ lợi ích chung. Quyền lực tư thể hiện trong phạm vi cá nhân, gia đình, nội bộ nhóm đối tượng cụ thể, gắn với lợi ích cá nhân hoặc quyền lực không thuộc lĩnh vực công. Tuy nhiên, rất khó để phân định giữa quyền lực công và tư. Trong điều kiện hiện đại, rất nhiều chủ thể thực hiện quyền lực không phải là quyền lực công, không gắn với chính quyền, được quyền sử dụng cưỡng chế hợp pháp nhưng chúng lại thực hiện quyền lực như là quyền lực công, gắn với nhà nước. Nói cách khác, nhà nước không còn là chủ thể độc quyền sử dụng sức mạnh vũ lực như trong quá khứ, kể cả trong lĩnh vực đối nội và đối ngoại, trong phạm vi quốc gia và trên trường quốc tế.[25]
2.2. Khái niệm kiểm soát quyền lực
Kiểm soát được hiểu là hoạt động xem xét để phát hiện, ngăn chặn những gì trái với quy định, đặt trong phạm vi quyền hành của mình. Kiểm soát quyền lực xuất phát từ lý do: (1) quản lý nói chung và quản lý của nhà nước cần phải có quyền lực bởi quyền lực mới có thể tạo ra trật tự xã hội, trật tự pháp luật; (2) quyền lực và đặc biệt là quyền lực nhà nước có một đặc tính quan trọng là độc quyền sử dụng sức mạnh vũ lực có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội nên cần theo dõi, xem xét để phát hiện, ngăn chặn sự lạm dụng và (3) chủ thể có quyền lực (nhân dân) không trực tiếp thực hiện quyền lực nên nhân dân cần kiểm soát việc thực hiện quyền lực, bảo đảm quyền lực này được thực hiện theo đúng ý chí của họ.
Kiểm soát xã hội về mặt truyền thống, được hiểu là sự phản ứng có tổ chức, hệ thống đối với những hành vi, ứng xử lệch chuẩn, hay khái quát hơn, là cơ chế có chủ đích được sử dụng để điều chỉnh hành vi của những người bị coi là lệch lạc nhằm thiết lập trật tự xã hội. Về hình thức, kiểm soát xã hội chia thành hai loại, chính thức (gắn với luật pháp) và phi chính thức. Về nội dung, kiểm soát xã hội chia thành kiểm soát đáp ứng (hình thành khi có hành vi lệch chuẩn) và kiểm soát can thiệp (ngăn chặn khi chưa có hành vi lệch chuẩn). Về đối tượng, kiểm soát xã hội theo quan điểm truyền thống có đối tượng là người có hành vi lệch chuẩn. Tuy nhiên, có quan điểm hiện đại cho rằng, mọi người đều phải chịu các loại kiểm soát trong cuộc sống cho dù hành vi có thể bị coi là lệch lạc hay không.[26] Với sự phát triển của xã hội nói chung và của khoa học công nghệ nói riêng, kiểm soát xã hội trong điều kiện hiện đại rất phức tạp, bao gồm nhiều loại chủ thể nhà nước và phi nhà nước, sử dụng nhiều tầng công nghệ và những tư tưởng và biện pháp khác nhau. Thậm chí, trong điều kiện hậu hiện đại, chính quyền trong chừng mực nhất định, phải chia sẻ công việc kiểm soát xã hội với các tổ chức xã hội và cộng đồng địa phương.[27]
2.3. Cách thức kiểm soát quyền lực
Trong lịch sử, để hạn chế sự chuyên quyền trong chế độ quân chủ và bảo vệ tự do cá nhân, các nhà tư tưởng đã thiết kế phương thức, cách thức kiểm soát sự lạm dụng quyền lực hay chế ngự quyền lực rất nổi tiếng: học thuyết phân quyền và pháp quyền. Học thuyết phân quyền dựa trên một giả định rằng, quyền lực và quyền lực nhà nước là vô song, rất mạnh không thể chế ngự, chỉ có thể dùng chính quyền lực mới có thể chế ngự được quyền lực. Trên cơ sở đó, quan điểm phân quyền cho rằng, quyền lực nhà nước phải được phân định thành ba nhánh khác nhau, hình thành bằng ba con đường độc lập với nhau, kiểm soát và cân bằng nhau. Tuy nhiên, phân chia quyền lực nhà nước không phải là công cụ toàn năng bởi lẽ: “… hậu quả của hệ thống kiểm tra và cân bằng là các chính phủ bị hạn chế khả năng làm điều tồi tệ mà cũng bị làm mất khả năng thực hiện những điều tốt. Vấn đề cố hữu trong việc phân chia quyền lực là nó thiếu phương tiện để thống nhất hành động của chính quyền”.[28]
Nhà nước pháp quyền được hiểu là sự tối thượng của pháp luật (imperium legum) chứ không phải của con người, nó hình thành trên nền tảng chủ nghĩa tự do, chống lại áp bức, chuyên chế và với yêu cầu là giảm tối đa ý chí riêng của người nắm quyền lực trong quản lý xã hội và do vậy nó cũng là một phương thức kiểm soát quyền lực.[29] Tuy nhiên, nhà nước pháp quyền hiện đại cũng có những thách thức nhất định. Ví dụ, sự lạm phát quy định pháp luật và gia tăng lập quy; phổ biến sự can thiệp vào chủ quyền quốc gia nhưng trên cơ sở pháp luật quốc tế chưa hoàn thiện; hội nhập kinh tế quốc tế dưới “nhãn, mác” toàn cầu hóa nhưng trong trạng thái “chân không” về pháp luật được tạo ra bởi các nước lớn, lực lượng quân sự, kinh tế… và không có các quy tắc, sự giới hạn và kiểm soát các quyền lực này.[30] Có quan điểm khác cũng cho rằng mặt trái của tư tưởng về nhà nước pháp quyền là nó được sử dụng để hợp pháp hóa sự cướp bóc và chinh phục của phương Tây, làm gia tăng phân hóa trên toàn cầu và “hệ quả là sự bất ổn hơn là ổn định, tạo điều kiện cho sự liên tục áp bức thay vì chấm dứt chủ nghĩa thực dân trên thực tế”. Nói cách khác, vũ lực và bạo lực thiết lập luật của sự áp bức không dựa trên sự thỏa thuận, có thể là phương tiện cho việc cướp bóc chứ không phải là sự hợp pháp, chính đáng.[31]
Như vậy, phân quyền và pháp quyền là hai cách thức khác nhau để hạn chế sự lạm dụng quyền lực, bảo vệ tự do cá nhân. Nếu phân quyền kiểm soát quyền lực bằng chính quyền lực thì pháp quyền kiểm soát bằng việc giới hạn quyền lực bằng luật pháp và nó cũng là căn cứ để kiểm soát, giá sát việc thực hiên quyền lực. Vì vậy, thiết kế cơ chế kiểm soát quyền lực có lẽ nên kết hợp cả phân quyền và pháp quyền.
Thiết kế cơ chế kiểm soát quyền lực phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, yếu tố cơ bản nhất quyết định nội dung cơ chế kiểm soát là: mục đích kiểm soát quyền lực; chủ thể thực hiện quyền lực bị kiểm soát; loại quyền lực và cách thức quyền lực đó được thực hiện; chủ thể kiểm soát quyền lực. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng theo những hướng cơ bản sau đây:
Thứ nhất, về mục đích, cơ chế kiểm soát với mục đích kiểm soát quyền lực nhằm bảo đảm tự do cá nhân, chống lạm quyền sẽ khác với mục đích bảo đảm vị trí của các giai cấp, lực lượng thống trị. Khi đó, cơ chế kiểm soát, nội dung kiểm soát là công việc “nội bộ” của giai cấp thống trị, không để cho một lực lượng nào trong giai cấp có quá nhiều quyền để xóa sổ những lực lượng, nhóm còn lại và ngăn cản giai cấp, tầng lớp bị trị tham gia vào việc kiểm soát quyền lực. Ngược lại, kiểm soát quyền lực có thể nhằm mục đích bảo vệ tự do, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân. Khi đó, kiểm soát quyền lực vừa là phương tiện, vừa là biểu hiện của dân chủ.
Thứ hai, chủ thể thực hiện quyền lực bị kiểm soát là loại chủ thể nào cũng sẽ ảnh hưởng đến nội dung và cách thức kiểm soát. Ví dụ, nếu chủ thể là cơ quan nhà nước thì sự kiểm soát sẽ khác với tổ chức chính trị. Thậm chí, ngay trong cơ quan nhà nước cũng có sự khác biệt. Ví dụ, kiểm soát cơ quan lập pháp sẽ khác biệt với kiểm soát cơ quan hành pháp và tư pháp với lưu ý là sự khác nhau về nội dung các cơ chế này không tính đến sự khác nhau về mục đích của việc kiểm soát quyền lực.
Thứ ba, loại quyền lực và cách thức quyền lực đó được thực hiện cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc thiết kế cơ chế kiểm soát quyền lực. Ví dụ, kiểm soát loại quyền lực pháp lý sẽ khác với kiểm soát quyền lực chính trị, kinh tế, tư tưởng, thông tin… Mặt khác, cách thức thực hiện quyền lực cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc thiết kế cơ chế kiểm soát. Ví dụ, thực hiện quyền lực bằng cách dùng sức mạnh cưỡng chế hay thông qua giáo dục, thuyết phục; thực hiện quyền lực cưỡng chế trực tiếp sẽ khác với thực hiện quyền lực thông qua sắp đặt nghị trình, sắp đặt thể chế, phổ biến các giá trị, niềm tin, tư tưởng…(một ví dụ điển hình là sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội đòi hỏi phải kiểm soát quyền lực được thực hiện theo những cách phi truyền thống như: “truyền tin”, “lôi kéo”, “tạo dư luận” thông qua mạng internet…).
Thứ tư, chủ thể kiểm soát quyền lực là một trong những yếu tố rất quan trọng để tính đến các cơ chế, biện pháp mà họ sẽ thực hiện sự kiểm soát đối với quyền lực của hệ thống chính trị. Với chủ thể là cử tri nói chung, cách thức kiểm soát truyền thống và trung tâm nhất là kiểm soát thông qua bầu cử, thông qua việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp. Đối với nhóm chủ thể có quyền lực ở chính quyền cấp cơ sở, cách thức kiểm soát mà đã được thực hiện tương đối hữu hiệu trong thời gian qua ở Việt Nam là thông qua quy chế dân chủ cơ sở – “dân biết, dân bàn dân làm và dân kiểm tra”.
2.4. Căn cứ để kiểm soát quyền lực
Kiểm soát quyền lực là hoạt động xem xét, theo dõi việc thực hiện quyền lực để phát hiện và ngăn chặn sai trái. Như vậy, hoạt động này có nội dung đánh giá xem việc thực hiện quyền lực có đúng với ý chí và chuẩn mực được đặt ra trước hay không và căn cứ vào chuẩn mực, ý chí của chủ thể nắm nguồn gốc quyền lực mới có thể biết là việc thực hiện quyền lực là sai trái và từ đó có thể ngăn chặn việc thực hiện sai trái đó.
Để hoạt động kiểm soát quyền lực có ý nghĩa và có giá trị, các căn cứ và tiêu chí đánh giá việc thực hiện quyền lực cần phải được đặt ra trước, rất rõ ràng, chính xác, có thể đo lường được việc thực hiện quyền lực. Mặt khác, hình thức, nội dung của việc thực hiện quyền lực với tư cách là đối tượng bị kiểm soát cũng cần có tính xác định cao, rõ ràng để chủ thể kiểm soát thực hiện sự kiểm soát. Với ý nghĩa đó, việc thực hiện quyền lực nhà nước và quyền lực chính trị nói chung phải trên cơ sở pháp luật, trong khuôn khổ pháp luật bởi pháp luật có thuộc tính xác định chặt chẽ về hình thức và nội dung, pháp luật là quy tắc được định trước, rõ ràng. Hoạt động quyền lực phải trong khuôn khổ pháp luật, chịu sự ràng buộc của pháp luật là cốt lõi của tư tưởng về nhà nước pháp quyền và tư tưởng này trở thành một giá trị văn minh của nhân loại. Hơn thế, không chỉ nhà nước mà cả xã hội cũng phải tuân theo pháp luật mà pháp luật này thể hiện những giá trị văn minh và tiến bộ của nhân loại. Từ đó, mục đích của xã hội không chỉ là nhà nước pháp quyền mà là xây dựng một xã hội pháp quyền.
Xây dựng nhà nước chịu sự ràng buộc bởi luật pháp với mục đích hạn chế sự lạm dụng quyền lực đã là một tư tưởng hình thành khá sớm trong lịch sử tư tưởng chính trị và nó tiếp tục là một trong những xu hướng chính trị hiện đại. Xây dựng nhà nước pháp quyền cũng là một chủ trương lớn của Đảng cộng sản Việt Nam và chủ trương này cũng gắn với quá trình hoàn thiện bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị.
Trong điều kiện hiện nay, mặc dù pháp luật được coi là tiêu chí, căn cứ đánh giá việc thực hiện quyền lực, là phương tiện kiểm soát quyền lực tiến bộ nhưng nó là căn cứ, tiêu chí mang tính hình thức, chưa thể hiện nội dung của việc thực hiện quyền lực. Đánh giá việc thực hiện quyền lực cần phải dựa trên những tiêu chí, căn cứ về nội dung, tính chất. Nói cách khác, việc kiểm soát quyền lực và thực hiện quyền lực phải phù hợp giá trị, chuẩn mực văn minh, tiến bộ chung của nhân loại. Ví dụ, tính hợp lý, tính dân chủ, nhân quyền, tính dân tộc, tính hội nhập… phải được xem xét khi đánh giá việc thực hiện quyền lực.
3. Mối liên hệ giữa kiểm soát quyền lực và chống tham nhũng
Mối liên hệ giữa kiểm soát quyền lực và chống tham nhũng có mối liên hệ chặt chẽ. Tuy nhiên, đánh giá sự hiện diện và mức độ tham nhũng ở Việt Nam là rất khó trên thực tế bởi đây là một hiện tượng lệch chuẩn đặc biệt (người vi phạm có nhiều cơ hội và phương tiện để che giấu hành vi của mình). Mặt khác, kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát quyền lực nhà nước nói riêng tuy đã được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 2013 nhưng quá trình này ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Cho đến nay, đã có một số đánh giá ngoài về cảm nhận mức độ tham nhũng và mức độ kiểm soát quyền lực ở Việt Nam với kết quả thể hiện ở các bảng dưới đây.
Bảng 1: Đánh giá về kiểm soát quyền lực ở Việt Nam
(Nguồn: Báo cáo của Tổ chức Công lý thế giới 2015-2017)
Năm | I | II | III | IV | V | VI | Điểm trung bình | Hạng thế giới | Hạng vùng |
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
2015 | 31 | 28 | 62 | 55 | 38 | 36 | 42 | 85/102 | 13/15 |
2016 | 42 | 36 | 65 | 63 | 41 | 47 | 49 | 81/113 | 12/15 |
2017-18 | 42 | 37 | 48 | 62 | 41 | 48 | 46 | 81/113 | 12/15 |
2019 | 38 | 37 | 53 | 60 | 40 | 44 | 49 | 81/126 | 11/15 |
I. Kiểm soát quyền lực bởi lập pháp
II. Kiểm soát quyền lực bởi tư pháp
III. Kiểm soát bằng kiểm toán độc lập
IV. Xử lý quan chức lạm quyền
V. Kiểm soát bởi tổ chức xã hội
VI. Chuyển giao quyền lực hợp pháp
Bảng 2: Viện Bertelsmann Stiftung đánh giá về kiểm soát quyền lực ở Việt Nam
(Thang điểm 1-10; tổng số 129 quốc gia)[32]
Năm | phân quyền | tư pháp độc lập | xử lý lạm quyền | chống tham nhũng | Điểm số | Điểm số |
---|---|---|---|---|---|---|
2010 | 1 | 2 | 3 | 4 | 4.61 | 89 |
2012 | 2 | 2 | 3 | 4 | 4.84 | 85 |
2014 | 2 | 2 | 3 | 4 | 4.69 | 89 |
2016 | 2 | 2 | 3 | 4 | 4.72 | 91 |
2018 | 2 | 2 | 3 | 4 | 4.41 | 94 |
Bảng 3: So sánh chỉ số cảm nhận tham nhũng khu vực
(Nguồn: Báo cáo của Tổ chức Minh bạch quốc tế)[33]
Năm | 2018 | 2018 | 2017 | 2017 | 2016 | 2016 | 2015 | 2015 |
---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Hạng | Điểm | Hạng | Điểm | Hạng | Điểm | Hạng | Điểm | |
Newzealand | 2 | 87 | 1 | 89 | 1 | 90 | 1 | 91 |
Singapore | 3 | 85 | 6 | 84 | 7 | 84 | 7 | 85 |
Australia | 7 | 13 | 13 | 77 | 13 | 79 | 13 | 79 |
Malaysia | 61 | 47 | 62 | 47 | 55 | 49 | 54 | 50 |
China | 87 | 39 | 77 | 41 | 79 | 40 | 83 | 37 |
Indonesia | 89 | 38 | 96 | 37 | 90 | 37 | 88 | 36 |
Philippines | 99 | 36 | 111 | 34 | 101 | 35 | 95 | 35 |
Thailand | 99 | 36 | 96 | 37 | 102 | 35 | 76 | 38 |
Việt Nam | 117 | 33 | 107 | 35 | 113 | 33 | 111 | 31 |
Laos | 132 | 29 | 135 | 29 | 123 | 30 | 139 | 25 |
Myanmar | 132 | 29 | 130 | 30 | 136 | 28 | 147 | 22 |
Cambodia | 161 | 20 | 161 | 21 | 156 | 21 | 150 | 21 |
Bảng 4: So sánh chỉ số kiểm soát quyền lực và cảm nhận tham nhũng
Năm khảo sát | Kiểm soát quyền lực | Kiểm soát quyền lực | Kiểm soát quyền lực | Kiểm soát quyền lực | Tham nhũng |
---|---|---|---|---|---|
Chỉ số WJP | Chỉ số WJP | Chỉ số BTI | Chỉ số BTI | Chỉ số TI | |
Hạng | Điểm | Hạng | Điểm | Chỉ số TI | |
2015 | 85 | 42 | 85 | 4.61 | 111 |
2016 | 81 | 49 | 89 | 4.84 | 113 |
2017 | 81 | 46 | 91 | 4.69 | 107 |
2018-19 | 81 | 49 | 94 | 4.72 | 117 |
Tuy là những chỉ số có tính chất tham khảo, nhưng với những con số thống kê và so sánh, bước đầu cho thấy kiểm soát quyền lực và chống tham nhũng ở Việt Nam như sau:
(1) Kiểm soát quyền lực ở Việt Nam chưa ở mức khả quan bởi mức điểm theo thang 100 (WJP) hay thang điểm 10 (BTI) của Việt Nam cũng chưa đạt ở mức trung bình và xếp hạng cũng ở mức thấp trong tổng số các quốc gia được khảo sát (khoảng trên 100 quốc gia).
(2) Chỉ số cảm nhận tham nhũng cho thấy tham nhũng ở Việt Nam là đáng lo ngại bởi so sánh với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thứ hạng của Việt Nam là rất thấp (vị trí từ thứ hạng từ 107 – 117 với khoảng trên 100 nước được khảo sát và số điểm đánh giá cảm nhận tham nhũng trong khoảng 31 – 35 với thang điểm 100). So sánh trong khu vực, Việt Nam chỉ đứng trên các quốc gia như Lào, Campuchia và Myanma.
(3) So sánh tương quan giữa chỉ số kiểm soát quyền lực và chỉ số cảm nhận tham nhũng cho thấy có mối liên hệ cùng chiều giữa kiểm soát quyền lực và chống tham nhũng. Nói cách khác, kiểm soát quyền lực và chống tham nhũng có liên hệ với nhau, kiểm soát quyền lực hạn chế, tham nhũng sẽ gia tăng và ngược lại, tham nhũng gia tăng là biểu hiện thực trạng kiểm soát quyền lực.
4. Để kiểm soát quyền lực và chống tham nhũng hiệu quả
Thứ nhất, tham nhũng được cho là có nhiều nguyên nhân như trên đã phân tích nên đấu tranh loại trừ tham nhũng phải hướng tới loại trừ những nguyên nhân gây nên tham nhũng. Ví dụ, tham nhũng do sự khác biệt văn hóa khi coi quà cáp là chấp nhận được hay không. Cũng có quan điểm cho rằng tham nhũng gia tăng do quá trình giải điều tiết (deregulating), tư nhân hóa và giảm vai trò của chính phủ trong nền kinh tế. Nhưng nếu quá trình này không được thực hiện đồng thời với việc củng cố các thể chế để tạo sự kiểm soát nhằm bảo đảm trách nhiệm sẽ có thể làm tăng cơ hội tham nhũng.[34]
Thứ hai, tham nhũng được hiểu một cách chung nhất và có mức độ đồng thuận cao là hành vi tư lợi dựa trên vị trí công quyền và quyền lực được giao. Chính vì vậy, một trong những vấn đề trọng tâm của chống tham nhũng là kiểm soát quyền lực, gắn với việc hạn chế sự lạm dụng quyền lực, đặc biệt là quyền lực nhà nước.
Thứ ba, thực hiện dân chủ đóng vai trò kép bởi nó là cơ chế kiểm soát quyền lực bị lạm dụng, là phương tiện cho sự tham gia dân chủ để kiểm soát quyền lực bị lạm dụng vì lợi ích tư và nó cũng đóng vai trò là mục đích của cơ chế kiểm soát quyền lực – chống tham nhũng. Nói một cách ngắn gọn, dân chủ là mục đích và là phương tiện của cơ chế kiểm soát quyền lực lạm dụng vì lợi ích tư. Chống tham nhũng phải gắn liền với quá trình thực hiện dân chủ trong quản trị quốc gia.
Thứ tư, nếu tham nhũng liên quan đến chức vụ, vị trí công, quyền lực công và đặc biệt nó mang tính bí mật, che giấu thì đấu tranh chống tham nhũng phải gắn với sự công khai, minh bạch. Nói cách khác, minh bạch, công khai là “kẻ thù” của tham nhũng, là yêu cầu bắt buộc đối với việc chống tham nhũng.
Thứ năm, kiểm soát tham nhũng phải bằng pháp luật bởi pháp luật thể hiện nhiều tính chất đối lập với tham nhũng. Ví dụ, tính minh bạch, tiên liệu trước, tính bảo đảm thực hiện bằng cưỡng chế là thuộc tính đặc thù của pháp luật. Pháp luật có tính phổ biến, thể hiện những giá trị chung trong xã hội và do vậy nó sẽ khắc phục được sự khác biệt văn hóa về hành vi được coi là tham nhũng (ví dụ nhận quà). Khi đã được quy định trong luật pháp là hành vi tham nhũng, sự khác biệt trong nhìn nhận và thái độ về một hành vi lợi dụng quyền lực công để tư lợi sẽ giảm thiểu và gia tăng sự đồng thuận trong việc lên án hành vi đó và lên án bằng sự trừng phạt của pháp luật. Hơn nữa, kiểm soát quyền lực phải dựa trên chuẩn mực, có căn cứ để theo dõi và với yêu cầu này, pháp luật là phương tiện phù hợp nhất để kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát quyền lực bị lạm dụng để tư lợi – tham nhũng nói riêng.
Thứ sáu, tham nhũng liên quan chặt chẽ đến văn hóa và mỗi một xã hội sẽ có những nét đặc trưng văn hóa riêng, chống tham nhũng phải gắn với đặc thù văn hóa quốc gia. Do vậy, chống tham nhũng phải gắn với chủ thể chia sẻ giá trị văn hóa chung và, được thực hiện bởi chính những chủ thể mang văn hóa đó. Với ý nghĩa đó, chống tham nhũng phải mang tính xã hội, là sự kiểm soát quyền lực từ phía xã hội (không chỉ từ phía nhà nước) mang tính xã hội, bởi xã hội bởi nó không chỉ mang tính văn hóa mà nó còn mang tính dân chủ rộng rãi.
Thứ bảy, tham nhũng hiện nay có xu hướng phát triển vượt quy mô quốc gia hay nó cũng là hiện tượng toàn cầu hóa. Vì vậy, chống tham nhũng cần phải có tính chất toàn cầu, hợp tác toàn cầu. Do vậy, cần hợp tác toàn cầu, chống tham nhũng trong xây dựng và thực hiện pháp luật. Mặt khác, pháp luật về chống tham nhũng phải hội nhập, quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật phải nội luật hóa pháp luật và chuẩn mực quốc tế về chống tham nhũng.
Thứ tám, nếu tham nhũng có tính hệ thống, tính phổ biến hay ở một mức độ nào đó nó được thể chế hóa thì công cuộc chống tham nhũng sẽ trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, chống tham nhũng phải được thực hiện càng sớm càng tốt và phải được thực hiện liên tục, không ngừng nghỉ, thực hiện một cách toàn diện trong các lĩnh vực (kinh tế, chính trị, xã hội) và là công việc chung của xã hội.
Cuối cùng, kiểm soát quyền lực bị lạm dụng nhằm tư lợi phải được thực hiện một cách đồng bộ và toàn diện các cơ chế, các điều kiện và thực hiện lâu dài mới có thể kiểm soát và giảm được tham nhũng. Bởi lẽ, tham nhũng là hiện tượng nhiều mặt, nhiều nguyên nhân, nhiều mức độ và phạm vi khác nhau. Tham nhũng vừa là nguyên nhân nhũng cũng đồng thời là hậu quả của nhiều hiện tượng bất công trong xã hội. Hơn nữa, sức bền của tham nhũng là rất cao cho nên một giải pháp, hành động đơn lẻ, chống tham nhũng theo trào lưu… sẽ không thể thành công. Nói ngắn gọn, chống tham nhũng phải mang tính tổng thể, bền vững và là trách nhiệm chung của mọi chủ thể.
CHÚ THÍCH
[1] Richard Rose, Caryn Peiffer, Bad Governance and Corruption, Palgrave Macmillan, 2019, tr. 4.
[2] Khalid Sekkat, Is Corruption Curable?, Palgrave Macmillan, 2018, tr. 6.
[3] Khalid Sekkat, tlđd, tr. 7.
[4] Leslie Holmes, Corruption: A Very Short Introduction, Oxford University Press, 2015, tr. 34.
[5] Khalid Sekkat, tlđd, tr. 9.
[6] Khalid Sekkat, tlđd, tr. 13.
[7] Khalid Sekkat, tlđd, tr. 16.
[8] Khalid Sekkat, tlđd, tr. 16
[9] Leslie Holmes, tlđd, tr. 65.
[10] Roberta Ann Johnson, The Struggle Against Corruption, Palgrave Macmillan, 2004, tr. 3.
[11] Herzfeld, T., & Weiss, C., Corruption and Legal (In) Efectiveness: An Empirical Investigation. European Journal of Political Economy, 19 (3), 2003, pp. 621 – 632.
[12] Herzfeld, T., & Weiss, C, tlđd.
[13] Khalid Sekkat, tlđd, pp. 89 – 90.
[14] Khalid Sekkat, tlđd, chương 3.
[15] Lalountas, D. A., et al, “Corruption, globalization and development: How are these three phenomena related?”, Journal of Policy Modeling, 2011, doi:10.1016/j.jpolmod.2011.02.001.
[16] Carolyn Warner, Globalization and Corruption, trong The Blackwell companion to globalization, edited by George Ritzer, Blackwell, 2007, tr. 607.
[17] Patrick Glynn, Stephen j. Kobrin, and Moisés Nam, The Globalization of Corruption, in Corruption and the global economy, edited by Kimberly Ann Elliott, Institute for International Economics, 1997, tr. 7
[18] Khalid Sekkat, tlđd, chương 4, 2018, tr. 119.
[19] Colin Hay, Political Analysis: A Critical Introduction, Palgrave, 2002, tr. 3.
[20] Mauro Calise and Theodore J. Lowi, Hyperpolitics: An Interactive Dictionary Of Political Science Concepts, The University of Chicago Press, 2010, tr. 49.
[21] Duncan Watts, A Glossary of UK Government and Politics, Edinburgh University Press, 2007, tr. 199.
[22] Enrico Fels, Jan-Frederik Kremer, Katharina Kronenberg, Power in the 21st Century International Security and International Political Economy in a Changing World, Springer, 2012, tr. 6.
[23] Joseph Nye, “Soft Power”, Foreign Policy, Vol. 80, 1990, pp. 153–71.
[24] Leonard Krieger, “The Idea of Authority in the West”, American Historical Review, Vol. 82, No. 2, April 1977
[25] Rodney Bruce Hall, Thomas J. Biersteker, The Emergence of Private Authority in Global Governance, Cambridge University Press, 2004, tr. 5.
[26] Martin Innes, Understanding social control, Open University Press, 2003, tr. 3.
[27] Martin Innes, tlđd, tr. 144.
[28] Adam Przeworski, Democracy and the Limits of Self-Government, Cambridge University Press, 2010, tr. 137.
[29] Mortimer N. S. Sellers, What is the rule of law and why is it so important, trong The Legal Doctrines of the Rule of Law and the Legal State (Rechtsstaat), James R. Silkenat, James E. Hickey Jr. Peter D. Barenboim Editors, Spinger, 2014, pp. 5,6.
[30] Luigi Ferrajoli, “The Past and the Future of the Rule of Law” trong The Rule of Law History, Theory and Criticism, Edited by Pietro Costa, 2007 Springer, p. 323.
[31] Ugo Mattei and Laura Nader, Plunder when the rule of law is illegal, Blackwell Publishing, 2008, p. 1-28.
[32] Nguồn: Transformation Index, URL: https://www.bti-project.org/en/home/.
[33] Roberta Ann Johnson, tlđd, tr. 7.
Tác giả: TS. Đỗ Minh Khôi
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08/2019 – 2019, Trang 3-17
Like Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu/
Trả lời