Hệ thống khoa học Luật Hiến pháp và môn học Luật Hiến pháp
Tác giả: Tô Văn Hòa
1. Hệ thống khoa học Luật Hiến pháp
Nếu hệ thống ngành Luật Hiến pháp bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật của ngành Luật Hiến pháp thì hệ thống khoa học Luật Hiến pháp bao gồm tổng thể tri thức có được của khoa học Luật Hiến pháp khi nghiên cứu ngành Luật Hiến pháp, được sắp xếp một cách có hệ thống theo các đối tượng nghiên cứu cụ thể của nó, bao gồm:
– Tri thức về các vấn đề lí luận của ngành Luật Hiến pháp;
– Tri thức về các chế định, quy định cụ thể của ngành Luật Hiến pháp, bao gồm cả tri thức về các quan điểm, tư tưởng, chính sách, môi hình tổ chức, hoạt động có liên quan;
– Tri thức về thực tiễn áp dụng, thi hành các chế định, quy định cụ thể của ngành Luật Hiến pháp.
Do thực tiễn của ngành Luật Hiến pháp luôn có sự vận động, ngành Luật Hiến pháp cũng luôn cần có sự bổ sung, thay đổi cho phù hợp. Để đáp ứng yêu cầu đó, hệ thống tri thức của khoa học Luật Hiến pháp, bên cạnh nhóm tri thức đã được khẳng định và có tính ổn định cao, cũng luôn được bổ sung tri thức mới phù hợp với tình hình. Có thể nói hệ thống khoa học Luật Hiến pháp là một thực thể luôn được bổ sung và phát triển.
Xem thêm bài viết về “Khoa học Luật Hiến pháp”
- Đối tượng và phương pháp nghiên cứu của Khoa học Luật Hiến pháp – PGS.TS. Tô Văn Hòa
2. Môn học Luật Hiến pháp
Môn học Luật Hiến pháp là một môn khoa học pháp lí chuyên ngành được thiết kế trong chương trình đào tạo cử nhân luật của các trường đại học ngành Luật. Môn học Luật Hiến pháp chứa đựng một phần tri thức Luật Hiến pháp trong kho tàng tri thức của khoa học Luật Hiến pháp Việt Nam. Về cơ bản, môn học này cũng sử dụng các phương pháp nghiên cứu phổ biến của khoa học Luật Hiến pháp như giới thiệu trên đây. Song, môn học Luật Hiến pháp chủ yếu truyền đạt cho người học những nội dung kiến thức nền tảng, những tri thức đã được khẳng định và chính thống của khoa học Luật Hiến pháp. Bên cạnh đó, môn học Luật Hiến pháp cũng dẫn dắt người học tới những nội dung kiến thức mới, nằm ở ranh giới đang phát triển của khoa học Luật Hiến pháp, thậm chí những nội dung kiến thức đang chứa đựng các quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, việc đề cập các nội dung kiến thức này không phải là trọng tâm của môn học và chỉ mang tính chất giới thiệu, gợi mở bởi chúng sẽ là đối tượng kiến thức trực tiếp của chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ luật chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính.
Chương trình của môn học Luật Hiến pháp, tùy vào cơ sở giảng dạy pháp luật, các trường đại học ngành Luật khác nhau sẽ có cấu trúc chương trình môn học khác nhau. Tuy nhiên, chương trình môn học Luật Hiến pháp thường bao gồm các nội dung kiến thức cơ bản của khoa học Luật Hiến pháp về các nhóm vấn đề sau:
– Lí luận và lịch sử của ngành Luật Hiến pháp và Hiến pháp Việt Nam;
– Chế độ chính trị của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam;
– Các chính sách cơ bản định hướng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ, an ninh, quốc phòng, chính sách đối ngoại;
– Bầu cử và tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và các cơ quan trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Xem thêm bài viết về “Ngành Luật Hiến pháp”
- Vị trí của ngành Luật Hiến pháp trong hệ thống pháp luật Việt Nam – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Vai trò của ngành Luật Hiến pháp trong xã hội – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Mối quan hệ mật thiết giữa Luật hiến pháp và Chính trị – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Nguồn của ngành Luật Hiến pháp Việt Nam – PGS.TS. Tô Văn Hòa
- Quy phạm pháp luật, định nghĩa và hệ thống ngành Luật Hiến pháp – PGS.TS. Tô Văn Hòa
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời