Hội đồng bầu cử Thái Lan và góp ý quy định về hội đồng bầu cử quốc gia trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam
- Vai trò của cơ quan quản lý bầu cử trong nhà nước pháp quyền – ThS. Trần Thị Thu Hà
- Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước theo Hiến pháp 2013 – TS. Nguyễn Mạnh Hùng
- Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước – ThS. Lưu Đức Quang
- [EBOOK] ABC về Bầu cử PDF – TS. Lã Khánh Tùng
TÓM TẮT
Nhìn từ góc độ pháp lý, các cuộc bầu cử đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành các cơ quan đại diện dân cử ở trung ương và các địa phương. Để các cuộc bầu cử mang tính thống nhất, khách quan và đạt hiệu quả cao thì nhà nước có các tổ chức phụ trách bầu cử. Các đơn vị phụ trách bầu cử thường có chức năng chủ yếu là tổ chức và giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến tranh cử, tổ chức bầu cử, giải quyết khiếu nại và công bố kết quả. Bài viết này nghiên cứu về Hội đồng bầu cử Thái Lan và đưa ra một số góp ý về quy định Hội đồng bầu cử quốc gia trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt Nam 1992.
TỪ KHÓA: Góp ý sửa đổi Luật, Hiến pháp 1992, Hội đồng bầu cử quốc gia, Pháp luật Thái Lan, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 05/2013
I. Vai trò của các tổ chức bầu cử
Nhìn từ góc độ pháp lý, các cuộc bầu cử đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành các cơ quan đại diện dân cử ở trung ương và các địa phương. Thông qua các cuộc bầu cử trực tiếp hay gián tiếp, một hệ thống các cơ quan mang quyền lực nhà nước được hình thành. Bầu cử cũng là một phương thức để nhân dân thể hiện quyền làm chủ của mình bởi lẽ người dân có quyền (trực tiếp hay gián tiếp thông quan đại diện) thể hiện ý chí của mình trong việc lựa chọn những cá nhân mà họ cho là xứng đáng để lãnh đạo đất nước.
Để các cuộc bầu cử mang tính thống nhất, khách quan và đạt hiệu quả cao, nhà nước có các tổ chức phụ trách bầu cử. Các đơn vị phụ trách bầu cử thường có chức năng chủ yếu là tổ chức và giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến tranh cử, tổ chức bầu cử, giải quyết khiếu nại và công bố kết quả. Ở nhiều nước trên thế giới, các đơn vị phụ trách bầu cử thường là Hội đồng bầu cử hay Ủy ban bầu cử (Election Commission) (ví dụ Úc, Nepal, Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc…). Đối với nhà nước đơn nhất, hội đồng bầu cử gồm hai cấp là trung ương và địa phương. Đối với nhà nước liên bang, các đơn vị bầu cử thường tổ chức theo cấp liên bang, bang và cấp địa phương.
Nhìn chung, pháp luật về bầu cử của các nước trên thế giới được thành lập theo hai hướng, hoặc là quy định trong một đạo luật riêng, hoặc là quy định trong hiến pháp. Nếu vấn đề bầu cử được quy định trong hiến pháp thì thường được cấu thành một phần độc lập và trong trường hợp này, hội đồng bầu cử được xem là một tổ chức hiến định độc lập và đảm trách hai vai trò cơ bản đó là tổ chức bầu cử và trưng cầu dân ý.[1] Trong việc tổ chức bầu cử, tổ chức bầu cử chịu trách nhiệm tổ chức, giám sát và giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình bầu cử; chuẩn bị phiếu bầu; giám sát toàn bộ hệ thống, quy trình bầu cử từ trung ương đến địa phương để đảm bảo cho việc bầu cử được diễn ra một cách thống nhất và công bằng. Ngoài ra, các tổ chức bầu cử cũng xác định số lượng đơn vị bầu cử và tư cách tham gia ứng cử của các đảng phái.[2]
Đối với Việt Nam, theo Luật Bầu cử hiện hành, các tổ chức phụ trách bầu cử bao gồm Hội đồng bầu cử trung ương; Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ban bầu cử ở đơn vị bầu cử và Tổ bầu cử ở khu vực bỏ phiếu. Nhiệm vụ của các tổ chức bầu cử này là phụ trách việc tổ chức bầu cử trong cả nước theo đúng pháp luật về bầu cử, vận động và tiến hành bầu cử. Ngoài ra, các tổ chức phụ trách bầu cử cũng có chức năng giải quyết các khiếu nại liên quan đến việc bầu cử và công bố kết quả bầu cử.
Mặc dù xu hướng chung nhiều nước trên thế giới xem các tổ chức bầu cử như một cơ quan hiến định độc lập và quy định rõ trong hiến pháp,ở Việt Nam vẫn chưa quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã có một điều luật quy định vấn đề này. Bài viết này đề cập chủ yếu Hội đồng bầu cử Thái Lan và một số góp ý cho quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Việt Nam sau khi đã lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo lần 1.
II. Hội đồng bầu cử Thái Lan
Hội đồng bầu cử Thái Lan đã được thành lập năm 1998 như một tổ chức hiến định độc lập để tổ chức bầu cử và trưng cầu dân ý. Mục đích thành lập của Hội đồng này là nhằm bảo đảm cho tiến trình bầu cử cũng như trưng cầu dân ý được tự do, nghiêm túc và chính xác.
Trước năm 1997, việc tổ chức bầu cử ở trung ương và địa phương do Bộ Nội vụ Thái Lan phụ trách. Tuy nhiên với cách tổ chức này, nhiều ý kiến cho rằng việc bầu cử đã bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị bởi lẽ Bộ Nội vụ là một tổ chức thuộc chính phủ và do đó, tiến trình và kết quả bầu cử không thực sự khách quan. Nhằm tránh những bất cập trên và đặc biệt, nhằm hướng đến mục tiêu là nền dân chủ thực sự, Nhà nước Thái Lan thấy cần phải có một cơ quan quản lý bầu cử thống nhất từ trung ương đến địa phương. Chính vì lẽ đó mà Hội đồng bầu cử quốc gia được thành lập.
Hội đồng bầu cử tổ chức bầu cử hạ nghị sỹ, thượng nghị sỹ và các quan chức chính quyền địa phương (Hội đồng địa phương và cơ quan hành chính địa phương).
Cơ quan bầu cử Thái Lan gồm hai cấp, một là Hội đồng bầu cử trung ương sẽ tổ chức bầu cử hạ nghị sỹ, thượng nghị sỹ; và hai là Hội đồng bầu cử cấp tỉnh sẽ tổ chức bầu cử thành viên của hội đồng địa phương và cơ quan hành chính địa phương.[3]
1. Hội đồng bầu cử trung ương
a. Nhân sự và cơ cấu tổ chức
Theo quy định của Hiến pháp Thái Lan,[4] Hội đồng bầu cử trung ương bao gồm 01 chủ tịch và 04 ủy viên, được Quốc vương Thái Lan bổ nhiệm trên sự tư vấn của Thượng viện. Hội đồngcó nhiệm kỳ là bảy năm và không được tái bổ nhiệm. Về cơ cấu, Hội đồng bầu cử trung ương sẽ thành lập Văn phòng Hội đồng bầu cử trung ương bao gồm Phòng Hành chính tổng hợp, Phòng Điều tra và xét xử, Phòng Quản lý bầu cử, Phòng Trưng cầu dân ý và các công việc liên quan đến đảng phái chính trị, Phòng Tham dự công cộng. Chủ tịch Hội đồng bầu cử trung ương giữ vị trí quyết định cao nhất.
Điều kiện để trở thành thành viên của Hội đồng bầu cử trung ương được quy định rất chặt chẽ. Các ứng cử viên phải đáp ứng đủ các điều kiện về độ tuổi (không quá 40 tuổi), trình độ (tốt nghiệp đại học hoặc tương đương) và không thuộc vào các trường hợp cấm theo quy định tại khoản 1, 4, 5, 6 Điều 205 Hiến pháp Thái Lan 2007. Theo các quy định này, thành viên của Hội đồng bầu cử phải là người có quốc tịch Thái Lan kể từ khi sinh; không phải là nghị sỹ của Thượng viện hay Hạ viện, quan chức chính trị; không phải là thành viên của hội đồng hoặc cơ quan hành chính địa phương; không phải hoặc đã từng là thành viên hoặc người nắm giữ những vị trí khác trong một đảng phái chính trị trong thời gian 03 năm trước khi nhậm chức. Ngoài ra, các ứng cử viên còn phải thỏa mãn các điều kiện theo quy định tại Điều 100 và khoản 1, 2, 4, 5, 6, 7, 13, 14 Điều 102 Hiến pháp (trường hợp cấm bầu cử), đó là các điều kiện về nhân thân và tinh thần.[5]
Bên cạnh đó, các ứng cử viên không được là thẩm phán của Tòa án hiến pháp, Thanh tra nhà nước, Ủy viên Hội đồng phòng chống tham nhũng quốc gia và cũng không được là Ủy viên Kiểm toán nhà nước hoặc ủy viên của Ủy ban nhân quyền quốc gia.
b. Quy trình tuyển chọn và bổ nhiệm thành viên Hội đồng bầu cử trung ương
Sau khi đã có danh sách các ứng cử viên, quy trình tuyển chọn và bầu chủ tịch và ủy viên Hội đồng bầu cử trung ương sẽ được tiến hành. Theo đó, một Ủy ban tuyển chọn được thành lập và Ủy ban này có trách nhiệm chọn ra 03 thành viên (02 thành viên còn lại do Tòa công lý tối cao chọn).
Theo quy định tại Điều 231 Hiến pháp Thái Lan 2007, Ủy ban tuyển chọn có 07 thành viên, bao gồm Chánh án Tòa án hiến pháp, Chánh án tòa công lý tối cao, Chánh án Tòa hành chính tối cao, Chủ tịch hạ viện, Lãnh đạo đối lập trong hạ viện, thành viên được chỉ định bởi Tòa hành chính tối cao, và thành viên được chỉ định bởi Tòa công lý tối cao. Kết quả tuyển chọn phải được đưa ra trong vòng 30 ngày. Ứng cử viên phải đạt ít nhất số phiếu 2/3 đồng thuận của Hội đồng tuyển chọn.
Đối với 02 thành viên còn lại của Hội đồng bầu cử trung ương, Hội nghị toàn thể Tòa công lý tối cao chịu trách nhiệm tuyển chọn và đệ trình danh sách lên chủ tịch Thượng viện trong thời hạn 30 ngày. Nếu sau 30 ngày mà chưa tuyển chọn được thì Tòa công lý tối cao được quyền gia hạn thêm 15 ngày. Các ứng cử viên này không được là thẩm phán của tòa án tối cao cũng như không được giữ bất kỳ chức vụ nào trong các cơ quan hiến định độc lập khác.[6]
Khi danh sách 05 thành viên đã được gửi lên Chủ tịch thượng viện, Chủ tịch thượng viện sẽ triệu tập thượng viện để bỏ phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu có thể xảy ra hai trường hợp: (1) Các ứng cử viên đắc cử sẽ bầu ra Chủ tịch Hội đồng bầu cử và thông báo kết quả đến Chủ tịch Thượng viện. Chủ tịch Thượng viện sẽ báo cáo với Quốc vương để Quốc vương ra quyết định bổ nhiệm; (2) Đối với các ứng cử viên không đắc cử, Chủ tịch Thượng viện sẽ gửi danh sách của họ về Ủy ban tuyển chọn hoặc Hội nghị toàn thể của Tòa công lý tối cao. Trường hợp Ủy ban tuyển chọn hoặc Hội nghị toàn thể Tòa công lý tối cao không đồng ý với nghị quyết của thượng viện thì họ có quyền bỏ phiếu lại đối với các ứng cử viên mà mình đã đề cử. Nếu số phiếu quá bán thì danh sách các ứng cử viên này sẽ được gửi lại Chủ tịch thượng viện để thông qua (Chủ tịch thượng viện không có quyền phản đối nữa) và tiến hành các thủ tục tiếp theo.
Tuy nhiên, nếu trường hợp Ủy ban tuyển chọn hoặc Hội nghị toàn thể Tòa công lý không đạt số phiếu quá bán thì quy trình được bắt đầu lại từ đầu.05 thành viên sau đó sẽ bầu một người làm chủ tịch Hội đồng bầu cử trung ương. Kết quả sau đó sẽ chuyển đến chủ tịch Thượng viện và chủ tịch Thượng viện sẽ đệ trình lên Quốc vương để Quốc vương bổ nhiệm.
c. Quyền và nghĩa vụ của Hội đồng bầu cử
Theo quy định tại điều 236 Hiến pháp Thái Lan 2007 và Điều 10 Đạo luật về tổ chức bầu cử Thái Lan, Hội đồng bầu cử có quyền tổ chức bầu cử và trưng cầu dân ý, quyền ra thông báo quyết định tất cả các hoạt động cần thiết cho việc thực hiện các đạo luật bầu cử liên quan như Đạo luật tổ chức bầu cử thành viên Hạ viện và Lễ nhậm chức của Thượng nghị sỹ, Đạo luật về các Đảng chính trị, Đạo luật về trưng cầu dân ý, Đạo luật về bầu cử thành viên hội đồng và ủy ban hành chính địa phương.
Trong hoạt động bầu cử, Hội đồng cũng có quyền Ban hành quy định về chiến dịch tranh cử công bằng và chân thực của đảng chính trị hoặc ứng cử viên cũng như quyết định các phương thức giúp Nhà nước ủng hộ sự bình đẳng trong chiếc dịch tranh cử. Ngoài ra Hội đồng còn ban hành các quy định liên quan đến việc kiểm tra bầu cử, các quy định liên quan đến các chuẩn mực hành vi trong bầu cử, các hành vi cấm của các ứng cử viên, đảng phái chính trị, cử tri cũng như quy định cho việc trả lời các câu hỏi liên quan đến các vấn đề chưa có tiền lệ trước đó.
Hội đồng cũng quy định về sử dụng nguồn nhân lực của nhà nước cho hoạt động bầu cử bao gồm cả việc hướng dẫn cán bộ, nhân viên thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trung ương hoặc cán bộ, nhân viên chính quyền địa phương trong việc thực hiện các chức năng cần thiết.
Để thực hiện tốt việc bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ phân chia đơn vị bầu cử và cân đối đơn vị bầu cử để chuẩn bị danh sách ứng cử viên. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng có quyền tước quyền bầu cử hoặc quyết định bầu cử hay trưng cầu dân ý lại ở bất kỳ đơn vị bầu cử nào cũng như kiểm lại phiếu bầu khi có chứng cứ rõ ràng là bất bình thường. Ngoài ra, Hội đồng cũng có thể tiến hành điều tra và giải quyết các vấn đề mâu thuẫn liên quan đến bầu cử.
Đối với hoạt động liên quan đến chính phủ, Hội đồng ban hành các quy định hoặc phê chuẩn các hoạt động của chính phủ sau khi nhiệm kỳ của Hạ viện kết thúc hoặc Hạ viện bị giải tán. Các quy định này liên quan đến vấn đề bổ nhiệm hoặc luân chuyển quan chức chính phủ, cán bộ và nhân viên trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước hay bất kỳ doanh nghiệp nào mà nhà nước có cổ phần lớn; phê chuẩn nguồn quỹ dự trữ của chính phủ cho các trường hợp cần thiết hoặc khẩn cấp.
Quyền của Hội đồng bầu cử còn thể hiện thông qua việc quyết định phương thức và kiểm soát tiền quyên góp, tài sản hoặc những những loại tài sản có giá trị như tiền phân bổ cho các đảng chính trị cũng như quỹ công, chi phi bầu cử, kiểm tra nguồn tài chính của đảng chính trị bao gồm việc kiểm soát bất kỳ việc thanh toán hoặc phiếu chi nào vì lợi ích bỏ phiếu.
Ngoài thẩm quyền hiến định trên, Hội đồng bầu cử quốc gia phải có nghĩa vụ thông báo kết quả bầu cử và yêu cầu trưng cầu dân ý. Hàng năm, Hội đồng phải chuẩn bị báo cáo thường niên kèm theo nhận xét đệ trình lên nghị viện hoặc chuẩn bị những hoạt động khác thuộc thẩm quyền của Hội đồng bầu cử theo quy định của pháp luật.
2. Hội đồng bầu cử cấp tỉnh
a. Về nhân sự và cơ cấu tổ chức
Hiện Thái Lan có 76 tỉnh và Hội đồng bầu cử trung ương có quyền thành lập hội đồng bầu cử cấp tỉnh. Hội đồng gồm 01 chủ tịch và 04 thành viên. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng bầu cử cấp tỉnh là 04 năm và không được tái bổ nhiệm.
b. Quy trình bổ nhiệm thành viên của Hội đồng bầu cử tỉnh
Quy trình tuyển chọn và bổ nhiệm thành viên Hội đồng bầu cử cấp tỉnh do Hội đồng bầu cử trưng ương quyết định.[7] Tuy nhiên, thành viên của Hội đồng bầu cử cấp tỉnh phải là người Thái, đạt độ tuổi từ 20 trở lên. Ngoài ra còn những quy định về điều kiện về tinh thần, nhân thân, nghề nghiệp, không có tiền án hay đã từng bị sa thải, và không được nghiện các chất kích thích như ma túy…
c. Quyền và nghĩa vụ của Hội đồng bầu cử cấp tỉnh
Hội đồng bầu cử cấp tỉnh có quyền tổ chức bầu cử và trưng cầu dân ý trong phạm vi tỉnh. Trong việc phân đơn vị bầu cử, Hội đồng có quyền đề nghị ranh giới đơn vị bầu cử để Hội đồng bầu cử trung ương xem xét.
Bên cạnh đó, Hội đồng bầu cử cấp tỉnh phải thu nhập và kiểm tra thông tin về số lượng cử tri đủ điều kiện đi bầu để tính tổng số cử tri bầu cử hoặc trưng cầu dân ý của cả nước; tiến cử với Hội đồng bầu cử cá nhân có trách nhiệm liên quan đến việc bầu cử hoặc bỏ phiếu trưng cầu dân ý và thực hiện các hoạt động liên quan đến bầu cử hoặc bỏ phiếu trưng cầu dân ý.[8]
Quy định và trình tự thực hiện các hoạt động của Hội đồng bầu cử cấp tỉnh sẽ do Hội đồng bầu cử trung ương quyết định.
III. Góp ý quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt Nam 1992
Có thể nhận thấy rằng những quy định trong Hiến pháp Thái Lan 2007 về Hội đồng bầu cử rất cụ thể và xác định rõ thẩm quyền. Giá trị thực tiễn đáng ghi nhận nhất là tính trung lập và độc lập của nó không bị chi phối hay tác động bởi bất kỳ một cơ quan hay một yếu tố chính trị nào.
Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt Nam 1992, tác giả thấy rằng định hướng sửa đổi quy định này sau khi lấy ý kiến nhân dân vẫn chưa thật sự là một quy định mang giá trị thực tiễn cao bởi những lý do sau:
Thứ nhất, về tính độc lập. Quy định của Dự thảo chưa xác định rõ Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan hiến định độc lập, theo đó: “1) Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biều Hội đồng nhân dân các cấp; 2) Hội đồng bầu cử quốc gia gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên; 3) Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia và số lượng thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia do luật định”.. Trong khi đó, Hiến pháp Thái Lan 2007 bao gồm 309 điều. Tại Chương 11 quy định về các thiết chế hiến định độc lập (Independent Organisations under the Constitution) trong đó bao gồm cả Hội đồng bầu cử quốc gia.[9] Do đó, tác giả cho rằng Hiến pháp Việt Nam cũng cần bổ sung quy định này nhằm làm rõ địa vị pháp lý của Hội đồng bầu cử quốc gia và đồng thời nâng cao tính độc lập của cơ quan này.
Thứ hai, về cách thức thành lập và xác định thẩm quyền. Để đáp ứng được tinh thần độc lập, xác thực và không bị ảnh hưởng trong bầu cử, tác giả cho rằng Hội đồng bầu cử quốc gia không nên là một cơ quan do Quốc hội thành lập bởi lẽ nếu do Quốc hội thành lập thì suy cho cùng, cơ quan này vẫn là một tổ chức thuộc Quốc hội. Trong khi đó quy định trong Dự thảo thì cơ quan này có chức năng tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Như vậy, Hiến pháp cần bổ sung thêm các quy định về cách thức thành lập, cơ cấu tổ chức, thẩm quyền, chức năng của Hội đồng bầu cử quốc gia… mang tính chất hiến định chứ không phải mang tính chất luật định. Tác giả góp ý điều này cũng cần căn cứ vào giá trị pháp lý và hiệu quả áp dụng trực tiếp của Hiến pháp. Tham khảo quy định của Hiến pháp Thái Lan 2007 có thể nhận thấy rằng Hiến pháp nước này đã dành 12 điều (từ Điều 229 đến 241) để quy định về cách thức thành lập, thẩm quyền và chức năng của Hội đồng bầu cử. Cơ sở hiến định như vậy làm cho địa vị pháp lý của các cơ quan hiến định độc lập này nâng cao, đảm bảo cho quá trình bầu cử được tự do, nghiêm túc và hợp hiến.
Thứ ba, cần quy định thêm Hội đồng bầu cử địa phương. Để việc bầu cử được diễn ra thống nhất và mang tính hệ thống cao, Hội đồng bầu cử địa phương cũng cần được quy định trong Hiến pháp nhằm xác định giá trị pháp lý và thẩm quyền cho hoạt động của tổ chức này.
Nhìn tổng quát về quá trình sửa đổi Hiến pháp, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt Nam 1992 đã thành công trong việc đặt nền tảng cho việc thành lập những thiết chế hiến định độc lập. Đây được coi là những nền tảng hết sức quan trọng cho việc hoàn thiện bộ máy nhà nước, đảm bảo việc phát huy dân của nhân dân, phát huy một xã hội Việt Nam tự do, công bằng, dân chủ và văn minh. Tuy nhiên, cũng cần có những quy định rõ hơn để cơ quan này thực sự là một cơ quan trung lập, không thuộc nhánh lập pháp, hành pháp hay tư pháp nhằm hướng đến một cơ chế bầu cử thực sự tự do và thể hiện trọn vẹn ý chí, nguyện vọng của toàn thể nhân dân.
CHÚ THÍCH
[1] Đối với việc trưng cầu dân ý thì đó là việc trưng cầu ý kiến toàn dân về một đề xuất hay chính sách, đạo luật mới của nhà nước. Tuy nhiên, trong bài viết này, tác giả chỉ tập trung vào vấn đề bầu cử.
[2] Xem thêm “Composition and Functions of Election Commission of India”, http://www.preservearticles.com/2012051632262/composition-and-functions-of-election-commission-of-india.html (truy cập 28/09/2013).
[3] Điều 236, 239 Hiến pháp Thái Lan 2007; Điều 4, Luật Tổ chức Hội đồng bầu cử 2007.
[4] Điều 229 Hiến pháp Thái Lan 2007.
[5] Điều 100: “Những người thuộc vào một trong các trường hợp sau đây thì không có quyền bầu cử:
- Là tăng ni, nhà sư, giáo sỹ Phật giáo;
- Đang bị đình chỉ quyền bầu cử;
- Đang bị tam giam theo lệnh của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền;
- Không còn minh mẫn hoặc bị mất trí.
Điều 102: Người nào thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được bầu vào Hạ nghị viện:
- Nghiện ma túy;
- Bị phá sản hoặc giả vờ phá sản;
- Bị phát tù và đã bị giam theo quyết định của tòa án;
- Đang trong thời hạn năm năm kể từ khi mãn hạn tù trừ trường hợp bị phát tù về tội vô ý hoặc tội ít nghiêm trọng;
- Bị đuổi việc, sa thải hoặc cách chức khi phục vụ trong các cơ quan nhà nước hay các doanh nghiệp nhà nước do tham nhũng hay gian dối trong công việc;
- Đã có quyết định của tòa án buộc giao tài sản cho nhà nước do giàu có bất thường hoặc tài sản tăng bất thường;
- Bị cấm đảm nhiệm chức vụ chính trị theo Điều 263;
- Bị cách chức theo nghị quyết của Thượng viện theo Điều 274”.
[6] Điều 231 Hiến pháp Thái Lan 2007.
[7] Điều 14, 15, 16, Đạo luật tổ chức bầu cử Thái Lan 2007.
[8] Điều 19, Đạo luật tổ chức bầu cử Thái Lan 2007.
[9] Các thiết chế hiến định độc lập trong Hiến pháp Thái Lan bao gồm: 1) Hội đồng bầu cử, 2) Thanh tra nhà nước, 3) Ủy ban chống tham những quốc gia, 4) Kiểm toán nhà nước.
Tác giả: Phan Nhật Thanh – Phó Giám đốc Trung tâm Thư viện, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 05/2013 (78)/2013 – 2013, Trang 03-07
Like Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu/