Mục lục
Từ định hướng về Án lệ tại Việt Nam: Đề xuất cách viết án lệ theo kinh nghiệm của các quốc gia thông luật: Bài viết xoay quanh các vấn đề về tên của án lệ và tuyển tập án lệ, nội dung của án lệ và nhân sự – yếu tố quan trọng cho việc xây dựng án lệ tại Việt Nam…
- Án lệ là gì? Phân tích khái niệm Án lệ (Tiền lệ pháp)?
- [TUYỂN TẬP] Đề thi môn Án lệ và Tập quán pháp
- Một số vấn đề lý luận về án lệ trong hệ thống thông luật – ThS. Đỗ Thành Trung
- Bàn về hiệu lực thời gian của Án lệ – ThS. Đỗ Thành Trung
- Án lệ trong tình hình mới – Nhìn lại định hướng phát triển án lệ của TANDTC – ThS. Châu Hoàng Thân
- Tổng quan phương pháp giảng dạy qua án trong chuyên ngành luật từ các nước trong hệ thống thông luật và dân luật – TS. Phan Nhật Thanh
TỪ KHÓA: Án lệ, Hệ thống thông luật – Common Law,
TÓM TẮT
Quyết định số 74/QĐ-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 31/10/2012 về việc phê duyệt đề án phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao đã đặt ra cho các nhà làm luật, các nhà khoa học pháp lý, thẩm phán, luật sư trước một nhiệm vụ mới: tiếp tục nghiên cứu về án lệ trong các hệ thống pháp luật trên thế giới và hiến kế cho việc xây dựng và áp dụng án lệ “phiên bản Việt” phù hợp và hiệu quả tại Việt Nam. Trên cơ sở những nét tương đồng và khác biệt, từ kinh nghiệm về án lệ của các quốc gia theo hệ thống luật, việc hiến kế viết án lệ tại Việt Nam được thực hiện. Những nội dung hiến kế sẽ xoay quanh các vấn đề về tên của án lệ và tuyển tập án lệ, nội dung của án lệ và nhân sự – yếu tố quan trọng cho việc xây dựng án lệ tại Việt Nam.
1. Định hướng về án lệ tại Việt Nam và một số so sánh với án lệ trong hệ thống thông luật
1.1. Định hướng về vị trí pháp lý của án lệ
Quyết định số 74/QĐ-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 31/10/2012 về việc phê duyệt đề án phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối caođã định nghĩa: “án lệ là quyết định giám đốc thẩm của hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) và của tòa chuyên trách TANDTC được Hội đồng thẩm phán TA NDTC thông qua trở thành án lệ cógiá trị tham khảo đối với các thẩm phán khi giải quyết các vụ việc cụ thể”[1] và án lệ cũng không phải là “Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.
Về mối liên hệ giữa án lệ định hướng và văn bản pháp luật, Quyết định số 74 đã xác định “án lệ bổ trợ cho văn bản quy phạm pháp luật”[2]và tác dụng tương hỗ của án lệ “là sự bổ sung cho sự thiếu hụt của các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật khi chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật điều chỉnh”.[3]
Theo định hướng, án lệ tại Việt Nam không phải là nguồn luật nhưng có giá trị tham khảo và “là nguồn cung cấp để pháp điển hóa thành văn bản hướng dẫn hoặc có thể là nguồn để đề nghị sửa đổi về một quy phạm pháp luật cụ thể có liên quan, có giá trị tham khảo đối với Thẩm phán khi giải quyết các vụ việc cụ thể”.[4]Đối với vấn đề chưa được hướng dẫn, án lệ được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành thông qua quyết định giám đốc thẩm của mình khi giải quyết một vụ án cụ thể. Cách giải quyết về vụ án cụ thể chính là án lệ, là nguồn tham khảo cho các thẩm phán khi giải quyết các vụ án có cùng vấn đề chưa được hướng dẫn đó.
Nét khác biệt cơ bản nhất giữa án lệ định hướng tại Việt Nam và án lệ trong hệ thống thông luật là về hiệu lực pháp lý: án lệ định hướng tại Việt Nam không phải là nguồn luật, chỉ có giá trị tham khảo, án lệ của các quốc gia thông luật là nguồn luật bên cạnh văn bản pháp luật.[5]
1.2. Định hướng về nguồn tuyển chọn án lệ
Án lệ được lựa chọn từ “Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTCvàQuyếtđịnh giámđốc thẩm của TòachuyêntráchTANDTC được Hộiđồng Thẩm phánTANDTC thông qua…” Định hướng này rất hợp lý do trong thực tiễn Quyết định giám đốc thẩm, cùng với công văn hướng dẫn, báo cáo tổng kết hàng năm của TANDTC đã và đang là những “nguồn” tham khảo không thể thiếu trong hoạt động xét xử của các tòa án cấp dưới. Đây chính là một trong những cơ sở cho việc áp dụng án lệ, một hình thức pháp luật của các quốc gia theo Thông Luật tại Việt Nam.[6]Điểm tương đồng giữa án lệ định hướng tại Việt Nam và án lệ của các quốc gia theo thông luật là đều có nguồn gốc từ bản án, quyết đinh của tòa án cấp cao.[7]
Tuy nhiên trong Quyết định số 74 chưa đề cập tỉ lệ các quyết định phúc thẩm sẽ được tuyển chọn để trở thành án lệ. Theo truyền thống của các nước thông luật, tòa án tối cao sẽ có đến 75% các bản án trở thành là án lệ.[8]Thiết nghĩ cũng nên đề ra một tỉ lệ thích hợp hàng năm để có sự tập trung tuyển chọn án lệ từ những quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán và các tòa chuyên trách của TANDTC.
1.3. Định hướng về phạm vi ban hành án lệ
Để trở thành án lệ, quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng TANDTC, tòa chuyên trách của TATC phải “chứa đựng sự giải thích, lập luận cho một hoặc một số các văn bản quy phạm pháp luật (Văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật) về một vấn đề pháp lý đặt ra chưa được văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật đề cập hoặc đề cập còn chung chung, thiếu tính cụ thể hoặc có mâu thuẫn.”[9]
Tuy nhiên, Quyết định số 74 cũng chưa định hướng rõ là giải thích vấn đề gì? Giải thích nội dung hay giải thích từ ngữ hay cả hai? Trong thông luật, chức năng giải thích pháp luật của án lệ đã phát sinh từ thế kỷ thứ 16.[10]Tòa án có thể giải thích phần nội dung, hoặc giải thích ý nghĩa của từ ngữ , sự giải thích đó là án lệ, là luật được các tòa án cấp dưới tuân thủ và áp dụng khi xét xử vụ án tương tự.[11]Nguyên tắc của việc giải thích này là “củng cố mục đích ủa Quốc Hội” hoặc “củng cố ý nghĩa của văn bản pháp luật”.[12] Theo tác giả đây cũng là một kinh nghiệm hợp lý để tòa án tối cao tham khảo để bổ sung quy định về vấn đề giải thích và nguyên tắc giải thích văn bản QPPL của án lệ tại Việt Nam
Bên cạnh đó, phạm vi ban hành án lệ giới hạn ở việc giải thích và lập luận về nội dung pháp luật này không được trái với giải thích pháp luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Cụ thể, mục I.2 (e), QĐ số 74 quy định: “Việc phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao cũng như việc thừa nhận thẩm quyền ban hành án lệ của Tòa án nhân dân tối cao không xâm phạm đến thẩm quyền giải thích pháp luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội (hoặc Hội đồng Hiến pháp). Như vậy, quyết định của Tòa án nhân dân tối cao trái với giải thích pháp luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội (hoặc Hội đồng Hiến pháp) thì không thể trở thành án lệ, không được áp dụng với tư cách là án lệ.”
Luận điểm này chưa được hợp lý lắm do Tòa án Tối cao đã được chứng minh là cơ quan phù hợp nhất để giải thích pháp luật thông qua các án lệ. Ngược lại, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trong thực tế, đã không thể đảm đương được công việc giải thích pháp luật.[13]
Có thể thấy rằng phạm vi ban hành án lệ định hướng tại Việt nam hẹp hơn rất nhiều so với cơ sở ban hành án lệ ở các quốc gia thuộc hệ thống thông luật. Ở các quốc gia này, án lệ là cơ sở cho sự phát triển pháp luật với nhiệm vụ ban hành pháp luật (law making) và giải thích pháp luật (law interpreting).[14]Trong đó vai trò ban hành pháp luật là nổi trội, là nguồn luật chủ yếu góp phần phát triển hệ thống pháp luật.[15]
Điểm chung về cơ sở ban hành án lệ trong thông luật và án lệ định hướng tại Việt Nam là giải thích và lập luận pháp luật nhằm khắc phục một số nhược điểm của pháp luật. Phạm vi để ban hành án lệ trong thông luật rộng hơn vì bao gồm cả vấn đề ban hành pháp luật bên cạnh giải thích pháp luật. Sự định hướng giới hạn ở vấn đề giải thích văn bản QPPL là hợp lý, thể hiện tính khoa học, sự kế thừa có chọn lọc cho phù hợp với hoàn cảnh của nước tiếp nhận kinh nghiệm pháp luật nước ngoài.
1.4. Định hướng về điều kiện để quyết định giám đốc thẩm trở thành án lệ
Có ba điều kiện để một quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TATC, tòa chuyên trách của TATC được lựa chọn trở thành án lệ: là quyết định chứa đựng sự giải thích, lập luận cho một hoặc một số các văn bản quy phạm pháp luật; được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hoặc các Thẩm phán viện dẫn làm căn cứ trong phần lập luận, quyết định của bản án, quyết định về vụ án cụ thể; và là quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao sau cùng về vấn đề pháp lý đó mà được các Toà án khác vận dụng giải quyết vụ việc có nội dung tương tự.[16]
Các điều kiện này dường như chưa tập trung vào vấn đề mục tiêu của án lệ được định hướng là giảm thiểu khiếm khuyết của văn bản QPPL và giải quyết những vấn đề chưa được luật quy định. Thiết nghĩ điều kiện thứ nhất là điều kiện quan trọng nhất để lựa chọn án lệ và chỉ cần bản án đáp ứng được điều kiện đó là đủ. Vấn đề này có thể học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia thông luật: Bản án của tòa án có thẩm quyền ban hành án lệ được công bố trong các tuyển tập án lệ (Law Report), tức bản án trở thành án lệ vào thời điểm đó, là bản án sáng tạo được nguyên tắc hoặc quy phạm pháp luật mới, tiến bộ có thể sửa đổi những quy phạm pháp luật đang tồn tại và giải quyết được vấn đề pháp lý mới phát sinh. [17]
Có thể thấy rằng, những định hướng cho án lệ tại Việt Nam theo Quyết định số 74 đã cho thấy án lệ của Việt Nam có rất nhiều nét tương đồng với án lệ của các quốc gia thông luật cho dù vẫn còn một số điểm khác biệt. Điều này cho thấy có sự nghiên cứu, học hỏi và tiếp thu chọn lọc những kinh nghiệm từ án lệ của các nước đặc biệt là các nước trong thông luật, khi vận dụng vào Việt Nam phải phù hợp với hoàn cảnh của đất nước. Quyết định số 74 đã hoạch định được những bước đi cụ thể để án lệ được xây dựng và áp dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề về cách viết án lệ chưa được định hướng cụ thể trong Quyết định số 74. Với những nét tương đồng của án lệ định hướng tại Việt Nam và án lệ của các quốc gia thông luật, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia thông luật về án lệ, Tác giả phân tích và hiến kế về cách viết án lệ tại phần II của bải viết.
2. Hiến kế viết án lệ tại Việt Nam – kinh nghiệm từ án lệ của các quốc gia thông luật
2.1. Về tên rút gọn, tên đầy đủ của án lệ và tuyển tập án lệ
Ở Anh, khoảng hơn 2500 án lệ được ban hành qua việc công bố trong các tuyển tập án lệ.[18]Án lệ theo phân loại là án dân sự hoặc án hình sự có tên gọi, phân loại và sắp xếp theo trật tự sau đây:[19]
- Án lệ về hình sự
Ví dụ, với vụ việc như sau: Bà Smith lấy cắp xe hơi của ông Brown và bị xét xử trước tòa án (tòa án này có thẩm quyền ban hành án lệ),bản án sau này được công bố và trở thành án lệ. Tên gọi của án lệ này là: R v Smith. R là chữ cái đầu của từ LaTin được viết tắt, đó là Rex (King: nhà vua) hoặc Regina (Queen: nữ hoàng). Tùy thuộc vào việc người đứng đầu hoàng gia Anh là ai, mà R được hiểu là nhà vua hay nữ hoàng vào thời điểm ban hành án lệ. Chữ v (versus), phân cách giữa hai bên của vụ án là R và bà Smith, có nghĩa là kiện tụng, chống lại. Nếu trường hợp cô Smith chỉ mới 13 tuổi, là người vị thành niên thì tòa án không công khai danh tính của Smith. Vì vậy án lệ sẽ được thể hiện dưới tên gọi của bị cáo được viết tắt bằng chữ cái đầu: R v S.
Như vậy, trong tên gọi của án lệ về hình sự, sẽ không xuất hiện tên của người bị hại mà chỉ có một bên là nhà vua hay nữ hoàng (R) ‘kiện’, ‘chống lại’ Smith (tên của bị cáo). Nếu bị cáo là trẻ vị thành niên, thì tên của bị cáo sẽ được viết tắt (Smith= S).
- Án lệ về dân sự (về lao động, thương mại, hôn nhân, gia đình…)
Ví dụ: ông Brown là hàng xóm có tranh chấp về dân sự với bà Smith nên khởi kiện tại tòa án. Tòa án xét xử tranh chấp dân sự này là tòa án có thẩm quyền ban hành án lệ. Khi bản án trở thành án lệ, tên của án lệ là: Brown v Smith (nghĩa là án lệ về vụ Brown kiện Smith)
- Hiến kế
Việc phân biệt tính chất của vụ án mà án lệ giải quyết cũng là cần thiết, khi nhìn vào tên gọi rút gọn, có thể xác định được đó là án lệ về hình sự hay án lệ về các lĩnh vực khác. Với tên gọi rút gọi của án lệ về hình sự nên để Nhà Nước (viết tắt bằng chữ cái đầu: NN) xét xử bị cáo (Ví dụ: NN chống lạiVăn B). Trường hợp người phạm tội chưa thành niên thì tên được viết bằng chữ cái đầu tiên. Ví dụ: Án lệ về vụ Văn B thì viết thành NN xét xử V B. Với án lệ các loại khác thì tên gọi rút gọn nên để tên cả hai bên nguyên đơn và bị đơn theo cách thức: Văn A kiện Võ B, Văn B kiện Công tyTNHH Lúa Mới, Văn A kiện Cục Biểu diễn nghệ thuật…
Sở dĩ lấy cụm từ Nhà nước (NN) là có sự kế thừa từ ý nghĩa của tên gọi của án lệ của quốc gia theo thông luật. Tại Anh, không có quan điểm phân chia pháp luật thành luật công và luật tư, hành vi tội phạm hình sự được coi là hành vi chống lại xã hội và chống lại nhà vua (người chịu trách nhiệm về an ninh trật tự, hòa bình cho xã hội)[20]cho dù nạn nhân có thể là bất kỳ ai trong xã hội.Vì vậy tên gọi của một án lệ đã được viết tắt bằng chữ R (Rex hoặc Regina) chống lại Smith là bị cáo trong vụ án hình sự: R v Smith. Chữ R tượng trưng cho đức vua và mang ý nghĩa thay mặt nhà nước, đức vua xét xử các vụ việc. Việt Nam không có vua và nữ hoàng, nhưng việc xét xử tội phạm cũng là vai trò của nhà nước (NN). Vì vậy việc sử dụng cụm từ NN trong tên gọi rút gọn và tên gọi đầy đủ của án lệ về hình sự là hợp lý và giúp phân biệt với tên gọi của án lệ thuộc lĩnh vực khác.
* Tên gọi của án lệ ở Anh
Án lệ phải có tên gọi đầy đủ theo đúng trật tự để tiện lợi và khoa học cho công việc lưu trữ, tìm kiếm và áp dụng sau này. Đây là cách thức mà người Anh đã sáng tạo để quản lý nguồn luật án lệ của mình từ lúc có tuyển tập án lệ đầu tiên ra đời khoảng năm 1865.[21]
Thông thường, một án lệ có tên gọi đầy đủ như sau: Cozens v Brutus (1973) 25 AC 854. Án lệ này được hiểu là: Nguyên đơn Cozens kiện Bị đơn Brutus, bản án được tuyênvàonăm 1973, tại tuyển tập AC số 25, trangđầu tiêncủaánlệ làtrang 854.
Hoặc tên gọi đầy đủ của án lệ cũng có thể được thể hiện chỉ có điểm khác duy nhất là dấu ngoặc đơn được thay bằng dấu ngoặc vuông: Cozens v Brutus [1973] 25 AC 854. Án lệ này được hiểu là: Nguyên đơn Cozens kiện Bị đơn Brutus, bản án trở thành án lệvàonăm 1973, tại tuyển tập AC (là tên chữ cái đầu của tuyển tập án lệ) số 25, trang đầu tiên của án lệ là trang 854.
Như vậy tên gọi đầy đủ của một án lệ được sắp xếp theo công thức: tên của nguyên đơn, versus (v: kiện), tên của bị đơn, năm bản án được tuyên trong ngoặc đơn (hoặc năm án lệ được công bố trong ngoặc vuông), số quyển của tuyển tập, tên của tuyển tập (thường được viết gọn bằng chữ cái đầu in hoa) và trang đầu tiên của án lệ.
*Kiến nghị
Tên gọi đầy đủ của một án lệ là sản phẩm trí tuệ của người Anh, vừa giúp gọi tên của một án lệ, vừa giúp công việc tra cứu và áp dụng án lệ có hiệu quả. Hơn nữa, Với cách đặt tên như vậy khi công nghệ lưu trữ thông tin phát triển, thẩm phán, luật sư có thể nhanh chóng tìm được án lệ mà mình cần bằng việc chọn lựa tìm bằng tên nguyên đơn, bị đơn (trong án lệ về dân sự) hoặc bằng tên của bị cáo trong án lệ về hình sự, hoặc tìm bằng tên gọi của tuyển tập án lệ, năm ban hành…T hiết nghĩ án lệ của Việt Nam cũng nên được ghi chép đầy đủ với cách thức như vậy.
Ví dụ: Án lệ về vụ án hình sự, bị cáo là Văn B, bản án được tuyên năm 2014 trong tập số 1 của Tuyển tập án lệ hình sự (viết tắt HS), trang bắt đầu của án lệ là trang 35. Tên gọi đầy đủ của án lệ này là: NN xét xử Văn B (2014) 1 HS 35
Ví dụ khác về án lệ về vụ án dân sự: Nguyên đơn Văn A, bị đơn là Võ B, bản án được tuyên năm 2014 trong tập số 2 của Tuyển tập án lệ Dân sự (viết tắt DS), trang bắt đầu của án lệ là trang 18.
Tên gọi đầy đủ của án lệ này là: Văn A kiện Võ B (2014) 2 DS 18.
- Về tuyển tập án lệ
Khi một bản án được công bốtrong tuyển tập án lệ, bản án đó đã trở thành án lệ và có hiệu lực pháp lý. Hệ thống tuyển tập án lệ hiện đại của nước Anh bao gồm những những tuyển tập án lệ tổng hợp (về dân sự, hình sự, thương mại…) như the Law Reports, the Weekly Law Reports, and the All England Reportsvà tuyển tập án lệ chuyên ngành như Reports of Tax Cases(án lệ về thuế), and Reports of Patent, Design and Trade Mark cases(tuyển tập án lệ về sở hữu công nghiệp), Environmental Law Reports(tuyển tập án lệ về luật môi trường),Commercial Law Cases(tuyển tập án lệ về kinh doanh, thương mại), Family Law Reports(tuyển tập án lệ về gia đình)… [22]
Việc tồn tại của nhiều tuyển tập án lệ như trên đã gây ra sự trùng lắp là có những án lệ vừa được xuất bản trong các tuyển tập án lệ tổng hợp vừa được xuất bản trong tuyển tập án lệ chuyên ngành. Vì vậy thẩm phán, luật sư viện dẫn án lệ theo nguyên tắc: viện dẫn từ các nguồn tuyển tập án lệ tổng hợp trước rồi mới đến nguồn tuyển tập án lệ chuyên ngành.[23]Thứ tự ưu tiên của việc viện dẫn án lệ được thực hiện cụ thể như sau:
Nếu án lệ A được công bố trong tuyển tập The Law Report, thẩm phán phải viện dẫn từ tuyển tập này. Trong tuyển tập The Law Reportkhông công bố án lệ A, nhưng tuyển tập Week Law Reportscó công bố thì thẩm phán viện dẫn từ tuyển tập này. Nếu cả hai tuyển tập trên đều không công bố án lệ A, nhưng nó được xuất bản trong tuyển tập án lệ All England Reports, thẩm phán sẽ viện dẫn án lệ từ nguồn này. Trường hợp án lệ A không được xuất bản trong tuyển tập án lệ All England Reports, nhưng được xuất bản trong bất kỳ tuyển tập án lệ chuyên ngành nào thì án lệ A được viện dẫn từ tuyển tập án lệ đó.
Trong số các tuyển tập án lệ hiện hành, Law Reportslà tuyển tập án lệ ‘có thẩm quyền nhất’ (the most authorative)[24]và là tuyển tập duy nhất trong đó các bản án, trước khi công bố, được thẩm phán giải quyết vụ án viết lại và có chứa đựng những tranh luận của các luật sư.[25]Hơn nữa, tuyển tập the Law Reportsvà the Weekly Law Reportsdo công ty ICLR phát hành đều là những tuyển tập được xuất bản không vì mục đích lợi nhuận mà vì lợi ích của xã hội và sự tiến bộ của giáo dục.[26]
Ngược lại, All England Law Reportslà tuyển tập án lệ do nhà xuất bản Butterworth ấn hành vì mục đích thương mại.[27]Tuyển tập này luôn có ấn bản phát hành đều đặn hàng tuần và nhanh chóng hơn các tuyển tập khác.[28]Còn các tuyển tập án lệ chuyên ngành khác thì do công ty tư và một số ít cơ quan có thẩm quyền ấn hành.[29]
Ngoài việc án lệ được công bố ở những tuyển tập án lệ được xuất bản kể trên, từ năm 2003, một trang web miễn phí có tên gọi BAILII được thiết lập.[30]Trang web này cập nhật án lệ trong các tuyển tập, Và mang lại lợi ích cho mọi người trong việc cập nhật và hiểu biết về án lệ.
Hệ thống tuyển tập của án lệ của quốc gia thông luật rất phức tạp với sự tồn tại của nhiều tuyển tập án lệ tổng hợp và chuyên ngành mà không có sự phân ranh giới giữa các loại án lệ được công bố. Vì vậy, có tình trạng một án lệ được xuất bản ở nhiều tuyển tập án lệ khác nhau. Bên cạnh đó, còn có sự phức tạp về cơ quan ban hành án lệ, chủ yếu là do các công ty công hoạt động cho mục đích phi lợi nhuận, các công ty tư có thu lợi công bố án lệ các loại (DS, HS và chuyên ngành) và chỉ có rất ít cơ quan nhà nước có thẩm quyền tham gia công bố án lệ chuyên ngành.
Sự phức tạp này là điều mà chúng ta không học hỏi, mà phải đánh giá là việc Việt Nam đã có Tòa án tối cao chịu trách nhiệm thống nhất ban hành án lệ là ưu điểm và phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Từ việc nghiên cứu về tuyển tập án lệ của các quốc gia thông luật và trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu xây dựng án lệ, tác giả có ý kiến là nên xây dựng hẳn những tuyển tập án lệ chuyên ngành, để tạo thuận lợi và dễ dàng trong công tác quản lý, lưu trữ, tìm kiếm án lệ và đặc biệt là phục vụ cho việc vận dụng án lệ của thẩm phán, luật sư…
* Kiến nghị
Nên xây dựng tuyển tập án lệ chuyên ngành theo lĩnh vực cụ thể và kèm theo tên viết tắ khi thể hiện tên gọi đầy đủ của án lệ: tuyển tập án lệ về dân sự (DS), tuyển tập án lệ về hình sự (HS), tuyển tập án lệ về hành chính (HC), tuyển tập án lệ về thương mại (TM), tuyển tập án lệ về lao động (LĐ), tuyển tập án lệ về hôn nhân và gia đình (HNGĐ), tuyển tập án lệ về đất đai (ĐĐ)…
Tuyển tập án lệ là một ấn bản trong đó có chứa đựng các án lệ. Nội dung của tuyển tập là các án lệ được sắp xếp, công bố theo thứ tự thời gian, việc thiết kế tuyển tập án lệ, theo định hướng của QĐ số 74, do TATC ban hành. Điều này là hợp lý hơn so với cách của người Anh làm: là các công ty đóng vai trò chủ yếu trong việc xuất bản các tuyển tập án lệ, trong khi đó, chỉ có một vài cơ quan nhà nước ban hành án lệ chuyên ngành.
Bên cạnh đó, tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia thông luật, Việt Nam cũng nên thiết lập một website cung cấp miễn phí án lệ để giới chuyên môn, người dân có thể cập nhật được dễ dàng. Điều này góp phần làm cho án lệ được phổ biến và áp dụng ngày càng nhiều tại Việt Nam.
2.2. Về nội dung của án lệ
Ở các quốc gia theo thông luật, có hai phần chính trong một án lệ đó là phần bắt buộc (ratio decidendi) và phần không bắt buộc (obiter dictum).[31] Mỗi phần có vị trí và tầm quan trọng khác nhau. Trong mỗi án lệ ratio decidendi là phần quan trọng nhất do chứa đựng những nguyên tắc, cơ sở mà vụ án được giải quyết và tòa án cấp dưới phải tuân thủ phần này.[32] Obiter dictum không phải là phần có giá trị pháp lý bắt buộc mà chỉ có giá trị tham khảo, thường chứa đựng lời bình luận, ý kiến pháp luật nhưng không phải là cơ sở của quyết định của bản án.Vai trò của ratio decidendiđược xem là “trung tâm” của học thuyết stare decisis(tiền lệ phải được tuân thủ), là nguyên tắc pháp luật có giá trị bắt buộc tuân thủ khi tòa án giải quyết những vụ việc tương tự sau này.[33]Tuân thủ theo học thuyết này, mỗi thẩm phán phải xác định hai vấn đề: tòa án ra quyết định có thẩm quyền ban hành án lệ mà cấp tòa của mình phải tuân thủ hay không và án lệ đó (chính xác là phần ratio decidendicủa án lệ đó) có được áp dụng cho vụ án mình đang giải quyết hay không.
Phần ratio decidendiđược cấu thành bởi những “tình tiết quyết định” (material facts). Nói cách khác, những ‘tình tiết quyết định’ này là cơ sở để tòa án tuyên bản án giải quyết vụ việc. Vì vậy, ở vấn đề đặt ra là có áp dụng được phần ratio decidendi của một án lệ thẩm phán phải xác định xem có tồn tại các ‘tình tiết quyết định’ (material facts) tương tự của vụ việc trong án lệ và vụ án hiện tại hay không.[34]
Có thể nhận thấy rằng không dễ dàng phân định được đâu là ‘tình tiết quyết định’ (material facts) và ‘tình tiết không quyết định’ (immaterial facts)trong một án lệ của quốc gia thông luật. Sự phân biệt này sẽ đơn giản hay phức tạp phụ thuộc rất nhiều vào cách làm việc của thẩm phán khi ra đưa ra bản án (sau này là án lệ). Đơn cử như sẽ dễ dàng xác định các tình tiết nếu như các thẩm phán trong bản án của mình chỉ ra những “tình tiết quyết định” bằng cách tuyên bố “dựa vào tình tiết A và tình tiết B tôi kết luận”.[35] Ngược lại, với cách khác, gây phức tạp hơn, thẩm phán khác đề cập đến cả “tình tiết không quyết định” và “tình tiết quyết định” trong phần kết luận của bản án để cho các thẩm phán giải quyết các vụ việc sau này tự xác định những tình tiết nào là “tình tiết quyết định”.[36]
Cho dù có những khó khăn có thể phát sinh khi khi phân loại tình tiết, một nguyên tắc thẩm phán phải tuân thủ khi xác định “tình tiết quyết định” là: tình tiết mà thẩm phán tuyên án lệ coi là “tình tiết quyết định” hoặc “tình tiết không quyết định” thì các thẩm phán sau này cũng phải xác định đúng như vậy.[37]
Một ví dụ minh họa về vai trò của “tình tiết quyết định” của phần ratio decidendicó thể được thấy trong án lệ Rylands v Fletcher.[38]Trong án lệ này, bị đơn đã thuê thợ làm một hồ nước nhỏ trên đất của mình. Người thợ bất cẩn khi xây dựng hồ nước cho nên nước ‘đã thoát ra và gây ngập lụt’ khu hầm mỏ trên đất của nguyên đơn.[39]Những tình tiết của vụ án phân tích như sau:
(a) Bị đơn cho xây một hồ nước nhỏ trên đất của mình;
(b) Người thợ đã bất cẩn khi xây hồ nước;
(c) Nước thoát ra và gây ngập hầm mỏ của nguyên đơn.
Kết luận đối với tình tiết này là: Bị đơn bị tuyên phải chịu trách nhiệm pháp lý bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn. Nhưng các tình tiết được tòa án coi là “tình tiết quyết định” chỉ có tình tiết (a) bị đơn đã cho xây dựng hồ nước trên đất của mình, và tình tiết (c) nước đã thoát ra và gây ngập lụt hầm mỏ của nguyên đơn. Tình tiết (b) được xem là “tình tiết không quyết định” nên không tính đến. Thượng nghị viện (tiền thân của Tòa án Tối cao nước Anh) đã hình thành án lệ có phần ratio decidendi rộng với nội dung về trách nhiệm pháp lý nghiêm ngặt cho hành vi gây ngập nước do bất cẩn.[40]
Như vậy, dựa trên “tình tiết quyết định” là tình tiết (a) và (c), phần ratio decidendi của án lệ này được phát triển như sau:
Người nào vì mục đích riêng của mình, mang đến đất của mình và giữ ở đó bất cứ thứ gì có thể gây thiệt hại cho người khác nếu nó bị thoát ra, phải giữ nguồn nguy hiểm đó trên đất của mình, và nếu người đó không thực hiện đúng như vậy thì đó là chứng cứ pháp lý xác đáng cho việc phải bồi thường nếu gây ra thiệt hại.[41]
Án lệ này sau đó còn được áp dụng để giải quyết những vụ việc không chỉ liên quan đến việc thoát nước mà còn có thể là sự thoát, rò rỉ “lửa, gaz, dầu, điện, chất nổ, khí độc, cây trái độc”.[42]
Sau khi đã xác định được phần ratio decidendicủa án lệ, thẩm phán phải so sánh giữa vụ việc trong án lệ và vụ việc mình đang giải quyết để khám phá “sự tương tự với vụ việc đã hình thành án lệ”.[43]Nghĩa là vị thẩm phán đó phải xác định được là vụ việc đang giải quyết với vụ việc trong án lệ có những “tình tiết quyết định” tương tự nhau hay không, và ở mức độ nào. Quá trình này được gọi là “tư duy pháp lý” (legal reasoning) để quyết định những vấn đề: thẩm phán có phải tuân thủ theo án lệ đó hay không hoặc có cần thiết phải tuân thủ nhiều ratio decidendi của các án lệ khác nhau hay không để ra phán quyết cho vụ án đang giải quyết. Nếu các “tình tiết quyết định” tồn tại ở cả án lệ và vụ việc đang giải quyết, thẩm phán phụ trách vụ việc sau phải tuân thủ theo án lệ.[44]
Thêm một ví dụ nữa để làm rõ một vụ việc cũng gần tương tự như vậy, nhưng không vận dụng án lệ Rylands v Fletcherkể trên, mà lại tuân thủ theo án lệ Nichols v Marsland(1876) 2 ExD 1. Trong án lệ này, bị đơn đã cải tạo dòng suối tự nhiên trên đất của mình thành một hồ nước trang trí. Cơn mưa dữ dội đã làm cho hồ nước nhân tạo và nguồn nước bị ngập lụt và gây thiệt hại cho khu đất liền kề. Bị đơn đã không chịu trách nhiệm pháp lý theo vụ Rylands v Fletcherbởi vì nguyên nhân ngập lụt là do tự nhiên (an act of God).
Ngài George Mellish[45]đãgiải thích cho sự khácbiệt này: trong vụ việc củaánlệ kể trên, đãkhông cósự bất cẩn trong xâydựng hoặc tu chỉnh hồ nước, nhưng cơn lũ quálớn vàcon người không thể đoántrướcđược, dùrằng, nếu biết trướcđược, thìhậu quả cóthể ngăn chặnđược; và điều này là cốt lõi để nhận thấy rằng việc thoát nước là do tự nhiên. Và vì vậy bị đơn không bị truy cứu trách nhiệm pháp lý vì đã không ngăn chặn được hiện tượng thiên nhiên mà bị đơn không thể biết trước được.[46]
Cách viết án lệ như thế nào chưa được đề cập rõ ràng trong quyết định số 74.[47]Từ việc nghiên cứu về thành phần và cách thẩm phán vận dụng án lệ của quốc gia theo thông luật trình bày ở trên, tác giả có ý kiến về việc viết án lệ như sau:
– Về nội dung án lệ: Không cần thiết phải học theo cách trình bày nội dung của án lệ của quốc gia theo thông luật, thường rất dài và phức tạp. Vấn đề là khi viện dẫn, thì cũng chỉ viện dẫn phần ratio decidendi. Vì vậy nên giữ nguyên hình thức của quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Tuy nhiên cũng nên tham khảo và cân nhắc một số chi tiết có trong án lệ của thông luật như tóm tắt quá trình xét xử của vụ việc ở các cấp xét xử, hiển thị tên của luật sư, các văn bản QPPL đã áp dụng… Do yếu tố quan trọng nhất của án lệ là phần ratio decidendi, nên phải bổ sung thêm phần ratio decidendi của một án lệ vào sau phần quyết định. Không cần đặt tên cho đề mục của Ratio decidendi mà chỉ cần bắt đầu bằng tên gọi đầy đủ của án lệ. Sự xuất hiện của phần ratio decidendi,là nét khác biệt giữa quyết định giám đốc thẩm và án lệ
– Cách viết phần ratio decidendi: tiếp thu kinh nghiệm và đồng thời khắc phục nhược điểm từ cách viết phần ratio decidendi trong án lệ của quốc gia Thông Luật, phần ratio decidendi nên có các nội dungsau: nên nêu tóm tắt vụ việc, thể hiện ngữ cảnh và trình bày rõ những “tình tiết quyết định” của án lệ. Có thể lấy mô hình từ phân tích ánlệ Rylands v Fletcher đ tham khảo viết cho phần ratio decidendi.
Theo cách viết như vậy, các thẩm phán sẽ có cơ sở để viện dẫn và áp dụng phần ratio decidendi khi giải quyết những vụ việc có “tình tiết quyết định” tương tự với vụ việc được giải quyết trong án lệ của TANDTC.
2.3. Nhân sự – yếu tố quan trọng của việc xây dựng và áp dụng án lệ tại Việt Nam
Với đề án về án lệ còn mới mẻ, TANDTC sẽ còn nhiều công việc bộn bề để từng bước xây dựng và đưa án lệ vào áp dụng thực tiễn của Việt Nam. Bên cạnh những đòi hỏi về chuyên môn, ngoài sự góp sức của những nhân sự trong ngành tư pháp thì việc xây dựng án lệ sẽ có hiệu quả hơn với sự tham gia góp sức vào việc sàng lọc quyết định giám đốc thẩm, biên soạn án lệ và công tác đào tạo về án lệ của đội ngũ giảng viên luật.
Ở Anh, Law Reportslà tuyển tập án lệ được xây dựng nhờ có sự hợp tác xây dựng án lệ giữa luật sư bào chữa (người tường thuật lại vụ việc) bằng việc ghi chép của minh tại phiên tòa và vị thẩm phán phụ trách xét xử, là người xem xét, chỉnh sửa lại án lệ trước khi xuất bản.[48]Chính việc kết hợp này và việc xuất bản phi lợi nhuận đã làm cho án lệ được xuất bản ở Law Reportscó độ tin cậy hơn.[49]Còn ở hầu hết các tuyển tập án lệ khác chỉ có luật sư tư vấn và luật sư bào chữa đảm trách việc ghi chép và cho công bố án lệ. Như vậy có thể thấy rằng, việc lựa chọn, xuất bản án lệ ở quốc gia thông luật chủ yếu do các luật sư lựa chọn và nếu như có sự hợp tác của thẩm phán phụ trách vụ việc trong việc xem xét lại bản án thì án lệ có giá trị tin cậy hơn.
* Kiến nghị
Từ kinh nghiệm của thông luật, kết hợp với tình hình của Việt Nam,tác giả có một số ý kiến sau:
– Việc thu về một đầu mối có thẩm quyền quyết định việc lưa chọn bản án và ban hành án lệ là TANDTC là một ưu điểm của Việt Nam. Thẩm quyền này tránh được một số những nhược điểm mà việc ban hành án lệ tại các quốc gia thông luật đang gặp phải: sự tùy tiện trong việc chọn lựa án lệ, sự trùng lắp của các án lệ được công bố trong nhiều tuyển tập án lệ, những trường hợp có những bản án quan trọng nhưng không được công bố …[50]Trước tình hình của Việt Nam, chúng ta đang bắt tay vào rà soát và tuyển chọn Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC, các tòa chuyên trách của TATC để ban hành án lệ. Ngoài việc các thẩm phán của TATC đóng vai trò trung tâm sự hợp tác của luật sự và các chuyên gia luật thì sẽ thúc đẩy nhanh và hiệu quả việc ban hành án lệ, cụ thể Thành phần của các bộ phận rà soát và tuyển chọn án lệ không nên chỉ bao gồm – thẩm phán của tòa án tối cao, mà nên bổ sung thêm các cộng tác viên thường trực là những thẩm phán của tòa án các cấp, luật sư có kiến thức chuyên môn giỏi, và các giảng viên luật (giảng dạy các môn hình sự, thương mại, dân sự, tư pháp quốc tế…) và các giảng viên có chuyên môn và nghiên cứu sâu về án lệ của các nước tham gia vào rà soát, chọn lọc các Quyết định giám đốc thẩm, và biên soạn các án lệ. Sự kết hợp này sẽ đem lại những án lệ chuẩn về nội dung điều chỉnh và chặt chẽ về hình thức.
Về đào tạo: Quyết định số 74 đã đưa ra kế hoạch đúng đắn về nghiên cứu xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về án lệ cho nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Thẩm tra viên, Chuyên viên, Thư ký…[51]Tác giả có ý kiến rằng nên triển khai chương trình đào tạo, tập huấn về án lệ ngay từ bây giờ để các thẩm phán, thư ký tòa hiểu về án lệ, về cách áp dụng án lệ, xóa được tâm lý ngán ngại, tự tin với nguồn tham khảo xét xử mới này. Làm tốt công tác đào tạo này, cần sự tham gia lực lượng giảng viên vừa có chuyên môn luật và được đào tạo, nghiên cứu sâu về án lệ.
CHÚ THÍCH
[1] Quyết định số 74, mục I.2.
[2] Quyết định số 74, Điều 1, mục I.3, điểm đ.
[3] Quyết định số 74, Điều 1, mục I.3, điểm đ.
[4] Quyết định số 74, mục I.3(a)
[5] Iain Stewart, ‘Men of Class: Aristotle, Montesquieu and Dicey on “Separation of Powers” and “The Rule of Law”’ (2004) 4 Macquarie Law Journal187, 192; John W Salmond, ‘The Theory of Judicial Precedents’ (1900) 16 Law Quarterly Review376, 289.
[6] Xem Đỗ Thị Mai Hạnh, Luận văn Tiến Sĩ “Evaluation of the applicability of Common Law approaches to precedent” (2011) tr. 263-264.
[7] Trong hệ thống tòa án của nước Anh, chỉ có nhóm tòa cấp cao (tòa High Court, tòa Phúc thẩm và tòa án Tối Cao) mới được ban hành án lệ và tỉ lệ là khác biệt rất lớn giữa các tòa án. See Đỗ Thị Mai Hạnh, chú thích số 6, trang 181-187; O Hood Phillips and A H Hudson, O Hood Phillips’ First Book of English Law(8thed, 1988) 134.
[8] Michael Bogdan, Comparative Law(1994) 124.
[9] Quyết định số 74, Điều 1, mục I.3, điểm d.
[10] Hood Phillips and Hudson, chú thích số 7, 134.
[11] Hood Phillips and Hudson, chú thích số 7, 137.
[12] Christopher Enright, Studying Law(1995) 297.
[13] Đỗ Thị Mai Hạnh, chú thích số 6, tr. 22.
[14] Denis Keenan, Smith and Keenan’s English Law(9thed, 1989) 9.
[15] Xem A K R Kiralfy, Potter’s Historical Introduction to English Law and its Institutions(4thed, 1958) 263.
[16] Quyết định số 74, Điều 1, mục I.3, điểm d.
[17] http://www.soas.ac.uk/library/subjects/law/research/file70250.pdfcập nhật ngày 15.4.2014.
[18] http://www.law.ox.ac.uk/lrsp/overview/law_reports.php cập nhật ngày 17.4.2014.
[19] Catherine Elliott and Franes Quinn, English Legal System(2000) xxix-xxx; http://www.soas.ac.uk/library/subjects/law/research/file70250.pdf cập nhật ngày 15.4.2014.
[20] Xem Michael Bogdan, Comparative Law (1994) 107.
[21] Michael Zander, The Law-Making Process(6thed, 2004) 307; Terence Ingman, The English Legal Process(9thed, 2002) 434.
[22] See Ingman, chú thích số 21, 435–6;Zander, chú thích số 21, 307.
[23].http://www.soas.ac.uk/library/subjects/law/research/file70250.pdf cập nhật ngày 15.4.2014.
[24] ‘the most authoritative report’: Zander, chú thích số 21, 326–7; Sir Carleton Kemp Allen,Law in the Making(1964) 259.
[25] Ingman, chú thích số 21, 434; Zander, chú thích số 21, 327; Keenan, chú thích số 16, 132.
[26] Công ty phát hành là the Incorporated Council of Law Reporting (ICLR), là một công ty Congo hoạt động với mục đích phi lợi nhuận (registered charity): Nguồn http://en.wikipedia.org/wiki/Incorporated_Council_of_Law_Reporting cập nhật ngày 18.4.2014; Ingman, chú thích số 21, 434.
[27] Ingman, chú thích số 21, 435; Keenan, chú thích số 16, 132; Zander, chú thích số 21, 310.
[28] Ingman, chú thích số 21, 435.
[29] Ronald Walker and Richard Ward, Walker and Walker’s English Legal System(7thed, 1994) 83.
[30] The BAILLI website is that of the British and Irish Legal Information Institute (<www.bailii.org>): Zander, chú thích số 21, 319.
[31] Ingman, chú thích số 21, 385.
[32] J L Montrose, ‘Ratio Decidendi and the House of Lords’ (1957) 20 Modern Law Review124, 124; MacAdam and Pyke, above n 186, 66.
[33] Theodore M Benditt, ‘The Rule of Precedent’ in Laurence Goldstein (ed), Precedent in Law(1987) 99.
[34] T Ellis Lewis, ‘The History of Judicial Precedent’ (1930) 46 Law Quarterly Review207, 174.
[35] Arthur L Goodhart, ‘Determining the Ratio Decidendi of a Case’ (1930) 40(2) Yale Law Journal161, 173.
[36] Goodhart, ‘Determining the Ratio Decidendi’, chú giải số 34, 173.
[37] See Goodhart, ‘Determining the Ratio Decidendi’, chú giải số 36, 182
[38] (1868) LR 3 HL 330.
[39] See Rupert Harris and J W Cross, Precedent in English Law(4th ed, 1991) 66.
[40] Ingman, chú thích số 21, 428.
[41] Rylands v Fletcher (1868) LR 3 HL 330, at 339.
[42] Ingman, chú thích số 21, 428.
[43] Kate Malleson, The Legal System, Core Text (2005) 74.
[44] Malleson, chú thích số 42, 74.
[45] Ngài George Mellish (1814-1877) là một luật sư bào chữa, thẩm phán tòa phúc thẩm và là thành viên của hội đồng cơ mật hoàng gia Anh: http://en.wikipedia.org/wiki/George_Mellish, cập nhật ngày 19.4.2014.
[46] http://e-lawresources.co.uk/cases/Nichols-v-Marsland.phpcập nhật ngày 18.4.2014.
[47] Xem Quyết định số 74, mục II.3.
[48] Zander, chú thích số 21, 327.
[49] Walker and Ward, chú thích số 29, 84.
[50] Xem Đỗ Thị Mai Hạnh, chú thích số 6, 195.
[51] Phần II (4) (g) của Quyết định số 74.
Tác giả: Đỗ Thị Mai Hạnh – TS Luật học, giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06/2014 (85)/2014 – 2014, Trang 62-70
Like Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu/
Trả lời