Mục lục
Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước
- Hội đồng bầu cử Thái Lan và góp ý quy định về hội đồng bầu cử quốc gia trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam – TS. Phan Nhật Thanh
- Vai trò của cơ quan quản lý bầu cử trong nhà nước pháp quyền – ThS. Trần Thị Thu Hà
- Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước theo Hiến pháp 2013 – TS. Nguyễn Mạnh Hùng
- [EBOOK] ABC về Bầu cử PDF – TS. Lã Khánh Tùng
TÓM TẮT
Tóm tắt Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên ghi nhận về các thiết chế hiến định độc lập tại Chương X – “Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước”. Việc hiến định các cơ quan này nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước pháp quyền ở nước ta; góp phần quan trọng vào việc nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước trước nhân dân; củng cố cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đồng thời đáp ứng chuẩn mực pháp lý văn minh trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Bài viết này bình luận về vai trò của Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước cũng như vấn đề thể chế hóa pháp luật các thiết chế này theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.
TỪ KHÓA: Hiến pháp 2013, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 02/2014
1. Hội đồng bầu cử quốc gia
Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới năm 1948 đã nêu lên tầm quan trọng của quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Quyền này được xem là hạt nhân của vấn đề dân chủ. Điều 21 nêu rõ: “1. Mọi người đều có quyền tham gia vào việc quản lý nhà nước và xã hội, một cách trực tiếp hoặc thông qua việc lựa chọn các đại diện của mình; 2. Mọi người đều có quyền bình đẳng đảm nhận các chức vụ nhà nước; 3. Ý chí của nhân dân là nền tảng quyền lực nhà nước. Ý chí này phải được thể hiện thông qua các cuộc bầu cử định kỳ, trung thực theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, bỏ phiếu kín hoặc bằng những tiến trình bầu cử tương đương bảo đảm tự do”. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 đã chuyển hóa nội dung này thành Điều 25: “Công dân có quyền bầu cử và ứng cử trong những cuộc tuyển cử tự do và công bằng, theo định kỳ, bằng phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín nhằm bảo đảm trung thực ý nguyện của cử tri”.
Hiện nay, sự tồn tại của nhiều chế độ chính trị – xã hội trên thế giới đã dẫn tới nhiều quan điểm khác nhau về tiêu chuẩn bầu cử tự do và công bằng. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đã và đang hướng tới việc tạo ra một mặt bằng chung về nhận thức và hành động giữa các quốc gia trong lĩnh vực hết sức phức tạp này. Một trong những bước đi rất có ý nghĩa đó là sự ra đời của Tuyên ngôn về Tiêu chuẩn bầu cử tự do và công bằng (Declaration on criteria for free and fair elections) do Hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới thông qua năm 1994 tại Paris. Bản Tuyên ngôn được soạn thảo dựa trên những văn kiện và nguyên tắc chính trị – pháp lý được thừa nhận chung của nhân loại nhằm xác lập và củng cố chế độ bầu cử định kỳ, tự do và công bằng. Từ đó, nó góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự hình thành hệ thống chính quyền dân chủ và chế độ đại diện trên toàn thế giới. Suy cho cùng, tất cả mọi tiêu chí bầu cử tự do, công bằng đều nhằm tạo ra sự bình đẳng về chính trị giữa các công dân trong hoạt động ứng cử, tranh cử và bỏ phiếu. Để đạt được mục tiêu trên, Tuyên ngôn khuyến nghị các Nhà nước thiết lập một “cơ chế quản lý bầu cử trung lập, không thiên lệch và bình đẳng”, bảo đảm sự có mặt của các quan sát viên, đại diện của các đảng phái chính trị; bảo đảm mọi sự vi phạm nhân quyền và khiếu nại về bầu cử được giải quyết nhanh chóng, đúng hạn, có hiệu quả bởi các cơ quan độc lập, công bằng như Hội đồng – Ủy ban bầu cử quốc gia hoặc Tòa án.
Theo khảo sát của Viện Quốc tế về Dân chủ và Hỗ trợ bầu cử (IDEA – The International Institute for Democracy an Electoral Assistance) vào năm 2006, có 96% trong số 214 quốc gia và vùng lãnh thổ thiết kế cơ quan bầu cử quốc gia ở tầm hiến định. IDEA xác định ba mô hình tổ chức cơ quan phụ trách bầu cử chính trên thế giới, bao gồm: mô hình độc lập, mô hình chính phủ và mô hình hỗn hợp. Đối với mô hình độc lập,cơ quan này không chịu trách nhiệm trước chính phủ nhưng có thể chịu trách nhiệm trước cơ quan lập pháp, tư pháp; nó thường có ngân quỹ độc lập; thành viên không thuộc nhánh hành pháp. Đối với mô hình chính phủ, cơ quan này do các cơ quan hành pháp tổ chức; ngân quỹ do nhà nước hoặc chính quyền địa phương đài thọ. Mô hình hỗn hợp, thông thường có hai hệ thống: một hệ thống có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và một hệ thống trực tiếp tổ chức thực hiện do chính phủ hoặc do chính quyền địa phương đảm trách[1] .
Điều 117 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. 2. Hội đồng bầu cử quốc gia gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. 3. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia và số lượng thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia do luật định”.Quy định này nhằm thể hiện đầy đủ, sâu sắc hơn chủ quyền nhân dân; tạo cơ chế để Nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình; thể chế hóa chủ trương tăng cường hình thức dân chủ trực tiếp theo hướng hoàn thiện chế độ bầu cử. So với quy định của pháp luật bầu cử hiện hành, Hội đồng bầu cử quốc gia lần đầu tiên được hiến định và trở thành cơ quan hoạt động thường xuyên trong bộ máy nhà nước. Tính độc lập và chuyên nghiệp của cơ quan này sẽ góp phần đáng kể cho việc tổ chức các cuộc bầu cử phổ thông ở nước ta một cách đúng pháp luật và thực sự hiệu quả.
Ngoài ra, Hiến pháp đã dành 2 Điều (Điều 70 và 74) quy định các nội dung khác liên quan đến Hội đồng bầu cử quốc gia[2] . Đây là cơ hội hiếm có để chúng ta đánh giá toàn diện và thiết kế lại một cách căn cơ những chuẩn mực pháp lý cho hoạt động bầu cử nói riêng, cơ chế dân chủ trực tiếp (bầu cử đại biểu dân cử, bãi nhiệm đại biểu dân cử và trưng cầu ý dân) cũng như tăng cường một cách căn cơ việc kiểm soát chất lượng “đầu vào”của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp – biểu hiện sinh động của cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Theo các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp, định hướng chung trong việc thiết lập Hội đồng bầu cử quốc gia bao gồm:
– Lựa chọn mô hình hội đồng/ủy ban bầu cử độc lập xuất phát từ những ưu điểm vượt trội của cơ quan này trên ba phương diện cơ bản, bao gồm: bảo đảm tốt hơn tính độc lập, khách quan, vô tư; bảo đảm tính thống nhất và tính hợp pháp của bầu cử; môi trường làm việc thúc đẩy sự hợp tác và tính chuyên nghiệp.
– Đảm bảo các nguyên tắc phù hợp với sự phát triển chung của tất cả các cơ quan bầu cử trên thế giới, bao gồm: sự độc lập; sự công bằng; sự chính trực; sự minh bạch; sự hiệu quả; sự chuyên nghiệp; khả năng cung cấp dịch vụ.
– Phù hợp định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; bảo vệ các quyền con người, quyền công dân[3] .
Nhằm đảm bảo thi hành Hiến pháp năm 2013 về Hội đồng bầu cử quốc gia, theo chúng tôi, cần lưu ý mấy vấn đề sau đây:
Một là,việc luật hóa Hội đồng bầu cử quốc gia cần đảm bảo tính tương thích với các đạo luật tổ chức bộ máy nhà nước, điển hình là Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và các văn bản dưới luật có liên quan như Nội quy Kỳ họp Quốc hội, Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Đây chính là thời điểm chín muồi trên nhiều phương diện (lý luận, pháp lý và thực tiễn) để chúng ta đặt lên bàn nghị sự vấn đề cải tổ triệt để chế độ bầu cử quốc gia theo hướng ban hành Bộ luật bầu cử quốc gia với mấy phần cơ bản như sau:
– Những nguyên tắc chung về chế độ bầu cử;
– Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;
– Bãi nhiệm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;
– Trưng cầu ý dân quốc gia và địa phương;
– Hội đồng bầu cử quốc gia.
Hai là,về nhiệm kỳ, thành phần, tư cách thành viên và cách thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia. Chủ tịch Hội đồng do Quốc hội bầu theo sự giới thiệu của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Danh sách các thành viên khác của Hội đồng bầu cử quốc gia do Chủ tịch Hội đồng trình Quốc hội phê chuẩn. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng từ 7 đến 10 năm, có thể được tái cử nhưng không quá hai nhiệm kỳ. Việc thiết kế loại nhiệm kỳ “lệch pha”và “dài hơi”so với nhiệm kỳ thường lệ của mỗi khóa Quốc hội nhằm đảm bảo tính độc lập trong tổ chức, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Hội đồng. Tiêu chuẩn thành viên: thành viên Hội đồng được chọn từ các chính khách, chuyên gia pháp lý, chuyên gia hành chính, chuyên gia bầu cử giàu kinh nghiệm thực tiễn (ít nhất có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn của mình) và uy tín (được giới thiệu bởi Ban chấp hành trung ương Đảng; các cơ quan nhà nước như Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao; tổ chức nghiên cứu khoa học như Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam; tổ chức xã hội – nghề nghiệp như Hội Luật gia, Liên đoàn Luật sư toàn quốc). Thành viên Hội đồng không thể trở thành ứng cử viên tham gia các cuộc bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian tại nhiệm và phải hoạt động chuyên trách.
Ba là,thẩm quyền của Hội đồng bầu cử quốc gia gồm bốn nhóm như sau:
– Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bầu cử và trưng cầu ý dân:Văn bản này có thể lấy tên gọi là Nghị quyết, với nội dung quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các đạo luật về bầu cử và trưng cầu ý dân (cần bổ sung loại văn bản này và thẩm quyền ban hành trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008);
– Thống nhất (chủ trì) tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp:phân chia các đơn vị bầu cử, các khu vực bỏ phiếu; thành lập các tổ chức bầu cử cấp dưới; phê duyệt danh sách cử tri; phê duyệt danh sách ứng cử viên; tổ chức bỏ phiếu; kiểm phiếu và thống kê phiếu bầu; giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử; tuyên bố kết quả bầu cử. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng cần được trao thẩm quyền tổ chức cho cử tri bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
– Tham gia tổ chức trưng cầu ý dân:Theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân (khoản 15 Điều 70), Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân với vai trò chủ trì, lãnh đạo (khoản 13 Điều 74) và Hội đồng bầu cử quốc gia tham gia với vai trò phụ trách tổ chức – kỹ thuật(cần luật hóa vai trò này); ví dụ, truyền thông cho người dân về ý nghĩa, nội dung và quy trình trưng cầu ý dân; tổ chức việc bỏ phiếu và kiểm phiếu. Ủy ban thường vụ Quốc hội công bố kết quả trưng cầu ý dân. Ở nhiều nước, Hội đồng bầu cử quốc gia được pháp luật giao cho việc thực hiện nhiệm vụ này[4] .
– Tổ chức giáo dục, đào tạo, truyền thông về bầu cử và trưng cầu ý dân:Hội đồng bầu cử quốc gia cần xây dựng và lồng ghép Chương trình quốc gia về giáo dục bầu cử và trưng cầu ý dâncùng với Chương trình quốc gia về phổ biến giáo dục pháp luật dài hạn đã được Bộ Chính trị xác định là một giải pháp trong Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết số 48-NQ/TW). Cán bộ và người dân phải thực sự hiểu sâu sắc về ý nghĩa và quy trình bầu cử thì mới có thể hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ một cách thành thạo, đảm bảo sự thành công vững chắc của mỗi cuộc bầu cử[5] . Bên cạnh đó, Hội đồng cần xây dựng chương trình và đào tạo thường xuyên các nhân viên tổ chức bầu cử và trưng cầu ý dân.
2. Kiểm toán nhà nước
Xuất phát từ vai trò của cơ quan kiểm toán quốc gia trong quản trị lành mạnh tài chính công, phát hiện và ngăn ngừa thiệt hại trong sử dụng ngân sách, các văn kiện quốc tế đã đặt ra sự cần thiết quy định về cơ quan này cũng như những nội dung có liên quan trong Hiến pháp. Điều 5 Mục II Tuyên bố Lima về những nguyên tắc cơ bản đối với tổ chức và hoạt động của các cơ quan kiểm toán tối cao năm 1977 của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI – International Organization of Supreme Audit Institutions) quy định:“1. Cơ quan kiểm toán tối cao chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách khách quan, hiệu lực khi nó độc lập với đơn vị được kiểm toán và được bảo vệ trước các ảnh hưởng từ bên ngoài. 2. Dù cũng là cơ quan nhà nước và không thể độc lập tuyệt đối do là một bộ phận của Nhà nước nói chung, nhưng cơ quan kiểm toán tối cao phải độc lập về chức năng và tổ chức để thực hiện nhiệm vụ của mình. 3. Việc thành lập cơ quan kiểm toán tối cao và mức độ độc lập cần thiết của nó phải được quy định trong Hiến pháp; quy định chi tiết cần được thể hiện trong luật. Cụ thể, phải đảm bảo sự bảo vệ đầy đủ về pháp lý của Tòa án tối cao chống lại sự can thiệp của bên ngoài vào tính độc lập và chức năng kiểm toán của cơ quan kiểm toán tối cao”.Năm 2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết A/66/209 về “Thúc đẩy tính hiệu lực, trách nhiệm giải trình, tính hiệu quả và minh bạch của quản lý công bằng cách tăng cường các Cơ quan Kiểm toán tối cao”. Theo đó, Liên hợp quốc công nhận tính độc lập của cơ quan kiểm toán tối cao; ghi nhận tầm quan trọng của các cơ quan này trong việc thúc đẩy tính hiệu lực, trách nhiệm giải trình, hiệu quả và tính minh bạch của quản lý công, giúp thực hiện các mục tiêu và ưu tiên phát triển quốc gia cũng như các mục tiêu phát triển quốc tế. Đồng thời, Nghị quyết cũng kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc áp dụng các nguyên tắc hoạt động mà INTOSAI đã đề ra trong Tuyên bố Lima về Mexico cho phù hợp cơ cấu của quốc gia mình.
Ở nước ta, năm 2005, Quốc hội đã thông qua Luật Kiểm toán Nhà nước. Luật này quy định về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Kiểm toán Nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán viên nhà nước; đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan; hoạt động và bảo đảm hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.
Điều 118 Hiến pháp năm 2013 quy định:“1. Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. 2. Tổng Kiểm toán nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán nhà nước, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước do luật định. Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội. 3. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Kiểm toán nhà nước do luật định”. Lần đầu tiên, Kiểm toán nhà nước được quy định trong Hiến pháp. Quy định này phù hợp với thực tiễn hoạt động của Kiểm toán nhà nước và thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, Hiến pháp đã dành 05 điều (Điều 70, 74, 77, 80 và 84) quy định các nội dung khác liên quan đến Kiểm toán nhà nước và Tổng Kiểm toán nhà nước[6] . Hệ thống pháp luật Việt Nam trong thời gian qua đã từng bước xác định và hoàn thiện về mặt tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước thông qua việc quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước; thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán nhà nước… Chúng ta có thể liệt kê một loạt đạo luật có quy định về Kiểm toán nhà nước, như: Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002; Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2012); Luật Cán bộ, công chức năm 2008… Bên cạnh đó, một số đạo luật còn thiếu những quy định cần thiết tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của Kiểm toán nhà nước, như: Luật tổ chức Quốc hội năm 2001, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003, Luật Tổ chức Chính phủnăm 2001, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012… Chính vì vậy, hệ thống pháp luật hiện hành quy định về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước vẫn thiếu toàn diện, chưa thống nhất[7] .
Nhằm đảm bảo thi hành Hiến pháp năm 2013, trong tương lai gần, chúng tôi nhận thấy việc sửa đổi Luật Kiểm toán nhà nước năm 2005 cần được tiến hành đồng bộ với việc sửa đổi các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các văn bản khác có liên quan theo một số định hướng cơ bản như sau:
Một là, tiếp tục thể chế hóa sâu sắc nguyên tắc “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” trong tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước. Tuy do Quốc hội thành lập và phải báo cáo công tác, chịu trách nhiệm trước Quốc hội song Kiểm toán nhà nước không chỉ là công cụ của Quốc hội mà còn phải thực sự trở thành công cụ giám sát tài chính công của Nhân dân, kiểm soát chính Quốc hội trong hoạt động lập pháp đối với các dự luật về tài chính hoặc quyết định các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; kiểm soát việc sử dụng tài chính công trong hoạt động hành pháp của Chính phủ, chính quyền địa phương cũng như kiểm soát việc sử dụng tài chính công trong hoạt động tư pháp. Khi nâng tầm hiến định đối với cơ quan này, các nhà lập hiến không có ý tưởng khác ngoài việc nhấn mạnh tính độc lập của nó để hướng đến những đóng góp thiết thực hơn trong việc lành mạnh hóa chế độ quản lý nhà nước về công sản, nền tài chính công nói riêng, nền kinh tế nói chung.
Hai là, nâng cao giá trị pháp lý (tính bắt buộc) của báo cáo kiểm toán. Quy định về vấn đề này trong Luật Kiểm toán nhà nước năm 2005[8] còn thiếu cụ thể và có thể được hiểu dưới dạng tùy nghi áp dụng. Dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) lần thứ 6 trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến đã được các chuyên gia đánh giá cao[9] khi quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đối với hoạt động kiểm toán nhà nước tại Chương II.
Ba là,cần đồng bộ hóa giữa các quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2005, các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước, Nội quy Kỳ họp Quốc hội, Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có liên quan đến Kiểm toán nhà nước. Ví dụ: các quy định về tổ chức hệ thống Kiểm toán nhà nước; quy trình thành lập Tổng Kiểm toán nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán viên; chế độ công tác và quyền miễn trừ đối với Tổng Kiểm toán nhà nước; ngạch kiểm toán viên; quy trình Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; quy trình tham gia của Kiểm toán nhà nước vào việc Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định dự án, công trình quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; quy trình tham gia của Kiểm toán nhà nước trong việc các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ xem xét, thẩm tra báo cáo về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương, phương án điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, phương án bố trí ngân sách cho dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định và quyết toán ngân sách nhà nước hoặc trong hoạt động giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực tài chính – ngân sách, giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước và chính sách tài chính…
Tóm lại, vấn đề thể chế hóa pháp luật về Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước vừa cần có sự đột phá, vừa cần đảm bảo sự đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước theo tinh thần thực sự cầu thị và trân trọng Chủ quyền Nhân dân thông qua cơ chế phân quyền và kiểm soát quyền lực nhà nước một cách có hiệu quả.
CHÚ THÍCH
[1] Xem chi tiết: Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Một số vấn đề cơ bản của Hiến pháp các nước trên thế giới, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 296 – 298.
[2] Điều 70: “Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
2- Xét báo cáo công tác của Hội đồng bầu cử quốc gia.
6- Quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia.
7- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia.
8- Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn”.
Điều 74: “Ủy ban thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
3- Giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập.
6- Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia”.
[3] Xem chi tiết: Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Mô hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia ở một số nước trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam (Tài liệu tham khảo), Hà Nội, 2013, tr. 90 – 92.
[4] Xem thêm: Viện Quốc tế về Dân chủ và Hỗ trợ bầu cử (IDEA), Dân chủ trực tiếp – Sổ tay IDEA quốc tế, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2014, tr. 45- 66.
[5] Lưu Đức Quang, “Tự do, công bằng trong bầu cử và những liên hệ với bầu cử ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 1(91)/2007.
[6] Điều 70: Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
2- Xét báo cáo công tác của Kiểm toán nhà nước.
4- Quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toánngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.
6- Quy định tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước.
7- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước.
8- Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Điều 74: Uỷ ban thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
3- Giám sát hoạt động của Kiểm toán nhà nước.
6- Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước.
Điều 77
“1. Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu Tổng Kiểm toán nhà nước báo cáo, giải trình hoặc cung cấp tài liệu về những vấn đề cần thiết. Người được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu đó.”
Điều 80
“1- Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Tổng Kiểm toán nhà nước.
2- Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp hoặc tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản.”
Điều 84
“1- Kiểm toán nhà nước có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.
[7] .http://www.sav.gov.vn/3504-1-ndt/nang-cao-dia-vi-phap-ly-va-hieu-luc-hoat-dong-cua-ktnn-trien-khai-xay-dung-du-an-luat-ktnn-sua-doi-va-nhung-giai-phap-dong-bo.sav
[8] Điều 9: Giá trị của báo cáo kiểm toán
“1- Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
2- Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là một trong những căn cứ để:
a) Quốc hội sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định dự án và công trình quan trọng quốc gia được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước và sử dụng trong hoạt động giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước, chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nghị quyết của Quốc hội về ngân sách nhà nước, dự án và công trình quan trọng quốc gia, chương trình phát triển kinh tế – xã hội, dự án và công trình xây dựng cơ bản quan trọng khác ;
b) Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cơ quan khác của Nhà nước sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ của mình;
c) Hội đồng nhân dân sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán, phân bổ và giám sát ngân sách địa phương; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương;
d) Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Cơ quan điều tra sử dụng trong quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh tế, tài chính;
đ) Đơn vị được kiểm toán phải thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với các sai phạm trong báo cáo tài chính và các sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật; thực hiện các biện pháp khắc phục yếu kém trong hoạt động của đơn vị do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị.
3- Cơ quan, người có thẩm quyền sử dụng kết luận kiểm toán quyết định việc chấp nhận kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Kết luận kiểm toán đã được cơ quan, người có thẩm quyền chấp nhận có giá trị bắt buộc thực hiện.”
[9] Xem chi tiết: http://www.sav.gov.vn/3503-1-ndt/-tiep-tuc-hoan-thien-du-thao-luat-ktnn-sua-doi.sav
Tác giả: ThS. Lưu Đức Quang – Giảng viên khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 02/2014, Trang 38-44
Like Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu/