Mục lục
Bàn về phương pháp giải thích pháp luật
- Giải thích pháp luật là gì? Phân biệt giải thích pháp luật chính thức với giải thích pháp luật không chính thức?
- Một niềm tin, bốn triển vọng và năm thách thức trong tiến trình thừa nhận quyền giải thích pháp luật của Tòa án – TS. Cao Vũ Minh
- Thẩm quyền giải thích pháp luật: Cơ sở lý luận, thực tiễn và giải pháp – ThS. Huỳnh Thị Sinh Hiền
- Một số vấn đề lý luận về giải thích pháp luật – TS. Tô Văn Hòa
TÓM TẮT
Giải thích pháp luật với nhiệm vụ làm sáng tỏ hơn các quy phạm pháp luật không rõ nghĩa là một nhu cầu tất yếu khách quan đối với mọi hệ thống pháp luật và đối với mọi xã hội. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đưa ra một số phương pháp giải thích pháp luật cụ thể có thể vận dụng vào hoạt động giải thích pháp luật, góp phần hoàn thiện các vấn đề lý luận về giải thích pháp luật.
TỪ KHÓA: Giải thích pháp luật
1. Một số phương pháp giải thích pháp luật
Trước một tình huống, một quy định cần được giải thích, chủ thể có thẩm quyền có thể sử dụng các phương pháp khác nhau để giải thích văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể là:
1.1. Phương pháp giải thích theo ngữ nghĩa
Phương pháp giải thích văn bản pháp luật theo ngữ nghĩa còn gọi là phương pháp giải thích pháp luật (GTPL) dựa vào văn bản. Những người theo phương pháp giải thích này cho rằng từ ngữ được sử dụng trong văn bản sẽ định hướng cho việc giải thích. GTPL chỉ thuần túy là làm rõ ngữ nghĩa của văn bản chứ không phải là việc làm rõ quy định pháp luật theo ý chí nhà lập pháp hay ý chí của người giải thích. GTPL phải dựa vào các câu từ trong văn bản pháp luật để giải thích chứ không phải căn cứ vào lịch sử lập pháp hay dựa vào bất kỳ mục đích ngầm định nào của văn bản pháp luật. Điều này thể hiện việc giải thích phải dựa vào chính ngữ cảnh và nội dung tổng thể của văn bản đó. Như vậy, văn bản pháp luật được xem là phương tiện thông tin hiệu quả và quan trọng nhất để xác định ý định của cơ quan lập pháp. Những người theo phương pháp giải thích này không chấp nhận các nguồn hay các căn cứ khác để giải thích văn bản pháp luật bởi các lý do sau:
Thứ nhất, chỉ có các câu chữ trong các văn bản pháp luật mới mang tính bắt buộc về mặt pháp lý. Tòa án căn cứ vào nội dung của văn bản pháp luật để giải thích sẽ tránh tình trạng tòa án “xâm phạm” quyền lập pháp của nghị viện cũng như hạn chế được sự tuỳ tiện của thẩm phán khi GTPL. Trong trường hợp từ ngữ không rõ nghĩa thì phần còn lại của văn bản được xem xét để tìm ra trong số nhiều nghĩa một nghĩa có nội dung tương thích với phần còn lại của văn bản.[1]
Thứ hai, nếu giải thích dựa vào các nguồn khác ngoài văn bản pháp luật liệu rằng có hợp hiến hay không? Hiến pháp quy định trao quyền lập pháp cho nghị viện, kết quả lập pháp của nghị viện chính là các đạo luật được ban hành. Chẳng hạn, theo hiến pháp năm 1787 của Hoa Kỳ, quyền lập pháp trao cho Hạ viện và Thượng viện. Vì vậy, nếu căn cứ vào cả một quá trình lập pháp để giải thích văn bản pháp luật là không hợp hiến.
Thứ ba, giải thích dựa vào tiến trình lập pháp của nghị viện là cách làm không khôn ngoan bởi các lý do sau: tòa án không đủ thời gian để đọc toàn bộ quá trình này; các thẩm phán không được đào tạo và có đủ kỹ năng tham gia vào quá trình làm luật; không thể nhận thức được ý định hoặc mục đính của một nhóm người bởi nghị viện bao gồm nhiều nghị sĩ khác nhau nên có nhiều lý do khác nhau để ủng hộ hay thông qua một đạo luật nào đó.
Những người theo phương pháp giải thích theo ngữ nghĩa cho rằng sử dụng phương pháp giải thích này không những bảo đảm sự hiệu quả, nhất quán của pháp luật mà còn bảo đảm được một thể chế dân chủ, phân quyền và pháp quyền của một nhà nước. Bởi theo phương pháp giải thích này vừa bảo đảm chủ quyền làm luật tối cao của nghị viện, vừa kiểm soát được quyền lực tư pháp của tòa án.[2]
Tuy nhiên, phương pháp giải thích này cũng có những bất cập nhất định. Cụ thể:
Thứ nhất, “cái khó của việc giải thích dựa vào ngôn ngữ lại chính là ngôn ngữ”.[3] Việc ban hành pháp luật đòi hỏi ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản phải chính xác, rõ ràng, dễ hiểu và chỉ có thể hiểu theo một cách nhất định. Trên thực tế, việc thực hiện điều này không dễ bởi lẽ ngôn ngữ luôn vận động và biến đổi. Bên cạnh đó, trong chừng mực nhất định thì những người khác nhau về văn hóa, địa phương sẽ có sự khác nhau về nhận thức và vận dụng ngôn ngữ. Một lý lẽ đưa ra làm giảm đi giá trị của phương pháp này đó chính là nếu bản thân ngôn ngữ đã rõ thì thông thường các bên không kiện ra tòa. Vì vậy, các thẩm phán phải vất vả đối mặt với câu chữ và phải cần đến các sự hướng dẫn khác để xác định nghĩa mà không phải chỉ có cách duy nhất là “dựa vào câu chữ”.
Thứ hai, nếu chỉ căn cứ vào câu chữ trong văn bản pháp luật để giải thích sẽ không thể bao quát được hết tất cả các tình huống phát sinh trên thực tế. Các vụ việc đặt ra trong thực tiễn tư pháp đa dạng hơn so với những dự liệu của các nhà lập pháp xác định trong văn bản pháp luật. Vì vậy, nhiều trường hợp phát sinh cần tòa án giải quyết nhưng văn bản pháp luật không quy định.
Thứ ba, nếu tòa án chỉ căn cứ vào câu chữ trong văn bản pháp luật để giải thích có thể sẽ phá vỡ ý định của cơ quan lập pháp. Chẳng hạn, đối với một quy định nào đó trong văn bản chưa rõ ràng như khoản 2 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ năm 2008: “Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách”. Qua câu từ sử dụng cho thấy rõ việc nhà làm luật chỉ yêu cầu người điều khiển và người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm và không thể chứng minh được nhà làm luật có yêu cầu như vậy đối với người đứng trên hai loại xe này hay không?
Thứ tư, giải thích theo ngữ nghĩa GTPL dựa vào văn bản cũng không loại bỏ được hoàn toàn khả năng người giải thích thao túng ngữ nghĩa của quy định. Trên thực tế, các từ điển khác nhau đưa ra các định nghĩa khác nhau cho cùng một từ và các từ điển thông thường đều cung cấp nhiều nghĩa khác nhau cho một từ. Do đó, việc sử dụng từ điển có thể mang đến khả năng cho phép nhà giải thích lựa chọn một kết quả theo ý muốn chủ quan của mình.
Ví dụ: Trong bản án có tên The Estate of Bravad năm 1968 (1WLR479), người cha lập di chúc chia phần lớn tài sản mình cho hai cô con gái đang sống chung, di chúc có hai người làm chứng. Tuy nhiên, để cho di chúc “mạnh” hơn, người cha yêu cầu hai cô con gái ký tên mình dưới mục người làm chứng. Theo Điều 15 Luật Di chúc năm 1937 thì bất kỳ người nào xác nhận cho việc lập di chúc như người làm chứng thì lợi ích của người đó trong di chúc sẽ bị bỏ qua, phần tài sản được hưởng của họ bị coi là vô hiệu. Như vậy, tòa tuyên hai cô gái không được hưởng tài sản từ di chúc đó và hầu hết tài sản thuộc về người vợ đã sống cách biệt với người lập di chúc trong hơn 20 năm. Từ vụ án này cho thấy, nghị viện có lẽ không dự định áp dụng quy định tại Điều 15 khi mà đã có hai người làm chứng hợp pháp nhưng từ ngữ của điều luật thì quá rõ ràng.[4]
1.2. Phương pháp giải thích theo thực tế
Phương pháp giải thích theo thực tế là phương pháp giải thích văn bản pháp luật một cách linh hoạt. Những người theo phương pháp giải thích này cho rằng từ ngữ trong văn bản pháp lý hiếm khi có nghĩa rõ ràng mà có thể giải thích theo nhiều nghĩa khác nhau. Mặt khác, nội dung các điều khoản trong văn bản thường mơ hồ hoặc có thể đa nghĩa, hoặc bất nhất và xung đột lẫn nhau. Những hạn chế này là kết quả tất yếu của quá trình ban hành một văn bản pháp luật có nhiều chủ thể tham gia với nhiều mục đích khác nhau.
Những người theo phương pháp giải thích theo thực tế cho rằng, để có một kết quả công bằng và hợp lý nhất, phù hợp với các mục tiêu, chính sách của nghị viện thì tòa án cần phải căn cứ vào các nguồn khác nhau để giải thích bao gồm: nội dung văn bản pháp luật; các tài liệu của quá trình ban hành văn bản; ý định của nhà lập pháp; mục đích của văn bản, truyền thống; các vụ việc tương tự; các giá trị xã hội.[5] Như vậy, để tránh một phán quyết bất công, tòa án có thể giải thích thu hẹp hoặc mở rộng các thuật ngữ trong văn bản pháp luật. Điều này có nghĩa rằng, tòa án không chỉ tập trung để hiểu các văn bản pháp luật mà còn sửa chữa những điểm không hoàn hảo trong các văn bản pháp luật. Như vậy, những người theo quan điểm giải thích này đã nâng vị trí của tòa án lên thành đối tác của nghị viện trong việc làm luật, tòa án giữ vai trò làm cho các đạo luật của nghị viện thích nghi với các vụ việc cụ thể.
Ví dụ: Trong vụ Smith v Hughs [1960] 2 All ER 859 thì theo luật vi phạm trên đường năm 1959 của Anh Quốc (The Street off-fences Act 1959 – UK), hành vi lảng vảng, chèo kéo trên đường cho mục đích mại dâm là tội phạm. Bị cáo cho rằng mình không phạm tội vì mình chèo kéo đàn ông trên ban công của mình, không phải trên đường. Tòa án áp dụng phương pháp giải thích theo thực tế và cho rằng dự định của nghị viện là để khắc phục tình trạng quấy rối từ hoạt động mại dâm và tuyên bị cáo có tội.[6]
Nhìn chung, những người theo phương pháp giải thích này mong muốn có một phán quyết tư pháp hợp lý nhất mà không phụ thuộc vào nhiều câu chữ trong văn bản pháp luật. Tuy nhiên, phương pháp giải thích này bị phản đối bởi nhiều lập luận khác nhau.
Thứ nhất, nếu cho quyền năng tự do giải thích văn bản pháp luật quá rộng sẽ dẫn đến nguy cơ tòa án lạm quyền. Hệ quả tất yếu là các thẩm phán có thể sửa đổi các đạo luật của nghị viện theo quan điểm cá nhân của mình dựa trên các khuynh hướng về kinh tế, chính trị, đạo đức, hệ tư tưởng của các thẩm phán. Kết quả là quyền lập pháp của nghị viện chỉ còn mang tính hình thức.
Thứ hai, phương pháp giải thích theo thực tế cần dựa trên nhiều nguồn khác nhau ngoài nội dung của văn bản pháp luật là điều không thực tế. Chẳng hạn, các tài liệu của quá trình ban hành một văn bản pháp luật có khoảng vài ngàn trang, có hàng trăm các vụ việc tương tự đã giải quyết. Không thẩm phán nào có đủ thời gian để làm việc này trong thực tiễn tư pháp. Kết cục, phương pháp giải thích theo thực tế lại trở thành phi thực tế.[7]
1.3. Phương pháp giải thích theo ý chí nhà làm luật[8]
Những người theo trường phái thuyết chủ định cho rằng ý định của nhà lập pháp trong việc ban hành văn bản quy phạm sẽ làm tiền đề và cơ sở cho việc GTPL.[9] Hay nói cách khác, GTPL chính là quá trình tìm hiểu hay khám phá ý định mà tác giả truyền tải trong văn bản pháp luật.[10]
Xuất phát từ quan điểm thẩm phán nên là đại diện trung thành nhất của nghị viện đã ban hành luật, người GTPL không nên phụ thuộc vào ngôn từ mà điều cần quan tâm là ý chí của nhà làm luật. Khi GTPL, thẩm phán “cần phải xem nhà làm luật nghĩ gì và ý định của họ trong trường hợp này là gì”.[11] Lịch sử hình thành văn bản cũng được chú ý nhằm khám phá ra ý định thật sự của nhà lập pháp. “Trước một văn bản có câu chữ không rõ nghĩa, công việc nghiên cứu và phân tích của nhà chuyên môn giống như công việc của người nghiên cứu sử học: nhà chuyên môn tự đặt mình trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của thời kỳ mà văn bản được ban hành và dựng lại diễn biến tâm lý của người làm luật trong lúc soạn thảo văn bản”.[12] Theo đó, GTPL được xem là một hành trình khám phá ý định của nhà lập pháp nhưng ý định thật sự thì khó để nhận biết, sự nhận biết đó có thể ít hơn hay nhiều hơn ý định thật sự.
Ví dụ: Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015 về: “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”, khoản 1 điều này quy định: “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”. Vấn đề đặt ra ở đây là từ “thấy” (thị giác). Tuy nhiên có quan điểm cho rằng “thấy” ở đây có nghĩa là “biết”, “nghe thấy”. Nếu cho rằng ý định của nhà làm luật như thế thì chưa thuyết phục vì bởi lẽ dường như sự giải thích này không đúng theo chức năng của các giác quan con người (ví dụ: thị giác khác thính giác).
Tuy nhiên, trên thực tế cũng tồn tại nhiều ý kiến phản đối quan điểm giải thích luật dựa vào ý chí lập pháp.
Thứ nhất, ý định lập pháp hoàn toàn không thể xác định. Điều này xuất phát từ việc trả lời cho câu hỏi “Ai là người lập pháp?”. Ý định lập pháp không được hiểu là ý định chủ quan người đệ trình dự án luật, hoặc của từng đại biểu Quốc hội, nghị sĩ hay nhà soạn thảo thật sự. Ý định lập pháp ở đây là ý chí khách quan của một tập thể (nghị viện) và việc đi tìm trạng thái tâm lý về một mong muốn chung thống nhất của nghị viện là điều không thể. Trong cơ quan lập pháp, những đại biểu ủng hộ và mong muốn thông qua một dự luật thì có ý định rõ ràng, trong khi đó những người khác thì không.
Thứ hai, là khó mà nhận thức đầy đủ và chính xác ý chí nhà lập pháp. Thẩm phán thường không có đủ thời gian để đầu tư đủ sâu trong việc tìm kiếm ý định chính xác của nhà làm luật. Nếu không làm được điều đó, thẩm phán có thể căn cứ vào bất cứ thứ gì mình tìm được và cho đó là ý định lập pháp.[13] Ý chí của chủ thể ban hành luật càng khó nhận diện hơn trong trường hợp luật đã cũ.[14] Để tìm ý định lập pháp, tòa án xem xét lịch sử ban hành, họ nghĩ rằng công việc chuẩn bị có thể cung cấp một ít hiểu biết về ý định thật sự của nhà làm luật. Có lẽ biên bản ghi nhận các tranh luận của nghị viện là nơi phản ánh rõ nét nhất ý định lập pháp. Tuy nhiên, biên bản tranh luận thường chứa đựng cả ý kiến phản đối và ủng hộ. Điều này lý giải tại sao các học giả cùng dựa vào một tài liệu lập pháp mà đem đến các kết quả giải thích khác biệt.[15]
Pháp luật Việt Nam kết hợp cả hai nguyên tắc GTPL theo ngữ nghĩa và nguyên tắc GTPL dựa vào ý định của nhà làm luật. Điều 158 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Các trường hợp và nguyên tắc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh) quy định:
“1. Việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh được thực hiện trong trường hợp quy định của Hiến pháp, luật, pháp lệnh có cách hiểu khác nhau trong việc thi hành.
2. Việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Đúng với tinh thần, mục đích, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo ban hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh;
b) Phù hợp với nội dung, ngôn ngữ của Hiến pháp, luật, pháp lệnh;
c) Không được sửa đổi, bổ sung hoặc đặt ra quy định mới.”
Chúng ta có thể thấy điểm a, khoản 2 quy định giải thích dựa vào ý chí lập pháp và điểm b, khoản 2 quy định việc giải thích dựa vào văn bản. Tuy nhiên, nếu nhìn vào trật tự ưu tiên thì Việt Nam thiên về giải thích dựa vào ý chí lập pháp.
2. Kiến nghị hoàn thiện quy định về phương pháp giải thích pháp luật
Các vấn đề lý luận liên quan đến GTPL ở Việt Nam hiện nay vẫn còn khá sơ sài, bên cạnh vấn đề chủ thể có thẩm quyền GTPL còn có những vấn đề khác mang tính quyết định đến kết quả của GTPL. Chẳng hạn như áp dụng phương pháp nào để GTPL, áp dụng những phương pháp giải thích khác nhau sẽ cho ra đời những kết quả giải thích hoàn toàn khác nhau như phần lý luận đã đề cập. Thậm chí trong bản án, quyết định của tòa án phần phân tích vận dụng lý lẽ để đưa ra phán quyết cũng không bắt buộc phải nêu rõ lý do đã áp dụng phương pháp nào để giải thích trong trường hợp cần phải GTPL. Vì lẽ đó mà tòa án, chủ thể thực hiện GTPL trong trường hợp này, vì những lý do khác nhau mà hoàn toàn có thể cho ra những kết quả GTPL khác nhau, không thể loại trừ trường hợp do pháp luật không quy định mà thẩm phán sẽ lựa chọn kết quả GTPL theo ý muốn của cá nhân, thậm chí khi những kết quả này không mang tính khách quan, công bằng, hợp lý. Từ thực tiễn đó, tác giả xin đưa ra kiến nghị sau để hoàn thiện về phương pháp GTPL.
2.1. Quy định cụ thể về nguyên tắc giải thích pháp luật
Trước mắt, trong tình hình hiện nay, khi hoạt động GTPL trên thực tế được thực hiện bởi các chủ thể khác nhau với nhiều hình thức, mục đích khác nhau thì việc quy định nguyên tắc GTPL là hết sức cần thiết. Bởi vì, dù GTPL được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào, có hay không có cho ra đời sản phẩm và văn bản quy phạm pháp luật thì trên thực tế luôn có khả năng xâm hại đến quyền con người, quyền công dân có liên quan. Chúng ta đang hướng tới mục tiêu là xây dựng nhà nước pháp quyền, với một trong những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền là đảm bảo được quyền con người, quyền công dân trong quá trình áp dụng pháp luật, đảm bảo được sự khách quan, công bằng và hợp lý. Do đó, việc quy định những nguyên tắc GTPL sẽ là kim chỉ nam, là sợi chỉ xuyên suốt để đảm bảo rằng cho dù GTPL có được thực hiện bởi chủ thể có thẩm quyền nào, dưới hình thức nào thì yêu cầu quan trọng bậc nhất là không được xâm hại đến những quyền con người, quyền công dân cơ bản được quy định trong Hiến pháp. Cụ thể là các nguyên tắc sau đây (1) Nguyên tắc đảm bảo tính hợp pháp, hợp hiến; (2) Nguyên tắc đảm bảo tính khách quan, công bằng, trung thực; (3) Nguyên tắc đảm bảo về phạm vi, nội dung và ngôn ngữ.
2.2. Quy định những phương pháp cơ bản mà chủ thể có thẩm quyền có thể áp dụng khi giải thích pháp luật
Bên cạnh việc quy định các nguyên tắc GTPL thì cần quy định các phương pháp để chủ thể có thẩm quyền áp dụng khi GTPL. Tuy nhiên, việc quy định thứ bậc, trật tự lựa chọn các phương pháp GTPL là điều khó áp dụng, bởi còn tùy thuộc vào từng vụ án, từng hoàn cảnh, từng vụ việc cụ thể. Do đó, tác giả kiến nghị bên cạnh việc quy định các phương pháp có thể áp dụng để thực hiện GTPL thì cần quy định trong bản án, quyết định của tòa án có thực hiện giải thích pháp luật phải ghi rõ thẩm phán, hội thẩm đã áp dụng phương pháp giải thích nào, lý do vì sao mà dẫn đến kết luận như thế.
Kết luậnViệc sử dụng phương pháp GTPL nào phải tùy vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể. Pháp luật nhìn chung không đòi hỏi thẩm phán sử dụng cùng một phương pháp giải thích pháp luật trong tất cả các vụ việc. Phương pháp giải thích theo văn bản pháp luật phù hợp hơn để áp dụng đối với các luật có trình độ kỹ thuật lập pháp cao nhưng không thể áp dụng để bù đắp các lỗ hổng pháp luật. Khi giải thích những luật lâu đời để không ngăn cản sự phát triển của pháp luật, người giải thích không nên mất nhiều thời gian tìm kiếm ý định lập pháp, thay vào đó nên tìm hiểu chức năng khách quan của quy định. Tuy nhiên, dù có áp dụng quy trình hay phương thức nào đi nữa thì việc giải thích pháp luật phải hướng đến việc làm sáng tỏ tư tưởng và nội dung của quy phạm pháp luật nhằm hiểu và thực hiện pháp luật một cách thống nhất, công bằng và nhân văn.[16]
CHÚ THÍCH
[1] Larry M. Eig, Statutory interpretation: General principles and recent trends, Specialist in American Public Law, Nxb. Crs report, 2014, tr. 5, https://fas.org/sgp/crs/misc/97-589.pdf, truy cập ngày 1/12/2018.
[2] Đỗ Thanh Trung, “Các phương pháp giải thích văn bản pháp luật của tòa án”, Kỷ yếu Hội thảo Giải thích pháp luật, Đại học Cần Thơ, 2018, tr. 72.
[3] Nguyễn Minh Đức, “Giải thích pháp luật và cơ sở để giải thích pháp luật”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, http://vnclp.gov.vn/ct/cms/tintuc/Lists/NhaNuocVaPhapLuat/View_detail.aspx?ItemID=188, truy cập ngày 20/05/2018.
[4] Huỳnh Thị Sinh Hiền, “Giải thích pháp luật ở Úc và nhu cầu hoá hoạt động giải thích pháp luật ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 04(260), tháng 2/2014, tr. 58.
[5] Robert J. Pushaw, “Talking textualism, practicing pragmactism: Rethinking the Supreme Court’ approach to statuory interpretation”, Georgia law review, Vol. 51:121, 2016, tr. 166.
[6] Huỳnh Thị Sinh Hiền, “ Giải thích pháp luật ở Úc và nhu cầu hoá hoạt động giải thích pháp luật ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 04(260), tháng 2/2014, tr. 559.
[7] Đỗ Thanh Trung, “Các phương pháp giải thích văn bản pháp luật của Toà án”, Kỷ yếu Hội thảo Giải thích pháp luật, Đại học Cần Thơ, 2018, tr. 72.
[8] Phan Nhật Thanh, “Giải thích pháp luật dựa vào văn bản và giải thích pháp luât dựa vào ý chí lập pháp,” Kỷ yếu Hội thảo Giải thích pháp luật, Đại học Cần Thơ, 2018, tr. 86.
[9] Walter Sinnott Armstrong, Word-meaning in Legal Interpretation, Nxb University of San Diego, 2005, tr. 1 – 3. http://web.law.columbia.edu/sites/default/files/microsites/law-theory-workshop/files/Sinnott-Armstrong.pdf, truy cập ngày 13/05/2018.
[10] Miranda Oshige Mcgowan, “Against Interpretation”, 42 San Diego L. Rev. 711, 2005, tr. 716.
[11] Nguyễn Minh Đức, “Giải thích pháp luật và cơ sở để giải thích pháp luật”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, http://vnclp.gov.vn/ct/cms/tintuc/Lists/NhaNuocVaPhapLuat/View_detail.aspx?ItemID=188, truy cập 20/05/2018.
[12] Nguyễn Ngọc Điện, Tập bài giảng Phương pháp nghiên cứu khoa học luật, Trường Đại học Cần Thơ, 2004, tr. 27.
[13] Larry M. Eig, tlđd, tr. 61.
[14] Mátyás Bódig, Legal Interpretation, Intentionalism, and the Authority of Law, Act Juridica Hungarica, 2007, tr. 133 – 137.
[15] Vũ Văn Mẫu, Dân luật khái luận, Nxb. Bộ quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1961, tr. 319.
[16] Hoàng Văn Tú, “Giải thích pháp luật, Một số vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn Việt Nam”, https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2008/10/12/1821/, truy cập ngày 10/05/2018.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 [trans: The 2015 Law on Promulgation of legal documents Law 2015] 2008]
- Bộ luật Hình sự năm 2015 [trans: The 2015 Criminal Law Code]
- Walter Sinnott Armstrong, Word-meaning in Legal Interpretation, University of San Diego, 2005, http://web.law.columbia.edu/sites/default/files/microsites/law-theory-workshop/files/Sinnott-Armstrong.pdf accessed on 13/05/2018
- Mátyás Bódig, Legal Interpretation, Intentionalism, and the Authority of Law, Act Juridica Hungarica, 2007
- Nguyễn Ngọc Điện, Tập bài giảng Phương pháp nghiên cứu khoa học luật, Trường đại học Cần Thơ, 2004 [trans: Nguyen Ngoc Dien, Lecture Series Methodology of Law Research, University Can Tho, 2004]
- Nguyễn Minh Đức, “Giải thích pháp luật và cơ sở để giải thích pháp luật”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, [trans: Nguyen Minh Đức, “Statutory interpretation and the base for statutory interpretation”, Legislative studiesjournal], http://vnclp.gov.vn/ct/cms/tintuc/Lists/NhaNuocVaPhapLuat/View_detail.aspx?ItemID=188, accessed on 20/05/2018
- Larry M. Eig, Statutory interpretation: General principles and recent trends, Specialist in American Public Law, Crs report Publishing, 2014, https://fas.org/sgp/crs/misc/97-589.pdf, accessed on 01/12/2018
- Huỳnh Thị Sinh Hiền, “Giải thích pháp luật ở Úc và nhu cầu hoá hoạt động giải thích pháp luật ở Việt nam”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 04(260), tháng 2/2014 [trans: Huynh Thi Sinh Hien, “Statutory interpretation and the need to interpret statute in Vietnam”, Legislative studies journal, No. 04(260), 2014]
- Vũ Văn Mẫu, Dân luật khái luận, Nxb. Bộ quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1961 [trans: Vu Van Mau, Civil law concept, Education National Department Publishing, Sai Gon, 1961]
- Miranda Oshige Mcgowan, “Against Interpretation”, 42 San Diego L. Rev. 711, 2005
- Robert J. Pushaw, “Talking textualism, practicing pragmactism: Rethinking the Supreme Court’ approach to statuory interpretation”, Georgia law review, Vol. 51:121, 2016
- Phan Nhật Thanh, “Giải thích pháp luật dựa vào văn bản và giải thích pháp luât dựa vào ý chí lập pháp,” Kỷ yếu Hội thảo Giải thích pháp luật, Đại học Cần Thơ, 2018 [trans: Phan Nhat Thanh, “Statutory interpretation, textualism method and intentionalism method”, Seminar document about Statutory interpretation, Can Tho University, 2018]
- Đỗ Thanh Trung, “Các phương pháp giải thích văn bản pháp luật của Toà án”, Kỷ yếu Hội thảo Giải thích pháp luật, Đại học Cần Thơ, 2018 [trans: Do Thanh Trung, “Methods of explaining the legal documents of the Court”, Seminar document about Statutory interpretation, Can Tho University, 2018]
- Hoàng Văn Tú, “Giải thích pháp luật, một số vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn Việt Nam”, [trans: Hoang Văn Tu, “Statutory interpretation, fundamental issues of theory and practice in Vietnam”], https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2008/10/12/1821/, accessed on 10/05/2018
Tác giả: Phạm Thị Phương Thảo – Giảng viên ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02(123)/2019 – 2019, Trang 12-17
Trả lời