Mục lục
Bản chất của nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua các bản Hiến pháp
Tác giả: Lê Minh Tâm
Bản chất của nhà nước là vấn đề hết sức quan trọng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tính chất Nhà nước là vấn đề cơ bản của Hiến pháp. Đó là vấn đề nội dung giai cấp của chính quyền. Chính quyền về tay ai và phục vụ quyền lợi của ai? Điều đó quyết định toàn bộ nội dung của Hiến pháp”. Các hiến pháp nước ta đều có những điều khoản để xác định rõ bản chất của nhà nước. Hiến pháp năm 1946 xác định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (Điều 1). Quy định này của Hiến pháp đã khẳng định rõ bản chất của Nhà nước ta là một nhà nước dân chủ nhân dân, thể hiện quyền lực nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà biểu hiện ở sự kết hợp hài hoà giữa tính giai cấp, tính dân tộc và tính nhân dân: Đó là nhà nước do giai cấp công nhân lãnh đạo, đề cao tinh thần đoàn kết rộng rãi toàn dân, đảm bảo các quyền tự do dân chủ và thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Tính chất này của nhà nước tiếp tục được ghi nhận và phát triển trong các hiến pháp sau đó.
Xem thêm bài viết về “Bản chất nhà nước”
- Bản chất, chức năng và hình thức Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Nguồn gốc, Bản chất, Đặc điểm và Hình thức của Nhà nước – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
1. Bản chất nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Hiến pháp 1959
Hiến pháp năm 1959 khẳng định nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là một nước dân chủ nhân dân (Điều 2), một nhà nước thống nhất gồm nhiều dân tộc (Điều 3). Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân (Điều 4). Tất cả các cơ quan nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân. Tất cả các nhân viên cơ quan nhà nước đều phải trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, tuân theo Hiến pháp và pháp luật, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân (Điều 6). Nhà nước nghiêm cấm và trừng trị mọi hành động phản quốc, chống lại chế độ dân chủ nhân dân (Điều 7). Như vậy, Hiến pháp năm 1959 đã khẳng định rõ mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân, quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và nhân viên nhà nước trước Tổ quốc và nhân dân, ghi rõ phương thức thực hiện quyền lực nhân dân, xác lập chế độ dân chủ và chuyên chính với mọi hành động xâm hại tới chế độ dân chủ và quyền lực của nhân dân.
2. Bản chất nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Hiến pháp 1980
Hiến pháp năm 1980 khẳng định bản chất Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước chuyên chính vô sản… thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động (Điều 2). Tất cả các cơ quan nhà nước và nhân viên nhà nước phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nghiêm cấm mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền (Điều 8). Như vậy, Hiến pháp năm 1980 đã quy định một cách mạnh mẽ và toàn diện hơn về bản chất và mục tiêu của Nhà nước ta. Đồng thời, trong Chương I, Hiến pháp năm 1980 còn ghi nhận những nguyên tắc và quy định quan trọng xác lập những mối quan hệ giữa Nhà nước với các tổ chức chính trị – xã hội, bảo đảm cho việc tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước phù hợp với bản chất đó (trong các điều 4, 5, 7, 8, 12, 13).
3. Bản chất nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Hiến pháp 1992
Hiến pháp năm 1992 và những sửa đổi, bổ sung năm 2001 đã ghi nhận một cách đầy đủ, sâu sắc bản chất và mục tiêu của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp ghi nhận: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Mục tiêu của Nhà nước là bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân (Điều 3)…
4. Bản chất nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Hiến pháp 2013
Kế thừa và phát triển những quy định của Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, được sửa đổi, bổ sung năm 2001, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục quy định bản chất của Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nhưng bố sung và phát triển nguyên tắc quyền làm chủ của nhân dân: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” (khoản 2 Điều 2) và nguyên tắc kiểm soát quyền lực: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (khoản 3 Điều 2).
Như vậy, bản chất của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân với mục tiêu xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đi sâu vào những quy định cụ thể trong Chương I của Hiến pháp năm 2013, bản chất và mục tiêu của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thể hiện ở những điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, Nhà nước ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa, lấy liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nền tảng, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội là nguyên tắc hiến định. Đây là đặc điểm thể hiện tính giai cấp của Nhà nước và sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính giai cấp với tính dân tộc và tính nhân dân.
Thứ hai, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước: Quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân, do nhân dân tổ chức ra và vì lợi ích của nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Việc tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước phải theo Hiến pháp và pháp luật; Nhà nước quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.
Thứ ba, dân chủ là thuộc tính của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia đông đảo vào các công việc của Nhà nước và xã hội.
Thứ tư, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước thống nhất của các dân tộc Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỷ thị, chia rẽ dân tộc.
Thứ năm, mục tiêu của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Nhà nước thực hiện chính sách hoà bình, hữu nghị, mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội khác nhau, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào các công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi.
Xem thêm bài viết về “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”
- Chính thể của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam – GS.TS. Lê Minh Tâm
- Phân tích chức năng bảo vệ Tổ quốc của Nhà nước CHXNCN Việt Nam – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Hình thức của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Phân tích các đặc điểm của Bộ máy Nhà nước CHXHCN Việt Nam – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Phân tích chức năng kinh tế của Nhà nước CHXNCN Việt Nam – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời