• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Án lệ trong tình hình mới – Nhìn lại định hướng phát triển án lệ của TANDTC

Án lệ trong tình hình mới – Nhìn lại định hướng phát triển án lệ của TANDTC

12/05/2020 23/05/2021 ThS. Châu Hoàng Thân Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Khái niệm án lệ
  • 2. Căn cứ pháp lý xây dựng và phát triển án lệ tại Việt Nam
  • 3. Những định hướng cần hoàn thiện trong xây dựng và phát triển án lệ ở Việt Nam
    • 3.1. Nguồn tạo lập án lệ
    • 3.2. Tính bắt buộc của án lệ
    • 3.3. Cách ghi tên án lệ khi trích dẫn
    • 3.4. Tập hợp và công bố án lệ
  • 4. Kết luận
  • CHÚ THÍCH

Án lệ trong tình hình mới – nhìn lại định hướng phát triển án lệ của TANDTC: Bên cạnh đó, bài viết sẽ phân tích và kiến nghị các vấn đề cụ thể trong xây dựng và phát triển án lệ bao gồm phạm vi tạo lập án lệ, tính bắt buộc của án lệ, cách viết tên án lệ và tập hợp, công bố án lệ…

Án lệ trong tình hình mới – Nhìn lại định hướng phát triển án lệ của TANDTC

  • Án lệ là gì? Phân tích khái niệm Án lệ (Tiền lệ pháp)?
  • [TUYỂN TẬP] Đề thi môn Án lệ và Tập quán pháp
  • Một số vấn đề lý luận về án lệ trong hệ thống thông luật – ThS. Đỗ Thành Trung
  • Bàn về hiệu lực thời gian của Án lệ – ThS. Đỗ Thành Trung
  • Từ định hướng về Án lệ tại Việt Nam: Đề xuất cách viết án lệ theo kinh nghiệm của các quốc gia thông luật – TS. Đỗ Thị Mai Hạnh
  • Bình luận án lệ số 09/2016/AL – Lãi chậm trả trong quan hệ thương mại – PGS.TS. Đỗ Văn Đại
  • Bình luận án lệ 02/2016/AL: Đứng tên giùm người nước ngoài mua bất động sản – PGS.TS. Đỗ Văn Đại
  • Tổng quan phương pháp giảng dạy qua án trong chuyên ngành luật từ các nước trong hệ thống thông luật và dân luật – TS. Phan Nhật Thanh

TỪ KHÓA: Án lệ, Tòa án nhân dân tối cao,

TÓM TẮT

Thời gian gần đây, thuật ngữ án lệ đã chính thức được thừa nhận trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Việc thừa nhận này đã đánh dấu thành công trong việc nâng cao hoạt động xét xử của Tòa án và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Ghi nhận thuật ngữ án lệ vào luật không đồng nghĩa với việc mang bản chất án lệ của thông luật áp dụng vào Việt Nam. Bài viết nhằm đánh giá định hướng phát triển án lệ trong Quyết định số 74/QĐ-TANDTC ngày 31/10/2012 về việc phê duyệt đề án “Phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao” trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, bài viết sẽ phân tích và kiến nghị các vấn đề cụ thể trong xây dựng và phát triển án lệ bao gồm phạm vi tạo lập án lệ, tính bắt buộc của án lệ, cách viết tên án lệ và tập hợp, công bố án lệ.

1. Khái niệm án lệ

Tiền lệ pháp (precedents) là một trong những hình thức pháp luật cơ bản (cùng với tập quán pháp và văn bản quy phạm pháp luật) được sử dụng khá phổ biến trên thế giới, nhất là ở các nước theo hệ thống thông luật (common law system). Tùy thuộc vào hệ thống pháp luật của từng quốc gia mà vị trí thứ bậc của các hình thức này có khác biệt. Việt Nam về cơ bản chỉ thừa nhận hình thức văn bản quy phạm pháp luật (tuy một số lĩnh vực như dân sự, hôn nhân gia đình vẫn cho phép áp dụng luật tập quán). Đối với các nước theo hệ thống Thông luật thì văn bản quy phạm pháp luật vẫn được xem là nguồn chính, sau đó đến tiền lệ pháp và luật tập quán. Đối với các nước theo hệ thống dân luật, so với văn bản quy phạm pháp luật thì luật tập quán được xem là nguồn thứ cấp, và tiền lệ pháp vẫn có thể áp dụng ở mức độ nhất định.[1]

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Những phát triển mới của Luật Biển quốc tế dưới ánh sáng của một số án lệ gần đây
  • Bình luận án lệ số 09/2016/AL - Lãi chậm trả trong quan hệ thương mại
  • Từ định hướng về Án lệ tại Việt Nam: Đề xuất cách viết án lệ theo kinh nghiệm của các quốc gia thông luật
  • Một số tranh chấp phổ biến liên quan đến tình trạng pháp lý của tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất từ thực tiễn giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án nhân dân tối cao
  • Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình
  • Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới
  • Hợp đồng hành chính vô hiệu theo quy định của luật công
  • Áp dụng án lệ hay quy định của pháp luật để giải quyết tranh chấp đổi đất nông nghiệp
  • Người tham gia tố tụng theo pháp luật hình sự một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 nhằm bảo đảm quyền con người trong hoạt động của Tòa án nhân dân

Nhìn từ góc độ lịch sử, tiền lệ pháp xuất pháp từ Anh (thời kỳ vua Herry II, năm 1154) do luật tập quán được áp dụng trên nhiều vùng lãnh thổ nước Anh không thống nhất, gây khó khăn trong quá trình xét xử của thẩm phán và ảnh hưởng đến tính công bằng. Các thẩm phán được giao trách nhiệm trao đổi, thảo luận các vấn đề về luật pháp, tập quán, đánh giá điểm mạnh, yếu trong quy định của từng vùng, miền. Sau đó, các thẩm phán chọn những vụ việc hợp lý, có tính thuyết phục cao để làm cơ sở cho các vị thẩm phán tham khảo khi xét xử các vụ việc tương tự xảy ra sau này. Tiền lệ pháp được hình thành. Đó là sự kết hợp giữa hai thuật ngữ “tiền lệ” và “pháp”, tức là tiền lệ hình thành nên các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung.

Án lệ cũng là một thuật ngữ pháp lý phổ biến và đôi khi cũng được sử dụng để nói về tiền lệ pháp. Tuy nhiên, cách hiểu về hai thuật ngữ này có đôi chút khác biệt. Tiền lệ pháp được sử dụng như một trong ba hình thức pháp luật nhằm xác định vị trí, thứ bậc cũng như mối tương quan giữa văn bản quy phạm pháp luật và tập quán pháp, đây là một cách làm luật. Án lệ chỉ l tuyển tập các bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhằm áp dụng cho những trường hợp có tình tiết tương tự.

Ở Việt Nam hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang triển khai thực hiện chiến lược phát triển án lệ theo Quyết định số 74/QĐ-TANDTC ngày 31/10/2012 về việc phê duyệt đề án “Phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao” (sau đây gọi là Quyết định số 74/QĐ-TANDTC) nêu ra khái niệm án lệ như sau: “Án lệ là bản án, quyết định của Tòa án chứa đựng sự giải thích, áp dụng pháp luật được Tòa án vận dụng giải quyết vụ án có nội dung tương tự”. Theo khái niệm này thì cách hiểu về tiền lệ pháp và án lệ của Việt Nam không khác biệt so với cách hiểu trong hệ thống thông luật. Tuy nhiên, có một số vấn đề cần phải lưu ý khi ban hành án lệ:

Thứ nhất, chủ thể tạo lập và ban hành án lệ là Tòa án, chủ thể vận dụng pháp luật để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong xã hội. Án lệ là sự sáng tạo trong áp dụng pháp luật của thẩm phán khi giải quyết một vấn đề pháp lý cụ thể. Theo thông luật, Tòa án ngoài chức năng xét xử còn thực hiện hai chức năng: giải thích luật và làm luật. Có nghĩa là nếu luật quy định không rõ hoặc không có luật quy định đối với một quan hệ xã hội mà Tòa án thấy cần thiết phải điều chỉnh, Tòa án sẽ thực hiện việc giải thích luật hoặc làm luật. Điều này làm cho án lệ có tính khả thi cao và đồng thời giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, không phải tất cả các Tòa án đều được quyền ban hành án lệ mà chỉ những cấp tòa được quy định, thường tập trung nhiều vào Tòa án tối cao. Ví dụ: trong hệ thống Tòa án nước Pháp chỉ có Tòa Phá án (Cour de Casation) trong hệ thống Tòa án tư pháp và Hội đồng Nhà nước (Conseil d’Etat) trong hệ thống Tòa án hành chính được quyền tạo lập án lệ.[2]

Thứ hai, án lệ được hình thành trong quá trình xét xử của Tòa án, bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án. Chính đặc điểm này tạo nên nét riêng của án lệ so với các nguồn luật khác. Án lệ không giả định như quy phạm pháp luật, cũng không thừa nhận những cái sẵn có từ lâu như tập quán pháp mà xuất phát từ nhu cầu thực tế, từ vấn đề pháp lý tại một thời điểm nhất định để hình thành nguyên tắc. Tuy nhiên, bản án nào được công nhận là án lệ tùy thuộc vào quy định của mỗi nước.

Thứ ba, bản án, quyết định trở thành án lệ phải có tính chuẩn mực, tạo ra nguyên tắc trong quá trình xét xử. Những chuẩn mực, nguyên tắc đó được hình thành phổ biến thông qua việc giải thích pháp luật trong bản án, quyết định.

Thứ tư, án lệ phải được dùng làm căn cứ giải quyết các vụ việc tương tự xảy ra sau này. Án lệ hình thành từ vấn đề pháp lý vì vậy khi vụ việc xảy ra sau này có những tình tiết và vấn đề pháp lý tương tự sự việc ban đầu thì án lệ được áp dụng. Nói cách khác đây là tính lặp lại của án lệ, được áp dụng nhiều lần trở thành lệ.

Thứ năm, án lệ được tập hợp và công bố theo một trình tự riêng do Tòa án thực hiện. Việc tập hợp và công bố án lệ hoàn toàn riêng biệt với việc công bố các văn bản quy phạm pháp luật. Từ việc đặt tên, cách thức sắp xếp và công bố án lệ thực hiện theo một trình tự riêng.

Thứ sáu, án lệ có tính cụ thể cao. Chính vì án lệ được hình thành trong quá trình xét xử của Tòa án; từ bản án, quyết định cụ thể của Tòa án đã tạo nên đặc điểm trên. Nhờ tính cụ thể cao nên cá nhân, tổ chức rất dễ dàng khi tiếp cận án lệ, có thể hiểu rõ quyền và nghĩa vụ trong trường hợp cụ thể, có thể dự đoán kết quả vụ án.

2. Căn cứ pháp lý xây dựng và phát triển án lệ tại Việt Nam

Trong những năm 1950, khi miền Bắc vừa giải phóng, đất nước chia cắt hai miền, tình hình pháp luật còn ngổn ngang, một số các văn bản pháp lý đã quy định áp dụng án lệ. Cụ thể như: Thông tư của Thủ tướng Chính phủ số 442/TTG ngày 19/1/1955 về việc Trừng trị một số tội phạm, Thông tư số 19-VHH ngày 30/6/1955 của Bộ Tư pháp về việc Áp dụng luật lệ, Chỉ thị số 772-TATC ngày 10/7/1959 của Tòa án nhân dân tối cao về vấn đề Đình chỉ áp dụng luật pháp cũ của đế quốc và phong kiến, Thông tư số 92-TC ngày 11/11/1959 của Bộ Tư pháp – Tòa án nhân dân tối cao giải thích và quy định cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn của các Tòa án nhân dân phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh. Tuy nhiên, khi đất nước thống nhất, từ năm 1975 thì án lệ không xuất hiện trong các văn bản pháp luật và thực tiễn xét xử. Nói cách khác, giai đoạn này pháp luật không thừa nhận án lệ.

Từ năm 2005, định hướng phát triển án lệ ở nước ta có những chuyển biến tích cực nhưng chỉ thông qua các chỉ đạo, định hướng trong Nghị quyết của Đảng. Qua quá trình nghiên cứu và triển khai tinh thần chỉ đạo, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 74/QĐ-TANDTC. Mặc dù không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng Quyết định thể hiện rõ định hướng phát triển án lệ của nước ta và có ảnh hưởng mạnh mẽ trong hệ thống tòa án. Hiến pháp năm 2013 dù không quy định về án lệ nhưng khoản 3 Điều 104 quy định: “Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để Tòa án nhân dân tối cao triển khai áp dụng án lệ. Ngoài ra, Luật Phá sản năm 2014 là văn bản đầu tiên quy định cụ thể thẩm phán được quyền tham khảo bản án, quyết định trong quá trình giải quyết vụ việc (khoản 14, Điều 9).

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã chính thức ghi nhận thuật ngữ án lệ. Điểm c khoản 2 Điều 22 quy định: “Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao… lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Khoản 5 Điều 27 quy định: “Chánh án Tòa án nhân dân tối cao… chỉ đạo việc tổng kết thực tiễn xét xử, xây dựng và ban hành Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; tổng kết phát triển án lệ, công bố án lệ”. Những quy định về án lệ trong đạo luật này đã khẳng định mạnh mẽ và chắc chắn việc xây dựng, áp dụng án lệ ở nước ta.

3. Những định hướng cần hoàn thiện trong xây dựng và phát triển án lệ ở Việt Nam

Quyết định số 74/QĐ-TANDTC xác định rất rõ mục tiêu, quan điểm và định hướng xây dựng, áp dụng án lệ ở Việt Nam. Hiện nay, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã có hiệu lực thi hành với nhiều thay đổi trong quy định về tổ chức tòa án và thẩm quyền xét xử thì việc nhìn lại những định hướng trong xây dựng và áp dụng án lệ tại Quyết định số 74/QĐ-TANDTC trở nên cấp thiết để có thể xác định thống nhất các vấn đề xây dựng và áp dụng án lệ trong thời gian tới.

3.1. Nguồn tạo lập án lệ

Trong quan điểm chỉ đạo phát triển án lệ tại Quyết định số 74/QĐ-TANDTC thì Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Quyết định giám đốc thẩm của Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua trở thành án lệ có giá trị tham khảo đối với Thẩm phán khi giải quyết các vụ việc cụ thể. Định hướng trên đã không còn phù hợp bởi theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì Tòa án nhân dân tối cao sẽ không còn tổ chức các tòa chuyên trách.[3] Định hướng của Quyết định không đề cập quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi áp dụng theo thủ tục đặc biệt là xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao,[4] trong khi quyết định đó có trường hợp sẽ chỉ ra sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật của quyết định giám đốc thẩm. Bên cạnh đó, điểm c khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định: Hội đồng thẩm phán sẽ lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Như vậy, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 xác định ngoài quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán thì các bản án, quyết định khác vẫn có thể được lựa chọn để phát triển thành án lệ. Có thể nói, nguồn hình thành án lệ đã được mở rộng hơn. Nhưng vấn đề là “bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật” là bản án, quyết định của tòa cấp nào? Nếu thừa nhận tất cả bản án, quyết định của tòa các cấp liệu có quá tùy tiện trong lựa chọn nguồn án lệ vì hiện nay đa phần các quốc gia trong cả hệ thống thông luật[5] và dân luật[6] chỉ trao quyền tạo lập án lệ cho Tòa tối cao và một số ít các tòa cấp dưới. Bên cạnh đó, một thực trạng cần nhìn nhận là chất lượng của bản án, quyết định của các Tòa án địa phương ở nước ta còn thấp. Cụ thể trong năm 2014, tỉ lệ án hình sự bị hủy là 0.6% (nguyên nhân chủ quan 0.36%), đối với các vụ việc dân sự tỉ lệ bản án, quyết định bị hủy là 1% (nguyên nhân chủ quan là 0.9%), tỉ lệ này đối với các vụ án hành chính là 4.64% (nguyên nhân chủ quan là 3.77%). Đặc biệt, nguyên nhân chủ quan luôn chiếm tỉ lệ rất cao trong tổng số bản án, quyết định bị hủy.[7] Ngoài ra, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đánh giá một số vụ án hình sự còn có mâu thuẫn trong các tài liệu, chứng cứ, nhưng cấp sơ thẩm chưa làm rõ. Đáng lưu ý, trong một số vụ án hình sự, việc xác định tội danh, đánh giá chứng cứ, quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt… được thực hiện chưa chính xác do lỗi chủ quan về năng lực cũng như nhận thức của các thẩm phán.[8] Dẫu biết rằng, chỉ một phần trong bản án, quyết định được công nhận có khả năng trở thành án lệ chứ không phải toàn bộ bản án, quyết định nhưng trước thực trạng chất lượng bản án, quyết định nêu trên nếu xác định phạm vi tạo lập án lệ là bản án, quyết định của tòa các cấp (gồm cả cấp huyện, cấp tỉnh, cấp cao và tối cao) thì ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của án lệ.

Chính vì những lý do trên, chúng tôi cho rằng phạm vi bản án, quyết định tạo lập án lệ ở thời điểm hiện nay chỉ bao gồm: quyết định theo thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các quyết định giám đốc thẩm, bản án của Tòa án nhân dân cấp cao.[9] Việc thiết lập các nguồn tạo lập án lệ như trên phù hợp với tinh thần quy định trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 vì có cả quyết định và bản án của Tòa án chứ không chỉ quyết định giám đốc thẩm. Điều này cũng đảm bảo chất lượng các bản án, quyết định được lựa chọn bởi Tòa án nhân dân cấp cao được thành lập dựa trên các tòa chuyên trách của Tòa án nhân dân tối cao (các thẩm phán đã từng là thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao); các quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao có khi được ban hành thông qua hội đồng xét xử gồm toàn thể Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao.[10] Việc chỉ lựa chọn bản án, quyết định của Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân cấp cao cũng phù hợp với xu thế chung của các quốc gia đang áp dụng án lệ. Tuy nhiên, việc lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để phát triển thành án lệ cũng gây những e ngại nhất định về hiệu lực của nó vì quyết định này có thể bị hủy bỏ, không phải là quyết định cuối cùng.[11]

3.2. Tính bắt buộc của án lệ

Quyết định số 74/QĐ-TANDTC ngày 31/10/2012 định hướng về giá trị của án lệ như sau: điểm a khoản 3 mục I Điều 1: “Các Tòa án được khuyến khích viện dẫn án lệ của Tòa án nhân dân tối cao”. Quyết định đã nêu tinh thần là tham khảo, viện dẫn án lệ. Tuy nhiên, tinh thần này của Quyết định đã không có sự nhất quán khi đồng thời nêu lên tính bắt buộc của án lệ. Cụ thể, theo điểm b khoản 3 mục I Điều 1 “Nếu không áp dụng án lệ thì phải chỉ ra lý do trong trường hợp không áp dụng án lệ đó và tự chịu trách nhiệm trong trường hợp không viện dẫn án lệ liên quan đến vụ việc mình đang xét xử”. Điều này có nghĩa là thẩm phán phải nêu ra lý do chính đáng trong việc không áp dụng án lệ đã có. Ngoài ra, điểm c khoản 4 mục II Điều 1 Quyết định quy định “Nếu thẩm phán có nhiều quyết định bị hủy, sửa mà có lỗi là không viện dẫn án lệ liên quan đã được Tòa án nhân dân tối cao công bố thì sẽ không được tái bổ nhiệm”. Từ các định hướng trên thật khó tìm ra câu trả lời là việc áp dụng án lệ trong xét xử là khuyến khích hay bắt buộc. Bởi khuyến khích là quyền viện dẫn hoặc không tùy thuộc thẩm phán, hội đồng xét xử nhưng khi khuyến khích như vậy sẽ có sự tùy tiện trong áp dụng và không phát huy được giá trị của án lệ trong xét xử.

Nhằm đảm bảo tính thống nhất và giá trị của án lệ, tạo sự độc lập, chủ động trong quá trình xét xử, chúng tôi kiến nghị: “Khi giải quyết các vụ án có các tình tiết, vấn đề pháp lý tương tự thì thẩm phán, hội đồng xét xử bắt buộc tham khảo các án lệ có liên quan đã công bố. Tuy nhiên, bản án, quyết định của vụ án không bị ràng buộc bởi án lệ đã tham khảo”. Điều này phản ánh mục tiêu trong áp dụng án lệ là củng cố căn cứ, lập luận trong quá trình giải quyết vụ án và đảm bảo tính linh hoạt trong xét xử.

3.3. Cách ghi tên án lệ khi trích dẫn

Quyết định số 74/QĐ-TANDTC không đề cập việc viết tên án lệ khi trích dẫn như thế nào. Đây là vấn đề quan trọng vì ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu trữ, tìm kiếm và trích dẫn án lệ.

Đặt tên án lệ là cách thức người Anh đã thực hiện để quản lý nguồn luật án lệ của mình từ lúc có tuyển tập án lệ đầu tiên ra đời khoảng năm 1865.[12] Án lệ ở Anh có cách viết tên đầy đủ khi trích dẫn được sắp xếp theo công thức: tên của nguyên đơn; v là versus: kiện; tên của bị đơn, năm bản án được tuyên trong ngoặc đơn (hoặc năm án lệ được công bố trong ngoặc vuông), số quyển của tuyển tập, tên của tuyển tập (thường được viết gọn bằng chữ cái đầu in hoa) và trang đầu tiên của án lệ. Ví dụ như: Cozens v Brutus [1973] 25 AC 854. Án lệ này được hiểu là: Nguyên đơn Cozens kiện Bị đơn Brutus, bản án trở thành án lệ vào năm 1973, tại tuyển tập AC số 25, trang đầu tiên của án lệ là trang 854. Cách viết tên rút gọn khi trích dẫn án lệ này là Cozens v Brutus.[13] Trường hợp là án lệ hình sự, thì trình bày: R v Brown [1994] 1 AC 212.[14] Các thông tin trong án lệ cũng giống như án lệ trong dân sự, nhưng khác biệt là “R v…” với ý nghĩa R là Rex là King: nhà vua hoặc Regina là Queen: nữ hoàng; v là versus: kiện, sau đó là tên của bị cáo. Cách ghi trích dẫn rút gọn của án lệ trên là R v Brown. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng vấn đề đặt tên của bị cáo trong án lệ hình sự, nguyên đơn và bị đơn trong án lệ dân sự là vấn đề cần suy nghĩ lại bởi việc đặt tên đó ảnh hưởng đến đời sống của họ cũng như những người liên quan họ về sau. Đồng thời khi tìm kiếm án lệ thì câu hỏi đặt ra là tìm án lệ về vấn đề pháp lý nào chứ không phải tìm án lệ về người nào.

Từ những vấn đề trên, chúng tôi đề xuất cách viết tên đầy đủ của án lệ gồm các thành tố sau: số thứ tự án lệ ban hành trong năm của lĩnh vực đó; [15] viết tắt án lệ trong lĩnh vực nào – năm công bố án lệ; tòa án ban hành bản án, quyết định trở thành án lệ – vấn đề pháp lý cơ bản hình thành án lệ (dựa trên cơ sở là quy phạm pháp luật cần giải thích, áp dụng) –  tên tập án lệ – số tập án lệ – số trang bắt đầu trong tập án lệ. Ví dụ: 01/HS-2015/TANDTC – cướp giật tài sản – Hình sự – 02 – 100 (nghĩa là án lệ hình sự số 01 công bố năm 2015 từ quyết định của Tòa án nhân dân tối cao về cướp giật tài sản, được xuất bản trong tập 02 của án lệ hình sự và bắt đầu từ trang 100); hoặc án lệ trong dân sự thì 02/DS-2015/TANDCC – Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất – Dân sự – 01 – 110 (nghĩa là án lệ dân sự số 02 trong năm 2015 từ bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao về hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, được xuất bản trong tập 01 của án lệ dân sự và bắt đầu từ trang 110). Trường hợp trích dẫn ngắn gọn thì chỉ cần nêu tên rút gọn của án lệ bao gồm các thành tố sau: số thứ tự của án lệ/chữ viết tắt lĩnh vực án lệ – số tập án lệ/năm công bố án lệ. Ví dụ: 24/HS-02/2015 nghĩa là án lệ số 24 trong tập án lệ hình sự số 02 công bố năm 2015.

Tên án lệ khi trích dẫn bao gồm vấn đề pháp lý hình thành án lệ sẽ giúp công tác quản lý, tra cứu nhanh chóng, thuận tiện. Đồng thời thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa án lệ với văn bản quy phạm pháp luật và thuận lợi cho việc pháp điển hóa khi cần thiết.

3.4. Tập hợp và công bố án lệ

Quyết định số 74/QĐ-TANDTC xác định án lệ được công bố theo hai phương thức là trên website của Tòa án nhân dân tối cao và xuất bản các ấn phẩm “Tuyển tập án lệ”. Tuy nhiên, những định hướng trong Quyết định này chưa thật cụ thể, rõ ràng. Theo tác giả, khi tập hợp, công bố và quản lý dữ liệu án lệ ở nước ta cần bổ sung một số nội dung cụ thể sau:

Thứ nhất, cần xác định rõ cơ cấu, tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Ban tuyển tập án lệ. Quyết định chỉ dừng lại ở việc thành lập Ban tuyển tập án lệ nhưng nội dung chi tiết về Ban này chưa rõ ràng. Nhiệm vụ tập hợp và quản lý các dữ liệu về án lệ cần được trao cho Ban tuyển tập án lệ nhằm đảm bảo dữ liệu được cập nhật thường xuyên và chính xác.

Thứ hai, trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao phải xây dựng một chuyên mục án lệ, song song đó, thiết lập danh mục án lệ điện tử để quản lý và cập nhật thông tin liên tục. Danh mục án lệ điện tử được thiết lập theo danh mục của từng lĩnh vực án lệ, gồm các dữ liệu sau: số thứ tự, số án lệ,[16] tên án lệ,[17] ngày án lệ được ban hành, số bản án, quyết định gốc hình thành án lệ, và tình trạng hiệu lực của án lệ[18]. Danh mục này phải được cập nhật hằng ngày. Trường hợp án lệ sau thay thế án lệ đã có hoặc quyết định của Hội đồng thẩm phán tuyên bố bãi bỏ các án lệ đều phải được cập nhật vào tình trạng hiệu lực của án lệ trong danh mục án lệ điện tử. Tuyển tập án lệ trong lĩnh vực của các án lệ bị bãi bỏ phải đăng ngay quyết định bãi bỏ án lệ, án lệ mới trong số xuất bản gần nhất.

Thứ ba, công bố án lệ được thực hiện bằng cả hai cách, sớm nhất trên trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao và xuất bản các ấn phẩm “Tuyển tập án lệ”. Các tuyển tập án lệ được xuất bản và đánh số theo từng lĩnh vực,[19] được phát hành đến tất cả các cấp tòa. Về thời lượng xuất bản, Quyết định số 74/QĐ-TANDTC định hướng án lệ được công bố theo quý trong năm. Các án lệ được đăng trong tuyển tập án lệ là nguồn trích dẫn chính thống được áp dụng trong hoạt động xét xử của tòa án. Song song việc công bố án lệ thì phải nhanh chóng triển khai việc công bố các bản án, quyết định của tòa án các cấp. Việc xuất bản các tuyển tập án lệ có thể giao cho Tạp chí Tòa án nhân dân và Ban biên tập Tạp chí cần xây dựng chuyên mục bình luận án lệ.

4. Kết luận

Bài viết đưa ra những đóng góp chi tiết cho công tác xây dựng và phát triển án lệ trong tình hình mới hiện nay, khi án lệ chắc chắn sẽ áp dụng ở Việt Nam trong một vài năm tới. Cách viết tên án lệ, việc thiết lập danh mục án lệ điện tử là những vấn đề nhỏ nhưng có giá trị rất lớn đến việc quản lý, lưu trữ, tìm kiếm và sử dụng án lệ. Nguồn tạo lập án lệ là vấn đề cần mở rộng nghiên cứu bởi những khác biệt trong quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 với định hướng phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao tại Quyết định số 74/QĐ-TANDTC. Việc triển khai áp dụng án lệ có ý nghĩa quan trọng trong hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, phù hợp với xu hướng phát triển của pháp luật thế giới.

CHÚ THÍCH

[1] Nguyễn Văn Cường (2014), “Triển khai phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao”, kỷ yếu Hội thảo án lệ trong hệ thống Thông luật và châu Âu lục địa: Hiến kế cho việc xây dựng và áp dụng án lệ tại Việt Nam, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh, ngày 25/4/2014, tr. 14.

[2] Nguyễn Văn Nam, Lý luận và thực tiễn về án lệ trong hệ thống pháp luật của các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức và những kiến nghị đối với Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, 2012, tr. 232.

[3] Điều 21 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao gồm: Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bộ máy giúp việc và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

[4] Thủ tục đặc biệt xem xét lại Quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được quy định chi tiết trong hai ngành tố tụng, tại Chương XV Luật Tố tụng hành chính năm 2010 và Chương XIXa Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011. Đây là thủ tục rất đặc biệt trong tố tụng của Việt Nam, bởi cả quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng có thể bị hủy. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng và áp dụng án lệ ở nước ta.

[5] Điển hình ở nước Anh, trong hệ thống tòa án Anh chỉ có Hight Court (Tòa Cấp cao), Court of appeal (Tòa phúc thẩm) và Supreme Court (Tòa án tối cao Vương quốc liên hiệp Anh) được quyền tạo lập án lệ. Các quyết định của Magistrate Courts (Tòa vi cảnh), County Courts (Tòa án quận) và Crown Courts (Tòa Hoàng gia) không thể trở thành án lệ.

[6] Điển hình ở nước Pháp, Tòa án chia thành hai hệ thống là ordre judiciaire (hệ thống tòa án tư pháp) và ordre administratif (hệ thống tòa án hành chính). Chỉ có Tòa án tối cao trong mỗi hệ thống được quyền tạo lập án lệ, đó là: Cour de Cassation (Tòa phá án) và Conseil d’Etat (Hội đồng Nhà nước).

[7] Tòa án nhân dân tối cao, “Tài liệu Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2015”, Hà Nội, tháng 01 năm 2015, tr. 3.

[8] Lê Anh Đức (2015), “Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Không được để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm,”  http://daidoanket.vn/PrintPreview.aspx?ID=98459 [truy cập ngày 28/01/2015].

[9] Điều 29 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Tại thời điểm hiện nay, khi chúng ta chỉ mới bắt đầu xây dựng, áp dụng án lệ thì phạm vi tạo lập án lệ nên có giới hạn nhất định. Sau này, khi án lệ đã phát triển, chất lượng các bản án, quyết định của tòa các cấp đã có những thay đổi tích cực thì việc xem xét các bản án, quyết định của tòa cấp dưới hãy nên xem xét.

[10] Điều 32 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

[11] Cụ thể, Điều 240 Luật Tố tụng hành chính năm 2010 quy định về việc áp dụng thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Điều 310b Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 cũng quy định thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, Quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao có thể bị hủy, không phải là quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, ở những nước có nền án lệ phát triển, như nước Anh thì việc xem xét lại các quyết định của Thượng nghị viện Anh là điều không cho phép, trừ khi chính bản thân Thượng nghị viện Anh bãi bỏ các án lệ của chính nó. Ở Anh đã tồn tại một nguyên tắc “Quyết định của Thượng nghị viện là chung thẩm, không phải vì nó đúng mà không ai có quyền tuyên bố nó sai” (nguyên văn: “Decision of House of Lords is final not because it is right but because no one can say it is wrong). Xem: Wesley-Smith, Peter, “Theory Of Adjudication And The Status Of Stare Decisis”, in Precedent In Law, Edited by Laurence Goldstein, Clarendon Press, Oxford, 1987.p.77. (Dẫn theo Nguyễn Văn Nam (2011), Khái quát lịch sử áp dụng án lệ một số nước trên thế giới, Chuyên đề 3, Đề tài Triển khai án lệ vào công tác xét xử của Tòa án Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của Tòa án nhân dân tối cao).

[12] Michael Zander, The Law-Making Process, 6th ed, 2004, p.307; Terence Ingman, The English Legal Process, 9th ed, 2002, p. 434.

[13] Đỗ Thị Mai Hạnh, “Từ định hướng về án lệ tại Việt Nam: Đề xuất cách viết án lệ theo kinh nghiệm của các quốc gia Thông luật”, bài viết tham gia Hội thảo Án lệ trong hệ thống Thông luật và châu Âu lục địa: hiến kế cho việc xây dựng và áp dụng án lệ tại Việt Nam, Trường ĐH luật Tp. Hồ Chí Minh, ngày 25/4/2014.

[14].https://www.princeton.edu/~ereading/ReginaVBrown.pdf [truy cập ngày 15/01/2015].

[15] Lĩnh vực án lệ nên được chia dựa theo cách ghi trong bản án, quyết định hiện nay như: Dân sự (DS), Hình sự (HS), Kinh tế (KT), Lao động (LĐ), Hành chính (HC), Hôn nhân và gia đình (HNGĐ).

[16] Số án lệ sẽ là tên rút gọn của án lệ theo kiến nghị tại mục 3.3.

[17] Đây là tên đầy đủ của án lệ theo đề xuất tại mục 3.3, khi người tra cứu truy cập vào tên án lệ thì toàn bộ file nội dung án lệ sẽ hiển thị.

[18] Tình trạng hiệu lực này phải được cập nhật liên tục, hàng ngày.

[19] Lĩnh vực các tuyển tập án lệ gồm: Tuyển tập án lệ Dân sự (DS), Tuyển tập án lệ Hình sự (HS), Tuyển tập án lệ Kinh tế (KT), Tuyển tập án lệ Lao động (LĐ), Tuyển tập án lệ Hành chính (HC), Tuyển tập án lệ Hôn nhân và gia đình (HNGĐ).

Tác giả: Châu Hoàng Thân – ThS, giảng viên, Trường ĐH Cần Thơ.

Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 09(94)/2015 – 2015, Trang 64-70

Like Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu/

Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Một số tranh chấp phổ biến liên quan đến tình trạng pháp lý của tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất từ thực tiễn giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án nhân dân tối cao
Một số tranh chấp phổ biến liên quan đến tình trạng pháp lý của tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất từ thực tiễn giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án nhân dân tối cao
Sử dụng án lệ trong đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư tại Học viện Tư pháp
Sử dụng án lệ trong đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư tại Học viện Tư pháp
Áp dụng án lệ hay quy định của pháp luật để giải quyết tranh chấp đổi đất nông nghiệp
Áp dụng án lệ hay quy định của pháp luật để giải quyết tranh chấp đổi đất nông nghiệp
Những phát triển mới của Luật Biển quốc tế dưới ánh sáng của một số án lệ gần đây
Những phát triển mới của Luật Biển quốc tế dưới ánh sáng của một số án lệ gần đây
Áp dụng án lệ - Nhu cầu tất yếu trong điều kiện cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam
Áp dụng án lệ – Nhu cầu tất yếu trong điều kiện cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam
Hệ thống pháp luật án lệ Anh - Mỹ và việc áp dụng cho Việt Nam
Hệ thống pháp luật án lệ Anh – Mỹ và việc áp dụng cho Việt Nam

Chuyên mục: Hiến pháp/ Hiến pháp Việt Nam/ Kiến thức chung Từ khóa: Án lệ/ Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 09/2015/ Tòa án nhân dân tối cao

Previous Post: « Hợp đồng hành chính vô hiệu theo quy định của luật công
Next Post: Người tham gia tố tụng theo pháp luật hình sự một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng